Thế giới "định kiến" với Việt Nam đấy !
Diễm Thi, VNTB, 18/12/2020
Việt Nam hiếm khi thừa nhận các cáo buộc của thế giới về các vấn đề liên quan đến nhân quyền và nền kinh tế thị trường vì cho rằng đó là các đánh giá dựa trên định kiến.
Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ - Ảnh minh họa
Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí
Chiều 17/12/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng tuyên bố Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Tổ chức quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho rằng Việt Nam quá khắt khe với tự do báo chí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết : "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đưa ra về tình hình Việt Nam".
Tổ Chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) cũng đã phát hành báo cáo năm 2020 chỉ ra rằng Việt Nam đứng hạng thứ 5 toàn thế giới trong việc bắt giam các nhà báo. RSF cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers.
Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình ; mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số ; hơn 64 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng Internet và hơn 62 triệu người dân sử dụng mạng xã hội.
Do đó việc bắt bớ và giam giữ các nhà báo hay bloggers là do có những "hành vi vi phạm pháp luật" nên "đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành".
Những điều khoản được áp dụng để xử tội các nhà báo, bloggers là điều 117, 331 với những tội danh mơ hồ như "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"hay "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" thường được đưa ra sử dụng để truy tố và kết án các nhà báo và bloggers.
Cũng trong cùng ngày 17/12/2020 Công an Thành phố Cần Thơ đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với ông Trương Châu Hữu Danh để điều tra về tội, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đây là minh chứng cho sự tôn trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam ? !
Việt Nam khẳng định làm ăn minh bạch với Iran
Ngoại trưởng Mỹ Pompoe cho biết hôm 16/12 trên Twitter rằng Hoa Kỳ đã tiến hành trừng phạt 5 thực thể vì cáo buộc tham gia vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu của Iran và rằng Hoa kỳ sẽ không ngừng truy đuổi những kẻ cố trốn tranh các lệnh trừng phạt.
Cùng ngày, Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cũng đã ra thông báo chính thức về việc trừng phạt Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam (PCT) cùng giám đốc là ông Võ Ngọc Phụng, với cáo buộc PCT đã "cố ý tham gia các giao dịch vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Iran trong hoặc sau ngày 5/11/2018". Cá nhân giám đốc điều hành và Công ty PCT bị trừng phạt theo sắc lệnh hành pháp số 13846 (IRAN-EO13846) được Tổng thống Donald Trump ký ngày 6-8-2018.
Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cho biết ông Võ Ngọc Phụng sinh ngày 10/12/1981 có quốc tịch Việt Nam bị trừng phạt theo Điều Lệnh 13846 với các khoản 5 (a) (ii), (iii), (iv) và (vi) về ngoại hối, giao dịch ngân hàng, chặn sở hữu và lợi tức tải sản, và các hoạt động nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Công ty PCT có trụ sở tại quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh bị trừng phạt theo các khoản 5 (a) (i) – (a) (vi) về vay từ các tổ chức Tài Chính Hoa Kỳ, ngoại hối, giao dịch ngân hàng, chặn sở hữu và lợi tức tải sản, quyền đầu tư vào vốn có hoặc nợ vủa thực thể bị phạt, các hoạt động nhập khẩu vào Hoa Kỳ,
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng trong ngày 17/12/2020 đã phản đối lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và khẳng định Việt Nam làm ăn minh bạch với Iran.
Bà Hằng tuyên bố : "Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết và xử lý nghiêm, một cách thỏa đáng các trường hợp vi phạm. Quan hệ giữa Việt Nam và Iran luôn công khai, minh bạch và hợp pháp.
Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".
Trước đó một công ty Cường Thịnh có trụ sở tại Hải Phòng và tài sản thuộc công ty là tàu chở hàng Star 18 cũng đã bị trừng phạt vì tham gia chuyên chở than đá cho Bắc Triều Tiên đến Việt Nam.
