Vì sao Phạm Minh Chính làm thủ tướng ?
Người Buôn Gió, 25/01/2021
Thủ tướng khóa 12 Nguyễn Xuân Phúc được phiếu tín nhiệm cao nhất, ông hoàn toàn tiếp tục thêm một nhiệm kỳ thủ tướng nữa nếu như ông trong những trường hợp đặc biệt ở lại.
Ngày 24/01/2018 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Trần Hy bắt tay thân mật. (Ảnh : Vĩnh Hà/TTXVN)
Nhưng thật lạ, ông được sắp chân chủ tịch nước và thay thế ông làm thủ tướng là trưởng ban tổ chức trung ương, nguyên trung tướng công an Phạm Minh Chính.
Giải thích về việc ông Chính làm thủ tướng khóa 13, nhiều người cho rằng giải pháp này cũng tốt vì ông Chính có uy và quyết đoán, ông từng học ở nước ngoài và có thành tích khi phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh thời ông làm bí thư.
Theo chủ quan nhận định của tôi, thì việc sắp xếp thủ tướng lần này còn liên quan đến một số chuyện khác.
Thứ nhất là cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Nếu ông Trump tái cử, việc ông Phúc làm thủ tướng tiếp tục sẽ dễ xảy ra hơn. Thời kỳ ông Trump làm tổng thống nhìn chung có những chính sách khá lợi cho Việt Nam từ chủ quyền đến kinh tế (ngoại trừ vấn đề dần chủ). Ông Phúc có thái độ rất nồng nàn khi tiếp xúc với ông Trump, có thể ông Trump không nhớ rõ mặt ông Phúc thế nào. Nhưng khi có công việc với Việt Nam, cấp dưới ông Trump trình rằng thủ tướng Việt Nam đã từng thái độ thế nào khi tiếp xúc với ông Trump, ít nhiều đó là một điểm khiến ông Trump thiện cảm với chính phủ Việt Nam hơn.
Ông Trump thất cử và chính quyền Mỹ rơi vào tay đảng Dân chủ. Khỏi nói ai cũng thấy 8 năm nước Mỹ dưới thời Obama lép vế Trung Quốc thế nào. Nhiều người còn cho rằng Obama và đảng Dân chủ đã đi đêm, đã thỏa hiệp ngầm với Trung Quốc, để mặc Trung Quốc thao túng và phát huy ảnh hưởng một phần lớn khu vực trên thế giới. Không biết ông Biden có khác ông Obama không, nhưng từ đảng Dân chủ và được Obama hậu thuẫn, khó có thể nói ông Biden sẽ khác biệt với những gì Obama đã làm với Trung Quốc.
Nếu Biden tiếp tục đường lối của Obama, để mặc cho Trung Quốc ngự trị khu vực. Việc Đảng cộng sản Việt Nam đưa Phạm Minh Chính lên làm thủ tướng (hoặc Trung Quốc đề nghị) là một giải pháp phù hợp. Ông Chính thời làm bí thư Quảng Ninh có nhiều quyết định, thái độ được lòng Trung Quốc. Ông còn nói khi sang Trung Quốc là như được về nhà.
Ở Việt Nam thân Mỹ bị gọi là bán nước, thân Tầu cũng bị gọi là bán nước.
Một lần nữa, vẫn theo nhận định chủ quan của tôi, việc ông Chính thân Tầu lần này cần phải bước qua khái niệm bán nước để nhìn nhận sự việc theo chiều hướng khác.
Nếu một nước Mỹ do đảng Dân chủ nắm, bị Trung Quốc khống chế, phải đi đêm với Trung Quốc như thời Obama thì liệu Việt Nam đưa người thân Mỹ làm thủ tướng thì có ích gì ?
Chả ích lợi mẹ gì. Thà tự mình làm điếm không qua bọn ma cô, tú bà chăn dắt còn hơn, ít ra không bị bớt giá. Ít ra khách làng chơi nó không phải thỏa thuận qua bọn ma cô, tú bà.
Đó chính là lý do mà Đảng cộng sản Việt Nam chần chừ chúc mừng Biden muộn hơn nhiều nước khác, cũng như Đảng cộng sản Việt Nam sắp xếp nhân sự đến giờ chót và đột ngột đưa Phạm Minh Chính, một người được Trung Quốc có thiện cảm lên làm thủ tướng khi thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã có kết quả.
Những thành tích phát triển kinh tế ở Quảng Ninh do ông Chính quan hệ với Trung Quốc mà có, chắc sẽ là tinh thần được áp dụng phổ biến cả nước trong những năm tới đây. Trong xu hướng toàn cầu hóa mà Đức, Pháp, Mỹ... đều theo đuổi, Trung Quốc có phần được lợi nhất. Cứ đà quốc tế theo quan hệ chiến lược vậy, chả mấy chốc Trung Quốc sẽ là bá chủ ngầm thực sự của thế giới và bá chủ công khai của khu vực. Việt Nam dựa hơi Dân chủ Mỹ mà đối đầu Trung Quốc là chơi một canh bạc quá nguy hiểm, có thể bị bán đứng bất cứ lúc nào.
Chẳng thà làm chư hầu cho Trung Quốc, phục vụ cường quốc công nghiệp này bằng cách tạo những điểm ăn chơi, du lịch, nghỉ dưỡng, bến cảng làm dịch vụ xuất nhập hàng hóa, nguyên liệu cho Trung Quốc, làm nông phu tập trung sản xuất nông nghiệp rau củ quả cung cấp phục vụ cho Trung Quốc.
Chỉ có hai cái khó là chủ quyền biển đảo và hợp đồng mua bán, đầu tư phải được tuân thủ nghiêm chỉnh hai bên cùng có lợi. Cái thứ nhất thực sự là khó, không biết giải pháp thế nào. Còn cái thứ hai về việc cung cấp dịch vụ, mua bán hàng hóa thì chắc ông Phạm Minh Chính sẽ làm được.
Lựa thời thế mà sống thôi, thời ông Trump cầm quyền, biển đảo Việt Nam ít nhiều đỡ nguy ngập hơn, tuy dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn hớt váng được từ chiến tranh kinh tế Mỹ Trung. Kim ngạch xuất khẩu Mỹ vẫn tăng vùn vụt, viện trợ cũng tăng, mặc dù ông Trump đe dọa xử Việt Nam vì thâm hụt thương mại, về lũng đoạn tỷ giá... nhưng ông ấy chẳng làm gì để trừng phạt cả.
Đừng chửi khóa 13 Việt Nam thân Trung Quốc, bởi như đã nói, đảng Dân chủ Mỹ cầm quyền cũng thân với Trung Quốc bên trong, giả bộ chống đối bên ngoài. Việt Nam chọn bộ sậu thân Trung Quốc cũng là phù hợp với tình hình quốc tế.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio, 25/01/2021
********************
Đại hội 13, vấn đề nhân sự và dấu hỏi về Điều lệ Đảng
Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu quốc tế, 25/1/2021
Khi Đảng cộng sản Việt Nam triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 vào tuần này, Đảng sẽ phải quyết định một vấn đề quan trọng : đề cử các lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước. Thế nhưng, mọi thứ đã có một bước ngoặt bất ngờ, làm phức tạp thêm vấn đề ai sẽ là nhà lãnh đạo có tiếng nói cao nhất ở Việt Nam trong 5 năm tới.
Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng chính phủ tham dự Đại hội 13 - Ảnh minh họa
Trước thềm đại hội, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 của Đảng cộng sản Việt Nam đã họp vào giữa tháng 1 để thông qua danh sách đề cử cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Thông tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ Hội nghị cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Trung ương Đảng ủng hộ tiếp tục nắm giữ chức tổng bí thư, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề cử làm tân chủ tịch nước.
Điều này khiến hầu hết các nhà quan sát Việt Nam ngạc nhiên. Việc cả ông Trọng, 77 tuổi, và ông Phúc, 67 tuổi, được ủng hộ tiếp tục ở lại trong nhiệm kỳ mới có nghĩa là sẽ có hai "trường hợp đặc biệt" được miễn trừ giới hạn độ tuổi. Điều này đi ngược lại thông lệ chỉ có một "trường hợp đặc biệt" dành cho vị trí tổng bí thư.
Một điều bất ngờ khác là việc ông Phạm Minh Chính, hiện là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, được đề cử giữ ghế Thủ tướng, trong khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được đề cử giữ chức Chủ tịch quốc hội. Việc thăng chức cho ông Chính đi ngược lại truyền thống của đảng là dành ghế thủ tướng cho một trong các phó thủ tướng của nhiệm kỳ trước. Sự vắng mặt của các chính trị gia miền Nam trong nhóm "Tứ trụ" cũng có nghĩa là Đảng cũng sẽ bỏ qua một quy tắc quan trọng khác : duy trì sự cân bằng vùng miền trong bộ máy lãnh đạo cấp cao.
Tuy nhiên, không có quyết định nào gây chú ý bằng việc Ban chấp hành Trung ương Đảng tán thành việc đề cử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bên cạnh vấn đề tuổi cao, sức yếu, Điều lệ Đảng cũng quy định "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp". Do ông Trọng đang trong nhiệm kỳ thứ hai và đảng chưa công bố bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về việc sửa đổi Điều lệ Đảng, đa phần các nhà quan sát trước đây cho rằng ông sẽ phải từ bỏ chức vụ tổng bí thư.
Liệu Đại hội Đảng có thông qua các dàn xếp trái thông lệ như trên hay không vẫn còn phải chờ xem. Nhưng quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng về trường hợp Tổng bí thư Trọng đặt ra hai câu hỏi quan trọng : Tại sao Đảng muốn ông tiếp tục tại vị ? Và làm thế nào Đảng có thể thực hiện thành công ý định này mà không mở "Chiếc hộp Pandora" vốn có thể làm phức tạp thêm vấn đề chuyển giao lãnh đạo trong tương lai ?
Ông Trọng được cho là không có ý định nắm quyền vô thời hạn. Ông đã đôi lần đề cập mong muốn nghỉ hưu do vấn đề tuổi cao sức yếu, đặc biệt là sau khi ông bị đột quỵ vào năm 2019. Hơn nữa, nếu ông có ý định trở thành một nhà lãnh đạo tham quyền cố vị, ông đã dàn xếp việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong Điều lệ Đảng sớm hơn.
Thay vào đó, một lý do hợp lý hơn là Đảng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một ứng viên phù hợp có thể kế nhiệm ông. Có ba ứng cử viên tiềm năng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ông Trọng được cho là ủng hộ ông Vượng làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với ông Vượng trong Ban chấp hành Trung ương Đảng khá mỏng và ông chưa xây dựng đủ thẩm quyền, uy tín cá nhân để có thể giành được lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh của mình.
Do đó, những người ủng hộ ông Trọng muốn ông tiếp tục lãnh đạo đảng ít nhất một vài năm nữa để duy trì sự ổn định và đoàn kết nội bộ trước khi họ có thể tìm được một ứng cử viên phù hợp hơn kế nhiệm ông.
Mặc dù vậy, giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí tổng bí thư vẫn là một trở ngại lớn cho kế hoạch của họ. Một số quan chức cấp cao của Đảng đã đề xuất Đảng không nên sửa đổi điều lệ mà thay vào đó nên coi nhiệm kỳ thứ ba của Tổng bí thư Trọng như một ngoại lệ đặc biệt, duy nhất. Có lẽ mối quan ngại cơ bản của họ là việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ sẽ mở ra tiền lệ xấu và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các lãnh đạo chuyên quyền trong tương lại, điều sẽ đe dọa sự ổn định chính trị của đất nước. Quan trọng hơn, nếu các đại biểu tại Đại hội 13 từ chối thông qua việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ, kế hoạch để ông Trọng ở lại sẽ thất bại, tạo nên một cuộc khủng hoảng lãnh đạo đối với Đảng.
Nhưng đề xuất cho phép Tổng bí thư Trọng ở lại nhiệm kỳ ba mà không sửa Điều lệ Đảng cũng rất có vấn đề. Sự lãnh đạo của ông sẽ bị coi là không chính danh, làm tổn hại uy tín của Đảng và bản thân ông Trọng, người từ lâu luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và quy trình trong công tác đảng và nhà nước.
Một lối thoát khả dĩ có thể cân bằng được các vấn đề trên là Đảng có thể vẫn giữ nguyên giới hạn hai nhiệm kỳ đối với vị trí tổng bí thư nhưng bổ sung thêm một điều khoản là "trường hợp ngoại lệ do Đại hội Đảng toàn quốc quyết định". Một giải pháp như vậy sẽ cho phép duy trì cơ chế kiểm soát tham vọng quyền lực cá nhân của các nhà lãnh đạo trong tương lai và do đó có khả năng được các đại biểu dự Đại hội dễ dàng thông qua hơn. Đồng thời, quy định này cũng sẽ mang lại cho Đảng sự linh hoạt cần thiết để xử lý các trường hợp bất thường hiếm gặp như quyết định gia hạn thêm một nhiệm kỳ thứ ba cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc có một đội ngũ lãnh đạo mới có năng lực và kinh nghiệm là điều cần thiết để Việt Nam có thể đối phó được với các thách thức tương lai như duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn do Covid-19 gây ra, chống tham nhũng, hay vượt qua các khó khăn xuất phát từ gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Do đó, các quyết định nhân sự được đưa ra tại Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, dù trái thông lệ hay không, cũng sẽ có tác động quan trọng đối với triển vọng kinh tế, chính trị và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/01/2021
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Straits Times.
***********************
Đại hội 13 – Vở kịch ngàn tỷ
Thu Thủy, Thoibao.de, 25/01/2021
Những ngày qua truyền thông trong nước hồ hởi đăng tin Hội nghị Trung ương 15 thành công tốt đẹp với thời gian hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra chỉ bằng một nửa so với thời gian dự kiến là 3 ngày. Như vậy kịch bản mà Đảng cộng sản Việt Nam dàn dựng cho Đại hội 13 dự kiến khai mạc vào ngày 25/01 tới đây và sau đó là Quốc hội khóa 15, dự kiến diễn ra vào vài tháng sau đó, đã chính thức được thông qua.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15 sáng 17/01/2021
Theo thông tin rò rỉ chức danh Tổng bí thư sẽ do ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dự kiến là Chủ tịch nước.
