Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/10/2020

Gió thổi ngược : công dân bị trù dập gây lo sợ cho Đảng cộng sản

Giang Nguyễn - RFA tiếng Việt

Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được trao giải Stefanus

Giang Nguyễn, RFA, 20/10/2020

Tổ chức Stefanus Alliance International của Na Uy hôm 20 tháng 10 thông báo trao giải thưởng Stefanus 2020 cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển. Ông Ed Brown, Tổng thư ký của Liên minh Quốc tế Stefanus (Stefanus Alliance International) chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại rằng Giải thưởng Stefanus được trao cho những cá nhân đã thể hiện lòng dũng cảm và cống hiến thúc đẩy quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như các quyền con người khác ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Trước đây giải thưởng này từng được trao cho các nhân vật tại các quốc gia như Iraq, Bắc Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ.

congdan1

Ông Nguyễn Bắc Truyển, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/5/2007. Reuters

Ông Ed Brown cho biết : "Từ một danh sách những ứng viên rất sáng giá, Ủy ban giải thưởng, một bộ phận độc lập với Liên minh Stefanus, đã ghi nhận việc làm lâu năm của ông Nguyễn Bắc Truyển nhằm thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng và bảo vệ những sắc tộc thiểu số tôn giáo. Ông làm như thế không chỉ với cộng đồng của mình mà còn với các cộng đồng tôn giáo khác".

Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, một thành viên của Hội Ái Hữu tù nhân lương tâm và Hội Anh Em Dân chủ. Năm 2017 ông Truyển cùng một số nhà hoạt động khác bị bắt và bị đưa ra xét xử. Ngày 5/4/2018 ông bị tuyên án 11 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Bà Ingvill Thorson Plesner, Chủ tịch Ủy ban trao giải Stefanus, nhận định ông Nguyễn Bắc Truyển xứng đáng nhận giải. Bà nói ông nhiều lần đấu tranh cho quyền lợi của những người có niềm tin khác với ông, bất chấp hiểm nguy đối với cá nhân và gia đình của ông.

Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển từ Sài Gòn cho biết, giải thưởng Stefanus là một nguồn động viên cho gia đình bà :

"Bản thân tôi thì thật sự rất xúc động không nói nên lời khi được tin vui này, chồng tôi được giải thưởng này. Làm một người vợ, tôi hết sức tự hào về chồng mình. Tôi luôn ủng hộ anh và đồng hành cùng anh trên đường bảo vệ tự do tôn giáo. Cho dù bản thân tôi và các chị của tôi đã phải chịu sự trả thù hết sức là bất nhân của nhà cầm quyền Việt Nam".

congdan0

Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển hiện thụ án tại nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam. Bà Phượng nói lần cuối bà gặp ông Truyển là vào tháng 9, đã được ông cho biết ông bị đau nhức cả người do bị viêm xương khớp.

"Anh Truyển cũng đã nhiều thứ bệnh nhưng họ không khám, mà từ hồi bắt đến nay cũng là 3 năm rồi. Anh Truyển cũng làm đơn yêu cầu họ đưa đi khám tổng quát và chuyên khoa. Họ cũng không trả lời. Anh Truyển có hỏi cán bộ của trại giam đó mà họ cũng không trả lời. Gần đây tôi biết là anh Truyển lại bệnh cao huyết áp và bệnh gout. Cái đó là theo chẩn đoán của cán bộ y tế trại giam thôi, nhưng họ không đưa đi khám chuyên nghiệp nên không biết như thế nào".

Giải thưởng Stefanus được trao mỗi hai năm một lần, kèm theo giải là 10.000 Euro. Ông Ed Brown nói qua việc trao giải thưởng, Liên minh Quốc tế Stefanus không chỉ mong muốn tạo sự chú ý đến trường hợp của riêng ông Truyển, mà cả tình hình nhân quyền ở Việt Nam, nơi mà những người đứng lên vì quyền lợi của người khác lại bị bắt bớ.

Thế thì làm sao để khuyến khích một chính quyền như Việt Nam làm đúng như những gì họ đã cam kết qua các hiệp ước quốc tế ? Ông Brown cho biết, đầu năm 2019 Liên minh Stefanus đã tổ chức một chiến dịch viết thư để động viên Nguyễn Bắc Truyển trong tù. Hàng trăm bức thư đã được gửi đến trại giam An Điềm nhưng cán bộ đã ngăn chặn tất cả các bức thư nên ông Nguyễn Bắc Truyển không nhận được một lá thư nào.

