Thẩm phán liêm chính : giấc mơ hão huyền ?
Hiền Lương, VNTB, 01/11/2020
Gọi là hão huyền vì thẩm phán trong không ít trường hợp, cũng có thể phải bỏ tiền ra chạy, vì cơ chế bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán của Việt Nam hiện nay khá phức tạp, phụ thuộc vào nhiều ý kiến của các cấp Đảng.
Trên mạng xã hội đang phản ứng trước ý kiến mà các quan chức chóp bu đã nhấn nhá về sự liêm chính tất yếu của người cộng sản trong cương vị thẩm phán, tại Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV với chủ đề "Vì công lý" diễn ra sáng 28/10 tại Hà Nội.
Làm sao có thể ‘liêm chính’ khi ai cũng ‘chạy’ ?
Ngày 4 tháng 7 năm 2018, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, đã ký Quyết định số 87/QĐ-HĐTC, ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán (*).
Theo đó, có các yêu cầu theo thứ tự sau đây cho việc đánh giá "chuẩn mực đạo đức của thẩm phán" : (1) Tính độc lập ; (2) Sự liêm chính ; (3) Sự vô tư, khách quan ; (4) Sự công bằng, bình đẳng ; (5) Sự đúng mực ; (6) Sự tận tụy và không chậm trễ ; (7) Năng lực và sự chuyên cần.
Thử bàn về yêu cầu thứ hai, ‘sự liêm chính’.
‘Liêm’ theo nghĩa từ điển là ngay thẳng, trong sạch, không tham của cải. ‘Chính’ là đúng đắn, thích đáng, đúng phép tắc. ‘Liêm chính’ là ngay thẳng và trong sạch. Đối với một thẩm phán, giữa ‘liêm’ và ‘chính’ đó có mối tác động nhân quả với nhau.
Thẩm phán thanh liêm là không nhận hối lộ, nghĩa là không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó, hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Lâu nay khi nói về công tác cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rằng trong chính nội bộ Đảng vẫn còn phổ biến tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội…
Đã nói chạy chức, chạy quyền, chạy ghế… thì có nghĩa thẩm phán trong không ít trường hợp, cũng có thể phải bỏ tiền ra chạy, vì cơ chế bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán của Việt Nam hiện nay khá phức tạp, phụ thuộc vào nhiều ý kiến từ cấp Đảng. Nếu không được một trong các tổ chức, cá nhân theo quy định phải có ý kiến đó ủng hộ, thì thẩm phán khó được bổ nhiệm, tái bổ nhiệm.
Chừng nào cơ chế này thay đổi, nhiệm kỳ thẩm phán suốt đời, chỉ khi nào vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức và chất lượng xét xử thấp đến mức nào đó mới bị bãi miễn thì thẩm phán mới hết lo lắng việc phải nhờ vả người này, người khác khi được bổ nhiệm, hay mỗi khi đến kỳ tái bổ nhiệm.
Câu hỏi đặt ra, nếu thẩm phán cũng phải chạy chọt thì chi phí lấy ở đâu ? Chắc chắn họ phải nhận hối lộ, vậy là vòng luẩn quẩn kìm hãm sự liêm chính của mỗi thẩm phán. Và khi đã chạy chọt để có được chức danh thẩm phán, thì họ phải thu hồi vốn và đương sự, bị cáo trở thành khách hàng của họ. Án oan sai, xử đi, xử lại vì thế sẽ tiếp diễn…
Thẩm phán vì công lý hay vì… quyền lực Đảng ?
Tương tự chuyện ‘làm nhân sự’ của Bộ Chính trị, quy trình tiến cử ứng viên làm thẩm phán là do lãnh đạo tòa án giới thiệu, khiến cho thẩm phán khi được bổ nhiệm có mối quan hệ lệ thuộc vào lãnh đạo tòa án. Bên cạnh đó, việc phải có bản nhận xét của lãnh đạo đơn vị, ý kiến của tập thể cán bộ, nhân viên nơi ứng viên công tác, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự độc lập của thẩm phán trong quá trình xét xử sau này.
Trên thực tế, mặc dù nguyên tắc về tính độc lập của tòa án và các thẩm phán đã được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác, song nó chưa được thực sự tôn trọng và tuân thủ. Bởi lẽ, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam vẫn phải theo theo nguyên tắc tập quyền.
Nguyên tắc tập quyền này khó có thể là cơ sở cho sự độc lập của tòa án và các thẩm phán, bởi nó dẫn đến việc xét xử và ra các bản án, quyết định của tòa án khó tránh khỏi phụ thuộc vào sự chỉ dẫn và can thiệp của các cơ quan nhà nước khác.
Hơn thế nữa, quá trình xét xử của các tòa án ở Việt Nam chưa thực sự theo nguyên tắc tranh tụng, mà vẫn nặng theo nguyên tắc thẩm vấn, xét hỏi, luật sư chỉ đóng vai trò thứ yếu.
Thực tế cho thấy, không hẳn là việc chuyển hoàn toàn sang mô hình tố tụng tranh tụng là phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, song việc duy trì quá lâu mô hình tố tụng buộc tội đang tạo ra sự bất bình đẳng lớn giữa các bên tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động xét xử.