Việt Nam không thao túng tiền tệ
Ngày 16/12/2020 Việt Nam và Thụy Sĩ chính thức bị Hoa Kỳ gắn mác thao túng tiền tệ. Theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thụy Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ trong Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD ; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP ; và Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho biết việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Thặng dư thương mại của Việt Nam gia tăng liên tục từ năm 2010 cho đến nay.
Trong nửa đầu năm 2020, thặng dư tài khoản vãng lai trong 4 quý đến hết tháng 6/2020 tăng lên 4,6% GDP. Trong cùng thời kỳ, hàng hóa của Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đến 58 tỷ đôla, lớn thứ tư trong số các đối tác thương mại. Kho bạc Nhà nước Việt Nam mua ròng ngoại hối trong bốn quý cho đến tháng 6/2020 đến 16,8 tỷ đôla, tương đương 5,1% GDP.
Phát biểu về vấn đề này bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Chính phủ Việt Nam rất coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ, và "thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, thỏa thuận thương mại giữa hai nước, cũng như các cam kết thương mại đa phương".
Thiết nghĩ việc thừa nhận những thiếu sót, sai phạm không có gì là điều xấu, ngược lại đó là động lực để có thể khắc phục nhược điểm để phát triển, hội nhập vào thế giới. Nhưng cứ chối cãi, bao biện cho hành động của mình thì sẽ đến lúc bị gạt ra khỏi cuộc chơi chung.
Diễm Thi
Nguồn : VNTB, 18/12/2020
*******************
Bị Mỹ gắn nhãn ‘thao túng tiền tệ’, Việt Nam phản ứng ra sao và cần làm gì ?
An Hải, VOA, 17/12/2020
Hôm 17/12, Việt Nam lên tiếng nói rằng chính sách điều hành tỷ giá thời gian qua "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng", biện hộ cho các chính sách kinh tế vĩ mô của Hà Nội mà Washington gọi là "thao túng tiền tệ".
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội.
Phản ứng của Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 17/12 khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và thực hiện "nghiêm túc" các cam kết song phương với Mỹ lẫn các cam kết đa phương mà Việt Nam tham gia.
Trang Thanh Niên dẫn lời bà Hằng nói : "Đối với Mỹ, Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ thương mại, kinh tế với nước này và luôn duy trì đối thoại, tham vấn để duy trì, hài hoà lợi ích hai bên. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ trên nguyên tắc cân bằng hài hoà lợi ích".
Cũng hôm 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định "việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng", theo trang VnExpress.
Cùng ngày, ngân hàng trung ương của Việt Nam khẳng định thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Trước đó, hôm 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ". Chiếu theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam đáp ứng 3 tiêu chí nên bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ. Ngoài Việt Nam, còn có Thụy Sỹ cũng bị xác định thao túng tiền tệ.
Chuyên gia kink tế Việt Nam, tiến sĩ Ngô Trí Long ở Hà Nội nêu nhận định với VOA rằng Việt Nam không nên cải chính mà phải chứng minh điều ngược lại.
"Họ nói thao túng tiền tệ thì những dấu hiệu của nó là gì ? Những dấu hiệu đó Việt Nam có hay không ? Chứ không phải họ nói như vậy mà mình cải chính. Việt Nam phải chứng minh là không có những dấu hiệu đó".
Kết quả điều tra của Bộ Tài chính Mỹ
Mỹ sử dụng ba tiêu chí để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia : thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đôla, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất 2% GDP.
Báo cáo dài 69 trang vào tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết Việt Nam đã đáp ứng đủ cả ba tiêu chí này.
"Việt Nam đáp ứng tất cả ba tiêu chí theo Đạo luật năm 2015 trong bốn quý tính cho đến tháng 6/2020", báo cáo viết, dẫn chiếu Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại năm 2015.
Vẫn theo báo cáo, "Việt Nam đã quản lý chặt chẽ giá trị tiền đồng so với giá trị tiền đôla ở mức định giá thấp từ năm 2016. Việt Nam đã áp dụng nhất quán chính sách này trong cả hai giai đoạn áp lực tăng giá và giảm giá".
