Đại hội 13 sẽ ‘không để lọt’ ?
Trân Văn, VOA, 23/01/2021
Tuần này, ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận – cơ quan chuyên tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam – khuấy động dư luận khi tuyên bố :Đại hội 13 sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội 12 (1).
Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có sẽ "không để lọt" trong Đại hội 13 ?
Những tuyên bố "không để… lọt" các cá nhân thuộc loại này, loại kia vào Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam không mới. Chẳng hạn ngoài tuyên bố của những nhân vật lãnh đạo đảng, năm ngoái, Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam khóa này còn ban hành một chỉ thị, chỉ đạo ngoài "không để lọt" còn phải làm gì để "không để lọt" (2).
Sở dĩ tuyên bố của ông Thông được thiên hạ chú ý và bàn luận vì xưa giờ, cả các nhân vật lãnh đạo đảng, lẫn các văn bản do những cơ quan lãnh đạo đảng ban hành về vụ "không để lọt" thường hết sức chung chung, dường như ông Thông là người đầu tiên lấy chính Đại hội 12 – Đại hội bầu ra những cá nhân đang lãnh đạo đảng – làm ví dụ đã để… lọt !
Trong một thư ngỏ gửi ông Thông qua Facebook, ông Nguyễn Ngọc Chu bảo rằng, vì điều ông Thông khẳng định(Đại hội 13 sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội 12) làm nhiều người trăn trở nên ông Chu thấy cần thiết phải trao đổi lại với ông Thông ít nhất là năm điều…
- Ông Thông có thể khen và đánh giá tốt về công tác nhân sự của Đại hội 13 nhưng không nên so sánh với Đại hội 12 rồi khẳng định : Đại hội 13 sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội 12 bởi đó là… vô tình đánh giá thấp công tác nhân sự của Đại hội 12.
- Trước Đại hội 12, trong Đại hội 12, không ai nói Đại hội 12 để lọt người không đủ tiêu chuẩn. Đến bây giờ, khi Đại hội 13 chưa khai mạc, chưa kết thúc, mà đã vội khẳng định : "Đại hội 13 sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội 12" – là nhận xét vội vã trước diễn biến của sự việc.
- Chưa nói đến các ủy viên trung ương sắp được bầu lần đầu, trong thành phần ủy viên trung ương của Đại hội 13, theo cơ cấu thì có hơn 120 ủy viên trung ương của Đại hội 12. Vậy trong số đó có sót lại những người không đủ tiêu chuẩn hay không ?
- Từ nhận định "Đại hội 13 sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội 12" sẽ khiến người ta liên tưởng : Liệu đến Đại hội 14 có lặp lại nhận định rằng "Đại hội 14 sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội 13" hay không ?
- Theo ông Nguyễn Viết Thông thì "Trung ương từng có đánh giá rằng, Đại hội 12 có tình trạng các đoàn vận động nên lá phiếu của các đại biểu đi dự chọn lựa chưa chính xác". Không biết đó có đúng là nhận định của "Trung ương" không nhưng đó quả thật là một đánh giá khác với thực tiễn của nhân loại.
Ông Chu giải thích thêm :"Vận động", hay "vận động hành lang" là chuyện kinh điển. Ví dụ, Việt Nam muốn là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam phải vận động để có phiếu ủng hộ của các nước. Ngày 7/6/2019 Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với 192/193 phiếu bầu. Nếu trước đó Việt Nam không vận động thì có thể không trúng cử.
Cũng vì vậy, theo ông Chu :Đã có bầu cử là có vận động. Đó là quy luật. Chỉ có hình thức thể hiện khác nhau. Vận động công khai hay vận động ngầm. Vận động bằng tài năng hay vận động bằng tiền bạc, trao đổi, mua chuộc, sức ép… Phương thức vận động phụ thuộc rất nhiều vào phương thức bầu cử. Không có cách nào chống được vận động trong bầu cử mà ngược lại, phải luật hóa việc vận động công khai, đưa ra các quy định loại trừ các phương thức vận động "bẩn". Một phương thức bầu cử khoa học, dân chủ, công khai sẽ loại trừ được phần lớn các phương thức vận động "bẩn". Đó mới là nhân tố quyết định không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn.
