Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/12/2020

Màn đốt lò ngoạn mục cuối năm : bắt Tất Thành Cang

Nhiều tác giả

Tất Thành Cang xộ khám không phải vì vụ quy hoạch Thủ Thiêm

Lê Thanh, VNTB, 17/12/2020

Chiều 16/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang – cựu phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – để điều tra về tội danh "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

tatthanhcang01

Trong vụ Sadeco, vai trò của Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang thực ra chỉ là một kẻ thế vai cho những cú áp phe của cơ quan Thành ủy dưới thời của Bí thư Lê Thanh Hải.

Liên quan vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành (cả hai là cổ đông của Sadeco, Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn). Trước đó, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tất Thành Cang.

Trước đó, ngày 17/6/2020, trong quá trình điều tra vụ án "Tham ô tài sản ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố thêm 3 cán bộ sai phạm : Huỳnh Phước Long (53 tuổi, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy, nguyên thành viên hội đồng quản trị Sadeco), Đỗ Công Hiệp (47 tuổi, kế toán trưởng Sadeco) và Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận), cùng về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trong vụ việc kể trên, bước đầu của vụ án là chuyện Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã có ‘chỉ đạo miệng’ về "chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco".

Gọi là ‘chỉ đạo miệng’, vì thể hiện trên giấy tờ chứng cứ, là vào ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495, "truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang" cho việc "chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco".

Trong một văn bản ghi ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim có đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Ngày 5/4/2017, Tề Trí Dũng khi ấy là Tổng giám đốc IPC kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sadeco, đã ký Văn bản số 471/IPC.17, trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua phương án phát hành 9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim ; giá phát hành dự kiến là 40.000 đồng/cổ phần.

Sau khi có ý kiến của Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, ngày 10/8/2017, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc (khi đó bà Phúc là nguyên Tổng giám đốc Sadeco) ký biên bản làm việc với Công ty Nguyễn Kim, chủ động đưa ra số lượng cổ phần phát hành là 9 triệu cổ phần, với giá 40.000 đồng/cổ phần mà không có sự thương thảo nào khác. Ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim thanh toán 360 tỉ đồng cho Sadeco để mua 9 triệu cổ phần nêu trên.

Sau phi vụ này, tỷ lệ sở hữu vốn của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống còn 41% ; trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm còn 28,8%. Ngược lại, Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco với hơn 54% vốn điều lệ.

Vào thời điểm Sadeco bán 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, đang có 15 cổ đông, trong đó, khá nhiều cổ đông Nhà nước. Điển hình là ban Tài chính quản trị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh góp 2,34%, Công đoàn Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (1,17%), Công ty cổ phần Địa ốc Tân Bình (0,23%), Công ty Du lịch Thành phố (0,47%), Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (74,8%), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (14,07%).

Ngoài ra, còn một số cái tên như : Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ (0,47%), Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 (0,94%), Công ty Xây dựng và Thương mại Sài Gòn (0,47%), ông Lê Đình Chí (0,23%), Lực lượng thanh niên xung phong (0,47%), ông Phan Chánh Dưỡng (0,23%), Quận ủy Quận 4 (0,23%), Sài Gòn Co-op (0,47%), Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (0,47%).

Giới quan sát đánh giá rằng trong vụ Sadeco, vai trò của Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang thực ra chỉ là một kẻ thế vai cho những cú áp phe của cơ quan Thành ủy dưới thời của Bí thư Lê Thanh Hải. Nếu đảng viên Tất Thành Cang xộ khám vì các tham nhũng ở vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì đó mới ‘xứng người – xứng tội’.

Trước đó, vào tháng 12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Sau đó, ông Tất Thành Cang được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phân công làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh".

Nhà báo Từ Kế Tường, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, dự đoán : "Bây giờ thời tiết đông tàn sắp sửa sang xuân thì anh 6 Cang mới chịu rời bỏ chức vụ cuối cùng có liên quan tới ‘lịch sử’ để làm nên câu chuyện ‘lịch sử’ : Tâm nguyện của người dân Thủ Thiêm trở thành hiện thực. Phim chỉ mới bấm máy, kịch bản nhiều tập, nhân vật trong phim cũng nhiều. Bao hay, bao hấp dẫn và bao vui dịp cuối năm con chuột bước qua năm con trâu".

Dư luận lâu nay vẫn cho rằng trong các vụ án tham nhũng liên quan đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh, người cần thiết ‘phải bắt’ chính là ông Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII.