Liên minh Stefanus đã không dừng ở đó. Ông Brown chia sẻ :

"Chúng tôi đã trình trường hợp (của ông Nguyễn Bắc Truyển) lên Quốc hội Na Uy và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ở đây. Trong các tương tác của chúng tôi với Bộ Ngoại giao, sau khi chúng tôi cho họ biết về một số tình huống, nếu ho cho rằng cần thiết thì họ sẽ đề cập với chính quyền địa phương. Trong trường hợp này, họ đã nói với tôi rằng họ sẽ nói chuyện với đại sứ quán ở Việt Nam và yêu cầu đại sứ nêu trường hợp này với chính quyền ở đó.

Ngoài ra, chúng tôi là một tổ chức nhỏ của Na Uy, nhưng chúng tôi có tầm hoạt động vượt ra ngoài Na Uy, và chúng tôi đã nêu vấn đề với nhiều cơ quan chức năng khác. Chúng tôi đã nâng nó lên ở cấp EU và với Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng của Liên Hiệp Quốc".

Ông Brown cho biết thêm tổ chức của ông cũng có liên hệ mật thiết với với Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo và Tín Ngưỡng Hà Lan và ông ấy cũng đã chia sẻ rằng ông sẽ trình bày với chính phủ Hà Lan và yêu cầu đại sứ quán nước này theo dõi tình hình của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển.

Năm 2011 ông Truyển đã nhận giải thưởng Hellman/Hammett của tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Gần đây Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Truyển. Phó chủ tịch của USCIRF, bà Anurima Bhargava từ năm 2019 đã nhận bảo trợ cho ông qua Dự án Tù Nhân Lương tâm Tôn Giáo của Ủy hội.

Tuần này bà Nguyễn Thị Kim Phượng lại một lần nữa dự tính lên đường đi thăm chồng tại trại giam An Điềm, như bà đã làm hàng tháng. Nhưng tình hình mưa lũ tại Miền Trung trong những ngày qua khiến các sông ở tỉnh Quảng Nam đã đạt đỉnh làm nhiều người thiệt mạng. Bà Phượng đã phải hủy chuyến thăm nuôi chồng tháng này vì được người địa phương cho biết đường vào trại giam ngập lụt không đi được.

Bà nói : "Ngoài đó thì lũ đang lên, tôi không biết nơi đó, chỗ anh Truyển ở có bị ngập hay không ? Còn những vùng phía ngoài, như đường đi vào đã ngập rồi. Thành thử điều này cũng làm cho tôi lo nhiều".

Tổng thư ký Ed Brown của Liên minh Stefanus nói, ông mong muốn tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển sẽ sớm được tự do, và khi đó ông muốn mời ông Truyển đến thăm Na Uy để cảm ơn ông về những nỗ lực bảo vệ tự do tôn giáo.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 20/10/2020

*************************

Những phụ nữ bị Chính quyền Việt Nam coi là "gai" !

RFA, 19/10/2020

Theo bước người thân !

"Đợt đấy em cũng buồn lắm. Nói chung, vừa mới sinh em bé xong nên cảm giác mình cũng bị trầm cảm. Nhưng mọi người động viên nhiều nên em cũng mạnh mẽ hơn".

Chia sẻ trên đây là của cô Đỗ Thị Thu. Một người vợ, một người mẹ trẻ ở Dương Nội.

congdan3

Tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc (bìa phải) và mẹ, cô giáo Huỳnh Thị Út. Courtesy : netizen

Đỗ Thị Thu là một trong số hàng triệu phụ nữ ở nông thôn Việt Nam chỉ biết quanh quẩn nơi cửa nhà và xó bếp để chăm sóc gia đình và không biết gì đến các khái niệm như "chính trị" và "xã hội".

Thế nhưng, cô buộc phải trở thành một facebooker, kể từ ngày chồng cô, anh Trịnh Bá Phương và mẹ chồng, bà Cấn Thị Thêu cùng em chồng, anh Trịnh Bá Tư bị bắt giam cùng một ngày vào hôm 24/6, với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".

Ba thành viên trụ cột trong gia đình chồng bị bắt giữ trong một ngày chỉ vì lên tiếng và cập nhật tin tức vụ án Đồng Tâm, mà vốn đã từng xảy ra tương tự như ở Dương Nội những năm về trước, khiến cho cả ba và mẹ chồng của cô bị tuyên án tù.

Vào tối ngày 30/8/2020, công an khu vực đến nhà chị Đỗ Thị Thu, để gửi giấy triệu tập của An ninh Hà Nội liên quan đến vụ án Trịnh Bá Phương. Tuy nhiên, cô Thu đã không đồng ý ký tên và cũng từ chối đi làm việc vào ngày 3/9 theo giấy triệu tập.

Vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, vào sáng ngày 19/10 nói với RFA rằng cô không lo sợ bất cứ điều gì sẽ có thể tiếp tục xảy ra với mình và gia đình bởi vì cô có niềm tin vào những điều mà gia đình cô đang làm vì người dân Dương Nội cũng như vì quyền lợi giữ lại những mảnh đất của cha ông của người nông dân Việt Nam.

Tương tự, một phụ nữ khác là cô giáo Huỳnh Thị Út, mẹ của tù nhân lương tâm trẻ tuổi-Trần Hoàng Phúc.

Sinh viên Trần Hoàng Phúc, một thành viên của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng Thống Mỹ Barack Obama khởi xướng, với một tương lai đầy hứa hẹn và sáng lạng lại bị Chính quyền Việt Nam tuyên án 6 năm tù giam, với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, 20/10/2020, cô giáo Huỳnh Thị Út nhớ lại đứa con trai của cô thường vẽ tranh tặng mẹ những dịp người phụ nữ được vinh danh và trân trọng.

"Từ ngày Phúc bị đi tù đến giờ thì nói chung tôi rất là trống vắng, thiếu đi tiếng cười, thiếu đi những lúc nói chuyện thật vui vẻ bên con, hiểu được con nhiều hơn. Bây giờ, Phúc đi tù rồi thì những giây phút hạnh phúc đó không còn nữa".

Thân mẫu của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc chia sẻ với RFA rằng những việc Phúc làm là xuất phát từ sự hiểu biết và dấn thân cho dân tộc và đất nước Việt Nam. Cho nên, hai mẹ con không cảm thấy có điều gì phải hối tiếc. Cô Huỳnh Thị Út nhấn mạnh con trai đang phải bị ở tù, thì một người mẹ chỉ có thể tiếp sức cho con ở ngoài xã hội mà công việc của con trai bà đang làm dang dở và đó là điều hạnh phúc mà cả hai mẹ con được cống hiến một phần nào đó cho cộng đồng và xã hội.

Không chỉ mỗi mẹ của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc mà còn đó không ít những phụ nữ như bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân chính trị-ký giả Trương Minh Đức ; bà Lê Thị Thập, vợ của tù nhân chính trị Lưu Văn Vịnh ; bà Nguyễn Thị Châu, vợ của kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh… Tất cả họ trở thành những người tiếp tục thay chồng thực hiện những quyền căn bản của một công dân Việt Nam là quyền được tự do bày tỏ và tự do ngôn luận. Không những vậy, họ còn cố gắng đưa tin, kết nối cũng như giúp đỡ cho hoàn cảnh thân nhân của các tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam.

Vợ của ký giả Trương Minh Đức, bà Nguyễn Thị Kim Thanh xác quyết với RFA :

"Là một người vợ thì nói thật là dù có phải vất vả nhưng tôi cũng rất tự hào về chồng tôi, về những công việc mà anh ấy làm như vậy thì rất đúng và chính đáng".

congdan4

Lời nhắn nhủ của nhà báo Phạm Đoan Trang gửi đến cộng đồng sau khi cô bị bắt vào ngày 6/10/20. Courtesy : netizen

Tinh thần được lan tỏa

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người phụ trách quản lý quỹ từ thiện 50K giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm tại Việt Nam, lên tiếng với RFA rằng bà nhận thấy sự hy sinh của chính những phụ nữ dấn thân đấu tranh vì dân chủ và xã hội Việt Nam quả là bị thiệt thòi khi họ phải chịu cảnh tù đày khắc nghiệt. Nhưng, những người phụ nữ trong gia đình của các tù nhân lương tâm ở bên ngoài cũng hy sinh lớn lao không kém.

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, hồi đầu năm 2018 khởi xướng lời kêu gọi quyên góp tài chính giúp cho Hội Anh Em Dân chủ lệ phí thuê luật sư. Tuy nhiên, lời kêu gọi đó được cộng đồng hưởng ứng rất nhiều và lắm lúc bà Nguyễn Thúy Hạnh cảm thấy mình bị quá sức trong công việc quản lý Quỹ từ thiện 50K.

"Nhiều lúc cũng muốn đóng lại, nhưng càng tiếp xúc với những gia đình đó thì mình càng lại thấy bản thân mình phải cố lên. Ví dụ như gia đình mục sư Đinh Diêm, mà ông bị tuyên án tù 16 năm. Nhà ông ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Quỹ 50K đã trở thành chỗ bấu víu duy nhất của người phụ nữ. Bởi vì vợ của mục sư Đinh Diêm đã nghèo và nuôi chồng trong tù, lại còn có người con gái bị bệnh nặng. Hay, vợ của tù nhân lương tâm Lê Thanh Tùng thì hoàn cảnh cũng vô cùng khó khăn. Bà vừa nuôi chồng ở tù, vừa nuôi mẹ già và đứa con gái vừa mới lớn, 16 tuổi bị tâm thần phân liệt. Những gia đình này tâm sự là họ không biết kêu gọi ở đâu, không biết nhờ vả ở đâu, mà chỉ có thể nghĩ đến Quỹ 50K là nơi duy nhất mà họ có thể dựa vào".

