Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/12/2020

Bí thư Nguyễn Văn Nên ra tay làm sạch đất Sài Gòn vì... luật đất đai ?

Đoàn Phương - Tân Châu - An Bình

Diệp Dũng có liên quan gì đến Hai Nhựt ?

Đoàn Phương, VNTB, 17/12/2020

Ông Diệp Dũng lấy họ mẹ, sinh năm 1968, đã bị bắt vào hôm 16/12/2020. Trước đó, ông Diệp Dũng bị nghi ngờ là đại diện cho thế lực nào đó đang thâu tóm Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co-op).

saigon1

Diệp Dũng là doanh nhân người Hoa ở Sài Gòn. Hai Nhựt từng là ‘ông trùm’ về mặt Đảng ở khu người Hoa Chợ Lớn.

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm theo kết luận của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, về việc chấp hành quy định pháp luật tại Saigon Co-op, ngày 16/12, Cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét nơi ở, nơi làm việc với ông Diệp Dũng về tội "lạm quyền trong khi thi hành công vụ" và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam.

Ông Diệp Dũng có song thân là nhà báo, liệt sĩ Trần Huân Phương và nữ Hoa kiều yêu nước Diệp Tú Anh.

Ông Diệp Dũng rộng đường hoạn lộ trong suốt thời gian mà ông Lê Thanh Hải – tức Hai Nhựt, lần lượt giữ ‘ngôi vị’ Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (từ tháng 5 năm 2001 đến tháng 7 năm 2006) và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (từ tháng 6 năm 2006 đến tháng 2 năm 2016).

Năm 1999, ông Diệp Dũng được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cử đi tu nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh chuyên ngành quán trị tài chính doanh nghiệp tại Đại học lừng danh Bentley University, Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ (theo diện học bổng Fulbright). Năm 2002, ông Diệp Dũng hoàn thành khóa học và trở về nước để chuẩn bị những nhiệm vụ quan trọng.

Năm 2003, ông Diệp Dũng được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ‘bố trí’ làm Trưởng Phòng Kế hoạch, kiêm Phó Ban Quản trị điều hành Khu công nghiệp Hiệp Phước – một công ty con của Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Năm 2004, ông Diệp Dũng thăng tiến lên chức Phó tổng Giám đốc thường trực Tân Thuận, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu công nghiệp Hiệp Phước. Ông Diệp Dũng giữ chức vụ này cho đến năm 2010.

Tháng 3/2010 đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự nghiệp của ông Diệp Dũng khi ở tuổi 42, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng thành viên Công ty Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) – được coi là một SCIC (Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) phiên bản Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong hơn 5 năm tại nhiệm, ông Diệp Dũng là cái tên có ảnh hưởng lớn nhất tại HFIC, khi Bí thư Thành ủy Hai Nhựt tin cậy giao cho ông Diệp Dũng kiêm luôn chức vụ Bí thư Đảng ủy cơ quan, Bí thư Đảng ủy cơ sở Công ty, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Với khối tài sản cả chục ngàn tỷ đồng cùng hàng chục khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác của HFIC, ông Diệp Dũng là doanh nhân đầy quyền lực của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Dũng từng có thời gian làm Phó Chủ tịch hội đồng quản trị, người đại diện phần vốn của HFIC tại HDBank.

Tháng 9/2015, ông Diệp Dũng được điều động sang lãnh đạo một nhóm doanh nghiệp có quy mô cũng rất lớn khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, là Liên hiệp hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co-op, vốn điều lệ 3.200 tỷ đồng).

Diệp Dũng được Bí thư Thành ủy Hai Nhựt phân công làm người đại diện phần vốn của Saigon Co-op tại một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Saigon Co-op (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng), nơi Saigon Co-op sở hữu 97% vốn, hay Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Quảng trường Quốc tế (ISC) – chủ sở hữu lô đất vàng 8.300 m2 tại trung tâm Quận 3…

Ông Diệp Dũng có người anh trai là ông Trần Diệp Tuấn, hiện là Hiệu trưởng Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 2015 đến trước khi được cho là ‘nhúng chàm’ vào vụ bê bối tại Saigon Co-op, ông Diệp Dũng là chủ tịch đế chế bán lẻ lớn nhất nước.

Nhiều ý kiến cho rằng với việc bắt ông Diệp Dũng, nếu ‘làm tới’, khả năng sẽ phanh phui nhiều áp phe ‘rửa tiền’ của đế chế Hai Nhựt tại Sài Gòn, đặc biệt là với riêng vùng đất Thủ Thiêm, quận 2 – nơi phu nhân của Hai Nhựt từng giữ chức phó quận.