Báo cáo cho biết thêm : "Trong Báo cáo 5/2019, Việt Nam đã đáp ứng hai trong ba tiêu chí, đó là thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại song phương đáng kể với Hoa Kỳ ; và đến tháng 1/2020, lại đáp ứng thêm một trong ba tiêu chí nữa".
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm rằng thặng dư thương mại của Việt Nam tiếp tục tăng so với năm trước trong nửa đầu năm 2020, giúp đẩy thặng dư tài khoản vãng lai trong 4 quý đến hết tháng 6/2020 lên 4,6% GDP. Trong cùng thời kỳ, hàng hóa của Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đến 58 tỷ đôla, lớn thứ tư trong số các đối tác thương mại. Kho bạc Nhà nước Việt Nam mua ròng ngoại hối trong bốn quý cho đến tháng 6/2020 đến 16,8 tỷ đôla, tương đương 5,1% GDP.
Lời khuyên cho Việt Nam
Trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ khuyên rằng Việt Nam cần khẩn trương tăng cường khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình để tạo điều kiện cho việc chuyển động lớn hơn trong tỷ giá hối đoái để phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế, đồng thời giảm can thiệp và cho phép tăng giá hiệu quả thực sự của tỷ giá hối đoái. Việt Nam cũng nên tăng tính minh bạch về quản lý ngoại hối, can thiệp, cũng như dự trữ ngoại tệ.
Khuyến nghị của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Trích báo cáo 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
"Việt Nam cũng cần nỗ lực để giảm đáng kể sự mất cân đối bên ngoài và củng cố nhu cầu trong nước bằng cách san bằng sân chơi cho khu vực tư nhân trong nước thông qua các biện pháp như cải thiện khả năng tiếp cận đất đai và tín dụng, giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, và cải thiện giám sát tài chính để giúp tạo điều kiện cho vay có hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước", Bộ Tài chính Hoa Kỳ khuyến nghị.
Hoa Kỳ cũng đề nghị rằng Việt Nam cần dỡ bỏ các rào cản đối với các công ty Hoa Kỳ và hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam để giảm mất cân bằng thương mại song phương.
An Hải
Nguồn : VOA, 17/12/2020
************************
Mỹ chế tài Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam và giám đốc điều hành
VOA, 17/12/2020
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/12 loan báo áp đặt chế tài lên Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam, theo sắc lệnh hành pháp 13846 vì cố ý tham gia, trong hoặc sau ngày 5/11/2018, trong một vụ giao dịch quan trọng để vận chuyển sản phẩm dầu từ Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Thông cáo cùng ngày của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm Bộ cũng áp đặt chế tài theo sắc lệnh hành pháp 13846 lên Giám đốc công ty là Võ Ngọc Phụng trong tư cách giới chức điều hành chính của công ty.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng áp đặt chế tài lên các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, tố cáo các công ty này hỗ trợ việc bán sản phẩm hóa dầu của Iran trong lúc Washington gia tăng áp lực lên Tehran.
Hành động này diễn ra trong lúc chính quyền Trump trong vài tuần qua hầu như mỗi ngày đều ban hành chế tài phần lớn nhắm vào Iran.
"Các lãnh vực hóa dầu và dầu của Iran là nguồn tài trợ chính của chế độ Iran, được dùng để hỗ trợ nghị trình đối nội và đối ngoại xấu xa của Iran", Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Steven Mnuchin nói.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay các chế tài mới ban hành sẽ làm giảm khả năng chế độ Iran vi phạm nhân quyền đối với người dân Iran.
"Chúng tôi lặp lại chỉ có thay đổi cơ bản về thái độ hành xử của chế độ Iran mới có thể dẫn tới con đường dỡ bỏ chế tài", thông cáo kết luận.
