Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/11/2020

Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng hay chống thù địch bên trong ?

Nguyễn Duy - Hướng Dương

Ông Trọng tung đòn cuối, ai sẽ vào lò ?

Nguyễn Duy, Thoibao.de, 25/11/2020

Đúng như dự đoán, ông Trọng sẽ đem nhiều vụ án ra xử trong thời gian này để chốt nhân sự cho địa hội 13. Sáng 25/11, tại trụ sở Trung ương Đảng, ông Trọng với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án tham nhũng.

trong1

Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp

Tại cuộc họp, thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị phấn đấu đến hết năm 2020 kết thúc điều tra 5 vụ án ; ban hành cáo trạng truy tố 1 vụ án ; xét xử sơ thẩm 6 vụ án ; xét xử phúc thẩm 5 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 12 vụ việc. Những vụ án trọng điểm đó là những vụ án nào :

Thứ nhất, Vụ án "Buôn lậuVi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng ; Rửa tiền ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Thứ nhì, vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Thứ ba, vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ; Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Thứ tư, vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Thứ năm, vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh ; Lợi dụng chức vụ, quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Trong số 5 vụ án này, có hầu hết là những vụ án này có dính đến trách nhiệm những quan chức đang còn giữ chức trong bộ máy đảng và nhà nước hoặc đã về hưu. Nhiều vụ án được cho là nhắm vào những nhân vật cộm cán đã về hưu nhưng rồi suốt hơn 1 năm, ông Trọng cũng chưa làm gì sờ tới họ. Hiệu lần này ông Trọng có làm được điều đó không ?

Ông Trọng có thể chạm đến Lê Thanh Hải không ?

Có thể nói, cánh phía Nam là thế lực mà Nguyễn Phú Trọng khó xử lý nhất. Nhánh Nguyễn Tấn Dũng, gia tộc Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân sai phạm nghiêm trọng như thế nhưng cho đến nay 3 ông này vẫn còn nhởn nhơ. Và thế lực được 3 ông này đỡ đầu cũng không ít.

Vụ án sai phạm ở tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) của em trai ông Lê Thanh Hải – Lê Tấn Hùng rất nghiêm trọng. Ngày 6/7/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm : Lê Tấn Hùng, sinh năm 1963 ; nguyên Tổng Giám đốc ; cư trú tại Số 22 bis Trương Định, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ; và Nguyễn Thành Mỹ, sinh năm 1959 ; nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Đầu tư ; cư trú tại Số 157/32 Hưng Phú, phường 8, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh".

Điều đặc biệt là ông Lê Tấn Hùng bị Bộ Công an bắt mang đi để tránh bị can thiệp bởi thế lực của Lê Thanh Hải tại Sài Gòn, thế nhưng cho đến hôm nay đã 16 tháng mà công việc điều tra vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Lê Thanh Hải cũng chỉ bị đảng khuyển trách qua loa mà không hề có động thái nào khác. Điều đó cho thấy thế lực dòng họ Lê – Trương tại Sài Gòn còn rất mạnh.

trong2

Câu hỏi "sếp nào" mà báo Thanh Niên đặt ra, đến nay ông Nguyễn Phú Trọng giải chưa nổi - Hoạt động điều hành, kinh doanh của SARGI lại để xảy ra sai phạm trong một thời gian dài. Cá nhân ông Lê Tấn Hùng vừa bị khởi tố, bắt giam - Ảnh minh họa 

Lê Tấn Hùng tiến thân là nhờ bàn ta nâng đỡ của ai chắc không cần phải nói ra. Điều đáng nói là việc ông Trọng bắt giữ Lê Tấn Hùng ở đây là muốn tiến đến cửa nhà Lê Thanh Hải nhưng dường như ông đã vấp phải lực cản. Nếu khui được cái ổ Lê Thanh Hải thì những tay chân dưới trướng ông này chắc chắn cũng không thoát. Tóm được Lê Thanh Hải thì tất Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang và Lê Hoàng Quân cũng không thể nào thoát được.

Lần này ông Nguyễn Phú Trọng đem Lê Tấn Hùng ra xử, không biết ông ta xử cho xong để kết thúc vụ án dây dưa hơn 1 năm hay ông ta muốn xử để moi thêm nhiều kẻ liên quan nữa ? Chưa biết, phải chờ khi vụ án này đem ra xét xử xem có tình tiết nào mới hay không ?

Còn ai nữa đang run trước đợt càn quét của ông Trọng ?

