Các nhà khoa học Việt Nam cần dũng cảm để liên tục lên tiếng…
Triệu Tử Long, VNTB, 21/10/2020
Sở dĩ gọi là cần đến sự dũng cảm, vì ở Việt Nam nếu như ai đó cứ miệt mài ‘phản biện’, dễ bị chụp chiếc mũ ‘chính trị hóa’.
Các hồ thủy điện ở Quảng Nam luân phiên xả lũ để chủ động ứng phó có hiệu quả với áp thấp nhiệt đới đang di chuyển vào biển Đông
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là một trong những người kiên trì lên tiếng về yêu cầu truy cứu trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong các dự án về thủy điện.
Ở bài báo "Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn, Nghệ An, bị khởi tố" đăng trên trang web của Ban Việt ngữ đài VOA (Hoa Kỳ), tác giả Phạm Chí Dũng có đoạn viết :
"Được cơ quan chủ quản là Bộ Công thương "bảo kê" hồ sơ tội ác của EVN đã dày quá khổ, không chỉ vì quá nhiều lần tăng giá điện vô lối đánh úp túi tiền cùng kiệt của dân nghèo, mà hành vi cực kỳ nhẫn tâm còn xảy đến vào mùa mưa bão cuối năm 2013 : tháng Mười Một năm đó, tập đoàn này hoàn toàn vô trách nhiệm khi để 15 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ lên đầu người dân vùng rốn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc… khiến gây ra cái chết tang thương của hơn 50 mạng người.
(…) Phú Yên với liên tiếp những cú xả lũ của thủy điện sông Hinh và thủy điện sông Ba Hạ những năm trước là một điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy. "Vô cảm" xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư luận dành để mô tả về quan chức thời nay.
Tất cả đều biết cấp trên trực tiếp của các nhà máy thủy điện là EVN, còn thủ trưởng trực tiếp của EVN là Bộ Công thương. Tuy nhiên, sau vụ "giết sống" trên, nhiều phóng viên báo chí quốc doanh đành nuốt nhục vì bị cơ quan tuyên giáo "chặn họng".
Tội ác đã được che chắn đến mức tối đa sau khi xuất hiện thông tin EVN và cơ quan chủ quản quá nhiều lần "bảo kê" cho tập đoàn này là Bộ Công thương đã có "quan hệ" đủ dày và đủ sâu để Ban Tuyên giáo trung ương, theo thói quen "nắm đầu" báo chí và công khai cấm cản tất cả những tin tức không có lợi cho "đảng ta" và cả bất lợi cho "chúng ta", đã chặn đứng kế hoạch đưa vụ EVN ra công luận của những tờ báo ít sợ nhất.
(…) Thậm chí sau đó EVN còn được Bộ Công thương đề nghị nhà nước phong tặng các loại huân chương cao quý !
Ở trên cao và trùm lên tất cả, trách nhiệm thuộc về Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng – người đứng đầu một bộ có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch thủy điện, phê duyệt các dự án thủy điện.
Bất chấp những lời dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, mất nghề và khốn đốn trong sinh hoạt.
(…) Ba năm sau vụ 15 nhà máy thủy điện của EVN đồng loạt xả lũ giết chết hơn năm chục mạng dân nghèo ở rốn lũ miền Trung, lịch sử lại tái diễn trên mảnh đất xơ xác này vào mùa bão lũ cuối năm 2016. Những tờ báo nhà nước phẫn nộ nhất cũng chỉ dám úp mở đánh tiếng vụ Thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh là "xả lũ sai quy trình", nhưng không dám nói gì về hơn 20 người Hương Khê bị những kẻ vận hành xả lũ làm thiệt mạng. Sau đó, như một hiệu lệnh bất thành văn đầy dấu hiệu tuyên giáo, giới truyền thông quốc doanh im bặt" (*).
Tác giả Phạm Chí Dũng nhìn vụ việc qua lăng kính của pháp luật, và ông đã liên tục lên tiếng bằng các bài báo kêu gọi những quan chức chóp bu cần chí ít là tôn trọng pháp luật trong vấn đề xả lũ, về quy hoạch thủy điện.
Còn tiếng nói của nhà khoa học đối với các quy hoạch thủy điện, tuy có, nhưng lại không đủ sức bền đeo đuổi với sự nhẫn nại như nhà báo Phạm Chí Dũng.
Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu, Viện Cơ học và Kỹ thuật môi trường, từng lên tiếng trong vụ thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh.
Theo tiến sĩ Lan Châu, từ năm 2014, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định số 138/QĐ-PCTT về việc phê duyệt Phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô, và cùng trong năm này đã tiến hành thẩm tra Phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô.
Trước đó, Quyết định số 2072/QĐ-CT do UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ban hành ngày 05-09/2012 cũng nêu rõ : với tần suất xả lũ từ 1% – 10% và lưu lượng xả từ 1637 đến 2758m3/s thì chỉ gây ngập một số diện tích canh tác vùng thấp. Tuy nhiên, trong trận lũ này 14 đến 16/10/2016, lưu lượng xả lớn nhất mới dừng ở mức 1800 m3/s thì hạ du đã bị lụt nặng.
"Thực tế này cho thấy cần xem xét, tính toán lại và điều chỉnh các phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du Nhà máy thủy điện Hố Hô mà tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt" – tiến sĩ Nguyễn Lan Châu đề nghị.
Thế nhưng ngần ấy năm đi qua, dường như mọi chuyện chỉ bừng thức dậy khi hôm 19/10/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình và xử lý hỗ trợ, khắc phục mưa lũ tại miền Trung, cho hay "đã điều các chuyên gia thủy lợi vào các tỉnh miền Trung hỗ trợ công tác điều tiết các hồ thủy điện, thủy lợi, vì nhiều hồ đã đầy nước, nếu bị vỡ sẽ là thảm hoạ".
"Nếu lúc này nhà báo Phạm Chí Dũng được trở lại tự do viết lách, có lẽ ông sẽ vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền lợi của người dân sống trong vùng nhìn đâu cũng thấy đập thủy điện như miền Trung mùa mưa bão !" – một người bạn cùng thời làm việc ở Thành ủy với ông Dũng, chia sẻ ước ao.
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 21/10/2020
Chú thích :
(*)https://www.voatiengviet.com/a/nha-may-thuy-dien-nam-non-nghe-an-bi-khoi-to/5006237.html
***********************
Những cái chết oan trong đợt lũ lụt miền Trung ?
Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 21/10/2020
Chủ quan, vô trách nhiệm của chủ dự án Rào Trăng 3, tham mưu đơn vị kiểm lâm, quân đội là nguyên nhân dẫn đến những cái chết cả loạt vô cùng thương tâm vừa qua.
102 người trong đó có cả loạt như vụ 13 cán bộ chiến sĩ bị sạt lở vùi lấp ở trạm kiểm lâm 67, vụ 22 cán bộ chiến sĩ quân đội bị vùi lấp ở đơn vị 337 và cũng hơn chục công nhân bị vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3.
Trong đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua thiệt hại nhân mạng quá lớn tới 102 người trong đó có cả loạt như vụ 13 cán bộ chiến sĩ bị sạt lở vùi lấp ở trạm kiểm lâm 67, vụ 22 cán bộ chiến sĩ quân đội bị vùi lấp ở đơn vị 337 và cũng hơn chục công nhân bị vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3.
Liệu có tránh được những cái "chết loạt" này không ?
Hoàn toàn có thể tránh được nếu những người, cơ quan có trách nhiệm thực sự quan tâm sinh mạng của con người.
Mỗi khi dựng một căn nhà người dân thường phải xem địa hình, địa vật nơi đó có thuận tiện cho việc ăn, ở sinh hoạt, an toàn, mát mẻ về mùa hè ấm áp về mùa đông hay không. Người cẩn thận hơn còn phải nhờ thầy, mượn thợ xem có hợp phong thủy này, nọ hay không…Chính vì vậy các ngôi nhà, lán ở miền núi bị sạt lở vùi lấp chiếm tỷ lệ rất thấp.
Gần chục năm chiến đấu ở chiến trường 559 chủ yếu là đóng quân ở các vùng rừng núi hiểm trở, mùa mưa tầm tã liên tục suốt 6 tháng trời lại ang sốt rét, bom đạn, thám báo… nhưng đơn vị tôi cũng như các đơn vị của cả đoàn 559 chưa khi nào bị sạt lở chết những loạt người như ở miền trung vừa qua. Sở dĩ như vậy vì đoàn 559 có đơn vị khảo sát, mọi nơi đóng quân của các đơn vị dù chỉ một tuần, vài tuần (nếu không bị phát hiện đánh phá) đều được khảo sát trước. Nếu chỗ ở đó có địa hình an toàn thuận tiện cho việc sinh hoạt, khó bị máy bay phát hiện và khi bị ném bom, tập kích dễ phòng tránh… thì mới được đóng quân, lập binh trạm, kho ang…
Chỗ đóng quân ngoài đơn vị khảo sát chỉ định, lãnh đạo, tham mưu đơn vị còn phải khảo sát lại lần nữa chỗ ở cho từng đơn vị. Đơn vị tôi là đại đội thông tin vô tuyến điện của bộ tư lệnh 559 nên các đài phải làm hầm đặt máy giãn cự ly sao cho không phá ang của nhau lại không quá tập trung để trinh sát đối phương phát hiện, định vị, khi bị ném bom giảm thương vong và không bị sạt lở vùi lấp khi mưa bão.
Thế mà nay ở thời bình mà tại sao chủ dự án điện Rào Trăng 3, đơn vị 337, trạm kiểm lâm 67 lại làm nhà trú ngụ cho công nhân, nhân viên và bộ đội nơi có nguy cơ bị lở ?
