Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/06/2023

Việt Nam chuẩn bị kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế ?

Hoàng Việt, Quốc Phương

Biển Đông : Việt Nam chuẩn bị tâm thế ra sao nếu kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế ?

Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội là một lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên tận dụng điều kiện này như thế nào và chuẩn bị tâm thế nội bộ ra sao nếu Việt Nam cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là những câu hỏi cần có câu trả lời cụ thể, đây cũng chính là nội dung của phần hai, cũng là phần cuối của cuộc trao đổi giữa Đài Á Châu Tự Do với nhà nghiên cứu Biển Đông, luật gia Hoàng Việt từ Sài Gòn, liên quan chủ đề biển đảo và pháp lý chủ quyền của Việt Nam ở khu vực.

kien1

Người Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc vào ngày 11/5/2014 khi nước này đem giàn khoan HD-981 vào hạ đặt ở Biển Đông - AP

Mở đầu phần trao đổi này, ông Hoàng Việt đưa ra bình luận trên quan điểm riêng về việc Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc đã mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội cách nay không lâu và ý nghĩa của việc này.

‘Bắt đầu hòa nhập quốc tế sâu hơn‘

Hoàng Việt : Về Văn phòng đại diện của Tòa PCA mà tiếng Anh gọi là Permanent Court of Arbitration (Tòa Trọng tài Thường trực), cần nói thêm về Tòa án này rằng đây là một tòa quan trọng và nó là một định chế lâu đời nhất trên thế giới để giải quyết những tranh chấp giữa các chủ thể khác nhau, đặc biệt trong đó là các quốc gia. Việt Nam cũng đã xúc tiến quan hệ với PCA từ rất lâu và từ năm 2014, hai bên đã ký kết một loạt các thỏa thuận với nhau và gần đây, PCA cũng đã mở một Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Việt Nam (tháng 11/2022) và đang đưa ra thông báo tuyển người một cách rộng rãi.

Điều này cho thấy Việt Nam cũng đã bắt đầu hòa nhập với thế giới. Trước đây trong thời bao cấp, Việt Nam vẫn có tư duy cho rằng các Tòa án quốc tế vẫn là công cụ của Chủ nghĩa Tư bản để chống lại Chủ nghĩa Xã hội và chính vì vậy Việt Nam gần như cách xa với thế giới phương Tây và đặc biệt với các định chế tư pháp quốc tế, trong đó có liên quan các Tòa án quốc tế. Sau này, tư duy của Việt Nam mới thay đổi dần, khi Việt Nam bắt đầu tiệm cận và bắt đầu hòa nhập sâu với thế giới khi Việt Nam đã gia nhập những định chế quan trọng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và điều đó cũng cho thấy rằng nếu Việt Nam muốn chơi chung với các quốc gia phương Tây thì cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, mà trong đó vai trò của các Tòa án quốc tế rất quan trọng.

Còn trở lại với Tòa Trọng tài Thường trực, tòa này giải quyết rất nhiều vấn đề, nhưng cũng phải nói thêm rằng trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thì không phải là PCA có thẩm quyền, mà đây là một Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc, nhưng họ sử dụng PCA như một nơi để họ đăng ký xử án và làm các thủ tục pháp lý cần thiết, chứ không phải là thẩm quyền của PCA. Với cơ quan tài phán quốc tế này, nếu muốn giải quyết tranh chấp giữa hai quốc gia, cũng phải có sự đồng thuận của hai quốc gia, mà như đã đề cập, Trung Quốc luôn từ chối tất cả những biện pháp đưa ra bên thứ ba, trong đó có tòa án. Cho nên, kể cả bản thân (một bên) đưa ra PCA, thì có nhiều vấn đề không giải quyết được.

Chỉ có một phương án hiện nay mà khả thi nhất, đó là sử dụng Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 của Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc , khi đó khả năng sẽ rõ hơn rất nhiều, nhưng cũng phải nói thêm là Tòa này chỉ có chức năng liên quan thẩm quyền là giải thích và áp dụng những điều khoản của Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc, cho nên sẽ gói gọn trong vấn đề đó.