Ngoài ra, kinh phí hoạt động của hệ thống tòa án ở Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào các cơ quan nhà nước khác, đồng thời phụ thuộc vào các tòa án cấp trên. Tình trạng này khiến cho các tòa án khó tránh khỏi sự tác động của các cơ quan nhà nước khác, cũng như khiến cho các tòa án cấp dưới khó duy trì sự độc lập xét xử với tòa án cấp trên.
Với quá nhiều sự phụ thuộc/lệ thuộc như trên, cộng thêm việc bổ nhiệm thẩm phán ở Việt Nam hiện dựa rất nhiều vào các tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng, trong khi lẽ ra cần nhấn mạnh các tiêu chuẩn về chuyên môn và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
Chính điều đó nên khi Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV với chủ đề "Vì công lý", bà chủ tịch Quốc hội nhắc yêu cầu liêm chính, thì tránh sao việc người dân thêm ngờ vực vào bản chất của cán cân công lý.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 01/11/2020
Chú thích :
(*)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thu-tuc-to-tung/Quyet-dinh-87-QD-HDTC-2018-Bo-Quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-cua-Tham-phan-386319.aspx
***********************
Ai cho thẩm phán quyền liêm chính ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 01/11/2020
"Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ nhậm chức - Ảnh minh họa
Báo Tuổi Trẻ đã rút tít như trên cho bài viết tường thuật về Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV với chủ đề "Vì công lý" diễn ra sáng 28/10 tại Hà Nội. (1)
Trong bài diễn văn tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch Quốc hội đưa ra yêu cầu, "hơn lúc nào hết, hệ thống Tòa án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng ; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán. Mỗi cán bộ, thẩm phán phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào nghề nghiệp và nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm ; phải luôn tự soi vào các chuẩn mực của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện…" (2).
Một thẩm phán ở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giờ chuyển qua làm luật sư, đã hỏi ngược lại bà chủ tịch Quốc hội một câu hệt như gã Chí Phèo trong tiểu thuyết của Nam Cao, "ai cho thẩm phán cái quyền liêm chính ?".
Trong "Làng Vũ Đại ngày ấy", Nam Cao viết ở đoạn cuối như sau (trích) : "Không được ! Ai cho tao lương thiện ? Làm thế nào cho mất những vết mảnh chai trên mặt này ? Tao không thể là người lương thiện nữa ! Biết không ! Chỉ có một cách… biết không… Chỉ còn một cách là… cái này ! Biết không !…" (hết trích).
Để giải đáp cho thắc mắc đó của nhân vật Chí Phèo, có ai đó đã ‘phóng tác’ thế này, và đây cũng là lý giải cho câu hỏi cắc cớ ở trên của vị cựu thẩm phán giờ đang là luật sư ; câu chuyện như sau :
"Hắn vừa đi vừa chửi. Hôm nay không uống rượu hắn cũng chửi. Đôi chân như quen đường cũ dẫn hắn đến trước cửa nhà lão Bá Kiến. Hắn hắng giọng kêu to : "Lão Bá Kiến đâu ?".
Cụ Bá ngồi trong nhà nghe thấy tiếng hắn, hắng giọng : "Hôm nay nhà không có việc, anh về đi".
Chí Phèo mắt long sòng sọc : "Tao không cần việc. Tao muốn làm người lương thiện".
Cụ Bá cười : "Gì chứ. Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ".
Chí Phèo đáp : "Từ ngày tao ra tù. Lão cho tao làm công với đồng lương chết đói. Dăm bữa nửa tháng mới có việc, được chút hoa hồng. Tao sống không ra sống. Tao chỉ tồn tại thôi. Vì tồn tại, tao cắt chỗ này, xén chỗ kia. Biển thủ công quỹ, ăn cắp vặt,… không việc gì tao không làm. Giờ tao không còn là anh Chí lương thiện ngày xưa nữa, chỉ là thằng Chí ăn trộm thôi".
Cụ Bá đáp : "Nhà tao nuôi không biết bao thằng như mày. Đứa nào cũng tắt mắt, cắp vặt, hở ra thì lười làm, hở ra được là ăn cắp. Tao đâu muốn giảm lương tụi mày. Nhưng không cắt giảm lương tụi mày thì tao lấy gì mà sống, mà bù vào chỗ chúng mày ăn cắp, ăn trộm".
Chí Phèo cười khẩy : "Khởi nghiệp tuy khó khăn nhưng lão không thể trả anh em đồng lương chết đói. Đói rồi thì tâm trí đâu làm việc. Đói rồi thì tâm trí đâu lo cho khách hàng. Đói rồi thì chỉ biết lo cho cái bụng mình thôi. Lão tưởng khởi nghiệp là nhờ tiền hay sản phẩm à. Nhầm to ! Khởi nghiệp là nhờ con người, nhờ anh em tao, nhờ thằng Chí này".
Cụ Bá nhấm ngụm nước chè : "Âu cũng là cái vòng luẩn quẩn. Mày ăn cắp, tao phải giảm lương bù chi phí. Tao giảm lương thì mày lại ăn cắp. Nhưng mày có nhớ lúc mày đến xin việc chỗ tao, mày van xin như thế nào không. Ông giúp con, con mới ra tù, cần việc làm để có kinh nghiệm, lương lậu bao nhiêu cũng được ạ. Tao trả mày mức lương đó, mày cũng không nói gì. Hợp đồng cũng điểm chỉ chấp thuận rồi".
