Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2020

Hội nghị Trung ương 14 lấn cấn giữa Nam Bắc Trung và Tam trụ hay Tứ trụ

Hoàng Trung - Người Buôn Gió

Việt Nam : ‘Cân bằng Bắc – Trung – Nam’ có còn quyết định việc chọn Tứ trụ ?

Hoàng Trung, Thoibao.de, 18/12/2020

Hội nghị Trung ương 14 của Đảng cộng sản đang họp tuần này, với một nghị trình lớn là thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

hoinghi1

Các lãnh đạo Việt Nam dự hội nghị ASEAN ở Hà Nội ngày 12/11. Ba lãnh đạo cao nhất của nhà nước Việt nam hiện nay vẫn gồm đủ ba miền Bắc Trung Nam : Ông Nguyễn Phú Trọng (quê Hà Nội) người miền Bắc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân (quê Bến Tre) người miền Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc (quê Quảng Qam) người miền Trung.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu vấn đề cân bằng vùng miền, đủ đại diện của miền Bắc – Trung – Nam, có đặt ra khi giới thiệu đề cử cho bốn chức danh cao nhất : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội.

Nhìn lại lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, dường như một nguyên tắc không thành văn là bốn chức danh cao nhất luôn gồm các nhân vật của ba miền để bảo đảm đoàn kết.

Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, Đảng cộng sản tổ chức Đại hội lần 4.

Đây là lần đầu tiên chức danh Tổng bí thư được dùng, thay cho chức vụ Bí thư thứ nhất vốn do Lê Duẩn (sinh ở Quảng Trị) giữ từ 1960 tới 1976.

Tại Đại hội 4, ông Lê Duẩn tiếp tục giữ chức Tổng bí thư.

Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) làm Thủ tướng, Trường Chinh (Nam Định) là Chủ tịch quốc hội.

Tôn Đức Thắng (Long Xuyên, nay thuộc tỉnh An Giang), tuy không nhiều quyền hành vì không có trong Bộ Chính trị, giữ chức Chủ tịch nước từ 1976 tới 1980.

Giai đoạn 1981-87 chứng kiến Lê Duẩn tiếp tục là Tổng bí thư (đến khi qua đời tháng 7 năm 1986), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng.

Một người miền Nam, Nguyễn Hữu Thọ, làm Chủ tịch quốc hội đến 1981 đến 1987.

Từ Đại hội 6 năm 1986, người ta thấy Nguyễn Văn Linh (Hưng Yên) làm Tổng bí thư.

Phạm Hùng (Vĩnh Long) làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ 1987 đến khi qua đời năm 1988, thay bằng Đỗ Mười (Hà Nội).

Võ Chí Công (Quảng Nam) là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ 1987 tới 1992.

Lê Quang Đạo (Bắc Ninh) là Chủ tịch quốc hội từ 1987 tới 1992.

Từ Đại hội 7 năm 1991, sự chen lẫn ba miền tiếp tục với các nhân vật :

Tổng bí thư Đỗ Mười, làm việc cùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh (Thừa Thiên – Huế), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) và Chủ tịch quốc hội Nông Đức Mạnh (Bắc Kạn).

Năm 1997, Trần Đức Lương (Quảng Ngãi) kế nhiệm Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Từ Đại hội 9 năm 2001, Bộ Tứ vẫn cân bằng vùng miền, gồm : Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải (Củ Chi), và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An (Nam Định).

Nhưng Đại hội 10 năm 2006, không có đại diện miền Trung trong Bộ Tứ, mà lúc này gồm Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Cà Mau), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (Bình Dương).

Tại Đại hội 11 năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư, ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục làm Thủ tướng.

Chủ tịch nước lúc này là Trương Tấn Sang (Long An) và Chủ tịch quốc hội là Nguyễn Sinh Hùng (Nghệ An).

Như vậy, có thể thấy kể từ Đại hội 10 năm 2006, vấn đề cân bằng ba miền Bắc – Trung – Nam đã không còn là nguyên tắc bất di bất dịch mà có thể thay đổi tuỳ bối cảnh.

