"Không có ngoại lệ trong xét xử tham nhũng" !
Thới Bình, VNTB, 22/12/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hệ thống tòa án đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng theo phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Ảnh lưu niệm Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 tại Hội trường trụ sở Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội ngày 21/12/2020
Yêu cầu ở trên được đưa ra vào ngày 21/12 tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến gần 800 điểm cầu của toàn hệ thống tòa án.
Có thắc mắc : phải chăng ở Việt Nam, phía cơ quan hành pháp có quyền ‘ra lệnh’ cho cơ quan tư pháp ? Hoặc, phía hành pháp được quyền đưa ra ‘các vùng cấm – các ngoại lệ’ đối với ‘người của Chính phủ – của Nhà nước – của Đảng’ ?
Nội dung của Điều 94 Hiến pháp năm 2013 gồm 2 đoạn, trong đó đoạn thứ nhất quy định khái quát đồng thời cả tính chất, vị trí và chức năng của Chính phủ : "Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội".
Quyền hành pháp của Chính phủ có những đặc điểm riêng biệt :
Thứ nhất, quyền hành pháp của Chính phủ có tính độc lập tương đối với các nhánh quyền lực nhà nước khác, song vẫn đặt dưới sự giám sát tối cao của Quốc hội.
Do cơ quan quyền lực nhà nước lập ra, nhưng không có nghĩa là quyền hành pháp của Chính phủ chỉ là quyền phái sinh từ cơ quan quyền lực. Quyền hành pháp của Chính phủ đặt trong mối quan hệ với quyền lập pháp của Quốc hội, và quyền tư pháp của Tòa án có tính độc lập, tác động qua lại và kiểm soát lẫn nhau.
Thứ hai, quyền hành pháp của Chính phủ đóng vai trò cơ bản và quan trọng nhất trong việc hoạch định, tổ chức và thực thi chính sách và pháp luật. So với các chủ thể khác chỉ thực hiện quyền hành pháp trên một số lĩnh vực và bó hẹp trong những đơn vị hành chính lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương, thì Chính phủ là cơ quan thống nhất thực hiện việc quản lý, điều hành, lãnh đạo các hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội về : Kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ ; thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia…
Cùng với đó, Chính phủ với bộ máy quản lý rộng khắp từ Trung ương tới địa phương thực thi quyền hành pháp trải rộng trên khắp các đơn vị hành chính, lãnh thổ.
Thứ ba, quyền hành pháp của Chính phủ có mục tiêu phục vụ nhân dân, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Như vậy, từ ba nhìn nhận kể trên cho thấy quyền hành pháp của Chính phủ bao trùm, và rất có thể lâu nay phía Chính phủ đã sử dụng quyền lực này để tạo ra các vùng cấm khác nhau vì lợi ích nhóm nào đó trong bộ máy cầm quyền. Chính điều đó đưa đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hệ thống tòa án đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng theo phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" ở hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao.
Và nếu cách biện giải ở trên đang hiện hữu, thì đây là mối nguy thực sự, vì thể chế toà án là một thể chế rất đặc biệt trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Không những nó được hưởng quy chế phân quyền như các cơ quan lập pháp và hành pháp, mà còn phải độc lập hoàn toàn trước hai cơ quan này.
Mặc dù nhiều nhà nước dân chủ tư sản được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng trên thực tế, hành pháp và lập pháp vẫn có sự phối kết hợp với nhau ở một mức độ nhất định, chỉ có tư pháp – do chức năng xét xử, bao giờ cũng được độc lập. Sức mạnh của nhà nước pháp quyền tuỳ thuộc nhiều vào sự độc lập đó của hệ thống tư pháp.
"Sẽ hết sức mỉa mai khi đặt các yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyện ‘vùng cấm’ khi liên tưởng đến phần tuyên án của chánh Tòa.
Đã từng có tranh luận về việc khi tuyên án, Tòa án nên nhân danh ai hoặc nhân danh cái gì để ra phán quyết. Có ý kiến cho rằng, Tòa án tuyên bố như hiện nay "nhân danh nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là chưa hợp lý, mà lẽ ra phải tuyên bố là "nhân danh công lý".
Bởi, Tòa án là một trong những thiết chế mà thông qua đó, pháp luật được hóa thân và hiện hữu một cách đầy đủ nhất của công lý. Do trong thực tế, khái niệm "pháp luật" và "công lý" không nhất thiết phải đồng nhất, nên sẽ là hợp lý hơn nếu quan niệm rằng, phán quyết của Tòa án là thứ phán quyết nhân danh công lý. Về cơ bản, công lý đó phải lấy pháp luật làm cơ sở tối thượng để hình thành nên các phán quyết của mình – bất chấp có bao nhiêu vùng cấm đi nữa…" – luật sư Cát Tường, nhìn nhận.
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 22/12/2020
************************
Bài học quy hoạch cán bộ nhìn từ Lê Thanh Hải
Mai Lan, VNTB, 21/12/2020
Bài viết này xin giả định tình huống bắt bớ sẽ đến với ông Lê Thanh Hải ngay trước thềm của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Xin nhắc lại : bài viết chỉ là giả định.
