Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/11/2020

Nhân quyền Việt Nam "cậy nhờ" được gì ở tân tổng thống Mỹ ?

Lynn Huỳnh

Giới xã hội dân sự ở Việt Nam liệu có thể ‘cậy nhờ’ được gì khi người của đảng dân chủ Hoa Kỳ là Tổng thống Mỹ ?

nhanquyen1

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đã không được mấy quan tâm nên chính quyền cộng sản thẳng tay đàn áp giới bất đồng chính kiến không hề nương tay - Ảnh minh họa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫy cờ Việt Mỹ trong chuyến viếng thăm Hà Nội ngày 27/02/2019 

Trong suốt thời gian tranh cử tổng thống, ông Joe Biden đưa ra chính sách hỗ trợ con đường trở thành công dân cho những người nhập cư không có giấy tờ.

Ông nói rằng sẽ kêu gọi Quốc hội ngay lập tức cấp quyền công dân cho một số người nhập cư không có giấy tờ tùy thân được đưa đến Mỹ khi còn nhỏ. Quan điểm của ông Biden là những người nhập cư không có giấy tờ và không có tiền án "không nên là trọng tâm của việc trục xuất".

Tổng thống Donald Trump thì ngược lại, trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình, ông đã đề xuất xây dựng một bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico và biến nó thành nguyên lý trong chính sách nhập cư của ông. Sau khi nhậm chức, ông ban hành một lệnh hành pháp đình chỉ việc nhập cảnh của những người từ một số quốc gia (đa số theo đạo Hồi) trong 90 ngày.

Chính sách "không khoan nhượng" của chính quyền ông Donald Trump vào năm 2018, truy tố hình sự những người trưởng thành vượt biên trái phép đã dẫn đến hàng nghìn gia đình ly tán ở biên giới do cha mẹ bị giam giữ. Ông Donald Trump cũng chính thức chấm dứt các biện pháp bảo vệ từ thời cựu Tổng thống Barack Obama đối với những người nhập cư không có giấy tờ được đưa vào đất nước khi còn nhỏ, một quyết định hiện đang được đưa lên Tòa án Tối cao.

Một lập luận trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng viên Joe Biden, là ông có nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại từ 8 năm phục vụ tại Nhà Trắng, và từ việc đi khắp thế giới với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Hồi tháng 6, ông Joe Biden cam kết sẽ tìm cách khôi phục các chuẩn mực quốc tế và "đặt nước Mỹ trở lại vị trí đầu bảng". Liệu chuẩn mực này có liên quan gì tới vấn đề nước Mỹ sẽ đặt nặng các yêu cầu về nhân quyền, về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt chính kiến,… đối với quốc gia đang bảo thủ chính trị đơn nguyên là Việt Nam ?

Sở dĩ đặt dấu chấm hỏi ở thắc mắc trên trong lãnh vực dân chủ, vì tuy ứng cử viên đảng Dân chủ lúc tranh cử đã nói sẽ "kiên quyết" và "cứng rắn" trong cách tiếp cận với Trung Quốc nếu đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Song trong buổi vận động tranh cử ở Delaware (23/9), ông Biden đã tuyên bố không coi mối quan hệ Mỹ - Trung là một "trò chơi có tổng bằng không". "Có rất nhiều nguy cơ trong mối quan hệ này", ông Biden phát biểu. Chính vì điều này nên không ít chuyên gia đưa ra dự đoán, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ ấm lên nếu ông Biden đắc cử.

Theo quan sát của một số nhóm hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam, thì khi còn là một thượng nghị sĩ và một Phó Tổng thống, ông Joe Biden từng cho rằng Mỹ có thể thuyết phục Trung Quốc hành động như một bên liên quan có trách nhiệm.

Tuy nhiên trong nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng, ứng viên đảng Dân chủ Biden lại khẳng định sẽ đối phó với Bắc Kinh - khác hẳn ở thời ông là Phó Tổng thống, giới chức Washington đều nhất trí rằng, việc trao đổi và giao thương nhiều hơn với Bắc Kinh sẽ giúp giảm căng thẳng và đưa Trung Quốc vào trật tự thế giới tự do do Mỹ định hình.

Một tài liệu lưu trữ tại Foreign Relations of the United States, 1969-1976, Volume X, Vietnam, January 1973-July 1975, cho thấy dường như ông Joe Biden và đảng Dân chủ xem Hoa Kỳ là một nước của di dân, nên đón nhận, đối sử nhân đạo và công bằng hơn với người tị nạn và tôn trọng những di dân hợp pháp.

Khoảng 83% số người theo đảng Dân chủ nghĩ rằng di dân làm cho dất nước mạnh hơn, không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia hay trở nên gánh nặng cho xã hội về việc làm, nhà ở và dịch vụ y tế. Những công đoàn lao động Hoa Kỳ ngay nay cũng không còn xem di dân là một mối đe dọa về việc làm và lương bổng mà là vấn đề quyền dân sự.

Và như vậy, rất có thể sắp tới đây dưới triều đại Joe Biden, khi bàn về nhân quyền, xem ra khả năng nhiều tù nhân chính trị Việt Nam sẽ phải chịu cảnh cưỡng bức rời khỏi Việt Nam, nếu như họ muốn được quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị (!?).

Căn cứ cho nhận định trên ? Nhiều người Việt Nam hẳn còn nhớ, hơn 5 năm trước, ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, đã chủ trì buổi tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm Mỹ lịch sử lần đầu tiên của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiệc, ông Biden nhắc lại hành trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. "Chúng ta cùng nhau đối mặt với quá khứ và đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác thành công", Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Mặc dù thừa nhận Việt Nam và Mỹ có những khác biệt về hệ thống chính trị, theo ông Biden, khi tôn trọng quan điểm của nhau, 2 nước có thể đưa tới mối quan hệ như ngày nay và phát triển hơn nữa trong tương lai. Và,

"Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời"

với ngụ ý quan hệ Việt - Mỹ sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp, là hai câu Kiều ông Biden lẩy khi tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 10/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)