Việt Nam nói đã ‘vận động, truy bắt’ được 9 người tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài
VOA, 30/10/2024
Ban Nội chính Trung ương cho biết hôm 30/10 rằng các nhà chức trách Việt Nam đã vận động đầu thú và truy bắt được 9 người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án tham nhũng trong năm nay, theo truyền thông trong nước.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là một trong số những người đang bị Việt Nam truy nã vì liên quan đến các vụ án tham nhũng về đấu thầu thiết bị y tế.
Những thông tin này được đưa ra trong cuộc họp của Ban khi thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo Tuổi Trẻ và VnExpress.
Họ không công bố danh tính những người được cho là đã đầu thú hay bị truy bắt về nước từ đầu năm tới nay.
Ông Đặng Văn Dũng, phó Ban Nội chính Trung ương, được VnExpress trích lời nói rằng nhà chức trách đang kêu gọi các trường hợp khác ra đầu thú.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Đông, cũng là một phó Ban, cho biết Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan quyết liệt vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ những người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án tham nhũng.
"Tất nhiên cũng còn có nhiều khó khăn do những người này bỏ trốn lâu rồi, bỏ trốn ra nước ngoài và chúng ta phải tiếp tục phối hợp các nước để thực hiện nhiệm vụ này", ông Đông được Tuổi Trẻ trích lời nói.
Cũng theo tờ báo này, người phát ngôn của Bộ Công an, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, cho biết rằng cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều biện pháp như dẫn độ tội phạm, hợp tác quốc tế, ngoại giao và nhiều kênh khác để truy bắt người bỏ trốn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch AIC, là người nổi danh nhất trong số những người đang bị giới chức Việt Nam truy nã vì liên quan đến 5 vụ án tham nhũng khác nhau. Người phụ nữ được cho là đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí cho quân đội Việt Nam đã bỏ trốn vào đầu năm 2022. Bà bị cáo buộc đưa hối lộ hàng chục tỷ đồng và bị công an Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế.
Tại buổi họp hôm 30/10, ông Tuyên đã kêu gọi bà Nhàn và những người bỏ trốn khác "sớm về đầu thú để hưởng khoan hồng".
"Người bỏ trốn sẽ vẫn bị xử theo quy định pháp luật và không có điều kiện tự bảo vệ mình", ông Tuyên nói, theo VnExpress.
Bà Nhàn đã bị xử vắng mặt trong 3 phiên tòa trước đây vì bị cáo buộc có sai phạm trong những dự án liên quan đến 2 bệnh viện ở Đồng Nai và Quảng Ninh và một trung tâm công nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh với bản án tổng cộng 30 năm tù giam. Nữ doanh nhân này cũng đang đối mặt với một bản án nữa về tội danh "đưa hối lộ" trong một vụ án liên quan đến công ty AIC và Sở Y tế Bắc Ninh đang được xét xử.
Ngoài bà Nhàn, còn có 7 người khác trong vụ án liên quan đến công ty AIC đang bỏ trốn và chịu lệnh truy nã của công an Việt Nam.
Các lãnh đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái nói rằng họ quyết tâm "dẫn độ bằng được" các đối tượng bỏ trốn như bà Nhàn về nước, ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký kết hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú.
Bà Nhàn được cho là đang sống ở Đức. Một ghi nhận của báo Taz vào tháng 8 năm ngoái cho biết rằng bà có nguy cơ bị mật vụ Việt Nam bắt cóc về nước như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh. Điều tra của Taz lúc đó nói rằng Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ và Nhàn lên Sở Tư pháp Liên bang Đức nhưng bị cơ quan của chính phủ Đức từ chối.
Ông Thanh, cựu chính trị gia và lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc vào tháng 7/2017 khi đang xin tị nạn tại Đức. Việt Nam nói rằng ông Thanh tự về "đầu thú" và tuyên cho ông 2 án tù chung thân.
Nguồn : VOA, 30/10/2024
*****************************
Hy Lạp bắt người phụ nữ buôn lậu vàng theo lệnh truy nã quốc tế của Việt Nam
VOA, 30/10/2024
Một bà trùm đường dây buôn lậu vàng giữa Campuchia và Việt Nam vừa bị nhà chức trách Hy Lạp bắt giam hôm 28/10 tại sân bay Athens, truyền thông nước này đưa tin.
Truyền thông Hy Lạp loan tin một phụ nữ 64 tuổi, bà Đặng Tị Thanh Hằng, bị bắt do buôn lậu vàng vào Việt Nam. Photo en.protothema.gr
Rạng sáng ngày 28/10, các sĩ quan thuộc Phòng An ninh của Cảnh sát Sân bay Athens bắt giữ một phụ nữ nước ngoài 64 tuổi, theo trang tin ProtoThema hôm 29/10.
Việc bắt giữ này được thực hiện căn cứ vào lệnh truy nã quốc tế của Interpol, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, khi nhà chức trách Việt Nam tìm cách dẫn độ bà này vì liên quan đến đường dây buôn lậu vàng.
Cảnh sát cho biết người phụ nữ nêu trên có liên quan đến đường buôn lậu vàng miếng, vàng thỏi giữa Campuchia và Việt Nam, bằng cách điều động đồng bọn giấu các thỏi vàng dưới đáy xe ba gác, trang eKathimerini loan tin hôm 29/10.
Các bản tin cho hay đường dây buôn lậu vàng này đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để vượt qua các trạm kiểm soát hải quan, xóa mọi ký hiệu nhận dạng trên các thỏi vàng để khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn.
Truyền thông Hy Lạp tường thuật rằng sau khi người phụ nữ này bị bắt, bà đã được đưa đến Văn phòng Công tố viên hữu quan.
Chính quyền và truyền thông Việt Nam chưa đưa tin về người phụ nữ bị bắt tại Hy Lạp.
Trước đây, vào tháng 11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với một người phụ nữ tên Đặng Thị Thanh Hằng, sinh năm 1960, quốc tịch Việt Nam, trong vụ án "buôn lậu" xảy ra tại tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo hồ sơ truy nã, bà Hằng, một cư dân ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là chủ Tiệm vàng Phúc Hằng, chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi buôn lậu tổng cộng 6 tấn vàng (trị giá 8.500 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam.
Cơ quan chức năng Việt Nam cho rằng hai tiệm vàng tại Sài Gòn và Hà Nội của bà Hằng "không được phép kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi, vàng nguyên liệu" nhưng bà đã cùng đồng phạm mua vàng lậu từ Campuchia, vận chuyển ra Hà Nội bằng đường hàng không để kinh doanh kiếm lời.
Trong hơn hai tháng, từ 16/7 đến 28/9/2022, đường dây này đã vận chuyển trót lọt hơn 6 tấn vàng vào Việt Nam, trị giá 8.500 tỷ đồng, bằng cách giấu vào ngăn bí mật của xe ba gác chở nước đá từ Campuchia về Tây Ninh, báo VnExpress đưa tin.
Trang này cho biết mỗi thỏi vàng trước khi bán được khò mất ký hiệu để che giấu nguồn gốc từ nước ngoài.
