Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/10/2020

Ấn Độ-Thái Bình Dương : "Vai trò trung tâm" của ASEAN bị thách thức

David Camroux, Minh Anh

Ngày 06/10/2020, cuộc họp các ngoại trưởng bốn nước trong Bộ Tứ - Quad, hay còn gọi là Đối thoại an ninh bốn bên, diễn ra ở Tokyo nhằm khẳng định một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" trong bối cảnh Trung Quốc hành xử ngày càng hung hăng trong khu vực.

indo1

Trang bìa đặc san Diplomatie dành nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương.  © Ảnh minh họa

Trong chiến lược này, đâu là vị trí của khối ASEAN ? Kết quả bầu cử Mỹ 2020 có ảnh hưởng gì đến chiến lược của Bộ Tứ hay không ? Liệu ý tưởng thành lập một liên minh quân sự theo mô hình NATO có thể thực hiện được hay không ?

RFI tiếng Việt tiếp tục đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu David Camroux, trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po, Paris), giáo sư thỉnh giảng trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

**********

RFI : Trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Bộ Tứ không thể bỏ qua vai trò của khối ASEAN. Bản thân khối 10 nước Đông Nam Á này cũng có một tầm nhìn riêng của mình về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông có thể cho biết rõ hơn về tầm nhìn này ?

David Camroux : Từ năm 2013, Indonesia đã có nói đến Ấn Độ - Thái Bình Dương. Giống như nhiều khái niệm khác của Indonesia, khái niệm này trước hết là dành cho công luận trong nước. Nghĩa là, Indonesia, một nước Hồi giáo lớn nhất thế giới, tự đặt mình nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đó là một quốc gia quần đảo giống như Philippines. Dưới thời cựu tổng thống Yudhoyono, và bây giờ là Joko Widodo, Indonesia tự cho mình là một diễn đàn chính trị cả cho Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương, đó chính là một tầm nhìn của Indonesia về Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Có thể nói chính Indonesia đã đưa ra khái niệm Nhà nước-quốc gia quần đảo. Chính Indonesia đã đi vận động rất nhiều cho Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Tuy nhiên, Indonesia dưới thời tổng thống Widodo và nhất là bà ngoại trưởng lấy làm lo lắng rằng khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương có nguy cơ bị Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản hay Ấn Độ chiếm lấy và không dành một chỗ nào cho ASEAN.

Thế nên, Jakarta ngay từ năm 2018 đã bắt đầu khởi động các cuộc tham vấn với các nước thành viên trong khối ASEAN và lần mới nhất là hồi tháng 9/2019. Khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương do Indonesia đề xuất dưới tên gọi "ASEAN Outlook on the Indo-Pacific" đã được các nước thành viên chấp nhận vào năm 2019. Theo đó, khái niệm "vai trò trung tâm" của ASEAN được xác định, nghĩa là trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ASEAN có một vị trí ở giữa.

RFI : Nhưng vai trò trung tâm này cũng bị lung lay vì những chia rẽ trong nội bộ ASEAN ?

David Camroux : Sự chia rẽ này được thấy rõ trong cuộc bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc cách nay vài tuần liên quan đến các vấn đề Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Phần lớn các nước ASEAN tỏ ra trung lập, nhưng có một số nước bày tỏ ủng hộ Trung Quốc, đó là Lào, Cam Bốt, Miến Điện.

Trên thực tế, trong số các nước ASEAN, Trung Quốc có những chế độ "khách hàng" như Cam Bốt, Lào và những nước ủng hộ chỉ đơn thuần vì lý do địa lý, đó là những quốc gia láng giềng như Miến Điện, Thái Lan, những nước này ít chống đối hơn. Ở phía bên kia là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam.

RFI : Hệ quả của sự chia rẽ này là gì ?

David Camroux :Trước cuộc họp Bộ Tứ gần đây, đã có một cuộc họp hồi tháng Ba năm nay giữa các thứ trưởng ngoại giao ba nước New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam. Chúng ta thấy rõ là Việt Nam đang xích lại gần Mỹ hơn, cũng như là với các nước khác trong Bộ Tứ là Nhật Bản, vốn dĩ đã có một mối quan hệ truyền thống, Ấn Độ và cả Úc nữa.

Người ta cũng thấy là Việt Nam chơi rất tốt lá bài Nhật Bản và Hàn Quốc để cân đối với đầu tư của Trung Quốc. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, rõ ràng Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất, đây cũng là nước thắng đại dịch Covid-19. Chúng ta thấy rõ là nếu người ta muốn tìm một cơ sở để có thể đi từ sản xuất đến xuất khẩu thì Việt Nam sẽ vượt lên hàng đầu trước các nước khác trong khu vực.

Những chia rẽ này, trước đây vốn dĩ hiện hữu, nay ngày càng gia tăng trong lòng khối ASEAN, khi Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên được tham dự các cuộc đàm phán TPP (Trans-Pacific Partnership). Dĩ nhiên là tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận tự do mậu dịch, nhưng thỏa thuận này vẫn tồn tại mà không có Mỹ. Đây lại là một sai lầm của Donald Trump, bởi vì TPP do ông Obama đề xướng được xem như là một công cụ để tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Á.

Nếu như sau kỳ bầu cử lần này, Joe Biden trở thành tổng thống, rất có thể Hoa Kỳ sẽ đánh giá lại thỏa thuận này. Nhìn chung, ngoài Việt Nam, Singapore và dường như là có cả Malaysia, thì đúng là có rất ít quốc gia thuộc khối ASEAN là thành viên của CTPP hiện nay. Rõ ràng là Việt Nam đã đặt quyền lợi kinh tế của mình lên trên cả tầm nhìn chung của cả khối ASEAN. Như vậy, trên bình diện kinh tế, chúng ta thấy rõ là đã có những rạn nứt trong khối ASEAN.