Ông Chu nhắc cả ông Thông lẫn mọi người :Tục ngữ Nga có câu "Sống sẽ thấy". Chúng ta sẽ kiểm nghiệm Đại hội 12 có để lọt người không đủ tiêu chuẩn hay không chỉ sau không quá 5 năm nữa…
Thư ngỏ của ông Nguyễn Ngọc Chu gửi ông Nguyễn Viết Thông qua Facebook có hàng ngàn người tán thành, hoặc là cười nhạo ông Thông. Thậm chí có người như Nhan Do Thanh huỵch toẹt :Đó là xu nịnh, xu thời. Đến Đại hội 14 sẽ có kẻ phê bình khiếm khuyết của Đại hội 13. Nếu nhân sự Đại hội 13 tốt đẹp thì chẳng phải giấu như mèo giấu…
Khánh Chu Quốc lưu ý :Bốn năm trước, ông Nguyễn Phú Trọng chính là người phụ trách Tiểu ban Nhân sự của Đại hội 12. Đến giờ có ba Ủy viện Bộ Chính trị bị kỷ luật vì những vi phạm trước khi có Đại hội 12, trong đó có người như ông Đinh La Thăng bị phạt tù. Giờ, cũng ông Nguyễn Phú Trọng phụ trách Tiểu ban Nhân sự, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13, không hiểu đến 2025, chuẩn bị cho Đại hội 14 có gì khác không ?
Hap Phan Van nêu một nhận xét khác : Tại sao khóa 12 để… lọt người không đủ tiêu chuẩn mà Ban chấp hành trung ương khóa 12 lại chọn nhân sự cho Ban chấp hành trung ương khóa 13, đã như vậy thì tại sao khẳng định khóa 13 không… để lọt người không đủ tiêu chuẩn ? Trứng rắn nước không thể nở ra thành chim đại bàng ! Đặng Quý Viết dự đoán :Chẳng cần chờ thêm bốn năm nữa, sau Đại hội là có hàng mới nhập kho thôi…
Bởi trước nay các Đại hội đảng luôn luôn được quảng bá là… thành công tốt đẹp nên Quoc Cuong Tran thắc mắc :Sao Đại hội 12 lại thế, phải luôn luôn tốt đẹp chứ ? Tien Le Dung than : Lần nào loa cũng phát "công tác nhân sự khoa học chọn lọc kỹ lưỡng"… nhưng chọn hoài không được người mà dân cần. Đại hội 12 có nhiều người bị kỷ luật như vậy thì phải nói thẳng công tác nhân sự không ổn. La Pham nhắc :Muốn biết thành công tốt đẹp thế nào, cứ nhìn thực trạng đất nước là biết.
Cứ đối chiếu các tuyên bố của những nhân vật lãnh đạo đảng, đặc biệt là những tuyên bố của ông Trọng, cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn do các cơ quan lãnh đạo đảng ban hành về việc "không để lọt", chắc chắn sẽ thấy ngay và thấy rất rõ, Đại hội 13 không thể để lọt Tổng bí thư đương nhiệm – người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính về nhân sự Ban chấp hành trung ương đảng khóa này – vào Ban chấp hành trung ương khóa tới.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/012021
Chú thích
(3) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2239653349501416
*********************
Nguyễn Phú Trọng còn ngồi đến bao giờ ?
Người Buôn Gió, 22/01/2021
Từ người đặc biệt của khóa 12 rồi đến người đặc biệt của đặc biệt ở khóa 13, Nguyễn Phú Trọng tự ghi mình vào danh sách tái cử chức tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam liên tiếp 3 khóa.
Nguyễn Phú Trọng tự ghi mình vào danh sách tái cử chức tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam liên tiếp 3 khóa.
Đứng đầu bộ chính trị, là trưởng ban quy hoạch chiến lược cán bộ, trưởng tiểu ban nhân sự 13. Ông Trọng thản nhiên xếp ghế cho mình trong bữa họp cuối cùng của trung ương đảng khóa 13, hội nghị trung ương 15 do chính ông chủ trì có hơn một ngày.
Không cho phép ai được bàn tán, ông xướng tên mình đứng đầu rồi kết thúc hội nghị.
Sinh năm 1944, đến năm 2021 ông Trọng 77 tuổi. Ông không thể một mình đi trọn 5 bậc thang lên bục cao của phòng họp lớn của trung tâm hội nghị quốc gia, nơi sẽ diễn ra Đại hội đảng cộng sản Việt Nam vào mấy ngày tới đây.
