Sử dụng vốn ngân sách nhà nước để trả nợ gốc hiệp định vay 250 triệu USD của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Lễ bàn giao, đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông giữa Bộ Giao thông vận tải và Thành phố Hà Nội ngày 6/11/2021.
Những năm gần đây người ta chứng kiến sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc "càn quét" mạnh mẽ qua từng ngõ ngách của các quốc gia Á – Phi – Âu với một loạt dự án hạ tầng được khởi động.
Nhưng đi cùng với nó là cảnh điêu đứng của một loạt đối tác, từ việc Sri Lanka bàn giao cảng nước sâu, 3 dự án đường ở Pakistan bị dừng đột ngột, cho đến cả núi nợ của Maldives… Đó là một phần trong bức tranh "bẫy nợ" mà Bắc Kinh giăng ra.
Việt Nam ký kết vay hơn 9,198 tỷ USD giai đoạn 2016 – 2017
Trong "Báo cáo Ðịnh hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết : Theo thống kê, tổng vốn nước ngoài Việt Nam ký kết vay giai đoạn 2016 – 2017 là hơn 9,198 tỷ USD, trong đó vốn vay ODA 6,78 tỷ USD, vay ưu đãi 2,2 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại 216,8 triệu USD.
Trong đó, vốn vay ODA có lãi suất thấp, thời hạn vay dài thường từ 25 đến 40 năm và thời gian ân hạn hợp lý (5-10 năm). Với các ưu điểm này, vốn ODA giúp Việt Nam tiếp cận nguồn kỹ thuật, tri thức, đổi mới, sáng tạo và là đòn bẩy, chất xúc tác huy động nguồn vốn khác, đặc biệt nguồn vốn trong nước.
"Tuy nhiên, vốn vay ODA bắt đầu bộc lộ hạn chế như lãi suất tăng dần. Nếu Việt Nam không cân nhắc kỹ có thể rơi vào bẫy "ODA và vay ưu đãi" khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra các điểm bất cập của nguồn vốn ODA từ các đối tác song phương, tiêu biểu là vốn vay từ Trung Quốc. Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác. Vốn vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm và được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư… ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc việc vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Trung Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.
Bài học từ "bẫy nợ" dự án hạ tầng đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông
Nhìn lại dự án hạ tầng này, người ta có thể thấy rằng trải qua thời gian dài với việc nhà cửa bắt đầu bị giải tỏa, cây cối bị chặt hạ, giao thông ùn tắc suốt gần một thập niên thi công dự án. Thế nhưng những lời hứa cùng các mốc thời gian cứ thế trôi đi, tháng 12/2015 sang tháng 9/2016 ; tháng 9/2016 sang tháng 10/2017, rồi tháng 12/2017, tháng 9/2018, năm 2019, rồi 2020…
Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân chính do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nên cơ quan thẩm quyền mất nhiều thời gian nghiên cứu để ban hành chính sách áp dụng, như xác định chủ đầu tư như thế nào, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế tài chính... Hơn nữa, quá trình lập dự án đầu tư có nhiều phát sinh, như thỏa thuận phương án kiến trúc, phê duyệt điều chỉnh dự án... Ngoài ra, dự án chủ yếu sử dụng vốn ODA của Trung Quốc, trong khi các quy định về hồ sơ thiết kế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có khác biệt, dẫn tới thời gian thiết kế, thẩm tra, thẩm định phê duyệt... bị điều chỉnh nhiều lần.
Và điểm được nhiều chuyên gia giao thông cho là mấu chốt, Việt Nam cần phải coi là bài học sâu sắc đó là tổng thầu thực hiện dự án được chỉ định trực tiếp từ Hiệp định khung giữa chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, chính vì thế tiến độ thực hiện phụ thuộc rất lớn vào vốn, vào tổng thầu...