Trong vụ án này, riêng bà Hằng, người tiêu thụ gần 300 kg vàng lậu, bị cáo buộc đã chỉ đạo một người em trai mang "hàng" lên các chuyến bay ra Hà Nội vì ông quen biết "nhiều nhân viên an ninh sân bay", theo truyền thông Việt Nam.
Vào tháng 7/2024, hơn 20 bị cáo trong đường dây buôn lậu vàng này bị tuyên các mức hình phạt từ 4-18 năm tù về tội buôn lậu. Riêng bà Hằng đã trốn ra nước ngoài và bị quan tòa kiến nghị Bộ Công an "tiếp tục truy bắt" do bà đã chủ mưu "gây tác hại xấu đến sự ổn định của thị trường vàng, xâm phạm tới trật tự quản lý việc xuất nhập khẩu hàng hoá của nhà nước".
Nguồn : VOA, 30/10/2024
Lò chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhen lên được hơn ba năm, và liên tục ba năm cháy ngùn ngụt, cháy không ngưng nghỉ, cháy không hề ngớt và tình trạng củi cũ cháy chưa xong đã thấy củi mới tuồn vào lò, đến độ có người lo vỡ lò. Và, đến lúc này, người ta còn "lạc quan" tin rằng lò ấy có thể đốt cả trăm năm vẫn chưa hết củi, bởi củi chưa bao giờ thiếu và rừng toàn củi nên chẳng có lý do nào để lo lò ngừng cháy hay nguội lạnh. Thế củi ở đâu ra nhiều thế ?
Nguồn "củi" dự trữ - Ảnh minh họa đoàn lãnh đạo đảng, chính phủ, quốc hội Việt Nam đi viếng Lăng ông Hồ Chí Minh tháng 10/2021. AFP
Trước khi trả lời câu hỏi về nguồn củi, cũng nên nói vui với nhau rằng càng về sau, củi càng nhiều, và củi chỉ có thể dư thừa chứ không bao giờ thiếu.
Vì sao ? Vì càng về sau, chiến dịch trồng người của đảng rất ồ ạt, rất hợp tác xã, phổ biến trên diện rộng, hùng hồn, phát triển nhanh chưa từng thấy nhưng cái rừng (người) mà đảng trồng toàn cây để làm củi, đó là chưa nói đến chuyện không may, rừng còn mang cả sâu bệnh tận đẩu tận đâu về làm cho mọi thứ trở nên rèo uột, yếu đuối, méo mó và không ngóc đầu lên nổi.
Thử nhìn lại quá trình kết nạp đảng, làm cán bộ và làm lãnh đạo của các ông "củi" là thấy ngay vấn đề.
Hầu hết các ông củi, từ củi tiến sĩ, củi giáo sư, củi thạc sĩ, củi cử nhân, rồi củi bộ trưởng, củi thứ trưởng, củi chủ tịch, củi phó chủ tịch tỉnh, nhỏ hơn một chút là củi cấp quận, huyện, xã, phường... Đều được tuyển chọn, đào tạo theo đúng một qui trình, không nơi nào khác nơi nào, chỉ khác chăng là cấp độ và đẳng cấp đỏ.
Khởi đầu qui trình để các ông củi thành củi tiềm năng phải là con ông cháu cha, lý lịch đỏ, ít nhất có ba đời không dính tới "ngụy quân nguỵ quyền", khi đủ các tiêu chuẩn này thì được chọn làm cây giống, để chuẩn bị qui trình trồng rừng của các cụ.
Xong tiêu chuẩn không dính "ngụy quân ngụy quyền" rồi thì đến tiêu chuẩn có mấy đời "cách mạng", càng nhiều đời cách mạng, càng có công cách mạng thì càng đỏ, và đương nhiên đỏ không cũng chưa đủ mà gốc phải mạnh, tức có gốc gác, anh em họ hàng, thân thuộc đang làm quan, càng lớn thì càng tốt.
Khi đã xét đến các yếu tố trên, tức đã chọn làm giống rồi, tức chuẩn bị trồng rừng. Và việc được học khóa cảm tình đảng là bước đầu xuống giống, sau đó đến học lớp đối tượng đảng, rồi kết nạp đảng. Riêng quá trình kết nạp đảng có khoảng thời gian thử thách chừng ba năm trước đó, sau ba năm nếu vẫn ổn, vẫn đầy đủ cảm tình đảng thì xem như con đường hoạn lộ bắt đầu.
Và, nói về kĩ nghệ trồng rừng của đảng, càng về sau, tức càng gần hiện tại, quá trình chọn cây để trồng rừng càng trở nên ầu ở, không đâu vào đâu.
Bởi số lượng đảng viên cơ sở là do đảng bộ cấp trên đề ra, tiêu chuẩn mỗi năm phải có bao nhiêu đảng viên, trình độ, đạo đức phải đạt tiêu chuẩn đề ra. Trước đây, cụ thể là thế hệ của các ông đang ngồi ghế lãnh đạo, bộ trưởng bây giờ thuộc thành phần học hành tốt, có cái chữ, chịu nỗ lực theo đảng. Nhưng rồi theo chẳng bao lâu thì "thoái hóa", tự chuyển biến, trở thành cái gai trong mắt dân và ung nhọt trong mắt đảng. Vì một mặt tham nhũng, một mặt thiếu tin tưởng vào đảng, mặt khác tự diễn biến, có khuynh hướng cát cứ. Vậy là công cuộc đốt lò phải chính thức nhen lửa.
Từ trái qua : các ông Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc
Phần còn lại, lại là phần rất đông, con số rất lớn có đủ khả năng hoa mỹ, ma mị về yêu đảng, yêu chủ nghĩa, nêu cao lý tưởng, sống chết với lý tưởng nhưng kì thực, ngoài những lời hoa mỹ này ra, họ chẳng có thứ gì, kể cả chữ nghĩa, tri thức để bảo vệ, xây dựng cái lý tưởng (nếu có) mà họ thề sống chết, yêu... Họ là ai ? Họ cũng là con ông cháu cha, và họ cũng giống y như cha ông của họ, thừa máu hung tàn, thừa máu hồng vệ binh, thừa cơ hội, thừa độc đoán và thủ đoạn, thừa rất nhiều thứ để hô hào yêu đảng, sống chết vì đảng nhưng thiếu tri thức và sự trung thực.
Thiếu tri thức bởi họ cũng cố gắng học hành lắm, nhưng con chữ không lọt qua được não trạng vốn dĩ rất đỏ của họ, cuối cùng, họ theo phong trào, tức hoạt động phong trào địa phương, từ phong trào đó, cứ như vậy tiến dần đến ghế lãnh đạo và trong quá trình tiến ấy, sau khi trang bị cho mình tấm thẻ đảng, họ tiếp tục trang bị những bằng cấp mà nếu đi học một cách bình thường, họ mãi mãi không có được, nhưng đến khi làm quan, làm cán bộ, họ dùng tiền thuế của dân, tiền bắt chẹt được từ dân, dùng danh nghĩa chuyên tu, tại chức để có được tấm bằng. Đương nhiên, mỗi tấm bằng như vậy đổi không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của nhân dân cần lao thông qua thuế và ngân sách nhà nước.
