Tôi phản đối những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền được nói của bạn cho đến chết
(I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it)
Voltaire
Các nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Photo Tiền Phong
Tự do ngôn luận đang là đề tài nóng hổi tại Mỹ, được sự quan tâm theo dõi của người Việt khắp nơi.
Tự do ngôn luận là một trong các quyền căn bản và tự nhiên nhất của con người. Ai trong chúng ta mà không muốn có quyền được công nhận chính thức và được tự do nói lên những gì mình suy nghĩ, dù cho nó khó nghe và cho dù người ta không muốn nghe. Ai không muốn có quyền và tự do nói điều không thuận tai, không chỉ cho cấp dưới mà nhất là với cấp trên, những người có quyền uy, giới cầm quyền.
Tự do ngôn luận cũng là nền tảng của mọi tự do khác. Không có tự do ngôn luận thì không thể trình bày các quan điểm đúng đắn và những gì được tin là tốt nhất cho chính mình và người khác. Không có, thì sẽ không thể đem lại những thay đổi tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Như thế, chúng ta sẽ không thể tranh đấu cho các quyền và tự do căn bản khác của con người.
Nhưng cũng như mọi sự tự do khác, tự do ngôn luận không thể là tuyệt đối. Nó cần đi đôi với tinh thần trách nhiệm và sự ràng buộc. Không thể dùng nó để phỉ báng, mạ lị người khác. Chẳng hạn, không thể dùng tự do ngôn luận để vu khống, chụp mũ, kết tội và gây tổn thương và uy tín của người khác. Hay để kích động bạo lực, hận thù, chia rẽ v.v… Cũng không thể dùng tự do ngôn luận để phát tán thông tin không trung thực, thuyết âm mưu, sự tuyên truyền dối trá, hay các tin giả độc hại nhằm đánh lừa dư luận.
Câu nói nổi tiếng mang tính triết lý của Voltaire "Tôi phản đối những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ quyền được nói của bạn cho đến chết". (cho đến nay, theođiều nghiên thì câu nói này rút ra từ niềm tin của Voltaire nhưng do Evelyn Beatrice Hall viết ra) trở thành nguyên tắc của tự do ngôn luận, đặc biệt trongTu Chánh Án 1 của Hiến pháp Mỹ. Nếu đó là Voltaire, và nếu Voltaire còn sống, thì tôi không thể tưởng tượng rằng ông sẽ bảo vệ quyền được nói cho những lời kêu gọi đầy hận thù và bạo động của Nhà nước Hồi giáo (ISIS), hay bao nhiêu những xu hướng tôn giáo và chính trị khác nhau mang đầy hận thù và bạo động như thế.
Tự do ngôn luận là một nhu cầu quan trọng của người Việt Nam, nhưng dường như nó chưa bao giờ được xem là khẩn cấp.
Phải chăng đây là lý do văn hóa, xã hội ?
Đời sống vật chất vẫn luôn chiếm mối quan tâm và sự ưu tiên hàng đầu của đại đa số người Việt, mặc dầu người dân không còn thiếu ăn thiếu mặc như xưa.
Mối quan hệ của người Việt là một thứ quan hệ cấp bậc. Không có gì biểu hiện rõ hơn mối quan hệ này qua cách xưng hô của người Việt. Nó nói lên được cấp bậc trong gia đình, trong khi xã hội chỉ là một gia đình mở rộng.
Trong mối quan hệ chằng chịt và cấp bậc này, những tiếng nói thấp cổ bé miệng, cho dù đúng đắn và chính xác, cũng không dễ dàng gì được lắng nghe hay chấp nhận, ngoại trừ người đó có quyền hay có tiền (trong xã hội vật chất, có tiền là có quyền, và có quyền là có tiền). Dường như trong gia đình và xã hội Việt Nam, một người chỉ được lắng nghe nếu có quyền lực hoặc ảnh hưởng (power or influence). Còn tiếng nói của trí tuệ, lý luận, lẽ phải, sự thật v.v… cũng chỉ là thứ yếu. Nó thường bị gạt ra bên lề xã hội.
