Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2020

Miền Trung : Tại sao nở rộ phong trào xây đập thủy điện ?

Lynn Huỳnh - RFA tiếng Việt

Ừ, thì cứt trâu rồi cũng hóa bùn…

Lynn Huỳnh, VNTB, 31/10/2020

"Nếu giao sa mạc cho người cộng sản quản lý, sớm muộn gì sa mạc ấy cũng phải nhập thêm cát".

thuydien1 (2)

"Tôi nghĩ chỉ 1,2 tuần nữa thôi những bức xúc, đau đớn, giận dữ đòi những ai làm mất rừng, lở đất phải chịu trách nhiệm hay thủy điện có lỗi lầm gì sẽ không chìm vào quên lãng như mọi năm !"

Nhà báo Hà Phan nói rằng, "Ngay như thủy điện Rào Trăng 3, nơi vẫn còn 12 công nhân chưa tìm thấy xác cho đến nay vẫn chẳng thấy bóng dáng chủ đầu tư hay người phê duyệt đâu.

Cũng chưa thấy một lời xin lỗi, thăm hỏi, hỗ trợ hay chung tay cùng lực lượng cứu nạn tìm kiếm người mất tích thì đừng đòi hỏi cái gì lớn lao hơn thế ! Tôi nghĩ rồi "để lâu cứt trâu cũng hóa bùn" như thường lệ mà thôi. Tôi cứ nhìn núi Chín Khúc ở Nha Trang quê mình bị người ta cạo trọc nham nhở mà đến nay đã có ai bị gì đâu ?".

Ừ, thì cứt trâu rồi cũng hóa bùn vì ở Việt Nam với thể chế chính trị thiếu động lực cạnh tranh, thì sợi dây dài nhất là sợi dây có tên kinh nghiệm, khi năm nào cứ qua cơn bão với thủy điện xả gây lụt lội, người ta lại nghe điệp khúc quen thuộc của ‘rút kinh nghiệm’.

Thử kiểm lại đi, hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ, người dân, nhất là ở khu vực miền Trung, ngoài nỗi lo về thiên tai còn canh cánh trong lòng nỗi lo sợ về "nhân tai" do các hồ thủy điện xả lũ. Lời nguyền tài nguyên có câu "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt", ngẫm suy thật chuẩn xác, vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên.

Trong các báo cáo ‘rút kinh nghiệm’, tiếp tục viết theo những mẫu câu nằm lòng : "Ngoài nguyên nhân do lâm tặc hoành hành, sự tiếp tay của những phần tử thoái hóa trong chính quyền thì việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan, tàn phá rừng đầu nguồn, kể cả vườn quốc gia, cũng là tác nhân gây nên các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở núi đồi…, phá hủy các cơ sở hạ tầng, làm nhiều người rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", đặc biệt là cướp đi biết bao sinh mạng của người dân vô tội !".

Ai là những phần tử thoái hóa trong chính quyền, khi chính quyền ấy luôn chỉ bao gồm những đảng viên ? Có bao nhiêu bản án hình sự xử đến nơi đến chốn, và truy tận gốc rễ nguyên do đưa đến sự thoái hóa ấy ?

Nên nhớ, với thời đại thông tin của mạng xã hội, thì ai cũng rõ là công luận đã dồn dập cảnh báo từ cuối năm 2018 khi lũ cuốn, sạt lở dìm chết cả chục người, mà nay vẫn thấy thay đổi gì đâu !

"Chỉ thời gian nữa thôi, những dự án khoác áo tâm linh, resort phá rừng, lấn biển sẽ lại tiếp tục và hỉ hả tính vào tăng trưởng, việc làm cho địa phương. Khi bàn thờ hàng trăm nạn nhân vừa qua chưa kịp tan khói nhang, ai dám chắc sẽ có những chỉ thị này, nghị quyết kia, chỉ đạo nọ đủ sức ngăn nạn phá rừng, dời non, lấp biển thực sự hay chỉ có trên… TV ?

