Quân đội buông súng, lên mạng chiến đấu với dân
Thu Thủy, Thoibao.de, 01/02/2021
Trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 26/01, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết : Một trong những chiến lược phát triển quân đội thời gian tới là bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, đó là nhiệm vụ ‘trên một vùng lãnh thổ mới’.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Mới thoạt nghe thì có vẻ Quân đội Việt Nam hoạt động mạnh trên không gian mạng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân bằng các hành động cụ thể như chống tin tặc, bảo vệ bí mật quốc phòng của quốc gia, chống ăn cắp công nghệ…
Nhưng trên thực tế, với sự ra đời của Lực lượng 47 và Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng thì Quân đội Việt Nam tham gia hoạt động mạnh trên không gian mạng chỉ nhằm để trấn áp các tiếng nói đối lập.
Nhà báo Bùi Tín, từng là Phó Tổng biên tập của báo Nhân dân, đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân vật bất đồng chính kiến với chính quyền cộng sản, khi còn sống đã nhận định : mở đầu năm mới 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Quân ủy TƯ quyết định cử Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel, làm phó tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng, kèm theo thông tin lực lượng này có 10.000 tinh binh, mang tên "Lực lượng 47", theo hình ảnh của khẩu súng AK47, khẩu súng lợi hại nhất của bộ binh trong chiến tranh là hình thức tuyên chiến với toàn dân.
Ông khẳng định : Do bộ máy tuyên huấn của Đảng tỏ ra bất lực một cách thê thảm và nguy hiểm cho Đảng mà đầu năm 2018, Tổng bí thư và Bộ Chính trị cùng Quân ủy TƯ giật mình, bỗng nảy ra sáng kiến thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến mạng, chuyển trách nhiệm lãnh đạo cuộc đấu tranh tư tưởng trong xã hội từ Ban Tuyên giáo sang cho Quân đội đảm nhận.
Một thủ lĩnh của Viettel được giao nhiệm vụ này, khi Viettel hiện nguyên hình là một tổ chức cướp đất của dân Đồng Tâm/Mỹ Đức, một tổ chức viễn thông của bộ Quốc phòng, một ổ tham nhũng cực lớn, lấn át chức năng thông tin viễn thông của bộ Thông tin truyền thông để kiếm lợi lớn chia nhau.
Đối tượng tác chiến của cái Bộ Tư lệnh mạng này là ai ? là toàn dân đang khao khát dân chủ và tự do vì ngày càng thấy mối nhục thua kém xa các nước láng giềng về đủ mọi mặt là do chế độ độc đảng quá lỗi thời, do một tổng bí thư già nua, kiên định những điều lẽ ra phải từ bỏ từ lâu, như kiên định chủ nghĩa Mác – Lê, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định lấy quốc doanh làm chủ đạo, kiên định chính sách "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý", những kiên định ấy chính là nguồn gốc của mọi bất công, đói nghèo, lạc hậu.
Như vậy, Quân đội Nhân dân, nay do Đảng bắt phải cắt bỏ hai chữ Nhân dân, chỉ còn là quân đội của Đảng, do Đảng chỉ huy để chống lại khát vọng dân chủ nhân quyền của nhân dân.
Ông Tổng bí thư và Quân ủy trên thực tế đã xóa bỏ Mười lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân, quân đội của dân, do dân, vì dân, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh để cưỡng bức quân đội chống lại nhân dân.
Nhà báo Bùi Tín ngay từ thời điểm đó đã nhận định cuộc chiến giữa Quân đội và Nhân dân do chính quyền cộng sản khơi mào chắc chắn sẽ thất bại bởi qua cuộc đọ sức thực tế, quân đội sẽ ngày càng nhận ra lẽ phải và gắn bó hơn với nhân dân, với bà con quê hương mình, với các tổ chức xã hội dân sự, sẽ ngày càng nhận ra sự lừa dối phi nghĩa của Đảng, vì 10.000 nghìn tên bộ đội tác chiến phá mạng của cái Lực lượng 47 chỉ là một lũ kiêu binh mù quáng, vì chống lại chúng, nhân dân có hàng triệu tay nam nữ thanh niên trí thức am hiểu sâu kỹ thuật, làm chủ máy tính hiện đại, hàng triệu email, hàng triệu Facebook, hàng vạn blogger tinh nhuệ.
Lực lượng lành mạnh này dám thách thức lực lượng 47 mở cuộc điều tra công khai công luận xem trong nhân dân còn có bao nhiêu người còn tin ở chủ nghĩa Mác – Lê, còn tin ở chủ nghĩa xã hội viển vông, ở chế độ độc đảng phi dân chủ ? Họ không dám làm thì tự các tổ chức xã hội công dân sẽ có thể làm một cách công khai đàng hoàng, khoa học.
Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Số lượng và chất lượng đấu tranh trong cuộc chiến ảo lý thú và hệ trọng này thuộc về phía nhân dân.
Không có gì liều và dại bằng tuyên chiến với toàn dân đang thức tỉnh đòi dân chủ, nhân quyền một cách kiên trì và quyết liệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng ngày 08/01/2018
Facebooker Lộc Phạm cũng có cùng quan điểm trên khi viết : Nhiệm vụ cao quý của bất cứ quân đội nào trên thế giới là chiến đấu bảo vệ đất nước và nhân dân.
Thật chua chát khi những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt một thời gian dài quy phục kẻ thù Trung Cộng, hoàn toàn bỏ quên "chức năng" tác chiến trên biển lẫn trên bộ, nhất là từ khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa rồi toàn bộ Biển Đông của Việt Nam. Nhưng nay lại theo đuôi Bắc Kinh lập ra Lực lượng 47 như một hình thức nô lệ mới của một chư hầu.
Ai cũng thấy việc Đảng cộng sản Việt Nam lập ra Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng không phải để "bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng" của họ mà chính là nhằm biến một bộ phận quân đội trở thành một đạo quân phản động chống lại nhân dân.
Khác với "dư luận viên" thông thường lâu nay được nuôi ăn và cổ vũ bởi Ban Tuyên giáo Trung ương với nhiệm vụ chửi bới thô tục, kích động hận thù, tuyên truyền lếu láo rẻ tiền thì Lực lượng 47 hiện nay không có gì khác hơn là một đạo quân hacker chuyên nghiệp được hỗ trợ tích cực bởi Quân đội Trung Quốc nhằm ngày đêm rình mò, tung virus độc hại, chiếm đoạt account, tung tin tức giả nhằm khống chế các trang mạng xã hội, các nhà đấu tranh dân chủ để vô hiệu hóa hoạt động mạng của họ.
Điều này cho thấy rằng, Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang run lên vì sợ cộng đồng mạng. Trong mấy năm vừa qua, lực lượng dân cư mạng đã làm thay đổi cục diện, hay nói một cách khác là bộ máy truyền thông của Đảng cộng sản Việt Nam đã không hoàn toàn chủ động như trước. Có thể nói thế tấn công của cộng đồng mạng ngày càng gia tăng và rất tinh vi đã làm cho bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam nằm trong thế bị động, chỉ có chống đỡ… đến mức phải huy động cả quân đội ra bảo vệ Đảng trên mạng.
Ông Lộc khi đó đã kêu gọi các quân nhân trong lực lượng quân đội hãy cùng nhau kêu gọi phi chính trị hóa quân đội để đưa quân đội trở lại nhiệm vụ chính yếu của mình là bảo vệ tổ quốc.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch hội kiến với Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc hồi tháng 10/2018
Lời dự đoán của nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nổi tiếng thế giới càng có thêm cơ sở khi mà chỉ 2 năm sau khi thông báo về sự tồn tại của lực lượng 47 "vừa hồng vừa chuyên", cuối năm 2019, Thiếu tướng Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ra lệnh cho Lực lượng 47 phải "không ngủ" để "đấu tranh trên mạng".
Thiếu tướng Ngô Minh Châu than phiền về năng lực "tác chiến" của Lực lượng 47 như sau : "Vào lực lượng này cứ xin ý kiến chỉ đạo riết rồi có làm gì được đâu. Chúng ta như con gà công nghiệp, trong khi họ là gà ta, chạy khắp nơi và rất linh hoạt".
Từ phát biểu của ông Châu, Facebooker Trung Nguyễn nhận định Lực lượng 47 này hoàn toàn… thụ động. Có một bài viết mới, một thông tin mới xuất hiện trên mạng có thể gây bất lợi cho uy tín của Đảng cộng sản thì lực lượng này cũng nằm im không hó hé gì mà phải đi xin "chỉ đạo" của cấp trên, coi nên phản bác thế nào cho thỏa đáng.
Thế nhưng, một ngày trên mạng có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn thông tin, bài viết cá nhân mới về đủ thứ đề tài thì các chỉ huy của Lực lượng 47 có ba đầu sáu tay cũng không thể giải quyết hết được. Kết quả là cuộc đấu tranh về mặt tuyên truyền trên internet của Đảng cộng sản hoàn toàn tê liệt, đành phải dựa vào bạo lực, bắt bớ để làm người dân sợ hãi.