Chí Phèo : "Tao cần kinh nghiệm. Nhưng tao cũng cần tiền để sống. Thằng địa chủ nào cũng đòi hỏi người có sức khoẻ, tay nghề mới chịu thuê. Tao ở trong tù 4 năm, chỉ biết ăn cơm tù chứ biết làm gì. Kinh nghiệm ở đâu ra ? Mồm lão thì nói là giúp, giúp hay bóc lột lao động giá rẻ ? Lão dồn người lao động đến đường cùng. Giờ ai cho tao lương thiện. Ai có thể xoá đi quá khứ trộm cắp của tao. Chỉ còn một cách… Cách này thôi biết không…".
Chí Phèo rút dao xông vào cụ Bá. Cụ Bá vừa nhổm người dậy, con dao đã đâm thẳng vào bụng. Hắn chém cụ loạn xạ vài phát rồi lấy dao tự đâm vào bụng mình kết liễu. Cụ Bá nằm đó, máu me bê bết, thì thào :
– Ta nào muốn như thế này… Ta cũng đâu phải muốn ăn chặn của các người… Giá như hai bên hiểu nhau hơn… Giá như anh dám nói ra… Cơ sự đâu đến mức này…".
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 01/11/2020
Chú thích :
(1)https://tuoitre.vn/tuyet-doi-khong-de-nguoi-dan-nghi-ngo-ve-duc-thanh-liem-cua-tham-phan-2020102812235996.htm
(2)https://dangcongsan.vn/thoi-su/to-chuc-tot-cac-phong-trao-thi-dua-gan-voi-nang-cao-chat-luong-xet-xu-566695.html
******************
Để thẩm phán liêm chính, thì Tòa án phải có quyền độc lập
Vân Khanh, VNTB, 31/10/2020
Liêm chính ở đây còn được hiểu là không có các hành vi tham nhũng chính sách, chạy ghế, chạy quyền, và cả chạy… án (!?)
Sự độc lập của Thẩm phán được quy định trong các luật về tố tụng mới có hiệu lực thi hành gần đây. Tuy nhiên, hiện tại, nhìn chung những quy định về vấn đề này phần lớn mới nằm ở mức độ lý thuyết, việc thực hiện trên thực tế còn nhiều hạn chế.
Thế nào là một Tòa án có quyền độc lập ?
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Điều 10) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (khoản 1, Điều 14) đã tuyên bố rằng, mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được thành lập trên cơ sở pháp luật.
Nguyên tắc trên có nghĩa – ví dụ như ở phiên hình sự sơ thẩm vụ án "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam" sắp tới đây, cần có những thẩm phán thực hiện công việc chuyên môn của mình một cách tự do, độc lập, không thiên kiến chuyện đòi hỏi quyền tự do chính trị là nhằm để chống đảng cộng sản Việt Nam.
Năm 1985, Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 7 về Phòng chống tội phạm và đối xử với người phạm tội đã thông qua Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án và sau đó, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua bằng Nghị quyết 40/32 ngày 29/11/1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13/12/1985.
Vì vậy, các nguyên tắc này có thể được coi là các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc cùng nhau đưa ra tuyên bố về những vấn đề được chấp nhận trên toàn cầu về tính độc lập của Tòa án, và những yêu cầu đối với cá nhân Thẩm phán.
Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án, năm 1985 đã chỉ rõ tính độc lập của Tòa án như sau :
"Tính độc lập của Tòa án phải được nhà nước bảo đảm và được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp, hay pháp luật quốc gia. Nhiệm vụ của tất cả các cơ quan của chính phủ và những cơ quan khác là phải tôn trọng và tuân thủ tính độc lập của Tòa án.
Tòa án phải quyết định các vấn đề một cách vô tư, không thiên vị dựa trên sự việc và theo luật pháp mà không chịu những hạn chế, những ảnh hưởng không phù hợp, dụ dỗ, sức ép, đe dọa hay can thiệp sai trái, trực tiếp hay gián tiếp từ bất cứ một nguồn nào hay vì bất cứ một lý do nào.
Tòa án phải có quyền tài phán đối với mọi vấn đề có tính chất xét xử, và phải có quyền lực riêng để quyết định xem một vấn đề được trình lên Tòa án có thuộc thẩm quyền của Tòa theo như luật pháp quy định hay không.
Không được can thiệp không thỏa đáng, hay không có lý do xác đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của Tòa án. Nguyên tắc này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm, hay việc các cơ quan có thẩm quyền giảm nhẹ các bản án mà Tòa án đã tuyên phù hợp với luật pháp.
Mọi người đều có quyền được xét xử bởi các Tòa án thông thường sử dụng những thủ tục pháp lý đã được ấn định.
Nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án cho phép, và yêu cầu Tòa án bảo đảm rằng các thủ tục xét xử đều được tiến hành một cách đúng đắn, và quyền của các bên đều được tôn trọng.
Nhiệm vụ của mỗi quốc gia thành viên, là phải cung cấp đầy đủ các nguồn lực để ngành Tòa án có thể thực hiện tốt những chức năng của mình".
