Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/12/2020

Đại hội 13 : những chức vụ chóp bu vẫn chưa ngã ngũ

Quang Thành - BBC tiếng Việt

Nhân sự Đại hội 13 sẽ đột biến ?

Quang Thành, VNTB, 18/12/2020 

Khủng hoảng nhân sự cấp cao đã xảy ra từ năm 2018 khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời và sẽ vẫn là vấn đề nan giải cho kỳ đại hội 13 sắp tới.

daihoi1

Hội nghị Trung ương 13 hiện đang được tiến hành tại Hà Nội để bầu Ban bí thư Trung ương để sau đó Ban bí thư Trung ương mới sẽ tiến hành bầu nhân sự cho Bộ Chính trị và ban bí thư khóa 13.

Đó là lời diễn giải của ông Nguyễn Phú Trọng về trách nhiệm chuẩn bị nhân sự đảng cho kỳ đại hội vào năm sau.

Từ đầu năm nay đã có nhiều lời đồn đoán về "tứ trụ" hoặc "tam mã" từ các nhà quan sát trong và ngoài nước. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa đại hội 13 sẽ diễn ra nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ và mọi sự vẫn trong vòng bí mật.

Tuy nhiên những dự báo dù là tam mã hay tứ trụ đều hướng về phía hai nhân sự cấp cao nhất về phía ông Nguyễn Xuân Phúc và Trần Quốc Vượng vì ông Trọng sẽ nghỉ sau khi đảm nhiệm hai nhiệm kỳ Tổng bí thư.

Báo Nhật Nikkei đầu tháng 12 dự đoán đến khả năng đột phá là Việt Nam sẽ có một nữ Tổng bí thư vào tháng Giêng tới. Dựa vào những phân tích dựa vào sự tiến bộ xã hội của phụ nữ như nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu vào năm 2016. Đến năm 2018 nữ Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có thời gian giữ quyền Chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước lúc ấy là Trần Đại Quag qua đời vì bạo bệnh.

Đúng là Việt Nam ngày càng thể hiện việc tôn trọng nhân quyền trong khía cạnh đề cao nữ quyền và bình đẳng giới. Bằng chứng gần đây nhất là phê chuẩn bổ nhiệm tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho bà Nguyễn Thị Hồng.

Trước đại hội 12 cũng đã từng có đồn đoán bà Nguyễn Thị Kim Ngân có khả năng được bổ nhiệm làm nữ Thủ tướng đầu tiên, Tuy nhiên để có một nữ lãnh đạo ngồi vào chức Thủ tướng, Chủ tịch nước hày Tổng bí thư thì có lẽ Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để vượt qua rào cản của tư tưởng nho giáo.

Ngoài ra vẫn chưa có thể nhận thấy có một lãnh đạo nữ nào có khả năng vượt trội hoặc có được cơ hội thể hiện năng lực vượt trội hơn các lãnh đạo nam giới để có thể đảm nhiệm các vai trò trọng trách này.

David Hutt dự đoán bà Ngân nếu không được nhận chức vụ mới thì sẽ nghỉ hưu và ra khỏi Bộ Chính trị. Nếu so với tuổi nghỉ hưu của lao động nữ bình thường tại Việt Nam là 55 tuổi 4 tháng (1/1/2021) thì lẽ ra bà Ngân, 66 tuổi, đã phải nghỉ hưu hơn chục năm nay.

Người có khả năng lớn sẽ đảm nhận chức Chủ tịch quốc hội của bà Ngân là bà Trương Thị Mai, 62 tuổi, người gốc Quảng Bình và đi lên từ phong trào đoàn thanh niên cộng sản từ những năm 1980 để đảm bảo bình đẳng giới trong dàn lãnh đạo cấp cao. Điều này cũng được nhiều nhà quan sát dự báo.

Hồi tháng Giêng 2020, Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp dự đoán ông Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của ông Trọng sẽ được đưa vào giữ chức Tổng bí thư để nhằm tiếp tục di sản chống tham nhũng của ông Trọng là chiên dịch chống tham nhũng.