"Ngay bây giờ có thể khằng định chắc chắn ông Trần Quốc Vượng sẽ là tổng bí thư khóa 13". Là dự đoán của Blogger Bùi Thanh Hiếu qua bài bình luận có tựa đề "Ai sẽ là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 ?", với nội dung như sau :

"Đến tận ngày 20 tháng 11 năm 2020, trước hội nghị trung ương cuối cùng của khóa 12 chỉ hơn 20 ngày, bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam có phương án nhân sự chủ chốt để giới thiệu ra đại hội thứ 13 bầu chọn.

Nói là đưa ra để đại hội 13 bầu chọn, nhưng thực chất cuộc bầu chọn đã được Bộ chính trị khóa 12 chọn lựa và thống nhất xong.

Việc bầu chọn của các đại biểu tham dự đại hội 13 chỉ là thủ tục. Bởi thường những vị trí giới thiệu chủ chốt chỉ có một người ra ứng cử.

Thế nên để đoán được ai có tên trong danh sách tứ trụ đại hội 13 chỉ cần nhìn xem ai có thế lực ở trong Bộ chính trị, trung ương khóa 12 này, sẽ có thể biết kết quả khóa sau.

Bộ Chính trị khóa 12 hiện nay có những ai là có thực lực ?

Các ông Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng đã ra khỏi cuộc chơi. Tiếp đến các ông Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải cũng nhận án kỷ luật. Ông Nguyễn Thiện Nhân rời khỏi chức bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, đồng nghĩa ông đã hết quyền lực.

Bà Trương Thị Mai, Tòng Thị Phóng và Võ Văn Thưởng, Phạm Bình Minh thuộc nhóm có cũng như không.

Nhóm quyền lực thực sự trong Bộ chính trị có Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, Phạm Minh Chính, Tô Lâm. Không nhắc đến ông Ngô Xuân Lịch và Trần Quốc Vượng, bởi hai ông này với ông Trọng là một, ý ông Trọng ra sao thì hai ông này theo vậy. Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ hơn người là bà đang ngồi một trong 4 ghế tứ trụ, xét về mặt vây cánh bà không có bằng những ông khác, để ý kiến có trọng lượng. Việc bà ngồi ghế tứ trụ hiện nay do Nguyễn Phú Trọng muốn có nữ giới để cho khác với những nhiệm kỳ trước kia, có cái gọi là đổi mới.

Trong nhóm 5 người quyền lực nhất có đến 4 người ở trong Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng là các ông Trọng, Bình, Chính, Tô Lâm.

Cũng trong nhóm 5 người quyền lực nhất này có 3 ông gốc công an là Trương Hòa Bình, Phạm Minh Chính và Tô Lâm. Hai ông Phúc và Trọng không xuất thân từ công an, nhưng có chân trong đảng ủy công an trung ương.

Có thế thấy ngay công an chiếm ưu thế về  quyền lực trong đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Chưa kể hai ông công an chắc suất vào Bộ chính trị khóa tới là ông Nguyễn Văn Nên và ông Phan Đình Trạc và có thể là cả ông Nguyễn Hòa Bình nữa.

Tính đi tính lại thì ông Trọng vẫn là người quyền lực nhất, ông kiêm nhiều chức vụ nắm quyền lực. Ông tất nhiên sẽ chọn lựa người làm tổng bí thư không phải là người xuất thân từ công an, bởi nếu vậy các ông công an còn lại sẽ không phục, họ sẽ ấm ức tại sao không phải là họ mà lại là ông kia.

Suy ra chỉ còn có ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng đủ ứng cử vào vị trí Tổng bí thư, trong đó ông Vượng là chỗ thân tín của ông Trọng. Ông Trọng sẽ đưa ra phương án ông Vượng là Tổng bí thư, còn nếu Bộ chính trị không đồng ý, thì ông Trọng giới thiệu ông Ngô Xuân Lịch. Nên nhớ quyền giới thiệu thuộc về tổng bí thư khóa trước là chủ yếu, Các giới thiệu của người khác chỉ có hiệu quả khi phần lớn các ủy viên Bộ chính trị khác đồng tình.