Cần nói rõ là bản thân các quan chức cao cấp nhất phụ trách tuyên truyền của Đảng cộng sản trong Ban Tuyên giáo, Hội đồng Lý luận Trung ương đều không dám ra tranh luận thẳng thắn và công khai với những người đấu tranh dân chủ, tức là họ thừa biết họ đã thua về mặt lý luận, thì làm sao những "chiến sĩ 47" đủ năng lực, kiến thức để có thể "bút chiến".
Có trách thì nên trách móc giới cai trị, trong đó có chính bản thân ông Châu, vì chẳng nghĩ được thứ lý luận gì ra hồn để bảo vệ "nền tảng tư tưởng" của Đảng cộng sản ?
Cũng theo ông Trung Nguyễn, vừa qua, các cựu "tư lệnh" của Lực lượng 47, dư luận viên cao cấp của Đảng là Nguyễn Bắc Son đã phải nhận án tù chung thân, Trương Minh Tuấn nhận án 14 năm tù.
Riêng Trương Minh Tuấn còn chủ biên cuốn sách "Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ đảng viên hiện nay", chắc cũng nhiều anh em trong Lực lượng 47 đã phải đi học, tập huấn về cuốn sách này.
Chắc các anh em 47 và dư luận viên cũng phải rủa thầm trong bụng rằng tại sao mình phải phục vụ những lãnh đạo, chỉ huy hèn nhát, bất tài, đạo đức giả như vậy ? Chúng hèn nhát khi không dám đối thoại với những người bất đồng chính kiến, chúng rao giảng đạo đức nhưng chúng là phường tham nhũng phản dân hại nước, là "giặc nội xâm". Vậy mà chúng đi giảng đạo đức cho các anh em và kêu gọi các anh em phải "không ngủ" để bảo vệ bọn chúng ?
Ông Trung nhận định các "chiến binh mạng" như Lực lượng 47, dư luận viên hiện tại đã không còn lý tưởng. Chính bản thân Nguyễn Đình Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An cũng nói "nếu cứ bắt các cán bộ Đoàn, Hội tham gia, chưa chắc đồng chí đó đã thích ; mà thích rồi nhưng chất lượng không đủ cũng không hiệu quả". Tức là các cán bộ cộng sản cũng chẳng có hứng thú và đủ trình độ để tranh luận với những người đấu tranh dân chủ.
Ngược lại, khi các "chiến binh mạng" của Đảng cộng sản suốt ngày phải đọc những bài viết "khai dân trí" của những người dân chủ, họ hẳn cũng phải thay đổi tư duy và cảm thấy bị thuyết phục, chính vì vậy nên họ không có động lực để phản bác lại những người đấu tranh cho dân chủ.
Như thế, khi Đảng cộng sản không còn tiền để trả cho Lực lượng 47 và Cảnh sát cơ động, quân đội thì chẳng còn ai có thể cứu được Đảng cộng sản nữa. Các quan chức cộng sản cũng biết vậy nên đã gửi con cái và tiền bạc ra nước ngoài.
Thời cơ dân chủ hóa đất nước đã hiển hiện rất rõ. Từng người dân Việt Nam, nhất là các trí thức, thanh niên cần chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ để xây dựng lại một nhà nước dân chủ, pháp quyền thực sự.
Qua đó, ông Trung gửi lời kêu gọi đến riêng Lực lượng 47 là các anh em thay vì phải thức như tướng Châu kêu gọi thì cứ nên đi ngủ sớm để giữ sức khỏe nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ cho chế độ dân chủ, pháp quyền sau này. Hãy để giới cai trị cộng sản tự lo cho bản thân họ !
Thu Thủy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 30/01/2021
********************
Giảm án cho tham quan nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng là qui định sai lầm !
RFA, 01/02/2021
Nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân.
Ảnh minh họa.AFP
Đây là nội dung mới được quy định trong Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng của Hội đồng thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2 tới đây.
Nhận xét về điều luật vừa nêu sẽ được áp dụng vào giữa tháng này, một cư dân ẩn danh sống tại Sài Gòn nhận định với RFA vào tối 1/2 rằng điều luật như thế là không hợp lý.
Theo người này thì thay vì nộp 3/4 tiền tham nhũng để được giảm án, không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt bây giờ nên đổi lại thành nếu không nộp 3/4 số tiền tham nhũng sẽ bị tăng hình phạt lên mức cao nhất khung. Quan chức đã tham nhũng thì trách nhiệm là phải nộp lại đầy đủ tiền đã biển thủ, còn hình phạt là để xử cho hành động biển thủ đó. Có vậy thì mấy ông quan tham mới sợ rồi bớt lại.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nhận định :
"Có thể người ta đưa ra quy định này để khuyến khích người khác nộp lại tài sản tham ô để nhà nước thu hồi được tiền đó. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là một cửa để lách cho những người phạm tội. Nếu đúng nguyên tắc pháp luật thì đó là một quy định sai lầm".
