Nỗi lo khó khăn khi đại dịch Covid kéo dài
Nguyễn Lai, VOA, 24/10/2020
Nỗi lo cơm áo gạo tiền và ám ảnh thất nghiệp đang oằn nặng đôi vai người lao động trong nước giữa lúc đại dịch Covid kéo dài chưa có hồi kết.
Nhân viên y tế thực hiện việc kiểm soát và khử khuẩn tại nhà hàng nơi bệnh nhân Covid-19số 447 làm việc tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Nỗi lo cơm áo gạo tiền và ám ảnh thất nghiệp đang oằn nặng đôi vai người lao động trong nước giữa lúc đại dịch Covid kéo dài chưa có hồi kết.
Hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, khách du lịch quốc tế không có, nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất tạm đóng cửa khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng và nhiều hộ gia đình lâm cảnh túng thiếu.
Trong căn hộ chật chội và cũ nát trên đường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, anh Đoàn Quốc Anh, một nhân viên giao nhận của một tập đoàn lớn, cho biết từ khi bị sa thải mấy tháng nay, anh chưa thể tìm được việc làm mới. Thời buổi phần lớn các công ty, doanh nghiệp đang tìm cách ‘đuổi’ bớt người để giảm nhẹ gánh nặng chi phí, anh và những người đồng cảnh ngộ không có hy vọng gì. Toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình bốn miệng ăn giờ trông cả vào người vợ.
"Mình thì vẫn liên lạc với anh em đồng nghiệp cũ trong công ty để xem có việc gì không thì giới thiệu cho mình, nhưng suốt mấy tháng qua chẳng nơi nào cần người cả. Ngay cả dàn lãnh đạo chỗ làm cũ họ cũng đã đuổi một nửa, chỉ giữ lại mấy người thôi", Quốc Ạnh buồn rầu chia sẻ.
Ngay cả những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nỗi lo lạm phát và đời sống kinh tế khó khăn kéo dài cũng đang len lỏi vào tâm trí họ.
Bà Nguyễn Minh Hương, một cư dân khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm, cho biết từ vài tháng nay, căn nhà mặt đường của bà vốn cho thuê dài hạn làm home stay cho khách ngoại quốc đã phải miễn và giảm hơn nửa tiền thuê hàng tháng bởi không có khách. Những thu nhập thêm từ tiền cổ phiếu của một số công ty cũng không còn được bao nhiêu, do lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng trong suốt gần một năm nay kể từ khi Covid bùng phát. Cậu con trai đi làm thì thu nhập cũng bấp bênh nên mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều trông vào đồng lương hưu ít ỏi của bà. Trước tình hình đó, bà Hương đã phải tiêu dần tiền tiết kiệm và bán bớt những món đồ giá trị để trang trải cuộc sống. Bà e rằng nếu tình hình này còn kéo dài thì gia đình bà cũng sẽ lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu.
"Khó khăn thật sự đấy chứ không đùa đâu. Nói chung nhiều người bây giờ là phải tiêu vào lõi rồi, chứ không phải là chi tiêu bằng số tiền người ta kiếm được như trước nữa. Khách du lịch không có, hàng quán cũng không có khách mấy vì nhiều người hạn chế chi tiêu…thất nghiệp ngày càng nhiều... Giá vàng thời gian gần đây cũng tăng vọt rồi", bà Hương chia sẻ với VOA.
Đối với những người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống như bà Hương, thì giá vàng tăng không phải là một tín hiệu tốt. Đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tăng cao, đồng tiền đang mất giá do tình trạng kinh tế và sản xuất ảm đạm kéo dài.
Nỗi lo đại dịch chưa hết mà tai ương lũ lụt đã ập tới Việt Nam. Bà Hương sợ rằng những tháng tới không chỉ người dân miền Trung mà cả những gia đình ở thủ đô Hà Nội như bà cũng phải chịu cảnh quẫn bách khi đồng tiền thì kiếm không ra mà giá cả mọi thứ cứ theo nhau phi mã.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 24/10/2020
***************************
Chuyên gia : Covid sẽ nguy hiểm hơn vàomùa lễ hội cuối năm
VOA, 24/10/2020
Những tháng cuối năm khi tiết trời lạnh hơn vào mùa đông sẽ có rủi ro về cúm mùa cộng với việc mọi người đi lại, tụ tập đông trong mùa lễ hội càng làm tăng nguy cơ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Mỹ, một chuyên gia cảnh báo và kêu gọi mọi người cẩn trọng.
Những nơi mua sắm tập trung đông đúc vào ngày thứ Sáu Đen sẽ rất rủi ro với dịch Covid-19
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra hướng dẫn về việc tụ họp trong mùa lễ và những điều người Mỹ cần lưu ý trước khi đi lại, tổ chức hoặc tham dự các bữa tiệc.
‘Cộng lại sẽ nguy hiểm’
Từ tháng 9 đã có cúm mùa ‘trong khi Covid-19 đang tăng cao trở lại, chúng ta phải cẩn thận vì hai thứ này mà cộng lại sẽ rất nguy hiểm,’ bác sĩ Võ Đình Hữu từ thành phố Pomona, bang California, khuyến cáo.