Nếu ông Trọng giới thiệu như vậy, các ông công an quyền lực trong Bộ chính trị kia sẽ chọn ông Vượng hơn là một ông Lịch ở bên quân đội.

Ông Vượng qua mấy lần lấy phiếu, uy tín đều thấp. Ông Trọng đã cho diệt luôn những người uy tín cao khác để răn đe, đồng thời ông bảo đừng thấy đỏ tưởng là chín, chọn người phải chọn lúc họ làm rồi mới biết họ làm hay mới là chọn. Như vậy đã thấy quyết tâm ông Trọng đưa ông Vượng lên bằng được, và nếu đã thế thì chẳng còn gì nữa, nếu không có đột biến như đảo chính thì chắc chắn ông Vượng sẽ giữ chức tổng bí thư.

Ngay bây giờ có thể khằng định chắc chắn ông Trần Quốc Vượng sẽ là tổng bí thư khóa 13" - Blogger Bùi Thanh Hiếu nêu dự đoán.

Trên Facebook cá nhân có hơn nửa triệu người theo dõi, nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa ra nhận định như sau :

"Bộ Chính trị khóa 12 có 19 ghế, trong 5 năm qua thì : Đinh Thế Huynh được cho là đang bị thần kinh, thật giả không biết ; Trần Đại Quang qua đời ; Đinh La Thăng đang thụ án tù 30 năm sắp ra tòa tiếp ; Hoàng Trung Hải kỷ luật cảnh cáo ; Nguyễn Văn Bình kỷ luật cảnh cáo. Coi như bị vô hiệu hóa cửa tái cử, Bình và Hải sẽ không được giới thiệu và nghỉ hưu sau đại hội XIII".

Như vậy 6 người trong Bộ Chính trịhiện nay đủ tuổi ở lại có Phạm Minh Chính (1958), Vương Đình Huệ (1957), Tô Lâm (1957), Trương Thị Mai (1958), Phạm Bình Minh (1959), Võ Văn Thưởng (1970). Ngoài ra, ông Trương Hòa Bình sinh 13/4/1955 tính tới thời điểm đại hội thì còn dư… 3 tháng tuổi, cũng có thể được thảo luận và bỏ phiếu.

Các ông trong Ban bí thư khả năng rất cao sẽ được giới thiệu vào Bộ Chính trịkhóa tới : Nguyễn Văn Nên, Lương Cường, Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng, Trần Thanh Mẫn, Trần Cẩm Tú. Như vậy, dư 4-5 suất cho người mới và một trường hợp đặc biệt quá tuổi ở lại.

Đại hội Đảng XIII dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 1/2021 là điều gần như không thể hoãn, bất kể đại dịch.

Trường hợp đặc biệt quá tuổi muốn ở lại nắm quyền như ông Trọng đợt Đại hội 12 thì chỉ có một và sẽ được giới thiệu/xem xét tại Hội nghị TW15 diễn ra ngay sát trước Đại hội 13. Các nhà quan sát chính trị gọi đó là cuộc đua… tam mã ; gồm có Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng và bà Kim Ngân.

Trong đó, Trần Quốc Vượng (1953) được ông Trọng ủng hộ thay thế mình ; Nguyễn Xuân Phúc (1954) ứng viên sáng giá với uy tín tăng cao khi xử lý tốt đại dịch ; Nguyễn Thị Kim Ngân (1954) đại diện cho cánh miền Nam còn rất ít trong Bộ Chính trị.

Bà Ngân được xem là không ngã về phe nào nên cũng là một ứng cử viên lý tưởng để cân bằng lợi ích ; tiền lệ đã có ông Trọng làm Chủ tịch quốc hội trước khi qua ngồi ghế Tổng bí thư hồi 2011.