Đến khi có tấm bằng trên tay, họ tiếp tục trang bị những bằng thật, tức bằng trung cấp, cao cấp lý luận đảng. Đương nhiên nói là thật vậy thôi, chứ các loại bằng này còn mua bán ghê gớm và giá thành cắt cổ hơn bằng khoa học nhiều. Ví dụ để có một tấm bằng đại học luật, họ tốn chừng ba trăm triệu đồng (đương nhiên phôi thật, chữ ký thật, con dấu thật nhưng mã số sinh viên giả và sự học không thật) nhưng để có một tấm bằng trung cấp lý luận đảng, họ tốn chừng năm trăm triệu đồng, và có một tấm bằng cao cấp lý luận đảng, họ tốn tiền tỉ. Nhưng bù vào đó, khi cầm tấm bằng này trên tay, xem như nắm thượng phương bảo kiếm trong hệ thống, và cơ hội thăng tiến hiện ra ngay trước mắt.
Hiện tại, tình trạng xôi đậu xông mối mọt trong hệ thống đảng là quá cao. Xôi đậu tức cả thành phần con ông cháu cha, thành phần con nhà có công trộn lẫn với thành phần con của "ngụy quân" đã thay danh đổi tính và chạy chọt vào đảng, cuối cùng cũng có bằng trung, cao cấp lý luận và ngồi ghế lãnh đạo địa phương. Nói về chức vụ chủ tịch xã, phường hiện tại thì tình trạng xôi đậu quá cao. Và tình trạng xôi đậu này vô cùng đảng sợ, những kẻ "ngụy quân", thậm chí "ngụy quyền" từng có lý tưởng tự do, từng thề sống chết với lý tưởng tự do bỗng dưng quay xe cầu vinh thì đủ biết nhân cách họ cỡ nào rồi, tuy họ có năng lực và khôn khéo hơn đám đảng viên con ông cháu cha nhưng khó để nói rằng họ có thể vì dân, vì nước.
Nhưng nếu xôi đậu không thôi thì chưa đáng sợ, tình trạng xôi đậu mối mọt, tức cả xôi và đậu đều rỗng tuếch, đều chứa bên trong những mưu tính cá nhân và sẵn sàng đánh đổi lương tri, đánh đổi cộng đồng, dân tộc, đánh đổi danh dự để kiếm ăn. Thành phần này nhiều vô kể, và họ có thẻ đảng viên, thậm chí có bằng cấp lý luận hẳn hoi, rất nhiều. Sở dĩ họ quá nhiều là do yêu cầu từ lãnh đạo cấp trên về phát triển đảng cơ sở, phải phát triển đúng số lượng, chất lượng...
Khổ nỗi người có tri thức, có lương tri và trách nhiệm cộng đồng cũng như có lòng tự trọng, người ta hoặc là học hành tới nơi tới chốn để dùng tri thức của mình mà sống, hoặc kiếm cái nghề để sống chứ chẳng mấy ai tơ tưởng thành đảng viên.
Chính vì thực trạng hết sức thiếu hụt nguồn nhân sự có chất lượng này mà càng về sau, đảng Cộng sản Việt Nam càng trởi nên nhếch nhác, bê trễ và bệ rạc, nhìn đâu cũng thấy sâu mọt, nhìn đâu cũng thấy các ông củi chuẩn bị vào lò.
Và, không phải tự dưng mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ôm quyền cố vị, tay chân run rẩy lều khều vẫn cứ ôm chức, bởi ông rất lo lắng, nếu ông về vườn, cái lò của ông tắt ngúm và củi sẽ vươn cành đẻ nhánh, mọc vào tận bàn thờ chế độ.
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 23/12/2023
Năm 1994, ông Hoàng Văn Nghiên vừa nhậm chức Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Đầu năm 2002, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên chuyển về khu biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa sinh sống dưới hình thức nhà thuê. Sau nhiều năm sinh sống trong ngôi biệt thự, đến cuối năm 2014, sau khi dư luận báo chí phản ánh, ông Hoàng Văn Nghiên chính thức trả lại ngôi biệt thự này cho thành phố Hà Nội.
Ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa của Chủ tịch Hà Nội. Ảnh : Trường Phong
Cái Tết đầu tiên, ông Nghiên gây choáng váng trong toàn xã hội. Ông đem nộp Kho bạc Nhà nước một số tiền rất lớn-tiền tỷ, là tiền các doanh nghiệp biếu ông ăn Tết.
Mà không, chỉ có dân thường choáng váng thôi, vì trước nay họ chỉ thấy lãnh đạo được người ta đi biếu quà nghẽn cả đoạn đường dài trước nhà. Thì biết là nhiều lắm, nhưng cụ thể bao nhiêu tiền thì chả ai biết.
Ôi giời ôi nhõn cái Tết đã tiền tỷ, chẳng biết một tỷ hay mấy tỷ. Nhưng thế mới biết cùng là con người có mặt mũi chân tay, nhưng người ta tiền nhồi gối nằm không hết, còn dân đen ráo mồ hôi là hết tiền.
Dân đen vừa thèm thuồng, vừa khâm phục và hết lời khen ngợi ông Nghiên. Thì trước đến nay, mới có mỗi mình ông công khai không nhận tiền biếu của doanh nghiệp chứ có ông lãnh đạo nào làm thế đâu. Thanh liêm quá.
Mà ông, mới chỉ vừa lên ghế Chủ tịch Hà Nội. Còn mới, mà chức cũng chửa phải là cao đấy nhé, nhưng tiền biếu đã ghê răng thế rồi.
Thì các lãnh đạo cao hơn, to hơn, lâu hơn, sâu rễ bền gốc hơn, còn được người ta biếu bao nhiêu tỷ tỷ ?
Nghĩ đã thấy lạnh người !
Nhưng chỉ dân phục và khen ông Hoàng Văn Nghiên thôi. Không ít lãnh đạo khác ghét lắm. Đồ chơi trội, mẹ, lòng vả cũng như lòng sung. Nó làm thế khác gì chỉ thẳng mặt bảo các anh quan tham hết, mỗi mình tôi trong sạch ? Cả một bộ máy này có nguyên tắc của nó, ai cũng biết, ai cũng làm thế. Mình anh tỏ vẻ thanh liêm thì anh là con cừu đen, là đồ lạc lõng, cố chứng tỏ. Để xem thanh liêm được đến bao lâu !
Đến cái Tết thứ hai, không biết doanh nghiệp có sợ tấm gương năm trước mà ngừng biếu tiền ông Nghiên hay không, nhưng từ ấy hoàng anh thôi không hót nữa.
Chắc rút kinh nghiệm từ việc này, tuy về hưu năm 2004 nhưng thẳng một lèo đến tận 10 năm sau, ông Nghiên mới đầy day dứt trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội).
Biệt thự này là nhà công vụ, được Thành phố Hà Nội cấp cho ông Nghiên sử dụng trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND Hà Nội.
Nguyên tắc thì khi hết giữ chức, phải trả lại nhà công vụ cho Nhà nước để được tiếp tục cấp cho người sau sử dụng. Nhưng như đã nói, ông Nghiên đã là con chim sợ cành cong, nên ông hãi nhất từ "trả lại".
Căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa) có diện tích khoảng 410 m2, tọa lạc ở khu "đất vàng" trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đầu năm 2002, ông Hoàng Văn Nghiên khi đó là Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã chuyển đến ngôi khu biệt thự này thuê ở. Ảnh : Sông Bùi/Dân Việt
Gần hơn, có nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Năm ông Truyền mới nhậm chức này, có lần doanh nghiệp kia ghé nhà thăm. Nói ba câu bốn chuyện một hồi, họ cáo từ ra về. Ông Truyền đóng cửa quay vào nhà thì thấy dưới ghế salon có một gói tiền, nhét khá kỹ trong cái khe hẹp giữa các tấm đệm ghế.
Câu chuyện này được chính chủ kể lại, qua nhiều vòng giao tiếp thành chuyện nhiều người biết.
Đương nhiên ông Truyền chạy theo người khách kia, nhất quyết trả lại.
Tôi tin câu chuyện này có thật chứ không phải ông Truyền tự bịa đặt để đề cao bản thân. Từ một Bí thư tỉnh ủy ở Bến Tre, được điều động ra Trung ương giữ một chức vụ hết sức nhạy cảm, ông Truyền chí ít phải giữ được tư lịch trong sạch cho đến thời điểm đó. Ít nhất cũng trong sạch ở mức chấp nhận được, tức có nhận tiền cảm ơn, nhưng không quá quắt, không chủ động hoạnh họe sách nhiễu doanh nghiệp để họ phải nghẹn cổ mà xì tiền ra.
Tôi cũng tin rằng khi mới bắt đầu con đường quan chức, hầu hết các vị lãnh đạo của Việt Nam đều tự tin mình sẽ làm tốt hơn các vị tiền nhiệm. Đặc biệt là không sa vào vết xe đổ tham nhũng của người đi trước.
Thế nhưng cũng như ông Nghiên, chỉ năm năm sau, đến khi về hưu, ông Trần Văn Truyền đã bị kỷ luật Đảng, liên quan đến việc giữ hơi lâu một thửa đất và một ngôi nhà của Nhà nước, cùng với loằng ngoằng trong vài ngôi nhà, thửa đất khác.
Hay như vụ tham nhũng trong một rổ tướng tá tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng, khiến hơn chục tướng rụng sao vừa qua chẳng hạn.
Nếu theo dõi được hành vi của một quan chức lâu dài từ khi chưa được giữ trọng trách cho đến khi rớt đài vì tham nhũng, tôi nghĩ sẽ đều có biểu đồ tương tự. Điểm chung đáng lưu ý là khi đã nhúng chàm thì họ nhúng rất quyết liệt.
Các ông tướng, tá Cảnh sát biển công nhiên bàn cách ăn chặn và tỷ lệ chia chác tiền mua vũ khí, khí tài của lính biên phòng trên biển ngay trong giờ cơm trưa, tại phòng ăn trong trụ sở cơ quan.
Ông Nghiên sống chết quyết giữ biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa dằng dặc suốt chục năm, mặc kệ cấp trên họp vô số lần, đóng dấu đỏ choét cả thúng văn bản đòi nhà.
Cựu Cục trưởng Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan công khai chèn ép doanh nghiệp, đẩy họ vào thế thua lỗ, bắt buộc phải nhả tiền bôi thật trơn guồng máy cấp phép.
Cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), ông Trần Văn Dự nói số đen nên mới bị bắt vì tội hối lộ, "không may thì thôi trả lại tiền cho Nhà nước".
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ 37 lần, tổng cộng 21,5 tỷ đồng nhưng không mở ra xem, chỉ nhận thức đó là quà doanh nghiệp cảm ơn.
Hành xử thật trơ tráo, vi phạm pháp luật công khai, nhưng không phải vì họ không sợ pháp luật. Mà vì họ tin pháp luật hiện tại không động được đến mình.
Ý thức hay nói cách khác, niềm tin đó được hình thành dần dần trong suốt quá trình làm việc, qua quan sát sự nghiệp tham nhũng của các tiền bối và rút tỉa kinh nghiệm từ trải nghiệm của bản thân.
Một người trong sạch không thể tồn tại trong hệ thống lấy hối lộ làm nguyên lý hoạt động. Nhưng, tham nhũng là hẳn một cơ chế tinh tế, trong đó một cá nhân không thể một tay che trời. Họ phải kết nối với nhau thành một nhóm lợi ích, một mạng lưới che trên chắn dưới.
Nếu ai đó muốn rời bỏ guồng máy này mà vẫn giữ tư cách trong sạch, nó sẽ nghiền nát họ.
Nếu bị xác định là con cừu đen, một mầm non lãnh đạo sẽ gặp đủ thứ tai nạn nghề nghiệp vào những lúc bất ngờ nhất. Những lá đơn tố cáo về những nội dung không có thật nhưng được gửi đi vào thời điểm xét duyệt lên chức. Cấp dưới không tuân thủ, phá hoại thành quả công việc. Những cạm bẫy núp dưới vô vàn vỏ bọc, từ xưa cũ và thô thiển như tình dục và tiền bạc cho đến tinh vi như hứa hẹn cam kết đổi chác lấy vị trí quyền lực cao hơn… Cuối cùng, họ hoặc phải chấp nhận bị cô lập, bị chơi xấu, biến thành vô dụng để cuối cùng bị đuổi khỏi vị trí đang nắm giữ để cho tay chơi khác hiểu luật hơn thay thế. Hoặc chính họ nhanh chóng khôn ra, chủ động biến mình thành một phần của guồng máy tham nhũng, chia sẻ lợi ích và sự "an toàn" khi là những bánh xe xoay cùng một chiều. Quy trình này thường rất dài, tinh tế và phức tạp. Có ai không trăn trở, tự vấn, cân nhắc nhiều chiều trước khi quyết định bước vào con đường không lối về không ?
Đau buồn khi con đường sinh tử đó nhiều khi lại là lựa chọn duy nhất.
Vụ Việt Á với hàng trăm bị can chủ yếu là lãnh đạo các cơ quan y tế khắp cả nước, trong đó có ba nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị bắt là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội/cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. "Xảy ra từ Trung ương đến địa phương, xuyên suốt" - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên.
Vẫn theo ông Yên, vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tỉnh "là sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau".
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, chỉ trong bốn tháng, từ tháng 1 đến tháng giữa tháng 5 năm 2023, Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức Đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật có 12 tổ chức Đảng, 26 cán bộ cấp giám đốc sở và tương đương trở lên, một nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ba chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, hai sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra.
Còn trong 10 năm từ 2013 đến 2013, đã có khoảng 7.400 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó có 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Trong số này có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (Báo cáo 10 năm phòng chống tham nhũng tiêu cực).