Với người dân không có chuyên môn, nghiệp vụ, khảo sát thì có thể họ làm công trình nơi dễ bị sạt lở là có thể thông cảm nhưng với những dự án thủy điện, trạm kiểm lâm, doanh trại quân đội thì không thể làm nhà ở tùy tiện được !
Chủ quan, vô trách nhiệm của chủ dự án Rào Trăng 3, tham mưu đơn vị kiểm lâm, quân đội là nguyên nhân dẫn đến những cái chết cả loạt vô cùng thương tâm vừa qua.
Đoàn cứu hộ 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích
Trước đó, vào lúc 12 giờ ngày 12/10, một người dân gọi điện thoại trực tiếp cho ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thông báo lúc 12 giờ ngày 11/10 đã xảy ra sạt lở núi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3. Nhận được thông tin, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ cứu nạn.
Đoàn gồm có lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Cứu hộ cứu nạn, Quân khu 4, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban chỉ huy quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan.
Đoàn xuất phát lúc 14 giờ cùng ngày từ Huyện ủy Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được. Vì vậy đoàn để lại ô tô, đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km. Đến 21 giờ cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ.
Thông tin báo về tỉnh lúc 22 giờ ngày 12/10, đoàn dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm, nhà có bốn gian. Lúc 0 giờ ngày 13/10, sau tiếng nổ lớn, tòa nhà đoàn đang nghỉ bị đất, đá sụp từ núi gần đó trùm lên. Theo thông tin ban đầu, tám người trong đoàn thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất tích. Trong đó có 11 cán bộ quân đội và hai cán bộ địa phương (1).
Đến 19g20 phút ngày 15/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 13 thi thể thành viên của Đoàn công tác gặp nạn tại khu vực Tiểu khu 67 thuộc Trạm Kiểm lâm ang Bồ. Tất cả các thi thể đã được đưa về Bệnh viện Quân y 268 ở thành phố Huế và đã xác định được danh tính.
Thời gian tổ chức lễ truy điệu chung cho các thành viên Đoàn công tác tại Nhà tang lễ 268 chưa được công bố cụ thể.
Trong khi đó, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai thông tin, mưa lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung kéo dài từ ngày 5/10 đến nay đã làm 55 người chết (gồm cả 13 thành viên Đoàn cứu hộ tử vong tại Tiểu khu 67) và vẫn còn bảy người mất tích (chưa bao gồm 16 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3). Ngoài ra, hoàn lưu bão số 7 cũng khiến một người ở Yên Bái bị nước cuốn trôi mất tích (2).
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 21/10/2020
(1) https://plo.vn/thoi-su/don-suc-tim-kiem-hang-chuc-nguoi-mat-tich-o-rao-trang-3-943779.html
(2) https://anninhthudo.vn/mua-lu-lam-62-nguoi-chet-va-mat-tich-tiep-tuc-mo-duong-vao-rao-trang-3-tim-16-cong-nhan-post447397.antd
***********************
Liệu có khởi tố vụ án ‘xả không theo quy trình’ ?
Hà Nguyên, VNTB, 21/10/2020
"Đối với hồ thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, hồ chứa không có dung tích phòng lũ và nhiều khi ‘tiếc’ nước nên không vận hành xả lũ theo đúng quy trình trước khi đón lũ. Khi lũ về thì phải xả lũ, gây ra tình trạng lũ chồng lũ".
Ý kiến ở trên là của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, khi được báo chí thắc mắc quanh việc lũ ở các tỉnh miền Trung dâng cao đột ngột trong đêm khiến người dân không kịp trở tay, phải ‘cầu cứu’ trên mạng xã hội.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, lũ lên cao đột ngột là do các hồ chứa, hồ thủy điện ‘xả trộm’ trong đêm, ông Hiệp khẳng định các hồ chứa lớn, kể cả thủy điện hay thủy lợi, thì không có chuyện xả trộm mà đều xả theo quy trình vận hành.
"Đối với hồ thủy điện nhỏ thì chúng ta cũng không loại trừ khả năng vì các hồ chưa thực hiện nghiêm vận hành, chưa lắp đặt thiết bị đo lưu lượng lũ đến và xả, thiết bị giám sát về trung tâm điều hành các địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm chặt và nghiêm việc giám sát các hồ thủy điện nhỏ" – ông Hiệp nói.
Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư Hà Nội), đặt vấn đề liên quan "xả theo quy trình vận hành" : Trước hết, đập thủy điện xả nước dù có đúng quy trình chăng nữa, song lại góp phần gây lũ lớn làm chết người và nhấn chìm tài sản, thì không thể nói các đập thủy điện vận hành an toàn ổn định, mà ngược lại đó là hoạt động đang rất có vấn đề, và cũng cần xem lại cái gọi là "quy trình vận hành" đó.
Từ 9g ngày 16/10/2020, Nhà máy Thủy điện Hố Hô bắt đầu xả lũ với lý do điều tiết nước để hạ dần mực nước trong lòng hồ. Rút kinh nghiệm ‘sự cố’ ở mùa mưa bão tháng 10/2016, phía Nhà máy Thủy điện Hố Hô phát hành thông báo có thòng thêm câu : "Trong quá trình diễn ra mưa lớn trên diện rộng, tùy theo lưu lượng nước về hồ từng thời điểm, Nhà máy Thủy điện Hố Hô sẽ điều tiết nước qua tràn với lưu lượng dự kiến từ 300 – 1.500 m3/s". Lưu ý, với phổ quá rộng từ con số 300 lên đến 1.500 m3/s, thì xem ra thiệt hại kiểu không trở tay kịp là đương nhiên.
Trong đợt mưa bão tháng 10/2016 thủy điện Hố Hô xả lũ làm tăng ngập lụt ở huyện Hương Khê. Những tranh cãi dẫn đến Thủ tướng yêu cầu thanh tra và Bộ Công thương lập đoàn công tác để kiểm tra và phân xử. Song vấn đề quy trình xả lũ và vai trò của thủy điện nhỏ thì đến nay chưa giải quyết được.
Phía nhà máy thì cho rằng họ đã "xả lũ đúng quy trình", và là "bất khả kháng, do trời mưa quá lớn", tức là "tại trời", dựa trên lý do để vỡ đập thì còn tệ hại hơn.
Còn phía UBND huyện Hương Khê thì cho rằng "thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500m3/s – 1.800m3/s đã khiến người dân trở tay không kịp".
Khi đó trao đổi với báo chí, Chủ tịch huyện Hương Khê nói : "Xả lũ như Hố Hô, dân giữ được mạng là tốt lắm rồi", và đưa ra câu hỏi "Liệu 13 MW của thủy điện Hố Hô quan trọng hơn sinh mạng của người dân ?".
Về hiệu quả kinh tế, theo cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh cho biết khi xây dựng nhà máy đã ngốn hết 1.000 ha rừng của địa phương, mà chỉ đáp ứng chưa tới nhu cầu sử dụng điện của 1 huyện.
Trở lại với câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, "Đối với hồ thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, hồ chứa không có dung tích phòng lũ và nhiều khi ‘tiếc’ nước nên không vận hành xả lũ theo đúng quy trình trước khi đón lũ. Khi lũ về thì phải xả lũ, gây ra tình trạng lũ chồng lũ".
Nếu ông Hiệp đã có xác nhận như vậy, thì liệu ‘hậu lũ’, ông có đề xuất cơ quan điều tra vào cuộc để truy cứu trách nhiệm hình sự của những ông, bà chủ được gọi là "thủy điện nhỏ" này ? Bởi, với quy mô đáp ứng nhu cầu sử dụng điện chỉ 1 huyện như Nhà máy Thủy điện Hố Hô, thì đây cũng là một "thủy điện nhỏ" ; và cũng có thể họ tự cho mình luôn cái quyền như xác nhận của ông Thứ trưởng, là ‘tiếc nước’ nên giờ chót đành chẳng đặng đừng phải xả lũ… có thể lên đến 1.500 m3/s (!?).
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 21/10/2020
***********************
Một con ngựa đau…
Nguyễn Huyền, VNTB, 21/10/2020
Tục ngữ Việt Nam có câu "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", loài vật mà còn biết đau xót vì nhau chứ huống chi là con người…
Dưới ánh sáng chớp lòa, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ‘ăn mừng’ với cờ hoa, xướng nhạc gọi là "Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Son sắt một niềm tin" chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần XI"
Mượn hình ảnh của những con ngựa trong cùng một môi trường sinh trưởng để thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ giữa người với người. Khi một con ngựa bị đau ốm, cả bầy ngựa cũng chẳng buồn ăn. Nhìn thấy người anh em, người đồng đội của mình như thế, tất cả những con ngựa còn lại cũng muốn thể hiện một chút hành động nhỏ nhằm bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ của mình.
Thế nhưng thật mỉa mai cho việc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ‘ăn mừng’ với cờ hoa, xướng nhạc gọi là "Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Son sắt một niềm tin" chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần XI" (*) diễn ra vào tối 18/10, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1).
Theo lời giới thiệu, chương trình nghệ thuật "Sắt son một niềm tin" với kết cấu 3 chương : "Dưới cờ Đảng quang vinh", "Hát về Thành phố hôm nay" ; "Ngời sáng niềm tin theo Đảng".
Trang tin điện tử của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã bình luận về đêm nhạc đó như sau : "Mở đầu bằng giai điệu rộn ràng của ca khúc Niềm tin Đại hội, chương trình "Sắt son một niềm tin" đã dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc : từ hoài niệm, tự hào về Đảng ta qua các ca khúc bất hủ Nguồn sáng dẫn đường, Huyền diệu, Em là mầm non của Đảng… ; đến niềm vui phấn khởi qua những chặng đường phát triển của Thành phố với các giai điệu trẻ trung của những : Bản tình ca giữa lòng Thành phố, Thành phố của những huyền thoại, Thành phố trẻ, Thành phố niềm tin, Thành phố mãi mãi một tình yêu, Thành phố lạ, Ngày mới trên Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh – nơi những dòng sông hội ngộ… Từ đó gợi lên niềm tin bất diệt vào một Thành phố Hồ Chí Minh tương lai ngời sáng từ sự đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân Thành phố, trước mắt cho những nhiệm vụ mới mà Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần XI đã đặt ra".