Còn trên bình diện chính trị, có một điểm quan trọng là cuộc họp cấp cao Bộ Tứ diễn ra hôm 06/10 giữa ngoại trưởng 4 nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc, lần đầu tiên được tổ chức riêng. Những cuộc họp trước đây đều diễn ra bên lề các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN. Lần này, cuộc họp được tổ chức riêng ngoài khuôn khổ ASEAN.

Như vậy, theo giới quan sát, "vị trí trung tâm" của ASEAN trong toàn bộ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương dường như đang bị thách thức. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là ASEAN sẽ biến mất trong nay mai, nhưng người ta thấy rõ có những hạn chế về tình liên đới giữa các thành viên trong khối ASEAN.

RFI : Phải chăng đây cũng chính là điểm gây khó khăn cho Việt Nam trong vai trò chủ tịch luân phiên 2020 ?

David Camroux : Đúng là không dễ dàng cho Việt Nam chút nào trong năm nay. Thêm vào đó là Việt Nam còn phải chủ trì các cuộc họp "trực tuyến". Những dự án của Hà Nội trong năm chủ tịch này để xúc tiến những lợi ích của mình có thể nói là đã bị thu hẹp.

Dù vậy, Việt Nam cũng đã thành công trong việc đưa vấn đề Biển Đông vào trong các cuộc hội thảo, nhưng họ không đạt được một sự đồng thuận trong khối ASEAN chỉ vì một quốc gia duy nhất là Cam Bốt. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc ASEAN có đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye cũng đã là một thắng lợi ngoại giao cho Việt Nam.

RFI : Nước Mỹ đang trong mùa bầu cử tổng thống. Liệu rằng kết quả bầu chọn có tác động đến sự tiến triển của Bộ Tứ hay không ?

David Camroux : Nếu ông Trump tái đắc cử đây sẽ là một thảm họa cho hệ thống đa phương, cho nền dân chủ Mỹ và là một thảm họa cho sự tiến bộ dân chủ trên thế giới.

Tuy nhiên, tôi nghĩ là với ông Joe Biden, Bộ Tứ sẽ tiếp tục được duy trì, và có thể phối hợp với cả Pháp nữa nhưng theo một cách khác. Tôi cho rằng sẽ không có một tình bằng hữu thật sự giữa Donald Trump và ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, hai nhân vật đầy quyền lực.

Dù vậy, Hoa Kỳ và Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục xích lại gần nhau hơn, thậm chí là sẽ được củng cố hơn nữa, trước hết đó là vì nếu ông Biden đắc cử, phó tổng thống Mỹ mới là một người Mỹ gốc Ấn, bà Kalama Harris, và ở Mỹ, sự ủng hộ của cộng đồng Ấn Độ là khá lớn, có thể làm thay đổi lá phiếu các cử tri tại nhiều bang như Texas.

Tôi cũng tin rằng sự đối đầu với Trung Quốc cũng không biến mất, trên bình diện kinh tế có thể nhẹ hơn, nhưng ngày càng gay gắt hơn trong các vấn đề như an ninh chẳng hạn, trong vấn đề tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông, hay như hồ sơ nhân quyền. Tôi nghĩ là ông Biden buộc phải tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, bởi vì ông Donald Trump cáo buộc ông ấy là "nhu nhược" trước Trung Quốc.

Giờ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được đưa vào trong tầm nhìn chiến lược của Hoa Kỳ, và nhiều nước trong khu vực nên liên minh không chính thức này vẫn sẽ tiếp tục, có thể là ít đối đầu với Trung Quốc chí ít là trong các phát biểu.

Nhưng tôi nhắc lại rằng, sự ủng hộ mạnh nhất dành cho Bộ Tứ chính là Tập Cận Bình. Chính các hành động của ông ấy, các chính sách đối ngoại hung hăng của ông ấy, các hành động của ông đối với Hồng Kông, thái độ của ông với Đài Loan cho thấy Trung Quốc không có đồng minh. Đây thật sự là một vấn đề cho Bắc Kinh.

Điều làm tôi khó hiểu là 20 năm chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đông Nam Á đang bị phung phí. Hai mươi năm nỗ lực quyền lực mềm để chứng tỏ là "một láng giềng tử tế, một nước anh cả", tất cả những điều đó, cùng với dịch bệnh Covid-19, đã thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình đó, tất cả đều bị lãng phí.

Do vậy, Bộ Tứ vẫn sẽ tiếp tục củng cố, khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng được tăng cường nhiều hơn.

RFI : Gần đây, ngoại trưởng Mike Pompeo có kêu gọi thành lập một kiểu liên minh quân sự giống như là NATO. Theo ông, liệu một liên minh quân sự như vậy có thể hình thành hay không ?

David Camroux : Đây sẽ là một sự ngây thơ và phản tác dụng. Một liên minh không chính thức với Hoa Kỳ dĩ nhiên là không có vấn đề gì, và mối liên minh không chính thức này giữa các nước vẫn sẽ tiếp tục. Nhưng không ai được lợi gì, kể cả Việt Nam, Úc hay ngay cả Ấn Độ lao vào một liên minh bị xem như là một hình thức phát động chiến tranh lạnh thứ hai để ngăn chận sức mạnh quân sự Trung Quốc. Thách thức đối với Việt Nam cũng như là các nước khác trong khu vực, là trong tình huống xung đột giữa các cường quốc, tốt nhất không phải chọn phe nào, ít ra là trong lúc này và có thể khôn khéo thoát khỏi tình huống khó xử này.

RFI tiếng Việt xin cảm ơn giáo sư David Camroux.

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 22/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Camroux, Minh Anh
Read 633 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)