Lê Thanh

Nguồn : VNTB, 17/12/2020

*************************

Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang

Hoàng Thuận, Dân Trí, 16/12/2020

Chiều 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang để điều tra về tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.Nhấn để phóng to ảnh

tatthanhcang1

Cơ quan công an làm việc với ông Tất Thành Cang

Ông Cang đang giữ chức vụ phó ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó ngày 7/8, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo về kết quả xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên đối với vụ việc tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, 3 người là Thành ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020, có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, nhưng do đến nay đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng nên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất kết luận phê bình.

Trong đó có ông Tất Thành Cang - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình lịch sử thành phố, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với 5 người.

tatthanhcang2

Nhiều phóng viên đến ghi nhận trước căn nhà được cho nơi là ông Cang bị bắt.

Tháng 12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Sau đó, ông Tất Thành Cang được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phân công làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh".

Quá trình công tác của ông Tất Thành Cang

Giai đoạn 2004 - 2009 : Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 2009 - 2012 : Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 2.

Tháng 10/2012 - 6/2014 : Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

Tháng 6/2014 - 12/2015 : Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 11/2015 : Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tháng 12/2015 : Miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 2/2016 - 11/2018 : Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 12/2018 : Ông Cang bị cách chức ủy viên TW khóa 12, Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021.

Tháng 3/2019 : Phó ban thường trực Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố (Ngày 14-18/10/2020), ông Tất Thành Cang không còn được cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, nhưng vẫn là đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa IX nhiệm kỳ 2016-2020 và giữ chức vụ Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công trình Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàng Thuận

*************************

Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang

A.Nhân, T.Mai-N.Khải, H.Điệp, T.Long, Tuổi Trẻ Online, 16/12/2020

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang về tội 'vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí'.

tatthanhcang3

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang - Ảnh : A.X.

Chiều 16/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang - cựu phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn cùng ngày. 

Tối cùng ngày Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang. 

Liên quan vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với hai cổ đông khác của Sadeco.

Trước đó, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tất Thành Cang.

Theo đó, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Hội đồng nhân dân của ông Tất Thành Cang.

Nguồn tin cho biết đây là thủ tục được tiến hành theo quy định tại điều 101 của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Trong đó quy định : "Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân bị khởi tố bị can thì Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân đó".

tatthanhcang4

Sau khi đọc xong ông Tất Thành Cang ký nhận quyết định khởi tố bị can. Ảnh : A.X.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ông Cang được cho có sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược - Công ty Nguyễn Kim tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn Sadeco. 

Như vậy, liên quan đến sai phạm bán 9 triệu cổ phiếu Công ty Sadeco cho Nguyễn Kim, cùng với ông Tất Thành Cang, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng 20 bị

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Công ty Sadeco có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm : Công ty IPC, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, Sadeco có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.

Công ty IPC, Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy sẽ cử nhân sự đại diện vốn nhà nước tham gia vào các vị trí, chức vụ quản lý (hội đồng quản trị, ban kiểm soát...) tại Sadeco.

Năm 2017, từ đề xuất tăng vốn, Sadeco đã bán 9 triệu cổ phiếu của mình cho đối tác chiến lược Nguyễn Kim để thu về 360 tỉ đồng. Tuy nhiên toàn bộ số tiền này được Sadeco gửi ngân hàng lấy lãi. Quá trình tăng vốn, bán cổ phiếu có vai trò của nhóm đại diện, quản lý vốn nhà nước tại Sadeco.

Sự việc này, năm 2018, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận chỉ ra rằng thời điểm phát hành cổ phiếu Sadeco chưa thực sự có nhu cầu cần thiết tăng vốn. Việc bán với giá 40.000 đồng/cổ phiếu có khả năng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho Sadeco dẫn đến thiệt hại vốn nhà nước.

Đồng thời phi vụ bán chỉ định cổ phiếu giá rẻ trên đã giúp Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco (sau khi mua 9 triệu cổ phiếu, Nguyễn Kim sở hữu tỉ lệ 34,6% vốn tại Sadeco). Trong khi hoạt động kinh doanh tại Sadeco rất hiệu quả, tỉ lệ chia cổ tức hằng năm cao (năm 2015 là 20%, năm 2016 là 40%, năm 2017 là 10%).

Còn nhóm cổ đông nhà nước sau khi bán 9 triệu cổ phiếu thì tỉ lệ sở hữu vốn tại Sadeco đã giảm sâu. 

Cụ thể : trước khi bán 9 triệu cổ phiếu, tỉ lệ sử hữu của IPC, Công ty Tân Thuận và Văn phòng Thành ủy lần lượt là 44%, 14,1%, 2,6%. Sau khi bán 9 triệu cổ phiếu, tỉ lệ còn lần lượt là 28,8%, 9,2%, 1,7%.

A.Nhân - T.Mai - N.Khải - H.Điệp- T.Long

*******************

Tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ông Tất Thành Cang

Sỹ Đông, Thanh Niên, 16/12/2020

Tối 16/12, nguồn tin từ Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Tất Thành Cang, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh".

tatthanhcang5

Ông Tất Thành Cang nghe đọc các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam - nh : Thanh Tuyền

Việc đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Tất Thành Cang được thực hiện theo Điều 101, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ thể, trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân bị khởi tố bị can thì Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu.

Liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Tổng công ty Tân Thuận IPC, chiều 16.12, Viện KSND đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở đối với ông Tất Thành Cang (49 tuổi, quê Long An) để làm rõ hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ông Tất Thành Cang có sai phạm trong thời gian còn giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi đã việc chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được biểu quyết chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco (công ty thành viên của IPC) gây thiệt hại tiền của nhà nước.

Trong nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh 2016 - 2021 có 4 người bị đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm : ông Tề Trí Dũng - nguyên Tổng giám đốc IPC, ông Trần Vĩnh Tuyến - nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Trọng Dũng - nguyên Phó chánh văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và ông Tất Thành Cang.

Sỹ Đông

*******************

Lý do ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt tạm giam

Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim tại Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn.

Chiều nay (16/12), Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Tất Thành Cang - nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua mặt Thành ủy, cho phép IPC giảm vốn tại Sadeco

Theo kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 10/2018) Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm : Công ty IPC, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, Sadeco có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.

tatthanhcang6

Ông Tất Thành Cang nhận quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam để điều tra. Ảnh Thanh Tuyền

Đáng nói, trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm có lúc lên đến 40%, vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND Thành phố yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) (chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Nhưng trên thực tế, IPC đã "phớt lờ" yêu cầu này của cơ quan chủ quản.

Từ việc phớt lờ đó, IPC đã trình UBND Thành phố phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Đồng thời, IPC cũng nêu việc "Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco".

Cụ thể, tại văn bản 730/IPC (ngày 16/6/2017 của IPC) báo cáo UBND Thành phố, bổ sung về vai trò, tác động của Sadeco với việc phát triển khu Nam Sài Gòn có nêu : "Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…".

Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã phản bác vấn đề này khi cho rằng, cụm từ "Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương…" là không chính xác vì Thông báo 495-TB/VPTU ngày 18/5/2017 chỉ truyền đạt ý kiến của Phó Bí thư thường trực Thành ủy (khi đó là ông Tất Thành Cang - PV).

Gây thiệt hại 153 tỷ đồng

Khi thanh tra vào cuộc thì đã muộn, với chủ trương chấp thuận của ông Tất Thành Cang, IPC đã tiến hành giảm sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống còn 28% thông qua việc phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim mà không qua đấu giá.

Đặc biệt, sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.

Theo Thanh tra Thành phố, bản chất vụ này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp.

Thanh tra Thành phố cho rằng, việc làm này là "trái quy định pháp luật" dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu). Nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại "sẽ rất lớn".

Thanh tra Thành phố cũng khẳng định, vốn huy động từ việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến nay vẫn chưa sử dụng (gửi tiết kiệm thời hạn 18 tháng tại ngân hàng thương mại cổ phần) cho thấy việc đề xuất chỉ định phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim để huy động vốn đầu tư cho các dự án là không đúng với thực tế.

Tại thời điểm đề xuất, Sadeco chưa có nhu cầu thực sự tăng vốn điều lệ. Nghiêm trọng hơn, Công ty Nguyễn Kim không công khai, minh bạch trong việc mua bán cổ phần với công ty khác, cho thấy Công ty Nguyễn Kim "đã có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này (Sadeco) với giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông".

"Những việc như trên cho thấy, việc giảm tỷ lệ góp vốn của IPC tại Sadeco có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, cần được làm rõ", kết luận Thanh tra ghi.

Trong phần kiến nghị, Thanh tra Thành phố cũng yêu cầu chuyển vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ xử lý vụ việc này.

Phong Thuận

*******************

Ông Tt Thành Cang liên quan đến sai phm gì ?