Đây là hai trường hợp đặc biệt vừa được giới thiệu. Chức danh Thủ tướng chính phủ và Chủ tịch quốc hội sẽ do hai ông Phạm Minh Chính, đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Vương Đình Huệ, đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội, những người còn đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Dư luận trong và ngoài nước bình luận việc ông Trọng tiếp tục nắm giữ chức vụ cao nhất của Đảng và cũng như trong hệ thống chính trị Việt Nam là một việc chưa từng có tiền lệ. Bởi ông đã vượt qua một cách oanh liệt ba rào cản.
Thứ nhất, đó là tuổi tác. Theo quy định, độ tuổi của Bộ Chính trị, Ban Bí thư không quá 65 tuổi.
Tại nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011) ông Nguyễn Phú Trọng khi đó 67 tuổi, đang là Chủ tịch quốc hội, được giới thiệu bầu vào Trung ương, bầu làm ủy viên Bộ Chính trị và bầu làm Tổng bí thư khóa 11.
Tới Đại hội 12 (2016), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã 72 tuổi tiếp tục được tín nhiệm xem xét, giới thiệu như một trường hợp đặc biệt bầu vào Trung ương khóa 12, bầu vào Bộ Chính trị, và sau đó là Tổng bí thư. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ Đại hội 12.
Tới trước thềm Đại hội 13, ông lại tiếp tục là trường hợp đặc biệt để ở lại lèo lái con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Chướng ngại vật thứ hai mà ông Trọng được do là đã vượt qua chính là Điều lệ Đảng, văn bản pháp lý cơ bản nhất, xác định tôn chỉ, mục đích, hệ tư tưởng, các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động, cơ cấu bộ máy của đảng do chính ông lãnh đạo một thập kỷ vừa qua.
Điều 17 trong Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam hiện hành do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng thông qua ngày 19/01/2011 quy định : "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".
Rào cản thứ ba đã được ông Trọng chinh phục chính là điều kiện sức khỏe, một vũ khí mà chính ông Trọng từng sử dụng để loại bỏ đối thủ chính trị của mình.
Năm 2017, Bộ Chính trị theo hướng dẫn của ông đã ban hành Quy định số 90, đặt "sức khỏe" thành một điều kiện để được giữ các chức vụ chủ chốt. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm loại bỏ Chủ tịch nước khi đó là Trần Đại Quang với những tin đồn lan truyền trong dư luận là ông Quang mắc bệnh nan y.
Chưa đầy 2 năm sau khi đặt ra quy định về "tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện ban chấp hành trung ương, bộ chính trị, ban bí thư quản lý", có lẽ chính ông Trọng cũng không ngờ quy định này lại có thể lại "đập" lại ông nhanh đến như vậy.
Sức khoẻ của ông Nguyễn Phú Trọng giảm sút nghiêm trọng sau vụ đột quỵ trong chuyến thăm tỉnh Kiên Giang hồi tháng 04/2019.
Kể từ thời điểm đó đến nay người đứng đầu Đảng cộng sản và cũng danh chính ngôn thuận là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam ít xuất hiện công khai. Và mỗi lần xuất hiện trước công chúng thì ông Trọng luôn trong bộ dạng đi tập tễnh, cần người khác dìu và có nguy cơ bị té ngã bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, công chúng còn thấy luôn có người kè kè chiếc cặp đựng thuốc theo sau.
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định rằng các "trường hợp đặc biệt" xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những nhiệm kỳ gần đây phản ánh một thực tế là tập trung quyền lực càng cao thì chuyển giao càng thách thức.
Nhận định thứ hai mà nhà nghiên cứu đưa ra – đó là chất lượng đảng viên trong thời đại mới.
Trong nhiệm kỳ 12 ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn "trăn trở" về cán bộ đảng. Theo Cương lĩnh và Điều lệ đảng các đảng viên là đội ngũ "tiên phong", được liên kết bởi lý tưởng cộng sản, sẵn sàng chấp nhận hệ thống giá trị, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và "kiên định" với nó, tuyệt đối trung thành với đảng và phục tùng cái kỉ luật toàn trị, và "hy sinh lợi ích cá nhân" vì đảng…
Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" và bị cám dỗ bởi quyền và tiền, không phải chỉ là lãnh đạo đảng viên cấp thấp, mà cả những "đồng chí" cấp cao cùng ông trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương… Ông đã từng nêu nghi vấn : "Đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bền ngoài che đậy cái sơ sài bên trong".
Chưa thể đồng thuận về người kế vị ông có lẽ là một trong những lý do ông được Hội nghị trung ương 15 khóa 12 tiếp tục giới thiệu với cương vị Tổng bí thư để bầu tại Đại hội 13.
Nhà hoạt động xã hội Huỳnh Ngọc Chênh cũng nhận định rằng :
Nếu như sự đồn đại đang lan truyền ấy đúng sự thật thì điều đó nói lên rằng hội nghị TƯ vừa rồi chẳng thành công tốt đẹp, ngược lại là một sự thất bại nghiêm trọng trong công tác xây dựng đảng mà người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Phú Trọng, người liên tục trong 10 năm làm lãnh đạo cao nhất của đảng, lại là giáo sư tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng.
Điều thấy rất rõ ràng là ông Trọng tuổi đã quá cao, sức khỏe có vấn đề sau cơn tai biến, đã làm đến hai nhiệm kỳ, nay phải phá vỡ hết các quy tắc của đảng để giữ ông lại thêm một nhiệm kỳ nữa.
Có nghĩa là trong 200 ủy viên Ban chấp hành, được cho là 200 tinh hoa xuất sắc nhất của đảng chắt lọc ra từ hơn 4 triệu đảng viên, vẫn không tìm ra được 1 người có đủ tài đức để thay thế ông Trọng, để ông yên tâm về nghỉ ngơi như mong muốn của ông bởi ông được cho là người không tham vọng quyền lực không cố ngồi lại vì danh lợi cá nhân.
Ông Trọng là giáo sư tiến sĩ xây dựng đảng, đảm trách công việc cao nhất của đảng đầy quyền lực suốt trong 10 năm mà không xây dựng nên hoặc tìm ra cho đảng một người đủ tài đức để thay thế được ông thì đó không gọi là thất bại thì gọi là gì ?
Dưới một góc nhìn khác, Facebooker Ngọc Thu nhận định nhờ có chiếc đũa thần mà ông Trọng tiếp tục ngồi yên trên vị trí quyền lực đỉnh cao.
Facebooker này phân tích :
"Ở chức vụ càng cao, đáng lẽ người lãnh đạo phải làm gương cho các cấp dưới và cả nước mà điều đơn giản nhất là tôn trọng luật lệ. Ông Trọng đã phá một lúc cả ba để tiếp tục bám vào ghế quyền lực cao nhất nước ! Hẳn phải có nguyên nhân giải thích vì sao ông Trọng phá luật và toàn Đảng cộng sản Việt Nam phải ngậm bồ hòn làm ngọt và cúi đầu chấp nhận.
