Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/12/2020

Công đoàn : tổ chức "nửa vời"

Võ Hàn Lam

Có hay không có sự "nửa vời" của tổ chức công đoàn trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động ?

Câu trả lời : Có !

congdoan1

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2013 quy định : Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm "tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình…" (Điều 29).

Luật Công đoàn năm 2013 ghi nhận Công đoàn có nghĩa vụ "tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động ; tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động học tập, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật…" (Điều 15).

Một tham luận của giảng viên Phạm Thị Duyên Thảo, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, có nhận xét như sau về sự ‘nửa vời’ của tổ chức công đoàn trong yêu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động (trích) :

Về nội dung, theo quy định, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động phải tập trung vào các quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật Công đoàn và các quy định khác của pháp luật về lao động.

Quy định này cho thấy sự thiếu vắng việc giáo dục các kỹ năng cho người lao động, liên quan đến nhận biết và giải quyết các tranh chấp vốn hay nảy sinh với người sử dụng lao động. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến phần nhiều các cuộc biểu tình, đình công, lãn công của người lao động được cho là bất hợp pháp.

Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, pháp luật quy định đối với người lao động trong doanh nghiệp, hình thức chủ yếu là phổ biến trực tiếp, niêm yết các quy định của pháp luật tại nơi làm việc, tủ sách pháp luật, tờ gấp, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Bản thân quy định liệt kê ở trên cho thấy, hình thức chủ đạo dừng ở việc phổ biến pháp luật, tức là mới làm cho đông đảo người lao động biết đến pháp luật, chứ chưa dừng ở việc giáo dục, làm cho pháp luật đi vào hành vi, trở thành thói quen hành xử theo pháp luật.

Về tổ chức, Ban Tuyên giáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nhiệm vụ : "nghiên cứu, hướng dẫn nội dung, biện pháp tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Công đoàn…". Việc triển khai cụ thể thuộc về Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động trên cơ sở phối hợp với các ban liên quan thuộc cơ cấu của Tổng Liên đoàn lao động.

Quy định nói trên làm cho tính chuyên môn trong phổ biến, giáo dục pháp luật bị ảnh hưởng bởi tính chất của hoạt động tuyên giáo, tuyên truyền.

Liên quan đến vai trò của Công đoàn trong phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định : Tổng Liên đoàn Lao động có trách nhiệm : "vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật" (Điều 29) ; và khi phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp, thì : "người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết để phổ biến, giáo dục pháp luật ; phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp ; tổ chức Công đoàn có trách nhiệm chủ trì vận động người lao động tìm hiểu, học tập pháp luật" (Điều 18).

Sự phối hợp theo trình tự kề trên cho thấy ngầm định một nguy cơ khá lớn, đó là sự phụ thuộc cũng như tính chất "chung một chiến tuyến" của Công đoàn với người sử dụng lao động, khi mà hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động của Công đoàn được "phối hợp" và đảm bảo "các điều kiện cần thiết" từ phía người sử dụng lao động.

Như vậy – theo ý kiến của giảng viên Phạm Thị Duyên Thảo, Công đoàn sẽ không thể phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả khi vẫn phải phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ của người sử dụng lao động, và đồng thời vẫn phải đảm bảo sự thống nhất của hệ thống phổ biến, giáo dục pháp luật của cả nước.

"Do đó, việc tạo lập một cơ chế tài chính độc lập cho Công đoàn do người lao động đảm bảo, là một giải pháp hữu hiệu tạo nên sự chủ động của Công đoàn. Đồng thời, sớm đặt Công đoàn truyền thống vào vị thế phải cạnh tranh thực sự về năng lực với Công đoàn cơ sở sẽ được thành lập. Đây cũng sẽ là giải pháp để buộc Công đoàn phải đảm bảo cao nhất hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động của mình, trong khi vẫn hài hòa được với các mục tiêu chính trị" – giảng viên Phạm Thị Duyên Thảo, đề xuất.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 22/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Hàn Lam
Read 489 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)