Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/12/2020

Thêm người bất đồng chính kiến tại Việt Nam bị thành bệnh nhân tâm thần

RFA tiếng Việt

Trường hợp mới nhất

Cơ quan An ninh điều tra-Công an thành phố Hà Nội, vào ngày 25/11, đã chuyển nhà báo, nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Thành vào Viện pháp y Tâm thần Trung ương, sau gần 6 tháng ông bị bắt giữ, hồi hạ tuần tháng 5 vừa qua.

tamthan1

Blogger Lê Anh Hùng, vào ngày 16/7/2020, bị trói vào giường bệnh do không chịu uống thuốc tâm thần của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. - Courtesy of Facebook Nguyễn Vũ Bình

Nhà báo độc lập Hoa Mai Nguyễn, một thành viên Ban biên tập của Hội Những Người Cầm Bút Can Đảm, lên tiếng với RFA lên quan thông tin nhà báo Phạm Thành bị đưa vào bệnh viện tâm thần.

"Cá nhân tôi khẳng định một điều là anh Phạm Thành không bao giờ có triệu chứng bị bệnh tâm thần, bởi vì anh ấy rất minh mẫn và thông minh. Tuy nhiên, anh ấy có bị ngứa và đó là triệu chứng bình thường của những người già. Tôi quen biết anh Phạm Thành có thể nói là nhiều năm nay và hàng tuần liên lạc với anh thường xuyên. Cá nhân tôi thấy anh Phạm Thành rất khỏe".

Từ Sài Gòn, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng chia sẻ với RFA rằng thời gian ông quen biết và từng làm việc chung với nhà báo, nhà văn Phạm Thành trong 1 thập niên. Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhấn mạnh trong ngần thời gian đó và cho đến trước khi bị bắt giam, nhà báo Phạm Thành hoàn toàn là người bình thường và không có biểu hiện gì của bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng thì thông tin nhà báo Phạm Thành bị đưa vào bệnh viện tâm thần không có gì ngạc nhiên và cũng có thể tiên liệu được. Bởi vì, nhà báo Ngô Nhật Đăng là người từng đồng hành với gia đình của blogger Lê Anh Hùng trong lần anh bị bắt giam và bị đưa vào bệnh viện tâm thần ở Hòa Bình hồi năm 2013.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng kể lại, trong một dịp đến thăm blogger Lê Anh Hùng ở bệnh viện, ông đã có cơ hội trao đổi với giám đốc và nhân viên y tế tại Bệnh viện Tầm thần Trung ương và được cho biết họ tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân như blogger Lê Anh Hùng.

"Tức là họ cũng có suy nghĩ để biết ai là người tâm thần hay không tâm thần. Tức nhiên ở vị trí của họ thì có những điều không thể nói ra được. Nhưng qua cách tiếp xúc và cách đối xử, cụ thể qua cách họ đối xử với anh Lê Anh Hùng trong bệnh viện thì tôi thấy là có rất nhiều người còn có lương tâm".

Mặc dù vậy, blogger Lê Anh Hùng, hồi trung tuần tháng 7 năm 2020 từ bệnh viện tâm thần báo tin với gia đình rằng do không chịu uống thuốc tâm thần của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, nên anh đã bị một nhân viên y tá tên An đánh đập dã man, trói vào giường bệnh và tiêm thuốc tâm thần.

Cơ quan An ninh điều tra bắt giữ blogger Lê Anh Hùng vào đầu tháng 7/2018 với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước" và anh lại bị đưa vào bệnh viện tâm thần vào đầu tháng 4/2019.

tamthan2

Bìa quyển sách "Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo" của Nhà văn Phạm Thành, do Nhà xuất bản Tên Lửa phát hành. Courtesy of Facebook Nhà xuất bản Tự Do

Họ được pháp luật bảo vệ ?

Luật sư Nguyễn Văn Đài, vào ngày 1/12, cho RFA biết trước đây ông từng phụ trách hồ sơ của vài trường hợp tương tự như blogger Lê Anh Hùng và nhà báo Phạm Thành.