Ông Nguyễn Phú Trọng quy tất cả vấn nạn tham nhũng cho việc đảng viên không nêu cao đạo đức cá nhân, không tự rèn luyện bản thân. Nhưng lương tháng của một đại tá Công an chỉ khoảng 14,5 triệu đồng, thì bằng tư duy gì ông cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận 7,5 tỷ đồng từ tay cấp dưới chỉ trong vài tháng mà không hề nghi ngờ, như ông khai trước tòa ? Lương đương chức của thiếu tướng Công an khoảng hơn 20 triệu đồng, thì nếu quả thật không hề ăn lận đồng nào của cô em gái rất thương nhờ chạy án thì ông cựu thiếu tướng Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bằng phép màu nào một phát nộp khắc phục hậu quả vụ án đủ 1,5 triệu USD, chưa kể bị công an thu gần 200 miếng vàng, 210.000 USD, hơn một tỷ đồng trong tài khoản ?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan khai một mình nuôi hai con, một mẹ già, ngoài ra thì hết lòng hết dạ với công việc ở Cục Lãnh sự. Nhưng tiền đâu bà đi chiếc Lexus hơn ba tỷ, hai căn hộ chung cư cao cấp, trong đó có một căn trị giá khoảng 15 tỷ, cổ phiếu, trái phiếu khoảng năm tỷ, tiền mặt gần 1,2 tỷ… tổng cộng khoảng 25 tỷ đồng ?
Thiên hạ còn đồn bà Lan đã kịp mua một ngôi nhà to và đẹp ở Mỹ.
Nhưng trong suốt quá trình giàu lên bất thường một cách "có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau" như thế của các cán bộ đảng viên lãnh đạo, chẳng chi bộ nào yêu cầu họ kê khai tài sản và thực hiện nó nghiêm túc. Cũng chẳng cơ quan kiểm tra nội bộ nào phát hiện và ngăn chặn, mặc dù cái u nhọt khổng lồ cứ lù lù mọc lên hàng ngày trước mắt họ.
Đấy chẳng phải là chuyện vô cùng vi diệu sao ? Kết luận cho việc này là gì ?
Ai cho ăn, người đó là mẹ. Tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo Việt Nam không phải là một bước chân sơ sẩy, trót lỡ. Nó là hệ quả của sự nghiệp chống tham nhũng bằng hô hào, kêu gọi liêm chính nhưng luôn luôn lờ đi thực tế là đảng viên cũng cần phải ăn. Nó chính là con đẻ của chế độ nên gần như đã thành quy luật, quá trình thăng tiến của một lãnh đạo cũng chính là quá trình tha hóa của họ.
Trong môi trường dầy đặc dưỡng chất cho tham nhũng ấy, ai rồi cũng rứa ! Thành tham quan cả thôi !
Thiên Hành
Nguồn : RFA, 29/07/2023
Tham khảo :
Theo kết luận điều tra của Cơ quan điều tra (C03) Bộ Công an, cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, mỗi người đã nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC để công ty này trúng thầu cung cấp thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai (xây mới).
VTC/RFA edit
Fans bự của Đen : Mang tiền về cho vợ
Không biết có phải fans của Đen vâu không nhưng hai vị cựu quan chức trên đã rất nghiêm túc thực hiện lời khuyên Mang tiền về cho vợ.
Sau khi nhận tiền từ tay cô em gái nương tựa, hai trai ngoan Đồng Nai đã yêu cầu Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai "tạo mọi điều kiện" để AIC trúng thầu.
Ông Vũ cũng ăn được một khoản tiền tương đương với hai đại ca của mình, có phần nhỉnh hơn vì ông là người trực tiếp sắp xếp, điều chỉnh danh mục thiết bị đầu tư cho bệnh viện, làm việc với cơ quan thẩm định giá, chuẩn bị hồ sơ đưa những công ty ma vào đấu thầu giả, để bảo đảm AIC trúng thầu trong một quy trình thoạt nhìn thì hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ.
Ông Trần Đình Thành không nổi tiếng lắm trong quá trình làm quan chức ở tỉnh Đồng Nai, mặc dù quan trường của ông rất đáng nể : liên tiếp hai nhiệm kỳ liền, suốt 10 năm ngồi chắc ở ghế Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh rất "dữ".
Dữ vì nó giàu. Doanh nghiệp đổ đống ở các khu công nghiệp, khu chế xuất của Đồng Nai, tiền cống nạp nứt bụng quan tham. Thế nhưng do nằm sát bên TP HCM quá hoành tráng nên mọi sự soi mói của công quyền, báo chí và dư luận đều trút hết vào đô thị lớn nhất nước này. Còn Đồng Nai, trong hình dung chung của xã hội vẫn là một tỉnh lẻ đang phát triển, còn nửa tỉnh nửa quê, ngổn ngang và thô tháp. Nó được hưởng lợi từ sự quên lãng của thông tin nên nếu các quan anh kheo khéo ngậm miệng thì cứ mặc sức ăn tiền. Miễn đừng tạo ra các cú nổ thu hút quá nhiều dư luận thì ăn đến mấy đời sau chưa hết.
Miếng bánh vừa béo vừa ngọt như vậy mà không bị giành giật quyết liệt mới là chuyện lạ. Các đời lãnh đạo trước có lẽ giành ăn lộ liễu quá nên bị tố cáo rất nhiều và xộ khám cũng mau lẹ. Cho nên việc ông Trần Đình Thành giữ chắc được cái ghế Ủy viên Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy suốt hai nhiệm kỳ trong khi vẫn "ăn" thun thút, thì có lẽ một phần nguyên nhân là do ông này chịu chia phần đều đặn chứ không cố nuốt một mình.
Ông Thành, ông Thái, ông Vũ… những người liên quan có chức vụ cao nhất trong vụ đồng tình rỉa của ngân sách Nhà nước ít nhất hơn 150 tỷ chỉ qua vụ này (theo số liệu của Thanh tra Nhà nước). 150 tỷ ăn chặn vào chất lượng của các thiết bị y tế, các phương tiện khám chữa bệnh. Nếu nó trót lọt thì chỉ vài năm thôi, máy chạy thận của bệnh viện sẽ hỏng, dao mổ cùn đến mức cứa mấy lần mới đứt da, bệnh nhân nằm chật chội thiếu vệ sinh nhưng vẫn phải trả đủ tiền giường, phải trả bảo hiểm cao hơn mặc dù được miễn phí, thiết bị không được khử khuẩn đúng quy định, hay thời gian được khám, thăm, hỏi bệnh của mỗi người bệnh đều bị rút ngắn…
Nhấn mạnh - đó mới chỉ là một dự án trong hàng trăm dự án xây dựng lớn được đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong một giai đoạn ngắn.
Thế nhưng, nhìn vào sự bình tĩnh và thái độ thoải mái khoe của cải của những người này sau khi an toàn hạ cánh về hưu (ông Thành nổi tiếng dưới cái tên Mười Thành chủ vườn kiểng Dona gồm hàng trăm cây kiểng đắt tiền ở Đồng Nai), có thể đoán họ rất tin tưởng vào đường dây ăn hối lộ mà họ tham gia và từng là những chủ hụi ở Đồng Nai. Một đường dây kín kẽ đến nỗi suốt nhiều năm không nổi lên một thông tin nào nghi vấn về nguồn gốc số tài sản đồ sộ mà họ nắm giữ chỉ bằng cái tài làm lãnh đạo. Lương của quan đầu tỉnh chỉ mười mấy triệu đồng/tháng, thế mà hai trai ngoan cứ đều đều vài tháng lại mang vài tỷ về cho vợ.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Đẳng cấp quan bà
Đến đây phải mở rộng bình luận sang hai bà vợ quan nói trên. Cả hai bà đều khai nhận đã dùng tiền chồng đưa để gửi tiết kiệm, mua bất động sản ; vợ ông Thái còn gửi tiền cho hai con gái đang du học tại Mỹ. Vẫn theo cơ quan điều tra thì hai bà đều không hỏi chồng nguồn gốc tiền này từ đâu ra.