Cứ chạy theo dư luận, bức xúc theo sự cố, đau lòng theo đám đông và chỉ đạo theo cảm tính thì năm sau, năm sau nữa người ta sẽ lại đổ cho biến đổi khí hậu và lại đoàn đoàn lớp lớp đi cứu trợ, cứu nạn và tiếp tục phẫn nộ triền miên. Còn nguyên nhân và thủ phạm thì cứ trơ lì, nhởn nhơ ra đấy. Những hình ảnh tang thương như dưới vẫn còn dài…" – nhà báo Hà Phan chua chát nhận xét.

Rất có thể mai đây, sẽ có lãnh đạo đăng đàn để ‘rút kinh nghiệm’ bằng biện minh kiểu ‘hỏi đố’ vầy : "Có nơi nào trên thế giới cũng chịu thiên tai khắc nghiệt như miền Trung mà họ vẫn sống bình thường không ?".

Xin thưa với những thắc mắc tương tự đó, là có rất nhiều, hơn 200 quốc gia có biển, mà điển hình là Philippines.

Philippines là một đảo quốc nằm chơi vơi giữa biển cho nên hứng trọn tất cả các cơn bão biển lớn nhất, mạnh nhất từ tất cả các hướng. Trong cơn bão số 9 Molave vừa đi qua đảo quốc này để vào miền Trung của Việt Nam, báo cáo của Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro quốc gia Philippines (NDRRMC) ngày 28/10 cho hay, chỉ có hai người mất tích.

Dĩ nhiên so sánh ở trên là quá khập khiễng, vì ở miền Trung của Việt Nam đang có hàng trăm đập thủy điện, hàng triệu hecta rừng bị phá, hàng trăm con đường xuyên ngang chẻ dọc đã phá vỡ tan nát hệ sinh thái tự nhiên vốn đã ổn định hàng ngàn đời nay…

Trong dân gian lâu nay đang ‘lưu truyền’ một bi quan thế này : "Nếu bạn giao sa mạc cho người cộng sản quản lý, sớm muộn gì sa mạc ấy cũng phải nhập thêm cát".

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 31/10/2020

***********************

Hàng chục công nhân bị cô lập tại thủy điện Đắk Mi 2 được giải cứu

RFA, 30/10/2020

Tính đến trưa ngày 30/10, đã có hàng chục công nhân trong nhóm hơn 200 công nhân bị cô lập suốt gần hai ngày tại Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 được giải cứu. Theo truyền thông nhà nước Việt Nam.

thuydien2

Các công nhân đu ròng rọc vượt sông. Photo : vnexpress

Mạng báo VnExpress dẫn lời ông Lê Xuân Tuấn - Tổng giám đốc công ty cổ phần Năng lượng Agrita (chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 2), rằng do đường vào khu vực này bị sạt lở, cầu hỏng nên các công nhân đối mặt với thiếu lương thực. Lực lượng cứu hộ phải quay trở lại vì đường sạt lở, cầu bị gãy. Từ nơi lực lượng cứu hộ phải dừng chân đến hiện trường vụ sạt lở là quãng đường dài khoảng 27 km và phải đi bộ băng rừng. Việc tiếp cận hiện trường theo hướng này rất khó khăn do phải leo dốc và băng qua các con suối đang chảy xiết.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, bão số 9 đã làm sạt lở núi và đánh sập cầu bê tông bắt qua Thủy Điện Đăk Mi 2 khiến khoản 217 công nhân bị cô lập hoàn toàn.

Ngoài nhóm công nhân này còn 5 nhóm công nhân khác dọc sông Đăk Mi và khu vực đập thủy điện bị mắc kẹt ở 5 điểm khác nhau và không thể liên lạc được với nhau. Nguyên nhân là do mưa lớn từ ngày 28 đến ngày 29 vừa qua nên nước sông lên rất cao.