Trong lúc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cờ hoa, xướng nhạc nhảy múa mừng đại hội thành công, thì cùng thời gian đó tin tức tường thuật cập nhật của báo chí liên tục dội vào lòng người đọc những nghẹn ngào nỗi đau xé tâm can – trích :
16g45, ngày 18/10 : Thông tấn xã Việt Nam đưa tin : Trung tướng Nguyễn Tân Cương, thứ trưởng Bộ Quốc phòng – cho biết, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sĩ trong vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Các lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn đang dồn nhân lực, vật lực để khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường vào hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, công tác tìm kiếm các cán bộ chiến sĩ bị mất tích được thực hiện với tinh thần khẩn trương nhất và quyết liệt nhất, nhưng yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Lực lượng công binh dẫn theo chó nghiệp vụ đi bộ từ điểm sạt lở gây tắc đường vào thôn Cợp, xã Hướng Phùng cũng đã vào được hiện trường vụ sạt lở đất. Lực lượng này đã đi bộ khoảng 2 km đến hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp để tiến hành tìm kiếm nạn nhân còn mất tích. Dự kiến sáng 19/10, tuyến đường vào hiện trường sạt lở được thông xe, lực lượng chức năng sẽ đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài. Sau đó, dùng xe chuyên dụng đưa về một bệnh viện tại thành phố Đông Hà.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp tục được tăng cường, nhằm thực hiện mục tiêu "kép" vừa tìm kiếm cứu nạn các cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp do sạt lở đất, vừa hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm và vật tư y tế ở những địa bàn bị cô lập. Khó khăn nhất hiện nay là mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và khó khắc phục các điểm sạt lở.
16g10 : Hiện trời vẫn đang mưa. Còn khoảng một tiếng nữa trời sẽ tối. Lực lượng cứu hộ đang cố tìm được các nạn nhân trước khi trời tối.
Theo một cán bộ phòng tham mưu của đơn vị, trong 22 người gặp nạn thì có 19 người thuộc phòng tham mưu, 3 người phòng hậu cần. Trong đó 3 người phòng hậu cần ở 2 phòng riêng, và khi tìm thấy họ thì trong phòng không có bùn đất, do đó nguyên nhân có thể là tường nhà sập.
15g40 : Tìm thấy thi thể thứ 12. Lực lượng chức năng cũng đã khắc phục xong tuyến đường để đưa người vào tiếp cận. Đoàn Sở Chỉ huy tiền phương bắt đầu tiến vào hiện trường vụ sạt lở.
14g50 : Tìm thấy thi thể thứ 11. Hiện nay có trên 400 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị Quân khu 4, Bộ đội biên phòng Quảng Trị, dân quân địa phương và các phương tiện đang trực tiếp tham gia cứu hộ.
Theo baochinhphu.vn, lúc 14g, Trung tướng Nguyễn Tân Cương – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay đã lệnh 2 trực thăng sẵn sàng ở Đà Nẵng, chờ thời tiết tốt sẽ bay tiếp cận xã Hướng Phùng đang bị cô lập, thả lương thực và thuốc men cho người dân.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu cắt cử người trên khu vực cao quan sát, đánh kẻng cảnh báo nếu phát hiện sạt lở ; các lực lượng cứu hộ làm cả ca đêm để đưa nạn nhân ra sớm nhất.
14g30 : Đã tìm được 10 thi thể. Bước đầu đã xác định được các thi thể là Lê Hương Trà, Lê Đức Thiện, Phạm Ngọc Quyết và một người tên Toàn.
14g15 : Mưa tại Hướng Phùng bắt đầu nặng hạt. Nước đổ về nhiều tại các điểm chia cắt.
13g50 : Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ có mặt điểm sạt lở đường vào Hướng Phùng chỉ đạo khắc phục. Hiện điểm sạt lở tại Km số 15 đã được thông, lực lượng chức năng tiến nhích từng chút vào Hướng Phùng vì phía trước còn nhiều điểm chia cắt. Tuy nhiên vừa qua điểm sạt lở tại Km 15 được 400m thì đường vào Hướng Phùng xuất hiện một điểm sạt lở còn nghiêm trọng hơn.
Chỉ đạo tại hiện trường, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, trung tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu các đơn vị tập trung giải phóng đất đá để người đi qua. Ông Cương cũng chỉ đạo một mũi cứu hộ hàng không ứng trực tại sân bay Phú Bài sẵn sàng làm nhiệm vụ…
"Vui sướng gì mà ngồi đó nghe hát hò. Tôi biết mấy quan chức nhà mình sốt ruột lắm, thế nhưng dường như đây cũng là dịp để thử xem ngài tân Bí thư ứng phó uyển chuyển ra sao. Ai dè ông ấy cũng điềm nhiên ngồi dự hát hò ngợi ca Đảng, để nghe thiên hạ chào mừng ông vừa được chọn ngồi ghế Bí thư. Tân Bí thư ấy chắc quên mất lời ông bà mình dạy, nhiễu điều phủ lấy giá gương…" – một cán bộ hưu trí từng có vai vế ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Nguyễn Huyền
Nguồn : VNTB, 21/10/2020
Chú thích :
(*)https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-son-sat-mot-niem-tin-chao-mung-thanh-cong-dai-hoi-dang-bo-tphcm-l-1491870736
************************
Luật sư xúi dân ‘hành động’ ?
Hà Nguyên, VNTB, 21/10/2020
‘Hành động’ ở đây không phải là kêu gọi xuống đường biểu tình để mong làm ‘phản động’, mà ‘hành động’ để mong được giữ gìn Đảng, để Đảng xứng đáng nhận được sự kính trọng của ít nhất là cũng từ các đảng viên.
Thủy điện chắc chắn là nguyên nhân lớn gây nên lũ lụt và hạn hán, bởi nó làm mất rừng và phá vỡ cấu trúc tự nhiên.
Luật sư Nguyễn Danh Huế thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội sau khi biện giải đã có lời kêu gọi người dân hãy thực hiện quyền làm chủ của mình – một thứ quyền mà thuở sinh tiền, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất mạnh miệng tuyên bố : "Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" (Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 5, trang 75, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012).
Luật sư Nguyễn Danh Huế, kêu gọi :
"Riêng các tỉnh miền Trung đã có đến mấy trăm thủy điện lớn, nhỏ. Thủy điện chắc chắn là nguyên nhân lớn gây nên lũ lụt và hạn hán, bởi nó làm mất rừng và phá vỡ cấu trúc tự nhiên.
Tại sao các doanh nghiệp thích làm thủy điện ? Chỉ cần suy luận rất đơn giản thế này, điện cũng là một sản phẩm hàng hóa, với doanh nghiệp sản xuất thì việc hàng có bán được hay không là yếu tố thành bại. Để bán được hàng thì doanh nghiệp phải tốn kém rất nhiều chi phí cho marketing, xây dựng hệ thống phân phối… mà chưa chắc đã bán được hàng.
Nhưng sản xuất điện thì khác, sản xuất đến đâu bán sạch đến đấy mà không mất nhiều chi phí bán hàng, chưa kể có được cái nhà máy sản xuất điện đúng như có con gà đẻ trứng vàng, ung dung ngồi hưởng thành quả lâu dài. Các doanh nghiệp đua nhau làm nhà máy điện cũng vì như thế. Khi nhiều doanh nghiệp muốn làm thì đương nhiên chính quyền rất thích, lúc ấy chính quyền có quyền ra "cơ chế".
Sản xuất ra điện không phải chỉ lo bán hàng là thích, việc khi được phê duyệt dự án rồi thì chặt rừng bán gỗ cũng thích không kém, có khi bán gỗ và khai thác khoáng sản đã thu gần hết vốn.
Luật quy định khi chặt rừng làm thủy điện thì phải trồng rừng bù đắp cho phần chặt đi, nhưng thực tế chẳng mấy doanh nghiệp trồng, bởi đơn giản, lấy đất đâu mà trồng ? Đó còn chưa kể đến việc nâng khống giá trị đầu tư để vay ngân hàng, nhiều anh "tay không bắt giặc" cũng vì thế, có khi chưa bỏ ra xu nào đã có cái thủy điện trong tay.
Để ngăn chặn việc phát triển thủy điện ồ ạt thì cần nhiều giải pháp, nhưng có lẽ cách bền vững nhất là phát triển năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời – thứ mà rất phù hợp với miền Trung nước ta, nhưng chi phí đầu tư rất cao. Cần nói không với các doanh nghiệp FDI trong một số lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện mà gây ô nhiễm môi trường như sản xuất thép…, đưa mấy doanh nghiệp như Formosa vào thì cái lợi trước mắt nhưng cái hại thì lâu dài và lớn gấp nhiều lần cái hại.
Đừng bao giờ mong chính quyền nghĩ cho dân hay chính quyền tự sửa sai. Chỉ khi người dân trưởng thành, biết buộc chính quyền phải hành động đúng để bảo vệ môi trường sống của mình thì khi đó mới hết những kiếp nạn hiện nay !"
Không khó để nhận thấy việc xin cấp phép xây dựng những nhà máy thủy điện nhỏ thực chất chỉ là mượn cớ làm thủy điện để hợp thức hóa việc phá rừng.
Vườn quốc gia phần nhiều là những rừng nguyên sinh, tài nguyên rừng (gỗ, lâm sản, động thực vật hoang dã mang nguồn gen quý hiếm…) vẫn tương đối dồi dào, phong phú. Trong lúc việc khai thác rừng bên ngoài thời gian gần đây bị cấm đoán gắt gao, hơn nữa rừng cũng đã gần như cạn kiệt thì các chủ đầu tư chuyển hướng, nhắm tới các vườn quốc gia.