Tòa án ở Việt Nam chưa được xác định rõ ràng về tính độc lập
Trong đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước "Phân công, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", các tác giả đã nêu ý kiến như sau :
"Về quyền tư pháp là quyền bảo vệ ý chí chung của Quốc gia. Quyền này được giao cho Tòa án. Hiến pháp nước ta quy định có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động… Nội dung của quyền xét xử như vậy là chưa đầy đủ.
Có những thẩm quyền, theo lý luận về Hiến pháp và tổ chức chính quyền, vốn được quan niệm thuộc quyền của Tòa án nhưng chưa được trao cho Tòa án.
Tòa án không được xét xử tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật, thay vì quyền này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật, theo nguyên lý vốn thuộc quyền của Tòa án, nhưng được Hiến pháp và pháp luật phân công quyền tư pháp nên quyền này được thực hiện rất ít trên thực tế. Sẽ hợp lý hơn nếu Tòa án được trao những quyền : xét xử tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật, giải thích hiến pháp và pháp luật.
Một vấn đề quan trọng khác, là trong các bộ luật tố tụng ban hành năm 2015 đều có một chương về "Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao" : Chương XXVII Bộ luật Tố tụng hình sự, Chương XXII Bộ luật Tố tụng dân sự, Chương XVII Luật Tố tụng hành chính.
Theo đó, "Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền yêu cầu, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của mình. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó".
Quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của mình như nêu trên, là không hợp lý, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án.
Nhiều quốc gia trên thế giới đều tổ chức nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập, do đó, tính độc lập của Tòa án được xác định rõ ràng.
Việt Nam không tổ chức nhà nước theo nguyên tắc đó, do vậy, vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội, là cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ chế "phân công, phối hợp, kiểm soát" trong việc thực hiện quyền lực nhà nước để bảo đảm tăng cường tính độc lập của Tòa án.
Vân Khanh
Nguồn : VNTB, 31/10/2020
**********************
Tòa án Việt Nam cần phải được thêm quyền ?
Hà Nguyên, VNTB, 30/10/2020
Từ chuyện nghị định của chính phủ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến chuyện "độc quyền phát quà từ thiện", cho thấy về căn cơ, có lẽ cần trao ang quyền cho tòa án Việt Nam.
Bên ngoài Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội - Ảnh minh họa
Tòa án hành chính hiện nay chỉ được quyền xét xử đối với quyết định hành chính của từ bộ trưởng trở xuống, mà không được quyền phán xét đối với nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và thông tư của các bộ.
Không chỉ thế, với các quy định hiện nay về văn bản quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân. Và quyết định hành chính, là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước ban hành quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với đối tượng cụ thể.
Tòa án hành chính hiện nay cũng không được quyền xét xử đối với những văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các văn bản của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã.
Từ đó dẫn đến một số lượng rất lớn các cơ quan trên phạm vi cả nước được ban hành các văn bản có khả năng tác động lớn tới đời sống kinh tế xã hội, nhưng lại thoát khỏi chế tài của tòa án về sự sai trái của nó so với quy định của Luật do Quốc hội ban hành.
Về lý thuyết, Tòa án hành chính ngoài việc xét xử các tranh chấp liên quan đến những quyết định hành chính cá biệt, Tòa hành chính đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của các văn bản pháp quy.
Mỗi công dân, tổ chức, chỉ cần chứng minh rằng mình có lợi ích liên quan, đều có quyền khởi kiện đề nghị Tòa án xem xét tính hợp pháp của một văn bản quy phạm do cơ quan hành chính ban hành.
Ra trước Tòa, sự đúng đắn của một quy phạm pháp luật hành chính có thể được xem xét dưới nhiều góc độ: văn bản ấy được ban hành đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục không, có dựa trên những căn cứ pháp luật chính xác không, nội dung và hình thức có phù hợp pháp luật, thậm chí có phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật hay không.
Kiểm tra của Tòa hành chính cho phép đưa ra khuôn mẫu về cách hành xử của công quyền. Nhờ sự giám sát của Tòa hành chính, một văn bản trái với văn bản cấp trên sẽ không thể tồn tại trong hệ thống pháp luật. Ngay cả khi cơ quan hành chính có quyền tự quyết, những quyết định đưa ra trong trường hợp tùy nghi – dưới sự đánh giá của Tòa – vẫn phải thỏa mãn các yêu cầu hình thức tối thiểu về thẩm quyền và trình tự, thủ tục.
Quyền năng của Tòa hành chính trong bảo vệ tính thống nhất của pháp luật là rất lớn, do đặc trưng của loại tòa này: nằm trong lĩnh vực luật công và đối tượng xét xử là các hành động của công quyền.
Thậm chí nhiều khi thẩm phán không chỉ phán xét tính hợp hiến, hợp pháp trong hành vi của công quyền theo các quy chuẩn đã có, mà còn có thể tự đánh giá chúng theo các nguyên lý ngoài pháp luật, theo lương tri của thẩm phán – nếu ở đó pháp luật còn có "lỗ hổng".
Bởi luật pháp có thể im lặng, nhưng quyền tài phán vẫn bắt buộc phải hành động nếu như có sự khẩn cầu từ phía người dân.