Không có thước phim nào gần đây cho thấy ông có thể tự đi một mình trong quãng đường 5m. Đoạn clip mới nhất hôm qua về ông trong buổi phong quân hàm thượng tướng cho Nguyễn Tân Cương và Võ Minh Lương, chỉ thấy ông đứng im một chỗ, bàn tay trao giấy phong quân hàm run rẩy. Chỉ có trong buổi nhận quốc thư của đại sứ Iran, Phi Luật Tân ông có chiếu cảnh ông đi 4 bước nhưng run rẩy vịn bàn.
Điều lệ đảng quy định không ai được làm tổng bí thư liên tiếp 3 nhiệm kỳ, ông cho đàn em phát biểu vì ông là đặc biệt nên có thể bỏ qua điều lệ đảng.
Điều lệ đảng là luật của đảng, đảng lãnh đạo đất nước, kêu gọi người dân chấp hành luật pháp. Nhưng người đứng đầu đảng còn thản nhiên đạp lên luật của đảng.
Góp sức lớn nhất để cho Nguyễn Phú Trọng đạp lên điều lệ đảng chính là Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang.
Vào năm 2016 ông Nguyễn Tấn Dũng được phiếu tín nhiệm cao nhất trong trung ương và quốc hội, ông Trương Tấn Sang cũng gần như vậy. Cả hai ông đều khỏe mạnh, hai ông đều làm đơn xin rút theo độ tuổi quy định. Cái này đáng khen cho hai ông đã chấp hành đúng điều lệ đảng, việc Đại hội có đề cử hai ông ở lại không tính sau, trước mắt làm đúng quy trình.
Thế nhưng cả hai ông lại làm một điều mà các ông biết rõ là trái với quy định độ tuổi, đó là cả hai ông Dũng và Sang đều ký vào giấy do ông Trọng đưa ra, đó là giấy giới thiệu ông Trọng tái cử khóa 12 chức danh tổng bí thư với lý do trường hợp đặc biệt.
Được đà 5 năm sau đến Đại hội 13, ông Trọng thể hiện cho đám đàn em lứa sau của ông Dũng và ông Sang biết rằng.
- Với các đàn anh lớp trước của chúng mày, tao còn là đặc biệt thì với bọn hậu sinh như bọn mày, tao phải là đặc biệt của đặc biệt hay là siêu đặc biệt.
Trung ương những tưởng bỏ phiếu tín nhiệm cho ai cao nhất sẽ là người duy nhất đặc biệt ở lại, ông Nguyễn Xuân Phúc được tín nhiệm cao nhất, con số 95%. Ông Trọng thua xa chỉ được 82%. Thế là ông Trọng đặt luôn ra 2 trường hợp đặc biệt. Một cho người được tín nhiệm cao nhất và một cho ông.
Nếu như ông được tín nhiệm cao nhất, có lẽ báo chí đã tung hộ ông ngất trời, nào là được tín nhiệm cao như thế chứng tỏ lòng người rất đặt niềm tin cao vào ông. Nhưng do phiếu tín nhiệm ông được thấp quá, mà cố tình ở lại ngồi chiếm ghế, báo hại bọn bồi bút phải lấy dẫn chứng bên trời Tây, từ cổ kim để nói rằng 77 tuổi vẫn làm lãnh đạo được.
Báo chí bưng bô lừa bịp người đọc, người ta hơn 70 tuổi ra tranh cử làm lãnh đạo, khác với làm lãnh đạo cao nhất liên tiếp từ khóa này sang khóa khác. Lãnh đạo liên tiếp như thế chỉ có ở nước độc tài, so với kiểu lãnh đạo hai nhiệm kỳ ở nước dân chủ sao được.
Người ta hơn 70 tuổi mới ra làm thừa tướng như Khương Tử Nha, cái tài lúc đó thiên hạ mới thấy vì trước kia ông ta ở ẩn khiến người ta không thấy.
Thế còn ông Trọng có tài như Khương Tử Nha không ?
Ông có hơn 20 năm thâm niên làm uỷ viên Bộ Chính Trị, nếu hẳn ông có tài thì tài năng của ông đã bộc lộ rực rỡ từ trước kia rồi, sao đến 77 tuổi bỗng nhiên tài năng nở rộ như vĩ nhân, lão thần đồng vậy ?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Ảnh : Vũ Toàn)
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ khen Nguyễn Phú Trọng trên VOV như sau.