Vỗ tay ! Thật xứng đôi vừa lứa. Trai ngoan lại gặp gái hiền, tổ tiên nhà hai ông Thành và Thái mả táng hàm rồng. Hai bà vợ quả thật đã thấu đạt ý nghĩa tinh tuyền của đạo lý làm vợ quan. Đấy là không bao giờ tìm hiểu về nguồn gốc đồng tiền ông chồng đưa về từ sàn đấu quan trường. Mặc nhiên tiền vào nhà quan là của quan, cứ ngoan ngoãn nhắm mắt mà nuốt thôi.
Chắc nhiều người đã biết hậu trường nhà quan vốn cũng ly kỳ và đầy ái ố không kém gì các truyện ngôn tình quan đấu Trung Hoa. Các ông chồng có liên minh, có phản phúc, có nịnh nọt luồn lách và đường dây để lên quyền lên chức thì các bà vợ cũng vậy. Các bà vợ quan nhỏ luôn tìm cách kết thân với vợ các quan lớn hơn. Khen đẹp, khen có phúc phần, tặng những thứ quà cáp mà phụ nữ say mê còn hơn cả ông chồng say mê quyền và tiền. Phụ nữ thường dễ bắt thân với nhau hơn đàn ông. Rủ nhau đi mua sắm, chọn trường cho con, tặng nhau các gói spa dưỡng da, thẩm mỹ làm đẹp từ sợi tóc đến gót chân. Các set mỹ phẩm đắt tiền. Quần áo túi xách đồ trang sức hàng hiệu đắt đỏ. Các thực phẩm chức năng quái lạ nhất giúp trẻ hóa, đẹp hóa. Các thứ thuốc của các hãng dược đắt nhất thế giới cho đến lá bùa của ông lang bà mế giúp ông chồng quan to mê vợ như sam, đặc biệt là không đem tiền cho con khác. Thậm chí để thắt chặt quan hệ và đặt lòng tin, các bà không ngại đến tận nhà các quan trên đưa rước con cái cháu chắt, rửa chén, quét nhà, giặt giũ phơi phóng, ủi đồ, nấu ăn, đi chợ, làm chân sai việc vặt… như những nô gia tận tụy nhất. Và cũng trung thành nhất-cho đến khi họ tìm được chủ mới.
Đến lượt mình, việc nhà của các bà lại có các quan bà cấp thấp hơn làm giúp. Và trong khi lê lết hai đầu gối đi cầu thân, cầu lợi cho chồng, thì đến ngày các ông chồng liên minh với nhau, các chị cũng củng cố địa vị vững chắc, bắt đầu buông rèm nhiếp chính. Cứ thế, chuỗi xích kết phe phái bất ngờ thay lại bình đẳng giới hơn nhiều lĩnh vực khác : công ông 50 thì công bà cũng ít nhất 50.
Mới cách đây 4 tháng, Tòa án quân sự Quân khu 7 xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu xăng dầu, nhận hối lộ… diễn ra tại vùng 3 và vùng 4 (Vùng cảnh sát biển). Khá hy hữu là cả chồng lẫn vợ cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, ông Lê Xuân Thanh đều sóng vai nhau đứng sau vành móng ngựa. Vợ của cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cũng liên quan nhưng không bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Hai quan bà nói trên đã đứng ra thay chồng giao dịch, nhận tiền hối lộ từ một trùm buôn lậu xăng dầu trên biển.
Báo Lao Động mô tả sự việc rất thú vị :
"Tháng 1/2020, Hữu (trùm buôn lậu nói trên) cùng con trai đến nhà ông Thanh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đặt vấn đề và được ông Thanh đồng ý. Hôm đó, Hữu xin số điện thoại của ông Thanh nhưng vị tư lệnh đọc cho Hữu số của vợ mình là bà Phan Thị Xuân.
Từ tháng 3/2020, Hữu đã chỉ đạo con trai hàng tháng hối lộ cho ông Thanh thông qua hình thức mang tiền đến Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa cho bà Xuân. Mục đích để ông Thanh giúp đỡ, bảo kê các tàu buôn lậu xăng trên biển.
Theo cáo buộc, từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, bị can Hữu đã giao 1,8 tỷ đồng cho con mình để đưa cho bà Xuân. Ban đầu, bà Xuân đều thông báo cho chồng việc nhận tiền từ con trai của Hữu. Ông Thanh nghe vợ kể lại nhưng không nói gì.
Tuy nhiên, từ khi nhờ và chi tiền cho ông Thanh, các tàu chở hàng lậu của nhóm bị can Hữu không bị Cảnh sát biển Vùng 3 kiểm tra, bắt giữ".
Mới năm trước, một quan bà khác là vợ của ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng bị phanh phui trước tòa. Quan bà này đã góp vốn năm tỷ đồng để lập một công ty kinh doanh, đứng tên hai đứa con (mà ông chồng khai trước tòa là không hề biết !). Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ đều do bà thành lập, giả chữ ký của con trai để ký. Bà cũng nhiều lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng để cuối cùng tên của thành viên gia đình mình không còn trong công ty.
Loanh quanh một hồi, công ty này, được giới thiệu của chính ông Chung, đã bán nhiều mặt hàng trong lĩnh vực vệ sinh môi trường cho các đơn vị thuộc UBND Hà Nội, thu hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Truyền thống gia đình Việt Nam phân công người vợ là tay hòm chìa khóa, lo giữ tiền, quản gia và nuôi dạy con cái. Nếu vợ của các ông Thành, ông Thái, hai ông cựu thiếu tướng Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, ông Chung… có lần nào bị con lương tâm nhe răng cắn, khiến họ áy náy hay lo sợ về những đồng tiền bẩn thỉu nhận được thì có lẽ chồng họ cũng chẳng chìm sâu vào vũng bùn ăn hối lộ. Ông bà ta còn nhắc "Phúc đức tại mẫu", mà đã có đức thì "mặc sức mà ăn". Các vị mẫu kể trên có lẽ đã đọc nhầm tục ngữ nói trên thành phúc đức còn có một mẩu. Cho nên, để giữ gìn tinh thần nhân đạo của chúng ta thì không nên hình dung đoạn cuối của cuộc đời họ làm gì.
Đến đây kính mong các bác quan tòa Việt Nam đọc kỹ vụ này để khi kết án thì giữ vững quan điểm "điều gì kẻ đưa hối lộ đã kết hợp thì quan tòa không được phép phân ly", hết sức giúp đỡ những đôi vợ chồng hòa thuận nói trên được bên nhau trong mọi nơi mọi lúc.
Duy có điều, tôi lưu ý bà vợ ông Thái. Chồng bà khai tiền hối lộ ông nhận để nuôi hai con du học Mỹ. Sai, đừng tin. Ở cỡ chủ tịch một tỉnh công nghiệp, có đến hàng ngàn doanh nghiệp muốn xin đất, xin dự án, xin cơ chế, xin vốn… thì hai con chứ hai chục con của ông du học thì ông cũng chả phải bỏ ra một đồng nào. Du học Mỹ chứ du học mặt trăng thì doanh nghiệp cũng sẽ chạy chọt cho bằng được. Trai ngoan này khai mang tiền về cho vợ có đúng sự thực không, cũng xin quan tòa soi xét kẻo lại lọt người lọt tội.
