Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/02/2021

Giáo dục Việt Nam bao giờ mới cất cánh được ?

RFA tiếng Việt

"Năm năm tới là giai đoạn thời cơ cho giáo dục cất cánh...", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định như vậy bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 28/1.

giaoduc1

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 28/1. Courtesy moet.gov.vn

Theo ông Nhạ giải thích, với đường hướng rõ ràng, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt là quyết tâm của toàn ngành… Giáo dục Việt Nam sẽ cất cánh.

Bộ trưởng Nhạ dẫn chứng việc đổi mới trong hoạt động dạy và học ở bậc đại học, đổi mới phương thức kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp. Ông cũng nêu lên nhiều điểm mà ông cho là điểm sáng như việc một số trường đại học thực hiện tự chủ... Và việc lần đầu tiên, Việt Nam có 4 đại học được xếp vào nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, 11 cơ sở giáo dục đại học xếp trong nhóm 500 trường tốt nhất Châu Á.

Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ lại không hề nhắc vụ việc Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng, dù bê bối này chỉ mới bị phát hiện cách nay không bao lâu. Đáng chú ý, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo này, theo truyền thông nhà nước, đều là những người đang giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước ; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Thậm chí có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, từng giảng dạy rất nhiều năm tại Đại học Xây dựng Hà Nội với vai trò Chủ nhiệm khoa, khi trả lời RFA hôm 1/2 từ Hà Nội, nói :

"Mong cho giáo dục cất cánh là ý tưởng tốt, nhưng để cất cánh được thì cần có nội lực mạnh mà đường hướng rõ ràng và quyết tâm của toàn ngành (nếu có) chỉ mới là một phần nhỏ của nội lực đó. Tôi ghi chú từ "nếu có" vì không dám tin vào đường hướng rõ ràng và quyết tâm như lời ông Nhạ. Công nghệ thông tin và chuyển đổi số mà ông Nhạ trông chờ chỉ là trợ giúp phụ từ bên ngoài".

Nội lực quan trọng để giáo dục cất cánh theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống nằm ở trí tuệ, ddạo đức và ý chí của những người trong ngành và của những lãnh đạo có liên quan ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất :

"Những người như vậy hiện nay có lẻ tẻ ở nơi này nơi kia nhưng chưa trở thành số đông, chưa tạo được lực lượng. Hơn nữa giáo dục không thể nằm ngoài, không thể tách khỏi xã hội và hệ thống chính trị. Đó là môi trường. Với môi trường như hiện nay thì dù giáo dục có nội lực cũng không cất cảnh nổi, nói gì đến thực trạng nội lực yếu kém. Vì vậy trong thời gian tới có thể trông chờ giáo dục làm được vài cải cách nào đó chứ còn xa mới cất cánh được".

Trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) năm 2018, ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang đã phát hiện tình trạng cán bộ nhận tiền để nâng khống điểm cho thí sinh. Tòa án tại các tỉnh này cũng đưa vụ việc ra xét xử và tuyên nhiều án tù.

Đáng chú ý, hôm 14 tháng 5 năm 2020, tại phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên, người trong đường dây nâng điểm còn nói rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì : ‘Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật’.

Một bạn sinh viên ở phía Bắc khi trả lời RFA hôm 19/8/2020 về vấn đề cải cách giáo dục từng nói :

"Nền giáo dục Việt Nam hiện tại rất khó để mà cải cách, bởi vì sau nhiều chục năm bị kìm chế và bị sửa đi sửa lại, thì không có một cách nào để mà sửa chữa hay cải tiến. Chúng ta đừng nên nói đến những vị bộ trưởng hiện tại, có những phát ngôn hết sức buồn cười trên cương vị là bộ trưởng. Không thể nào dựa vào một con người như vậy, bởi vì muốn thay đổi một nền giáo dục thì cần được sự đồng ý của một thể chế và bộ máy chính quyền chứ không thể dựa vào một bộ trưởng".