- Là một nhà văn tuổi già sức yếu, không còn tham vọng cống hiến gì hơn nữa cho nhân dân, Tổ quốc, tôi chỉ còn có thể phát biểu, hết sức ủng hộ Đảng, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những hành động cụ thể, mang hiệu ứng xã hội rất lớn.
Thật không có gì mỉa mai hơn lời khen ngợi này, Nguyễn Văn Thọ kém Nguyễn Phú Trọng đến 4 tuổi mà xưng là già yếu, thế ai là người khỏe ?
Nguyễn Văn Thọ không còn tham vọng cống hiến thì ai là kẻ còn tham vọng ?
Nguyễn Văn Thọ có 3 vợ, vợ thứ ba trẻ hơn Thọ đến vài chục tuổi, cách đây vài năm còn sinh cho Thọ một thằng bé trai.
Sinh lý cường tráng đến vậy mà Thọ nói mình tuổi già sức yếu và ủng hộ Nguyễn Phú Trọng, kẻ già hơn, bệnh tật hơn Thọ nhiều lần.
Vậy mà Nguyễn Phú Trọng tin đó là lòng dân, tin đó là lời nói thật, đó là tâm nguyện của nhân dân cả nước để ông ta tiếp tục tham vọng ngồi lại ghế tổng bí thư khi đã 77 tuổi.
Cùng dân học văn như Thọ, Trọng không hiểu được cái thâm ý của Thọ rằng, tao trẻ hơn mày, vẫn còn giường chiếu được mà còn không tham vọng cống hiến gì, mày nên về nhường cho người khác cống hiến thì hơn.
Ý của Thọ thâm, tưởng rằng Trọng có lòng tự trọng. Nhưng Trọng cao đòn hơn, biến lời khen đểu ấy thành khen thực.
Lời khen của Thọ được Nguyễn Thế Kỷ cho đăng trên VOV vào năm 2017, giai đoạn mà người ta đồn ông Trọng sẽ về giữa nhiệm kỳ 12 giao chức lại cho người kế cận.
Chẳng lẽ 4 triệu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam trải qua từng ấy năm mà không tìm ra được người tài để thay thế một lão già sắp 80 tuổi, cái đảng cs này đến hồi mạt rồi sao ?
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 22/01/2021
*********************
Đại hội 13 : Sẽ không có "bất ngờ", nhưng tập trung quyền lực càng cao, chuyển giao càng thách thức
TS. Phạm Quý Thọ, RFA, 21/01/2021
Sau nhiều hội nghị trung ương về công tác cán bộ đảng, Hội nghị 15 là cuối cùng của khóa 12 đã kết thúc chóng vánh với một ngày rưỡi làm việc sau khi đã xác định được "các trường hợp đặc biệt" tham gia Ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ 13, trong đó có dự kiến "tứ trụ" : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch Quốc hội. Theo thông lệ, Đại hội Đảng toàn quốc 13, được tổ chức vào 25/1/2021 và Quốc hội khóa 15, dự kiến vào nửa năm sau, sẽ chính thức hóa về nhân sự lãnh đạo cao cấp và hợp pháp hóa các chức danh nhà nước theo cách "đảng cử, dân bầu".
Reuters
Sau những "bất ổn" của Đại hội 12 quyền lực đã tập trung cao độ vào Tổng bí thư như hiện nay. "Bất ngờ" khó có thể xảy ra tại Đại hội 13, những "băn khoăn" về tiêu chuẩn hay quy chế sẽ được biện minh, tuy nhiên thực tế vận hành chế độ đảng toàn trị cho thấy khi tập trung quyền lực càng cao, chuyển giao càng thách thức.
Điều sẽ được biện minh
Thông thường, dư luận chung chỉ quan tâm "bất ngờ" đối với danh sách "tứ trụ" dự kiến bởi Ban Chấp hành khóa trước trình trong Đại hội nhưng không được đồng thuận. Theo thông tin rò rỉ chức danh Tổng bí thư sẽ do ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dự kiến là Chủ tịch nước. Đây là hai trường hợp đặc biệt vừa được giới thiệu. Chức danh Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội sẽ do hai ông Phạm Minh Chính, đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Vương Đình Huệ, đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội, những người còn đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Trưởng Ban tổ chức Phạm Minh Chính. Reuters
Đảng hoạt động theo Điều lệ và các nhà phân tích chính trị cho rằng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cần giải thích về "trường hợp đặc biệt", khi ông Nguyễn Phú Trọng người đã nắm giữ chức vụ Tổng bí thư hai khóa 11 và 12, bởi vì trong Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam hiện hành do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011, tại Điều 17 quy định : "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp". Sẽ luôn có lý do trong những tình huống "cấp bách". Hơn thế, Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 về quy chế bầu cử trong đảng đảm bảo cho ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tại vị ở nhiệm kỳ 3. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng được nhiều đại biểu tham dự Đại hội 12 giới thiệu, nhưng ông vẫn phải rút lui, không thể phá vỡ các quyết định tập thể lãnh đạo về nhân sự đảng.
