Năm ngày nữa (5/12/2020), Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126/2020) sẽ có hiệu lực. Nghị định này do chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý Thuế đã được Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua hồi tháng 6 năm ngoái và đã có hiệu lực hồi đầu tháng 7 vừa qua.
Một tài xế xe ôm 62 tuổi ở Hà Nội.
Nghị định 126/2020 hướng dẫn cách thức thực hiện Luật Quản lý thuế : Tính thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế… Đồng thời đặt định cách thức kiểm soát các khoản phải đóng thuế, cách thức xử lý việc khai thuế không chính xác, chậm nộp thuế, nợ thuế, trốn thuế và cưỡng chế thi hành nghĩa vụ thuế !
***
Tuy Nghị định 126/2020 chưa có hiệu lực thực thi nhưng nhiều giới đang đề nghị sửa nghị định này (1) vì nó chỉ nhắm đến việc giúp hệ thống công quyền thu cho đầy túi, nhiều qui phạm vừa bất hợp lý, vừa bất cận nhân tình. Chẳng hạn việc buộc hệ thống ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin của khách hàng cho ngành thuế (2).
Chẳng hạn buộc doanh nghiệp phải… ước đoán chính xác doanh thu cả năm, nếu số thuế thu nhập tạm nộp trong ba quý đầu năm thấp hơn 75% tổng doanh thu của năm đó, doanh nghiệp sẽ bị phạt ! Với những qui định khắc nghiệt như thế, sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam đồng nghĩa với vừa phải đóng thuế, vừa được nộp phạt (3) !
Đáng chú ý nhất là thêm một lần nữa, qua Nghị định 126/2020, hệ thống công quyền muốn trấn lột những công dân đang sống dưới đáy xã hội. Năm 2005, Tổng cục Thuế từng ban hành một qui định mà bản chất là tước đoạt khoản hoa hồng vốn đã rất ít ỏi của người bán vé số dạo (4). Do bị công chúng chỉ trích kịch liệt, nỗ lực này phải tạm ngưng. Tuy nhiên từ đó đến nay, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ tham vọng trấn lột những thành phần khốn cùng nhất.
Năm 2018, sau khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã tăng đủ loại thuế (giá trị gia tăng, tiêu thụ, tài sản, thu nhập cá nhân, môi trường với xăng dầu...) nhưng vẫn không thể cân đối thu – chi ngân sách, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trách hệ thống công quyền bỏ sót những người bán trà đá vì đó là lĩnh vực kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, từ 5.000% đến 7.000% nhưng không góp đồng nào cho ngân sách (5) !
Tuy các chuyên gia nhiều giới khuyến cáo nênkhoan sức dân nhưng từ đó đến nay, Tổng cục Thuế không ngừng đốc thúc cấp dướithường xuyên rà soát, bảo đảm đầy đủ dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với những cá nhân hoạt động không thường xuyên như xe ôm, xe lam, người kinh doanh quán cóc, vỉa hè… (6).
Với một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền luôn có tâm thế và luôn sẵn sàng trong tư thế như vậy, chẳng có gì khó hiểu khi Nghị định 126/2020 không cho cáctài xế công nghệnộp thuế theo mức cũ (khoán thuế giá trị gia tăng ở mức 3%) mà phải đóng thuế giá trị gia tăng là 10% trên doanh thu (7).
Về bản chất,tài xế công nghệ chỉ là tên mới của những người nghèo chạy xe ôm nhưng ký hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm – nhận khách qua một số ứng dụng trên Internet, điện thoại (công nghệ). Ai cũng biết, nếu không bế tắc về sinh kế, chẳng có mấy người chọn kiếm sống bằng việc làm… tài xế công nghệ.Cơ cực như bán vé số dạo, bán trà đá mà còn không thoát thì làm sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chịu bỏ quatài xế công nghệ ?
***
Cuối tuần vừa rồi, tại cuộcđối thoại với doanh giới về chính sách thuế và hải quan, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, gạt phăng các băn khoăn, thắc mắc về Nghị định 126/2020, bằng tuyên bố :Sở dĩ có các điều chỉnh về chính sách thuế là do đặc thù ngân sách Việt Nam rất khó khăn, thu để phục vụ chi cho các cấp chính quyền, cho hoạt động quản lý nhà nước và các tỉnh có số thu ngân sách chưa có khả năng điều tiết… Vì thế phải có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và nhà nước(8).
Rõ ràng là Việt Nam đã cũng như đang mất cân đối nghiêm trọng trong thu – chi ngân sách. Bởi liên tục bội chi nên không những phải liên tục giảm hoặc cắt các khoản chi cho an sinh xã hội, các khoản đầu tư cho phát triển, đồng thời phải liên tục vay ở cả trong lẫn ngoài biên giới quốc gia.
Chia sẻ có thể là cần thiết khi quốc gia gặp khó khăn nhưng tại sao phải chia sẻ khi tình trạng kinh tế - xã hội khó khăn như thế mà đảng vẫn thản nhiên vứt hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác vào các cổng chào, tượng đài, quảng trường, mới đây là đại hội đảng các cấp ? Vì dân là như thế sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/12/2020
Chú thích :
(1) https://laodong.vn/kinh-te/them-kien-nghi-sua-doi-nghi-dinh-126-ve-quan-ly-thue-857489.ldo
(2) https://plo.vn/kinh-te/roi-vi-quy-dinh-phai-cung-cap-tai-khoan-cho-thue-951845.html
(4) https://maivang.nld.com.vn/cau-chuyen-quan-ly/danh-thue-nhung-nguoi-ban-ve-so-dao-119291.htm
(5) https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/thue-voi-toi-nguoi-ban-tra-da-967152.html
(7) https://tuoitre.vn/tai-xe-xe-cong-nghe-run-vi-thue-sap-tang-20201124210837981.htm
(8) https://tuoitre.vn/thue-thu-rat-do-ngan-sach-kho-khan-20201127215756467.htm