Vẫn theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, thực ra trong các điều khoản của luật, theo Điều 51 của Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tình tiết giảm nhẹ và hướng dẫn việc áp dụng, nên ông cũng bày tỏ thắc mắc không biết Nghị quyết 03/2020 được thêm như vậy có mục đích gì ? Ông nói :
"Điều 51 áp dụng cho tất cả người phạm tội chứ không riêng một điều khoản này cho đối tượng tham nhũng mà đối tượng tham nhũng rõ ràng là những người có quyền lực, quan chức, còn người dân thường không có điều kiện tham nhũng, giống như một đặc ân riêng đối với người phạm tội này (tham nhũng)".
Trong phiên xét xử sáng ngày 20/12/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% AVG.
Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Bắc Son sau đó đã nộp lại tổng cộng 66 tỷ đồng trong hai lần, tương đương với số tiền ba triệu USD nhận được từ cựu Chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ ; mặc dù trong phiên tòa ông Son thừa nhận có cầm thêm 200.000 USD từ Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà.
Sau đó, ông Son được tòa giảm từ mức án tử hình xuống còn chung thân.
Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son tại tòa.
Dư luận lúc bấy giờ dấy lên câu hỏi liệu chỉ cần thu hồi 3/4 tài sản tham nhũng thì quan chức có thể thoát án tử ?
Thực tế, trong khoản C Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt tử hình quy định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra thì không thi hành án tử hình với họ, mà Chánh án sẽ là người có thẩm quyền chuyển hình phạt tử hình sang phạt tù chung thân.
Điều luật vừa nêu trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng kể từ ngày 15/2 tới đây, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, Chính phủ Hà Nội tin rằng đưa ra Nghị quyết 03/2020 nhằm giúp nhà nước thu hồi số tiền thất thoát bị thiệt hại, nhưng thực tế đang làm cho pháp luật Việt Nam đi theo hướng chuyên biệt hóa, đưa ra những ý kiến không đúng với quy tắc chung của pháp luật. Ông nói thêm :
"Bây giờ họ cứ mặc nhiên khi phạm tội xong là không thu hồi gì à ? Nếu họ có tài sản còn giá thì không phải 3/4 mà toàn bộ số tiền đó phải được lấy về một khi họ đang còn tài sản, những người có liên quan họ tẩu tán bằng cách nào đó thì họ phải xác định lấy được. Không phải người ta đã làm việc đó rồi thì chỉ nhiêu đó thôi, họ phạm tội rồi thì phần còn lại là truy thu nguồn gốc là trách nhiệm của cơ quan nhà nước thẩm quyền".
Đồng quan điểm vừa nêu, người dân ẩn danh tại Sài Gòn, trình bày tiếp rằng tiền tham nhũng có được đâu ai dại gì để tên mình mà toàn đưa cho người thân, bà con, họ hàng đứng tên. Do đó nếu lấy từ người phạm tội không được thì điều tra người thân.
Theo ý kiến của người này thì Nhà nước nếu muốn thì làm được hết thôi : Công an Việt Nam có thể điều tra được bao nhiêu vụ ghê gớm hơn mà không tốn nhiều thời gian cho nên mấy chuyện điều tra tiền bị tẩu tán chắc không phải khó mà quan trọng có ai muốn làm hay không thôi.
Người dân ẩn danh này cho rằng cách để cơ quan nhà nước kiểm soát tham nhũng tốt là ban hành luật yêu cầu cán bộ kê khai tài sản, từ đó có thể phát hiện và thu hồi dễ dàng.
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, Nghị định 03/2020 thực sự không cần thiết :
"Họ đưa ra các quy chế, quy định liên quan đến chuyện thi hành án, áp dụng vào thi hành án làm sao cho tốt thì còn tốt hơn rất nhiều so với chuyện này".
Vào ngày 11/1 vừa qua, ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi đã cho biết cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Hồi năm 2014, ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Vinalines, bị kết án tử hình vì tội ‘tham ô tài sản’ và 18 năm tù về tội ‘cố ý làm trái qui định gây hậu quả nghiêm trọng’ ; tổng hợp hình phạt tử hình. Ông này còn bị tòa tuyên phải bồi thường hơn 110 tỷ đồng.
Cục Thi Hành Án Dân sự sau đó vào tháng 1 năm 2017 cho biết gia đình ông này đã nộp lại cho Nhà Nước hơn 10 tỷ đồng và đến tháng tư năm 2017 cho biết chưa có điều kiện thi hành án đối với số tiền còn lại hơn 88 tỷ đồng vì ngoài tài sản mà các cơ quan tố tụng kê biên, ông này được cơ quan chức năng nói không còn tài sản nào khác.
Nguồn : RFA, 01/02/2021