Lý luận của Mác về đấu tranh giai cấp đã phá sản vào cuối thế kỷ thứ 20, nhưng nay hồn ma của Mác đội mồ sống dậy với những nhãn hiệu thời thượng được dịch sát hay thoát dưới đây :
Economic inequality = bất công giàu nghèo
Racial and Gender equity = bình đẳng màu da và giới tính
Equal opportunity = cơ hội đồng đều rồi đến thế giới đại đồng
Global cooperation = chủ nghĩa quốc tế
Chủ nghĩa mác-xít không bao giờ chết tiệt bởi vì là một học thuyết kinh tế nhằm giải quyết bất công xã hội, cho nên lúc nào cũng lôi cuốn được những người bị thiệt thòi (underprivileged) và giới cấp tiến tả khuynh (progressive left).
Ngày nay không một bài viết hàng đầu nào trên New York Times, The Economist hay Foreign Affairs, trong sách vở hay ngoài khuôn viên đại học mà không nhồi sọ hay tẩy não với chủ đề chống bất công để tạo bình đẳng xã hội.
Các tư tưởng đối nghịch đều bị kiểm duyệt (trường hợp Thượng nghị sĩ Tom Cotton bị tờ New York Times loại bỏ không đăng bài viết) hay bị đám đông cuồng nộ đấu tố (woke và cancel culture) chẳng khác gì dưới thời Cách mạng Văn hóa.
Giống như từ Mác tới Lê-nin, những cuộc tranh đấu bắt đầu với biểu tình, trên nghị trường rồi tiến sang dọa dẫm (LGBTQ) và bạo loạn (Black Live Matter). Quốc tế cộng sản nay đổi sang chủ nghĩa quốc tế (globalism) gồm những cơ cấu hành chánh siêu quốc gia (supra-national kiểu EU) che phủ lên biên giới (hiệp ước Shengen) và quyền tự quyết dân tộc (nationalism).
Thực dân và thuộc địa thời Lê-nin nay trở thành mâu thuẫn giữa nước giàu (rich nations – nhưng thiếu nợ) và nước nghèo (poor nations – chủ nợ). Đạo đức cách mạng bây giờ là đức tín dung dưỡng (tolerance) và chủ nghĩa đa văn hóa (multi-culturalism) nhằm triệt tiêu truyền thống dân tộc.
Giống như hai cánh Tân bảo thủ (neo-conservatism) và Tân tự do (neo-liberalism), thế kỷ thứ 21 còn thêm Tân mác-xít (neo-marxism) mà hồn Trương Ba da anh hàng thịt !
Chống bất công là giấc mơ nhân loại chớ không riêng gì của Mác. Lập luận đấu tranh giai cấp của Mác tuy sai bét nhưng Mác bỏ lao dùng lý thuyết kinh tế để giải quyết bất công.
Đóng góp tai hại của Mác nơi hô hào trông cậy vào quyền lực nhà nước để cải tạo xã hội, trái với quan điểm của Adam Smith rằng nhà nước chỉ có vai trò hạn hẹp nhằm bảo vệ mỗi cá nhân được tự do phát huy, sáng tạo và mang lại thịnh vượng, tức là lấy con người làm chủ so với Mác lấy nhà nước làm chủ.
Quyền lực vô biên thì lạm quyền vô hạn (Government is not the solution to our problem government is the problem – Ronald Reagan.) Nhà nước gọi là của toàn dân (for all) nhưng bị cai quản bởi thành phần cách mạng tiên phong (revolutionary vanguard) nay chính là giới thượng lưu cấp tiến (progressive elites) và đám công bộc hành chánh (bureaucracy).
Người Mỹ bình dân khi đánh đồng giữa cánh tả cấp tiến (progressive left) và chủ nghĩa xã hội (socialism), giữa dân chủ xã hội (social democracy) với lý thuyết cộng sản do dùng luật pháp và thuế má để tước đoạt tự do và tài sản của dân chúng, thoạt nghe thấy sai nhưng nghĩ lại mới là đúng.
(Những người gốc Việt muốn lãnh welfare cùng giới trí thức cấp tiến mơ mộng nhà nước chăm lo cho đời sống, sức khỏe và giáo dục cho mọi người (for all) thì sướng quá mà quên đi hay chưa nếm mùi những ngày sống trong nước… dân chúng đừng có no để nhà nước no).
Có điều khác biệt nơi Mác cha đấu tranh cho bình đẳng kinh tế dẫn đến bình đẳng xã hội còn Mác con đi ngược đầu theo kiểu Tây Độc Âu Dương Phong hô hào bình đẳng xã hội (màu da, giới tính) dẫn đến bình đẳng kinh tế.
Bernie Sanders vốn theo chủ nghĩa mác-xít nguyên thủy tranh đấu cho quyền lợi công nhân, Elizabeth Warren từng viết quyển The Two Income Trap bảo vệ giới trung lưu thế mà hai người này cũng phải chạy theo trào lưu chính trị bản sắc (identity politic) hô hào bình đẳng trắng đen, LGBTQ, quyền di dân bất hợp pháp… của giới tinh hoa ưu tú (elites).
Cho nên công nhân trong thế kỷ thứ 20 nghiêng theo cánh tả nhưng đến thế kỷ 21 giới thợ thuyền lại bỏ phiếu cho… Donald Trump, Brexit và các phong trào dân túy ở Châu Âu. Bài học lịch sử cho thấy chủ nghĩa Phát-xít ý thức sớm về hiểm họa cộng sản trong khi các nước cân chủ còn mê ngủ. Lịch sử là một sự tái diễn, lần thứ nhất là bi kịch còn lần thứ nhì là bi hài kịch !
Nói đi rồi phải nghĩ lại, mô hình tư bản được cải thiện đáng kể vào thế kỷ 20 để giảm bớt bất công nhờ vào cạnh tranh ráo riết với chủ nghĩa cộng sản (Mác) và dân chủ xã hội (John M. Keynes).
Sang thế kỷ 21 toàn cầu hóa và điện toán hóa khiến tài sản tập trung vào giới chuyên viên và các tập đoàn lợi ích trên thế giới dẫn đến khoảng cách giàu nghèo sâu sắc không kém gì khoảng thời gian giữa Cách mạng Vô sản ở Nga 1917 và cuộc Đại Khủng Hoảng 1929.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và khu vực Đông Á có thể so sánh với giai đoạn suy tàn của đế quốc Anh và chủ nghĩa thực dân Tây Phương. Thế giới đang quặn mình cho những cuộc đổi đời.
Đoàn Hưng Quốc
Nguồn : VNTB, 22/12/2020