Ông Lê Hồng Hiệp cũng đề cập đến khả năng là ông Trọng sẽ tiếp tục ở lại để kèm cặp đệ tử của mình cho đến khi cứng cáp. ông Trần Quốc Vượng là người miền Bắc, có lý lịch trong sạch khiến ông có ưu thế hơn thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc vốn là người miền Trung.

Nhà cựu ngoại giao David Brown cho rằng "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có vẻ một sự thay thế hấp dẫn, một nhà lãnh đạo đủ ‘đỏ’ nhưng cũng có tài điều hành chính quyền".

Với việc vẫn tồn tại và vươn lên làm Thủ tướng sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng bị phế truất và đã giúp cho Việt Nam đạt được những thành tích về kinh tế trong thời gian qua cũng như trong việc chống dịch, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có thể là một ứng cử viên sáng giá.

Tuy nhiên ông Phúc vẫn không thể đáp ứng được tiêu chí quan trọng đó là không phải là người miền Bắc. Giáo sư Tường Vũ của Đại học Oregon cho rằng ông Phúc thiếu một đặc điểm cốt yếu để lãnh đạo đảng : tư tưởng Mác-Lênin thông qua kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền hoặc kỷ luật.

Nếu ông Phúc đảm nhận chức Chủ tịch nước thì kinh nghiệm đối ngoại khi làm Thủ tướng sẽ được phát huy và đó là lợi thế lớn nhất của ông thủ tướng kiến tạo.

Ông Trần Quốc Vượng sẽ khó có khả năng làm tốt chức Chủ tịch nước vì chỉ có kinh nghiệm về đảng mà không có kinh nghiệm về hành pháp.

Chức Thủ tướng, nếu ông Phúc được đưa sang làm Chủ tịch nước có thể sẽ do ông Phạm Bình Minh đảm nhiệm, một người có kinh nghiệm đối ngoại dày dặn và cũng là người của bên hành pháp.

Căn cứ vào tần suất xuất hiện gần đây để chỉ đạo các cuộc họp quan trọng thì sẽ thấy cái bóng của ông Trọng vẫn quá lớn. Hiện dường như khó có nhân vật nào trong Bộ Chính trị có thể thay thế được vị trí và tầm ảnh hưởng của ông Trọng.

Đặc biệt là khi chiến dịch đốt lò lại đang được rầm rộ chuyển về phía Nam trong thời điểm ngay trước kỳ đại hội cùng với việc cựu uỷ viên Bộ Chính trị bị đưa ra hầu toà lần thứ 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh thì khả năng lớn là người đốt lò vĩ đại sẽ tiếp tục ở lại chiếu theo trường hợp đặc biệt.

Khủng hoảng nhân sự cấp cao đã xảy ra từ năm 2018 khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời và sẽ vẫn là vấn đề nan giải cho kỳ đại hội 13 sắp tới.

Quang Thành

Nguồn : VNTB, 18/12/2020

*********************

Hội nghị Trung ương 14 : 'Nhất trí rất cao' về nhân sự Bộ Chính trị, chưa bàn 'trường hợp đặc biệt'

BBC, 18/12/2020

Sáng 18/12, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành trung ương đã họp phiên bế mạc. Vấn đề nhân sự cấp cao cho khóa 13 được dư luận quan tâm đặc biệt và cũng là nội dung hội nghị lần này.

daihoi2

Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội 13

Đảng Cộng sản thông báo Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành trung ương khóa XII "đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, kết thúc sớm hơn hai ngày so dự kiến".

Theo TTXVN, tại Hội nghị, Trung ương đã thảo luận "dân chủ, kỹ lưỡng", bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia hai cơ quan lãnh đạo này.

'Nhất trí cao'

Ban chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành trung ương khóa XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định tại hội nghị Trung ương 15 sắp tới, TTXVN cho biết.