"Trong hiến pháp của các nước, bất kể bản chất của nó là như thế nào, đều có một điểm nơi đó nhà lập pháp bị buộc phải cầu viện đến lương tri con người và đạo đức công dân. Trong trường hợp các nền cộng hòa, điểm này càng gần càng thấy rõ nét, còn trong trường hợp các nền quân chủ chuyên chế thì điểm này càng bị xa và càng bị che giấu kỹ, nhưng nó vẫn cứ tồn tại đâu đó. Không có nước nào mà luật pháp lại đủ sức tiên liệu tất cả mọi điều và ở đó các thiết chế lại thay thế được cho cả lý trí lẫn tập tục" (*). Và đây là mảnh đất để các thẩm phán có thể thực hiện quyền năng diễn dịch pháp luật của mình.
Như vậy bên cạnh chuyện cần thiết ang quyền cho Tòa án hành chính ở Việt Nam, thì cần kíp vẫn là đội ngũ thẩm phán phải thực sự độc lập với tuyên thệ chỉ phụng sự công lý, không chịu bất kỳ sự lệ thuộc/ phụ thuộc nào vào đảng chính trị – kể cả trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia độc đảng toàn trị.
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 30/10/2020
Chú thích :
(*) Alexis de Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, Phạm Toàn dịch, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2006, trang 269 – 270.
*************************
"Đức thanh liêm của thẩm phán" : tin chắc nên dân phải nhảy lầu tự sát !
Gió Bấc, RFA, 28/10/2020
"Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán" đó là tựa đề bài báo và là trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân tại đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV với chủ đề "Vì công lý" {1}. Bà Kim Ngân cũng lưu ý là "Vì giá trị cốt lõi của tòa án là mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội và tạo được niềm tin của người dân vào công lý".
Ông Lương Hữu Phước trước khi nhảy lầu trước Tòa án nhân dân Bình Phước - Ảnh minh họa
Đọc qua tiêu đề này và cái tên hội nghị người ta không khỏi bật cười về cái sự trớ trêu. Về "đức thanh liêm của thầm phán" chế độ cộng sản thì người dân không còn chút nghị ngờ.
Nhảy lầu tự sát tìm công lý
Không nói xa, chỉ ngay trong năm 2020, người dân Việt Nam đã buộc lòng phải nghe, phải thấy nhiều vụ án cười ra nước mắt. Dù không phải là thân nhân của các đương sự, dù không chút ân oán, không quan hệ buộc ràng người dân vẫn cảm thấy uất nghẹn, căm phẩn trước các bản án oan khiên
Dùng công cụ tìm kiếm của Google, gõ từ khóa "vụ án Lương Hữu Phước" ta sẽ có 897.000 lượt kết quả {2}. Lương Hữu Phước không phải là chính khách hay ngôi sao showbiz sao lại được quan tâm như vậy ? Xin thưa, đó là một bị án đã nhảy lầu tự sát sau khi tòa án tuyên phạt ba năm tù vì một vụ tai nạn giao thông làm chết người mà anh ta là đồng nạn nhân. Người chạy xe máy tông anh ta không có bằng lái, uống rượu khi lái xe và chạy quá tốc độ nhưng chỉ đươc xử phạt hành chính.
Trước khi kết liễu đời mình anh Phước còn bình tỉnh viết một stt trên fb cá nhân Nếu phải chết để đánh thức một nền tư pháp thì tiếc gì không dám làm". Anh Phước uất ức chết vì tin vào công lý, tin mình không phạm tội nên không chung chi theo lời khuyên, gợi ý của những người biết chuyện
Sau cái chết oan khốc đó, Tòa án Bình Phước nơi xảy ra vụ việc vẫn họp báo lua loa xử đúng người đúng tội. Dư luận bừng lên dử dội, Tòa Cấp cao phải kháng nghị rút hồ sơ giám đốc thẩm tuyên hủy án {3}.
Vị thẩm phán phúc thẩm oan ông Lương Hữu Phước từng tuyên bản án oan khác làm nạn nhân tự tử chết. Sau khi chết nạn nhân được giải oan bằng bản án tái thẩm do có tình tiết mới !
Năm qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã mất công tổ chức tìm kiếm hình tượng công lý Việt Nam bằng hình ảnh vua Lý Nhân Tông nhưng bị dư luận và cấp trên bác bỏ. Thật ra nhân dân Việt Nam đã chọn rồi một biểu tượng công lý của Việt Nam rất đáng thuyết phục và rất có ý nghĩa thực tế đó là cái ban công của Tòa án.
Ngày 5-7/2020, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm vụ án Phan Quý (nguyên cán bộ VKS) bán đất cho ông Lê Văn Dư bằng giấy tay từ năm 2007. Ông Dư đã xây nhà cửa ổn định từ hơn 10 năm nay. Bổng dưng ông Quý kiện đòi lại đất vin vào cái giấy đỏ đươc cấp năm 2008. Tòa hai cấp buộc ông Dư phải trả lại đất Khi Hội đồng xét xử công bố gần xong bản án, phía bị đơn lớn tiếng phản đối. Bà Hiệp - vợ ông Dư khóc lóc, la hét và lao ra khỏi phòng xử định nhảy lầu nhưng được lực lượng bảo vệ tòa kịp thời ngăn cản. Dư luận lại rộ lên và Tòa Cấp cao lại giám đốc thẩm hủy án…. {3}.