(Nguồn Reuters/Bộ Ngoại giao Mỹ)
*******************
Việt Nam lên tiếng khi Hoa Kỳ cáo buộc Công ty Việt Nam "làm ăn" với Iran
RFA, 17/12/2020
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/12 lên tiếng về quyết định của Hoa Kỳ trừng phạt một công ty của Việt Nam liên quan đến vận chuyển sản phẩm dầu mỏ từ Iran. Reuters và truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng - AFP
Theo nguồn Reuters, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại buổi họp báo thường kỳ rằng "Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các nghị quyết của Liên hiệp quốc (Liên Hiệp Quốc)".
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng tại buổi họp báo trên nói thêm rằng Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Công ty cổ phần Vận tải khí và hóa chất Việt Nam ; không làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ hôm 16/12 đã áp lệnh trừng phạt lên một số công ty toàn cầu, cáo buộc họ hỗ trợ việc bán hóa dầu của Iran vào khi Washington đang tăng áp lực lên Tehran trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết Công ty cổ phần Vận tải khí và Hóa chất của Việt Nam đã kết nối giao dịch và vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ từ Iran.
Với cáo buộc đó, bà Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và đã xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm theo đó Việt Nam hy vọng Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ biện pháp trừng phạt lên công ty Việt Nam.
Hoa Kỳ hôm 16/12 cũng áp các biện pháp trừng phạt với đối với các công ty có trụ sở ở Trung Quốc và tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
********************
Việt Nam ‘lấy làm tiếc’ về việc Mỹ trừng phạt PCT liên quan đến Iran
VOA, 17/12/2020
Hôm 17/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam "lấy làm tiếc" về việc Hoa Kỳ trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) và giám đốc của công ty vì vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran.
Tàu của Công ty cổ phần Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam. Ảnh : PCT.
Bà Hằng cho biết rằng quan hệ giữa Việt Nam và Iran luôn "công khai, minh bạch và hợp pháp".
"Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Iran là hàng hóa dân sinh, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không trái với các quy định liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", báo Tiền Phong dẫn lời bà Hằng nói.
"Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của phía Mỹ và đề nghị phía Mỹ trên tinh thần quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sớm dỡ bỏ biện pháp đối với Công ty cổ phần Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế bình thường của các doanh nghiệp Việt Nam", bà Hằng nói thêm.
Ngày 16/12, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam và giám đốc công ty là ông Võ Ngọc Phụng, vì cho rằng công ty này đã "tham gia giao dịch đáng kể trong việc vận chuyển dầu từ Iran".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định : "Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam tuân thủ các nghị quyết và xử lý nghiêm và thỏa đáng các trường hợp vi phạm".
Hôm 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ra thông cáo đưa ông Võ Ngọc Phụng, 39 tuổi, và Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) vào danh sách Các Cá nhân và Thực thể bị Chỉ định Đặc biệt (SDN) thuộc diện quản lý của Văn phòng Quản trị Tài sản Nước ngoài (OFAC) của bộ này.
Ông Võ Ngọc Phụng bị đưa vào danh sách SDN theo Sắc lệnh hành pháp EO 13846, được Tổng thống Donald Trump ký từ năm 2018, theo đó OFAC sẽ chặn các giao dịch ngân hàng, chặn các giao dịch nhập khẩu, phong tỏa tài sản và các lợi ích tài sản.
Về phần Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (viết tắt là PCT), tên giao dịch trước đây là Công ty Cổ phần Dịch vụ - Vận tải Dầu khí Cửu Long, trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng bị trừng phạt theo Sắc lệnh hành pháp 13846. Theo đó, PCT sẽ bị chặn các khoản vay tín dụng từ các định chế tài chính Hoa Kỳ, cấm chuyển đổi ngoại tệ và các giao dịch với ngân hàng Mỹ, đóng băng tài sản và các lợi ích tài sản, cấm đầu tư hay nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đó, một doanh nghiệp vận tải khác của Việt Nam cũng bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ chế tài vì vi phạm lệnh cấm vận đối với Triều Tiên.
