Khi nào sẽ là "lợi dụng quyền tự do dân chủ" ?
Triệu Tử Long, VNTB, 18/12/2020
"Xâm phạm" tới mức độ nào thì sẽ bị hình sự hóa ?
Khi tự do bị xâm phạm bằng điều luật hình sự
Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau :
"1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm".
Trước tiên xét về khách thể, thì tội phạm cáo buộc theo Điều 331 xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định.
Về mặt khách quan, người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Đa số mọi công dân đều sử dụng các quyền này để bảo vệ lợi ích của mình, nhưng không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác.
Tuy nhiên, cũng có những người vì động cơ cá nhân hay những động cơ khác đã "lợi dụng" các quyền đó để xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác. Có thể người phạm tội viết báo để đả kích cơ quan Nhà nước, tung tin không có thật gây hoang mang trong nhân dân, khiếu nại, tố cáo… gây mất uy tín cho cán bộ công chức…
Thế nhưng điều luật hình sự số 331 không quy định "xâm phạm" là như thế nào, và ở mức độ nào thì mới cấu thành tội phạm.
Việc đánh giá trong những trường hợp cụ thể sẽ là cần thiết – Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi trên và xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải có hướng dẫn cụ thể thế nào là "lợi dụng quyền tự do dân chủ" trong quá trình triển khai áp dụng, từ đó tránh ngăn chặn sự tùy tiện từ phía các cơ quan chức năng, xâm hại đến quyền tự do dân chủ của cá nhân.
Lằn ranh phản biện dân sự với chống đối hình sự
Nói theo cách dùng từ quen thuộc của cơ quan Tuyên giáo, bởi cấu thành của tội này rất định tính, các quyền tự do dân chủ của cá nhân có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước chủ trương tăng cường dân chủ và phản biện xã hội trong hoạt động quản lý nhà nước.
Lưu ý, tội phạm theo cáo buộc Điều 331, cần phân biệt với tội vu khống (Điều 156). Ở tội vu khống, người phạm tội nhận thức được tin mà mình loan truyền là bịa đặt, không có thật và nhằm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của đối tượng cụ thể.
Trong tội phạm theo Điều 331, người phạm tội không biết tin mình loan truyền là sai sự thật (có thể sai sự thật nhưng người phạm tội không biết), những thông tin không được công khai, thuộc bí mật Nhà nước…, tuy nhiên người phạm tội đã loan truyền ra ngoài.
Điều 331 đang tiếp tục đặt những ai có trách nhiệm phản biện chính sách vào vòng nguy hiểm, bởi lằn ranh thiếu rõ ràng giữa quyền dân sự với lỗi hình sự.
Trong yêu cầu của phản biện, thì lối tư duy phản bác, phê phán là xu hướng phán xét nặng nề và tìm lỗi ở các kiến thức, thông tin, luận điểm được tiếp xúc.
Tư duy phản biện là một quá trình tích cực chủ động mà người suy nghĩ hiệu quả về suy nghĩ của chính mình, liên tục đánh giá suy nghĩ và tự sửa chữa. Tư duy phê phán là một quá trình thụ động mà trong đó người suy nghĩ hành động theo mong muốn, suy nghĩ định kiến hoặc cảm xúc mà không có bất kỳ tiêu chí đánh giá nào.
Vì không có tiêu chí đánh giá hay một thước đo khách quan thực sự trong những kiểu suy nghĩ này, lời phê bình rất dễ đưa ra và thường khó được chấp nhận.
Trong khi tư duy phê phán là về sự phán xét, chủ yếu xoay quanh việc tìm ra lỗi, và ở mức độ cá nhân chủ quan, thì tư duy phản biện lại chú trọng hơn vào việc đặt ra câu hỏi và phân tích, và tuy cũng bao gồm việc tìm ra lỗi nhưng đối tượng chính của tư duy phản biện là sự lập luận, ở dạng khái niệm, lý thuyết hay luận điểm.
Cả hai lối tư duy phản biện này đều có thể bị cáo buộc theo Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015, bởi điều luật này không minh thị "xâm phạm" là như thế nào, và ở mức độ nào thì mới cấu thành tội phạm ?
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 18/12/2020
*****************
Phản biện ôn hòa vẫn có thể bị bắt bỏ tù
Hà Nguyên, VNTB, 18/12/2020
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh là một ví dụ cho chuyện phản biện ôn hòa, đấu tranh với cái xấu, với tệ nạn trong bộ máy công quyền…, có thể lúc nào đó sẽ bị ‘ra roi’ bỏ tù.