Đoàn Phương

Nguồn : VNTB, 17/12/2020

**********************

Tham nhũng đất đai

Tân Châu, VNTB, 17/12/2020

Người dân tiếp tục chứng kiến rất nhiều người giàu lên từ chuyện làm ‘đày tớ nhân dân’. Nào biệt thự, biệt phủ của quan chức mọc lên nhan nhản ; vợ, chồng, con của ‘đày tớ’ sống rất khác so với người dân ; tài sản thậm chí chuyển ra nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách và bằng mọi giá để được làm ‘sân sau’ của các quan chức ‘đày tớ’.

saigon2

Ở thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ vụ đình đám "khu đô thị mới Thủ Thiêm" kéo dài suốt nhiều đời chủ tịch, rồi mãi tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm là minh thị dễ thấy nhất về tham nhũng đất đai.

Các lỗ hổng và sự bất cập của pháp luật đất đai, mở cửa cho tham nhũng phát triển đến mức triệt tiêu nhiều động lực, cạn kiệt nguồn lực, bào mòn lòng tin của người dân. Trách nhiệm cuối cùng ở đây đã được ghi rất rõ tại Hiến pháp 2013, Điều 4.2, "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình".

Nền kinh tế Việt Nam đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng một số điều luật cơ bản của Luật Đất đai năm 2013 vẫn trên quan điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Chẳng hạn như quan điểm về quyền sở hữu đất đai. Hoặc như một số điều luật quy định quá "thoáng".

Ví dụ khoản d điểm 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định, thẩm quyền thu hồi đất của hội đồng nhân dân tỉnh : "Dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn chỉnh trang đô thị ; cụm công nghiệp ; khu sản xuất chế biến ; nông sản ; lâm sản ; thủy sản ; hải sản tập trung ; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng".

Phạm vi thu hồi đất được rộng như vậy, thì trong bối cảnh tổ chức nhà nước hiện nay, lãnh đạo địa phương rất dễ thuyết phục hội đồng nhân dân chấp nhận phê chuẩn đất đai cho các doanh nghiệp, bỏ qua quyền lợi của người dân.

Với quy định như vậy, tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện của địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất đai ; tạo ra cơ chế xin – cho ; tình trạng các doanh nghiệp đầu tư "lách luật", "chạy dự án" vào các khu đất vàng, đất trống để đưa vào diện thu hồi đất…

Có thể dẫn chứng hàng loạt vụ việc qua kết luận từ Thanh tra chính phủ :

Ở tỉnh Lâm Đồng, theo thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, do Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh ký ban hành, thì, "Việc gia hạn đối với 164 dự án đầu tư ngoài ngân sách được thuê đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2014.

Trong đó UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 1034/UBND-ĐC ngày 11/3/2015 quy định về việc gia hạn dự án là chưa đúng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013, khoản 3 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư".

"Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại qua thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được nêu trong kết luận thanh tra thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh ; các phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ; thủ trưởng các sở, ban, ngành ; chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ" – kết luận ghi.

Với tỉnh Kiên Giang, thì, "Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng", kết luận thanh tra công bố hồi tháng 5/2020, viết.

Qua thanh tra phát hiện từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ dưới 500m2 trên địa bàn huyện Phú Quốc, dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo này diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Kết luận thanh tra cũng cho rằng việc buông lỏng quản lý rừng của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn xử lý. Thậm chí có một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn quốc gia Phú Quốc.

Để xảy ra những sai phạm trên, theo Thanh tra Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011/2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung ; còn thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính.

Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ vụ đình đám "khu đô thị mới Thủ Thiêm" kéo dài suốt nhiều đời chủ tịch, rồi mãi tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm là minh thị dễ thấy nhất về tham nhũng đất đai.

Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm, đặc biệt là liên quan đến việc đầu tư các dự án bằng hình thức hợp đồng BT. Nhiều quan chức ở thành phố này bị đề nghị xem xét kỷ luật. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy…

Tân Châu

Nguồn : VNTB, 17/12/2020

***********************

Lỗ hổng của Luật Đất đai ?

An Bình, VNTB, 16/12/2020

"Tôi ở Chính phủ 3 nhiệm kỳ rồi, tôi thấy nhiều lần nghe thường vụ đảng ủy nói rằng nhiều ông ở tù. Nếu thanh tra, kiểm tra nghiêm túc thì rất nguy. Tức là bên trong có rất nhiều vấn đề (…) Không những 1 sân trước mà 4, 5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết" – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu như vậy tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức vào… tháng 11/2018.

saigon3

Hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… ; nhiều thứ trưởng, tướng lĩnh quân đội, công an bị truy tố, bị thi hành kỷ luật do tham nhũng hoặc vi phạm quy định về Luật Đất đai.