Trong khi đó, cũng trong thời điểm này, trên mạng chia sẻ một danh sách được cho là tỷ lệ ủng hộ vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ tới. Theo danh sách này, ông Lê Minh Hưng, sinh năm 1970 - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, dẫn đầu danh sách với 150 phiếu ủng hộ, chiếm 87%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chỉ nhận được 96 phiếu, chiếm 56%.

BBC được cho biết danh sách này lộ ra này là khả tín, nó chỉ bao gồm các trường hợp ủy viên trung ương đảng được giới thiệu mới lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư để hội nghị 14 bỏ phiếu thăm dò.

Ngoài ra, Hội nghị 14 đã bỏ phiếu ra sao về các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm cũng như các thành viên Ban Bí thư hiện nay, thì chưa rõ cụ thể.

Ban Chấp hành trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự "theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành trung ương khóa XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới".

Vào đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị khóa XII gồm 19 ủy viên, đến nay còn 17 ủy viên. Trong đó, ông Trần Đại Quang đã qua đời khi còn là Chủ tịch nước (tháng 9/2018) ; ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị (tháng 5/2017), hiện đang ở tù. Trong số 17 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, riêng ông Đinh Thế Huynh đã thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư, nghỉ chữa bệnh (từ tháng 3/2018) và trên thực tế đã không còn hoạt động chính trị nữa.

Ngoài vấn đề nhân sự, vấn đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng được đặc biệt coi trọng.

Phát biểu tại hội nghị 14, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói : "Tình trạng tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và có thuyên giảm".

Ông cũng nêu rõ, "nhiều vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm đặt ra và thực hiện từ nhiều năm trước nhưng hiệu quả thấp, nhiệm kỳ này đã đạt kết quả quan trọng".

Cũng tại hội nghị 14, Ban Chấp hành trung ương đã xem xét tờ trình của Bộ Chính trị và nhất trí cao quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đảng đối với ông Nguyễn Đức Chung, ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 "do đã mắc phải những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng". Ngày 11/2 vừa qua, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt ông Chung 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Hội nghị 14 'vẫn chưa bàn trường hợp đặc biệt'

BBC được biết rằng tại Hội nghị 14, rốt cuộc Trung ương Đảng vẫn chưa bàn về 'trường hợp đặc biệt' mà phải đợi sang hội nghị tiếp theo.

Hồi tháng 10, ông Lê Quang Vĩnh, trợ lý thường trực Ban Bí thư, cho báo chí biết tại hội nghị 13, có 119 người được giới thiệu tái cử vào Ban Chấp hành trung ương khóa tới, trong số này cũng có những người quá tuổi, nhưng Ban Chấp hành trung ương chưa xem xét, kết luận. Việc xem xét các trường hợp đặc biệt sẽ tiến hành ở Hội nghị Trung ương 14 và các hội nghị Trung ương tiếp theo.

Theo kết luận của Bộ Chính trị về công tác nhân sự, độ tuổi tái cử ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức tới thời điểm Đại hội XIII năm 2021 là không quá 60 tuổi với ủy viên Trung ương và không quá 65 tuổi với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Độ tuổi tham gia Trung ương lần đầu là không quá 55.

Trước đó, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với BBC, ông được biết trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nhiều tranh luận và các ý kiến về các phương án nhân sự cấp cao khác nhau. Do đó, ông cho rằng thông tin từ Hội nghị Trung ương này sẽ giúp "giải tỏa" thêm phần nào các câu hỏi đặt ra từ đó, đặc biệt liên quan các "trường hợp đặc biệt".

"Hiện còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ trong suốt thời gian vừa qua mà tôi được biết và rõ ràng nhất chúng ta biết là bây giờ sẽ có trường hợp đặc biệt. Nhưng theo tôi hiểu sẽ vẫn có nhiều phương án khác nhau và bây giờ câu hỏi quan trọng là xác định trước tiến có bao nhiêu trường hợp đặc biệt".