Hoàng Trung Hải đang trong thời kỳ sóng gió. Hiện tại chức Ủy Viên Bộ Chính trị vẫn còn trong tay ông nhưng phải nói là rất mong manh. Vì sao vậy ? Bởi vì nhóm sai phạm ở Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên có liên quan tới ông. Hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng hối thúc xử vụ án này thì có thể nói Hoàng Trung Hải như đang ngồi trên đống lửa. Chú ý, đây chính là là sai phạm dẫn đến việc ông Hoàng Trung Hải mất chức bí thư Hà Nội, nên khi nó được đưa ra xét xử mà ông Hải còn bảo toàn được tước vị thì có thể nói, đó là thành công mĩ mãn với ông ta rồi.

Hôm ngày 9/12/2019 Ủy ban Kiểm Tra Trung Ương thông báo về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam. Trong đó xác định, ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự đảng, phó thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II).

Tiếp theo đó, ngày 10/1/2020, tại trụ sở Trung ương Đảng ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải.

Ngày 7/2/2020, Bộ Chính trị cho thôi chức vụ Bí Thư Thành Ủy Hà Nội của ông Hoàng Trung Hải. Chính ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức trung ương, công bố quyết định và điều động ông Hải giữ chức Phó trưởng Bộ phận chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bên cạnh ông Nguyễn Phú Trọng. Việc thuyên chuyển của ông Nguyễn Phú Trọng làm cho người ta không biết ông Trọng muốn trừng phạt ông Hoàng Trung Hải thật hay phạt chiếu lệ để đại hội 13 cơ cấu tiếp. Dù thế nào thì vụ án án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên cũng là một đợt sóng giớ lớn đối với Hoàng Trung Hải. Hãy chờ xem !

trong3

Số phận Hoàng Trung Hải rồi sẽ ra sao ?

Còn ai đang run nữa ?

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi bị phát hiện sai phạm dưới thời ông Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể, nhưng sai phạm trong quá trình thi công là dưới thời ông Trương Quang Nghĩa.

Từ tháng 10/2018 phát hiện trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chi chít "ổ gà". Sau đó, các chuyên gia vào cuộc nhận định cao tốc này có vấn đề về chất lượng. Ngày 16/10/2018, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ký quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Tháng 11/2019, Bộ Công an vào cuộc điều tra và khởi tố, bắt giam nhiều bị can liên quan sai phạm tại dự án. Trong đó, 2 cựu Phó tổng giám đốc VEC là Lê Quang Hào và Nguyễn Mạnh Hùng bị bắt tạm giam để điều tra.

Được biết, tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc bộ Giao thông vận tải. Sai phạm của doanh nghiệp này có thể nói nó diễn ra dưới thời ông Trương Quang Nghĩa, tuy nhiên hiện nay ông Trương Quang Nghĩa đã không còn giữ chức bộ trưởng bộ giao thông vận tải nữa mà là bí thư thành phố Đà nẵng. Được biết 2 đời bí thư trước ông Trương Quang Nghĩa đều có vận số xấu, đó là ông Nguyễn Bá Thanh và ông Nguyễn Xuân Anh. Không biết vụ án này có réo được tên ông Trương Quang Nghĩa hay không, nhưng rõ ràng đây cũng là một rủi ro cho ông.

trong4

Trương Quang Nghĩa, cánh tay đắc lực của Đinh La Thăng

Được sự ưu ái của Đinh La Thăng và Trương Quang Nghĩa, VEC dần lớn mạnh được quản lý và thi công hàng loạt tuyến cao tốc lớn trong cả nước. Từ đó VEC vẫn là "ông trùm" cao tốc khi đang quản lý và vận hành 5 dự án lớn có tổng mức đầu tư lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng gồm : Cao tốc Nội Bài – Lào Cai (24.500 tỷ đồng) ; cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (9.000 tỷ đồng) ; cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (34.500 tỷ đồng) ; cao tốc Long Thành – Dầu Giây (16.000 tỷ đồng) ; cao tốc Bến Lức – Long Thành (31.3000 tỷ đồng). Sai phạm của VEC là rõ ràng, Đinh La Thăng chưa thấy bị nêu ra trong sai phạm này, lieeuh Trương Quang Nghĩa có dính, hãy chờ xem.

Ngoài 5 đại án lớn trên thì ông Trọng còn nhắm vào những vụ án nào nữa ?

Được biết trong kỳ họp này, ngoài 5 đại án trên ông Trọng còn chú ý đến 4 vụ án trọng điểm khác :

Thứ nhất, vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam.

Thứ nhì, vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân.

Thứ ba, vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến dự án 8-12, Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ tư, vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", xảy ra tại Ngân hàng BIDV và một số công ty có liên quan.