Lý do sâu xa nhất không hề khó hiểu, đó là nhờ sự chống lưng của Bắc Kinh.
Có lẽ chưa có lãnh đạo cộng sản nào ký với Trung cộng nhiều văn kiện bí mật như ông Trọng :
– Ngày 17/12/2017 ông ký 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc khi thăm Bắc Kinh.
– Ngày 12/11/2017 ông Trọng lại ký tiếp 12 văn kiện với Trung Quốc vào dịp Tập Cận Bình sang Việt Nam.
Tất cả đều mật, người dân hoàn không được biết tới.
Bám ghế quyền lực bằng mọi giá bằng cách dựa vào thế lực một kẻ thù hung hiểm nhất nhân loại hiện nay là đánh đổi độc lập tự chủ của đất nước và đưa dân tộc vào con đường mất nước".
Vì những lý do trên mà đến thời điểm này dư luận dường như không còn hy vọng gì ở một sự đổi mới tại Đại hội 13.
Theo thông lệ, Đại hội Đảng toàn quốc 13, được tổ chức vào 25/01/2021 và Quốc hội khóa 15, vài tháng sau đó, sẽ chính thức hóa về nhân sự lãnh đạo cao cấp và hợp pháp hóa các chức danh nhà nước theo cách "đảng cử, dân bầu".
Đại hội nghìn tỷ tới đây với sự tham dự của hàng trăm đại biểu được chọn lựa kỹ lưỡng từ khắp các tỉnh thành trong cả nước tụ về chỉ còn mang tính hình thức để làm tròn thủ tục thông qua.
Ông Chênh viết : "Đại hội có vẻ như quyền lực to lớn lắm nhưng thực chất chẳng có chút quyền nào trong việc định đoạt nhân sự vì nghị quyết của đảng không cho phép đại biểu dự đại hội được quyền tự ứng cử, được quyền đề cử và được quyền nhận đề cử. Xem như nhân sự các cấp đã được quyết toàn bộ từ trước".
Nhà báo Đỗ Ngà cũng chia sẻ nhận định này khi bình luận :
Thực tế thì hiện nay nhân sự cho đại hội 13 đã định đoạt ở các kì hội nghị trung ương kéo dài từ đội nghị trung ương 8 năm 2018 đến hội nghị trung ương 15 mới vừa kết thúc vào ngày 17/1 vừa rồi. Như vậy là đại hội 13 diễn ra vào ngày 25/1 đến 2/2 sắp tới chỉ là vở kịch, và những cuộc bầu cử toàn dân hay bầu cử nội bộ đảng sau đó đều là vở kịch nốt. Đối với dân, những vở kịch đó là không cần thiết nhưng đối với đảng thì nó rất cần. Vì sao ? Vì một chính quyền mà vắng bóng bầu cử thì làm sao đảng mở miệng ra hót "bài ca dân chủ" với dân và với thế giới được ?! Vậy nên phải diễn dù biết rằng để diễn vở kịch này có thể tốn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ tiền của dân.
Như vậy thì đến đây có thể nhận ra vì sao đảng đưa mục nhân sự đại hội 13 vào diện "tuyệt mật". Phải "tuyệt mật" chứ ? Không "tuyệt mật" thì làm sao vở diễn dân chủ này "như thật" được ? Chả nhẽ nói toạc móng heo ra hết thì vở kịch ấy còn giá trị gì nữa đây ? Vậy nên phải gói nó vào cái gói "tuyệt mật" để tạo tính bất ngờ cho vở kịch.
Sắp tới cộng sản sẽ diễn 3 vở kịch ngàn tỷ : Vở thứ nhất là đại hội 13, đảng viên sẽ bỏ phiếu nội bộ bầu ra trung ương đảng và bộ chính trị. Chắc chắn kết quả luôn trùng khớp với anh sách đã chọn trong các kỳ hội nghị trung ương trước đó ; Vở thứ nhì là bầu cử quốc hội khóa 15 và hội đồng nhân dân các cấp. Chắc chắn kết quả cũng sẽ trùng khớp với danh sách mà đảng đã chọn ra trước đó ; Vở kịch thứ ba là quốc hội khóa 15 sẽ bỏ phiếu bầu ra tứ trụ. Chắc chắn kết quả cũng sẽ trùng khớp với những chọn lựa của đảng trong những hội nghị trung ương trước đó.
Bầu cử trong đảng cũng chỉ là vở kịch, bầu cử trong dân cũng chỉ là vở kịch, bầu cử trong quốc hội cũng chỉ là vở kịch. Các vở kịch này được dàn dựng từ chính tiền mồ hôi nước mắt của dân. Đó là thực tế. Dùng tiền của dân để dựng lên một trò lừa gạt dân thì đó chỉ có thể là CS, bởi bản chất của họ vốn không bao giờ có liêm sỉ nhưng lại rất thừa sự khốn nạn.
Thu Thủy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 25/01/2021
***********************
Đảng Cộng sản Việt Nam họp đại hội để bầu chọn lãnh đạo mới
Andreas Illmer, BBC, 25/01/2021
Tầng lớp tinh hoa trong giới chính trị Việt Nam đang tề tựu về dự kỳ đại hội Đảng quan trọng, nhằm bầu chọn những người lãnh đạo đất nước trong năm năm tới.
Một người dân đi ngang qua tranh cổ động, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam - Ảnh minh họa
Đại hội 13 diễn ra trong bối cảnh đất nước đã phòng chống khá thành công đại dịch Covid-19, và nền kinh tế thì đang bùng nổ.
Ở hầu hết các quốc gia khác, chuyện bầu chọn lãnh đạo thường diễn ra cùng với một kỳ tổng tuyển cử.
Nhưng ở Việt Nam, một quốc gia cộng sản, thì việc bầu chọn dàn lãnh đạo lại được thực hiện theo cách khác.
Nhìn vào sân khấu chính trị được dàn dựng chặt chẽ mà ta thấy tại các đại hội đảng của Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên, quý vị sẽ hình dung ra được câu chuyện ở Việt Nam.
Việt Nam rất giống như vậy, tuy mức thu hút sự chú ý thì không ồn ào bằng.
Tại sao Việt Nam quan trọng ?
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á, và là một trục trụ giữ cho sự ổn định của khu vực. Giống như Trung Quốc, Việt Nam về cơ bản là một nền kinh tế tư bản đang bùng nổ dưới lớp vỏ cộng sản.
Chính phủ đã thiết lập thành công quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, đưa đất nước vào một vị trí chiến lược rất tốt.
Về mặt kinh tế, Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai siêu cường đó - và tranh chấp thương mại hiện tại giữa Bắc Kinh và Washington đã đưa Hà Nội vào một vị thế thậm chí còn tốt hơn.
Nhiều công ty đa quốc gia nay hoạt động tại Việt Nam, trong đó gồm cả những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Apple và Samsung.
Đây cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra và đạt mức tăng trưởng vừa phải trong năm qua.