RFA : Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều phức tạp gần đây, chính quyền Việt Nam đang có chiều hướng ‘né tránh’, không muốn lên tiếng ‘mạnh mẽ, quyết liệt’ trước các xung đột lúc này, đặc biệt trước việc lấn lướt ngày một ‘hung hăng’ của Trung Quốc trên Biển Đông, vốn đe dọa và xâm phạm ngày một thường xuyên hơn chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, ý kiến của ông ?

Hoàng Việt : Chắc chắn là nhiều người Việt Nam sẽ cảm thấy lo lắng về chuyện này, chính phủ Việt Nam vẫn còn kiểm soát được tình hình trên Biển Đông, vừa rồi, đặc biệt chúng ta thấy Việt Nam cũng kiềm chế rất là rõ, nhất là từ hôm 07/5/2023 một đoàn tàu của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nhưng đến ngày 25/5/2023, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam mới nhắc tới. Điều đó cho thấy Việt Nam đã kiềm chế rất nhiều và không làm những động thái căng thẳng tác động đến quan hệ Việt Nam và Trung Quốc.

Chúng ta còn nhớ là tháng 11/2022, khi Trung Quốc vừa kết thúc Đại hội Đảng của họ và ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc và hai bên có ra một tuyên bố chung, trong đó nhắc đến vấn đề về Biển Đông, hai bên vẫn nói là tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có tôn trọng Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng Trung Quốc luôn có những hành động khác với những lời nói, điều này rất đáng lo ngại đối với người dân Việt Nam, bởi vì Trung Quốc đã có nhiều cam kết, nhưng họ không giữ đúng những cam kết đó, và đây cũng là điều lo ngại cho toàn bộ người Việt Nam trên khắp thế giới, chứ không chỉ riêng ở trong nước. Và có lẽ không chỉ riêng người dân Việt Nam mà rất nhiều người dân các nước khác cũng có sự tương tự như vậy.

Đương nhiên cũng phải nói thêm rằng đối phó với Trung Quốc không phải là một vấn đề đơn giản, vì như đã trao đổi, tiềm lực của Trung Quốc trên biển rất mạnh, chưa kể họ có nhiều con bài trên tay, trong đó có những vấn đề về kinh tế, chính trị v.v… khiến cho các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cảm thấy cần phải dịu giọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước này vẫn phải bảo vệ đến cùng những vấn đề thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ, và tôi nghĩ cách thức mà các quốc gia Đông Nam Á đang muốn làm là cân nhắc như vậy.

‘Thận trọng từng bước, chậm chắc hơn là vấp sai lầm’

RFA : Về ý kiến gợi ý rằng Việt Nam trong tương lai nên tăng cường tham gia và khi điều kiện cho phép nên ‘mời’ các quốc gia, trong đó có các cường quốc phương Tây và đồng minh của họ ở khu vực, tham gia tập trận chung trên Biển Đông, trên tư cách ‘chủ nhà’, ông nghĩ sao ?

Hoàng Việt : Thực ra từ trước Việt Nam cũng đã tham gia một số lần tập trận hoặc cử quan sát viên tham gia, chuyện tập trận có lẽ cũng không liên quan chính sách ‘bốn không’, bởi vì chính sách đó của Việt Nam là : không liên minh với quốc gia này để chống lại quốc gia khác, cũng không cho quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, rồi không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, và không tham gia những liên minh quân sự. Vậy thì việc tập trận đơn thuần có lẽ không nằm trong vấn đề ‘bốn không’ này.

Thế nhưng có lẽ quan trọng nhất là Việt Nam vẫn đang ngần ngại, thứ nhất là trước sự phản đối, sức ép từ phía Trung Quốc, đó là điều phải nói đầu tiên. Và thứ hai là trong bối cảnh thế giới đầy biến động mà mang lại cảm giác bất an như hiện nay, Việt Nam cũng đang cần có sự thận trọng. Có lẽ mỗi quốc gia sẽ có những chính sách khác nhau, nhưng chính sách của ban lãnh đạo Việt Nam là phải thận trọng, đi từng bước một, thà đi chậm mà chắc hơn là đi nhanh mà có thể dẫn đến những sai lầm.

