Nhiều công dân Việt Nam bị cảnh sát Nhật bắt để điều tra trộm cắp
BBC, 01/11/2020
Truyền thông Nhật đưa tin một loạt các vụ bắt giữ nghi phạm trộm cắp gia súc và trái cây trong khi có lời kêu gọi ‘đừng làm ngơ’.
Lực lượng tham gia điều tra và bắt giữ các vụ được cho lên tới hàng trăm cảnh sát và điều tra viên.
Cảnh sát Nhật vào hôm Chủ nhật 1/11 bắt một công dân Việt Nam vì nghi giết mổ lợn trái phép trong nhà tại Tỉnh Saitama, bắc Tokyo, theo NHK.
Vụ giết mổ lợn trong nhà tắm không có giấy phép được cho là xảy ra từ vài tháng trước.
Người đàn ông 29 tuổi tên Công đã bị truy tố vì phạm luật xuất nhập cảnh và bị bắt giữ và đã bị bắt vào tháng trước sau khi cảnh sát phát hiện bán thịt lợn và lê.
Điện thoại của Công, theo cảnh sát, có hình ảnh Công xẻ lợn ra từng miếng trong nhà tắm và tin nhắn trong điện thoại cho thấy "có ý định bán thịt".
Vụ bắt nghi phạm ngày 28/10 thu được điện thoại có hình ảnh giết mổ và tin nhắn "giao bán thịt"
Vào ngày 28/10, bốn người Việt bị bắt tại tỉnh Gunma với cáo buộc vi phạm luật giết mổ động vật tại điểm không có phép.
Vụ bắt giữ bốn người này, hai người 32 tuổi và hai người 27 và 22 tuổi, liên quan tới hoạt động điều tra một loạt các vụ trộm cắp gia súc và trái cây tại vùng Kanto, bao gồm cả Gunma và Saitama.
Cảnh sát chưa tiết lộ những người nay khai nhận thế nào mặc dù dấu vết của mẫu lông và huyết lợn khô được cho là bị phát hiện tại căn nhà này.
Người đàn ông 27 tuổi trong nhóm bốn người này vào ngày 4/10 đã từng bị cảnh sát Gunma bắt tại một trang trại ở thành phố Ota vì nghi trộm dưa. Cảnh sát sau đó khám nhà và phát hiện 38 phần thịt và 5 con dao ''làm bếp''. Hình ảnh lợn bị giết mổ tại nhà người này đã được đưa lên mạng xã hội và cảnh sát đang điều tra vụ việc này.
Khoảng 720 con lợn, 140 con gà và khoảng 9000 trái cây như lê và nho đã bị trộm tại tỉnh Gunma vào năm nay. Các tỉnh cận kề như Saitama và Tochigi cũng thông báo một loạt các vụ trộm lợn và bê cũng như các nông sản khác.
Liên quan tới hoạt động điều tra những vụ việc trộm cắp này, cảnh sát Gunma đã bắt 13 người gồm cả nam và nữ tại Ota vào ngày 26/10 sau khi điều tra một xe dùng để chở thịt và trái cây tới một trung tâm ở thành phố này.
Cảnh sát xác nhận rằng chính xe này đã từng đi lại tại những điểm ở tỉnh Saitama nơi xảy ra các vụ trộm cắp vào tháng Tám.
Các thanh tra cũng thu giữ được giấy biên nhận giao hàng có tên hai trong số 13 người Việt kể trên và giấy này này cho thấy họ gửi hàng cho những người Việt khác sống tại Nhật Bản.
13 người bị bắt giữ ngày 26/10 vì vi phạm luật xuất nhập cảnh và để điều tra dính líu các vụ trộm cắp gia súc và trái cây.
Mặc dù bị bắt với cáo buộc vi phạm luật xuất nhập cảnh vì ở lại Nhật quá hạn visa, nhóm 13 người này bị nghi đã dùng mạng xã hội để tiêu thụ hàng trộm cắp được.
Cảnh sát Nhật hiện đang tiếp tục điều tra một loạt các vụ trộm cắp mà họ tin là có nhiều nhóm khác nhau ở nhiều nơi tại Nhật Bản thực hiện trong đó đáng chú ý vào cuối tháng 10 có vụ bắt giữ 10 nghi phạm buôn thuốc lắc vào Nhật và vụ ba nghi phạm vào nhà dân lấy cắp 10,6 triệu yên (2,3 tỉ VND).
Các vụ công dân Việt Nam bị bắt giữ để điều tra về nghi vấn trộm cắp động vật và trái cây (ngoài những mặt hàng khác) được sự chú ý và chia sẻ trên các trang mạng xã hội trong đó có Facebook.
'Tiếp tay cho tội phạm'
Trong bài viết 'Im lặng không làm ta vô can' được nhiều người chia sẻ, một người Việt sống và làm việc tại Nhật viết :
"…Hậu quả để lại cho cộng đồng người Việt tại Nhật sau những vụ án điểm có ảnh hưởng lớn như thế này chắc chắn sẽ bộc lộ trong gia tăng kỳ thị đối với người Việt, trong việc siết chặt tiêu chuẩn cấp visa, khám xét trên đường và thậm chí có thể cả trong thái độ thiếu tích cực của cảnh sát đối với những vụ việc tội phạm trong nội bộ cộng đồng người Việt, đang ngày càng nhức nhối. Tóm lại, Nhật Bản sẽ trở thành mảnh đất khó sống hơn cho người Việt.
Tuy nhiên tác giả bài viết đặt câu hỏi cho cái gọi là "quít làm cam chịu" hay không và tự trả lời rằng "hoàn toàn không".