Ông Nguyễn Phú Trọng biết rõ hơn ai hết về nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng sẽ hủy hoại tính chính danh của ĐCSVN sẽ đẩy đất nước đến chỗ lụn bại. Ông Trọng là con người bảo thủ và trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, điều đó ai cũng biết. Và ông cũng đã nỗ lực đốt lò để loại bỏ những thành phần ông cho là làm hại uy tín của đảng ông. Thế nhưng thực chất, tham nhũng trong như cây trong rừng, ông đốn lẻ tẻ thì không bao giờ hết được. Đã 5 năm ông Trọng phát động cuộc chiến chống tham nhũng rầm rộ, nhưng cuối cùng thì sao ? Thì tham nhũng vẫn đầy ra đó mà không có cách nào triệt được. Có lẽ ông Trọng chống tham nhũng cũng chỉ là đánh bóng tên tuổi trước khi ông ta nghỉ hưu mà thôi chứ chẳng giúp ích gì trong vấn đề làm cho đảng trong sạch thêm. Thời gian trên ghế quyền lực của ông Trọng chỉ được tính bằng tháng, và sức khỏe của ông cũng rất kém. Không biết với cú tung đòn này ông tóm được gì, nhưng chắc chắn đây là cú tung đòn cuối cùng của ông.

Nguyễn Duy (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 25/11/2020

**********************

Chỉ đạo án ?

Hướng Dương, VNTB, 26/11/2020

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương xét xử 5 vụ án trọng điểm.

trong5

Ngày 25/11/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng – chủ trì họp, cho ý kiến về một số vụ án tham nhũng.

Báo Tuổi Trẻ hôm 21/11/2020 tường thuật :

"Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong 5 vụ án :

1. Vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

2. Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

3. Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ; tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

4. Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.

5. Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị liên quan" (*).

Phải chăng ở đây là vấn đề "chỉ đạo án" qua việc đốc thúc phải sớm mang ra xét xử các vụ án theo yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng ?

Trước đó, ở phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 10/11/2020, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, "Không có việc chỉ đạo án".

Ông Bình nhấn mạnh : "Chỉ đạo án phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu, chứ bằng một văn bản thì không thể xem là chỉ đạo. Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn mà phải nghiên cứu hồ sơ, mà là hồ sơ gốc. Cách thức như thế mà bảo chỉ đạo án như thế là không đúng. Đó là thỉnh thị về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn những vấn đề còn cách hiểu khác nhau" (**).

Như vậy thì cần hiểu thế nào khi bài tường thuật trên báo Tuổi Trẻ có đoạn viết : "Sáng 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng – chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác" ?

"Cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 đến nay", nếu không được hiểu theo cách của "chỉ đạo án", thì nên cần phải hiểu như thế nào theo đúng cách lập luận mà Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh ở phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 10/11 ?

Mục đích của chỉ đạo án ở đây còn được thể hiện qua nội dung bài báo : "Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất một số nội dung : Kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm ; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, có cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp ; nhất là đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm (…)".

Tin tức ở cuối bài tường thuật trên báo Tuổi Trẻ, một lần nữa đã tái xác nhận về ‘chỉ đạo án’ : "Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã đồng ý đưa vụ án "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo".

Có ý kiến ‘bênh vực’ chuyện cần phải ‘chỉ đạo án’, với biện luận khá thú vị như sau :

"Nền tư pháp Việt Nam, sự chỉ đạo án không phải hoàn toàn là xấu. Nếu không có chỉ đạo, nhiều tội phạm với quyền và tiền của sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. Khi đó một mặt thì bộ máy nhà nước tiếp tục mục ruỗng, mặt khác là nhân dân cơ cực nhọc nhằn.

Tất nhiên ngược lại, có nhiều trường hợp chỉ đạo án là xấu, và chúng ta có lý do chính đáng để đòi hỏi cho tư pháp độc lập, đó là sự chỉ đạo trong các vụ án đối với những tù nhân lương tâm, những người vì lương tâm lên tiếng mà bị bức hại, rất nhiều người trong số họ chỉ đơn thuần là lên tiếng cho các vấn đề xã hội, đòi hỏi các quyền chính đáng của mình.

Cho nên tóm lại, cần minh định một điều rằng, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, sự chỉ đạo án không hoàn toàn là xấu (?!)".

Hướng Dương

Nguồn : VNTB, 26/11/2020

Chú thích :

(*)https://tuoitre.vn/khan-truong-hoan-thanh-xet-xu-so-tham-5-vu-an-trong-diem-20201125112147007.htm

(**)https://plo.vn/phap-luat/chanh-an-toi-cao-khong-co-viec-chi-dao-an-949251.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Duy, Hướng Dương
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)