Ngày 8/12, Hoa Kỳ đưa Công TNHH Thịnh Cường ở Hải Phòng vào diện quản lý của OFAC theo Sắc lệnh Hành pháp EO 13810.
Hoa Kỳ cũng phong tỏa tài sản là tàu Star 18 (IMO : 9020015) của Công TNHH Thịnh Cường vì tàu này đã "chở than từ cảng Songnim, Triều Tiên về một cảng biển Việt Nam".
*********************
Mỹ chính thức cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ
Thanh Phương, RFI, 17/12/2020
Bộ Tài Chính Mỹ lần đầu tiên chính thức xem Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, là quốc gia thao túng tiền tệ, cáo buộc hai đối tác thương mại này can thiệp một cách không công bằng vào thị trường hối đoái. Bị cáo buộc thao túng tiền tệ như vậy, Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ phải thương lượng với Hoa Kỳ và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF để giải quyết vấn đề.
Đây là lần thứ ba, chính quyền Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ lên một quốc gia, lần đầu là vào năm 1994 và lần thứ hai là vào năm 2019 đối với Trung Quốc, khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang thương lượng một thỏa thuận thương mại. Sau đó, Washington đã không còn xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ nữa, nhưng Bộ Tài chính Mỹ vẫn xếp đồng nhân dân tệ vào danh sách các đồng tiền cần phải theo dõi.
Theo tờ New York Times, quyết định ngày hôm qua, 16/12/2020, của Bộ Tài chính Mỹ, xem Việt Nam là một quốc gia thao túng tiền tệ là biện pháp mới nhất của chính quyền Trump nhắm vào các hành vi thương mại của nước này. Ngay từ tháng 10, Washington đã mở điều tra để xem Việt Nam có đã cố tình hạ thấp giá trị của tiền đồng để hàng hóa xuất khẩu của nước này có giá rẻ hơn hay không. Vào tháng trước, cũng viện lý do Hà Nội hạ thấp giá trị tiền đồng, Hoa Kỳ đã áp các thuế mới đối với lốp xe hơi và xe tải nhập từ Việt Nam.
Nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây kể từ khi chính quyền Donald Trump tăng thuế và ban hành các hạn chế khác nhắm vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Cho nên, thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Việt Nam đã tăng thêm.
Cần chờ xem tân bộ trưởng Tài Chính của chính quyền Joe Biden sẽ giữ nguyên hay bãi bỏ nhãn thao túng tiền tệ đối với Việt Nam. Chính quyền Biden hiện chưa nói rõ là có sẽ tiếp tục chính sách của Donald Trump gây áp lực đối với Việt Nam hay không. Nhưng theo tờ New York Times, các thành phần cấp tiến trong đảng Dân Chủ, cũng như các công đoàn ở Mỹ, vẫn chủ trương là phải có biện pháp thương mại cứng rắn đối với những nước bị xem cố tình hạ giá đồng tiền của họ, khiến cho hàng xuất khẩu của Mỹ có giá đắt hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm nay đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ về thao túng tiền tệ, khẳng định là chính sách quản lý tiền tệ của Việt Nam chỉ nhằm "kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không nhằm tạo ra lợi thế không công bằng trong thương mại quốc tế".. Còn phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam thì chỉ ra tuyên bố : "Việt Nam duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 17/12/2020
******************
Việt Nam và Thụy Sĩ bị Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ
RFA, 16/12/2020
Vào ngày 16 tháng 12, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ công bố Việt Nam và Thụy Sĩ là những quốc gia thao túng tiền tệ. Ngoài ra, bộ này còn đưa thêm 3 quốc gia khác là Thái Lan, Ấn Độ và Đài Loan vào danh sách các nước cần theo dõi về những biện pháp bị nghi nhằm phá giá đồng tiền so với đồng đô la Mỹ.
Nhân viên ngân hàng tại Hà Nội đang đếm đồng đô la - Reuters
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ rằng tình đến tháng 6 năm nay, Việt Nam và Thụy Sĩ đã can thiệp mạnh mẽ vào thị trường tiền tệ nhằm ngăn chặn cân bằng hiệu quả về điều chỉnh thanh toán.