Ra roi vì sắp Đại hội Đảng lần thứ XIII ?
"Ngày 17/12/2020, được sự đồng ý của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Cần Thơ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Châu Hữu Danh, sinh ngày 01 tháng 01 năm 1982, đăng ký thường trú : Số 85, đường Khương Minh Ngọc, ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, thành phố Tân An, tỉnh Long An để điều tra về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015.
Tiến hành khám xét nơi ở của bị can, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Hiện vụ án đang tiến hành điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật".
Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Cần Thơ có bản tin với nội dung như trên (*).
Trong trường hợp của ông Trương Châu Hữu Danh, một nhà báo ‘có thẻ’, thì cáo buộc ở đây có lẽ là "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".
Lợi ích nào của Nhà nước đã bị ông Trương Châu Hữu Danh xâm phạm, bản tin trên Cổng thông tin điện tử của Công an thành phố Cần Thơ, không thấy nêu.
Ý kiến lo lắng : phải chăng việc lên tiếng phản biện các chính sách của Nhà nước, những tiêu cực trong bộ máy công quyền…, đến một lúc nào đó, thì các đương sự nhẹ nhàng nhất, là bị hình sự theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015 ; nặng nề hơn sẽ là ‘án chính trị’, theo Điều 117, "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ?
Nhà nước pháp quyền trong mối quan hệ với quyền làm chủ của Nhân dân ?
Có thể đi tìm ‘hướng’ lý giải cho ngờ vực ‘ra roi vì Đại hội Đảng" từ mệnh đề "Nhà nước pháp quyền và quyền làm chủ của Nhân dân ở Việt Nam hiện nay".
Trong tham luận của Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Công Giao và Thạc sĩ Nguyễn Minh Tâm cùng ở Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, thì (trích) :
Từ khi thành lập (1930) đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam luôn tìm kiếm và thử nghiệm xây dựng mô hình nhà nước và pháp luật phù hợp với mục tiêu chính trị của Đảng là xây dựng chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cho đến trước Đại hội Đảng VI (1986), mục tiêu của Đảng về cơ bản là xây dựng "nhà nước chuyên chính vô sản" theo học thuyết Mác-Lênin, và xem đó là mô hình nhà nước của thời kỳ quá độ.
Tuy nhiên, kể từ sau Đại hội Đảng VI, nhận thức về chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước đã có sự đổi mới : "thể chế hóa bằng pháp luật, quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân lao động và quản lý kinh tế, xã hội theo pháp luật… bảo đảm quyền dân chủ thật sự của nhân dân…". Ở đây, yếu tố chuyên chính (tức quản lý nhà nước và xã hội chủ yếu bằng đường lối, nghị quyết của Đảng) đã được làm nhẹ đi và nhường chỗ cho yếu tố pháp quyền (quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật). Ngoài ra, kể từ sau Đại hội Đảng VI các quyền dân chủ cũng được đề cao hơn, đã được thể chế hóa trong Hiến pháp.
Các chuyển động theo hướng tiếp thu các yếu tố pháp quyền và dân chủ, cụ thể như : xây dựng Nhà nước pháp quyền, phân công và phối hợp trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm và phát huy các quyền dân chủ của nhân dân… tiếp tục được nêu ra và thúc đẩy trong Đại hội Đảng VII (1991), VIII (1996), IX (2002), và X (2006).
Đến Đại hội Đảng XI (2011) và XII (2016), các vấn đề như : kiểm soát trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, Nhà nước được tổ chức và hoạt động tuân thủ nguyên tắc pháp quyền, hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật,… tiếp tục được bổ sung và nhấn mạnh hơn, củng cố thêm lý luận của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Qua các văn kiện Đảng nêu trên, những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đã được định hình khá rõ, bao gồm :
1) Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
2) Nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp.
3) Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội.
4) Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân.
5) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ; có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân thông qua các tổ chức xã hội.
6) Nhà nước và xã hội do một đảng duy nhất lãnh đạo là Đảng cộng sản Việt Nam.
Những phân tích nêu trên cho thấy khuynh hướng ở Việt Nam tiếp thu và áp dụng trở lại các yếu tố hợp lý của học thuyết pháp quyền mà đang được áp dụng phổ biến trên thế giới.
Pháp quyền còn thiếu rõ ràng sẽ đẩy phản biện ôn hòa vào tù tội ?
