Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/01/2021

Đảng hội XIII : vẫn ù lì cộng sản và phản dân chủ

Phạm Trần

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn ngựa quen đường cũ khi ra lệnh "phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh", "tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng" và "tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực"…

Ông Trọng đã tuyên bố như thế tại buổi khai mạc Đại hội toàn quốc XIII của Đảng cộng sản Việt Nam từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021.

trong1

Nhưng ba nhiệm vụ này không mới vì đã liên tục được Bộ Chính trị do ông Trọng cầm đầu thúc đẩy học tập và thực hành trong suốt 5 năm của khóa Đảng XII. Tuy nhiên, một số không nhỏ đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo từ cở sở lên trung ương đã quay lưng để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong tư tưởng chinh trị. Họ không còn coi chủ nghĩa cộng sản là cứu cánh đưa Việt Nam thoát khỏi lạc hậu để vươn lên xây dựng phú cường. Nhiều người đã công khai bài bác Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh lỗi thời, đi ngược lại tiến hóa của nhân loại. Một số không nhỏ khác cũng đã nghiêm khắc lên án đảng tiếp tục chống đổi mới chính trị để xóa đi chế độ "đảng cử dân bầu".

Trong 5 năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội và ngành Công an tổ chức nhiều hội nghị, mạn đàm và học tập chống suy thoái chính trị vì sợ Đảng tan.

Vì vậy, trong diễn văn "Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII" sáng ngày 26/01/2021, ông Trọng đã cao giọng chỉ đạo :

"Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định đường lối đổi mới của Đảng ; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động".

Như vậy, nếu so với các kỳ đại hội đảng trước thì có khác gì đâu. Từ thời ông Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư khóa VI, qua Đỗ Mười (khóa VII), Lê Khả Phiêu (khóa VII), Nông Đức Mạnh 2 khóa IX và X, sang tới ông Nguyễn Phú Trọng 2 khóa XI và XII, tổng cộng 35 năm, chế độ cộng sản Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, dù thế giới đã thay đổi và vươn lên cao.

Tham nhũng muôn năm

Bước sang lĩnh vực chống quốc nạn lãng phí, tham nhũng thì khi nào tình hình cũng "vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi", mặc dù chủ trương chống tham nhũng tận gốc từng được ông Trọng chỉ đạo trong mô thức gọi là "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế". Ông nói : "Không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Như tôi đã nói là phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp" (báo Điện tử đảng, 29/11/2017)

trong2

Vì vậy, với trách nhiệm là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, ông Trọng đã phát động phong trào "đốt lò" từ năm 2017. Theo tổng kết từ năm 2013 đến 2020, đảng đã kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng người là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, bốn Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Nổi bật trong số này là Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đã bị ngồi tù.

Bốn lãnh đạo chủ chốt

Tuy nhiên, vì chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam khi nào cũng chỉ "tiến được một bước" cho nên ông Nguyễn Phú Trọng mới nói tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 rằng : "Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài ; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực…" (Nhân Dân, 12/12/2020).

Có lẽ vì tình trạng tham nhũng và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đang đe dọa sự sống còn của chế độ nên Ban Chấp hành Trung ương XII đã không muốn thay ngựa giữa đường và muốn ông Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ ba cho mọi người yên tâm.

trong3

Nếu danh sách "tứ trụ" đúng nnw rò rit thì không có ai là người gốc miền Nam trong hàng ngũ lãnh đạo mới

Nhưng ông Trọng lại thuộc "trường hợp đặc biệt" vì đã 77 tuổi và đã làm Tổng bí thư 2 nhiệm kỳ (2011-2021). Điều lệ đảng chỉ cho phép làm 2 nhiệm kỳ. Nhưng vì trong số nhân sự cấp cao trong đảng hiện nay không ai có uy tín hơn ông Trọng nên họ đã đồng thanh yêu cầu ông tái cử vào Ban Chấp hành XIII và Bộ Chính trị, sau đó được Hội nghị Trung ương 15, khóa XII chọn là ứng viên Tổng bí thư duy nhất của khóa đảng XIII.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương XIII phải đổi Điều lệ, hay thông qua một Nghị quyết để ông Trọng có thể giữ thêm nhiệm kỳ nữa.

Việc ông Trọng ở lại không gây ngạc nhiên, nhưng ai là người thay thế khi ông, có thể chỉ giữ Tổng bí thư đến giữa nhiệm kỳ (2021-2026) ? Nhân vât được nói đến nhiều trước ngày Đại hội đảng XIII là ông Trần Quốc Vượng, Bí thư thường trực Trung ương, 67 tuổi, quê ở Thái Bình, cánh tay mặt của ông Trọng, đột nhiên không được nhắc đến trong danh sách dự trù 4 Lãnh đạo then chốt.

Ngược lại, người thứ hai thuộc "trường hợp đặc biệt" được đặt vào vi trí Chủ tịch nước tương lai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 66 tuổi, quê Quảng Nam. Chức Thủ tướng dự trù vào tay ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, 62 tuổi, quê Thanh Hóa.

Trong khi, vẫn theo tin rò rỉ từ bên trong thì ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành phố Hà Nội sẽ làm Chủ tịch quốc hội thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông Huệ 63 tuổi, quê Nghệ An.

Người miền Nam vắng mặt và áp lực Trung Quốc gia tăng

Nếu danh sách "tứ trụ" này đúng thì không có ai là người gốc miền Nam trong hàng ngũ lãnh đạo mới, kể từ năm 2016, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và nghỉ hưu.