Trong quá khứ Việt Nam đã trả giá rất nhiều sai lầm cho việc chọn bên, cho nên trong giai đoạn hiện nay Việt Nam vẫn không muốn phải chọn bên, hoặc không muốn rơi vào tình cảnh phải chọn bên, do vậy mà Việt Nam có những bước đi thận trọng như vậy…

Việt Nam đang cảm thấy lo ngại trước diễn biến của quốc tế hiện nay, trong đó có cuộc chiến tại Ukraine với đối đầu Nga – Mỹ, và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, cho nên Việt Nam cảm thấy có nhiều điều bối rối ở đây, Việt Nam vừa có mối quan hệ thân thiết lâu đời với Nga, Việt Nam cũng có nhiều lợi ích kinh tế và nhiều lợi ích chính trị, an ninh quan trọng đối với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc là một cường quốc nằm sát cạnh Việt Nam, và chưa kể Việt Nam lại có nhiều thúc đẩy quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, do đó Việt Nam cũng cảm thấy mình ở trong một tình cảnh hết sức khó xử, chính vì do vậy cá nhân tôi cho rằng năm nay Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ông Phan Văn Giang đã không tham dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore mà chỉ có Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến tham gia, và phái đoàn Việt Nam rất kín tiếng, gần như không có một phát biểu ‘key-notes’ chính yếu nào mà chỉ tham gia thôi, và sự xuất hiện của đoàn Việt Nam cũng rất lặng lẽ.

Điều đó phản ánh sự lo ngại của Việt Nam và rằng Việt Nam lúc này không muốn lên tiếng và không muốn thể hiện quan điểm lúc này, giữa những mớ gọi là ‘hỗn loạn’ của quan hệ quốc tế gần đây.

Làm gì để biết được ý chí, nguyện vọng của người dân ?

RFA : Dường như đó là quan điểm của nhà nước, chính quyền Việt Nam theo góc nhìn của ông, còn quan điểm của người dân thì sao ? Có gì khác biệt hay không ?

Hoàng Việt : Thực ra người dân Việt Nam có tới 100 triệu, nhiều người nhiều ý lắm, cá nhân tôi chỉ biết bản thân tôi thôi, còn nói về quan điểm nói chung của người dân Việt Nam, thì tôi cũng không dám nói, bởi vì người Việt Nam có câu là ‘năm người mười ý’, mà nếu có 100 triệu người thì có thể có đến 100 triệu ý kiến khác nhau. Thế nhưng tôi hiểu rằng sự thận trọng hiện nay là một điều cần thiết, bởi vì trong thế giới hiện nay có rất nhiều vấn đề bất ổn và bất an. Trật tự thế giới đang có những bước dịch chuyển, nhưng cũng chưa rõ ràng thế nào hết, và hiện nay cũng chưa biết bên nào sẽ nắm ưu thế so với bên nào : Trung Quốc, Nga, Mỹ, hay là các nước phương Tây ?

Cho nên điều đó cũng khiến cho rằng nếu không có những nhận định chính xác và đưa ra những phán đoán chính xác để dẫn tới có những hành động phù hợp, có thể sẽ bị trả giá rất lớn. Nên có lẽ tôi cũng hiểu và đồng ý với quan điểm thận trọng của phía Việt Nam.

RFA : Để đáp ứng tâm tư, ý chí, nguyện vọng của người dân, nên chăng có những động thái thăm dò ý kiến của nhân dân, với một 100 triệu người mà có thể là một nguồn ‘nội lực lớn’ và nên chăng tạo điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức nghiên cứu phản biện chính sách độc lập trong nước phát huy vai trò của mình nhiều và thuận lợi hơn ?