Nhân đạo với đại gia
Còn biết bao nhiêu vụ án trớ trêu mà sự thanh liêm của thẩm phán và công lý chổng ngược của tòa án Việt Nam đã tỏa sáng ngời ngời. Như vụ xe Inova đi lùi xe trên đường cao tốc gây tai nạn chết người lại tuyên buộc tội tài xế xe Container chạy đúng chiều, đúng tốc độ… !
Hơn cả đức tính liêm khiết mà bà Chủ tịch đã yêu cầu, thẩm phán Việt Nam không chỉ liên khiết mà còn nhân từ. Trong đại án mua bán tham nhũng gây thất thoát trên 7900 tỉ đồng giữa Phạm Nhật Vũ và Mobifone, các nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận hối lộ trên 3 triệu USD nhận án hàng chục năm tù nhưng người đưa hối lộ là Phạm Nhật Vũ chỉ nhận mức án 3 năm tù nhẹ tợ lông hồng {4}.
Theo Tòa án Việt Nam, Vũ đươc khoan hồng không phải vì là em trai của Phạm Nhật Vượng đại gia giàu nhất Việt Nam mà do giàu lòng hảo tâm, cúng dường đươc các thầy ở giáo hội Phật Giáo Việt Nam có văn bản xin khoan hồng. Được giảm án nhờ công đức cúng chùa là sự nhân đạo hiếm có ! Tuy nhiên sự nhân đạo này chỉ dành cho những ai đó có, cúng ở chùa nào…
Cùng thời gian này, đại gia Trầm Bê cũng từng xây sửa nhiều chùa rất đình đám tiền tỉ ở Trà Vinh nhưng vẫn bị tuyên án mút khung của tội phạm chứ không hề được ân giảm ngày nào.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, 15 năm thực hiện chiến lược cải cách, ngành tòa án đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo và đạt được những thành tựu quan trọng. Có lẽ sự sáng tạo mà bà Ngân biểu dương chính là cách xét xử, tuyên án bất cần luật lệ, áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho Phạm Nhật Vũ không hề ghi trong pháp luật hay những lập luận đổi trắng thay đen, biến nạn nhân thành tội phạm và kẻ lật lọng gian hùng được Tòa dùng quyền hợp pháp hóa việc chiếm đoạt đất đai.
Án oan chồng chất
Những bản án hí lộng qủy thần đầy nhan nhản. Ông Huỳnh Văn Nén bị tuyên hai án tử hình và chung thân trong hai vụ án giết người, gia đình có đến 9 người bị tù oan do ông khai bừa khi bị đòn roi. Ông Nguyễn Văn Chấn phải tập luyện cho thuần thục hành vi giết người theo đạo diễn của công an.
Mấy năm qua, tiếng kêu oan của gia đình các tử tù Hồ Duy Hải Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh vẫn vang trời dậy đất. Riêng với Hồ Duy Hải, chánh án Nguyễn Hòa Bình đích thân chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm đã khẳng định một tuyên ngôn phi pháp đáng ghi vào lịch sử "tố tụng có sai sót nhưng không làm sai lệch bản chất vụ án". Sau phiên xử, người ta đã phát hiện thêm hàng chục sai phạm cố ý khác : nhiều bút lục quan trong chứng minh Hải ngoại phạm đã bị bỏ ra ngoài hồ sơ, có đến hai biên bản hiện trường, nhân chứng tố cáo lời khai bị sửa chửa, viết thêm, chữ ký bị giả mạo…. Ủy Ban Tư Pháp Quốc hội đã từng giám sát vụ án, từng có báo cáo, sau phiên giám đốc thẩm lại tiếp tục họp nhưng vì sao đã hơn 2 tháng vẫn chưa có báo cáo cho Ủy ban Thường vu Quốc hội ? Phải chăng áp lực từ những lời vàng ý ngọc của bà Chủ tịch ? Kết luận của Ủy ban Thường vu nếu thật sự khách quan thì sẽ là cái tát vào lời khen của bà tịch Kim Ngân
Cũng tại hội nghị này, đối lại với lời khen của người đẹp Kim Ngân, trang quân tử Nguyễn Hòa Bình - chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng không thiếu lời xưng tụng công lao của tòa án : "Trước hết, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo và toàn diện của Đảng ; tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng ; thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được hiến định.
Bên cạnh đó, quá trình hoạt động phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân. "Bản chất xét xử công khai minh bạch chính là cơ chế để nhân dân tiếp cận thông tin và kiểm soát các quá trình tố tụng", ông nói.
Cùng với đó, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ có chức danh tư pháp. Mỗi thẩm phán, cán bộ tòa án phải giữ cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người "cầm cân nảy mực", tấm gương về sự thanh liêm và chính trực ; đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp với tình hình thực tiễn {1}.
Chuyện ông Bình kể công trung thành với Đảng thì khỏi bàn. Trước nay tòa án đã tuyên biết bao bản án vô lương để giam cầm những người bất đồng chính kiến. Hình ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại phiên tòa đã cho thấy sức mạnh sắt máu của công lý trong tay đảng mạnh mẽ như thế nào. Cô sinh viên Phương Uyên, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… biết bao nhiêu phụ nữ vơ tội đã được hợp thức hóa thành tù nhân bởi bản án của Tòa.