Nếu như được cấp phép suôn sẻ, họ chỉ cần khai thác lâm sản dưới dạng tận thu đã có lãi, lợi ích từ làm thủy điện chỉ là chuyện nhỏ, có thể "bán cái", thậm chí bỏ dở cũng không sao.
Lúc còn đương chức, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từng chia sẻ về sự bất lực của Đảng và Nhà nước : "Không phải Chính phủ không thấy, Quốc hội không thấy nhưng mình chưa mạnh mẽ để bảo vệ rừng của mình cho tốt. Vì lợi ích trước mắt để cho người ta cơ hội phá rừng. Phá rừng để thu lợi bất chính là lợi ích nhóm, đặc biệt là trong làm thủy điện. Mọi thiệt hại ở vùng hạ du thủy điện nhỏ và vừa do việc khai thác rừng bừa bãi, khó kiểm soát đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân".
Với những gì đang diễn ra ở miền Trung, cho thấy đúng là "đừng bao giờ mong chính quyền nghĩ cho dân hay chính quyền tự sửa sai. Chỉ khi người dân trưởng thành, biết buộc chính quyền phải hành động đúng để bảo vệ môi trường sống của mình thì khi đó mới hết những kiếp nạn hiện nay !"
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 20/10/2020
**********************
Hát trên những xác người…
Cánh Cò, RFA, 19/10/2020
"Nhà cháu đang thiếu nước uống ! Có đoàn cứu trợ nào ghé ngang đội 5/2 Quy Hậu, Liên Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình gọi dùm sdt 0947531310, mình xin ít nước uống".
Nhìn đâu cũng thấy tràn ngập một màu tang tóc. Những mái nhà giữa biển nước mênh mông, những cây cột điện chỉ còn lại ngọn, những con vật run rẩy bám vào cành cây, gỗ mục như bám vào sự sống cuối cùng
Đó là dòng chữ xuất hiện trên facebook vào sáng 18 tháng 10. Nạn nhân không có khuôn mặt cụ thể nhưng lộ rõ cái khát khô của một con người, động vật được tiếng là thông minh nhất trong thế giới động vật trên quả đất. Cái khát được chia sẻ bởi những người từng vượt biển, từng đối mặt với cái khát kinh hoàng giữa đại dương. Cái khát lan từ dòng chữ kêu cứu tới từng sợi tế bào của người đọc, nó phảng phất hình ảnh của thần chết và dòng chữ đau đớn ấy chìm khuất trong hàng vạn hình ảnh khác cùng xuất hiện trong ngày.
Đó là hình ảnh trên tấm bảng treo trên sân khấu to lớn một cách kiêu hãnh : "Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam". Đó cũng là tấm bảng chào mừng chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Sắt son niềm tin với Đảng" được tổ chức long trọng và hào hứng, được dàn dựng công phu, âm thanh, ánh sáng hiện đại, chia thành 3 chương với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ : Thanh Ngân, Trọng Hữu, Tạ Minh Tâm, Vân Khánh, Hiền Thục, Đàm Vĩnh Hưng, Võ Hạ Trâm…
Ngoài kia là Hải Phòng, cũng không chịu kém : tối 17/10, đảng viên, quan chức Thành phố Hải Phòng tưng bừng tổ chức đại nhạc hội ăn mừng sự thành công của đại hội…
Trong khi đó nhìn đâu cũng thấy tràn ngập một màu tang tóc. Những mái nhà giữa biển nước mênh mông, những cây cột điện chỉ còn lại ngọn, những con vật run rẩy bám vào cành cây, gỗ mục như bám vào sự sống cuối cùng. Những gói mì tôm ướt sũng nước mắt, những thân hình co ro run rẩy dưới cơn mưa buồn bã… những hình ảnh ấy không thể phủ lên những tiếng hát hùng tráng ca ngợi công lao của Đảng. Không thể khỏa lấp sự bất tài của cái gọi là Hội Liên hiệp Phụ nữ dù đã qua 90 năm vẫn ngoan cường ngó lơ sự thảm hại của đồng loại. Một tổ chức vô dụng dám hãnh diện đứng ra nhận lãnh lời mơn trớn của đồng đảng trong khi đồng loại tang thương ngụp lặn trong biển nước mịt mù.
Những tiếng vỗ tay ca tụng sự thành công của đại hội Đảng tại Hải Phòng chừng như chào mừng sự hy sinh to lớn của 13 đồng chí vừa nằm xuống. Những vở kịch nhức nhối mà ngay cả kịch tác gia cao thủ của mọi thời đại như Molière cũng không thể nào nghĩ tới.
Thế nhưng người cộng sản lại làm được, và còn làm rất tốt.
Không phải lũ lụt mới xảy ra mà cơn bão Linda đã đổ bộ vào miền trung từ ngày 11 tháng 10 tức là cách đây 1 tuần lễ. Bảy ngày với biết bao sự dữ dội đổ lên đầu người dân các tỉnh khiến ảnh hưởng tới khoảng 136.000 hộ gia đình, làm 55 người thiệt mạng, 15 người bị thương và 29 người mất tích.
Lũ lụt cũng khiến khoảng 150.000 người phải sơ tán, gây tắc nghẽn hệ thống giao thông và sản xuất nông nghiệp của người dân. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai. Đak Lak, Quảng Ngãi…tiếng kêu cứu dậy cả một vùng, tiếng kêu cứu làm cho người Việt khắp thế giới bàng hoàng nhưng những tiếng kêu cứu ấy không thể lọt vào khe cửa của các đại hội đảng trên toàn quốc. Hình như mọi tầng lớp đảng viên tham dự đại hội đều miễn nhiễm với lòng trắc ẩn đối với người dân, những kẻ bỏ từng hào vào cuộc ăn chơi mang tên Đại hội Đảng.
Sau khi lấy hàng chục ngàn tỷ trong ngân sách quôc gia vung vãi trong những trò chơi quyền lực ông Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên tiếng yêu cầu kiều bào giúp đỡ nạn nhân lũ lụt ! Một lời kêu gọi chí tình và đầy thống thiết cho vận mệnh của… chính ông ta.
Trên con đường diệu vợi hướng tới Chủ nghĩa xã hội chiếc xe lịch sử è ạch tiếp tục bị nhét đầy những bất công oan trái của người dân. Chiếc xe ấy vô tri nhưng người cầm dao thúc đẩy nó là những kẻ đã làm nên lịch sử giải phóng dân tộc này từ nghèo nàn sang kiệt quệ, từ mong manh áo rách sang cùng quẫn kiếp người.
Và họ, cứ xênh xang áo mũ, cứ lồng lộng tuyên ngôn. Cứ như đất nước này không ai là dân chúng cả mà chỉ rặt một khối dân đen không bao giờ biết khóc cho ra tiếng căm hờn.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 19/10/2020 (canhco's blog)
*********************
Phá rừng ở miền Trung và trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Nguyễn Nam, VNTB, 20/10/2020
Ông Nguyễn Xuân Phúc có nơi chôn nhau cắt rốn tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông sống cùng người chị gái tại quê nhà một thời gian, sau đó được những người đồng chí của cha mẹ ông bí mật đưa ra Bắc học theo chế độ của học sinh miền Nam vào năm 1967.
Sở dĩ nhấn mạnh trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vì đơn giản trước khi là người đứng đầu Chính phủ, ông từng là một trong những lãnh chúa ở miền Trung, cùng thời với ông Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015).
Lý lịch đăng là ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyên môn, nghiệp vụ là Cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội (năm 1978). Sau khi tốt nghiệp, ông trở về và được nhận vào làm việc tại tỉnh nhà bấy giờ là Quảng Nam – Đà Nẵng.
Từ năm 1980 đến 1993, ông Nguyễn Xuân Phúc thăng dần từ các chức vụ cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, lên đến chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông lên đến chức vụ Bí thư Đảng ủy cơ quan, Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam – Đà Nẵng khóa I, II. Thời gian này, ông có theo học ngành Quản lý hành chính nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Từ năm 1993 đến 1996, ông Nguyễn Xuân Phúc lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa XV, XVI tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Từ năm 1997 đến 2001, sau khi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương, ông Nguyễn Xuân phúc là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII, XVIII ; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, kiêm Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI.
Năm 2001, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông cũng được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XI, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách của Quốc hội khóa XI.
Từ năm 2004 – 2006, ông Nguyễn Xuân Phúc là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khóa XIX ; Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam khóa VII ; Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa VII ; Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế – Ngân sách Quốc hội khóa XI…
Chặng đường hoạn lộ tiếp theo đó là ông Nguyễn Xuân Phúc nối bước đồng liêu Nguyễn Bá Thanh để ‘lên Trung ương’, và giờ ông là Thủ tướng, đồng thời có đồn đoán ông ngấp nghé chức vụ tân Tổng bí thư Đảng khóa 13.
Với lý lịch kể trên cho thấy ông Nguyễn Xuân Phúc với học hàm "Cử nhân kinh tế Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội", nếu ông thật sự học hành tử tế, và thời gian dài trải qua các chức vụ quản lý ở tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó là người đứng đầu tỉnh Quảng Nam, thì chắc chắn ông là một trong những quan chức am tường vào loại bậc nhất các giá trị của rừng tự nhiên miền Trung.
"Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Xuân Phúc – một quan chức từng làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, hiểu rõ sự nhập nhằng, chồng chéo trong quy hoạch 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất lâu nay đang khiến nhiều cánh rừng trên hồ sơ đã được quy hoạch chức năng phòng hộ, nhưng hiện trạng lại là đất rừng trồng, đất vườn, đất nông nghiệp, kể cả đất ở của người dân.
