Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2020

Hà Nội tìm mọi cách để thành lập những công đoàn cuội

Nhiều tác giả

Công đoàn độc lập Việt Nam cần có những định chế tài chính thích hợp

Nếu chỉ dừng lại ở mỗi quyết định hành chính là cho phép thành lập các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn không trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thì xem ra vẫn dừng lại ở một quy định làm đẹp chính sách.

congdoan0

Nhìn ra thế giới, ở Cộng hòa Liên bang Đức, thì Liên hiệp Công đoàn Đức (DGB) trong giai đoạn 1960 – 1980 đã thành lập các doanh nghiệp xã hội (không đặt mục tiêu lợi nhuận), Ngân hàng, Xây dựng để hỗ trợ đoàn viên, với chi phí thấp, về nhu cầu nhà ở xã hội, bảo hiểm tương hỗ, hợp tác xã tiêu dùng và dịch vụ tài chính ngân hàng.

Ở Nhật Bản, thì công đoàn ở quốc gia này cùng Liên minh hợp tác xã tiêu dùng thành lập Ngân hàng Lao động từ những năm 1950. Hiện có khoảng 10 triệu đoàn viên, người lao động, người dân là thành viên trực tiếp, hoặc gián tiếp của Ngân hàng này. Công đoàn Nhật Bản đã cung cấp phúc lợi tài chính gồm các khoản vay, dịch vụ tài chính dựa trên nhu cầu của đoàn viên.

Với đảo quốc Singapore, công đoàn nước này đã thành lập hàng loạt các doanh nghiệp trong các lĩnh vực : siêu thị thực phẩm, siêu thị bán lẻ, dịch vụ y tế và chăm sóc người già, nhà trẻ, bảo hiểm, đào tạo, taxi, nhà ở giá thấp, tiết kiệm và cho vay…

Công đoàn ở một số nước khác, như Ấn Độ, Mỹ, Thuỵ Điển, Anh, Philippines, Thái Lan và Brazil… cũng cung cấp các dịch vụ như tài chính, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khoẻ, an toan lao động… nhưng ở phạm vi ngành, khá hẹp, hoạt động tốt, với đòi hỏi trình độ quản lý cao.

Còn công đoàn độc lập ở Việt Nam thời gian tới có diện mạo ra sao, các định chế tài chính sẽ như thế nào ? Tất cả vẫn còn bỏ ngõ câu trả lời, và hiện tại vẫn là câu chuyện tiếp diễn của việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được Nhà nước giao, ủy quyền quản lý nguồn lực để thực hiện các chính sách phúc lợi trực tiếp cho người lao động.

Chính lẽ đó, nên đặt trong bối cảnh tổng thể, trong điều kiện tổng nguồn lực xã hội hạn hẹp, thì việc xác định "ai và bằng cách nào mang lại phúc lợi cho người lao động" là một bài toán kinh tế – chính trị – xã hội… rất quan trọng. Nó liên quan trực tiếp tới việc phân bổ và sử dụng nguồn lực, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, sự phát triển bền vững, tác động đa chiều – nhiều mặt, cả trước mắt và lâu dài… Do vậy, người ta đang cảm nhận sự lúng túng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong xác định cách thức, phương pháp "mang lại phúc lợi" cho người lao động một cách thông minh, hiệu quả và bền vững ở bối cảnh đang là thể chế ‘độc quyền công đoàn’.

Sự lúng túng ở đây còn đến từ chính quyền, khi mà Đảng cầm quyền đang ‘nhìn đâu cũng thấy thù địch’.

Với việc lúc nào cũng ám ảnh về "một số thế lực thù địch, lợi dụng quyền tự do hiệp hội để thành lập, thao túng và đội lốt ‘tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp’ để hoạt động ngoài phạm vi quan hệ lao động và tại nơi làm việc, dẫn đến tình trạng quan hệ bị bóp méo hoặc diễn biến phức tạp. Lập trường chính trị và tư tưởng của người lao động cũng vì thế mà bị ảnh hưởng", đã khiến tổ chức công đoàn cứ chăm chăm vào việc bảo đảm tuyệt đối về tư tưởng chính trị của người lao động là phải luôn trung thành với Đảng cộng sản, mặc dù họ không là đảng viên, và cũng có thể họ không thích cả Đảng cộng sản.

Cái đáng lo hơn là nếu vẫn duy trì nếp nghĩ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, khả năng sắp tới đây trong thực thi quyền tự do công đoàn của người lao động Việt Nam, sẽ vấp rất nhiều hạn chế, thậm chí còn phải đối mặt cả nguy cơ đe dọa của án hình sự về chuyện duy diễn "chống Đảng" (!?).