Cặp đôi phe nhóm tiền đại hội ?
Thật đáng xứng đôi giữa người đứng đầu ngành Tư Pháp và Lập Pháp, cả hai đều tự tin khi nói những điều trái ngược với sự thật một cách tự tin đến trơ trẻn Bà Ngân nói về đức liêm chính còn ông Bình nói về xét xử công khai minh bạch mà không hể biết ngượng mồm. Tất cả các phiên tòa xử những người bị quy chụp lợi dụng quyền tự do dân chủ hay chống đối chính quyền hoặc ngay cả tội trốn thuế của luật sư Trần Vũ Hải thì không chỉ báo chí truyền thông lề phải bị bóp cổ chỉ ú ớ ẳng lên những điều được phép nói mà ngay cả giới luật sư cũng bị trấn lột tất cả các phương tiện nghe nhìn.
Những phiên tòa công khai của ông Bình mở trong gian phòng hẹp, giửa bao lớp rào che chắn của công an. Thời sự nóng bỏng hiện nay là phiên tòa vụ khủng bố và thảm sát ở Đồng Tâm. Công an Hà Nội giữa đêm bao vậy, đánh giết dân làng vô tội rồi chính họ điều tra cáo buộc dân làng.
Luật sư bào chữa không được tiếp cận hồ sơ, không được tiếp xúc với thân chủ, không được tranh tụng. Những bản án tử hình vô cứ, vô bằng thách thức dư luận thế giới. Đó là sự minh bạch đó ư ?
Điều buồn cười và trớ trêu hơn nữa, theo nền tảng pháp luật văn minh hiện đại, sự tách bạch, độc lập của ngành tư pháp và lập pháp là nguyên tắc quan trọng hàng đầu để bảo đảm pháp luật, công lý đươc thực thi minh bạch thì ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Chủ tịch Quốc hội đi thăm trụ sở mới của Tòa án tối cao {4}, dự đại hội thi đua, trao danh hiệu cho ngành Tòa án với lời khen vàng ngọc còn những vụ án oan tiếp tục được ngâm tôm.
Hội nghị Trung ương 14 và đại hội đảng 13 sắp diễn ra với những pha đấu đá nghẹt thở ở hậu trường. Những lễ nghị long trọng hữu hảo, những lời khen có cánh này là gì ? Phải chăng là biểu tượng liên kết quyền lực phe nhóm của những thành viên nhà đõ đã quá tuổi, kém tài, vô đức nhưng vẫn còn nhiên tham vọng.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 28/10/2020 (Gió Bấc's blog)
Tham khảo :
https://search.mysearch.com/web?p2=%5ECQG%5Eprs001%5EB2BMS%5EVN&ptb=28F5...
https://vnexpress.net/thua-kien-dat-duong-su-dinh-nhay-lau-4125147.html
https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAN...
**********************
Tòa án nào xét xử Đảng cộng sản Việt Nam khi vi phạm Hiến pháp và pháp luật ?
RFA, 29/10/2020
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào hôm 28/10, phát biểu tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, thành phố Hà Nội, và được truyền thông Nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn :
"Thẩm phán phải là những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật ; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các tòa án phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng ; rèn luyện phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, thẩm phán luôn nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hoạt động trong môi trường xét xử, phán quyết tính đúng sai của các sự kiện pháp lý, cán bộ, thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hệ thống tòa án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng ; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2018 Reuters
Lời phát biểu này đã được Báo Tuổi Trẻ Online, trong cùng ngày đăng tải và chạy tít với câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân "Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán".
Đài RFA ghi nhận cộng đồng cư dân mạng ở Việt Nam lan tỏa bài báo với tựa đề của Tuổi Trẻ Online trong sự bày tỏ bức xúc mạnh mẽ.
PGS-TS. Mạc Văn Trang, trên trang Facebook cá nhân đã nêu câu hỏi vì sao lại "tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán" ?
Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào tối hôm 29/10 lý giải với chúng tôi về thắc mắc mà ông đã đưa ra :
"Không có một cái gì là tuyệt đối cả. Bởi vì con vật biết nghi ngờ. Khi một người lạ cho con vật ăn cái gì đó thì nhiều lúc nó không ăn. Con chó, chẳng hạn, còn nghi ngờ, ngửi và nhìn người ail à đồ ăn. Thế cho nên nghi ngờ là một phản xạ tự nhiên của động vật. Còn đối với con người thì không những có phản xạ mà còn có tư duy. Con người luôn luôn phải biết nghi ngờ, mà nhờ vào đó thì mới có tò mò, khám phá và mới có phản biện, tiến bộ, khoa học, mới tìm tòi chân lý. Cho nên khi nói "tuyệt đối không để dân nghi ngờ" thì lời phát biểu đó rất là không hiểu gì cả. Có thể nói là rất ấu trĩ và ngu. Điểm thứ ail à không nghi ngờ sự thanh liêm của thẩm phán. Về vế đầu ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ’ thì đã là một cái sai. Thêm vế thứ ail à ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán" thì trở thành hài hước. Bởi vì, tòa án và thẩm phán tại Việt Nam có thanh liêm hay không thì người dân ai cũng biết rồi. Bao nhiêu vụ án oan, án sai được người dân biết rất rõ, nhất là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án của ông Thanh Chấn và đặc biệt là vụ đại án Đồng Tâm".