Tôi còn nhớ hồi tháng 11 năm 2018, trong bài phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc khi kết luận hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, ông Phúc rất tự tin tuyên bố : "Tôi ở Chính phủ 3 nhiệm kỳ rồi, tôi thấy nhiều lần nghe thường vụ đảng ủy nói rằng nhiều ông ở tù. Nếu thanh tra, kiểm tra nghiêm túc thì rất nguy. Tức là bên trong có rất nhiều vấn đề. Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết…".
Nói như lời chắc nịch như trên, vậy thì thử hỏi vì sao ông Nguyễn Xuân Phúc lại để rừng ở miền Trung bị tàn phá khiến người dân sống cảnh lũ lụt ở hiện tại ?" – một nhà báo đã nghỉ hưu chia sẻ với biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 20/10/2020
***********************
Miền thương…
Nguyệt Biều, VNTB, 20/10/2020
Với người dân miền Trung, lũ lụt là chuyện thường của hàng trăm năm nay, nhưng việc hứng 4 cơn lũ lớn dồn dập, lũ chồng lũ như năm nay thì thật sự kiệt quệ. Đã vậy thủy điện lại thi nhau cùng lúc xả đập xuống vùng hạ lưu để tránh bị vỡ đập do lũ chồng lũ.
Đằng sau nỗi đau thương, mất mát trong cơn lũ dữ mà người dân gánh chịu là những hoàn cảnh, phận đời khó khăn, nghèo khổ. Họ đã phải chịu đựng 2 đợt dịch Covid-19, cơn bão số 5 và giờ đây là những trận lũ lịch sử.
Dù một năm thiệt hại nặng nề, không có doanh thu do dịch Covid-19, nhiều khách sạn ở Huế vẫn quyết định sẻ chia khó khăn, hỗ trợ miễn phí cho các đoàn cứu trợ từ mọi miền đất nước về Huế tặng quà cho bà con vùng lũ.
Hoạt động nhỏ của người dân xứ Huế nhằm tri ân, sẻ chia phần nào kinh phí đi lại, ăn ở của các đoàn cứu trợ khi từ xa đến tặng quà cho người dân vùng lũ Thừa Thiên Huế. Từ một khách sạn, sau hai ngày chương trình đã lan rộng hơn 10 khách sạn với hơn 200 phòng đi kèm với các dịch vụ xe tải vận chuyển hàng hóa, xe khách, nhà hàng hỗ trợ ăn uống cho các đoàn cứu trợ.
Ngoài các khách sạn, nhiều nhà hàng, quán ăn, công ty vận tải, tài xế cũng quyết định gác công việc, bỏ kinh phí hỗ trợ các đoàn cứu trợ.
Một nhà báo nữ ở tờ Tuổi Trẻ chia sẻ cảm xúc qua ghi nhận : "Người dân Sài Gòn mấy ngày này không còn kêu ca mưa ngập nước tắc đường, mà chăm chú dõi theo mực nước đang dâng ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Nơi ấy, những xóm làng chỉ còn mấy nóc nhà lô nhô, những ngôi trường chỉ còn cái bảng hiệu lấp ló trên mặt nước.
Bà con không còn quay quắt với những thiệt hại sau mùa dịch, mà thắt ruột với những tin tức cập nhật mỗi giờ ở Rào Trăng, những dòng nước mắt không còn chỗ để chảy từ những người cha, người mẹ, người vợ, người con. Họ cũng không còn so đo vì thành phố phải điều tiết ngân sách về trung ương nhiều quá, không đủ để làm đường sá, hạ tầng cho ngon lành, khi nhìn cảnh chuồng trại ruộng vườn miền Trung bồng bềnh thành quả lao động trôi theo dòng nước.
Mỗi năm mùa lụt, người Sài Gòn lại hiểu thêm miền Trung mặn mòi hạt muối, yêu thêm miền Trung nắng thiêu mưa lụt, trút lòng mình vào những bài thơ, bản nhạc, bức tranh chuyển cho nhau".
"Lũ lụt miền Trung, một chữ thương làm sao nói hết" là một chia sẻ nỗi lòng hoài hương của bà Lê Nga Nguyên. Bà kể trong bồi hồi kỷ niệm – "36 năm xa quê là ngần ấy thời gian tôi không còn thấy lụt nữa. Nội và ba cũng đã đi xa mãi".
"Mấy hôm nay, trời Nam Bộ buồn ủ dột. Là miền Trung lại đang mưa lũ ! Những ngày này, ba hay ở ngoài đồng đánh bắt cá. Ba đan những cái lồng bằng tre để bắt những con cá gáy, cá trảnh… thật to, chúng đang theo con nước nguồn về đồng. Gió chướng cứ thổi lạnh buốt. Cái lạnh như cắt da thịt, từ trong xương lạnh ra. Tôi nghe ba chép miệng nói với mẹ : "Nước ngoài đồng có rồi, nước nguồn đang về, chắc là lụt đây. Lo dọn đồ thôi em !".
Mấy chị em tôi đem hết sách vở áo quần lên gác. Ba mẹ và các anh chị dắt trâu bò lên chỗ nền cao, ba lấy dây thừng cột neo tất cả các chum đựng lúa, khoai lang… để khỏi bị trôi mất khi nước lớn.
Có lần tôi và thằng em kế suýt chết vì lén ba mở dây buộc ghe. Hai chị em định chèo ghe loanh quanh nhà, ngờ đâu nước chảy xiết, sức chèo non nớt làm ghe cứ trôi xa nhà. Thật may là có ai đó trông thấy đã gọi ba tôi bơi ra cứu kịp thời… Những ngày lụt, ba hay chở tôi xuống nhà nội. Tô cơm nóng ăn với mắm cái và đậu phộng rang trong ngày mưa lũ của nội sao mà ngon lạ lùng.
36 năm xa quê là ngần ấy thời gian tôi không còn thấy lụt nữa. Nội và ba cũng đã đi xa mãi. Xa quê, trưởng thành, tôi mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn vất vả của ông bà, ba mẹ ngày xưa, của bà con miền Trung mỗi mùa lũ lụt. Một chữ thương làm sao nói hết !".
Giờ thì Việt Nam mình đang trong cao điểm "bão lũ miền Trung" vẫn phòng khi "Covid-19 trở lại – lợi hại hơn xưa". "Mai sau dù có bao giờ", bên chung trà tỏa khói, chúng ta lại nói với nhau về những ngày nước mình chống dịch, chống bão lũ…
Nguyệt Biều
Nguồn : VNTB, 20/10/2020
***********************
Những cảnh báo đã bị Đảng và Nhà nước làm ngơ…
Trần Lê, VNTB, 19/10/2020
(Trích sổ tay ghi chép của một nhà báo)
"Mục tiêu của người ta không phải là làm ra điện mà cái người ta hướng đến là có một khoảng rừng để tha hồ phá, khai thác gỗ chỗ đó".
"Tôi nghe rất nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt kiếm cho được một dự án thủy điện loại nhỏ, cái mục tiêu của người ta không phải là làm ra điện mà cái người ta hướng đến là có một khoảng rừng để tha hồ phá, khai thác gỗ chỗ đó".
Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hà Công Tuấn nói rằng một trong hai nguyên nhân cơ bản khiến rừng Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng về diện tích và trữ lượng rừng, đó là chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông và các công trình tái định canh định cư…
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, đã chia sẻ : "Tôi nghe rất nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt kiếm cho được một dự án thủy điện loại nhỏ, cái mục tiêu của người ta không phải là làm ra điện mà cái người ta hướng đến là có một khoảng rừng để tha hồ phá, khai thác gỗ chỗ đó".
Theo lời bà Phạm Khánh Phong Lan, người ta phá rừng, rồi sau này trồng thay thế bằng rừng cao su, mà dưới rừng cao su thì không một con nào sống được, nên cũng chỉ mang tính thương mại hóa chứ không thể trồng lại được rừng tự nhiên.
Không mấy lạc quan như bà Phạm Khánh Phong Lan khi dẫu sao thì rừng cao su cũng ít nhiều khai thác thương mại được, đàng này, "Theo quy định, công trình thủy điện chiếm bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng đền bù bấy nhiêu. Thế nhưng bất cập là không có đất để trồng bù. Đến nay, chưa có chủ đầu tư nào thực hiện việc trồng rừng này đúng quy trình. Việc trồng cũng chỉ cho có, trồng được một vài cây lưa thưa để gọi là cũng có trồng" – ông Đào Trọng Tứ, công tác tại Trung tâm Bảo tồn Tài nguyên nước và Thích nghi với biến đổi khí hậu, nhận xét.
Đáng chú ý, một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng (sang phục vụ thủy điện ; khai thác khoáng sản ; kinh doanh sân golf…) chậm, hoặc không hợp tác trồng bù rừng (dù dự án đã khai thác vận hành) có bóng dáng của những doanh nghiệp khá mạnh như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn khoáng sản Tây Giang, Công ty Đông Đô – Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần và đầu tư phát triển điện Tây Bắc, Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền…
Ông Lê Việt Trường, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đặt nghi vấn : "Cần phải làm rõ lũ lụt do thiên tai chiếm bao nhiêu phần trăm và lũ lụt do thủy điện chiếm bao nhiêu phần trăm ? Trên cơ sở đó mới xây dựng phương án có nên tiếp tục cho phát triển thủy điện hoặc phải tìm kiếm, phát triển nguồn năng lượng thay thế để giảm bớt những khó khăn cho người dân hạ du.
Việc cần làm ngay sau vụ việc tại Rào Trăng 3 là, phải tạm dừng tất cả các dự án thủy điện đang được triển khai, sắp triển khai để điều tra, đánh giá tổng thể. Trường hợp buộc phải phát triển thủy điện do yêu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao thì cũng hoàn toàn có thể tính toán đưa ra phương án phù hợp.