Về mặt quân sự, nước này cũng đang đi dây một cách khéo léo giữa Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam từng trải qua các cuộc chiến chống lại cả hai, nhưng trong những năm gần đây Hà Nội đã đặc biệt mâu thuẫn với Bắc Kinh quanh các xung đột, tranh cãi về Biển Đông.
Việt Nam được điều hành thế nào ?
Khác với Trung Quốc và Triều Tiên, nước này không có một nhân vật mạnh mẽ nào đứng đầu. Có bốn chức vụ chính tạo thành dàn lãnh đạo tập thể : Tổng bí thư Đảng cộng sản, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Nước và Chủ tịch quốc hội.
Việc bỏ phiếu cho bốn vị trí đó được dịch chuyển lên trên theo hình kim tự tháp. Cứ 5 năm một lần, khoảng 1.600 đại biểu sẽ bầu ra khoảng 200 người vào Trung Ủy. Trung Ủy sau đó bầu ra Bộ Chính trị gồm khoảng 20. Trong số 20 thành viên Bộ Chính trị, sẽ có bốn người được đề cử vào các vị trí trong "Tứ trụ".
Nghe thì có vẻ như đây là tiến trình bầu cử dân chủ từ cấp cơ sở đi lên, thế nhưng thường là sẽ có sự vận động chính trị rốt ráo từ trước, và việc bầu chọn đều đã được định trước.
Trấn áp bất đồng chính kiến
Việc chuyển đổi quyền lực chính trị được kiểm soát và quản lý chặt chẽ, và bất kỳ điều gì được coi là chỉ trích giới chức cũng bị kiểm soát, quản lý chặt chẽ như vậy.
Điều đó không có gì mới ở Việt Nam - rốt cuộc thì đó là quốc gia độc đảng, không có tự do báo chí thực sự.
Tuy nhiên, trong những tháng qua, đã xảy ra tình trạng tiếp tục trấn áp giới bất đồng chính kiến. Tổ chức n xá Quốc tế và hãng tin Reuters đều ghi nhận đã có số lượng cao kỷ lục các tù nhân chính trị và các án tù dài hạn dành cho các nhà hoạt động.
Hồi đầu tháng này, ba nhà báo tự do đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước và bị các mức án 11 và 15 năm tù.
Sự kìm kẹp ngày càng tăng với giới bất đồng chính kiến một phần dựa vào hoạt động của một đơn vị quân sự đặc biệt trên mạng, Lực lượng Đặc nhiệm 47, vốn từ năm 2018 đã tấn công vào những ai dám chỉ trích giới chức trên mạng
"Hầu hết những người bị bắt là các nhà văn và các nhà hoạt động, những người sử dụng mạng xã hội - đặc biệt là Facebook - làm nơi để lên tiếng", Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Victoria, Wellington, giải thích.
"Tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn với những người chỉ trích, vì chính phủ dường như quyết tâm trấn áp bất kỳ dấu hiệu phản kháng nào trên mạng".
Vậy ai sẽ là người dẫn dắt đất nước ?
Trong "Tứ trụ", Tổng bí thư là người có vai trò quan trọng nhất.
Hiện người đang giữ chức vụ này là ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi. Ông Trọng đang nắm quyền nhiệm kỳ hai sau khi được đưa vào trường hợp đặc biệt, được ở lại tuy đã vượt quá mức tuổi quy định, 65 tuổi.
Điều đó lẽ ra khiến ông khó có thể ra tái tranh cử lần này - nhưng cuối tuần qua, danh tính của các gương mặt đề cử cho vị trí "Tứ trụ" đã bị rò rỉ và lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Việt Nam : ông Trọng sẽ ở lại nhiệm kỳ ba.
Ông được biết đến với cuộc chiến chống tham nhũng "đốt lò" được phát động năm 2016, là chiến dịch đã khiến nhiều quan chức cấp cao, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị, bị vào tù.
Tuy nhiên, ngay cả sự thay đổi lãnh đạo cũng khó có thể tạo ra bất kỳ thay đổi mạnh mẽ nào về hướng đi của Việt Nam. "Việt Nam là một chế độ chuyên chế được thể chế hóa cao - các quyết định chính được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của tất cả các nhà lãnh đạo,'' ông Nguyễn Khắc Giang giải thích.
''Điều khó xử của giới lãnh đạo cao niên trong xã hội trẻ"
Phân tích của Nguyễn Giang, BBC News tiếng Việt
Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu bằng màn biểu dương lực lượng của cảnh sát chống bạo động tuần trước trên đường phố Hà Nội.
Tuy nhiên, không có mối đe dọa nghiêm trọng nào với đảng cầm quyền với 5 triệu thành viên dường như có toàn quyền kiểm soát tương lai của đất nước trong ít nhất 10-15 năm tới. Liệu nó có thể giữ cho những lý tưởng xã hội chủ nghĩa của mình tồn tại lâu dài hay không là điều vẫn còn phải xem xét.
Trong thập niên tới, quốc gia này có cơ hội tốt để duy trì nền kinh tế đang bùng nổ, có thể cạnh tranh với các quốc gia láng giềng. Họ đã quản lý việc chống đại dịch khá tốt, với nền kinh tế là một trong số ít những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tích cực vào năm 2020.
Và ban lãnh đạo dường như hiểu điều đó.
Họ quyết tâm bám trụ dù tuổi đã cao. Điều này xảy ra bất chấp việc họ nói muốn tất cả các nghị sĩ mới cho quốc hội Việt Nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 50. Có vẻ như họ muốn đảm bảo đất nước rồi sẽ có được một ban lãnh đạo trẻ hơn, sáng tạo hơn - nhưng hiện giờ thì chưa.
Việt Nam đang đứng trước những thách thức gì ?
Dàn lãnh đạo mới sẽ phải xem xét giai đoạn quan trọng trong 5 năm tới. Đại dịch toàn cầu dự kiến sẽ đẩy phần lớn thế giới vào suy thoái và Việt Nam sẽ cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng của mình
Chỉ mới hồi cuối năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 đã được đặt ra ở mức 6,5% đầy tham vọng.
Trong năm 2020, mức tăng trưởng giảm xuống, đạt 2,9%, là mức thấp nhất kê từ hơn 30 năm qua - nhưng nước này vẫn đang đạt mức tốt hơn hầu hết các nước khác trên thế giới.
Mức tăng trưởng chậm hơn trong năm ngoái tất nhiên phần lớn là do đại dịch, và hầu như chắc chắn là sự tăng trưởng trong năm 2021 sẽ lại bị virus corona kìm hãm.
Việt Nam sẽ tiếp tục tìm cách duy trì sự cân bằng kinh tế và địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Lập trường hiếu chiến của Trung Quốc được cho là sẽ đẩy Hà Nội tiếp tục ngảy về phía Mỹ. Và nếu cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chuyện đó.