Người này mô tả điều ông gọi là "hàng nghìn người Việt tiếp tay cho tội phạm".
"Đồ mà người Việt trộm được không thể tiêu thụ qua các kênh phân phối thông thường. Đồ mỹ phẩm, dược phẩm hay đồ điện tử được gửi về tiêu thụ tại Việt Nam.
"Nhưng thực phẩm thì chỉ có thể tiêu thụ ngay tại Nhật. Với số lượng tới 700 con lợn, số lượng người tiêu thụ lên tới hàng nghìn người. Về bản chất, việc tiêu thụ đồ trộm cắp là hành vi tội phạm có thể bị phạt tù. Lần này, người mua có thể chối phắt là mình không biết nguồn gốc để tránh tội, nhưng một đứa trẻ trung học cũng đủ khả năng để hiểu rằng lợn sữa cả con hay hoa quả với giá chỉ bằng 1/3 giá bán ở siêu thị không thể là "của nhà trồng được". Người Nhật, dù có cơ hội mua rẻ tương tự nhìn chung cũng sẽ không hám lợi mà chặc lưỡi.
"Do số lượng hàng trộm được quá lớn, việc tiêu thụ không thể giới hạn qua truyền miệng trong người quen mà phải đăng công khai trên một số nhóm lớn trong cộng đồng người Việt tại Nhật.
"Hình ảnh chụp màn hình của những tin rao bán lợn hay lê cũng được lan truyền sau đó. Nhưng không thấy ai nêu ý kiến cần thông báo đến nhà chức trách, không ai tố giác tội phạm. Cả cộng đồng lớn hàng chục vạn người điềm nhiên "im lặng", như việc phạm tội này diễn ra ở một thế giới khác, không phải trên chính mảnh đất mà mình đang sinh sống…
"...Đừng coi đó là vấn đề của cảnh sát hay chính phủ Nhật. Chỉ có sự thay đổi từ bên trong người Việt, bắt đầu từ những điều tử tế nhỏ nhặt, mới thực sự là giải pháp," người này viết.
Không ít hàng hoá trộm cắp tại Nhật được đưa về Việt Nam tiêu thụ nhưng ít khi thấy nhà chức trách Việt Nam truy tố tội phạm.
Một người Việt khác viết : "Nhiều người cứ bảo đọc tin người Việt trộm cắp thấy nhục, không dám ra đường, rồi là không dám nhận mình là người Việt, đi làm sợ Nhật bàn tán... Riêng tôi thì thấy bình thường, vì tôi nhục quen rồi. Còn nhục được thêm nữa sao. Bao nhiều vụ rồi chứ có phải một đâu. Đây chỉ là những vụ đã được khui ra, còn người Việt phạm tội ở Nhật chưa bị bắt thì tôi tin còn nhiều lắm. Vẫn đang phạm tội hàng ngày trên khắp nước Nhật kìa.
"Nhìn thấy nó bán đồ ăn cắp đầy trên mạng đấy, nhìn thấy bọn cư trú bất hợp pháp, bọn lô đề bóng bánh cờ bạc đấy. Có ai dám báo cảnh sát không ? Hay nếu báo thì mọi người lại nói "thằng này, con này ác, không biết giúp đỡ bảo vệ đồng bào". Đấy chẳng phải chính chúng ta cũng đang bao che cho tội ác sao ?", người này viết.
Số liệu của Tổng cục cảnh sát Nhật vào năm 2018 cho thấy số vụ án hình sự do thủ phạm người Việt là 5.140 vụ, đứng đầu và chiếm hơn 30% tổng số vụ án do người nước ngoài tại Nhật, trong khi người Việt chỉ chiếm chừng 12,1% cộng đồng người nước ngoài.
Hiện có khoảng hơn 400 ngàn người Việt sinh sống và làm việc, học tập tại Nhật Bản.
Nguồn : BBC, 01/11/2020
**********************
Nhật bắt hai người Việt nghi trộm gần 700 con lợn
Anh Ngọc, VnExpress, 26/10/2020
Cảnh sát Nhật Bản bắt hai người Việt bị nghi tham gia nhóm trộm cắp 670 con lợn tại tỉnh Gunma, sau đó rao bán trên Facebook.
Cảnh sát tại ngôi nhà ở thành phố Ota, tỉnh Gunma, nơi các nghi phạm Việt bị bắt hôm nay. Ảnh : Nikkei.
Cảnh sát tỉnh Gunma hôm nay khám xét hai ngôi nhà ở thành phố Ota và phát hiện 19 người Việt tại đây. Hai người trong số này bị bắt với cáo buộc vi phạm Luật Nhập cư.
Họ cũng phát hiện những người này đăng bài rao bán thịt lợn lên Facebook và tình nghi nhóm người Việt liên quan đến các vụ trộm lợn trong địa phương.
Chỉ riêng trong tháng 7 và 8, tổng cộng khoảng 670 con lợn đã bị trộm tại 7 trang trại ở 4 thành phố, bao gồm Maebashi và Ota. Ngoài ra, khoảng 144 con gà, một con bò, khoảng 5.400 quả lê và 70 chùm nho cũng bị trộm, gây tổng thiệt hại khoảng 24 triệu yen (gần 230.000 USD).
Các vụ trộm gia súc và hoa quả quy mô lớn còn được ghi nhận tại các tỉnh khác, chủ yếu ở vùng phía bắc Kanto, như Tochigi, Saitama và Ibaraki.
(theo Nikkei)
Anh Ngọc