Ví dụ, trong phát triển kinh tế cần tính tới các bài toán tiết kiệm điện như : sử dụng các sản phẩm điện chất lượng cao, được sản xuất bằng công nghệ hiện đại ; trong đầu tư, giảm thiểu các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ, tiêu tốn nhiều điện năng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Còn trong điều hành quản lý thủy điện phải xây dựng quy trình vận hành linh hoạt, khoa học, phải có phương án tích, xả nước rất cụ thể cũng như các phương án cảnh báo, sơ tán, kể cả đền bù, hỗ trợ cho người dân.
Tôi cũng chưa thể hình dung hết, khi làm thủy điện chủ đầu tư thi công phá rừng có sử dụng thuốc nổ không, nếu có thì nguy cơ gây thay đổi cấu trúc địa chất, làm om đất đá xung quanh… gây sạt lở như thế nào, trách nhiệm sẽ ra sao ? Bài toán này phải được làm ngay, nếu cứ để tình trạng say sưa với thủy điện vừa và nhỏ thì cái giá phải trả có khi còn đắt hơn gấp nhiều lần so với những cái thủy điện mang lại…".
Thực tế xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho người dân những vùng hạ du năm nào cũng xảy ra, nhưng tới nay những bất cập xoay quanh cái được gọi là "vận hành đúng quy trình" vẫn lặp lại và không thấy ai phải chịu trách nhiệm.
Trần Lê
Nguồn : VNTB, 19/10/2020
***********************
Từ phòng vệ - ứng cứu thiên tai, nhìn chuẩn bị - trấn áp biểu tình
Trân Văn, VOA, 19/10/2020
Mưa to kéo dài nhiều ngày, lũ lớn, lụt nặng, sạt lở xảy ra tại nhiều nơi ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, cho thấy cả nhận thức lẫn khả năng hành động trong phòng vệ - ứng cứu thiên tai của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vừa tắc trách, vừa tàn nhẫn !
Lụt ở Quảng Trị, 2016. Hình minh họa. (Screenshot from Bui Minh Tuan's video on YouTube)
***
Về nguyên tắc, tổ chức phòng vệ - ứng cứu khi xảy ra những tình huống hiểm nghèo hay thiên tai, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của cá nhân hoặc dân cư một khu vực, một vùng, luôn luôn phải là khảo sát - dự đoán tình huống - lập sẵn kế hoạch – chuẩn bị sẵn phương tiện, nhân lực – tổ chức tập luyện cho cả lực lượng dự trù sẽ tham gia ứng cứu lẫn dân chúng trong khu vực có nguy cơ cao về cách thức ứng phó, phối hợp để hạn chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về nhân mạng.
Nếu cư trú ở khu vực có thể xảy ra thiên tai (mưa bão, lũ lụt, gió xoáy, động đất,…), những người Việt sống bên ngoài Việt Nam chẳng lạ gì điều này. Họ luôn được nhắc nhở phải dự trữ thực phẩm, nước uống, chuẩn bị phương tiện chiếu sáng, giữ ấm,… nhận biết nguy cơ, cách thức cầm cự, hỗ trợ sinh tồn trong khi chờ lực lượng cứu nạn... Đối với tình huống hiểm nghèo cũng vậy. Những người sống trong các cao ốc luôn được lưu ý có thể và không thể làm gì, cháy hoặc động đất thì phải làm sao, thoát hiểm lối nào.
Thậm chí chỉ lái một chiếc xe cũng buộc phải nhớ cách thức nhận biết, phòng ngừa những bất trắc do thời tiết, phải chuẩn bị và dùng các phương tiện cảnh báo như thế nào để bảo vệ mình và bảo vệ người khác khi xe hư giữa đường vào ban ngày hay lúc nửa đêm. Ngay cả trẻ con cũng được huấn luyện từ mẫu giáo, năm nào cũng cùng bạn bè thực hành cách tự bảo vệ, thoát hiểm nếu trường học, nơi ở động đất, phát cháy, bị những kẻ có vũ trang đột nhập…
***
Hai vụ sạt lở xảy ra tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế vào ngày 12 và 13 tháng 10, khiến 30 người thiệt mạng (17 ở Thủy điện Rào Trăng 3 và 13 ở trạm Kiểm lâm Sông Bồ) vẫn không thể cảnh tỉnh hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam, kể cả khi Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia cảnh báo :Từ chiều 15 đến 20 tháng 10, miền Trung tiếp tục có mưa rất lớn, ngập lụt sẽ tái diễn vì tác động của "hình thái tổ hợp đa thiên tai" (áp thấp nhiệt đới xuất hiện cùng lúc với khối không khí lạnh có cường độ mạnh, chưa kể áp cao cận nhiệt có xu hướng lấn về hướng Tây kết hợp với nhiễu động gió Đông ở trên cao)(1).
Đó là lý do cư dân ở những nơi có khả năng sạt lở và dân cư nhiều vùng có khả năng chìm sâu trong nước ở Quảng Trị, Quảng Bình không được di tản khỏi khu vực nguy hiểm. Nếu khảo sát kỹ - dự đoán tốt sẽ không có thêm hai vụ sạt lở ở Hướng Hóa, Quảng Trị, vùi một gia đình sáu người tại xã Húc, lấp khu nhà của bộ phận tham mưu Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 khiến 22 quân nhân nữa mất mạng (2) và rạng sáng 18 tháng 10, không có hàng trăm người ở Cam Lộ, Đông Hà,… tỉnh Quảng Trị gọi, nhắn tin cho thân nhân, người quen rồi thân nhân, người quen dùng mạng xã hội xin chuyển tin đi các nơi để tìm sự trợ giúp nhằm cứu mạng các nạn dân (3)…
Dẫu cũng có hệ thốngứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạntừ trung ương đến địa phương như thiên hạ nhưng vì thiếu khảo sát, không thể dự đoán tình huống, không sẵn kế hoạch ứng phó, không sẵn cả phương tiện, nhân lực ứng cứu, cho dù lưu vực Rào Trăng là khu vực nguy cơ cao (bốn thủy điện bậc thang) nên ông Nguyễn Văn Man ((Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4), ông Nguyễn Hữu Hùng (Đại tá, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) và 11 sĩ quan, viên chức khác mới mất mạng !
***
Mưa bão, lũ lụt, sạt lở vốn không xa lạ gì với người Việt, đặc biệt là khu vực miền Trung nhưng trước nay, hoạt động tìm kiếm - ứng cứu cả nạn nhân thiên tai nói chung lẫn nạn nhân của những tình huống hiểm nghèo nói riêng vẫn chỉ dựa vào sức người, phương tiện tìm kiếm - ứng cứu thiếu cả về số lượng lẫn tính năng chuyên dụng. Đã có hơn 100 người chết do lũ, lụt, sạt lở và khi mưa bão vẫn chưa ngừng, các nhà máy thủy điện vẩn tiếp tục xả nước, ngoài Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, đang có thêm nhiều tỉnh phía Bắc miền Trung (như Hà Tĩnh,…), nhiều tỉnh phía Nam miền Trung (như Quảng Nam,…) bị đe dọa.
Chưa bao giờ người Việt nghe hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đề cập đến việc phát triển lực lượng tìm kiếm – cứu nạn, đầu tư thích đáng cho các phương tiện phòng ngừa, đối phó, giảm nhẹ hậu quả của thiên tai. Tuy nhiên nguyên nhân không phải do nghèo ! Ngoài chuyện dồn nội lực quốc gia vào những dự án minh họa chođịnh hướng xã hội chủ nghĩa, những công trình để tri ân và ca ngợi bác, đảng, phần còn lại của nội lực quốc gia được rót hết cho công an, nâng cao năng lực giải tán biểu tình, dập tắt phản kháng.
Cứ dùng Google để tìm và đối chiếu trang bị dành cho cảnh sát cơ động (lực lượng chuyên trấn áp) (4) với trang bị của cảnh sát phòng cháy – chữa cháy (một trong những lực lượng đảm nhận vai trò tìm kiếm – cứu nạn tại Việt Nam) (5), ắt sẽ thấy, tính mạng – tài sản của công dân nằm ở vị trí nào trong nhận thức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Tương tự, hãy dùng Google để so sánh đủ loại phương tiện mà đảng vẫn đem khoe như một cách răn đe vài lần mỗi năm qua các cuộc diễn tập phòng chống bạo loạn – lật đổ (6) với việc tìm kiếm – cứu nạn khi có thiên tai bằng sức dân, công lính (7).
Bất kể khoảng cách về đầu tư cho nhân lực, trang bị giữa tìm kiếm – cứu nạn và trấn áp đã rất rộng, đầu tư cho trấn áp vẫn chưa ngừng lại, sau Thông tư 17/2018/TT-BCAQuy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an do Bộ Công an ban hành cách nay hai năm, công quỹ vẫn đang được rút ra để bảo đảm công an các xã sẽ có đầy đủ các loại vũ khí cá nhân (súng ngắn, súng trường, tiểu liên), công an các huyện có đủ những loại vũ khí với khả năng hủy diệt cao như (mìn, bom, súng chống tăng), những phương tiện chiến tranh như trực thăng mà tại Việt Nam, các đơn vị quân đội ở cấp quân đoàn mới có thể có (8) !..
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/10/2020
Chú thích :
(2) https://plo.vn/thoi-su/lu-sat-lo-o-quang-tri-hang-chuc-nguoi-chet-mat-tich-944776.html
(4) https://vov.vn/tin-24h/can-canh-dan-xe-dac-chung-chong-dan-cua-canh-sat-co-dong-ha-noi-548221.vov
(8) https://tuoitre.vn/cong-an-xa-duoc-trang-bi-sung-tu-1-7/20180612161414656.htm
***********************
Trình độ tính toán của cán bộ quản lý !
Sơn Trà, VNTB, 18/10/2020
Phải chăng nhận định về mức độ an toàn được căn cứ theo trình độ tính toán của nhà quản lý ?