Andreas Illmer
Nguồn : BBC, 25/01/2021
***********************
Việt Nam Đại hội XIII : Tận dụng triệt để "thành công" trong năm 2020 để duy trì tính chính đáng của Đảng
Benoît de Tréglodé, Thu Hằng, RFI, 25/01/2021
Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/01 đến 02/02/2021. Công tác nhân sự cho 5 năm tới, đặc biệt là bốn vị trí chủ chốt, là một trong những hoạt động quan trọng của Đại hội. Ngoài ra, 1.587 đại biểu cùng tổng kết 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Tranh cổ động, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam, diễn ra từ 25/01 đến 02/02/2021 tại Hà Nội. AP - Hau Dinh
Vị trí "tứ trụ" có điểm gì đặc biệt ? Đảng duy trì vai trò lãnh đạo như thế nào ? Đâu là những ưu tiên phát triển trong 5 năm tới ?
RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, chuyên gia về Việt Nam, giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).
*****
RFI : Trong số bốn nhà lãnh đạo được cho là sẽ giữ vị trí "tứ trụ" trong 5 năm tới (gồm các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính), ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc đại diện cho "khối Đảng" và "khối chính phủ" trong chính phủ mãn nhiệm. Hai "trường hợp đặc biệt" này có ý nghĩa như thế nào ?
Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Việt Nam trải qua năm 2020 một cách đáng tự hào. Những biện pháp mạnh được đưa ra để đối phó với đại dịch Covid-19 đã mang lại một năm thành công về mặt kinh tế với sự bùng nổ về xuất khẩu và thêm nhiều thị trường mới. Tỉ lệ tăng trưởng gần 3%, dĩ nhiên là thấp hơn nhiều so với năm 2019, nhưng vẫn là một thành tích quan trọng. Nếu nhìn vào tổng kết về kinh tế, có thể nói đội ngũ lãnh đạo mãn nhiệm đã thành công trong năm 2020.
Dĩ nhiên, Đại hội lần này có nhiệm vụ tìm ra những nhà lãnh đạo mới điều hành đất nước, nhưng mục tiêu chính là khẳng định sự tiếp nối quyền lực và thay đổi về nhân sự, dù được cho là hạn chế, để tiếp tục đưa Việt Nam phát triển kinh tế và gia tăng sức hấp dẫn với thế giới.
Tôi cho rằng những tin đồn trong giới blogger về khả năng tổng thư ký kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở lại, dù quá tuổi và sức khỏe "khá yếu" (đây không có gì là "bí mật quốc gia" cả) liên hệ trực tiếp đến nhu cầu tất yếu của đội ngũ lãnh đạo Việt Nam tận dụng triệt để "thành công" trong năm 2020 để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam và tái khẳng định Đảng và chế độ đã biết vượt qua khó khăn, trở ngại tốt hơn nhiều nước khác trên thế giới. Điều quan trọng ở đây chính là sự tiếp tục và nhấn mạnh rằng Đảng là người bảo vệ dân. Và ngành ngoại giao công chúng đã mang lại thành công rực rỡ cho chế độ Việt Nam trong năm 2020.
Có lẽ nhu cầu trên đã giải thích cho việc có rất nhiều đắn đo cân nhắc trong việc tổ chức nhân sự cấp cao. Ví dụ thành tích của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được đề cao. Phải nhắc lại một lần nữa rằng hiếm khi Việt Nam có được một năm thành công trong việc xây dựng hình ảnh với thế giới như vậy, cũng như chính sách ngoại giao Covid thành công hơn những nước khác, kể cả so với Trung Quốc, bởi vì Hà Nội đã kiểm soát hình ảnh tốt hơn cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài. Chính quyền Việt Nam đã biết cách làm chủ tốt hơn việc này.
Cũng vì chống dịch Covid thành công mà chính quyền Việt Nam đã làm lu mờ được các cuộc tranh giành quyền lực vẫn thường xảy ra trước mỗi Đại hội. Đối với người dân trong nước, chính quyền cũng che giấu được rất nhiều vụ bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, trong lúc số các nhà bất đồng chính kiến bị bắt tăng gấp đôi trong năm 2020 theo thống kê của nhiều tổ chức phi chính phủ, như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty international). Điều này cho thấy rằng chính quyền đã kiểm soát thành công hình ảnh của mình.
RFI : Dù thế nào, hai "trường hợp đặc biệt" trên đều vượt quá tuổi quy định ?
Benoît de Tréglodé : Thông thường một nhà lãnh đạo trên 65 tuổi sẽ không được ứng cử nhiệm kỳ hai hoặc một vị trí khác. Nhưng vấn đề tuổi tác chỉ mang tính tương đối trong hệ thống chính trị Việt Nam. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII kết thúc ngày 17/01 đã thông qua một số cải cách thể thức, cho phép bổ sung một số trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII, chủ yếu liên quan đến hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Ngoài ra ông Trần Quốc Vượng, hiện 68 tuổi, cũng được phép tiếp tục hoạt động chính trị.
Nhưng nếu nhìn lại một chút về lịch sử chính trị Việt Nam, thực ra cách đây không lâu lắm, vào năm 2001, tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó đã phải rút lui vì quá tuổi. Cũng vào năm đó, thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó đã 68 tuổi vẫn đượctiếp tục thêm nhiệm kỳ mới. Và vào Đại hội trước, năm 2016, người ta nói là ông Nguyễn Tấn Dũng không thể tiếp tục vì quá tuổi quy định, trong khi đó ông Nguyễn Phú Trọng, cũng đã quá rất nhiều tuổi, vẫn tiếp tục cương vị tổng bí thư. Cần nhắc lại là ngay vào Đại hội lần thứ XI, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã vượt quá tuổi quy định là 65 tuổi.
Những trường hợp ngoại lệ này cho thấy quy định hạn chế tuổi chỉ mang tính lý thuyết, và hoàn toàn có thể bị đảo ngược vì nhiều lý do, cho phép một số nhà lãnh đạo tiếp tục hoặc chấm dứt sự nghiệp.
Nếu nhìn vào đường lối chính trị, rõ ràng là Hà Nội đang cần hai điều : trước tiên là sự tiếp nối, sau đó là một nhà lãnh đạo uy tín, biết tân dụng một cách tích cực môi trường và bối cảnh, giúp được đội ngũ lãnh đạo vượt qua cơn bão có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và đang biến Việt Nam phần nào đó thành con tin trong bối cảnh nhạy cảm của khu vực.
RFI : Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ ba, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ mạnh mẽ hơn ?
Benoît de Tréglodé : Cần nhắc lại rằng sức hấp dẫn kinh tế của Việt Nam là một thách thức chính trị quốc gia đối với các nhà lãnh đạo. Khả năng hấp dẫn đầu tư nước ngoài giúp Việt Nam tạo hình ảnh cạnh tranh hơn trên thế giới là điều bảo đảm cho Đảng tiếp tục lãnh đạo và duy trì tính chính đáng với người dân.
Bối cảnh hiện nay lại khác và đây là điểm thú vị ! Nhu cầu trao đổi ngày càng tăng, xã hội dân sự năng động hơn, sẵn sàng chỉ trích hơn… Điều này khiến chính quyền Việt Nam lo lắng hơn và hiểu rằng không được phép thất bại trong bước phát triển kinh tế. Thực vậy, với hơn 1 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động hàng năm, thì ngày càng có một bộ phận người dân nhạy cảm hơn với sự đa dạng, muốn được trao đổi và tranh luận. Đó là những nguy cơ lớn cho chính quyền.