Được biết, theo cơ chế tài chính của dự án, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản phí liên quan trong giai đoạn xây dựng cho tới khi hoàn thành. Bộ Giao thông vận tải đã bố trí 400 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư dự án để trả nợ gốc phần vốn vay lại trong giai đoạn xây dựng dự án.
Và ngày 21/1/2020, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-BGTVT giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc hiệp định vay 250 triệu USD của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
Có một tâm lý là không ít bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn xem ODA là "của trời cho", "của chung", mà không nhìn nhận rằng bản chất đây là khoản vay phải trả trong khoảng 20-30 năm sau. Có lãnh đạo địa phương ngồi 1-2 nhiệm kỳ vẫn chưa hình dung được áp lực, trách nhiệm phải trả nợ khoản vay ODA.
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 22/02/2024
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại xin gia hạn đến cuối năm 2023
RFA, 14/06/2023
Bộ Giao thông- Vận tải (Giao thông vận tải) hôm 11/6 cho biết đã có Quyết định điều chỉnh kéo dài thêm thời gian thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông đến ngày 6/11/2023 thay vì 31/3/2021 như đã được phê duyệt trước đó.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội. AFP/RFA edit
Vì sao Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoạt động vận chuyển hành khách từ tháng 11 năm 2021, nay lại phải gia hạn thời gian hoàn tất dự án ?
Ông Trí, sinh sống tại Hà Nội, hôm 14/6 nói với RFA ý kiến của mình về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông :
"Bất kỳ một dự án nào kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch ban đầu, cũng là vi phạm. Thời gian kéo dài càng lâu thì mức độ vi phạm càng lớn. Riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông chúng ta đều thấy rõ mức độ vi phạm rất nghiêm trọng. Xin nhấn mạnh là rất nghiêm trọng, cụ thể về mặt thời gian nó đã bị kéo dài từ 5 năm thành 15 năm, mà chưa chắc đã xong. Còn về vốn đầu tư tăng từ 8.770 tỷ đồng, thành hơn 18.000 tỷ, tức là tăng hơn hai lần là một con số khủng khiếp".
Theo ông Trí, việc kéo dài thời gian dự án trong khi dự án đã được đưa vào vận hành khai thác hơn một năm, tức là có hàng chục, hàng trăm ngàn lượt khách đi lại trên các tuyến đường này… làm cho ông nảy sinh nghi ngờ về sự hoàn chỉnh và mức độ an toàn trong vận hành khai thác dự án này. Ông Trí nói tiếp :
"Nội dung bài báo nhà nước đã nêu rất rõ, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn thiếu vật tư, phụ kiện dự phòng, thiếu phương tiện chuyên ngành, vẫn chưa đánh giá hết mức an toàn của hệ thống tín hiệu, chưa hoàn thành các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước. Tóm lại là vẫn còn ngổn ngang, dang dở và rõ ràng là một người bình thường, tôi không thể cảm thấy yên tâm khi ngồi đi trên chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông".
Hành khách trên tàu Cát Linh - Hà Đông hôm 6/11/2021. AFP.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. Tám năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 14/6 nhận định với RFA :
"Từ rất lâu, ai cũng thấy là dự án này bị kẹt trong tay các nhà thầu Trung Quốc. Họ làm cái bẫy và đưa Việt Nam vào đó để kiếm tiền. Việt Nam giờ đối mặt với hai lựa chọn : nếu bỏ nhà thầu này thì các trang thiết bị để sửa chửa, tu bổ cho hệ thống sẽ gặp nhiều khó khăn ; còn nếu tiếp tục với nhà thầu này thì Việt Nam sẽ tiếp tục cống nộp tiền cho họ. Những người đã ký và thúc đẩy cho chọn lựa đầu tư này phải chịu trách nhiệm.
Đã đến lúc Việt Nam nên thiết lập một nhóm chuyên gia hoặc hợp đồng với một công ty tư nhân để họ chịu trách nhiệm chuyển giao quy trình quản lý và vận hành, đồng thời xem xét việc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này".