Bà Ngân là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ chính trị cao trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, mặc dù tại Lào thì Chủ tịch quốc hội đã có từ 2010.

Cơ hội đặc biệt hiện đang chia đều cho 3 người !

Ngày 14/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rút/nghỉ. Kể cả không nghỉ vì sức khỏe thì ông Trọng cũng khó tiếp tục; bản thân đã 02 lần là trường hợp đặc biệt nên muốn ở lại phải sửa qui định. Đặc biệt việc kiêm nhiệm ghế của Trần Đại Quang ông cũng không hoàn thành chức trách, kể từ khi bị đột quị.

Ngày 15/12, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cựu Bí thư tỉnh Bà rịa vũng tàu, đang là Phó Trưởng Ban Dân vận TW sẽ là người miền Nam hiếm hoi lọt vô Bộ Chính trịcùng Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Văn Nên, Võ Văn Thưởng". Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa ra nhận định.

Hoàng Trung (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 18/12/2020

*********************

Chưa quyết định được tứ trụ - Thành công của Trương Tấn Sang ?

Người Buôn Gió, 18/12/2020

Ngày làm việc thứ tư của hội nghị trung ương 14 khóa 12 của đảng cộng sản Việt Nam có mục quan trọng.

hoinghi2

Trần Quốc Vượng (1953) được ông Trọng ủng hộ thay thế mình ; Nguyễn Xuân Phúc (1954) ứng viên sáng giá với uy tín tăng cao khi xử lý tốt đại dịch ; Nguyễn Thị Kim Ngân (1954) đại diện cho cánh miền Nam còn rất ít trong Bộ Chính trị.

Ban Chấp hành trung ương Đảng đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành trung ương khóa XII tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Nhưng đến ngày 18, bế mạc hội nghị, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14 sáng 18/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh số ý kiến có tính chất khái quát những kết quả chủ yếu đạt được của Hội nghị và làm rõ thêm một số vấn đề.

Ban Chấp hành trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành trung ương khóa XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới.

Đã bỏ phiếu biểu quyết phương án giới thiệu rồi, nhưng vẫn phải xem xét, bổ sung đợi hội nghị 15 sẽ xem xét tiếp. Mặc dù ông Trọng nói : "Hội nghị của chúng ta đã thành công rất tốt đẹp ; hầu hết các nội dung công việc quan trọng chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng cơ bản đã được hoàn thành theo đúng mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch đề ra".

Tuy nhiên ai cũng hiểu rằng, mặc dù phần lớn cơ bản đã được thống nhất, nhưng một số cái quan trọng nhất lại không được thống nhất. Đó là cơ cấu trong bộ chính trị, chính vậy phải để lại đến hội nghị sau.

hoinghi3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 7/1/2019 - Ảnh : VGP

Dự kiến đại hội đảng tiến hành vào tháng 1 năm 2021, như vậy thời gian chỉ còn có 30 ngày nữa là đại hội đảng khai mạc, đến giờ vẫn chưa chốt xong nhân sự và phải đẻ ra thêm một trung ương nữa để bàn. Là tổng bí thư, kiêm trưởng tiểu ban nhân sự, rõ ràng ông Trọng đã không có uy tín, không làm tròn trách nhiệm sắp xếp nhân sự chủ chốt nhiệm kỳ sau, cho nên phải kéo dài thêm kỳ họp trung ương nữa.

Hãy thử nhìn vào 2 phương án sau :

Phương án 1 : Tổng bí thư Ngô Xuân Lịch, Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch quốc hội Trương Thị Mai

Phương án 2 : Tổng bí thư Trần Quốc Vượng, Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Trương Thị Mai.

Ở ví trí tổng bí thư thì ông Lịch hay ông Vượng đều như nhau, cả hai đều có những đức tính tương đồng về chuyên môn đảng, ông Lịch là chủ nhiệm chính trị, ông Vượng là thường trực ban bí thư. Cả hai ông đều không dính dáng đến tai tiếng về tham nhũng. 