Tuy nhiên, trong giới học thuật ở Việt Nam, nhận thức về pháp quyền vẫn còn thiếu rõ ràng, chưa thống nhất và có những điểm chưa hợp lý, trong đó đáng tranh luận nhất là xu hướng đồng nhất pháp quyền (Rule of Law) với Nhà nước pháp quyền (the state governed by the rule of law).
Sự đồng nhất này đã dẫn tới tình trạng đồng nhất các yếu tố cấu thành của pháp quyền với các yếu tố cấu thành của Nhà nước pháp quyền, hay thậm chí còn có sự đồng nhất pháp quyền với "pháp trị" (Rule by Law).
Trong hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam, hầu hết các quyền dân chủ của nhân dân đều đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 – đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Tuy nhiên, do Hiến pháp không có hiệu lực trực tiếp nên các quyền dân chủ quan trọng như : tự do hiệp hội, hội họp, biểu tình,… cần được cụ thể hóa bằng văn bản luật mới có thể thực thi được.
Trong khi đó, một số quyền tự do dân chủ quan trọng, cho đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa bằng văn bản luật như quyền biểu tình, lập hội. Điều này đã gây ảnh hưởng tới việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 18/12/2020
Chú thích :
(*)http://cantho.gov.vn/wps/portal/congantp
**********************
Phản biện xã hội : không chột thì cũng què
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 18/12/2020
Phản biện xã hội đã được Đảng và Nhà nước" chọn xử lý bằng cáo buộc của các điều luật hình sự như không 117 thì cũng là 331…
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, trước đây tội này được quy định tại Điều 258, nhưng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, thì tội này được quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Phản biện là đối thoại
"Đối với "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" thuộc Điều 258 Bộ luật Hình sự cũ, nay là Điều 331 Bộ luật hình sự tu chính, thay đổi quy định tại Khoản 2 từ "Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm", thành "Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm". Sự thay đổi khái niệm này vẫn tiếp tục giữ quan điểm điển chế (quy định) Điều 258 theo hướng định tính mơ hồ, bởi lẽ, thế nào là "gây ảnh hưởng xấu ?" – luật sư Đặng Đình Mạnh, nhận xét.
Giới xã hội dân sự cho rằng các điều luật hình sự dường như muốn hướng đến việc giới hạn việc phản biện được Hiến định, ghi tại Điều 28.1 "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước".
Xét về mặt thuật ngữ, "phản biện" là dùng lý lẽ để chống lại một cái gì đó. Ở đây có hai điểm : chống và lý lẽ. Như vậy, sự chống đối ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi tư tưởng và học thuật. Nó không có tính bạo động và cũng không nhắm đến bạo động – "Giáo sư phản biện" và "Hội đồng phản biện" là một ví dụ.
Phản biện chống đối một luận điểm bằng cách đề xuất một cách nhìn, hay một góc nhìn khác để, thứ nhất, người bị phản biện phải cố gắng chứng minh quan điểm của mình là đúng đắn nhất, và thứ hai, để mọi người có thể lựa chọn. Như vậy, phản biện được xây dựng trên tinh thần đối thoại, và do đó, có tính tích cực và xây dựng.
Về mặt khoa học, tư duy phản biện thông thường sẽ bao gồm các yếu tố và kỹ thuật của tư duy sáng tạo nhưng hai lối tư duy này khác nhau ở những điểm mấu chốt sau : tư duy sáng tạo cố gắng tạo ra những thứ mới còn tư duy phản biện thì tập trung vào những thứ định sẵn.
Chính vì vậy nên tư duy sáng tạo thường được thực hiện bằng cách bác bỏ đi những quy luật định sẵn còn tư duy phản biện lại được thực hiện bằng cách áp dụng, phân tích và đánh giá những quy luật định sẵn.
Phản biện là tư duy sáng tạo cần được cổ vũ
Nếu tư duy sáng tạo được ví như hành động ‘think outside the box’, thì tư duy phản biện chính là việc think "about" the box. Hay nói cách khác, duy phản biện là việc nhận thức được cả những giới hạn và khả năng của việc suy nghĩ.
Từ lập luận nói trên, thì phản biện xã hội – mà lâu nay được thể hiện dưới hình thức nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội đóng góp, phê bình, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về các vấn đề quốc kế dân sinh – là một trong những biện pháp để mở rộng dân chủ và tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội.