Giả dụ như sắp tới đây, cựu Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI Lê Thanh Hải vướng lao lý, chắc chắn sẽ lại có những bài báo về công tác quy hoạch cán bộ đặt ra ở Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Việc Bộ Chính trị kỷ luật cán bộ cao cấp của Đảng như cựu Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải ở mức hình sự, khi cả nước đang chuẩn bị đón chào năm mới 2021, và chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, càng cho thấy công tác cán bộ vô cùng quan trọng trước mỗi kỳ Đại hội.
Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để có một đội ngũ cán bộ thật sự xứng đáng vào cấp ủy khóa tới.
Việc Bộ Chính trị quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Lê Thanh Hải, và thời gian sau đó là thực hiện các bước tố tụng về dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với ông Lê Thanh Hải đã cho thấy một nguyên tắc, là phải làm đúng quy chế của cấp ủy các cấp, có sự bàn bạc và quyết định của Thường trực, Thường vụ.
Điều muốn nói ở đây là việc kỷ luật ông Lê Thanh Hải tuy chậm, nhưng đáp ứng yêu cầu của nhân dân khi tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến hành vi phạm tội ở thời kỳ ông Lê Thanh Hải là Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI.
Vấn đề Thủ Thiêm ồn ào đã nhiều năm, đã xử lý nhiều người, còn người quan trọng nhất là ông Lê Thanh Hải bây giờ mới xử lý hình sự có thể là bước chậm trễ cần rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ mới của Đảng. Có những vấn đề như thay đổi quy hoạch đối với quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng thành phố lại sửa. Xử lý vấn đề đền bù cho dân không thỏa đáng cho nên người dân phản ứng nhiều lần… Đây là việc làm tuy đã lâu, từ năm 2010 đến 2015, chứng tỏ vụ việc phức tạp phải làm kỹ càng, lâu dài, bây giờ mới kết luận và xử lý về mặt Đảng lẫn pháp luật hình sự tương ứng.
Thực tiễn cho thấy, tuy chưa hết nhiệm kỳ khóa XII nhưng đã có hơn 90 cán bộ cao cấp của Đảng bị kỷ luật. Điều này một lần nữa gióng cảnh báo về kiểu cách tuyên truyền lâu nay, là trước kỳ Đại hội nào cũng nói đã làm kỹ, làm đúng, nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều việc tồn tại. Vẫn không thẳng thắn nêu ra trong nội bộ, không làm rành mạch, kết luận đúng – sai ngay mà để kéo dài đến 1-2 khóa sau mới có kết luận.
Kỷ luật cán bộ như vậy cũng tác dụng, nhưng sẽ bị hạn chế ở chỗ: Đáng lẽ các đồng chí đó không bị vấp tiếp, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Đó là điều suy nghĩ cho công tác tổ chức, lựa chọn cán bộ chủ chốt của Đảng, mà ở những tháng ngày còn lại này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần có được kế sách liệu toan.
Nhìn từ việc khởi tố hình sự cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, cho thấy một lần nữa việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để có một đội ngũ cán bộ thật sự xứng đáng vào cấp ủy khóa tới.
Đặc biệt, phải công khai, minh bạch trong công tác nhân sự để nhân dân lựa chọn. Nếu có đơn tố cáo thì thẩm tra, xác minh, xem tin đó có đúng không, tố cáo đúng không? Chúng ta có bộ máy sàng lọc, cho nên đừng bí mật trong nội bộ của Đảng. Phải có các tổ chức chính trị xã hội và sự tham gia của nhân dân thì mới hy vọng có bộ máy tốt.
Điều này có nghĩa là nhân danh Đảng cầm quyền, chúng ta cần tạo điều kiện cho tiếng nói phản biện của những người từng là cán bộ được Đảng đào tạo bài bản như nhà báo Phạm Chí Dũng có một sân chơi thích hợp, thay cho việc định kiến của quy chụp về ‘diễn biến hòa bình’.
Từ khi chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; tham vọng quyền lực, phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút…
Muốn lựa chọn được cán bộ xứng đáng thì trước hết phải coi trọng chất lượng quy hoạch, đề cao tính công khai, minh bạch, công tâm trong đánh giá cán bộ. Phải phân hóa ra từng công đoạn để xác định chế độ trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể. Vi phạm được xử lý thật nghiêm minh, làm gương thì mới ngăn chặn được lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, như vậy mới chọn được người xứng đáng vào cấp ủy khóa tới.
Và trong mọi trường hợp, cần xem xét việc để những cán bộ sai phạm kéo dài quá lâu như đảng viên Lê Thanh Hải, là một bài học xương máu về niềm tin, cần được học thuộc làu làu ở Đại hội XIII sắp tới đây của Đảng.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 21/12/2020
***********************
Đồn đoán cựu bí thư Hai Nhựt xộ khám
Nguyễn Đức, VNTB, 22/12/2022
Ông Tất Thành Cang đã bị ‘tạm giam 4 tháng’ không phải vì ‘ăn đất’ Thủ Thiêm, mà là tắc trách trong một cú áp phe cổ phần hóa ở một doanh nghiệp có vốn của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Dĩ nhiên liên quan đến vốn liếng của cơ quan Thành ủy trong những doanh nghiệp ‘thuộc Đảng’, một khi đã dính dáng đến cái tên Tất Thành Cang, thì ‘bề trên’ Lê Thanh Hải – khi ấy là Bí thư Thành ủy, thuộc lẽ đương nhiên.