Ở vị trí Chủ tịch quốc hội, theo cơ cấu có nữ trong tứ trụ, người miền Nam, bà Trương Thị Mai chiếm vị trí số 1, bà Mai cũng không tai tiếng gì, dể nghe, dễ bảo, thích hợp với việc ngồi đó làm vì.

Như vậy việc gay gắt nhất là ở vị trí chủ tịch nước giữa ông Phúc và ông Tô Lâm. Nhưng ông Phúc đã quá tuổi, ông Tô Lâm có tiền lệ khóa trước bộ trưởng Trần Đại Quang làm chủ tịch nước. Cho nên cơ của ông Tô Lâm sẽ lớn hơn.

Ở vị trí thủ tướng, hiện giờ theo tiền lệ thì đúng ông Trương Hòa Bình đương là phó thủ tướng thường trực. Các phó thủ tướng khác am hiểu về kinh tế, có chân trong ủy viên Bộ Chính trị như Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình đã bị ông Trương Hòa Bình loại bỏ.

Đến đây mới thấy tài năng sắp đặt người của Trương Tấn Sang thực sự đẳng cấp.

Ở khóa 12, Trương Tấn Sang đã lùi một bước, chủ động xin về không tranh ở lại với ông Trọng, để các đối thủ khác như Nguyễn Tấn Dũng cũng buộc phải làm đơn xin rút theo, tạo cho ông Trọng dùng quy chế 244 thành công.

Đổi lại Tư Sang chỉ cần để mỗi Trương Hòa Bình làm phó thủ tướng, được vào Bộ Chính trị. Đồng thời cài cấy rất nhiều đồng hương Hà Tĩnh vào trung ương.

Phía Nguyễn Tấn Dũng cũng bằng lòng khi thấy những cấp dưới trực tiếp của mình như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thiện Nhân được vào Bộ chính trị. Chưa kể Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh là chỗ cũng nể nang nhau.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là cấp dưới trực tiếp của Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc phản ông Dũng để giành cái ghế thủ tướng khóa 12, nhưng ông Phúc chỉ phản lúc đầu, đến khi chắc ghế thủ tướng, ông ít nhiều cũng nghĩ tình xưa, không làm gì hại đến sếp cũ của mình.

Tuy nhiên Nguyễn Tấn Dũng không ngờ được những diệu kế mà Trương Tấn Sang đã bày ra, Sang kích động cho Trọng mở cuộc đốt lò, đánh vào lòng tham danh vọng là người đốt lò vĩ đại của Nguyễn Phú Trọng, khoét sâu đố kỵ của Trọng rằng thực lực của Dũng quá lớn mạnh trong Bộ Chính trị. Bày cho Trọng lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tuyển những kẻ có tham vọng đi lên cao như Phạm Minh Chính, Tô Lâm, Phan Đình Trạc, Trương Hòa Bình... vào trong ban này.

Sau đó tiến hành cuộc thanh trừng những đàn em của Nguyễn Tấn Dũng trong Bộ Chính trị.

Một đằng Tư Sang đích thân cầm đơn đi khiếu nại, một đằng cho tay chân báo chí cổ động truyền thông, mặt khác tâng bốc Trọng, mặt còn lại để Trương Hòa Bình xuống tay giải quyết.

Trải qua nhiều nỗ lực, cuối cùng thì kết quả đã thấy rõ. Các đàn em của Ba Dũng trong Bộ Chính trị bị loại hết. 

Và thật kỳ diệu, chức vụ thủ tướng lại còn mỗi Trương Hòa Bình là có cơ hội. Về độ tuổi quy định là 65 sẽ được giới thiệu tái cử. Trương Hòa Bình sinh tháng 4 năm 1955. Nếu đến tháng 1 năm 2021 thì vẫn chưa sang tuổi 66, tức là 65 tuổi 9 tháng, vẫn được gọi là 65 tuổi. Lại đương chức phó thủ tướng thường trực. Các phó khác đã bị loại rồi, chả lẽ vừa đẩy Huệ đi lại lôi Huệ về ? Trong khi đó dưới trung ương, ủy viên Hà Tĩnh chiếm rất đông, họ là lực lượng hậu thuẫn ủng hộ Trương Hòa Bình trong hội nghị trung ương.