Văn Minh, Tiền Phong Online, 16/12/2020

Việc phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định đấu giá đã gây thất thoát cho Sadeco 208 tỷ đồng. Trong phi vụ này ông Tất Thành Cang đã qua mặt tập thể Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương.

tatthanhcang7

Công ty Sadeco là công ty con của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC (100% vốn nhà nước).

Qua mặt tập thể Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 16/12, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang (49 tuổi, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Theo nguồn tin Tiền Phong, ông Tất Thành Cang bị khởi tố do có những sai phạm trong thời gian còn giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, ông Cang đã có sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh biểu quyết chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), gây thiệt hại tiền của Nhà nước.

Liên quan đến các phi vụ chuyển nhượng cổ phần, đạo điều kiện cho tư nhân thâu tóm doanh nghiệp nhà nước đang ăn nên làm ra của IPC và Sadeco, vai trò của ông Tất Thành Cang khi đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu IPC không được giảm tỷ lệ vốn sở hữu để nhà nước giữ quyền chi phối tại Sadeco.

Tại Thông báo số 495 ngày 18/5/2017, Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco... IPC đã yêu cầu Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco xuống 28,8%.

Theo Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, văn bản 495 chỉ truyền đạt ý kiến cá nhân của ông Tất Thành Cang, không phải của tập thể Thường trực Thành ủy.

Để Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco

Trước khi bị công ty Nguyễn Kim "thâu tóm", nhóm cổ đông nhà nước sở hữu 62,8% vốn điều lệ của Sadeco, trong đó Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nắm giữ khoảng 2% vốn ; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy) nắm giữ khoảng 15% vốn.

Càng khó hiểu hơn khi Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa vào cuộc, dù thu được khoản lợi khổng lồ, lần lượt các công ty Nguyễn Kim, Tuấn Lộc… đã trả lại số cổ phần đã mua cho IPC. Theo điều tra của Tiền Phong, vào năm 2015, nhờ mua được 5 triệu cổ phiếu Sadeco sau đó bán lại cho công ty Nguyễn Kim, công ty Exim đã thu được lợi nhuận lên tới hơn 150 tỷ đồng.

Công ty Sadeco là công ty con của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC (100% vốn nhà nước). Trong tổng số 170 tỉ đồng vốn điều lệ Sadeco, vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chiếm 62,8% (trong đó IPC chiếm 44%) và một số đơn vị khác.

Tổng giám đốc Sadeco Hồ Thị Thanh Phúc (đã bị bắt giam tháng 5/2019) đã đề xuất và được nhóm đại diện quản lý vốn của Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (gồm ông Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện – đã bị khởi tố) đã trình phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ Sadeco.

Tháng 4/2017, Văn phòng Thành ủy có tờ trình do ông Phạm Văn Thông (đã bị khởi tố) ký trình xin chủ trương Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là ông Tất Thành Cang về phương án trên. Ông Cang đã có bút phê "đồng ý" trên tờ trình.

Từ ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang về phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco, giao Văn phòng Thành ủy chỉ đạo người đại diện quản lý vốn đầu tư để thực hiện chủ trương trên tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017.

Sau đó, IPC giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 44% xuống 28,8% theo đề nghị của cổ đông. Sadeco đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng.

Theo Cơ quan điều tra, quá trình chọn cổ đông chiến lược không được báo cáo đầy đủ, minh bạch, đánh giá không đúng năng lực của đối tác. Giá phát hành cổ đông cho cổ đông chiến lược không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực công ty, cũng như không có căn cứ pháp lý không đảm bảo lợi ích của Sadeco… Việc phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định đấu giá đã gây thất thoát cho Sadeco 208 tỷ đồng.

Ngày 15/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (tên viết tắt là Sadeco) để điều tra về tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trước đó vào tối 14/5, ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (tên viết tắt là IPC) cũng bị khởi tố và bắt tạm giam với cùng tội danh nói trên.

Cả hai bị can nói trên liên quan đến thương vụ bán 9 triệu cổ phiếu của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim với giá rẻ bèo, gây thất thoát lớn cho doanh nghiệp nhà nước.

*******************

"Đốt lò" cuối năm ở Thành phố Hồ Chí Minh : Ông Tất Thành Cang bị khởi tố

BBC, 16/12/2020

Đến tối ngày 16/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin chính thức về việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang.

tatthanhcang8

Ông Tất Thành Cang từng là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 10/2015 đến 12/2018

Chiều cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt để tạm giam ông Tất Thành Cang (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Long An, trú quận 6 - nguyên Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Thời hạn tạm giam ông Tất Thành Cang để điều tra tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" là theo quy định của pháp luật, theo phía công an nói.