Theo bạn trẻ này, thực tế, bộ trưởng phải chịu sự chi phối của thủ tướng hoặc của những nhân vật khác, nhất là trong nền chính trị Việt Nam và vì vậy, ông bộ trưởng thực chất không có quyền hành gì nhiều.

giaoduc2

Những vụ tai tiếng trong giáo dục Việt Nam năm 2020. RFA edit.

Trở lại với tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc "Năm năm tới là giai đoạn thời cơ cho giáo dục cất cánh.."., Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ, ông cũng từng hợp tác nhiều chương trình đào tạo với các trường đại học tại Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 1/2 từ Việt Nam, nhận định :

"Ông Nhạ thì ai cũng biết rồi đấy, trong năm năm qua ổng đã mang lại thứ gì cho giáo dục Việt Nam thì thì theo tôi người dân Việt Nam đã thấy rất rõ. Nếu theo dõi tin tức, sẽ thấy ông Nhạ có những hành động, lời nói không đem lại gì hay cho giáo dục Việt Nam. Bây giờ ông Nhạ không được vào Trung ương, có nghĩa là ổng không còn được tại chức trong chính phủ mới nữa, thì tất cả người Việt Nam thở phào nghĩ rằng trong tương lai giáo dục sẽ khác đi một tí. Còn nói cất cách như ông Nhạ thì tôi phải chờ đợi để xem xét, nhưng với tình trạng ông Nhạ để lại thì tôi không mấy lạc quan".

Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 cho nhiệm kỳ 5 năm tới kết thúc vào sáng ngày 1 tháng 2. Tuy nhiên, ông Phùng Xuân Nhạ đã không có tên trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương khoá mới gồm 180 Uỷ viên chính thức và 20 Uỷ viên dự khuyết.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết thêm, ông sẽ lạc quan hơn nếu có tên một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo mới, đó là một người liêm chính, có tinh thần giáo dục nhân văn, giáo dục vì sự tiến bộ của người dân và đặt quyền lợi của con em Việt Nam lên trên hết. Theo ông phải có một người như vậy thì mới có thể có điều kiện để giáo dục Việt Nam cất cánh. Ông nói tiếp :

"Muốn như thế thì người lãnh đạo mới phải có tư tưởng ra khỏi khu rừng mà giáo dục Việt Nam đang bị lạc, có nghĩa là phải trở về học hành nghiêm túc, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Phải từ bỏ những hình thức sính bằng cấp, từ bỏ giáo dục nửa vời, từ bỏ giáo dục nhằm tìm kiếm cơ hội chiếm lấy vị trí cho bản thân mình, để lợi dụng chức quyền của mình".

Kiểu giáo dục như hiện nay, theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nếu không có tư duy thay đổi triệt để, dứt khoát xóa bỏ, thì không thể nào phát triển được giáo dục Việt Nam.

Thầy Đỗ Việt Khoa, người được nhiều người biết đến về sự lên tiếng về những bê bối nơi trường ông giảng dạy, có ý kiến về phát biểu của ông Phùng Xuân Nhạ mới nhất :

 "Tôi cũng không ngạc nhiên gì, lâu nay quan chức của mình hay có kiểu phát biểu gieo hy vọng cho người khác, chứ tất cả đều không có khả năng thành hiện thực. Nay có ông Bộ trưởng Giáo dục nói năm năm nữa cất cánh thì tôi cũng không biết là cất bằng cánh gì khi cơ chế vẫn như vậy. Lương giáo viên cũng không thay đổi gì, tình trạng quản lý xã hội vẫn y như thế. Các ông ngồi trên cao thừa biết, vì phải đi qua các cấp từ dưới lên, tệ nạn trong ngành giáo dục là cực lớn. Chưa dẹp được tệ nạn giáo dục nào thì xin đừng có bốc phét... Mọi tệ nạn giáo dục cũng sẽ thui chết tất cả các ý đồ cải cách giáo dục, khiến giáo dục cất cánh sẽ thành gãy cánh".

Dù lãnh đạo Việt Nam từ lâu đưa ra những khẩu hiệu như ‘Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người’ ; thế nhưng qua nhiều thế hệ Việt Nam vẫn chưa có được điều mong ước ‘thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp’.

Nguồn : RFA, 01/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 511 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)