TờNhà báo và Công luận vừa cho biết, mới có thêm một doanh nghiệp Trung Quốc (Công ty Metro Bắc Kinh) được chọn làmnhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ quản lý, vận hành, khai thác tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Trước đó, một doanh nghiệp thành viên củaMetro Bắc Kinhđã được chọn làmnhà thầu thiết kế và sản xuất đoàn tàu, cung cấp cho Dự án Metro Cát Linh - Hà Đông. Nhà báo và Công luận không cho biết gói thầu mà Metro Bắc Kinh vừa thắng trị giá bao nhiêu mà chỉ dẫn lại ý kiến củaMetro Hà Nội (chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác tuyến metro Cát Linh – Hà Đông), rằng đó là kết quả từ một cuộc… đấu thầu quốc tế !
Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đưa dự án vào hoạt động sau nhiều năm trì hoãn. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Đại khái, gói thầu mới nhất trong Dự án Metro Cát Linh – Hà Đông mà một doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục được chọn làm nhà thầu trong dự án này là :Hỗ trợ Công ty Metro Hà Nội… chuẩn bị và thực hiện công tác vận hành, khai thác tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm an toàn trong… thời gian đầu. Từng bước giúp Công ty Metro Hà Nội đủ năng lực để vận hành khai thác hiệu quả tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể :Tư vấn hỗ trợ giai đoạn bàn giao, tiếp nhận dự án. Tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ công tác lập kế hoạch, xây dựng quy trình, quy định. Tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành trong giai đoạn khai thác thương mại(1)...
***
Công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông được giao cho một nhà thầu Trung Quốc vì chi phí để thực hiện do "ta" hỏi vay của Trung Quốc. Ban đầu, tổng vốn đầu tư chỉ có 550 triệu Mỹ kim nhưng làm được nửa chừng, nhà thầu Trung Quốc ngưng thi công và đòi trả thêm tiền. Ở thế trót cưỡi cọp, "ta" phải hỏi vay thêm Trung Quốc 340 triệu Mỹ kim. Suất đầu tư trở thành 890 triệu Mỹ kim...
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó. Công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông khởi công năm 2011 và lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2013 nhưng nhà thầu Trung Quốc vừa làm, vừa nghỉ vì đủ thứ lý do và đủ loại sự cố. Thời gian vận hành – đưa công trình vào sử dụng được dời đi, dời lại có lẽ sắp tròn chục lần. Tính ra đến nay, công trình đã dài hơn dự kiến khoảng bảy năm.
890 triệu Mỹ kim không những không sinh lợi mà còn sinh lãi. Hồi 2018, "ta" thú thật, vào lúc đó, mỗi ngày, khoản tiền lãi mà "ta" phải trả cho Trung Quốc khi vay để thực hiện công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông đã là một tỉ đồng (2). Thật ra thiệt hại không phải chỉ nằm ở khoản nợ 890 triệu Mỹ kim và khoản tiền lãi lên tới một tỉ/ngày. Nếu tính đúng và đủ thiệt hại đối với kinh tế - xã hội do giao thông tắc nghẽn, cũng như thiệt hại bởi phải "thắt lưng, buộc bụng", cắt giảm các khoản chi cho an sinh, đầu tư cho những dự án hỗ trợ phát triển thì chắc chắn số người Việt bị… đau tim, cao huyết áp ở Việt Nam có thể tăng gấp cả trăm lần so với hiện nay !
Song chuyện cũng vẫn chưa thể ngừng ở đó. Đầu năm ngoái, sau khi công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông đã thành hình, thành dạng thì phát sinh thêm tình tiết tuyến metro này có nhiều vấn đề về… an toàn nên các cơ quan hữu trách tại Việt Nam dõng dạc thú nhận :Không có ai dám xác nhận tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hội đủ tiêu chuẩn an toàn để có thể vận hành. Lúc ấy, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm định bảo rằng :Có nhiều thứ không đồng bộ ! Hồ sơ dự án không đầy đủ và không thể bổ sung đầy đủ(3) ! Nhận định ấy vừa lịch sự, vừa thông minh vì chính xác mà không cần huỵch toẹt không có cơ sở để xác nhận an toàn thì tất nhiên không thể dùng !
Trên thực tế, đến cuối năm vừa qua, Metro Hà Nội đã cho tàu chạy thử 5.700 lượt trên tuyến metro Cát Linh – Hà Đông (tổng quãng đường khoảng 70.000 cây số) nhưng giới hữu trách vẫn không dám đưa tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào khai thác thương mại để chào mừng Đại hội đảng lần thứ 13 (25/1/2021 – 2/2/2021). Bộ trưởng Giao thông và vận tải vừa hứa là sẽ làm điều này trong… quý này (quý 1 của năm 2021) !
***
Không thể thống kê đã có bao nhiêu người, bao nhiêu ý kiến về công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông trong hơn mười năm vừa qua (từ trước khi "ta" quyết định phát triển hệ thống metro ở xứ "ta" bằng tiền của Trung Quốc). Không thể hiểu nổi tại sao đảng "ta", quốc hội "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" vẫn đi đều bước với bước mới nhất là chọn Metro Bắc Kinh làm nhà thầu để dạy "ta" tiếp nhận công trình, quản lý, vận hành, khai thác sao cho hiệu quả và an toàn trong thời gian đầu ?
Chẳng rõ việc "ta" tiếp tục chọn Metro Bắc Kinh – bất kể dân ta nghĩ gì, muốn gì có liên quan gì đến tuyên bố của ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hồi giữa năm ngoái (Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không không chỉ là dự án thương mại đơn thuần mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc) (4) hay không ? Lẽ nào lúc này, tình hữu nghị vẫn còn được giá ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/01/2021
Chú thích
(3) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bat-luc-truoc-mieng-can-ke-cat-linh-ha-dong-778381.ldo