Bộ Công thương chiều 16/10 khẳng định các hồ chứa thủy điện hiện nay đang vận hành an toàn, tuân thủ các quy định về xả lũ.
Chiều 16/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, cho biết qua công tác rà soát cũng như báo cáo của địa phương cho thấy các hồ chứa thủy điện đều đang bảo đảm an toàn.
Theo ông Bảo, Bộ Công thương đã chỉ đạo các thủy điện có chức năng tham gia hoạt động điều tiết lũ. Đối với các hồ thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ nên khi lũ từ thượng nguồn về sẽ tràn qua đập về phía hạ du. Đối với các hồ chứa có dung tích phòng lũ sẽ phải điều tiết lượng nước duy trì để đảm bảo phòng lũ.
Thắc mắc : phải chăng nhận định về mức độ an toàn được căn cứ theo trình độ tính toán của nhà quản lý ?
Một liên tưởng cho niềm tin về vấn đề trình độ kiến thức chuyên ngành, đó là từ hệ lụy của chuyện các giáo sư soạn sách giáo khoa lớp một, sau đó được một hội đồng thẩm định cũng toàn học hàm giáo sư, tiến sĩ ngồi lại với nhau để phê chuẩn, và cuối cùng là bộ trưởng với phẩm hàm ủy viên Bộ Chính trị bút phê để bộ sách có thể chuyển sang phát hành rộng rãi.
Với ban bệ toàn chức danh học thuật lẫn chính trị, mấy ai ngờ là nhiều bộ sách giáo khoa lớp một đang ‘đầy sạn’.
Nhà báo tự do Bạch Hoàn, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, kể :
"Sau khi dành hai ngày đọc hết tất cả các sách Tiếng Việt lớp 1, tôi thật sự xót xa và hoảng sợ. Con cháu chúng ta bị nhồi sọ từ những bước đầu đời, bị dạy dỗ những điều sai trái, những tư duy độc hại, phản giáo dục, phản văn minh.
Không chỉ Bộ Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, sách của Nhà xuất bản Giáo dục – điển hình là Bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" – cũng đang tồn tại vô số lỗi sai và các thông điệp giáo dục độc hại.
Ví dụ :
– Lỗi dạy trẻ giải quyết vấn đề bằng đe dọa và bạo lực. Điển hình là câu chuyện Mèo con đi học. Vì mèo con không muốn đi học nên đã lấy lý do cái đuôi bị ốm. Thay vì tìm hiểu vì sao mèo con không muốn đi học, thay vì khích lệ, gợi mở về những điều mới mẻ, hấp dẫn ở lớp học để mèo có động lực đi học, thì bác cừu trong câu chuyện đã lập tức mang kéo đến dọa cắt đuôi mèo.
– Làm giáo dục, lẽ ra phải dạy trẻ lấy yêu thương để cảm hóa sự xấu xa, thì họ dạy trẻ trả thù, dạy trẻ làm điều sai trái, dạy trẻ ăn miếng trả miếng. Đó là trang 35, bài Cò và Cáo. Cáo mời cò đến ăn tối, nhưng lại chỉ có cháo loãng đổ ra đĩa. Cáo ăn được còn cò thì không. Cò trả thù bằng cách mời cáo đến nhà ăn tối nhưng để thức ăn vào cái lọ cổ hẹp. Cò ăn được còn cáo thì không. Đây là thông điệp giáo dục tồi, làm hỏng nhận thức của trẻ, triệt tiêu lòng nhân, triệt tiêu sự bao dung, tha thứ.
– Bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" còn tệ hại ở chỗ áp đặt tư duy, đào tạo ra những con người khuôn mẫu, những "con gà công nghiệp". Bài "Tô màu cho đúng" dạy trẻ bầu trời phải xanh lơ, biển phải xanh thẫm, tán cây phải xanh lá… Tại sao biển không thể có biển màu xanh ngọc ? Tại sao lá phải xanh mà không vàng, không tím, không đỏ ? Tại sao phải xanh lơ mà không là màu xám trời mưa, không loang lổ màu đỏ trời chiều ?
Thông điệp giáo dục đúng – sai kiểu này sẽ gò bó trẻ, ép trẻ phải nhìn, phải cảm nhận và suy nghĩ theo người khác, triệt tiêu trí tưởng tượng của trẻ, triệt tiêu sự sáng tạo của trẻ. Hậu quả là một xã hội ăn theo nói leo, kém phát minh, nghèo sáng tạo.
– Bộ sách vướng lỗi chính trị. Bài "Vì sao", có nội dung da đen không đẹp. Tại sao da đen lại không đẹp ? Tại sao lại phân biệt đẹp xấu qua màu da ? Cách định hình tư duy như vậy rất dễ dẫn đến tình trạng phân biệt chủng tộc, màu da, đi ngược lại với những giá trị văn minh, tiến bộ.
– Bộ sách này cũng dính lỗi dùng từ em chả, mẹ chả, cô chả, bà chả… nhiều câu chuyện nhạt nhẽo, vô vị, nhiều từ vô nghĩa.
– Bộ sách còn dính lỗi dạy trẻ chê cười bạn bè nếu bạn kém hơn mình, thay vì tìm hiểu vấn đề của bạn, động viên bạn cố gắng.
– Thay vì dạy trẻ về sự lắng nghe, yêu thương, chia sẻ, nhân văn, nhân ái, thay vì bồi đắp tâm hồn trẻ, lại đề cao sự nhanh trí, thông minh, mưu mẹo, thủ đoạn và thậm chí là dối trá.
– Bộ sách quá thiếu vắng lời cảm ơn, xin lỗi. Trong khi đây là chuẩn mực giao tiếp cơ bản của con người văn minh. Câu chuyện "Chớ để mẹ lo", trong đó thằn lăn nhí không nghe lời mẹ ở nhà giữ nhà, tự ý đi chơi, bị trượt ngã, mẹ phải đỡ dậy nhưng lại không biết nói cảm ơn và xin lỗi mẹ.
Bài "Giữ ấm", bé bị cảm lạnh, cả ông, bố, mẹ đều ân cần chăm sóc. Bé khỏi bệnh nhưng sách không dạy bé nói cảm ơn. Bài "Bênh vực bạn", ễnh ương bị cò bắt nạt, ếch bênh vực, nhưng ễnh ương không cảm ơn ếch.
Còn vô số lỗi sai nghiêm trọng khác về tư duy giáo dục mà tôi không đủ thời gian để liệt kê hết. Tôi thật sự không hiểu tại sao người ta có thể làm giáo dục một cách cẩu thả đến thế ? Và tôi cũng không biết, họ còn muốn phải thêm bao nhiêu thế hệ người Việt bị nhồi sọ và mặc đồng phục tư duy ?
Nhà xuất bản Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Liệu Bộ Giáo dục có đọc sách trước khi nhét nó vào cặp học trò và nhồi vào đầu con trẻ hay không ?".
Đó là câu chuyện của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giờ trở lại với câu chuyện thời sự ở Bộ Công thương mùa mưa bão.
Ngày 16/10, Trung tâm báo tin động đất Viện Vật lý địa cầu cho biết lúc 7 giờ 19 phút sáng cùng ngày, một trận động đất có độ lớn 3 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 15.184 độ vĩ Bắc, 108.264 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Khu vực xảy ra trận động đất trên có thủy điện Sông Tranh 2. Trước đó, vào ngày 14/10, tại huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) – giáp ranh với huyện Bắc Trà My cũng xảy ra liên tiếp 4 trận động đất chỉ trong vòng 5 giờ. Điều khá trùng hợp, 5 trận động đất này xảy ra khi thủy điện Sông Tranh 2 đang tích đầy nước. Theo đó, sau đợt mưa lũ từ ngày 6 đến 12/10, cao trình thủy điện Sông Tranh 2 đã dâng thêm hơn 20 m. Cụ thể, vào ngày 7/10, cao trình thủy điện Sông Tranh 2 chỉ tích được 145 m nhưng mực nước chiều 16/10 là 170 m.
Theo số liệu cập nhật lúc 17 giờ chiều 16/10, thủy điện Sông Tranh 2 đang xả lũ về sông Thu Bồn với lưu lượng khoảng 800 m3/s ; 3 thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 đang xả lũ về sông Vu Gia hơn 1.300 m3/s.
Câu hỏi cũ lại được đặt ra : lúc các dự án thủy điện kể trên bắt đầu được đưa tin trên báo chí, nhiều ý kiến phản biện cảnh báo về khả năng đứt gãy địa chất sẽ tạo nên động đất đe dọa sự an toàn của hồ chứa nước. Tuy nhiên, Bộ Công thương mãi cho tới nay vẫn khẳng định về sự an toàn ; và mai này rất có thể giả dụ khi tình huống tang thương xảy đến, chắc hẳn các vị quan chức lại viện dẫn "thiên tai bất khả kháng"…
Sơn trà
Nguồn : VNTB, 18/10/2020
**********************
Hãy thương hại đồng bào tôi, hỡi các ông thủy điện ơi !
Kỹ sư Tiến sĩ Đặng Đình Cung, vncold, 26/02/2020
Khi xưa tôi có kêu gọi khai thác tất cả các địa điểm thuận tiện để sản xuất thủy điện. Nhưng có nhiều người đã xây bừa bãi những bức tường ngăn sông : dung tích không tối ưu, đập xây không vững, rừng bị đốn để bán gỗ quý không còn chức năng giữ nước mưa,... Sau đó thì tích nước và tháo nước với mục đích duy nhất là sản xuất điện, bất chấp nhu cầu nước và an toàn của cư dân ở mạn xuôi.
Đã nhiều lần tôi kiến nghị chính phủ ra lệnh chủ nhân các công trình thủy lợi
(a) kiểm tra tính bền vững của đập và, nếu cần thì củng cố đập cho vững chắc hơn,
(b) và quy hoạch lại quy trình tích nước và tháo nước để không phải xả lũ vào mùa mưa.