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu lên nhận xét của ông khi nghe lời tuyên bố như thế của bà Nguyễn Thị Kim Ngân :
"Trong một câu phát biểu như vậy có hai ý nghĩa. Thứ nhất, bà Ngân nhắc nhở ngành tòa án không để cho các thẩm phán không được có vấn đề gì để cho người dân nghi ngờ. Thứ ail à mang ý nghĩa như một mệnh lệnh, tức là họ phải kiểm soát suy nghĩ của người dân. Điều này ngụ ý rằng nếu như người dân có nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán thì cần phải xử lý. Nghĩa là hàm ý đe dọa người dân, chứ không chỉ gửi thông điệp đến các thẩm phán trong ngành tòa án Việt Nam. Hàm ý đó là đe dọa người dân khi có những lời lẽ bình luận trên mạng xã hội, hay có những bài viết nói về thẩm phán này, thẩm phán kia không đảm bảo công bằng, khách quan trong vấn đề xét xử".
Không ít cư dân mạng cho rằng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu như vậy cho thấy một sự áp đặt độc đoán lên người dân Việt Nam.
Cựu tù nhân lương tâm-thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung đăng tải ý kiến của anh rằng "Dân nghi ngờ thẩm phán thì cứ vu cho là ‘thế lực thù địch’ rồi bắt nhốt thôi. Thế là không còn ai dám nói tôi nghi ngờ nữa".
Bài báo của Tuổi Trẻ Online, ngày 28/20/2020, đăng tít lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Courtesy : Facebook Mạc Van Trang
Phát biểu của Chánh án Tòa án Tối cao Việt Nam
Bên cạnh lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lời phát biểu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình càng gây chú ý trong công luận nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hòa Bình khi đề cập đến những bài học thành công của hệ thống tòa án Việt Nam suốt 75 năm qua, đã nói rằng trước hết tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo và toàn diện của Đảng ; tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng ; thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được hiến định.
Tiến sĩ Giáo dục Mạc Văn Trang có lời nhận xét với RFA rằng ông Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu rất trung thực về hệ thống tòa án Việt Nam xét xử theo chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài, xác nhận :
"Điều đó chắc chắn nói đến có sự can thiệp từ bên Đảng. Bởi vì theo nguyên tắc của Hiến pháp quy định rằng thẩm phán chỉ tuân theo sự thật khách quan của pháp luật thôi. Tuân thủ luật thì không được chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thế nhưng khi ông Bình nói đến vấn đề trung thành với Đảng hay tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng thì rõ ràng đã khác rồi. Bởi vì trong một số vấn đề giữa đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam với một số vụ án rất khác nhau, đặc biệt trong vụ án chính trị. Bởi vì người dân đấu tranh dân chủ thì họ chỉ thể hiện khát khao quyền tự do dân chủ của họ thôi, nhưng khi Đảng can thiệp và đưa quan điểm chính trị của họ vào thì rõ ràng sẽ làm cho những thẩm phán không còn khách quan, công bằng trong xử lý những vụ án như vậy nữa".
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh thêm rằng bản chất củng cố hệ thống chính trị Cộng sản thì không có tam quyền phân lập mà Đảng lãnh đạo Việt Nam coi ngành công an, viện kiểm sát và tòa án chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lực và lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam, chứ không phải là ngành độc lập.
Trong phiên họp Quốc hội hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, thuộc tỉnh Quảng Trị, đã nêu lên trường hợp vụ án buôn lậu gỗ ở địa phương Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã giám sát và báo cáo. Mặc dù nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị giám đốc thẩm vụ án, thế nhưng đã gần một năm vẫn chưa được xem xét.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng và các Đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 13/6 cũng trưng dẫn các phán quyết của tòa án cũng như vi phạm trong hoạt động tố tụng trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải và vụ án lùi xe trên đường cao tốc đã gây nghi ngờ, nghi vấn trong nhân dân. Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu trước Quốc hội rằng "Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng đang bào mòn lòng tin của người dân".
Luật sư Nguyễn văn Đài khẳng định với RFA rằng :
"Chỉ trừ khi nào Việt Nam có đa Đảng, có tự do dân chủ và có tam quyền phân lập thì khi đó ngành tòa án mới trở lại đúng bản chất của nó bao gồm độc lập và tuân thủ pháp luật. Chế độ nào một Đảng thì vẫn theo đường lối của họ. Chừng nào còn một Đảng thì vẫn theo đường lối cũ và mãi mãi không bao giờ thay đổi cả".
Một số ý kiến trong dư luận bày tỏ trên mạng xã hội rằng "Tòa án Nhân dân" nên đổi tên thành "Tòa án Đảng cộng sản Việt Nam".
Cựu tù nhân lương tâm, anh Nguyễn Tiến Trung lập luận rằng "Đảng cộng sản Việt Nam vi phạm Hiến pháp và luật pháp trong việc tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân thì đâu có tòa án nào dám xét xử Đảng".
Nguồn : RFA, 29/10/2020