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trễ hẹn vận hành thương mại hơn 10 lần. Dự án này trước đây được chính quyền Hà Nội kỳ vọng nhiều nhất nhưng lại vướng quá nhiều bê bối về điều chỉnh vốn đầu tư cũng như trục trặc kỹ thuật và kéo dài thời gian do tổng thầu EPC của Trung Quốc không tuân thủ theo các quy định của nhà đầu tư. Dù vẫn còn vướng nhiều bê bối, nhưng Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chính thức đưa vào vận chuyển hành khách từ ngày 6/11/2021.
Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 8/6/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, cho biết sau 19 tháng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Đường sắt Hà Nội đã khẳng định với truyền thông nhà nước trong cùng ngày là số tiền 100 tỷ chưa phải là lợi nhuận. Ông Trí cho biết thêm ý kiến về việc này :
"Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư của dự án này, trong 15 thực hiện dự án đã trải qua 5 đời bộ trưởng, nhưng đến nay chưa vị lãnh đạo nào của Bộ Giao thông vận tải bị điều tra, truy tố, xét xử… do có những sai phạm liên quan đến dự án này. Nếu nhìn các bộ khác như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ, thậm chí Bộ Công an… sẽ thấy các bộ đó đã đều có những vị Bộ trưởng, Thứ trưởng bị điều tra, truy tố, xét xử, bắt bỏ tù… bởi những sai phạm trong một số dự án nhà nước. Như vậy sẽ thấy trường hợp của Bộ Giao thông vận tải rất là khác biệt, bất thường".
Ông Trí còn cho biết rất phẫn nộ khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đăng đàn trước Quốc hội đã đưa ra một thông tin sai sự thật cho rằng Đường sắt Cát linh – Hà Đông đã có lãi. Trong khi thực chất dự án này vẫn đang lỗ và UBND thành phố Hà Nội vẫn phải đang trợ giá cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 14/6, nhận định :
"Đây là một đường sắt ngắn, chất lượng cũng không tốt. Có ý kiến cho rằng một đoạn đường sắt đô thị ngắn như thế, mà so với đường sắt mà Trung Quốc đã xây dựng nối Trung Quốc với Vientiane bên Lào thì thấy một trời một vực. Chính vì vậy nhiều câu hỏi đặt ra tại sao nó cứ chập chững như thế và tiêu tốn của ngân sách một khoảng tiền rất lớn. Mà cho đến nay vẫn chi phí tiếp chứ chưa nhìn thấy hiệu quả của việc vận hành đường sắt này cho sự phát triển của Hà Nội".
Theo ông Võ, bây giờ Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại lùi lại thời hạn nữa thì chắc chắn sự tốn kém cho ngân sách sẽ tăng lên và hiệu quả của việc vận hành chắc chắn cũng chưa đạt được cái mong muốn của một đoạn đường sắt đô thị ngắn như vậy.
************************
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đề xuất gia hạn đến cuối năm 2023
Tuấn Phùng, Tuổi Trẻ online, 12/08/2022
Ngày 12/8, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi các bộ liên quan và UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến ngày 6/11/2023.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất gia hạn thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến khi kết thúc bảo hành vào ngày 6/11/2023 - Ảnh : Tuấn Phùng
Trước đó tháng 12/2020, Chính phủ đã chấp thuận dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gia hạn thực hiện đến ngày 31/3/2021 theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, do Tổng thầu EPC vẫn phải tiếp tục thực hiện một số công việc theo hợp đồng dự án nên Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến thời điểm kết thúc công tác bảo hành dự án vào ngày 6/11/2023.
Thực hiện ý kiến của Văn phòng Chính phủ ngày 12/8, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn đề nghị các bộ : Kế hoạch và đầu tư ; Xây dựng, Tài chính và UBND Thành phố Hà Nội cho ý kiến về việc gia hạn thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến 6/11/2023 để bộ này tổng hợp, báo cáo Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, trong công văn đề xuất Thủ tướng cho gia hạn thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông vận tải cho biết đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên và thí điểm được thực hiện tại Việt Nam.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Hiệp định khung của dự án được ký kết ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án vào tháng 10/2008. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC được ký kết vào tháng 8/2010 do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện (đơn vị được chỉ định thầu trong hiệp định).
Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/3/2021.
Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện và đã hoàn thành thi công xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, thực hiện nghiệm thu công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể công trình vào ngày 24/3/2021.
Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên đến ngày 15/9/2021, Tổng thầu EPC mới ký biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình làm cơ sở Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện vào ngày 5/11/2021.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho UBND Thành phố Hà Nội đưa vào khai thác từ ngày 6/11/2021.
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác giai đoạn đầu.
Tuy nhiên vẫn còn một số công việc Tổng thầu EPC phải tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng như : mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, phương tiện chuyên ngành khu depot (trung tâm điều khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu), hoàn thiện các hồ sơ hoàn công còn lại, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục thông tin, tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác và thực hiện công tác bảo hành công trình. Các công việc trên hiện vẫn đang được Tổng thầu EPC thực hiện.
Để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến thời điểm kết thúc công tác bảo hành dự án vào ngày 6/11/2023.
Tuân Phùng
**************************
Lần thứ 6 Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ gia hạn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Bảo Ngọc, Tuổi Trẻ online, 27/12/2022
Thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa được các bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng cho kéo dài tới cuối năm 2023 để tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống tín hiệu, mua sắm linh kiện dự phòng, phương tiện chuyên ngành khu depot.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh : TP
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến ngày 6/11/2023.
Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được bàn giao, đưa vào khai thác giai đoạn đầu từ ngày 6/11/2021, nhưng tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan vẫn phải tiếp tục thực hiện các nội dung, công việc còn lại của dự án theo quy định của hợp đồng đã ký.
Đó là mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, mua phương tiện chuyên ngành khu depot, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác, hoàn thành các nội dung theo thông báo số 107 ngày 5/11/2021 của Hội đồng Kiểm tra nhà nước.
Việc gia hạn thời gian thực hiện dự án cũng là cơ sở để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng EPC và làm căn cứ gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu liên quan tới hợp đồng EPC như : tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán…
Về tiến độ thực hiện hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đến nay tổng thầu Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện các công việc còn lại của hợp đồng EPC như : phối hợp cùng tư vấn Ricardo hoàn thành đánh giá an toàn hệ thống tín hiệu, dự kiến hoàn thành vào ngày 6/11/2023 ; mua sắm linh phụ kiện dự phòng còn lại dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023 ; mua sắm thêm 6 phương tiện của khu depot để bàn giao cho Công ty Metro Hà Nội trong tháng 12/2022.
Bên cạnh đó, tổng thầu EPC đang tiếp tục thực hiện công tác bảo hành dự án và hoàn thành các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng Kiểm tra nhà nước.
Đây là lần thứ 6 Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Các lần gian hạn trước đây được thực hiện vào tháng 12/2013 (kéo dài đến tháng 12/2015), lần 2 vào tháng 7/2015 (kéo dài đến tháng 12/2016), lần thứ 3 vào tháng 2/2017 (kéo dài đến quý 1/2018), lần thứ 4 vào tháng 7/2018 (kéo dài đến tháng 9/2018), lần thứ 5 vào tháng 12/2020 (kéo dài đến tháng 3/2021).
Sau 5 lần gia hạn thời gian thực hiện, tổng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769,9 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng.
Bộ Giao thông vận tải cho biết trong lần thứ 6 gia hạn thời gian thực hiện dự án, chi phí đầu tư sẽ không tăng lên.
Một vướng mắc khác tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện nay là hiệp định vay vốn bổ sung 260,62 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) sẽ hết hạn vào ngày 28/12/2022.
Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với tổng thầu EPC tổ chức làm việc với Bộ Tài chính, CEB để gia hạn hợp đồng vay vốn bổ sung. Trong trường hợp CEB từ chối gia hạn hợp đồng vay vốn, Bộ Giao thông vận tải sẽ kiến nghị sử dụng vốn trong nước để hoàn thành dự án.
Và để gỡ vướng cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Bảo Ngọc
Sau gần một năm mở cửa đón hành khách từ ngày 06/11/2021 đến nay, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, theo nhiều người dân Hà Nội, vẫn chưa hút khách. Thống kê mới nhất của Hanoi Metro, sau 202 ngày vận hành, tính đến 26/5 năm nay, tuyến đường này chuyên chở hơn 3,1 triệu hành khách, trong ngày làm việc bình thường có từ 21.000-22.000 hành khách/ngày, và công ty lỗ 64 tỉ đồng trong năm ngoái.
Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Từ Hà Đông vào trung tâm thành phố Hà Nội hiện là một trong những tuyến đường bị ách tắc giao thông trầm trọng nhất, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Ước tính để đi từ Hà Đông vào tới khu vực Cát Linh bằng xe máy trong giờ cao điểm sẽ mất hơn 1 giờ đồng hồ, còn đi ô tô sẽ mất trên 1 giờ 30 phút. Trong khi đó, nếu đi tàu sẽ chỉ mất khoảng 30 phút. Vậy sao vẫn còn nhiều người chưa chọn giải pháp này ?
Có người cho rằng vì chưa thật sự tiện lợi, như anh Nguyễn Tuấn Anh, một công chức sống tại làng Triều Khúc gần với điểm cuối của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Anh cho biết từng rất vui mừng khi dự án này mở cửa đón khách vào cuối năm 2021. Anh phải đi vào khu vực quận Hoàn Kiếm làm việc hàng ngày trong tình trạng giao thông vô cùng tồi tệ nhiều năm nay. Bến tàu chỉ cách nhà anh có 1,5 km nên ngay từ lúc khai trương anh đã tranh thủ đi thử. Nhưng anh nói ngay sau lần đi thử đó, anh đã từ bỏ ý định đi làm bằng tuyến đường sắt này.
Thứ nhất, tại bến gần nhà anh hoàn toàn không có chỗ gửi xe. Anh cũng từng thử đi bộ ra bến tàu, nhưng lên tàu mới giật mình nhớ ra là tới bến Cát Linh thì phải đi xe ôm, taxi, hay grab tới chỗ làm cách đó vài cây số nữa mà đồng lương công chức không cho phép anh tiêu xài thêm những khoản như thế. Hệ thống giao thông công cộng chưa được quy hoạch khép kín đang khiến cho những công chức như anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi xe máy cho tiện.
"Chỉ có một giải pháp là đi làm sớm. Giải pháp đi làm sớm là khả dĩ nhất. Nếu mà mình đi làm từ 6h30 sáng thì chỉ mất khoảng 35 đến 40 phút thôi vì lúc đó đường nó vẫn còn thoáng, cứ thẳng đường mà đi, rồi đến đấy ăn sáng và vào làm là đẹp. Chứ nếu ông ngủ thêm một chút thì cứ xác định là đi phải mất hơn 1 tiếng mới tới nơi được", anh Tuấn Anh chia sẻ với VOA.
Tuy vậy, anh nói đây không thể là giải pháp lâu dài vì cứ đi sớm về muộn để tránh tắc đường như thế này thì thành ra anh mất quá nhiều thời gian cho công việc, đi từ khi trời mới sáng đến tận tối mịt mới về. Cho nên anh đang tính tới giải pháp tiết kiệm tiền mua một chiếc scooter loại tốt có thể đeo trên người lúc đi tàu, để vận chuyển từ nhà tới bến tàu và từ đầu tàu bên kia tới chỗ làm.