Cũng không có phụ nữ nào được để cử ở cấp lãnh đạo cao nhất.

Một ngạc nhiên khác là vai trò của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng lu mờ trước Đại hội XIII. Ông Minh, 61 tuổi, quê Nam Định, con cố Ngoại trưởng nổi tiếng Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương), đã giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2011. Có tin nói ông được điều sang làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Nếu đúng thì đây là hành động bị giáng cấp vì chức Phó ở Quốc hội chỉ ngồi chơi xơi nước là chính.

Nhưng cũng không thể loại bỏ có áp lực của Trung Quốc mà ông Nguyễn Phú Trọng phải nhượng bộ vì ông Minh, giống như cha ông, có lập trường chống Trung Quốc trong âm mưu khống chế Việt Nam và chiếm đóng biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Cố Ngoại trướng Nguyễn Cơ Thạch đã bị Trung Quốc làm áp lực với Tổng bí thư Đỗ Mười, loại ra khỏi Bộ Chính trị khóa đảng VII và mất luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Vì vậy, ông Thạch được nói đã phàn ứng : "Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu !".

Có mị dân không ?

Bên cạnh những câu nói đao to búa lớn, ông Trọng không quên cho dân ăn những chiếc bánh vẽ mơ hồ, không có dữ liệu và bằng chứng khoa học cụ thể, trong diễn văn của ông.

Ông đã phát họa cái bánh vẽ lớn gọi là "những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới :

- Đến năm 2025 : Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030 : Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045 : Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ông Trọng cho biết trong số "các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới", trong đó có vấn đề mới, đó là :

"Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân ; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội…"

Nhưng cái gọi là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" là gì, có phải là thứ "dân chủ của đảng, do đảng và vì đảng" hay dân chủ giả tạo để lừa bịp dân ?

Bằng chứng, thêm lần nữa ông Nguyễn Phú Trọng lại hô hoán thông điệp đã biết rồi khổ lắm nói mãi, đó là "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ". Và, trong số những điều gọi là "mối quan hệ mới được bổ sung lần này", theo ông Trọng, là "mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội".

Nhưng tại sao đã "dân chủ", nghĩa là dân phải làm chủ thì ai cho phép Đảng và Nhà nước được "tăng cường pháp chế" lên quyền làm chủ đất nước và bản thân của dân ?

Tất nhiên thứ lý luận con vẹt này không phải của ông Trọng mà do Hội đồng Lý luận Trung ương viết cho ông đọc. Hội đồng này, như truyền thống từ xưa đến nay, là cơ quan soạn Tài liệu và các Dự thảo văn kiện để trình ra trước mỗi Đại hội đảng. Kỳ này cũng không khác.

Hãy đọc thêm "những quan hệ" giáo điều, cực đoan và bảo thủ của những cái đầu đất sét trong Hội đồng Lý luận Trung ương để thấy nó loạn cào cào như thế nào :

Ông Trọng nói :

"Chúng ta cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn : giữa đổi mới, ổn định và phát triển ; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa ; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ; giữa nhà nước, thị trường và xã hội ; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế…

Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện".

Tiếp tục hô hào không ngừng nghỉ...

Nhưng ông Trọng không ngừng tại đây mà còn hô tiếp :

- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

- Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

- Thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

- Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước.

- Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức.

Chống "dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức" là điều chí lý, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng hãy sờ lên gáy xem Đảng và Nhà nước đã cho dân ăn bánh vẽ về các quyền dự do, dân chủ, dù đã ghi trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 như thế nào ?

Bằng chứng cụ thể là Điều 25 Hiến pháp viết : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Nhưng dân không được ra báo, dù Luật Báo chí không cấm. Cũng không có bất cứ luật nào cấm dân lập hội mà vẫn bị cấm, chưa cần nói đến lập đảng chính trị đối lập. Cũng không có luật cấm dân biểu tình mà khi biểu tỉnh, dù bất bạo động chống Trung Quốc, cũng bị đàn áp, bắt tù. Trong khi nhà nước cộng sản Việt Nam lại trì hoãn ít nhất 4 lần, hay rút lại những Dự luật trình ra Quốc hội liên quan đến hai quyền lập hội và biểu tình.

Ngoài ra, Đảng cũng đã tự tung tực tác cho mình ngôi vị lãnh đạo dân, dù chưa bao giờ có phép hay bỏ phiếu của dân. Đảng tự viết trong Điều 4 Hiến pháp :

"Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Như vậy, những gì ông Trọng nói trong Diễn văn mở đầu Đại hội đảng XIII, chẳng qua cũng chỉ là bản cũ sao lại. Ông tự khoe đó là "đường lối mới", nhưng toàn chuyện cũ được nhắc lại. Tuyệt nhiên không có tư duy mới, không có những đột phá vươn lên của một đất nước chậm tiến, lạc hậu. Ngược lại toàn là hy vọng và kỳ vọng vào những hứa hẹn không có cơ sở khoa học vững vàng.

Những tăng trưởng mơ hồ tự vẽ từ 2025 đến 2045 với mức "thu nhập trung bình thấp ; thu nhập trung bình cao ; thu thập cao" cho cả nước chẳng qua chỉ là bài toán do những cái đầu ảo tưởng trong Hội đồng Lý luận Trung ương chế ra, đặt trên nền tảng triển kinh tế cầu âu.

Do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu Đảng XIII lại sản sinh ra đội ngũ lãnh đạo 4 người chủ chốt không có định hướng cho ngày mai.

Phạm Trần

(28/01/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 643 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)