Tin tức ở cà phê vỉa hè của làng báo Sài Gòn nói rằng trong ngày Chủ nhật 20-12, nhiều nguồn tin cho hay hiện ông Hai Nhựt đã bị ‘quản thúc’, tiến tới việc xộ khám bởi một lý do ất ơ nào đó như ‘phó tướng’ của ông là Tất Thành Cang.
Thế nhưng trong vô số ẩn tình đàng sau bức màn của hậu trường Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, người ta vẫn chờ đợi tin tức chính thức loan báo ông Lê Thanh Hải (tức Hai Nhựt) hồi còn là Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh suốt 5 năm, 55 ngày, ông đã cố tình sai phạm trong dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những sai phạm này tiếp tục dấn sâu hơn nữa, khi Hai Nhựt ‘lên ngôi’ Bí thư Thành ủy trong suốt thời gian kéo dài đến 9 năm, 222 ngày.
Hồi đầu năm nay, ngày 8/1/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận : Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, phải bị xem xét kỷ luật.
Tiếp sau đó, đến ngày 20/3/2020, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, lý do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Thành ủy ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
"Giơ cao, đánh khẻ" là cảm giác chung đối với toàn bộ tin tức được gọi là "kỷ luật Đảng" đối với cựu Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI Lê Thanh Hải.
Thời kỳ ông Hải là lãnh đạo cao nhất của UBND thành phố và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng là lúc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, bắt đầu được triển khai. Ông Hải đã ký nhiều công văn chỉ đạo liên quan việc quy hoạch, xây dựng khu đô thị được kỳ vọng hiện đại nhất Đông Nam Á.
Một trong những cú áp phe thời ‘vương triều Hai Nhựt’ ở Thủ Thiêm, có thể kể đến chuyện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 23,3 ha đất ở phường Bình An cho 5 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại. So với quy hoạch được phê duyệt, diện tích khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giảm 26,3 ha (bao gồm 3 ha mặt nước).
Để bù vào phần hụt này, ngày 16/9/1998, theo yêu cầu của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt quy hoạch 1/2000 có nội dung bổ sung ranh quy hoạch khoảng 4,3 ha đất phía Bắc – thuộc một phần Khu phố 1, phường Bình An.
Vậy là thị trường đất quận 2 bắt đầu ‘vỡ trận’. Theo đề nghị của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/2/2002, Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn có công văn 190 cho thu hồi 930 ha thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm (lúc này đã đổi thành quận 2) để chuẩn bị cho việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công văn nêu rõ "việc triển khai phải phù hợp với Quyết định 367 Thủ tướng phê duyệt".
Ngày 6/3/2002, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hùng Việt ký công văn yêu cầu các sở ngành xác định địa điểm, diện tích và ranh giao đất của 930 ha (bao gồm 770 ha xây dựng khu đô thị mới và 160 ha xây dựng khu tái định cư). Trong đó nêu "nếu thiếu đất cho phép điều chỉnh diện tích các dự án trên địa bàn quận 2 để đảm bảo đủ diện tích theo phê duyệt của Chính phủ".
Nửa tháng sau, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải yêu cầu điều chỉnh diện tích khu đô thị mới, giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất cắm mốc đủ 770 ha đất, theo giải pháp bổ sung hơn 40 ha của khu tái định cư Bình Khánh; rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160 ha tái định cư.
Sau đó, để có đủ đất bù vào khu tái định cư, ông Hải tiếp tục yêu cầu rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2, thu hồi đất của các dự án chậm triển khai, không nhất thiết tại một địa điểm. Thực tế, chỉ có khoảng 10-20 ha giáp ranh khu đô thị mới.
Từ chỉ đạo này của ông Hải, khu tái định cư Thủ Thiêm đã được chuyển ra xa và chia thành 6 địa điểm tại các phường Bình Khánh, An Phú, An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái. Trong đó, khoảng 50 ha ở phường Cát Lái, giáp tỉnh Đồng Nai, cách khu đô thị mới đến 15 km.
Hơn 3 năm sau, tháng 12/2005, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua ký quyết định 6565 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000, với các nội dung: diện tích quy mô khu trung tâm là 737 ha, trong đó khu đô thị mới là 657 ha, khu đô thị chỉnh trang là 80 ha, tổng số dân định cư là 130.000 người… Tại Điều 2 của quyết định có nội dung "thay thế Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng".
Kể từ đó oan khuất của người dân Thủ Thiêm dâng cao ngút trời và kéo dài mãi đến tận hôm nay…
Nguyễn Đức
Nguồn : VNTB, 22/12/2020