Bà Nguyễn Thúy Hạnh khẳng định rằng với tinh thần vững vàng của các nữ tù nhân lương tâm và những người vợ, người mẹ tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam lan tỏa tinh thần kiên cường cường của họ và chính cá nhân bà cũng cố gắng sức mọn để tiếp sức cho họ trong khả năng nhỏ nhoi của mình.

Nữ nhà báo tự do Sương Quỳnh, vào sáng ngày 19/10 khẳng khái bày tỏ với RFA rằng đối với bà ngày Phụ nữ Việt Nam hay ngày Quốc tế Phụ nữ là những ngày lễ sáo rỗng. Bởi vì trong thực tế, bao nhiêu người phụ nữ và trẻ em không được bảo vệ bởi luật pháp và thậm chí Hội Phụ nữ Việt Nam càng không thực hiện chức năng và trách nhiệm của họ cho các chị em nữ giới ở Việt Nam.

"Một hiệp hội chỉ báo hại tiền thuế của dân không làm được gì hết. Thế thì vinh danh cái gì ? Trong khi những con người đáng được vinh danh thì lại không được vinh danh mà bị bắt đi tù. Vậy thì có đáng ăn mừng không ? Còn xã hội, người ta nườm nượp đấy, họ chỉ dùng ngày đấy để mua vui cho nhau thôi. Vì đấy cũng là lý do mà tôi không bao giờ quan tâm đến cái ngày chỉ làm những việc sáo rỗng trong khi những việc thật sự cần làm thì họ lại không làm".

Bà Sương Quỳnh tiếp lời rằng những tấm gương như Phạm Minh Mẫn, Phạm Thanh Nghiên, Cấn Thị Thêu, v.v và mới nhất nữ nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ không đơn độc trong hành trình của họ mà ngày càng có nhiều hơn nữa những phụ nữ chân yếu tay mềm như cô Đỗ Thị Thu, vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương hay cô Nguyễn Xoan, con dâu tù nhân chính trị Trần Đình Lương và ngay cả bản thân nhà báo Sương Quỳnh cũng dấn thân vì một xã hội mà phụ nữ có được nữ quyền đúng nghĩa và được xã hội thật sự trân quý họ.

Cựu tù nhân chính trị-nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình tâm tình rằng ông không kể đến những ngày lễ phù phiếm mà Chính quyền Hà Nội đặt ra để vinh danh cho nữ giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình dành mỗi một ngày để vinh dạnh họ và các nữ tù nhân lương tâm cùng thân nhân là nữ giới của những tù nhân chính trị xứng đáng được tôn vinh.

"Người đàn ông đi ngang ngưỡng cửa tù thì còn đỡ hơn người phụ nữ. Người phụ nữ rất là khổ ải. Thời gian trước, chúng ta cũng từng nghe một nữ tù nhân lương tâm không được nhận tiếp tế cái băng vệ sinh. Phụ nữ trong thời gian như thế rất là khó khăn mà lại bị rơi vào hoàn cảnh tù thì họ gặp khó khăn gấp bội phần. Hiện nay không có đủ phòng giam tù đủ cho tù nhân chính trị nữ, cho nên họ bị ở tù xen kẽ với tù thường phạm. Chính vì vậy mà họ đối diện với những khó khăn rất nhiều so với tù nhân chính trị nam. Do đó, mình có thể khẳng định rằng người đàn ông Việt Nam nợ người phụ nữ Việt Nam rất nhiều".

Những người phụ nữ Đài RFA được dịp trao đổi nhân ngày Phụ nữ Việt Nam năm 2020 cùng quan điểm rằng họ chỉ là những viên gạch lót đường cho xã hội dân chủ và văn minh ở Việt Nam. Dù rằng con đường còn xa xôi lắm, nhưng họ có niềm tin công việc của họ chắc chắn không phải là "dã tràng xe cát Biển Đông".

Chúng tôi xin kết lại bài ghi nhận này với lời nhắn nhủ của nữ nhà báo Phạm Đoan Trang gửi đến cộng đồng, sau khi cô bị bắt vào ngày 6/10 vừa qua rằng "Tôi không cần tự do cho riêng mình, nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều : Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn".

Nguồn : RFA, 19/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Nguyễn, RFA tiếng Việt
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)