Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/12/2020

Tại sao bắt nhà báo Trương Châu Hữu Danh vào thời điểm này ?

Nguyễn Duy - Mỹ Hằng

Lo vỡ đại hội – Tô Lâm cho bắt nhà báo Trương Châu Hữu Danh

Nguyễn Duy, Thoibao.de, 19/12/2020

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh rất nổi tiếng trong cộng đồng mạng, anh là một nhà báo tự do và là một người đấu tranh tích cực chống BOT bẩn. Bất ngờ ngày 17/12 đồng loạt các tờ báo nhà nước đưa tin Công an Thành phố Cần Thơ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trương Châu Hữu Danh 38 tuổi, ngụ đường Khương Minh Ngọc, ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, Thành phố Tân An, Long An.

nhabao1

Ông Trương Châu Hữu Danh áo đen đang "làm việc" với công an Cần Thơ

Chiều 17/12, ông thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, giám đốc Công an Thành phố Cần Thơ, xác nhận cùng ngày cơ quan an ninh điều tra Công an Thành phố Cần Thơ đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt đối với ông Trương Châu Hữu Danh. Trước khi báo chí cộng sản thông báo thì cộng đồng mạng đã biết tin này từ sáng ngày 17/12 rồi. Nói chung, cộng đồng mạng thông tin nhanh hơn báo đảng.

Theo phía chính quyền cộng sản cho biết thì ông Danh bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về tội : "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", được quy định tại Điều 331, Bộ luật hình sự 2015. Một điều luật khá mới mẻ đối với cộng đồng mạng. Trên thế giới không có quốc gia tự do nào có cái cái tội rất quái đản, đó là "lợi dụng quyền tự do ngôn luận cả". Nếu chính quyền cho dân dùng cái quyền đó thì dân dùng chứ tại sao khi người dùng quyền đó để bày tỏ chính kiến lại chụp mũ người ta "lợi dụng"? Rất vô lí.

Ông Trương Châu Hữu Danh sinh năm 1982, tại ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, Thành phố Tân An, Long An.  Ông Danh từng là phóng viên của một số tờ báo nhà nước trước khi làm nhà báo tự do.

Cùng ngày, ông Danh đã được di lý về nhà riêng tại phường 6, Thành phố Tân An, tỉnh Long An để thực hiện các thủ tục khám xét.

Nguyên nhân sao ông Trương Châu Hữu Danh bị bắt ?

Ông Trương Châu Hữu Danh rất nổi tiếng trong vấn đề chống tiêu cực, từ đánh BOT bẩn đến đưa sự thật hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải ra trước công luận, tham gia tích cực vào phong trào chống tiêu cực khác như vụ án Thủ Thiêm v.v… Chính vì vậy mà khi ông Danh bị bắt, người ta không biết vì loạt bài báo nào đã dẫn tới hành động bắt bớ của nhà cầm quyền, bởi đơn giản ông có quá nhiều bài viết về tiêu cực. Trên cộng đồng mạng đang tranh luận xôn xao lý do vì sao ông Danh bị bắt.

nhabao2

Công an đang khám xét nhà ông Trương Chau Hữu Danh tại thành phố Tân An, tỉnh Long An

Ông Trương Châu Hữu Danh nổi tiếng ở Việt Nam trong vai trò chủ tài khoản Facebook thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, chính trị, xã hội ở Việt Nam chính vì nói lên sự thật này mà chính quyền cộng sản mới gán cho ông là có tư tưởng chống phá Đảng và Nhà Nước. Thực chất là ông Danh chống tiêu cực nhưng họ ghép vào tội chống phá nhã nước thì khác nào chính quyền cộng sản đã gián tiếp thừa nhận chính họ là tiêu cực ?

Ngoài là chủ Facebook Trương Châu Hữu Danh, ông còn là thành viên "top" của nhóm "Bạn hữu đường xa" tích cực chống BOT bẩn – hoạt động thu phí không minh bạch ở các trạm BOT. Ông Danh cũng là thành viên sáng lập nhóm "Báo sạch" nổi tiếng trên mạng xã hội.