Hệ thống báo chí Việt Nam luôn nói rằng Đảng và Nhà nước từ trước đến nay đã luôn luôn coi trọng ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chính sách của mình. Trong giai đoạn hiện nay, như là một yêu cầu lôi cuốn nhân dân tham gia mạnh mẽ hơn vào công việc Nhà nước, vấn đề này càng được Đảng và Nhà nước chú trọng và quan tâm lớn.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc luôn nhấn mạnh : "Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân", "Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội", "Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội", "Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ"…
Tuy nhiên thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, "Đảng và Nhà nước" đã chọn xử lý kết quả phản biện xã hội bằng cáo buộc của các điều luật hình sự như không 117 thì cũng là 331…
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 18/12/2020
*************************
Động cơ gây án của công dân Trương Châu Hữu Danh là gì ?
Hoài Nguyễn, VNTB, 18/12/2020
Pháp luật hình sự luôn đặt thắc mắc về động cơ gây án, bởi nếu không có ‘động cơ’ thì khó thể áp đặt cáo buộc tội danh thích hợp.
Ngày 17/12/2020, được sự đồng ý của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Cần Thơ, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Cần Thơ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, Thành phố Tân An, tỉnh Long An) để điều tra về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", được quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015.
"Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm".
Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, "Trương Châu Hữu Danh là Facebooker khá nổi tiếng, trên trang cá nhân ông thường xuyên có những ý kiến ngược chiều với chủ trương của Nhà nước" (1).
Báo Tuổi Trẻ có nhìn nhận : "Ông Danh nổi tiếng là thành viên chủ chốt của nhóm "Bạn hữu đường xa" tích cực "chống BOT bẩn" và cũng là thành viên sáng lập nhóm "Báo sạch" khá nổi tiếng trên thế giới mạng. Gần đây lợi dụng sự nổi tiếng này, ông đã viết nhiều bài trên facebook của mình để chống phá Nhà nước" (2).
Báo Người Lao động nhận xét, "Trương Châu Hữu Danh là người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng (KOL), Facebook cá nhân có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội. Thời điểm chưa bị bắt, Trương Châu Hữu Danh thường bày tỏ những quan điểm cá nhân về thời sự, chính trị, kinh tế và xã hội lên mạng xã hội thu hút hàng ngàn lượt like và chia sẻ" (3).
"Ông Trương Châu Hữu Danh trước đây hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Vài năm gần đây, ông Hữu Danh nổi tiếng trên mạng xã hội" – báo Vietnam Net, viết ngắn gọn vậy trong đưa tin về vụ ông Trương Hữu Danh bị bắt (4).
Báo Long An nhận xét còn ngắn hơn : "Ông Trương Châu Hữu Danh từng công tác ở một số cơ quan báo chí" (5).
Một số báo chí chỉ đưa tin, không bình luận hay nói thêm gì về ông Trương Châu Hữu Danh.
"Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành" – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã phát biểu như vậy tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 17/12, liên quan câu hỏi về tự do báo chí ở Việt Nam.
Như vậy thì trong vụ cáo buộc tội danh theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015, cho thấy động cơ gây án của ông Trương Châu Hữu Danh là nhằm tới "xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Và trong nhóm các hành vi được liệt kê đó, theo báo Tuổi Trẻ, thì "ông đã viết nhiều bài trên facebook của mình để chống phá Nhà nước" – tức ông Trương Châu Hữu Danh "xâm phạm lợi ích Nhà nước" qua việc "lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí".
Vậy thì "Nhà nước là gì" ?
Trước tiên, khái niệm nhà nước trong khoa học pháp lý, thì nhà nước là một tổ chức của xã hội, để quản lý xã hội, duy trì trật tự xã hội, đòi hỏi nhà nước phải thiết lập quyền lực công cộng đặc biệt. Quyền lực công cộng ấy đã tách khỏi dân cư và do một bộ máy chuyên môn nắm giữ và thực hiện.
Nhà nước một mặt là tổ chức quyền lực công đặc biệt của toàn xã hội (quốc gia), thay mặt cho xã hội quản lý các mặt khác nhau của cuộc sống, bảo đảm sự ổn định, trật tự xã hội, quyền lợi của cả cộng đồng xã hội ; nhưng mặt khác, nó còn là tổ chức quyền lực của giai cấp thống trị, ở một mức độ nhất định, nó bảo vệ lợi ích và thực hiện mục đích của giai cấp cầm quyền.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa nhà nước như sau : Nhà nước là tổ chức quyền lực công cộng đặc biệt, có đủ bộ máy chuyên để cưỡng chế và thực hiện các chức năng quản lý xã hội, phục vụ lợi ích và thực hiện mục đích của giai cấp thống trị vừa của cả xã hội.