Ông cho biết cho đến thời điểm này chưa có báo cáo có ca nào vừa nhiễm virus corona vừa nhiễm cúm và kêu gọi mọi người, nhất là các cụ già và trẻ nhỏ, nên chích ngừa cúm.
Ông nói dù chưa có bằng chứng cho thấy virus corona suy yếu khi trời nóng hay mạnh lên khi trời lạnh, nhưng trời nóng có cái tốt là ít có khả năng bị cúm hay sưng phổi.
Điều mấu chốt của việc phòng ngừa trước virus corona, theo ông, là giữ cho cơ thể khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.
"Tại sao trong 100 người nhiễm chỉ có 10 người bị nặng thôi, những người còn lại không có triệu chứng hoặc tự lành ?"
"Vấn đề quan trọng nhất là thể chất của chúng ta. Nếu chúng ta khỏe, ăn uống đầy đủ, ngủ đầy đủ, rửa tay sạch sẽ, tránh tiếp xúc nhiều, ra ngoài đeo khẩu trang thì cơ hội bị bệnh rất ít", ông khuyên. (6 :55)
Bác sĩ Hữu lưu ý mặc dù số ca nhiễm ở Mỹ đang tăng nhưng số tử vong đã giảm đi nhiều so với giai đoạn đầu của dịch bệnh. "Có vẻ là bệnh đã bớt nguy hiểm hơn vì bây giờ đã có những cách chữa trị tốt hơn mặc dù không đồng nhất trên thế giới", ông nói.
Lưu ý trong mùa lễ hội
Trong dịp lễ Halloween cuối tháng 10, vị bác sĩ này đề nghị các em nhỏ đi xin kẹo nên đeo khẩu trang, đi trong những nhóm nhỏ và cách xa nhau.
"Nếu phụ huynh nào thấy ngại quá thì tự mua kẹo về làm bữa tiệc cho con cái ăn uống thôi".
Còn về Lễ Tạ ơn cuối tháng 11, vốn là dịp người Mỹ đoàn tụ với gia đình và tụ tập bạn bè, bác sĩ Hữu khuyên ‘bạn bè thì nên giảm đi, chỉ có gia đình và bà con với nhau thôi’.
Vẫn theo lời ông, trong lúc này người Việt nên tạm thời dừng thói quen ăn uống chung như dùng chung chén nước chấm và nên ngồi xa nhau trong các bữa tiệc.
Ngày mua sắm Black Friday sắp tới, vốn thu hút rất đông người dân xếp hàng chen nhau mua đồ giảm giá, vị bác sĩ này khuyên ‘đừng nên đi’mà nên mua sắm trực tuyến cho an toàn cũng như hạn chế du hành dịp lễ cuối năm.
"Chừng nào có vaccine thì đi lại thoải mái. Nếu khoảng cách không quá xa thì lái xe riêng là hay nhất, còn nếu phải đi máy bay thì phải rất thận trọng", bác sĩ Hữu lưu ý.
Ba nhóm rủi ro
Trong khuyến nghị của mình, CDC kêu gọi người dân đánh giá mức độ lây nhiễm Covid-19 tại nơi mình ở để quyếtđịnh có nên hoãn, hủy bỏ hoặc giới hạn số lượng người đến tiệc tùng hoặc có nên tham dự hoạt động nào đó hay không. Nếu tỉ lệ lây nhiễm cao, cơ quan này khuyến nghị chỉ nên tụ tập hạn chế.
CDC phân ra ba nhóm hoạt động tùy theo mức độ rủi ro là rủi ro thấp, rủi ro vừa phải và rủi ro cao.
Theo đó, nguy cơ thấp nhất để không lây nhiễm hoặc không bị lây nhiễm là tổ chức Lễ Tạ ơn ở nhà mình với gia đình nhỏ và tổ chức qua mạng với đại gia đình.
Vào ngày lễ, mọi người có thể nấu nướng đồ ăn cho các thành viên gia đình không ở chung – nhất là những người có nguy cơ cao – rồi đem đến cho họ mà không cần phải tiếp xúc. Họ cũng có thể tổ chức bữa tối ảo như biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Nếu ai vẫn muốn tổ chức bữa tiệc vào Lễ Tạ ơn, CDC khuyên nên tổ chức ngoài trời với gia đình và bạn bè trong khu phố.
"Các cuộc tập họp với thêm nhiều biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay…ít có rủi ro hơn là các cuộc tụ tập chỉ có ít hoặc không có các biện pháp đề phòng", CDC khuyến cáo.
Các hoạt động có nguy cơ vừa phải bao gồm thăm vườn bí ngô hoặc vào vườn cây ăn trái với điều kiện phải sát khuẩnrửa tay trước khi chạm vào bí ngô hoặc hái táo, có đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội.
Ngoài ra, đến xem các cuộc tranh tài thể thao ngoài trời, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp đề phòng, vẫn có nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình.
Có nguy cơ lây bệnh cao nhất là các cuộc tụ tập đông đúc trong nhà, ăn tối hoặc tiệc tùng, đặc biệt với những ngườikhách không phải thành viên trong gia đình.