Bộ Công thương Việt Nam từ chối bình luận với Reuters về thông tin vừa nêu và đề nghị Reuters liên lạc với Bộ Ngoại giao Chính phủ Hà Nội để hỏi.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ bác bỏ cáo buộc, và nói rằng họ không thao túng, và chính sách tiền tệ của Thụy Sĩ sẽ không có gì thay đổi, với ý thêm rằng ‘vẫn mong muốn can thiệp một cách mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường ngoại hối".
Theo báo cáo bán thường niên về thao túng tiền tệ do Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ đưa ta thì ít nhất một phần của biện pháp can thiệp ngoại hối của Việt Nam là nhằm giảm giá tiền đồng, giúp tạo lợi thế mậu dịch. Trong khi đó phía Thụy Sĩ là nhằm giảm giá đồng franc để ngăn chặn cân bằng hiệu quả về điều chỉnh thanh toán.
Theo một quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ thì cả Việt Nam và Thụy Sĩ đã vượt đáng kể 3 tiêu chuẩn liên quan mà bộ này đề ra.
Vị quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết nước này mong muốn hợp tác với cả hai nước để đưa tỷ lệ thao túng xuống dưới ngưỡng ; tuy nhiên từ chối không dự đoán liệu biện pháp vừa nêu có dẫn đến thuế đánh vào hàng hóa của hai nước nhập vào thị trường Mỹ hay không.
Tin cho hay Việt Nam có thể bị đánh thuế theo một điều tra khác do Văn Phòng Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ tiến hành về nguyên nhân đồng tiền Việt được phá giá. Tuy nhiên, biện pháp mới nhất có thể tác động đến cuộc điều tra của Văn Phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và một số người trong doanh giới tỏ ra e ngại là ông tổng thống Donald Trump sẽ nhanh chóng cho tiến hành biện pháp đánh thuế.
Trong Báo cáo vào tháng 5 năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 9 quốc gia nằm trong danh sách bị giám sát do đá ứng hai tiêu chí được quy định của Mỹ là thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.
Theo quy định của Mỹ, những nước bị xếp vào danh sách thao túng tiền tệ dựa trên ba tiêu chí bao gồm :
- Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ đô la
- Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP
- Can thiệp một chiều kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Sau khi có tin Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Nguồn : RFA, 16/12/2020
********************
Mỹ đưa Thụy Sĩ, Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ
VOA, 16/12/2020
Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 16/12 đã đưa Thụy Sĩ và Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, theo Reuters.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ.
Ngoài ra, tin cho hay, Bộ này cũng thêm ba nước vào danh sách các quốc gia bị nghi phá giá đồng nội tệ.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ nói rằng trong khoảng thời gian tính tới tháng Sáu năm 2020, Thụy Sĩ và Việt Nam đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán.
Đáp lại cáo buộc của Mỹ, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tuyên bố không thao túng đồng nội tệ và rằng cách tiếp cận chính sách tiền tệ của ngân hàng này sẽ không thay đổi.
Reuters dẫn lời thể chế tài chính của Thụy Sĩ cho biết "vẫn sẵn sàng can thiệp mạnh hơn nữa vào thị trường ngoại hối".
Theo hãng tin Anh, Bộ Công thương Việt Nam từ chối bình luận và đề nghị hãng chuyển câu hỏi sang Bộ Ngoại giao.
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa thêm Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ vào danh sách các nước bị nghi phá giá đồng nội tệ, vốn còn gồm có Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đức, Italy, Singapore và Malaysia, theo Reuters.
Hãng tin này dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Bộ này không thảo luận với chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden về báo cáo trên.
Tin cho hay, bà Janet Yellen, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Tài chính, có thể đưa ra các thay đổi trong báo cáo tiền tệ đầu tiên của bà, dự kiến sẽ được công bố vào tháng Tư.
Nguồn : VOA, 16/12/2020