RFA, 30/10/2020

**********************

200 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 ở Quảng Nam bị cô lập do sạt lở, đang thiếu lương thực

RFA, 29/10/2020

Khoảng 200 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam đang bị cô lập trong rừng do sạt lở, kêu cứu vì cạn lương thực.

thuydien3

Hàng loạt vụ sạt lở đất sau bão số 9 đã xảy ra tại tỉnh Quảng Nam (hình minh hoạ) - Courtesy of NLD

Thông tin trên được trưởng ban Nội chính tỉnh Quảng Nam-ông Nguyễn Mạnh Hà, cho truyền thông Nhà nước Việt Nam biết trong chiều 29/10.

Theo ông Hà, hiện chính quyền tỉnh tính phương án đưa lương thực cứu trợ theo đường sông, sau đó sẽ dùng cáp treo chuyển vào cho nhóm công nhân bị mắc kẹt.

Nếu không thể tiếp cận đường bộ và thuỷ, tỉnh sẽ tính phương án đưa lương thực bằng máy bay để thả hàng cứu trợ xuống các điểm có công nhân, ông Hà khẳng định thêm.

Chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 2-ông Lê Xuân Tuấn, cũng trong số những người bị mắc kẹt do sạt lở đất xác nhận thông tin trên VTCNews rằng, hiện mọi người vẫn an toàn tuy nhiên lương thực đã cạn kiệt, sẽ chỉ cầm cự được đến ngày 30/10.

Tại huyện Phước Sơn, sáng 29/10 cũng đã xảy ra một vụ sạt lở núi nghiêm trọng ngay sau khi bão số 9 đổ bộ vào tỉnh này hôm 28/10, khiến 11 người bị vùi lấp. Đến trưa 29/10, đã tìm được 3 thi thể.

Uỷ ban nhân dân huyện Phước Sơn cho biết, 11 người bị vùi lấp là dân làng ở thôn 3 xã Phước Lộc. Ngôi làng này có 32 hộ, 215 nhân khẩu. Lúc đất trên núi tràn xuống 11 người không chạy thoát nên đã bị vùi lấp.

RFA, 30/10/2020

*********************

Nghệ An : Thủy điện xả lũ dồn dập trong đêm, hàng loạt nhà dân ngập tới nóc

RFA, 30/10/2020

thuydien4

Thủy điện xả lũ gây ngập vùng hạ lưu (Hình minh hoạ) - AFP

Hàng loạt nhà dân ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương bị ngập gần tới nóc. Trại giam Thanh Chương, nơi một số tù nhân chính trị đang bị giam giữ như ông Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Minh Đức… cũng bị ngập sâu trong nước.

Nhiều tuyến đường ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã bị ngập sâu, sạt lở ta luy gây ách tắc giao thông.

Thông tin trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan dựa theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải 3 tỉnh trên gửi vào ngày 30/10.

Các Sở Giao thông và vận tải cho rằng do hoàn lưu của bão số 9 gây ra mưa lớn kéo dài nên nước ngập sâu đến 6 mét, khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng.

Cụ thể, ở Nghệ An có 32 vị trí trên Quốc lộ và đường liên tỉnh bị ngập sâu, tắc đường.

Đường liên tỉnh tại Hà Tỉnh và quốc lộ 1, quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhanh Tây tại Quảng Bình bị ngập, nền đường bị xói lở hiện đang gây tắc đường.

Ở quốc lộ 9B tỉnh Quảng Bình nhiều điểm còn bị sụt trượt ta luy dương do sạt lở núi, giao thông hạn chế qua lại trên các tuyến đường này.

Cũng trong ngày 30/10, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã thông báo việc tăng cường ứng phó với lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên.

RFA, 30/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh, RFA tiếng Việt
Read 590 times

1 comment

  • Comment Link Minh Thư lundi, 02 novembre 2020 09:22 posted by Minh Thư

    Trời phạt tụi chúng mày, cúi mặt đi vay tiền các nước để xây lại đường xá, cầu cống nhe các con.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)