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 03/11/2020

**********************

Xây dựng cơ chế tài chính độc lập cho hoạt động của công đoàn và các thành viên

Hoài Nguyễn, VNTB, 01/11/2020

Theo quy định của ILO (Công ước số 98), một trong những yếu tố tiên quyết cần được đặt lên hàng đầu để công đoàn hoạt động hiệu quả là sự độc lập về tài chính với người sử dụng lao động.

congdoan1

Phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục đưa ra yêu cầu "kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động".

Tổ chức đại diện tập thể người lao động do người lao động tự lập nên, tự chi trả kinh phí hoạt động, vậy nên chỉ khi nào công đoàn được tồn tại, được hưởng lợi từ người lao động thì tổ chức đại diện mới sống với cuộc sống của người lao động mới toàn tâm toàn ý phục vụ người lao động.

Như vậy, vấn đề không phải là chăm chăm quanh con số 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và 1% tiền lương của người lao động, mà cần sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành sao cho đảm bảo tổ chức và thành viên của công đoàn độc lập về tài chính, qua đó công đoàn mới có thể hoạt động hiệu quả. Khi ấy, việc tự nguyện thành lập các loại tổ chức công đoàn cơ sở, quyền tự do lựa chọn, gia nhập bất kỳ một tổ chức công đoàn nào của người lao động sẽ không còn là điều quá xa lạ. Đó cũng chính là việc đáp ứng đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn cuộc sống, một trong những động lực của sự phát triển xã hội.

Tuy nhiên với thực tế ở Việt Nam tiếp tục là thể chế độc đảng chính trị, thời gian tới, cần hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan theo yêu cầu dung hòa, để bảo đảm cho Việt Nam có thể vẫn thực hiện tốt các cam kết quốc tế liên quan đến lao động, phát triển bền vững, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu ổn định thể chế chính trị của đất nước.

Theo đó, các quy định về vai trò, địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn sẽ phải thay đổi cho phù hợp, tránh để trùng lặp, mâu thuẫn với tổ chức của người lao động sẽ được thành lập tới đây theo các cam kết quốc tế. Hoặc sẽ phải được sửa đổi theo hướng tăng cường khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa hai loại tổ chức này, để qua đó có thể thu hút được nhiều hơn sự tham gia tự nguyện của người lao động. Đây là một vấn đề rất khó, đôi khi cần cả sự dũng cảm và linh hoạt trong quan niệm về vai trò, chức năng, bản chất của các thiết chế chính trị, chính trị – xã hội, cũng như cơ chế vận hành của nó ở Việt Nam.

Và từ biện giải kể trên, cho thấy nếu đã gọi là quyền tự do công đoàn, thì dựa trên sự tham gia "tình nguyện" của người lao động, thế thì tại sao phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vẫn bảo thủ tiếp tục đưa ra yêu cầu bắt doanh nghiệp phải đóng kinh phí bằng 2% quỹ lương cho việc này ? Công đoàn bảo vệ người lao động chứ có phải bảo vệ người sử dụng lao động đâu ?

Việc thu kinh phí như vậy gần như mang tính chất của một loại thuế/ phí đối với doanh nghiệp.

Nếu lý luận, công đoàn cũng bảo vệ doanh nghiệp là tổ chức trung gian giữa người lao động và doanh nghiệp (không có quy định trong chức năng). Vậy rõ ràng, phải chăng công đoàn phải là một cơ quan nhà nước thì mới có quyền thu phí một cách luật định như thế ? Mà những chức năng này đã có một loạt các cơ quan khác như phòng, hội đồng trọng tài, hòa giải viên… lo rồi cơ mà (!?).

Cái phi lý khác là nếu có công đoàn thì đóng phí thì đã đành, song ở Việt Nam lâu nay quy định bất kể không có tổ chức công đoàn cũng phải đóng 2% cho công đoàn cấp trên trực tiếp. Vậy lý lẽ ở đây là gì ?

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 01/11/2020

************************

Công đoàn độc lập sẽ là mầm mống của thế lực thù địch ?

Sông Phố, VNTB, 30/11/2020

"Tổ chức Công đoàn phải tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an nhân dân chặt chẽ hơn nữa để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự".

congdoan2

Công đoàn độc lập sẽ là mầm mống của thế lực thù địch ?