Gần đây, cơ quan chức năng xác định, ông Danh lợi dụng sự nổi tiếng của bản thân với 167.917 người theo dõi, Facebooker này thường đăng nhiều bài viết chống phá chính quyền, Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Gần đây nhất, trang Facebook của ông Danh thường xuyên cập nhật về việc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, bắt cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op Diệp Dũng và vụ bắt ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu bị ghép tội vào điều 331 Bộ luật hình sự thì ông Danh đối diện với mức án nào ?

Theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự năm 2015, ông Danh có thể đối mặt với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù tùy vào mức độ vi phạm.

Cụ thể, Điều 331 quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khẳng định, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong trường hợp nặng hơn, phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù. Vấn đề là từ 2 đến 7 năm là một khoảng co giãn rất rộng, liệu ông Danh sẽ nhận mức án 2 năm hay hơn hay thậm chí là 7 năm ?

nhabao3

Đây là bức ảnh ông Trương Châu Hữu Danh đăng trước khi bị công an bắt

Nếu xem nhiều vụ án để so sánh thì có thể thấy rằng, khi chính quyền xử quan chức thì họ tìm mọi cách để giảm nhẹ hình phạt, còn xử dân thì họ tìm mọi cách để tăng nặng hình phạt nhằm kiếm chút đỉnh tiền chạy án của bị cáo.

Lấy vụ án xử ông cựu đô đốc Hải Quân Nguyễn Văn Hiến và ông cựu chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì sẽ rõ, hai ông này được ưu ái mức án rất nhẹ sơ với tội danh. Ông Hiến thì dưới 5 năm, còn ông Chung thì nhận mức án 5 năm từ giam so với khung quy định mức án cho tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước là từ 10 đến 15 năm.

Quay lại chuyện Trương Châu Hữu Danh, ông bị bắt vì chính quyền muốn bịt miệng tiếng nói chống tiêu cực, vì vậy thông thường chính quyền co xu hướng tăng nặng hình phạt để cho dân sợ mà để yên cho quan chức chính quyền sai phạm.

Quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam chỉ là cái bẫy

Chính quyền cộng sản Việt Nam luôn ra rả rằng họ đảm bảo thực thi tự do báo chí, tự do ngôn luận và họ ghi trong điều 25 hiến pháp 2015, thế nhưng thực tế thì tù nhân ở Việt Nam đi tù vì tội "lợi dụng quyền tự do ngôn luận" thì rất nhiều.

nhabao4

Bà Lê Thị Thu Hằng vẫn thường xuyên chối bỏ việc bức hại người sử dụng quyền tự do ngôn luận

Trong cuộc họp báo chiều 17/12, trước câu hỏi của phóng viên quốc tế đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin từ tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo quốc tế (CPJ) cho rằng, chính sách quản chế tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam ngày càng khắt khe, nghiêm khắc khi có nhiều nhà báo bị bỏ tù, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam đảm bảo thực thi tự do báo chí, tự do ngôn luận. Thì bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định rằng: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, mang định kiến xấu của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) đưa ra về tình hình Việt Nam".

Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại sự thật này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan, được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong những năm gần đây.

Minh chứng cho phát biểu của mình, đại diện Bộ Ngoại giao đã nêu ra một số dữ liệu như tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình, mạng di động phủ sóng 99,7% dân số. Trong đó mạng 3G, 4G phục vụ 98% dân số. Hơn 64 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng mạng internet và hơn 62 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội.

"Tôi nghĩ đây là những con số khá ấn tượng. Ở Việt Nam cũng như ở bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành của Việt Nam".