Lâu nay, tội danh ở Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015, trong hồ sơ tố tụng thường có cụm diễn giải như sau : Các bài viết, chia sẻ, đăng tải, phát tán hình ảnh và bình luận các nội dung mang tính tiêu cực, xuyên tạc, chống đối trên mạng xã hội facebook đã làm ảnh hưởng đến vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những việc này làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của địa phương…
Phần tuyên án thường có kiểu mẫu câu : Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước ; gây ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng cộng sản Việt Nam, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài ra còn gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Từ nhìn nhận thực tế kể trên, cho thấy có lẽ "quyền và lợi ích hợp pháp của Đảng cộng sản Việt Nam" mới là vấn đề chính trong lằn ranh giữa phản biện ôn hòa thuần ‘dân sự’, đã chuyển sang ‘hình sự hóa’ với các mức độ khác nhau, mà trong đó nhẹ nhất là Điều 331, thuộc nhóm "Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính", Chương XXII, Bộ luật Hình sự 2015.
Hoài Nguyễn
Nguồn : RFA, 18/12/2020
Chú thích :
(1)https://www.phunuonline.com.vn/truong-chau-huu-danh-bi-bat-a1423955.html
(2)https://tuoitre.vn/bat-facebooker-truong-chau-huu-danh-20201217160849219.htm
(3)https://nld.com.vn/phap-luat/truong-chau-huu-danh-bi-bat-20201217162143832.htm
(4)https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cong-an-tp-can-tho-bat-ong-truong-chau-huu-danh-698220.html
(5)https://baolongan.vn/bat-kham-xet-noi-o-cua-truong-chau-huu-danh-a107066.html
*************************
Công an Cần Thơ tạm giam Trương Châu Hữu Danh vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’
VOA, 17/12/2020
Công an thành phố Cần Thơ hôm 17/12 bắt tạm giam ông Trương Châu Hữu Danh, một facebooker được nhiều người biết tiếng, với cáo buộc ông này "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh làm việc với công an hôm 15/1/2019 (ảnh tư liệu)
Theo tin của Công An Nhân Dân, Tuổi Trẻ và VNExpress, bên cạnh việc bắt tạm giam 3 tháng, công an cũng đã khám xét nơi ở của bị can Trương Châu Hữu Danh ở Long An và thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Tin cho hay nơi cư trú của ông Danh là một căn nhà được vợ chồng ông thuê trong vài năm nay.
Theo tìm hiểu của VOA, ông Danh từng làm việc cho các cơ quan báo chí gồm báo Long An, Lao Động, Nông Thôn Ngày Nay, Làng Mới trong các giai đoạn khác nhau.
Trong vài năm gần đây, ông Danh nổi tiếng trên Facebook với nhiều bài viết và các cuộc tường thuật trực tiếp để phản đối nhiều trạm thu phí BOT ở một số tỉnh, thành phố, cũng như để "chống tiêu cực", theo như cách gọi của chính ông Danh.
Tuy nhiên, từ phía nhà chức trách Việt Nam, họ coi một số việc trong số những hoạt động đó của ông là vi phạm pháp luật.
Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, giới những người ủng hộ chính quyền Việt Nam cáo buộc rằng ông Trương Châu Hữu Danh có mối quan hệ thân thiết với những người mà họ gọi là "bất mãn", như các ông, bà Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Lân Thắng, Huỳnh Bửu Long, v.v…
Phản ứng về tin Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị công an tạm giam với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do, dân chủ", từ Đài Loan, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Trường Sơn viết trên trang cá nhân : "Điều 331 của bộ luật hình sự năm 2015 vừa một lần nữa được sử dụng để bịt miệng những người nói lên suy nghĩ của mình. Lần này nạn nhân là nhà báo Trương Châu Hữu Danh".
"Với điều luật phản động, phản lý lẽ, và phản hiến pháp này thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân", ông Sơn bình luận.
Một nhà hoạt động khác hiện cũng đang cư trú ở Đài Loan, ông Trịnh Hữu Long, đưa ra ý kiến : "Điều luật này vốn dĩ lâu nay được dùng để bịt miệng những ai nói trái ý chính quyền. Ngôn ngữ và logic của điều luật tạo ra khả năng diễn giải vô biên cho chính quyền … Điều luật này phải bị bãi bỏ, hoặc ít nhất là phải bị đình chỉ thi hành trên thực tế".
Việt Nam đến nay bắt bớ, bỏ tù nhiều người bằng điều luật kể trên, trong đó có các ông, bà Nguyễn Thị Huệ, Đoàn Khánh Vinh Quang, Quách Duy, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, v.v…