Nhìn từ khía cạnh đó, có thể thấy những thách thức này liên hệ chặt chẽ với nhau về chính trị và kinh tế. Và cũng từ khía cạnh đó, chống tham nhũng là một công cụ vô cùng hữu ích và được ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng tối đa để góp phần gia tăng sức cạnh tranh, làm trong sạch hơn bộ máy kinh tế. Nhưng chống tham nhũng cũng là công cụ cho chính quyền gạt khỏi đường lối lãnh đạo những nhà đối lập có thể gây rối loạn. Chẳng ai ngây ngô hết cả, cuộc chiến chống tham nhũng phục vụ cho chính quyền hiện nay, nhờ đó tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể tô điểm hình ảnh đội ngũ thân cận của ông, cũng như làm rạng rỡ hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài.
Tác dụng thứ hai, ít được đề cập, của cuộc chiến chống tham nhũng, đó là tình trạng "mua quan bán chức", mà tôi gọi là "kinh tế chính trị ở Việt Nam". Cứ trước mỗi kỳ bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới, tiền lại trở thành công cụ rõ ràng để xây dựng sự nghiệp. Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất, hiện tượng này có thể thấy ở Trung Quốc hay ở nhiều nước phương Tây. Bằng cách triệt đường "mua quan bán chức" nhờ vào cuộc chiến chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã hạn chế được khả năng phát triển của một đối thủ chính trị lớn, có thể tập hợp hoặc mua được nhiều số phiếu và trở thành một mối nguy hiểm thực sự.
Vì thế không bất ngờ khi nói rằng năm 2020, bằng cách gia tăng các vụ chống tham nhũng, tham gia tiêu diệt ứng viên đối phương, tăng số lượng ứng viên nhỏ hơn hoặc trung bình, ông Nguyễn Phú Trọng đã gây được khó khăn cho một đối thủ hoặc một lực lượng mới nổi lên, được hợp pháp thông qua trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương để bầu ra những nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.
RFI : Ông đánh giá thế nào về việc sắp đặt nhân sự cấp cao này ? Trong số 4 tên được nêu lên, không có ai là người miền Nam, theo "truyền thống". Liệu điều này có ảnh hưởng đến sự cân bằng trong hoạt động của đội ngũ lãnh đạo mới ?
Benoît de Tréglodé : Trong đời sống chính trị Việt Nam, khu vực địa lý luôn là một yếu tố cấu thành những "phe quyền lực". Và tuyên bố gắn bó với vùng xuất xứ là điều quan trọng ở Việt Nam. Từ lâu Việt Nam có truyền thống là mỗi miền có một đại diện : Tổng bí thư thường là người miền Bắc, thủ tướng là người miền Nam. Đúng là lần này, miền Nam hơi bị mờ nhạt, nhường chỗ cho miền Trung. Ông Nguyễn Xuân Phúc là người miền Trung.
Tôi không muốn dự đoán những gì được quyết định trong ngày đầu Đại hội, nhưng điều này một lần nữa làm nổi bật tính chất căn bản và chiến lược là từ giờ, đối với các quan chức miền Bắc, đối với Đảng cộng sản Việt Nam, kinh tế vừa là trọng tâm, vừa là tương lai của chế độ Việt Nam. Vì thế, nắm được "tay hòm chìa khóa", duy trì việc kiểm soát hoàn hảo, không bị phản đối của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước vẫn là điểm ưu tiên.
RFI : Năm 2020, Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh quốc gia chống dịch thành công, tận dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tranh thủ lập trường của các nước phương Tây về tình hình Biển Đông. Liệu có thể tiếp tục được chiến lược này trong thời gian sắp tới ?
Benoît de Tréglodé : Có một điểm thú vị cần nhắc đến là trước Đại hội lần thứ XII, Bắc Kinh lo lắng thực sự về tiến triển chính trị ở Việt Nam với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hiện tại, đúng là có những vấn đề về tranh chấp trên biển nhưng về mặt chính trị, Trung Quốc ít lo lắng hơn. Về vấn đề Biển Đông chiến lược và phức tạp hơn, nếu hỏi ý kiến các nhà nghiên cứu thế giới và Việt Nam, họ sẽ nói rằng những vấn đề này còn kéo dài, chứ không thể giải quyết được trong một nhiệm kỳ ở Bắc Kinh, hay ở Hà Nội hoặc tại Washington.
Việt Nam duy trì mối quan hệ song song với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cả hai phía đều có ưu điểm và nhược điểm. Hà Nội đã biết tranh thủ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (đang diễn ra và sẽ còn tiếp tục do chính quyền Joe Biden sẽ không lật lại thế cờ và tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc) để đánh bóng hình ảnh và tiếng tăm trên thế giới.
Thành công này được giải thích qua việc chính quyền Việt Nam đã sử dụng hàng loạt công cụ an ninh và ngoại giao công chúng để biến mọi phê bình từ nước ngoài, mọi chỉ trích về sự thành công thần kỳ của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 thành những lời xúc phạm và là cội nguồn của các rắc rối. Đây là mặt không tốt lắm của Đảng ! Điều này cũng giải thích cho việc chính quyền áp dụng ồ ạt luật an ninh mạng năm 2019 và cũng giống như nhiều nước khác, sử dụng đội "chiến binh mạng" và "troll" để đánh bóng hình ảnh đất nước ra thế giới.
Có một điều thực sự cần được tính đến, đó là hình ảnh tương lai của Việt Nam, ngoại giao công chúng của Việt Nam liên quan đến người lãnh đạo chính trị, bởi vì nếu hình ảnh bị xấu đi sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như một phần đối tác thương mại mới, từ bỏ, trong khi đây lại là những lực lượng quan trọng cho tương lai của đất nước.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 25/01/2021
*************************
‘Phương án nhân sự Tứ trụ Đại hội 13 rất đặc sắc’
BBC, 25/01/2021
Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc vào ngày 26/01 tại Hà Nội, theo dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 2/2/2021.
Lãnh đạo Việt Nam tại lễ trù bị Đại hội 13 ngày 25/01 ở Hà Nội.
BBC tiếng Việt phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, về một số điểm liên quan tới nhân sự cấp lãnh đạo cao nhất hay còn gọi là "Tứ trụ".
**********************
BBC : Xét về thời điểm thì Đại hội Đảng lần này có gì đáng chú ý thưa ông ?
Vũ Minh Khương : Từ góc độ cá nhân thì tôi thấy Đại hội này diễn ra đúng lúc Việt Nam có bước tiến vượt bậc. Trong bối cảnh cả thế giới đang bấn loạn về đại dịch Covid-19 thì Việt Nam là một trong những điểm sáng được thế giới thừa nhận và mong muốn học tập. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt lên trong cộng đồng thế giới với một hình ảnh rất tốt vào đúng thời điểm Đại hội này.
Năm 2020, Việt Nam đưa ra "tầm nhìn 2045" một cách rõ ràng, đi sâu vào cuộc sống. Tôi thấy tầm nhìn này được thảo luận ở các địa phương cũng như các doanh nghiệp. Mọi người gần như dấy lên một khát vọng là Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 và dốc lòng cho sự nghiệp đó thì đây là điều đáng mừng, và là nền tảng cho công cuộc cải cách sau Đại hội 13.