"Trước đây là ông mục sư Tô Văn Trường, bị bắt hồi năm 2003. Sau khi ông bị giam 8 tháng thì họ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông được và họ đưa ông vào bệnh viện tâm thần. Ông Tô Văn Trường bị giam thêm một năm nữa thì mới được thả ra.

Trường hợp thứ hai là anh Nguyễn Trung Lĩnh. Anh Lĩnh đã bị bắt và bị điều tra về Điều 88 Bộ luật Hình sự trước đây. Sau 3 tháng điều tra thì họ chuyển ảnh Lĩnh vào bệnh viện tâm thần. sau 1 năm ở trong bệnh viện tâm thần thì anh Lĩnh được thả về và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay anh Lĩnh lại bị bắt tiếp và cũng bị đưa vào bệnh viện tâm thần".

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người nào bị quy kết trong thời gian phạm tội mà bị mắc bệnh tâm thần sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hoặc những người đã phạm tội và bị phát bệnh tâm thần sau khi bị bắt thì phải được điều trị bệnh. Trường hợp này sẽ do tòa án xem xét có phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan hành vi phạm tội trước đó hay không.

Về hai trường hợp được dư luận trong và ngoài nước chú ý bao gồm blogger Lê Anh Hùng và nhà báo Phạm Thành, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng có thể cả hai sẽ phải ở trong bệnh viện tâm thần một thời gian và được thả ra mà không qua xét xử.

"Thứ nhất một phần là vì dư luận xã hội và áp lực quốc tế. Những bài viết của anh Lê Anh Hùng mà họ cho là vi phạm vì liên quan ông Nông Đức Mạnh, Hoàng Trung Hải và hàng loạt các quan chức cao cấp của chính quyền. Và khi đưa ra xét xử thì anh Lê Anh Hùng sẽ bảo vệ chính kiến của anh ấy. Bởi do họ không muốn có một phiên tòa chỉ nói về các quan chức chóp bu của họ như vậy. Thứ hai, cuốn sách dẫn đến việc nhà báo Phạm Thành bị bắt là viết về Nguyễn Phú Trọng trong ‘Đại nghịch Bất đạo’. Nếu như đưa nhà báo Phạm Thành ra xét xử thì đương nhiên nhà báo Phạm Thành là người bản lĩnh và ông phải bảo vệ quan điểm của ông rằng tại sao ông nói Nguyễn Phú Trọng là người đại nghịch bất đạo. Thế nên những phiên tòa xét xử đó không khác nào để cho những người bất đồng chính kiến công khai nói xấu hay sỉ nhục các quan chức cấp cao của họ. Điều này thì có lẽ họ không muốn nên họ cố tình vu cho những người này bị bệnh tâm thần và sau một thời gian trong bệnh viện thì sẽ thả họ ra".

Thế nhưng, luật sư Nguyễn Văn Đài lưu ý tình cảnh của những nhà bất đồng chính kiến như Nguyễn Trung Lĩnh, Lê Anh Hùng và Phạm Thành gặp phải nguy cơ bị trở thành người tâm thần thật sự rất cao, do cơ quan điều tra ép buộc các nhân viên y tế tiêm thuốc hay cho họ uống thuốc để biến họ thành những người mắc bệnh tâm thần.

Nhà báo Hoa Mai Nguyễn và luật sư Nguyễn văn Đài kêu gọi người Việt trong và ngoài nước cùng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ để Chính quyền Việt Nam không áp dụng biện pháp như thế đối với những người dân thể hiện quan điểm và bày tỏ chính kiến của họ.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định rằng biện pháp này được Chính quyền Cộng sản sử dụng để hạn chế và đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân dù đối với quy chuẩn của xã hội văn minh thì không ai có thể chấp nhận được, kể cả ở xã hội Việt Nam. Tuy nhiên bất cứ lúc nào, "những người muốn nói lên những sự thật do lương tâm của họ thôi thúc cũng phải tiên liệu rằng, ngoài việc bị bắt và giam giữ thì cũng có khi bị trở thành người tâm thần".

Nguồn : RFA, 01/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)