Ông Trần Quốc Tỏ – thứ trưởng Bộ Công an, trong lễ tuyên dương 94 cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức, đã có phát biểu thế này : "Các thế lực thù địch vẫn chưa hề từ bỏ âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, đa dạng, thâm độc và xảo quyệt. Tổ chức Công đoàn phải tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an nhân dân chặt chẽ hơn nữa để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự".

Như vậy với việc từ năm 2021, Bộ luật Lao động của Việt Nam cho phép người lao động được quyền lựa chọn các tổ chức công đoàn thích hợp để tham gia, sẽ đưa đến một lo lắng từ cơ quan công an cho ‘thế lực thù địch’.

Theo ông Nguyễn Đình Khang – chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – thì lâu nay tổ chức công đoàn còn làm luôn những phần việc như thành lập các tổ tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự. Những tổ này có trách nhiệm phối hợp với lực lượng công an, dân quân tự vệ đảm bảo an ninh trật tự với nhiều hoạt động như : tổ chức tuần tra, canh gác 24/24g ; điều tiết giao thông trước cổng doanh nghiệp trước và sau khi tan ca ; chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với lực lượng an ninh để ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi gây rối, kích động…

Các tổ chức công đoàn độc lập liệu có thể tự đứng ra thành lập những lực lượng tương tự như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ? Nếu câu trả lời là ‘có’, thì liệu đến lúc nào đó nhà chức trách sẽ e ngại với lo lắng là phải chăng những tổ chức công đoàn độc lập này đang ‘nuôi quân – dưỡng quân’, nhằm tiến đến cho một đòi hỏi của quyền tự do chính trị, tương tự như người lao động đang có quyền tự do công đoàn ?

Công đoàn Ba Lan là bài học nhỡn tiền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vào tháng 9-1980 ở Ba Lan có một phong trào chính trị xã hội được thành lập mang tên Công Đoàn Đoàn kết, không chịu sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Ba Lan.

Dưới sự đấu tranh mạnh mẽ của Công Đoàn Đoàn kết từ ngày 06-02-1989 đến ngày 05-04-1989, đảng cầm quyền ở Ba Lan buộc phải chấp nhận "Hội nghị bàn tròn" với Công Đoàn Đoàn kết, và đồng ý tổ chức bầu cử dân chủ vào quốc hội và thượng viện.

Ngày 17-04-1989, tòa án thành phố Warszawa một lần nữa cấp lại đăng ký pháp lý cho Công Đoàn Đoàn kết. Ngày 04-06-1989, trong cuộc bầu cử dân chủ, Công Đoàn Đoàn kết thắng lớn. Công Đoàn Đoàn kết cùng các lực lượng đối lập là Đảng Nhân dân Thống Nhất và Đảng Dân chủ ở Ba Lan đứng ra lập chính phủ liên hiệp.

Tháng 12-1990, Lech Wałęsa trở thành tổng thống. Chính quyền mới tiến hành chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường tự do, đưa Ba Lan vượt qua những khó khăn về kinh tế và dần dần trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao.

Trở lại với Việt Nam.

Lâu nay đàng sau hậu trường chính trị, nhiều người bàn tán đến thế lực của một nhân vật là 3X. Ông 3X này từng là thủ tướng trong một thời gian rất dài, trong suốt 9 năm, 287 ngày. Ông 3X vẫn đang được coi là ‘kẻ thù truyền kiếp’ với ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước hiện nay.

Sau khi tuyên bố rửa tay gác kiếm về lại quê nhà để làm người tử tế, song ông 3X vẫn là một đối thủ chính trị đáng ngại của ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước. Trong những tháng gần đây, người ta lại thấy ông 3X ‘tái xuất’ trên một số phương tiện truyền thông. Ông 3X cũng có mặt ở Đại hội Đảng của Bộ Quốc phòng. Con trai của ông 3X cũng đã kịp quay lại vị trí thứ trưởng trước đó…

Giả dụ như sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, bất ngờ ông 3X đứng ra thành lập nhóm các tổ chức công đoàn độc lập – ví dụ như tận dụng lợi thế quê nhà Kiên Giang, ông 3X lập Liên minh công đoàn độc lập ngành thủy sản Việt Nam, có lẽ ông sẽ thu hút được đông đảo đoàn viên toàn trai trẻ là dân miền Tây đang lao động trong các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu.

Có lẽ là rất đáng ngại, khi đảng chính trị bắt đầu có những manh nha về sự cạnh tranh đến từ chính các đồng chí trong Đảng thông qua ‘màu cờ sắc áo’ có tên là công đoàn độc lập.