Đấy là những gì mà phía Việt Nam đã chối trước sự chất vấn của báo chí quốc tế. Nói theo cách mà người dân Việt Nam hay dùng là "chẳng ai chịu cha thằng ăn cướp" cả. Vâng! Lâu nay, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn không bao giờ chịu thừa nhận những điều xấu xa mà họ đã làm. Ngày nay, tù nhân lương tâm ngồi trong nhà tù cộng sản không phải là ít, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang v.v… và rất nhiều người khác đang ngồi từ vì cái bẫy "quyền tự do ngôn luận" mà chính quyền cộng sản giăng ra.

Vì sao Tô Lâm đã bủa vây ông Trương Châu Hữu Danh ?

Ông Trương Châu Hữu Danh là một người dân của tỉnh Long An, đúng ra chỉ có công an tỉnh này thụ lí vụ án. Ấy vậy mà ông Danh lại bị công anh thành phố Cần Thơ bắt, điều này cho thấy có lệnh của Tô Lâm thì công an các tỉnh mới phối hợp với nhau bắt người.

nhabao5

Tô Lâm bắt người bào vệ quan tham lộng hành

Ông Trương Châu Hữu Danh, một nhà báo và Facebooker năng nổ trong hoạt động chống các trạm BOT bị cho là ‘bẩn’ tại Việt Nam. Ông động chạm tới nhóm lợi ích rất lớn đang được Nguyễn Văn Thể bảo vệ. Những chủ trạm BOT bẩn là những sân sau các ủy viện Bộ Chính Trị, chính vì vậy mà Tô Lâm mới ra tay mạnh để bịt tiếng nói đấu tranh chống tiêu cực.

Theo chỉ đạo của Tô Lâm, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Thành phố Cần Thơ,  sau khi có sự đồng ý phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Cần Thơ, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông này 3 tháng để phục vụ mục đích điều tra. Theo truyền thông nhà nước Việt Nam thì ông Trương Châu Hữu Danh bị bắt để điều tra về cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331, Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Được biết bài đăng cuối cùng trên Fanpage Trương Châu Hữu Danh là hình ảnh photoshop 2 ông Tất Thành Cang và Đinh La Thăng khoác tay nhau và mặc áo tù cùng dòng trạng thái "Trùng phùng".

Hôm 1/12-2020 vừa qua, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra báo cáo về tình trạng kiểm duyệt của các mạng xã hội lớn trong đó có nhắc đến Trương Châu Hữu Danh như là "một nhà báo tự do nổi tiếng tại Việt Nam tập trung vào các vấn đề như cáo buộc tham nhũng, công bằng xã hội và cáo buộc lạm quyền của các quan chức chính phủ".

Theo báo cáo này, ông Danh sử dụng tài khoản Facebook cá nhân với gần 150.000 người theo dõi để đăng các bài viết của mình. Hàng nghìn người tương tác với bài của ông mỗi ngày.

Tuy nhiên một số bài đăng của ông về vụ bê bối cáo buộc có tham nhũng tại tỉnh Bình Dương đã bị Facebook hạn chế tại Việt Nam mà thiếu lựa chọn để khiếu nại.

Lần này Tô Lâm ra tay với Trương Châu Hữu Danh, xem như ông tướng công an này đã ra tay cứu rất nhiều quan tham đang lộng hành trên đất nước này. Nguyễn Phú trọng hô hào trong sạch nhưng người dân lên tiếng cho một xã hội trong sạch thì bị bắt như thế, không biết còn bao nhiêu người tin vào "sự trọng sạch" của chế độ này ? Chắc là không còn ai.

Nguyễn Duy (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 19/12/2020

*******************

Trương Châu Hữu Danh bị bắt : Một luật sư nói Điều 331 'mơ hồ'

Mỹ Hằng, BBC, 18/12/2020

Việc Facebooker nổi tiếng, đồng thời là cựu nhà báo Trương Châu Hữu Danh, bị khởi tố, bắt tạm giam chiều 17/12 đang thu hút dư luận Việt Nam.

nhabao6

Facebooker Trương Châu Hữu Danh trong một cảnh livestream năm 2019

Ông Danh (38 tuổi, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, Thành phố Tân An, tỉnh Long An) bị bắt để điều tra hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015.