Bằng Phương
Nguồn : RFA, 14/11/2022
Tham khảo :
https://baomoi.com/vo-cuu-bi-thu-va-cuu-chu-tich-tinh-dong-nai-tieu-hang-chuc-ty-nhan-hoi-lo-cua-chong-nhu-the-nao/c/44255512.epi
https://plo.vn/vo-cuu-thieu-tuong-canh-sat-bien-ho-biet-chong-toi-la-tu-lenh-nen-loi-dung-de-hoi-lo-post688756.html
Phú Nhuận, VNTB, 19/05/2022
Trong hai ngày 16 và 17/05/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 15. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (Trung ương chủ trì kỳ họp.
Tại kỳ họp này Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau (trích) :
1. Tại Bộ Khoa học và Công nghệ
– Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Thanh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Cảnh cáo các ông : Phạm Công Tạc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ; Nguyễn Thiện Thành, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước ; Lê Bách Quang, Chủ tịch các Hội đồng tư vấn, Hội đồng nghiệm thu Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm phát hiện Covid-19.
– Khiển trách ông Nguyễn Đình Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 – 2021 và ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Tại Bộ Y tế
– Khai trừ ra khỏi Đảng các ông : Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế ; Nguyễn Nam Liên, nguyên Phó Bí thư, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ Y tế, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế.
– Cảnh cáo các ông : Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế ; Đặng Đức Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
– Khiển trách các ông : Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Y tế ; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra Bộ Y tế.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021 và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
– Cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025.
– Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
– Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
– Cảnh cáo các ông : Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ; Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
4. Tại Thành ủy Đà Nẵng
Xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Minh Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng do đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống ; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương ; vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.
5. Tại Tỉnh ủy Quảng Bình
Xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Quý Nhân, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình do đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương ; vi phạm quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ; làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tuyển dụng cán bộ, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Thanh tra Tỉnh và các cá nhân liên quan trong việc ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý đối với các vi phạm nêu trên.
6. Tại Bộ Công an
Thi hành kỷ luật Khiển trách đối với Trung tướng Nguyễn Thế Quyết, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an do đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng và thanh lý một số hợp đồng kinh tế.
RFA, 20/05/2022
Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) Lê Hải Trà bị buộc thôi việc vào ngày 20/5 sau khi bị kỷ luật Đảng vài hôm trước đó. Người thay thế ông Trà là bà Trần Anh Đào- Phó Tổng Giám đốc HoSE.
Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : HoSE
Quyết định buộc thôi việc đối với ông Lê Hải Trà được Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đưa ra.
Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỳ họp thứ 15 diễn ra trong hai ngày 16 và 17/5 quyết định khai trừ đảng đối với ông Trà vì những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Ông Trà được cho biết có trình độ Tiến sĩ Quản lý Công (MPA) với chuyên ngành kép là Lãnh đạo và Phân tích Thị trường Tài chính của Đại học Harvard Kennedy. Ông được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc HoSE vào ngày 26/2/2021.
Bà Trần Anh Đào tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 1997. Bà vào làm tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ cuối năm 1998.
Cũng trong cùng ngày 20/5, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - bị Bộ Tài chính cách chức sau khi bị kỷ luật Đảng.
RFA, 20/05/2022
Củ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Việt Nam, ông Trần Văn Dũng, b Bộ Tài Chính cách chức và người thay thế hiện thời là Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi.
AFP/RFA edit
Quyết định cách chức ông Trần Văn Dũng được đưa ra trong công văn do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ký ngày 19/5.
Vào ngày 18/5, Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cách hết các chức vụ trong đảng của ông Trần Văn Dũng gồm Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ủy ban Kiểm tra trung ương khẳng định Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
Ông Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của tập thể cũng chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong hơn một tháng qua, đã có ít nhất 11 doanh nhân đã bị khởi tố và bắt tạm giam với các cáo buộc liên quan đến những vi phạm tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Đáng chú ý là vụ bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng - cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Thu Thủy, Thoibao.de, 01/02/2021
Trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 26/01, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết : Một trong những chiến lược phát triển quân đội thời gian tới là bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, đó là nhiệm vụ ‘trên một vùng lãnh thổ mới’.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Mới thoạt nghe thì có vẻ Quân đội Việt Nam hoạt động mạnh trên không gian mạng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân bằng các hành động cụ thể như chống tin tặc, bảo vệ bí mật quốc phòng của quốc gia, chống ăn cắp công nghệ…
Nhưng trên thực tế, với sự ra đời của Lực lượng 47 và Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng thì Quân đội Việt Nam tham gia hoạt động mạnh trên không gian mạng chỉ nhằm để trấn áp các tiếng nói đối lập.
Nhà báo Bùi Tín, từng là Phó Tổng biên tập của báo Nhân dân, đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân vật bất đồng chính kiến với chính quyền cộng sản, khi còn sống đã nhận định : mở đầu năm mới 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Quân ủy TƯ quyết định cử Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel, làm phó tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng, kèm theo thông tin lực lượng này có 10.000 tinh binh, mang tên "Lực lượng 47", theo hình ảnh của khẩu súng AK47, khẩu súng lợi hại nhất của bộ binh trong chiến tranh là hình thức tuyên chiến với toàn dân.
Ông khẳng định : Do bộ máy tuyên huấn của Đảng tỏ ra bất lực một cách thê thảm và nguy hiểm cho Đảng mà đầu năm 2018, Tổng bí thư và Bộ Chính trị cùng Quân ủy TƯ giật mình, bỗng nảy ra sáng kiến thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến mạng, chuyển trách nhiệm lãnh đạo cuộc đấu tranh tư tưởng trong xã hội từ Ban Tuyên giáo sang cho Quân đội đảm nhận.
Một thủ lĩnh của Viettel được giao nhiệm vụ này, khi Viettel hiện nguyên hình là một tổ chức cướp đất của dân Đồng Tâm/Mỹ Đức, một tổ chức viễn thông của bộ Quốc phòng, một ổ tham nhũng cực lớn, lấn át chức năng thông tin viễn thông của bộ Thông tin truyền thông để kiếm lợi lớn chia nhau.
Đối tượng tác chiến của cái Bộ Tư lệnh mạng này là ai ? là toàn dân đang khao khát dân chủ và tự do vì ngày càng thấy mối nhục thua kém xa các nước láng giềng về đủ mọi mặt là do chế độ độc đảng quá lỗi thời, do một tổng bí thư già nua, kiên định những điều lẽ ra phải từ bỏ từ lâu, như kiên định chủ nghĩa Mác – Lê, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định lấy quốc doanh làm chủ đạo, kiên định chính sách "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý", những kiên định ấy chính là nguồn gốc của mọi bất công, đói nghèo, lạc hậu.
Như vậy, Quân đội Nhân dân, nay do Đảng bắt phải cắt bỏ hai chữ Nhân dân, chỉ còn là quân đội của Đảng, do Đảng chỉ huy để chống lại khát vọng dân chủ nhân quyền của nhân dân.