Vì vị trí tổng bí thư và chủ tịch quốc hội là những người khá hiền lành như bà Mai, ông Lịch, ông Vương, vị trí chủ tịch nước không nhiều thực lực có rơi vào tay Tô Lâm hay Xuân Phúc chăng nữa, thì chỉ cần nắm vị trí thủ tướng đầy quyền lực và màu mỡ thôi.

Trương Tấn Sang thực sự là Thái Thượng Hoàng mà Trương Hòa Bình là con rối để Sang điều khiển, bởi lực lượng Hà Tĩnh quê gốc của Sang chịu ân huệ và ảnh hưởng của Tư Sang rất nhiều.

Người ta có thể thấy được ngay nét hân hoan của những đại gia, nhóm lợi ích sân sau của Trương Tấn Sang khi mà đại hội 13 chưa diễn ra.

Thời đại của Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào dĩ vãng, nói thực thì những gì ông Trọng có được ngày hôm nay từ cái ghế ông ngồi đến uy tín đốt lò đều từ Trương Tấn Sang làm nên cả. Ông Trọng được hưởng những thứ đấy đến giờ cũng đã đủ. 

Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar.

Cái gì mà Trương Tấn Sang đã dày công sắp đặt, hãy trả lại thành quả cho ông ta.

Trương Hòa Bình làm thủ tướng, ông ta chẳng có tình cảm hay liên hệ gì với Nguyễn Tấn Dũng. Ở người khác họ chỉ mưu mô khi tranh đoạt quyền, khi đoạt được rồi có khi họ chẳng màng tới việc xử những đối thủ trước kia. Nhưng với Tư Sang và Trương Hòa Bình có lẽ sẽ không chỉ tranh quyền lực thôi là đủ. Bởi mối thù của Tư Sang đối với Ba Dũng mới chính là động cơ để Tư Sang nỗ lực đưa đệ tử Trương Hòa Bình lên nắm quyền sinh sát ở nhiệm kỳ 13.

Thời đại của Nguyễn Phú Trọng đã sắp chấm dứt, người ta có thể thấy ngay trước mắt, một thời đại mới mang dấu ấn của Thái Thượng Hoàng Trương Tấn Sang.

Các nhà đầu tư, chờ gì nữa, hãy đến gặp Nguyễn Công Khế, Nguyễn Cao Trí, Đặng Thành Tâm... ngay từ bây giờ để thiết lập quan hệ.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 18/12/2020

*************************

Kết thúc sớm Hội nghị Trung ương 14 và sẽ còn hội nghị 15 trước Đại hội Đảng

RFA, 18/12/2020

Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thứ 14, Khóa 12 kết thúc sớm hơn kế hoạch đề ra và trước kỳ đại hội đại biểu toàn quốc sẽ còn có một kỳ hội nghị trung ương nữa. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 18 tháng 12.

hoinghi4

Hội nghị Trung ương 14 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 14/12/2020 - Báo Chính Phủ

Trong phát biểu bế mạc, ông Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tự tin cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng và sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Một nội dung chính của hội nghị được cho biết là các nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII tới được Ban Chấp hành trung ương nhất trí cao và sẽ đưa ra cho Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới.

Danh sách nhân sự này không được tiết lộ với công chúng mặc dù có nhiều đồn đoán về những nhân sự sắp tới.