"Theo và về nguyên tắc, đáng lẽ ra trường hợp đặc biệt chỉ dành cho vị trí Tổng bí thư như chúng ta đã thấy, như trong nhiệm kỳ Đại hội 12 vừa rồi, ông Nguyễn Phú Trọng được xác định là trường hợp đặc biệt và không có trường hợp đặc biệt nào khác ngoài ông Trọng.

"Tuy nhiên, ở kỳ lần này lại có nhiều ý kiến khác nhau tại vì vị trí Tổng bí thư được cho là dành cho ông Trần Quốc Vượng, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng có thể có những ứng cử viên khác mà có thể có sự cạnh tranh cho vị trí này.

"Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay mới 66 tuổi và cũng mới nắm vị trí Thủ tướng một nhiệm kỳ, do đó ông cũng đủ điều kiện để xem xét là trường hợp đặc biệt, bởi vì ông vẫn còn sung sức và ông đã thể hiện khá tốt vừa rồi trong cương vị Thủ tướng ở nhiệm kỳ hiện nay.

"Bởi vì nếu nhiều trường hợp đặc biệt quá, bản thân trường hợp ấy sẽ không còn được gọi là "đặc biệt" nữa, do đó mà vẫn còn những tranh luận, những đề xuất khác nhau và chúng ta cũng cần xem xét xem kết quả cuối cùng như thế nào, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp kết luận.

Hiện nay, ngoài ông Nguyễn Phú Trọng, nhiều nhân sự cấp cao như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… đều đã quá tuổi tái cử vào Bộ Chính trị. Con đường duy nhất để những người này duy trì vị trí ở nhóm quyền lực cao nhất của đảng là cơ chế "trường hợp đặc biệt".

Nguồn : BBC, 18/12/2020

************************

Hội nghị Trung ương 14 : Đảng biểu quyết nhân sự và khai trừ tướng Chung

BBC, 18/12/2020

Các ủy viên Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam hôm thứ Năm đã biểu quyết giới thiệu nhân sự cấp cao tham gia Bộ Chính trị và Ban bí thư của đảng này, trong khuôn khổ Hội nghị Trung ương 14 khóa 12 đang diễn ra ở Hà Nội, theo truyền thông nhà nước.

daihoi3

Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành các hội nghị và hoạt động chính trị quan trọng trước thềm Hội nghị 13 dự kiến nhóm vào đầu năm 2021

Cùng lúc, tướng Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội bị khai trừ khỏi đảng, vẫn theo báo chí chính thống Việt Nam.

Báo mạng VietnamNet thuộc Bộ Thông tin và truyền thông đưa tin về cuộc biểu quyết tại Hội nghị này cho hay :

"Ngày 17/12, Ban Chấp hành trung ương họp về công tác cán bộ trong khuôn khổ Hội nghị Trung ương lần thứ mười bốn. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị chủ trì, điều hành chương trình Hội nghị.

"Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

"Ban Chấp hành trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các ủy viên Ban Chấp hành trung ương khóa XII tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Dự kiến, Hội nghị Trung ương 14 sẽ bế mạc vào ngày mai, 18/12".

Báo mạng VnExpress thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, cùng ngày, cho biết thêm :

"Vào đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị khóa XII gồm 19 Ủy viên, đến nay còn 17 ủy viên, bởi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã qua đời (tháng 9/2018) ; ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị (tháng 5/2017). Trong số 17 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay, riêng ông Đinh Thế Huynh đã thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư, nghỉ chữa bệnh (từ tháng 3/2018).

"Ban bí thư Trung ương Đảng hiện có 14 ủy viên, trong đó 7 thành viên là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng ; 7 thành viên còn lại là Bí thư Trung ương Đảng".

"Xem xét, quyết định thi hành kỷ luật"

daihoi4

Ông Nguyễn Đức Chung (hàng đầu, sơ mi trắng) đã bị khai trừ tư cách đảng viên theo thông báo hôm 17/12/2020 từ Hội nghị Trung ương 14 của đảng cộng sản Việt Nam

Vẫn theo VietnamNet, tại Hội nghị Trung ương 14, ngoài việc bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13, Ban Chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam còn xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ.

Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng được Bộ Chính trị uỷ quyền đọc Tờ trình của Bộ Chính trị đề nghị thi hành kỷ luật ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021", VietnamNet tường thuật.

"Ban Chấp hành trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.

"Trước đó, tại kỳ họp 50, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương xem xét khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng".

Hôm thứ Năm, 17/12, được hỏi về các diễn biến trên tại Hội nghị Trung ương đang diễn ra của đảng cộng sản Việt Nam, một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận với BBC :

"Đến nay chưa thấy đảng công bố gì cụ thể chính thức, hãy chờ đến ngày bế mạc hội nghị, tuy nhiên Hội nghị này chủ yếu bàn về nhân sự mà là các ứng cử viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư cho khóa 13.

"Còn việc bàn về một số vị trí về tứ trụ hay không, thì đến nay vẫn chưa biết cụ thể chính thức, cũng có thể đến ngày cuối của Hội nghị người ta sẽ bàn, còn nếu không đủ thời gian bàn thì người ta sẽ có hội nghị Trung ương 15.

"Hội nghị đó nếu có sẽ xảy ra ngay trước Đại hội 13 và đại hội khả năng lớn sẽ diễn ra vào cuối tháng 01/2021, tức là vào khoảng ngày 25-28/01".

Trên mạng xã hội và trong công luận dường như đang xuất hiện một số thông tin cần kiểm chứng thêm dưới dạng các "danh sách" nhân sự được cho là được cơ cấu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa tới của Đcộng sản Việt Nam, kể cả có một số thông tin "đề cập" việc biểu quyết và "kết quả" biểu quyết nhân sự này trong khuôn khổ hội nghị.

Khi được hỏi liệu trên thực tế đã có các thông tin nào hay cơ sở thông tin nào manh nha cho thấy rõ thêm về việc giới thiệu, bức tranh quy hoạch nhân sự cấp cao ở các cơ cấu quyền lực cao cấp và quan trọng đó hay chưa tới thời điểm hiện nay, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đáp :

"Người ta không thông báo cụ thể, nhưng bắt đầu vào Hội nghị Trung ương, cũng có một vài bài báo của báo chí chính thống có phân tích, người ta đếm xem trong Bộ Chính trị khóa 13 nếu ứng cử thì khả năng sẽ có những ai ứng cử, và khả năng những ai quá 65 tuổi thì nghỉ.

"Và người ta sẽ có đề cử để lập một danh sách những ai sẽ là ứng cử mới, có nghĩa là tới đây sẽ là lần đầu tiên thành ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời người ta cũng có danh sách những ai lần đầu tiên sẽ ứng cử vào Ban Bí thư.

"Như thế người ta đã có nói sơ bộ như thế, với những người hiện nay đang ở trong Bộ Chính trị mà dưới 65 tuổi, chưa đủ 65 tuổi, thì về mặt nguyên tắc, người ta phải đưa vào hết. Và những người mà nằm trong Ban Bí thư thì thường cũng có thể trở thành những ứng cử viên để vào Bộ Chính trị của khóa 13.

"Cụ thể hơn, nếu đọc kỹ sẽ thấy thôi và tôi nhắc lại là có lẽ phải chờ đến ngày bế mạc Hội nghị Trung ương 14 thì sẽ có thêm các thông tin chính thức hơn từ Đảng cộng sản giúp hình dung rõ hơn một bước nữa tình hình.

"Còn về sự việc liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, thì vụ xử ông Chung cựu chủ tịch Hà Nội là họ làm nhanh. Ông Chung thành phạm nhân rồi, thì họ thấy tiện để làm các vụ khác mà ông ấy dính líu mấy năm qua, như vụ Nhật Cường v.v.", nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Singapore) bình luận với BBC trên quan điểm riêng hôm thứ Năm.

Nguồn : BBC, 18/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quang Thành, BBC tiếng Việt
Read 723 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)