Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/11/2020

Nguồn kiều hối không còn dồi dào như những năm trước

Ninh Kiều - RFA tiếng Việt

Thấy gì từ việc kiều hối giảm mạnh ?

Ninh Kiều, VNTB, 06/11/2020

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 người đi xuất khẩu lao động. Hiện có hơn nửa triệu người Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia, trong đó, phổ biến nhất là các nước Đông Á. Lượng tiền do người lao động gửi về Việt Nam từ 2,5-3 tỷ USD/năm ; dĩ nhiên ở đây không tính lượng kiều hối do người Việt định cư ở nước ngoài gửi về.

kieuhoi1

Đại dịch Covid đã khiến dòng tiền ‘kiều hối’ chảy về Việt Nam không còn lạc quan như các dự báo của chính quyền.

Trở ngược thời gian. Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm 2019 của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) công bố vào trung tuần tháng 12/2019, thì dự kiến trong năm 2019, Việt Nam sẽ nhận được 16,7 tỷ USD kiều hối.

Cũng trong thời gian này, khi nhà báo Phạm Chí Dũng có được quyền tự do viết lách, ông hoài nghi về những con số kiều hối trong các thống kê mà nhà đương cuộc đưa ra. Chính điều này nên giờ khi phía cơ quan nhà nước than thở rằng kiều hối năm 2020 giảm mạnh vì Covid, cho thấy chỉ tạm tin ở mỗi vế về số ngoại tệ của người Việt từ nước ngoài gửi về quê nhà đang tuột dốc.

"Gần 18 tỷ USD hay chỉ dưới 8,5 tỷ USD ?" – nhà báo Phạm Chí Dũng đặt nghi vấn trong bài viết "Ngân hàng Thế giới tính khống số kiều hối về Việt Nam ?", đăng trên VOA ngày 12/09/2019 (*).

"Bởi theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối Việt Nam đạt 13,8 tỷ USD trong năm 2017, và lên đến 15,9 tỷ USD trong năm 2018, có mức độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%.

Từ đó có thể ước tính số kiều hối về Việt Nam trong năm 2019 sẽ vọt đến gần 18 tỷ USD !

Nhưng theo quan chức Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, người chuyên theo dõi và thông tin cho báo giới về kết quả kiều hối ở thành phố này, lại cho biết ước tính 8 tháng đầu năm 2019, nguồn kiều hối chảy về Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 3,45 tỷ USD và dự kiến cả năm 2019, nguồn kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt con số trên 5 tỷ USD.

Nếu mức 5 tỷ hoặc nhỉnh hơn một chút là số liệu cuối cùng về kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2019, kết quả này là không có gì vượt hơn so với 5 tỷ USD kiều hối về thành phố này trong năm 2018, thậm chí còn thua cả số 5,2 tỷ USD kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017.

So sánh trên phản ánh một diễn biến quan trọng của đồ thị kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh : sau khi tạo đỉnh vào những năm 2016 và 2017, kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm dần, bất chấp Sài Gòn là nơi tập trung hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài và là địa chỉ ‘giàu có’ nhất’ về nhận kiều hối, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam.

Kết quả kiều hối về Sài Gòn lại là phác thảo cho bức tranh kiều hối về Việt Nam, bởi đã hình thành một quy luật : Sài Gòn thường nhận khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam – theo thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối trong nhiều năm qua.

Như vậy nếu căn cứ vào con số 5,2 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2017 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017 và 15,9 tỷ USD cho năm 2018 như Ngân hàng Thế giới công bố.

Tương tự, nếu căn cứ vào con số khoảng 5 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2019 và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2019 cũng chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến gần 18 tỷ USD".

Đó là câu chuyện của thì quá khứ. Sắp kết thúc năm 2020, phía Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo là kiều hối nhìn chung sẽ giảm đến mức 20% so với bình quân mọi năm. Kiều hối giảm, các hộ gia đình sống dựa vào nguồn tài chính từ xuất khẩu lao động sẽ phải "thắt lưng buộc bụng".

Và trước hiện tình đó, nếu mai đây có diễn văn nào lại ‘nhảy đĩa’ cho ‘lời có cánh’ cũ rích : "Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam", thì đó đúng là hành vi của "tự chuyển hóa – tự diễn biến", cần phải bị loại khỏi sàn độc đấu chính trị ở Việt Nam.

Ninh Kiều

Nguồn : VNTB, 05/11/2020

Chú thích :

(*)https://www.voatiengviet.com/a/ngan-hang-the-gioi-tinh-khong-kieu-hoi-viet-nam/5079584.html

*****************

Kiều hối chảy về Việt Nam giảm lần đầu sau mười năm

RFA, 05/11/2020

Lượng kiều hối về Việt Nam giảm lần đầu tiên trong năm nay kể từ năm 2010. Nguyên nhân được cho rằng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

kieuhoi2

Một nhân viên đếm tiền USD và VND tại chi nhánh ngân hàng VPBank ở Hà Nội ngày 15/11/2017. Reuters

Truyền thông Nhà nước loan tin hôm 5/11 trích số liệu theo Báo cáo Di cư và Kiều hối được Ngân hàng Thế giới (Ngân hàng Thế giới) vừa công bố.

Theo Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối chảy về Việt Nam năm 2020 có thể giảm hơn 7% so với năm 2019 còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam vẫn nằm trong top 10 những quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất đổ về trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Ngân hàng Thế giới cho rằng dịch Covid-19 khiến nền kinh tế ảnh hưởng khiến nguồn tiền mà các lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về gia đình sụt giảm. Bên cạnh đó là số lượng việc làm giảm, giá trị đồng tiền tại các quốc gia nhận kiều hối giảm so với đồng USD.

Trên toàn thế giới, lượng tiền mà các lao động di cư gửi về cho gia đình được dự kiến giảm 14% vào năm 2021 so với trước khi có dịch Covid-19.

Bà Mamta Murthi, Phó chủ tịch Phát triển con người tại Ngân hàng Thế giới, cho rằng các lao động di cư đang chịu rủi ro lớn về sức khỏe và tình trạng thất nghiệp vì khủng hoảng kinh tế liên quan đến Covid-19.

Ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu về Bảo trợ Xã hội và Việc làm Toàn cầu tại Ngân hàng Thế giới, đề xuất với những nước có lao động di cư cần xem xét các biện pháp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng về nước.

Nguồn : RFA, 05/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ninh Kiều, RFA tiếng Việt
Read 536 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)