Hôm 14/12, ông Trọng, trong bài phát biểu Khai mạc Hội nghị trung ương 14, đã cho rằng trong đợt góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng 13 có ý kiến chưa tán thành hoặc nhất trí cao. Ông cho rằng "Cá biệt có ý kiến đi ngược lại với quan điểm đường lối cơ bản của đảng đã được khẳng định trong cương lĩnh của đảng năm 2011 và Hiến pháp năm 2013. Cũng có những luận điệu xuyên tạc sai trái lợi dụng cái này để nói xấu chúng ta. Không phải là không có những cái sự việc ấy !"

Ông Trọng nói đối với những luận điệu bị cho là sai trái, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo báo chí công luận phản bác.

*************************

Một số ứng cử viên vào Bộ Chính trị khóa 13

Người Buôn Gió, 14/12/2020

Dựa theo suy luận cá nhân, thì những người có tên trong danh sách dưới đây đang là ứng cử viên vào Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam khóa 13.

Tốp 1 :

1. Trần Cẩm Tú, người Hà Tĩnh, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương

2. Phan Đình Trạc, người Nghệ An, trưởng ban nội chính trung ương.

3. Nguyễn Văn Nên, người Tây Ninh, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Hòa Bình, người Quảng Ngãi, chánh án tòa án tối cao.

5. Vũ Đức Đam, người Hải Dương, phó thủ tướng.

6. Lương Cường, người Phú Thọ, chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội, thứ trưởng bộ quốc phòng.

7. Trần Thanh Mẫn, người Hậu Giang, chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt 

Tốp 2 :

Đây sẽ là những cái tên mới lạ, tất nhiện trong số này nhiều người đưa ra chỉ để làm quân xanh, nhưng có khi sự tranh chấp gay gắt, quân xanh lại được chọn lựa.

1. Đinh Tiến Dũng, người Ninh Bình, bộ trưởng bộ tài chính.

2. Lê Minh Khái, người Bạc Liêu, tổng thanh tra chính phủ.

3. Lê Minh Hưng, người Hà Tĩnh, chánh văn phòng trung ương đảng.

4. Đào Ngọc Dung, người Hà Nam, bộ trưởng bộ Lao động, thương binh và xã hội.

5. Trần Tuấn Anh, người Quảng Ngãi, bộ trưởng bộ Công Thương.

6. Bùi Văn Cường, người Hải Dương, bí thư Đắk Lắk.

7. Võ Thị Anh Xuân, An Giang, bí thư An Giang.

8. Lê Thị Nga, người Hà Tĩnh, chủ nhiệm ủy ban tư pháp quốc hội.

9. Nguyễn Trọng Nghĩa, người Tiền Giang, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị.

10. Lê Thành Long, người Kiên Giang, bộ trưởng bộ tư pháp.

11. Bùi Thanh Sơn, người Hà Nội, thứ trưởng thường trực Bộ NGoại Giao.

12. Bùi Thị MInh Hoài, người Hà `Nam, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trung ương.

13. Nguyen Tân Cương, người Hà Nam, thứ trưởng bộ quốc phòng.

14. Lê Hồng Quang, người Kiên Giang, phó chánh án tòa án tối cao.

15. Nguyễn Xuân Thắng, người Nghệ An, giám đốc học viện Hồ Chí Minh.

Ai sẽ là tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 ?

Đến tận ngày 20 tháng 11 năm 2020, trước hội nghị trung ương cuối cùng của khóa 12 chỉ hơn 20 ngày, bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam có phương án nhân sự chủ chốt để giới thiệu ra đại hội thứ 13 bầu chọn.

Nói là đưa ra để đại hội 13 bầu chọn, nhưng thực chất cuộc bầu chọn đã được Bộ Chính trị khóa 12 chọn lựa và thống nhất xong. Việc bầu chọn của các đại biểu tham dự đại hội 13 chỉ là thủ tục. Bởi thường những vị trí giới thiệu chủ chốt chỉ có một người ra ứng cử.

Thế nên để đoán được ai có tên trong danh sách tứ trụ đại hội 13 chỉ cần nhìn xem ai có thế lực ở trong Bộ Chính trị, trung ương khóa 12 này, sẽ có thể biết kết quả khóa sau.

