Có ý kiến cho rằng nếu cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ngoài công đoàn, thì sẽ dẫn đến hình thành đa công đoàn, phức tạp về chính trị ?!
Công đoàn độc lập Solidarnosc của Va Lan trong những năm 1980 - Ảnh minh họa
Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, cho phép người lao động thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia.
Tuy nhiên các quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức này ra sao thì đến nay vẫn chưa rõ.
Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019, thì có 2 loại công đoàn với sự khác biệt nhau về quyền lực chính trị. Luật Công đoàn hiện hành nói rằng, công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động… đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.
Còn theo Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019, thì tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động. Có nghĩa là tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có sự khác nhau về bản chất và mục đích.
Về điều kiện thành lập, ngoài quy định chung tại Luật Công đoàn, tổ chức Công đoàn tại cơ sở hiện nay được thành lập theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Theo đó, "doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam". Ban lãnh đạo Công đoàn cơ sở được gọi là Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, do Đại hội Công đoàn cơ sở bầu ra. Số lượng thành viên của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở do Đại hội Công đoàn cơ sở quyết định theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trong khi đó, các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo quy định của Điều 173 Bộ luật Lao động, "tại thời điểm đăng ký, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phải có số lượng tối thiểu thành viên là người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ".. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay, số lượng thành viên tối thiểu này vẫn chưa được xác định vì vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ.
Thật ra ở đây là cho đến tận lúc này vẫn còn có những ý kiến tiếp tục lo ngại rằng nếu cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ngoài công đoàn, thì sẽ dẫn đến hình thành đa công đoàn, phức tạp về chính trị – nhất là trong bối cảnh Đại hội Đảng XIII, kế tiếp là bầu Quốc hội khóa mới, rồi nhiệm kỳ mới của Chính phủ.
Về mặt lý thuyết thì đây có lẽ là một lo ngại thái quá, bởi thể chế pháp lý của Việt Nam đã quy định là Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện, trong khi luật chỉ cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở, gắn với môi trường làm việc và quan hệ lao động rất cụ thể. Thế nhưng thế nào là lãnh đạo toàn diện thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều cho việc kiểm soát quyền lực.
Và dù thế nào chăng nữa thì các nhà lập pháp cần cụ thể hóa trình tự, thủ tục thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn theo nguyên tắc tự nguyện của người lao động. Bởi đây còn là cam kết của Việt Nam khi tham gia các FTA đa phương và song phương.
Lâm Viên
Nguồn : VNTB, 14/01/2021