Tuy nhiên, vấn đề là liệu có phương án chỉnh sửa, bổ sung Điều lệ khi "các trường hợp đặc biệt" xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những nhiệm kỳ gần đây ?
Các đại biểu đảng
Theo thông báo từ ông Trưởng Ban Đối ngoại trung ương, Đại hội 13 sẽ có 1.587 đại biểu (tham dự, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên, trong đó, đại biểu đương nhiên là 191 (các ủy viên trung ương Đảng đương nhiệm), chiếm tỷ lệ 12,03% ; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 1.381 (87,01%) ; đại biểu chỉ định là 15 (0,94%)…
Gắn với thực tế chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng trong nhiệm kỳ, họ đa số là những đảng viên được "sàng lọc" từ các Đại hội cấp tỉnh, thành phố và tương đương vừa kết thúc vào tháng cuối tháng 10/2020 và các ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 còn lại, trừ những kẻ bị "khai trừ" do bị phát hiện về suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống và vi phạm pháp luật.
Tranh quảng bá cho Đại hội 13 ở một triển lãm ở Hà Nội hôm 19/1/2021. Reuters
Trong nhiệm kỳ 12 ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn "trăn trở" về cán bộ đảng. Theo Cương lĩnh và Điều lệ đảng các đảng viên là đội ngũ "tiên phong", được liên kết bởi lý tưởng cộng sản, sẵn sàng chấp nhận hệ thống giá trị, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và "kiên định" với nó, tuyệt đối trung thành với đảng và phục tùng cái kỉ luật toàn trị, và "hy sinh lợi ích cá nhân" vì đảng… Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" và bị cám dỗ bởi quyền và tiền, không phải chỉ là lãnh đạo đảng viên cấp thấp, mà cả những "đồng chí" cấp cao cùng ông trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương… Ông đã từng nêu nghi vấn : "Đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bền ngoài che đậy cái sơ sài bên trong".
Chưa thể đồng thuận về người kế vị ông có lẽ là một trong những lý do ông được Hội nghị trung ương 15 khóa 12 tiếp tục giới thiệu với cương vị Tổng bí thư để bầu tại Đại hội 13.
Chính sách dở dang
Kết quả bầu tại Đại hội, không thể khác trong cơ chế, được dự đoán trước, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba là Tổng bí thư.
Điều mà giới phân tích chính trị quan tâm là những chính sách, đặc biệt là chống tham nhũng và chỉnh đốn nội bộ mà ông đã phát động, nhưng còn dở dang, được tiếp tục như thế nào. Ngoài ra, việc tìm người kế nhiệm ông cũng phức tạp với cơ chế tập thể lãnh đạo. Họ suy đoán rằng ai sẽ là Tổng bí thư kế tiếp với những rủi ro có thể.
Lý thuyết về khoa học chính trị của Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith đã chỉ ra quy tắc chính trị thực sự cho các nhà cai trị là : các nhà lãnh đạo làm bất cứ điều gì để họ duy trì quyền lực. Cách thức mà quy tắc vận hành được khái quát như sau : không "vị vua" nào cai trị một mình mà cần phải có những "chiếc chìa khoá" giúp việc. Chìa khóa đến quyền lực là một vị trí quyền lực. Bởi vậy, trước hết, phải kéo những chìa khóa về phe bạn, sau đó phải kiểm soát nguồn lực, "quyền và tiền" để giữ họ ủng hộ và trung thành với bạn, và đồng thời cần loại bỏ những "chiếc chìa khoá" không tuân lệnh.
"Ngồi trên ngai vàng để cai trị thì ngai vàng sẽ cai trị bạn".
Thực tế vận hành chế độ cộng sản toàn trị cho thấy càng nắm giữ quyền lực lâu, quyền lực càng tập trung thì việc chuyển giao quyền lực càng trở nên thách thức.
Chế độ theo đuổi quyền lực, nhân dân ở đâu ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 21/01/2021