Bộ Chính trị khóa 12 hiện nay có những ai là có thực lực ?

Các ông Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng đã ra khỏi cuộc chơi. Tiếp đến các ông Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải cũng nhận án kỷ luật. Ông Nguyễn Thiện Nhân rời khỏi chức bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, đồng nghĩa ông đã hết quyền lực.

Bà Trương Thị Mai, Tòng Thị Phóng và Võ Văn Thưởng, Phạm Bình Minh thuộc nhóm có cũng như không.

Nhóm quyền lực thực sự trong Bộ Chính trị có Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, Phạm Minh Chính, Tô Lâm. Không nhắc đến ông Ngô Xuân Lịch và Trần Quốc Vượng, bởi hai ông này với ông Trọng là một, ý ông Trọng ra sao thì hai ông này theo vậy. Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ hơn người là bà đang ngồi một trong 4 ghế tứ trụ, xét về mặt vây cánh bà không có bằng những ông khác, để ý kiến có trong lượng. Việc bà ngồi ghế tứ trụ hiện nay do Nguyễn Phú Trọng muốn có nữ giới để cho khác với những nhiệm kỳ trước kia, có cái gọi là đổi mới.

Trong nhóm 5 người quyền lực nhất có đến 4 người ở trong Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng là các ông Trọng, Bình, Chính, Tô Lâm

Cũng trong nhóm 5 người quyền lực nhất này có 3 ông gốc công an là Trương Hòa Bình, Phạm Minh Chính và Tô Lâm. Hai ông Phúc và Trọng không xuất thân từ công an, nhưng có chân trong đảng ủy công an trung ương.

Có thế thấy ngay công an chiếm ưu thế về quyền lực trong đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Chưa kể hai ông công an chắc suất vào Bộ Chính trị khóa tới là ông Nguyễn Văn Nên và ông Phan Đình Trạc và có thể là cả ông Nguyễn Hòa Bình nữa.

Tính đi tính lại thì ông Trọng vẫn là người quyền lực nhất, ông kiêm nhiều chức vụ nắm quyền lực. Ông tất sẽ chọn lựa người làm tổng bí thư không phải là người xuất thân từ công an, bởi nếu vậy các ông công an còn lại sẽ không phục, họ sẽ ấm ức tại sao không phải là họ mà lại là ông kia.

Suy ra chỉ còn có ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Trần Quốc Vượng đủ ứng cử vào ví trí Tổng bí thư, trong đó ông Vượng là chỗ thân tín của ông Trọng. Ông Trọng sẽ đưa ra phương án ông Vượng là Tổng bí thư, còn nếu Bộ Chính trị không đồng ý, thì ông Trọng giới thiệu ông Ngô Xuân Lịch. Nên nhớ quyền giới thiệu thuộc về tổng bí thư khóa trước là chủ yếu, Các giới thiệu của người khác chỉ có hiệu quả khi phần lớn các ủy viên Bộ Chính trị khác đồng tình.

Nếu ông Trọng giới thiệu như vậy, các ông công an quyền lực trong Bộ Chính trị kia sẽ chọn ông Vượng hơn là một ông Lịch ở bên quân đội.

Ông Vượng qua mấy lần lấy phiếu, uy tín đều thấp. Ông Trọng đã cho diệt luôn những người uy tín cao khác để răn đe, đồng thời ông bảo đừng thấy đỏ tưởng là chín, chọn người phải chọn lúc họ làm rồi mới biết họ làm hay mới là chọn. Như vậy đã thấy quyết tâm ông Trọng đưa ông Vượng lên bằng được, và nếu đã thế thì chẳng còn gì nữa, nếu không có đột biến như đảo chính thì chắc chắn ông Vượng sẽ giữ chức tổng bí thư.

Ngay bây giờ có thể khằng định chắc chắn ông Trần Quốc Vượng sẽ là tổng bí thư khóa 13.

Nguồn : nguoibuongio1972, 14/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Trung, Người Buôn Gió
Read 747 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)