Đài Loan lại lên tiếng bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ việc WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và Văn phòng Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO (WPRO), gắn số ca nhiễm Covid-19 ở Đài Loan vào "Trung Quốc" trong Báo cáo mới nhất của WHO về diễn biến Covid-19 trên thế giới.
Trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ hai hôm 20/5, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố không chấp nhận nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" của Trung Quốc.
Ngoài việc phản đối trực tiếp, Bộ Ngoại giao Đài Loan còn yêu cầu Văn phòng Đại diện Đài Loan tại hai nơi : Geneva và Philippines -tiếp tục làm việc với WHO và WPRO để phản kháng, đòi WHO và WPRO phải đính chính, vì WHO chỉ nên tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan tới y tế quốc tế và điều phối việchợp tác phòng chống dịch bệnh trên toàn thế giới.
Theo Đài Loan, WHO phải biết từ chối áp lực chính trị không chính đáng chứ không phải phối hợp với "nguyên tắc Một Trung Quốc" do Trung Quốc hư cấu. Việc đưa các số liệu thống kê về tình hình dịch bệnh tại Đài Loan vào mục Trung Quốc, không chỉ mâu thuẫn với sự thật là hai bờ eo biển không thuộc về nhau, mà còn khiến các quốc gia khác nhận định sai lệch về tình hình phân bố dịch bệnh.
Bà Âu Giang An – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, thay mặt Đài Loan :Nghiêm khắc nhắc lại, Đài Loan không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chỉ có chính phủ Đài Loan được bầu cử dân chủ mới có thể đại diện cho người dân Đài Loan trên trường quốc tế. Việc WHO xem chính trị hơn cả chuyên môn không những gây tổn hại đến quyền được chăm sóc sức khỏe của 23,5 triệu dân Đài Loan, mà còn không giúp ích cho hợp tác toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Ghi Đài Loan vào mục "Trung Quốc" là sai lầm nghiêm trọng và WHO cần phải đính chính ngay.
***
Với dân số khoảng 1/4 dân số Việt Nam, diện tích khoảng 1/10 diện tích Việt Nam (tròm trèm 36.000 cây số vuông), bị Trung Quốc cô lập trong bang giao quốc tế bằng chính sách "Một Trung Quốc", bị tước tư cách một quốc gia độc lập suốt từ 1971 đến nay, song Đài Loan chưa bao giờ khuất phục Trung Quốc, đồng thời luôn tìm đủ mọi cách để khẳng định tư thế riêng, hoàn toàn độc lập với Trung Quốc, khiến Trung Quốc thường xuyên "mất ăn, mất ngủ" vì Đài Loan có thể làm chính sách "Một Trung Quốc" tan tành.
Đó cũng là lý do ngày 28 vừa qua, Trung Quốc nâng mức độ cảnh cáo Đài Loan. Ông Ngô Khiêm – Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nhắn với với Đài Loan qua một cuộc họp báo rằng :Đùa với lửa sẽ bị phỏng ! Độc lập đồng nghĩa với chiến tranh(2) ! Đài Loan lập tức hồi đáp : Trung Quốc nên suy nghĩ cẩn thận. Đừng xem thường quyết tâm của Đài Loan trong việc bảo vệ chủ quyền cũng như duy trì tự do và dân chủ.Ngày hôm sau – 29 tháng 1, Bộ Ngọai giao Đài Loan tiếp tục chỉ trích WHO như vừa kể
***
Cũng là láng giềng của Trung Quốc như Đài Loan, cũng phải đối diện với các yêu sách vô lối của Trung Quốc về chủ quyền như Đài Loan nhưng Việt Nam hành xử rất khác. Sự khác biệt trong quan hệ với Trung Quốc giữa Việt Nam và Đài Loan, có thể do Đài Loan không có tổ chức chính trị nào trở thành đảng cầm quyền nhờ được Trung Quốc hậu thuẫn "thống nhất đất nước", thành ra không cần thường xuyên bày tỏ sự "biết ơn" vô điều kiện đối với "sự giúp đỡ quý báu" của Trung Quốc (3).
Cũng có thể vì Đài Loan không có đảng cầm quyền nào đinh ninh : Bất kể thế nào thì Trung Quốc vẫn là… "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở ngay bên cạnh, sẵn sàng hỗ trợ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội" (4), Đài Loan cũng không có lãnh đạo đảng nào tự hào đã sáng suốt giữ cho quan hệ Việt – Trung… ổn định vì :Nếu để xảy ra đụng độ thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không(5) ?...
***
Hai ngày nữa (1/2/2021), Luật Hải cảnh mới mà Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua và Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc đã ký ban hành sẽ có hiệu lực thực thi. Theo đó, cảnh sát biển Trung Quốc có quyền kiểm tra, ngăn chặn tất cả các phương tiện hàng hải qua lại những vùng biển mà Trung Quốc bảo là của Trung Quốc, có quyền sử dụng tất cả các loại vũ khí để tiêu diệt tàu, thuyền ngoại quốc, cũng như phá bỏ các công trình xây dựng trên vùng biển của Trung Quốc.
Cho dù có tới 80% diện tích biển Đông của Việt Nam từng bị Trung Quốc vơ vào và sẽ bị chi phối bởi Luật Hải cảnh mới nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam vẫn chưa nói gì. Nếu vào Google, dùng các từ khóa bằng tiếng Việt như "luật hải cảnh mới+phản đối" để tìm xem Việt Nam phản ứng thế nào trước Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc thì chỉ thấy hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam loan tin : Philippines đã phản đối (6), Indonesia đã phản đối (7).
Trước, trong, cũng như sau khi Luật Hải cảnh mới thành hình, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam từ trung ương đến địa phương chỉ dốc sức để đại hội đảng các cấp và nay là đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 thành công tốt đẹp ! Nếu sòng phẳng thì phải kể thêm, cũng có đại biểu tham dự đại hội 13 nhắc đến biển Đông, nhắc đến chủ quyền, xem thực trạng biển Đông là một trong những thách thức lớn vì và chỉ vì khó… giữ vững uy tín của đảng, chế độ trước nhân dân(8).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/01/2021
Chú thích
(1) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=193403&unitname=Chính-trị&postname=Bộ-Ngoại-giao-Trung-Hoa-Dân-Quốc-%28%Đài-Loan%29-phản-đối-mạnh-mẽ-việc-WHO-xếp-Đài-Loan-vào-phạm-vi-Trung-Quốc-khi-cập-nhật-tình-hình-Covid-19
(4) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm