Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2023

Con bò Cát Linh - Hà Đông tiếp tục bị vắt sữa ?

RFA, Ruấn Phùng, Bảo Ngọc

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại xin gia hạn đến cuối năm 2023

RFA, 14/06/2023

Bộ Giao thông- Vận tải (Giao thông vận tải) hôm 11/6 cho biết đã có Quyết định điều chỉnh kéo dài thêm thời gian thực hiện Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông đến ngày 6/11/2023 thay vì 31/3/2021 như đã được phê duyệt trước đó.

catlinh1

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội. AFP/RFA edit

Vì sao Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoạt động vận chuyển hành khách từ tháng 11 năm 2021, nay lại phải gia hạn thời gian hoàn tất dự án ?

Ông Trí, sinh sống tại Hà Nội, hôm 14/6 nói với RFA ý kiến của mình về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông :

"Bất kỳ một dự án nào kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch ban đầu, cũng là vi phạm. Thời gian kéo dài càng lâu thì mức độ vi phạm càng lớn. Riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông chúng ta đều thấy rõ mức độ vi phạm rất nghiêm trọng. Xin nhấn mạnh là rất nghiêm trọng, cụ thể về mặt thời gian nó đã bị kéo dài từ 5 năm thành 15 năm, mà chưa chắc đã xong. Còn về vốn đầu tư tăng từ 8.770 tỷ đồng, thành hơn 18.000 tỷ, tức là tăng hơn hai lần là một con số khủng khiếp".

Theo ông Trí, việc kéo dài thời gian dự án trong khi dự án đã được đưa vào vận hành khai thác hơn một năm, tức là có hàng chục, hàng trăm ngàn lượt khách đi lại trên các tuyến đường này… làm cho ông nảy sinh nghi ngờ về sự hoàn chỉnh và mức độ an toàn trong vận hành khai thác dự án này. Ông Trí nói tiếp :

"Nội dung bài báo nhà nước đã nêu rất rõ, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn thiếu vật tư, phụ kiện dự phòng, thiếu phương tiện chuyên ngành, vẫn chưa đánh giá hết mức an toàn của hệ thống tín hiệu, chưa hoàn thành các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước. Tóm lại là vẫn còn ngổn ngang, dang dở và rõ ràng là một người bình thường, tôi không thể cảm thấy yên tâm khi ngồi đi trên chuyến tàu Cát Linh – Hà Đông".

catlinh2

Hành khách trên tàu Cát Linh - Hà Đông hôm 6/11/2021. AFP.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. Tám năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 14/6 nhận định với RFA :

"Từ rất lâu, ai cũng thấy là dự án này bị kẹt trong tay các nhà thầu Trung Quốc. Họ làm cái bẫy và đưa Việt Nam vào đó để kiếm tiền. Việt Nam giờ đối mặt với hai lựa chọn : nếu bỏ nhà thầu này thì các trang thiết bị để sửa chửa, tu bổ cho hệ thống sẽ gặp nhiều khó khăn ; còn nếu tiếp tục với nhà thầu này thì Việt Nam sẽ tiếp tục cống nộp tiền cho họ. Những người đã ký và thúc đẩy cho chọn lựa đầu tư này phải chịu trách nhiệm.

Đã đến lúc Việt Nam nên thiết lập một nhóm chuyên gia hoặc hợp đồng với một công ty tư nhân để họ chịu trách nhiệm chuyển giao quy trình quản lý và vận hành, đồng thời xem xét việc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu này".

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trễ hẹn vận hành thương mại hơn 10 lần. Dự án này trước đây được chính quyền Hà Nội kỳ vọng nhiều nhất nhưng lại vướng quá nhiều bê bối về điều chỉnh vốn đầu tư cũng như trục trặc kỹ thuật và kéo dài thời gian do tổng thầu EPC của Trung Quốc không tuân thủ theo các quy định của nhà đầu tư. Dù vẫn còn vướng nhiều bê bối, nhưng Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chính thức đưa vào vận chuyển hành khách từ ngày 6/11/2021.

Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội vào ngày 8/6/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, cho biết sau 19 tháng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Đường sắt Hà Nội đã khẳng định với truyền thông nhà nước trong cùng ngày là số tiền 100 tỷ chưa phải là lợi nhuận. Ông Trí cho biết thêm ý kiến về việc này :

"Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư của dự án này, trong 15 thực hiện dự án đã trải qua 5 đời bộ trưởng, nhưng đến nay chưa vị lãnh đạo nào của Bộ Giao thông vận tải bị điều tra, truy tố, xét xử… do có những sai phạm liên quan đến dự án này. Nếu nhìn các bộ khác như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ, thậm chí Bộ Công an… sẽ thấy các bộ đó đã đều có những vị Bộ trưởng, Thứ trưởng bị điều tra, truy tố, xét xử, bắt bỏ tù… bởi những sai phạm trong một số dự án nhà nước. Như vậy sẽ thấy trường hợp của Bộ Giao thông vận tải rất là khác biệt, bất thường".

Ông Trí còn cho biết rất phẫn nộ khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đăng đàn trước Quốc hội đã đưa ra một thông tin sai sự thật cho rằng Đường sắt Cát linh – Hà Đông đã có lãi. Trong khi thực chất dự án này vẫn đang lỗ và UBND thành phố Hà Nội vẫn phải đang trợ giá cả trăm tỷ đồng mỗi năm.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 14/6, nhận định :

"Đây là một đường sắt ngắn, chất lượng cũng không tốt. Có ý kiến cho rằng một đoạn đường sắt đô thị ngắn như thế, mà so với đường sắt mà Trung Quốc đã xây dựng nối Trung Quốc với Vientiane bên Lào thì thấy một trời một vực. Chính vì vậy nhiều câu hỏi đặt ra tại sao nó cứ chập chững như thế và tiêu tốn của ngân sách một khoảng tiền rất lớn. Mà cho đến nay vẫn chi phí tiếp chứ chưa nhìn thấy hiệu quả của việc vận hành đường sắt này cho sự phát triển của Hà Nội".

Theo ông Võ, bây giờ Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại lùi lại thời hạn nữa thì chắc chắn sự tốn kém cho ngân sách sẽ tăng lên và hiệu quả của việc vận hành chắc chắn cũng chưa đạt được cái mong muốn của một đoạn đường sắt đô thị ngắn như vậy.

************************

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại đề xuất gia hạn đến cuối năm 2023

Tuấn Phùng, Tuổi Trẻ online, 12/08/2022

Ngày 12/8, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi các bộ liên quan và UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến ngày 6/11/2023.

catlinh3

Bộ Giao thông vận tải đề xuất gia hạn thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến khi kết thúc bảo hành vào ngày 6/11/2023 - Ảnh : Tuấn Phùng

Trước đó tháng 12/2020, Chính phủ đã chấp thuận dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gia hạn thực hiện đến ngày 31/3/2021 theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, do Tổng thầu EPC vẫn phải tiếp tục thực hiện một số công việc theo hợp đồng dự án nên Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến thời điểm kết thúc công tác bảo hành dự án vào ngày 6/11/2023.

Thực hiện ý kiến của Văn phòng Chính phủ ngày 12/8, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn đề nghị các bộ : Kế hoạch và đầu tư ; Xây dựng, Tài chính và UBND Thành phố Hà Nội cho ý kiến về việc gia hạn thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến 6/11/2023 để bộ này tổng hợp, báo cáo Văn phòng Chính phủ.

Trước đó, trong công văn đề xuất Thủ tướng cho gia hạn thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông vận tải cho biết đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên và thí điểm được thực hiện tại Việt Nam.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Hiệp định khung của dự án được ký kết ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án vào tháng 10/2008. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC được ký kết vào tháng 8/2010 do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện (đơn vị được chỉ định thầu trong hiệp định).

Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/3/2021.

Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện và đã hoàn thành thi công xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, thực hiện nghiệm thu công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể công trình vào ngày 24/3/2021.

Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên đến ngày 15/9/2021, Tổng thầu EPC mới ký biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình làm cơ sở Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện vào ngày 5/11/2021.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho UBND Thành phố Hà Nội đưa vào khai thác từ ngày 6/11/2021.

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác giai đoạn đầu.

Tuy nhiên vẫn còn một số công việc Tổng thầu EPC phải tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng như : mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, phương tiện chuyên ngành khu depot (trung tâm điều khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu), hoàn thiện các hồ sơ hoàn công còn lại, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục thông tin, tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác và thực hiện công tác bảo hành công trình. Các công việc trên hiện vẫn đang được Tổng thầu EPC thực hiện.

Để đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến thời điểm kết thúc công tác bảo hành dự án vào ngày 6/11/2023.

Tuân Phùng

**************************

Lần thứ 6 Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ gia hạn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Bảo Ngọc, Tuổi Trẻ online, 27/12/2022

Thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa được các bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng cho kéo dài tới cuối năm 2023 để tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống tín hiệu, mua sắm linh kiện dự phòng, phương tiện chuyên ngành khu depot.

catlinh4

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh : TP

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến ngày 6/11/2023.

Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được bàn giao, đưa vào khai thác giai đoạn đầu từ ngày 6/11/2021, nhưng tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan vẫn phải tiếp tục thực hiện các nội dung, công việc còn lại của dự án theo quy định của hợp đồng đã ký.

Đó là mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, mua phương tiện chuyên ngành khu depot, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác, hoàn thành các nội dung theo thông báo số 107 ngày 5/11/2021 của Hội đồng Kiểm tra nhà nước.

Việc gia hạn thời gian thực hiện dự án cũng là cơ sở để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng EPC và làm căn cứ gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu liên quan tới hợp đồng EPC như : tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán…

Về tiến độ thực hiện hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đến nay tổng thầu Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện các công việc còn lại của hợp đồng EPC như : phối hợp cùng tư vấn Ricardo hoàn thành đánh giá an toàn hệ thống tín hiệu, dự kiến hoàn thành vào ngày 6/11/2023 ; mua sắm linh phụ kiện dự phòng còn lại dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023 ; mua sắm thêm 6 phương tiện của khu depot để bàn giao cho Công ty Metro Hà Nội trong tháng 12/2022.

Bên cạnh đó, tổng thầu EPC đang tiếp tục thực hiện công tác bảo hành dự án và hoàn thành các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng Kiểm tra nhà nước.

Đây là lần thứ 6 Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cho gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Các lần gian hạn trước đây được thực hiện vào tháng 12/2013 (kéo dài đến tháng 12/2015), lần 2 vào tháng 7/2015 (kéo dài đến tháng 12/2016), lần thứ 3 vào tháng 2/2017 (kéo dài đến quý 1/2018), lần thứ 4 vào tháng 7/2018 (kéo dài đến tháng 9/2018), lần thứ 5 vào tháng 12/2020 (kéo dài đến tháng 3/2021).

Sau 5 lần gia hạn thời gian thực hiện, tổng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769,9 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng.

Bộ Giao thông vận tải cho biết trong lần thứ 6 gia hạn thời gian thực hiện dự án, chi phí đầu tư sẽ không tăng lên.

Một vướng mắc khác tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện nay là hiệp định vay vốn bổ sung 260,62 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEB) sẽ hết hạn vào ngày 28/12/2022.

Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với tổng thầu EPC tổ chức làm việc với Bộ Tài chính, CEB để gia hạn hợp đồng vay vốn bổ sung. Trong trường hợp CEB từ chối gia hạn hợp đồng vay vốn, Bộ Giao thông vận tải sẽ kiến nghị sử dụng vốn trong nước để hoàn thành dự án.

Và để gỡ vướng cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Bảo Ngọc

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Tuấn Phùng, Bảo Ngọc
Read 212 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)