Việc bắt ông Danh diễn ra ngay trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc 13 và sau khi Tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố báo cáo năm 2020, trong đó Việt Nam bị liệt kê vào danh sách 5 nước cầm tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới.

Ông Danh từng làm phóng viên tại báo Long An, Nông Thôn Ngày Nay, Lao Động, điện tử Làng Mới.

Vài năm gần đây, ông Danh trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi tham gia phong trào phản đối các BOT 'bẩn' cùng nhiều tài xế Việt Nam.

Ông Danh sở hữu trang Facebook và fanpage cùng tên "Trương Châu Hữu Danh" với hàng chục ngàn người theo dõi.

Bị bắt dựa trên một điều khoản 'mơ hồ' ?

Bình luận về vụ bắt giữ, Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nói với BBC :

"Ông Trương Châu Hữu Danh bị bắt theo Điều 331 vốn phát triển từ điều 258 bộ Luật Hình sự cũ. Tôi đã tham gia nhiều vụ án tương tự như thế này, tôi biết rằng những yếu tố cấu thành nên tội này rất mơ hồ".

"Cụ thể hai nội dung chính đều mơ hồ, không chứng minh được. Thứ nhất, về "Lợi dụng quyền tự do dân chủ", thì phải xem là ta đã dân chủ đến mức độ nào rồi, và việc lợi dụng quyền này cụ thể là như thế nào".

"Thứ hai là về hậu quả "xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước", thì quyền và lợi ích hợp pháp đó là gì ?"

nhabao7

Trương Châu Hữu Danh và cọc tiền mệnh giá 200 và 500 đồng dùng để mua vé qua trạm BOT Cai Lậy hồi tháng 8/2017

"Với các tội phạm liên quan đến kinh tế thì còn đo đếm được qua mức thiệt hại từ hành vi mà bị can, bị cáo gây ra, Còn những trường hợp như thế này người ta gần như không đo đếm được mà chỉ đưa ra nhận định chủ yếu dựa trên cảm quan cá nhân".

"Do đó, đa số những người bị bắt với cáo buộc vi phạm điều 331 và một số điều khác liên quan đến an ninh quốc gia, thực tế chỉ do việc họ 'gõ bàn phím', chứ không có hành vi nào thực sự gây nguy hại cho an ninh quốc gia như cáo buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Về lý do bắt ông Trương Châu Hữu Danh, ông Tuấn nói ông không loại trừ "vấn đề phe phái, đồng thời là động thái để dằn mặt những người bất đồng chính kiến và những nhà phản biện xã hội khác".

"Tôi thấy cuộc bắt bớ diễn ra trước thềm Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 13 có thể là động thái để người ta 'rung' nhau, 'bắt mạch' nhau. Tôi thì nghĩ rằng tầm của ông Danh trên thực tế có lẽ chưa ở mức này. Nhưng do đây là thời điểm nhạy cảm, người ta không muốn có những tiếng nói bất đồng. Tin tốt với người này nhưng lại xấu với người kia, và khi công khai thì có thể gây ra hiệu ứng, xáo trộn, và gây phản biện mạnh mẽ của xã hội. Do đó, để cận trọng, người ta cứ xử lý được thì xử lý, đồng thời cũng là động thái để đe nẹt những blogger khác".

Các bài viết 'chống phá'

Ông Danh góp tiếng nói trong nhiều vụ việc nóng bỏng gần như như Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Hồ Duy Hải, cùng nhiều vụ việc thời sự khác.

Các báo chính thống của Việt Nam hôm 17/12 đều đăng thông tin Trương Châu Hữu Danh bị bắt do có các bài viết 'chống phá nhà nước' trên trang cá nhân, nhưng không nêu ví dụ cụ thể là các bài viết nào.