Hoàng Việt : Nói chung vấn đề này cũng khá phức tạp, bởi vì những hội thảo, hội thảo khoa học, những đánh giá và thăm dò vẫn có diễn ra ở Việt Nam, ví dụ một Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore có những thăm dò ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có tại Việt Nam, để xem thái độ của những người mà họ thăm dò đối với những vấn đề như quan hệ với Mỹ hay với Trung Quốc, đối với các vấn đề khác v.v… cũng có, chứ không phải là không có. Thế còn ở Việt Nam, để đánh giá những vấn đề này mà có những tổ chức ở trong nước thực hiện, chắc cũng gặp nhiều rào cản, khó khăn.

Một vấn đề là Việt Nam ngày nay vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho các tổ chức xã hội nói chung, đây cũng là một vấn đề mà nhiều quốc gia hay nhiều người ở bên ngoài hay chỉ trích, nhưng tôi thấy cũng khó nói về vấn đề này, bởi vì để cho các tổ chức đó hoạt động, thì phải có một hành lang pháp lý, mà hành lang đó lại chưa có. Đây cũng là một vấn đề hạn chế của Việt Nam và có lẽ là nếu chính quyền Việt Nam muốn có những sự phát triển, thì cũng phải đặt ra những hành lang pháp lý cho các tổ chức đó hoạt động. Như thế nó sẽ dễ hơn cho nhà nước và cũng cởi bỏ tâm lý e ngại của dân chúng. Cá nhân tôi cho rằng đó là một việc cần phải nên làm.

RFA : Cũng có ý kiến nói các quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, mà dựa trên đó người dân có thể bày tỏ thái độ, tình cảm, chính kiến công khai về vấn đề liên quan chủ quyền quốc gia, hay quyền lập các tổ chức, hội đoàn mà dựa trên đó giúp mở ra những tổ chức xã hội dân sự, viện nghiên cứu độc lập nghiên cứu, phản biện chính sách v.v... trên thực tế, nhìn chung về cơ bản đã là các quyền được hiến định trong Hiến pháp, và đã là ‘hành lang pháp lý’ ngay từ đầu tiên rồi, ý kiến của ông ?

Hoàng Việt : Nói chung ở Việt Nam có nhiều điều quy định trong Hiến Pháp, nhưng trên thực tế chưa làm được. Chuyện này rất là nhiều và đương nhiên chính quyền Việt Nam có cách giải thích của họ, nhưng chuyện này cũng khó giải quyết được vì chính quyền cũng đang trong bối cảnh cảm thấy bất an, cho nên họ càng siết chặt những vấn đề về an ninh. Và càng siết chặt các vấn đề đó, họ càng phải loại trừ ngay những vấn đề ‘nguy cơ’ họ nhìn thấy từ xa. Có thể nó chưa tới gần, nhưng họ đã nhìn thấy từ xa, đó là cách mà phía Việt Nam đang làm.

Đương nhiên là đối với phía nhà nước cảm thấy dễ chịu, bởi vì đã ‘tiêu diệt được từ trong mầm mống’, nhưng đối với người dân, có những người họ cảm thấy không hài lòng khi những quyền này của họ bị xâm phạm. Cái này cũng rất là rõ, chúng ta còn nhớ là trong đại dịch Covid-19, khi chính quyền đã đưa ra nhiều chính sách mà trong đó phải nói có một số chính sách sai lầm, rất nhiều quyền của người dân trong Hiến pháp đã bị xâm phạm, chưa kể cũng ảnh hưởng tới những Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Chúng ta nói đơn giản có những hình ảnh được đưa ra là bắt giữ một người phụ nữ ở Bình Dương, phá cửa nhà của người đó rồi vào, rồi vào bắt người phụ nữ đó đi xét nghiệm xem có bị nhiễm Covid hay không, điều đó cũng cho thấy có những hành động (vi hiến), ngăn sông, cấm chợ hoặc diễn giải rất tùy tiện, khi quyết định chính sách đưa ra rằng người dân được phép vận chuyển những hàng hóa thiết yếu, mỗi cán bộ sẽ giải thích một cách khác nhau, bởi vì không có một danh mục thiết yếu gồm những gì.