Sông Phố

Nguồn : VNTB, 30/10/2020

********************

Quyền chính trị của các tổ chức công đoàn độc lập ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 29/10/2020

Đã là tổ chức công đoàn thì cần phải có quyền về chính trị !

Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực vào năm 2021, cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn duy nhất hiện nay.

Tuy nhiên có một lấn cấn là với thực tế Việt Nam chỉ có một đảng chính trị, thì các tổ chức công đoàn độc lập sắp tới đây nếu hình thành, liệu họ có được quyền tự do chính trị khi họ có quyền không phải chịu sự lệ thuộc/phụ thuộc vào độc đảng chính trị ấy ?

Hkg984976

Mai đây mặc dù người lao động Việt Nam có quyền tự do công đoàn, song dù là công đoàn nào chăng nữa, thì điều bắt buộc phải chịu sự lãnh đạo chung của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, ghi nhận phản hồi từ một số đại biểu Quốc hội, rằng, công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội, đại diện của giai cấp công nhân và người lao động, mà giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, Công đoàn Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị – xã hội khác.

Việc Hiến pháp năm 2013 tiếp tục dành riêng một điều quy định về công đoàn là thể hiện vị trí quan trọng của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị ; đảm bảo điều kiện pháp lý cho tổ chức công đoàn hoạt động. Do vậy, hồ sơ Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cần thể hiện rõ quy định trong Hiến pháp nhằm làm rõ địa vị pháp lý của tổ chức này trong hệ thống chính trị – xã hội.

Như vậy nhiều khả năng mai đây mặc dù người lao động Việt Nam có quyền tự do công đoàn, song dù là công đoàn nào chăng nữa, thì điều bắt buộc phải chịu sự lãnh đạo chung của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự bắt buộc trên về quyền chính trị đã được ghi rõ tại Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn : "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ; đại diện cho công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức ; chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động ; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Trên thực tế, thì việc vận hành tổ chức công đoàn lâu nay dưới sự quản lý của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam rất khập khiễng.

Đơn cử, chính phủ thực hiện chủ trương cải cách bộ máy hành chính, tinh giản cán bộ, công chức, nhưng riêng tổ chức công đoàn không thể áp dụng cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác vận động đoàn viên, mà phải đến từng nhà trọ, từng công ty vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, hiện nay biên chế của tổ chức công đoàn – tạm gọi là ‘công đoàn nhà nước’ không đủ, không có đặc thù so với các tổ chức chính trị – xã hội khác, nên nếu phát triển không khéo có thể dẫn tới tình trạng phát triển rộng nhưng không sâu, lớn nhưng không mạnh.

Riêng tại tỉnh Bình Dương, bên cạnh hơn 4.000 tổ chức công đoàn hiện có, năm 2020 được giao chỉ tiêu thành lập mới trên 400 tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, trong khi biên chế, bộ máy tổ chức công đoàn tại Bình Dương không khác so với các địa phương khác. Hiện Bình Dương đứng thứ hai cả nước về số đoàn viên công đoàn – sau thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chỉ có 108 cán bộ chuyên trách.

Một vấn đề mang tính nguyên tắc đang đặt ra : khi người lao động Việt Nam sẽ có quyền thành lập một tổ chức đại diện của mình, dạng như tổ chức công đoàn độc lập, khác với tổ chức công đoàn theo pháp luật hiện hành, thì tổ chức công đoàn này sẽ tự chủ trong các hoạt động, như bầu Ban chấp hành, xây dựng và hoạt động theo Điều lệ riêng, có quyền yêu cầu và nhận hỗ trợ từ các tổ chức hoạt động về lao động của quốc gia, hoặc của quốc tế đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, được chia sẻ khoản kinh phí công đoàn mà người sử dụng lao động đóng.

Đặc biệt, người lao động có thể lựa chọn gia nhập tổ chức công đoàn hiện nay, hoặc tổ chức đại diện của người lao động. Nếu tổ chức của người lao động không tham gia vào hệ thống của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thì sẽ không phải thực hiện các trọng trách chính trị như quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Nói một cách khác, quyền chính trị ở đây của tổ chức công đoàn độc lập, đó là quyền có thể từ khước các yêu cầu mà đảng chính trị đưa ra, song không vì thế mà bị cáo buộc về các tội danh hình sự quy định tại "Chương 13 : Các tội xâm phạm an ninh quốc gia", từ các điều 108 đến điều 122 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 29/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Triệu Tử Long, Hoài Nguyễn, Sông Phố, Trần Dzạ Dzũng
Read 599 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)