Trang VTC Now viết mà không đưa dẫn chứng rằng gần đây, 'lợi dụng sự nổi tiếng' của mình trên mạng xã hội, Danh đã 'viết nhiều bài trên facebook của mình để chống phá Nhà nước'.

Trang Vietnamnet nhắc đến vụ việc hồi tháng 8/2020, Trương Châu Hữu Danh liên tục đăng trên Facebook cá nhân các bài viết liên quan đến Nguyễn Hoàng Trung Kiên (Cần Thơ) uống thuốc trừ sâu tự tử vì bị phạt 9 tháng tù giam sau khi dùng máy xúc ủi sập nhà kho của Công ty Thinh Phát. Nhưng bài viết trên trang này không nói đó rõ đây có phải là nội dung 'chống phá' hay không .

Trang Người Lao Động đề cập đến việc chi nhánh Tạp chí Thời Trang Vàng tại Cần Thơ do ông Danh phụ trách tổ chức khai trương hồi tháng 10 dù chưa được cấp phép. Sau đó Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu đóng cửa chi nhánh này.

Trong một báo cáo mới đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế mà BBC News đăng tải tiết lộ rằng Facebook và Google hỗ trợ chính phủ Việt Nam kiểm duyệt những chỉ trích và trấn áp bất đồng chính kiến, ông Danh được nhắc đến như ví dụ về một blogger nổi tiếng từng trải qua việc bị Facebook khóa bài viết của ông về một vụ việc tham nhũng trong nước.

Mạng xã hội nói gì ?

nhabao00

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh : "Nhà báo Hữu Danh được cho là người có quan điểm chính trị "trung dung" không tỏ ra bất đồng với đường lối chính sách của nhà cầm quyền, tuy nhiên ông vẫn bị bắt theo điều 331 là điều được vận dụng để bắt tù các người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và những người hoạt động xã hội dân sự".

Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập phong trào Sách Nông thôn : "Mình gặp Trương Châu Hữu Danh vài lần, đặc biệt là chuyến đi Kontum theo nhóm Phan Châu Thành hỗ trợ Mái ấm Vinh Sơn. Anh em chuyện trò rất vui, ai cũng trăn trở hành động vì sự tiến bộ xã hội. Danh chọc BOT, khuấy quan chức trong mấy năm qua, góp phần tự do ngôn luận, thế cũng đáng đi vào trí nhớ nhiều người rồi. Đi tù cũng vui mà Danh".

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên : "Còn một chi tiết khác, khá thú vị liên quan đến nền "báo chí lề đảng" cần nhắc đến. Chiều hôm qua 17/12, khi Trương Châu Hữu Danh vừa bị bắt, vài tờ báo đã đăng tin với nội dung bình luận khá giống nhau. Trong đó họ nhắc đến các chi tiết : Danh là thành viên của Báo Sạch, Bạn Hữu Đường Xa, tích cực trong việc đánh BOT bẩn, có ảnh hưởng trên không gian mạng ... Tức là những chi tiết như tôi nêu ở trên. Sáng nay tôi mở các bài báo ấy ra coi lại, những thông tin trên ... biến mất. Chỉ còn đăng tải những thông tin liên quan đến sự kiện".

Nhà hoạt động Trịnh Kim Tiến : "Tôi quan tâm đến điều 331 (258 cũ), điều luật mơ hồ, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của nhà báo Trương Châu Hữu Danh hơn là việc thắc mắc vì sao anh ấy bị bắt. Chúng ta đã chiến đấu không ít năm để chống lại, để phản đối điều luật này vì nó vi Hiến và chà đạp lên quyền công dân của chúng ta. Ngày hôm nay, nó vẫn tiếp tục được sử dụng để bịt miệng, để bỏ tù những người dám nói trong xã hội".

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 18/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Duy, Mỹ Hằng
Read 600 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)