Trước đó cùng ngày, truyền thông ban đầu đưa tin ông Cang bị bắt, rồi lại xóa đi chỉ nói là khởi tố bị can.

Ngày 16/12/2020, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin cho hay công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, người đang giữ chức vụ Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh về hành vi "Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" điều 219 bộ luật hình sự 2015.

Tờ báo trực thuộc Đảng bộ đảng Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh cho hay quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn, đồng thời ông Tất Thành Cang, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố này (từ 10/2015 đến 12/2018) cũng đã bị tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

"Chiều 16/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Long An, trú quận 6, nguyên Phó Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) về hành vi "Vi phạm về các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" điều 219 bộ luật hình sự 2015.

"Tất cả các quyết định trên đều được Viện VKSND cùng cấp phê chuẩn... Chiều 16/12, nguồn tin của Báo SGGP cho biết, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tất Thành Cang.

"Việc tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh của ông Tất Thành Cang được thực hiện theo khoản 2 điều 101 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương".

Bị khởi tố, kỷ luật thế nào, vì sao ?

Cũng ngày thứ Tư, báo Thanh Niên cho biết thêm quyết định được Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt cũng có nội dung khám xét nơi ở đối với cựu Phó Bí thư thành ủy :

Liên quan hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại IPC, ngày 16/12, nguồn tin của phóng viên Thanh Niên cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở đối với ông Tất Thành Cang (49 tuổi, quê Long An, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh").

"Theo đó, ông Tất Thành Cang bị Cơ quan Điều tra khởi tố để làm rõ hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017".

Báo Tuổi Trẻ cùng ngày cũng cho biết thêm chi tiết liên quan tới điều được cho là "sai phạm" dẫn đến việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố :

"Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ông Cang được cho có sai phạm liên quan đến việc phát hành, bán 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược - Công ty Nguyễn Kim tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn Sadeco.

"Như vậy, liên quan đến sai phạm bán 9 triệu cổ phiếu Công ty Sadeco cho Nguyễn Kim, cùng với ông Tất Thành Cang, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng 20 bị can để điều tra".

Trong một mục tin liên quan cũng trên báo này, Tuổi Trẻ nhắc lại ông Cang cũng từng có nhiều "sai phạm" khác khiến ông bị kỷ luật và cách chức Ủy viên Trung ương đảng từ trước :

"Ông Tất Thành Cang, với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và giám đốc Sở Giao thông vận tải đã làm sai quy định trong nhiều vụ việc dẫn đến bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố", bài báo với tựa đề "Những vi phạm khiến ông Tất Thành Cang bị cách chức Ủy viên trung ương Đảng".

Các sai phạm này, mà Tuổi Trẻ trích đăng từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam công bố từ cuối tháng 12/2018 cho hay ông Tất Thành Cang có vi phạm "rất nghiêm trọng", đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Theo đó, trong thời gian nắm các chức vụ, ông bị kết luận là đã phê duyệt dự án 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm sai quy định, Quyết định sai thẩm quyền gây thất thoát tài sản nhà nước (liên quan vụ việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Tới bây giờ mới khởi tố là "hơi trễ" ?

Hôm 16/12 từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận về việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố với BBC News Tiếng Việt, ông nói :

"Các sai phạm của ông Tất Thành Cang theo các kết luận và điều tra được cho là có hệ thống và nghiêm trọng, mà trong thời gian dài ông không bị xử lý, kỷ luật, cách chức đến nơi đến chốn, việc này đã tạo ra nhiều bức xúc trong công luận, nhiều người trong nhân dân, cán bộ tỏ ra không hài lòng.

"Nhưng tới bây giờ ông ấy mới bị khởi tố bị can, tôi cho rằng cũng hơi bị trễ, mặt khác, bây giờ chuẩn bị khai mạc Đại hội đảng lần thứ 13, thì việc đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, sai phạm mà đòi hỏi phải có những hành động, biện pháp làm dứt điểm luôn để đi vào đại hội mà không quá trễ, tôi cho là công việc không chỉ nên làm mà là phải làm.

"Qua theo dõi, tôi cho rằng không chỉ ông Tất Thành Cang mà cả những người liên quan mà quan trọng hơn nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn, thì đó cũng là một cái thiếu triệt để.