Khác với cảm nhận bất tiện của những người sinh sống dọc theo tuyến đường sắt này như anh Tuấn Anh, cũng có ý kiến cho rằng nhiều người chưa mặn mà với phương tiện này là do người dân thành phố chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng mà thôi.
"Hôm vừa rồi, tôi vừa đi thử từ Cát Linh vào Hà Đông thì thấy được phết đấy chứ. Nhưng nói chung văn hoá, thói quen Việt Nam mình nó vẫn bệ rạc. Đơn giản bây giờ nhiều ông đi làm có về ngay đâu, thường là tạt té đi chỗ này chỗ khác hay bia rượu gì đấy nên các ông ý vẫn thích đi xe máy cho chủ động hơn", Anh Nguyễn Trường Thành, một cư dân sinh sống tại quận Long Biên cho biết.
Nhiều người khác thì tỏ vẻ không quan tâm tới tuyến đường sắt này bởi, theo họ, nó sẽ chẳng có lợi ích gì đáng kể khi mà chỉ có một tuyến duy nhất và hệ thống xe buýt đưa đón tới những điểm đến mà họ mong muốn chưa được hoàn thiện đồng bộ.
Anh Nguyễn Thành Trung, một chủ doanh nghiệp nhỏ tại quận Thanh Xuân nằm trên trục đường Cát Linh – Hà Đông, cho biết anh vẫn lựa chọn giải pháp sử dụng ô tô riêng thay vì đi tàu như khuyến khích của các cơ quan quản lý thành phố.
"Thời gian đâu mà đi mấy cái lăng nhăng đấy. Mình làm kinh doanh nên giờ giấc nó cũng linh động mà. Mình toàn đi rất muộn và về muộn… nên đi xe riêng cho nó tiện", anh Trung chia sẻ.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 10/09/2022
TờNhà báo và Công luận vừa cho biết, mới có thêm một doanh nghiệp Trung Quốc (Công ty Metro Bắc Kinh) được chọn làmnhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ quản lý, vận hành, khai thác tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Trước đó, một doanh nghiệp thành viên củaMetro Bắc Kinhđã được chọn làmnhà thầu thiết kế và sản xuất đoàn tàu, cung cấp cho Dự án Metro Cát Linh - Hà Đông. Nhà báo và Công luận không cho biết gói thầu mà Metro Bắc Kinh vừa thắng trị giá bao nhiêu mà chỉ dẫn lại ý kiến củaMetro Hà Nội (chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác tuyến metro Cát Linh – Hà Đông), rằng đó là kết quả từ một cuộc… đấu thầu quốc tế !
Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đưa dự án vào hoạt động sau nhiều năm trì hoãn. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Đại khái, gói thầu mới nhất trong Dự án Metro Cát Linh – Hà Đông mà một doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục được chọn làm nhà thầu trong dự án này là :Hỗ trợ Công ty Metro Hà Nội… chuẩn bị và thực hiện công tác vận hành, khai thác tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm an toàn trong… thời gian đầu. Từng bước giúp Công ty Metro Hà Nội đủ năng lực để vận hành khai thác hiệu quả tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể :Tư vấn hỗ trợ giai đoạn bàn giao, tiếp nhận dự án. Tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ công tác lập kế hoạch, xây dựng quy trình, quy định. Tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành trong giai đoạn khai thác thương mại(1)...
***
Công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông được giao cho một nhà thầu Trung Quốc vì chi phí để thực hiện do "ta" hỏi vay của Trung Quốc. Ban đầu, tổng vốn đầu tư chỉ có 550 triệu Mỹ kim nhưng làm được nửa chừng, nhà thầu Trung Quốc ngưng thi công và đòi trả thêm tiền. Ở thế trót cưỡi cọp, "ta" phải hỏi vay thêm Trung Quốc 340 triệu Mỹ kim. Suất đầu tư trở thành 890 triệu Mỹ kim...