Có lẽ người Việt bị đè nén quá lâu, bị điều kiện hóa từ bao đời, bao ngàn năm dưới các triều đại phong kiến, rồi quân chủ tuyệt đối, cho đến thực dân rồi cộng sản. Tất cả các chế độ chuyên chế đều không chấp nhận bất kể điều gì, dù đúng đắn mấy, nhưng có nguy cơ thách thức quyền lực cai trị của họ. Mọi chế độ chuyên chế đều xem quyền lực là thước đo của quyền được nói, kể cả láo phét. Cho nên hiển nhiên, tự do ngôn luận là một thách thức lớn nhất của các nhà chuyên chế. Là những nạn nhân lâu đời, nên phần lớn người Việt vẫn chưa hoàn toàn ý thức và tự chủ về nhu cầu tự do ngôn luận của mỗi con người. Trong gia đình Việt Nam, chẳng hạn, tự do ngôn luận chủ yếu được ưu tiên và định hình theo cấp bậc. Vì thế, cho đến khi nào điều này thay đổi, nghĩa là tự do ngôn luận được tôn trọng một cách tương đối cho mọi thành viên, thì gia đình và xã hội Việt Nam cũng chỉ thay đổi bề ngo ài, không phải thực chất tinh thần bên trong.
Tự do ngôn luận không phải là nói để làm vừa lòng người khác, bởi nói điều đó không cần quyền hay tự do. Tự do ngôn luận là nói lên các ý kiến khác biệt ; thẳng thắn phê bình vì mục đích "chân, thiện, mỹ" ; thách thức các ý kiến và quyết định của cấp trên, hay của giới cầm quyền, vì muốn bảo vệ và đề cao các giá trị và nguyên tắc đúng mực của con người v.v…
Trong trường hợp Việt Nam, tự do ngôn luận, theo chuẩn mực trên, là thứ khan hiếm tại Việt Nam. Nhưng là điều dễ hiểu.
Một thành phần không nhỏ tại Việt Nam, gồm hơn bốn triệu đảng viên đảng cộng sản, gia đình của họ, cũng như những người ít nhiều được hưởng lợi từ chế độ cầm quyền hiện nay, sẽ biện minh cho chính thể chuyên chế. Nếu không biện minh thì cũng im lặng. Họ không có lý do gì để phải lên tiếng phê bình, phản đối. Ngoài lợi ích cá nhân và gia đình, đánh đổi để có được tự do ngôn luận là cái giá quá đắt. Có người đã làm và đã trả giá, nhưng kết quả vẫn xa vời vợi. Trường hợp mới nhất là nhà báoPhạm Chí Dũng, bị kết án 15 năm tù và Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm. Hay trường hợp của nhà báoPhạm Đoan Trang. Hiểu rằng, những kẻ xâm phạm ở đây là những người đưa ra quyết định phi lý bất công dành cho các tù nhân lương tâm này, và đồng bọn quyền lực đứng đằng sau.
Sự tước đoạt và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận một cách thô bạo như tại Việt Nam sẽ tiếp diễn cho đến khi nào phần lớn xã hội dám đứng lên đấu tranh, và sẵn sàng đánh đổi những thứ khác, để có được tự do ngôn luận đích thực. Nhưng tự do ngôn luận sẽ không có nghĩa lý gì nếu nó chỉ là lý thuyết. Khi nào những người thấp cổ bé miệng, như người nghèo, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ v.v… vẫn không được quyền, hay không dám nói, những gì mình nghĩ, và không thể thể hiện trong cung cách sống và hành xử giữa con người với nhau, thì nó chẳng có giá trị gì cả.
Một khi đã có quyền và tự do ngôn luận thì việc đó cũng không có nghĩa là vĩnh viễn. Đại đa số người dân phải cam kết và nỗ lực bảo vệ nó, và mọi thế hệ cần phải tiếp tục công việc này không ngừng nghỉ.
Cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận tại Việt Nam ngày càng khó khăn hơn khi chính nó đang gặp bao thử thách ngay tại những nền dân chủ hàng đầu trên thế giới : Những phát biểu xiển dương bạo lực, hận thù (hate speech) ; tin giả và tuyên truyền (misinformation/ disinformation) ; truyền thông xã hội và sự thiếu quy định hóa (regulation/regularization) các cơ quan này để ngăn ngừa sự lạm dụng về phát biểu hận thù và phát tán tuyên truyền lây lan v.v…
Nhìn chung, tự do ngôn luận đang bị tấn công từ hai mặt trận với những tác hại khủng khiếp. Một, nó bị bóp nghẹt tối đa bằng mọi lý do nguỵ biện từ các chính thể chuyên chế. Hai, nó bị làm mất giá trị bởi chính những kẻ vô minh lạm dụng và chà đạp từ cả chính thể chuyên chế và dân chủ.
Những người tự do và tôn trọng sự thật, và những người đang tranh đấu cho tự do để có sự thật, đang bị tổn hại nặng nề vì hai cuộc tấn công này. Kẻ hưởng lợi chính không ai khác là độc tài chuyên chế.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 19/01/2021