Không biết các quan chức tôi quen biết ở tòa đại sứ Việt Nam ở Paris đã chuyển kiến nghị của tôi về nước chưa, các cơ quan chức năng trong nước đã ra lệnh cho các ông chưa hay các ông có nhận được lệnh của chính phủ nhưng các ông đã không thi hành. Dẫu sao mùa mưa vừa qua các ông lại xả lũ.
Điều làm tôi sợ hãi nhất là nhà máy thủy điện Hòa Bình đã xả lũ vào đầu mùa mưa năm ngoái. Theo tôi được biết thì các ông đã xả nước với cường độ chưa bao giờ thấy để kiểm tra tính bền vững của công trình. Kiểm tra này là một việc phải được thực hiện mười năm một lần và để kiểm tra thì phải tháo hết nước trong hồ. Nhưng mười năm một lần thì có thể chọn thời điểm thực hiện sớm hay muộn vài tháng cũng không sao. Trên thế giới người ta kiểm tra hồ thủy lợi vào mùa khô chứ không bao giờ lại kiểm tra vào mùa mưa như các ông. Khi xả lũ thì các ông có tưởng tượng chuyện gì có thể xảy ra ở khu công nghiệp hóa học Việt Trì và nếu đê sông Hồng vỡ hay không ? Rất may là năm ngoái trước mùa mưa thì có một mùa hạn hán nặng cho nên sông Đà và sông Hồng vẫn còn có thể hứng chịu được lượng nước các ông xả từ hồ chứa.
Một công trình thủy lợi có nhiều chức năng chứ không phải chỉ dùng để sản xuất điện. Lưu vực con sông cũ được chỉnh trang lại để làm cảnh quan du ngoạn, mặt nước dùng cho giải trí và thể thao. Nước tích trữ trong hồ dùng để tưới vườn ruộng, thoả mãn nhu cầu của con người và gia súc, vận hành các nhà máy tiêu thụ nước, điều tiết mức nước phục vụ giao thông vận tải bằng đường sông... Có nhiều công trình thủy lợi được xây trên thế giới vì những lợi ích đó và thủy điện chỉ là một phụ phẩm tận dụng nguồn nước chảy từ trong hồ chứa.
Để thích ứng với khí tượng và canh nông ở nước ta thì một công trình thủy lợi phải có hai chức năng xấp xỉ quan trọng ngang nhau là cắt lũ và sản xuất điện, mặc dù thường được nhiều quan chức gọi là công trình thủy điện. Trước khi có công trình thủy lợi thì vào mùa mưa nhà cửa đồng ruộng bị ngập còn vào mùa khô thì lại không có nước để sinh hoạt, canh tác và chăn nuôi. Với một công trình thủy lợi thì nước mưa ở mạn ngược sẽ bị chặn lại ở trong hồ chứa không làm ngập mạn xuôi và nước đã được tích trữ đó sẽ dùng để cung cấp nước cho mạn xuôi. Một khi chức năng cắt lũ đó đã được thoả mãn thì có thể dùng thế năng của nước tháo từ trong hồ để sản xuất điện.
Một công trình thủy lợi có thể là một quả bom nổ chậm treo trên đầu cư dân mạn xuôi vì đập có thể bị vỡ hay/và quy trình tích nước tháo nước không hợp với chu kỳ dùng nước của cư dân mạn xuôi.
Nếu vào mùa mưa mà các ông xả lũ thì các ông đổ thêm nước vào mạn xuôi đang bị ngập hay ít ra đang bị úng nước, người dân đã khổ vì nước mưa tự nhiên lại khổ thêm vì nước các ông đổ xuống. Các ông không thể cãi rằng nước các ông xả thì cũng là nước ở trên trời rơi xuống và trước khi có công trình thì người dân ở mạn xuôi đã quen hứng chịu nước đó rồi. Nước các ông đổ khi xả lũ là nước hứng từ mùa mưa năm trước và có khi từ nhiều lưu vực khác. Các ông tháo nước từ trong hồ để sản xuất điện khi nào các ông thấy có lợi cho các ông. Thời điểm đó không nhất thiết là vào mùa khô, khi nông dân cần nước để canh tác, mà có thể là vào mùa mưa khi người dân bì bõm với lụt. Nước các ông xả để cứu đập của các ông sẽ cộng với nước từ trên trời rơi xuống.
Các ông cũng không thể nêu biến đổi khí hậu để bào chữa việc các ông xả lũ.
Hình cắt một đập thủy điện
Một hồ thủy lợi có có bốn mức đặc trưng chính (xem hình) : mức ngọn, mức cao điểm, mức nước chết và mức đáy hồ.
Mức ngọn là mức nước sau một mùa mưa với lượng nước tối đa nhận thấy từ một thế kỷ nay. Người ta thiết kế ở mức đó những khe kiềm chế nước tràn ra ngoài hồ, hướng nó vào những luồng hình cong như đường băng trượt tuyết. Những luồng hình cong này làm cho nước toả ra xa để không làm hư hại chân đập. Xác suất mỗi mùa mưa mà mức nước đạt mức ngon chỉ là một trăm, nghĩa là rất nhỏ. Nếu nhận thấy nước tràn đập ở mức ngọn nhiều lần quá thì có nghĩa là hồ chứa quá nhỏ và/hay là mức nước trong hồ vẫn chưa xuống tới mức nước chết trước ngày đầu tiên của mùa mưa. Cả hai lý do đó là lỗi của chủ nhân công trình.
Mức cao điểm là mức nước thông thường sau khi mùa mưa kết thúc. Năm nào mưa ít thì mức nước sau mùa mưa thấp hơn mức cao điểm đó. Ngược lại, năm nào mưa nhiều thì mức nước cao hơn, nhưng chỉ có xác suất một phần trăm mà đạt mức ngọn của đập sau khi mùa mưa chấm dứt.
Mức nước chết là mức thấp nhất mà vẫn còn nước để chạy tua-bin. Các tua bin có hiệu suất gần bằng một trăm phần trăm. Lượng điện có thể sản xuất được trong một mùa mưa là thế năng của lượng nước mưa trên trời rơi xuống lưu vực của công trình. Lượng điện có thể sản xuất được trong mùa khô là thế năng của dung tích nước trong hồ chứa từ mức cao điểm tới mức nước chết. Dung tích nước từ mức nước chết đến đáy hồ không thể dùng được để sản xuất điện nhưng có thể dùng để cung cấp nước khi có hạn hán.
Ở đáy hồ thường có một ống xả nước để :
- hạ mức nước xuống mức nước chết nếu gần tới mùa mưa mà vẫn còn nhiều nước trong hồ,
- xả lũ khi có nguy cơ đập bị vỡ,
- tháo nước tới mức đáy hồ để kiểm tra tính bền vững của đập,
- bất chợt mở thoáng van để nước chảy ra khỏi hồ mang theo trầm tích lắng dưới đáy hồ.
Việc kiểm tra tính bền vững của đập và bất chợt mở thoáng van phải được tiến hành định kỳ. Tính bền vững của đập phải được bảo đảm bởi những đợt kiểm tra mười năm một lần. Người ta bất chợt mở thoáng van khi có quá nhiều trầm tích dưới đáy hồ. Nước chảy ra ồ ạt sẽ mang theo trầm tích tránh cho vật liệu đó đọng trong hồ tới mức nước chết và như vậy làm vô hiệu hóa công trình. Nếu dùng nước đó để tưới ngay đồng ruộng thì trầm tích sẽ lắng xuống làm cho đất canh tác phì nhiêu hơn.
Với biến đổi khí hậu thì rất có thể sẽ có nhiều mùa mưa liên tiếp với lượng mưa nhiều hơn trung bình nhận thấy từ một thế kỷ nay. Nhưng xác suất mưa nhiều hơn tối đa nhận thấy từ một thế kỷ nay thì vẫn là một phần trăm có thể cộng thêm một phần nhỏ không đáng kể. Nếu vào đầu mùa mưa mà mức nước trong hồ ở mức nước chết thì vẫn chỉ có xác suất đó để nước chảy vào hồ nhiều đến nỗi phải xả lũ cứu đập.
Vậy dù năm trước mưa nhiều hay mưa ít thì các ông cũng phải điều chỉnh quy trình tháo nước để cho nước trong hồ chứa ở mức nước chết vào thời điểm sớm nhất của mùa mưa tới. Thiết kế quy trình đó chỉ là một bài toán "chiết nước trong bồn tắm với một lưu lượng nước chảy từ một máy nước" mà thầy cô đã dạy các ông ở trường tiểu học.
Tôi viết bài này trên mạng Internet để vạch rõ trách nhiệm của các ông. Nếu bây giờ tôi mới đặt đăng là tại vì :
(a) trước đó là mùa mưa các ông lo cứu đập của các ông chứ còn đầu óc đâu mà để nghe lời kêu cứu của tôi và của đồng bào nạn nhân của các ông,
(b) đầu năm dương lịch cũng là đầu mùa khô khởi đầu cho một chu kỳ mưa nắng mới có thể là thời điểm tốt để các ông quy hoạch lại quy trình điều chỉnh mức nước trong hồ.
Vì an toàn của đồng bào, tôi yêu cầu các ông :
(a) củng cố các đập không bảo đảm vững chắc,
(b) quy hoạch lại quy trình tích và tháo nước để tránh phải xả lũ trong mùa mưa.
Nếu trong mùa mưa năm nay và các năm tới mà đập các ông vỡ hay các ông xả lũ thì nạn nhân ở mạn xuôi có thể đòi các ông bồi thường thiệt hại theo các điều 360, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, và 361, thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, của Bộ Luật Dân sự và nếu có người chết thì các ông sẽ bị kết tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp" theo điều 129 của Bộ Luật Hình sự đấy.
Đặng Đình Cung
Nguồn : vncold, 26/02/2018