"Những cuộc tụ họp trong nhà có hệ thống thông gió kém tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn những nơi được thông gió tốt, chẳng hạn như những nơi có cửa sổ hoặc cửa chính được mở ra", CDC nhận định.
Những cuộc tụ tập kéo dài sẽ nguy hiểm hơn những cuộc tụ tập chóng vánh. Và càng có nhiều người tham dự thì rủi ro càng cao.
Mua sắm trong các cửa hàng và trung tâm mua sắm đông đúc trước hoặc sau Lễ Tạ ơn là một hoạt động khác mang tính rủi ro cao, cũng theo CDC.
Đi lại trong kỳ nghỉ, đi máy bay hoặc đi giao thông công cộng tăng khả năng nhiễm và lây lan Covid-19, CDC cho biết.
"Ở nhà là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người khác", CDC nói.
‘Phải hy sinh’
"Một số người ở đất nước này có thể sẽ có một Lễ Tạ ơn tương đối bình thường, nhưng ở những vùng khác, đó sẽ là ‘Anh nên hoãn lại và có thể chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình, và cần đảm bảo rằng nên tổ chức làm sao mà mọi người đeo khẩu trang, và không tụ tập quá đông đúc", giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci nói với CNN.
"Những gì chúng ta đang bắt đầu thấy bây giờ - và chúng ta không thể nào thoát khỏi - chúng ta đang bắt đầu thấy ở Trung Tây và Tây Bắc các ca xét nghiệm dương tính gia tăng, vốn có khả năng là chỉ dấu dự đoán rằng chúng ta sẽ thấy đà tăng của dịch bệnh", bác sĩ Fauci nói.
"Bạn có thể phải cắn răng hy sinh tụ họp, trừ phi bạn khá chắc chắn rằng những người tham dự không bị nhiễm. Hoặc là họ được xét nghiệm mới đây hoặc họ không có bất kỳ tương tác nào với bất kỳ ai ngoại trừ bạn và gia đình bạn",chuyên gia này khuyến cáo trong cuộc phỏng vấn với CBS News.
Nguồn : VOA, 24/10/2020
**********************
Châu Á trở thành khu vực thứ hai có hơn 10 triệu ca nhiễm virus corona
VOA, 24/10/2020
Tính đến thứ Bảy 24/10, Châu Á có số ca nhiễm virus corona mới vượt quá 10 triệu người, là khu vực đứng thứ hai trên thế giới về tổng số ca nhiễm, theo thống kê của Reuters.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Hyderabad, Ấn Độ, 20/10/2020
Tình trạng này xảy ra khi các ca nhiễm tiếp tục tăng ở Ấn Độ, bất chấp thực tế là ở các nước khác, số ca nhiễm tăng chậm lại hoặc giảm mạnh.
Chỉ đứng sau Châu Mỹ Latinh, Châu Á chiếm khoảng 1/4 trong tổng số 42,1 triệu người nhiễm virus trên toàn cầu. Với hơn 163.000 người chết, Châu Á chiếm khoảng 14% tổng số người tử vong vì Covid-19trên toàn cầu.
Cho dù có sự gia tăng đột biến ở Châu Á, Châu lục này nhìn chung ghi nhận có sự cải thiện trong việc xử lý đại dịch trong những tuần gần đây, với số lượng ca nhiễm hàng ngày tăng chậm lại ở những nơi như Ấn Độ - đây là một sự tương phản rõ rệt với số ca Covid-19tăng cao trở lại ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong khu vực, vùng Nam Á mà đứng đầu là Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ghi nhận gần 21% số ca nhiễm virus corona toàn cầu và số ca tử vong chiếm 12%. Điều này trái ngược với các quốc gia như Trung Quốc và New Zealand đã dập được dịch, hay Nhật Bản, nơi Covid-19vẫn còn tồn tại nhưng không tăng số ca lây nhiễm.
Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ nhì trên toàn thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm đang chậm lại ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Theo phân tích của Reuters, tính trung bình trong 1 tuần, Ấn Độ ghi nhận hơn 57.000 trường hợp nhiễm virus mỗi ngày, với 58 ca nhiễm mới trên 10.000 dân ở nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á.
Trung bình mỗi ngày, Ấn Độ có 764 ca tử vong do Covid-19, là mức tồi tệ nhất trên thế giới, và chiếm tỉ lệ 1 trên 13 ca tử vong do đại dịch trên toàn cầu.
Quốc gia này ghi nhận gần 7,8 triệu ca nhiễm, thấp hơn con số 8,5 triệu ca của Hoa Kỳ, và có gần 118.000 ca tử vong, so với 224.128 ca ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong khi số ca ở Hoa Kỳ tăng lên gần đây, sự lây nhiễm ở Ấn Độ đã chậm lại, với số ca nhiễm hàng ngày đạt mức thấp nhất trong gần ba tháng vào hôm 21/10.
Ở Đông Nam Á, vào tuần trước, Indonesia đã vượt qua Philippines, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 370.000 ca nhiễm.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 24/10/2020