Đó là vì cải cách không phải chỉ là nâng tính chuyên nghiệp của cán bộ công nhân viên trong bộ máy của Đảng và Nhà nước mà đặc biệt là cần có khát vọng dân tộc. Kinh nghiệm mà tôi quan sát tại Singapore thì cải cách phải đồng bộ và có tính chuyên nghiệp. Đây không chỉ là khát vọng ngàn năm của dân tộc mà còn có tính sống còn. Việt Nam đứng cạnh Trung Quốc rất mạnh nên cũng phải khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng thế giới trong tương lai.
BBC : Có một số học giả, nhà phân tích, và nhà quan sát chính trị Việt Nam đưa ra dự đoán, phỏng đoán về nhân sự "Tứ trụ" theo đó dự kiến đề xuất ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng và ông Vương Đình Huệ đảm nhận chức Chủ tịch quốc hội. Trong trường hợp đây đúng là giải pháp cho bài toán nhân sự cấp lãnh đạo cao nhất thì theo ông phương án này có hợp lý hay không ?
Vũ Minh Khương : Tôi cho đây là một phương án rất đặc sắc, có tính gây kinh ngạc cho thế giới. Cả bốn con người này tôi đều đã gặp rồi nên tôi hiểu rất rõ. Họ đều thể hiện khá rõ về tầm hiến dâng cho sự phát triển của đất nước. Họ đều có tư duy rất thực tế và có kinh nghiệm nhiều trong công tác Đảng cũng như lãnh đạo chính quyền.
Họ đều một lòng một dạ làm gì đó để có di sản để lại về sau. Nhiều khi người ta băn khoăn lo lắng về người lên chức lãnh đạo là tích lũy tài sản hay này khác nhưng lần này thì cả bốn người đều có phẩm chất hiến dâng rất cao thì đó là điều rất đáng quý. Tôi có tham khảo ở Việt Nam thì mọi người đều đồng thuận và phấn khởi với phương án này. Mặc dù đây có thể thể coi là danh sách "tuyệt mật" nhưng dường như ai cũng biết và cũng phấn chấn về sự lựa chọn này.
BBC : Có một số bàn luận về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm hai nhiệm kỳ và cũng có sự lo lắng cho sức khỏe và tuổi tác của ông Trọng thưa ông.
Vũ Minh Khương : Theo tôi ông Nguyễn Phú Trọng có kinh nghiệm rất già dặn trong tổ chức Đảng và thực sự tâm huyết đưa đất nước tiến lên.
Nhiệm kỳ 5 năm vừa qua thể hiện ông ấy rất xuất sắc. Mặc dù sức khỏe thì có ít nhiều hạn chế nhưng rõ ràng về trí tuệ thì vẫn rất minh mẫn. Nói về sức khỏe thì tôi nghĩ rằng không chỉ nên nói về tuổi cao mà thực sự phải nói đến sức khỏe về tinh thần để đưa đất nước tiến lên trong 5 năm tới.
Tôi nghĩ rằng Đại hội này sẽ rất dân chủ và mọi người sẽ được thảo luận và xem xét còn quyết định cụ thể thế nào thì sẽ do Đại hội. Tôi tin là mọi việc đã được cân nhắc khá kỹ trong nội bộ và rằng Đại hội sẽ rất sáng suốt lựa chọn vì đây là bước ngoặt rất quan trọng mang tính mở ra đại lộ đi đến tương lai cho Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ 5 năm tới việc giữ lại hai người là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc là sự lựa chọn cần thiết và sáng suốt để tạo nền móng cho thế hệ tương lai đưa đất nước tiến lên.
BBC : Xét về vị trí thủ tướng mà theo dự đoán là phương án để ông Phạm Minh Chính đảm nhận thì ông đánh giá thế nào ?
Vũ Minh Khương : Tôi thấy là ông Phạm Minh Chính có kinh nghiệm thực tế ở địa phương khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh.
Tôi cũng nghiên cứu về thứ hạng cạnh tranh của các tỉnh của Việt Nam thì tôi thấy tỉnh Quảng Ninh vốn là tỉnh có mức thấp về mức cạnh tranh, nhưng sau khi ông Chính về làm lãnh đạo thì tỉnh đã có bước tiến vượt bậc và là một trong những tỉnh hàng đầu. Khi tôi đi dạy các cán bộ ở tỉnh Quảng Ninh thì tôi thấy là họ thể hiện sự quý trọng rất cao đối với ông Chính.
Thời gian ông lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thì khi đưa sinh viên về làm việc tại tỉnh này tôi có ấn tượng là về trình độ của cán bộ ở đây thì ở mức nhất định nhưng họ có tâm thế cởi mở rất đặc biệt và có điểm hơn nhiều tỉnh khác. Cho nên tư duy khai sáng và đón nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài là rất tốt ở Quảng Ninh.
Thì đấy là điểm có thể coi là khả năng qui tụ cán bộ với tầm nhìn lớn, đặc biệt là đây là tỉnh sát cạnh Trung Quốc và mong muốn vượt lên. Cho đến nay, Quảng Ninh vẫn là một trong những điểm sáng về cải cách do có người lãnh đạo chọn đúng hướng đi. Có thể nói, ông Chính là người có tầm tư duy chiến lược và cách tiếp cận giải quyết những vấn đề thực tiễn đạt hiệu quả.
Thứ hai là ông Chính làm về tổ chức [Đảng] và trong thời gian vừa qua không để điều tiếng gì và thậm chí là đề bạt được nhiều cán bộ tốt hơn trước, thì đó cũng thể hiện là người có tầm nhìn và tâm huyết cho đất nước. Thứ ba là như chúng ta đã biết là lãnh đạo là dựa vào khả năng dùng người tài chứ không phải chỉ là mình có kinh nghiệm gì cụ thể.
Ông Phạm Minh Chính là người từng học ở nước ngoài và theo tôi ông là người rất quyết đoán.
Kinh nghiệm khi tôi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì tôi thấy rõ ràng là tầm nhìn và khát vọng cho đất nước là có thể xoay chuyển được rất nhiều vấn đề và như vậy thì mọi người sẽ đồng lòng giúp sức.
Do vậy tôi nghĩ rằng ông Phạm Minh Chính có thể phát huy tiếp được những thành quả mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm được và nâng lên một tầm mới. Và đặc biệt là sự phối hợp giữa bốn người hay "Tứ trụ" tôi thấy là sẽ còn chặt chẽ hơn nữa và rất ăn ý với nhau và sẽ có đẳng cấp thế giới.
Tôi thấy lần này dàn lãnh đạo kỹ trị của Việt Nam có vẻ là không thua kém Trung Quốc nhiều về tầm nhìn tương lai, năng lực khai sáng cho dân tộc cũng như khả năng kiến tạo. Đây có thể nói là lần đầu tiên tôi tự hào về đội ngũ lãnh đạo đất nước trong thời gian tới.
Nguồn : BBC, 25/01/2021