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó. Công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông khởi công năm 2011 và lẽ ra phải hoàn tất vào năm 2013 nhưng nhà thầu Trung Quốc vừa làm, vừa nghỉ vì đủ thứ lý do và đủ loại sự cố. Thời gian vận hành – đưa công trình vào sử dụng được dời đi, dời lại có lẽ sắp tròn chục lần. Tính ra đến nay, công trình đã dài hơn dự kiến khoảng bảy năm.
890 triệu Mỹ kim không những không sinh lợi mà còn sinh lãi. Hồi 2018, "ta" thú thật, vào lúc đó, mỗi ngày, khoản tiền lãi mà "ta" phải trả cho Trung Quốc khi vay để thực hiện công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông đã là một tỉ đồng (2). Thật ra thiệt hại không phải chỉ nằm ở khoản nợ 890 triệu Mỹ kim và khoản tiền lãi lên tới một tỉ/ngày. Nếu tính đúng và đủ thiệt hại đối với kinh tế - xã hội do giao thông tắc nghẽn, cũng như thiệt hại bởi phải "thắt lưng, buộc bụng", cắt giảm các khoản chi cho an sinh, đầu tư cho những dự án hỗ trợ phát triển thì chắc chắn số người Việt bị… đau tim, cao huyết áp ở Việt Nam có thể tăng gấp cả trăm lần so với hiện nay !
Song chuyện cũng vẫn chưa thể ngừng ở đó. Đầu năm ngoái, sau khi công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông đã thành hình, thành dạng thì phát sinh thêm tình tiết tuyến metro này có nhiều vấn đề về… an toàn nên các cơ quan hữu trách tại Việt Nam dõng dạc thú nhận :Không có ai dám xác nhận tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hội đủ tiêu chuẩn an toàn để có thể vận hành. Lúc ấy, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm định bảo rằng :Có nhiều thứ không đồng bộ ! Hồ sơ dự án không đầy đủ và không thể bổ sung đầy đủ(3) ! Nhận định ấy vừa lịch sự, vừa thông minh vì chính xác mà không cần huỵch toẹt không có cơ sở để xác nhận an toàn thì tất nhiên không thể dùng !
Trên thực tế, đến cuối năm vừa qua, Metro Hà Nội đã cho tàu chạy thử 5.700 lượt trên tuyến metro Cát Linh – Hà Đông (tổng quãng đường khoảng 70.000 cây số) nhưng giới hữu trách vẫn không dám đưa tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào khai thác thương mại để chào mừng Đại hội đảng lần thứ 13 (25/1/2021 – 2/2/2021). Bộ trưởng Giao thông và vận tải vừa hứa là sẽ làm điều này trong… quý này (quý 1 của năm 2021) !
***
Không thể thống kê đã có bao nhiêu người, bao nhiêu ý kiến về công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông trong hơn mười năm vừa qua (từ trước khi "ta" quyết định phát triển hệ thống metro ở xứ "ta" bằng tiền của Trung Quốc). Không thể hiểu nổi tại sao đảng "ta", quốc hội "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" vẫn đi đều bước với bước mới nhất là chọn Metro Bắc Kinh làm nhà thầu để dạy "ta" tiếp nhận công trình, quản lý, vận hành, khai thác sao cho hiệu quả và an toàn trong thời gian đầu ?
Chẳng rõ việc "ta" tiếp tục chọn Metro Bắc Kinh – bất kể dân ta nghĩ gì, muốn gì có liên quan gì đến tuyên bố của ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hồi giữa năm ngoái (Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không không chỉ là dự án thương mại đơn thuần mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc) (4) hay không ? Lẽ nào lúc này, tình hữu nghị vẫn còn được giá ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/01/2021
Chú thích
(3) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bat-luc-truoc-mieng-can-ke-cat-linh-ha-dong-778381.ldo