"Lò đã thắp nóng mà củi lặt vặt, làm chưa đến nơi đến chốn, thì chưa đạt. Đó cũng là một sự chờ đợi của nhân dân. Có những cán bộ, đảng viên lão thành đang cho rằng đã làm thì phải làm triệt đễ".

Khi được hỏi, nếu thực sự ông Tất Thành Cang không hành xử "một mình" mà có thể phải có "cấp trên" phê duyệt ở cấp cao hơn không, và nếu các điều tra cho rằng có sai phạm liên quan mà nghiêm trọng ở cả cấp trên như vậy, thì cần phải được xử lý như thế nào, Luật sư Trần Quốc Thuận đáp :

"Ông Tất Thành Cang nắm nhiều chức vụ, trong đó ông từng có nhiệm vụ là Phó Bí thư thường trực từ tháng 2/2016, dù như thế ông không phải là người đứng đầu của đảng tại đảng bộ thành phố, mà ông còn phải chịu sự chỉ đạo, giám sát của người trực tiếp cấp trên của ông ở cơ quan này.

"Và người đứng trên này do đó cũng phải chịu những biện pháp xử lý thích đáng và việc xử lý đó là sự chờ đợi, mong mỏi của quần chúng, nhân dân thành phố và đặc biệt của những cán bộ, đảng viên, những người đã tham gia kháng chiến trong giai đoạn trước 1975 và ngay đến bây giờ.

"Và ở đây còn chưa nói tới những sai phạm lâu dài, kéo dài liên quan tới vụ Thủ Thiêm và rõ ràng là có rất nhiều vấn đề chứ không chỉ một, nhưng đã được xử lý không đến nơi đến chốn, nửa vời".

"Động thái mới đến từ lãnh đạo mới ?"

Theo cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, có thể động thái mới xảy ra trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh có một tân bí thư thành ủy được "điều chuyển" từ trung ương về và do đó tạo ra bối cảnh mới, ông nói :

"Nhân đây tôi muốn nói là trước đây ông Nguyễn Thiện Nhân đã ngại ngùng, không muốn đẩy mạnh việc đó. Nhưng bây giờ tình hình đã khác, ông Nguyễn Văn Nên, tân Bí thư thành ủy mới về thành phố.

"Và trước sự đòi hỏi, trông chờ của quần chúng, đảng viên, thì đã có sai phạm thì dù là ai, cấp nào cũng phải xử lý, thì bây giờ ông Bảy Nên với cương vị từng là Bí thư Trung ương đảng, điều chuẩn và nay là Bí thư Thành ủy, có lẽ cũng đã nhận thức được trách nhiệm và do đó ông đã có động thái thúc đẩy để làm đến nơi đến chốn.

"Tất cả những cái này phải xử lý triệt để, nếu không xử lý triệt để, thì những gì tồn đọng đó sẽ mãi như những thứ ung nhọt, gây bệnh tật và hiểm họa cho cơ thể mà cơ thể ở đây chính là sinh mạng của đảng cầm quyền, sinh mạng của cả dân tộc và đất nước.

"Trong lúc này, để giữ vững được độc lập dân tộc trước nguy cơ bên ngoài đe dọa chủ quyền lãnh thổ, nhất là tình hình Biển Đông v.v..., thì ở bên trong phải trong sạch, vững mạnh, thì người dân mới tin và mới đồng lòng trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức đảng trong sạch và đồng lòng, đồng hành trong việc giữ nước, giữ Biển Đông.

"Thành ra, đối với ông Bảy Nên, khi ông về thành phố, thì đây là những thử thách, những bước ngoặt quan trọng trong con mắt và cái nhìn của đảng viên, quần chúng nhân dân trước ông, và đây là những thử thách quan trọng trước cương vị chính trị mà ông đảm nhiệm.

"Nếu làm nửa vời, thì niềm tin của quần chúng, cán bộ, đảng viên cũng sẽ nửa vời và sự nửa vời đó sẽ đem lại hậu quả là tai họa, người ta sẽ thờ ơ, thậm chí coi thường những hoạt động, sứ mạng của tổ chức chính trị, của nhà nước, do vậy đó là đòi hỏi rất lớn, cho nên phải làm triệt để thì mới củng cố được niềm tin, hay nói đúng hơn là mới lấy lại được niềm tin", Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 16/12 từ Sài Gòn.

Nguồn : BBC, 16/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Thanh, Hoàng Thuận, A.Nhân, T.Mai-N.Khải, H.Điệp, T.Long, Sỹ Đông, Phong Thuận, Văn Minh, BBC tiếng Việt
Read 850 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)