Từ đó đến nay gần như chuyện "sân sau" – "bao sân" như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vẫn chưa thấy gì thay đổi theo chiều hướng tích cực. Và đây chính là mối nguy được xem là mang tính "bền vững".

Sở dĩ gọi là mối nguy cho việc "Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết", bởi "biết" rồi thì phải "làm gì" ? Rõ ràng là một khi "biết rồi để đó" thì đây là dấu hiệu của tham nhũng quyền lực.

Tham nhũng vật chất cũng rất nguy hại. Nó có thể góp phần ảnh hưởng xấu đến đến công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, tạo nên sự bất công trong một xã hội khi có "kẻ ăn không hết, người lần không ra". Bất kể có dự án nào được phê duyệt đều phải thương thảo đến tỷ lệ phần trăm thì mới được việc. Vì thế, nhiều công trình chưa đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Điều này thật tệ hại. Nhưng với những người tham nhũng quyền lực, về lâu dài, nó có thể làm băng hoại cả một chế độ xã hội và đó mới là vấn đề nguy hiểm cho "Đảng ta, chế độ ta".

Cũng có thể từ đó – nói theo ngôn ngữ Tuyên giáo : họ sẽ phá nát cả hệ thống chính trị mà biết bao thế hệ đi trước đổ máu hy sinh mới có được. Và như thế, nó đồng nghĩa với việc chế độ chúng ta sẽ khó tồn tại lâu dài bởi khi đó, lòng dân thì đã mất, đảng viên trung kiên thì dần dần rời xa Đảng…

Một Đinh Ngọc Hệ (quen được gọi là "Út Bộ trưởng") đang lại phải hầu tòa cùng cựu bộ trưởng Đinh La Thăng, dù chỉ là bằng cấp giả để "chạy sao vạch", nhưng nhờ có quan hệ rộng mà ông ta cũng thăng tiến lên đến chức phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, bộ Quốc phòng với quân hàm thượng tá, thì thật tai hại cho tương lai đất nước sau này, bởi sẽ ra sao nếu đất nước có chiến tranh thì quân đội khi ấy sẽ ra sao ?

Nhưng thử hỏi, họ lên được tới chức đó, liệu có từ những người có quyền lực đã thiếu con mắt tinh đời hay do người được giao quyền lực đã cố ý "tham nhũng" mà làm bậy, làm ngơ ?

Trong bối cảnh như nói trên về cả tham nhũng vật chất lẫn tham nhũng quyền lực, thì sẽ càng tệ hại hơn khi Luật Đất đai đang lộ rõ những lỗ hổng trong suốt 5 năm vừa qua, và vẫn chưa biết bao giờ mới được sửa chữa, tu chính, hay "xóa bàn làm lại" ?.

Năm 2018, bộ Tài chính chỉ thanh tra 60 dự án doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, với diện tích 834.000m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại… tất cả đều có dấu hiệu làm thất thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Nhiều lô đất được phê duyệt để xây chung cư cao cấp với mức giá chỉ 20 – 40 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường lên tới hàng trăm triệu đồng/m2, tài sản nhà nước bị định giá rẻ đi nhiều lần.

Cũng khó trách. Theo quy định hiện hành, đất thuê không được tính vào giá trị doanh nghiệp, bởi vậy nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được định giá rất thấp. Dù là đất thuê nhưng sau cổ phần hóa, không ít chủ mới của các công ty cổ phần đã tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là một trong những kẽ hở dễ bị trục lợi, khi đất đai được "phù phép" chuyển đổi mục đích sử dụng.

Vậy là tham nhũng thông qua doanh nghiệp sân sau không chỉ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế, mà còn để lại hệ lụy tiêu cực về chính trị, xã hội.

Các vụ mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến các đại án tham nhũng như ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang ; hoặc của các ngành Công an, Quân đội, Lâm nghiệp…

Công thổ quốc gia là sở hữu toàn dân đã bị các nhóm của những kẻ có quyền lực, ‘bảo kê’ bằng những công văn đóng dấu "Mật", "Tuyệt Mật" vượt qua sự nghiêm minh của pháp luật, biến thành tư hữu.

An Bình

Nguồn : VNTB, 16/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đoàn Phương, Tân Châu, An Bình
Read 781 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)