Có người cho rằng bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu, hoặc có người giải thích rằng băng vệ sinh của phụ nữ không phải mặt hàng thiết yếu, có người lại cho rằng tiền không phải là mặt hàng thiết yếu… Điều ấy cho thấy sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật ở Việt Nam và đó là một vấn đề lớn ở Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề này chắc rất là khó, cần phải có một sự nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền.

‘Bắt giữ chuyên gia, cho nghỉ việc nhà ngoại giao, tín hiệu gì ?’

RFA : Vừa rồi một nhà nghiên cứu, phản biện có liên quan lĩnh vực pháp lý chủ quyền biển đảo trên Biển Đông và lãnh thổ của Việt Nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, đứng đầu một Viện nghiên cứu, phản biện về chính sách, pháp luật, phát triển, đã bị bắt vì cáo buộc ‘trốn thuế’, một Phó Thủ tướng thường trực, nguyên là một Bộ trưởng được cho là dày dạn kinh nghiệm trong lãnh đạo ngoại giao của Việt Nam nói chung, trong hoạch định chiến lược, đối sách ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc nói riêng, ‘bị cho nghỉ việc’ khi đương chức, điều này có ảnh hưởng gì tới nhu cầu về chuyên gia của Việt Nam trong đấu tranh pháp lý chủ quyền quốc gia, việc này có tự gây bất lợi cho VN hay không, theo ông ?

Hoàng Việt : Có nhiều vấn đề ở đây, thứ nhất là công tác nhân sự, công tác này là phải chọn người có đầy đủ tài và đức, về lý thuyết thì dễ, nhưng làm thì khó. Ngày xưa một Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn An hay nói là ‘lỗi hệ thống’, tức là trong hệ thống này, một người muốn có những lợi ích, thì họ phải đạt được, mà đạt được như thế họ phải trả giá, tức là họ phải vi phạm rất nhiều.

Câu chuyện của ông Phạm Bình Minh thì tôi không dám nói, bởi vì tôi không thể biết được hồ sơ trực tiếp, nhưng chắc chắn rằng phải có những gì đó thì mới dẫn tới ông từ chức, chứ không tự nhiên mà ông từ chức được. Ở Việt Nam câu chuyện tự nhiên từ chức gần như không bao giờ xảy ra, nếu không có vấn đề gì đó.

Còn câu chuyện với ông Hoàng Ngọc Giao tôi cũng không dám nói, vì tôi không biết được đầy đủ, chỉ biết đọc trên báo rằng ông đã bị khởi tố về tội ‘trốn thuế’. Gần đây có bà Hoàng Thị Minh Hồng, một phụ nữ là người Việt Nam đầu tiên đã leo lên đỉnh Everest, cũng đã bị bắt giữ về tội ‘trốn thuế’.

Câu chuyện này cũng rất khó nói, bởi vì chắc chắn có những hành vi ‘vi phạm’ thì chính quyền Việt Nam mới bắt được, nhưng cũng phải nói thêm rằng ở Việt Nam nếu làm đúng tất cả các quy định, thì gần như không làm được gì cả, bởi vì hệ thống pháp luật rất rắc rối. Tranh luận gần đây giữa ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, và ông Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã cho thấy khó khăn, rắc rối của hệ thống pháp luật Việt Nam thế nào.

Đây là một vấn đề mà Việt Nam muốn phát triển thì phải làm đúng yếu tố mà ở Việt Nam hay gọi là nhà nước pháp quyền. Tức là gì ? Tức là pháp luật phải rõ ràng, dễ hiểu và phải áp dụng chung, chứ không phải áp dụng cho từng trường hợp cụ thể mà diễn giải khác nhau được. Điều đó, tôi nghĩ nếu Việt Nam muốn giải phóng sức phát triển của toàn bộ người dân trong đất nước, Việt Nam cần phải xây dựng pháp luật một cách rõ ràng hơn nữa.

Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng từ Sài Gòn của ông Hoàng Việt, luật gia, nhà nghiên cứu pháp lý và an ninh Biển Đông và khu vực, ông cũng là thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam. Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi phần đầu của cuộc trao đổi giữa Đài Á Châu Tự do với nhà nghiên cứu này.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 15/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Việt, Quốc Phương
Read 9534 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)