Ông Tổng bí thư và Quân ủy trên thực tế đã xóa bỏ Mười lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân, quân đội của dân, do dân, vì dân, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh để cưỡng bức quân đội chống lại nhân dân.
Nhà báo Bùi Tín ngay từ thời điểm đó đã nhận định cuộc chiến giữa Quân đội và Nhân dân do chính quyền cộng sản khơi mào chắc chắn sẽ thất bại bởi qua cuộc đọ sức thực tế, quân đội sẽ ngày càng nhận ra lẽ phải và gắn bó hơn với nhân dân, với bà con quê hương mình, với các tổ chức xã hội dân sự, sẽ ngày càng nhận ra sự lừa dối phi nghĩa của Đảng, vì 10.000 nghìn tên bộ đội tác chiến phá mạng của cái Lực lượng 47 chỉ là một lũ kiêu binh mù quáng, vì chống lại chúng, nhân dân có hàng triệu tay nam nữ thanh niên trí thức am hiểu sâu kỹ thuật, làm chủ máy tính hiện đại, hàng triệu email, hàng triệu Facebook, hàng vạn blogger tinh nhuệ.
Lực lượng lành mạnh này dám thách thức lực lượng 47 mở cuộc điều tra công khai công luận xem trong nhân dân còn có bao nhiêu người còn tin ở chủ nghĩa Mác – Lê, còn tin ở chủ nghĩa xã hội viển vông, ở chế độ độc đảng phi dân chủ ? Họ không dám làm thì tự các tổ chức xã hội công dân sẽ có thể làm một cách công khai đàng hoàng, khoa học.
Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Số lượng và chất lượng đấu tranh trong cuộc chiến ảo lý thú và hệ trọng này thuộc về phía nhân dân.
Không có gì liều và dại bằng tuyên chiến với toàn dân đang thức tỉnh đòi dân chủ, nhân quyền một cách kiên trì và quyết liệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng ngày 08/01/2018
Facebooker Lộc Phạm cũng có cùng quan điểm trên khi viết : Nhiệm vụ cao quý của bất cứ quân đội nào trên thế giới là chiến đấu bảo vệ đất nước và nhân dân.
Thật chua chát khi những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt một thời gian dài quy phục kẻ thù Trung Cộng, hoàn toàn bỏ quên "chức năng" tác chiến trên biển lẫn trên bộ, nhất là từ khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa rồi toàn bộ Biển Đông của Việt Nam. Nhưng nay lại theo đuôi Bắc Kinh lập ra Lực lượng 47 như một hình thức nô lệ mới của một chư hầu.
Ai cũng thấy việc Đảng cộng sản Việt Nam lập ra Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng không phải để "bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng" của họ mà chính là nhằm biến một bộ phận quân đội trở thành một đạo quân phản động chống lại nhân dân.
Khác với "dư luận viên" thông thường lâu nay được nuôi ăn và cổ vũ bởi Ban Tuyên giáo Trung ương với nhiệm vụ chửi bới thô tục, kích động hận thù, tuyên truyền lếu láo rẻ tiền thì Lực lượng 47 hiện nay không có gì khác hơn là một đạo quân hacker chuyên nghiệp được hỗ trợ tích cực bởi Quân đội Trung Quốc nhằm ngày đêm rình mò, tung virus độc hại, chiếm đoạt account, tung tin tức giả nhằm khống chế các trang mạng xã hội, các nhà đấu tranh dân chủ để vô hiệu hóa hoạt động mạng của họ.
Điều này cho thấy rằng, Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang run lên vì sợ cộng đồng mạng. Trong mấy năm vừa qua, lực lượng dân cư mạng đã làm thay đổi cục diện, hay nói một cách khác là bộ máy truyền thông của Đảng cộng sản Việt Nam đã không hoàn toàn chủ động như trước. Có thể nói thế tấn công của cộng đồng mạng ngày càng gia tăng và rất tinh vi đã làm cho bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam nằm trong thế bị động, chỉ có chống đỡ… đến mức phải huy động cả quân đội ra bảo vệ Đảng trên mạng.
Ông Lộc khi đó đã kêu gọi các quân nhân trong lực lượng quân đội hãy cùng nhau kêu gọi phi chính trị hóa quân đội để đưa quân đội trở lại nhiệm vụ chính yếu của mình là bảo vệ tổ quốc.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch hội kiến với Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc hồi tháng 10/2018
Lời dự đoán của nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nổi tiếng thế giới càng có thêm cơ sở khi mà chỉ 2 năm sau khi thông báo về sự tồn tại của lực lượng 47 "vừa hồng vừa chuyên", cuối năm 2019, Thiếu tướng Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ra lệnh cho Lực lượng 47 phải "không ngủ" để "đấu tranh trên mạng".
Thiếu tướng Ngô Minh Châu than phiền về năng lực "tác chiến" của Lực lượng 47 như sau : "Vào lực lượng này cứ xin ý kiến chỉ đạo riết rồi có làm gì được đâu. Chúng ta như con gà công nghiệp, trong khi họ là gà ta, chạy khắp nơi và rất linh hoạt".
Từ phát biểu của ông Châu, Facebooker Trung Nguyễn nhận định Lực lượng 47 này hoàn toàn… thụ động. Có một bài viết mới, một thông tin mới xuất hiện trên mạng có thể gây bất lợi cho uy tín của Đảng cộng sản thì lực lượng này cũng nằm im không hó hé gì mà phải đi xin "chỉ đạo" của cấp trên, coi nên phản bác thế nào cho thỏa đáng.
Thế nhưng, một ngày trên mạng có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn thông tin, bài viết cá nhân mới về đủ thứ đề tài thì các chỉ huy của Lực lượng 47 có ba đầu sáu tay cũng không thể giải quyết hết được. Kết quả là cuộc đấu tranh về mặt tuyên truyền trên internet của Đảng cộng sản hoàn toàn tê liệt, đành phải dựa vào bạo lực, bắt bớ để làm người dân sợ hãi.
Cần nói rõ là bản thân các quan chức cao cấp nhất phụ trách tuyên truyền của Đảng cộng sản trong Ban Tuyên giáo, Hội đồng Lý luận Trung ương đều không dám ra tranh luận thẳng thắn và công khai với những người đấu tranh dân chủ, tức là họ thừa biết họ đã thua về mặt lý luận, thì làm sao những "chiến sĩ 47" đủ năng lực, kiến thức để có thể "bút chiến".
Có trách thì nên trách móc giới cai trị, trong đó có chính bản thân ông Châu, vì chẳng nghĩ được thứ lý luận gì ra hồn để bảo vệ "nền tảng tư tưởng" của Đảng cộng sản ?
Cũng theo ông Trung Nguyễn, vừa qua, các cựu "tư lệnh" của Lực lượng 47, dư luận viên cao cấp của Đảng là Nguyễn Bắc Son đã phải nhận án tù chung thân, Trương Minh Tuấn nhận án 14 năm tù.
Riêng Trương Minh Tuấn còn chủ biên cuốn sách "Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ đảng viên hiện nay", chắc cũng nhiều anh em trong Lực lượng 47 đã phải đi học, tập huấn về cuốn sách này.
Chắc các anh em 47 và dư luận viên cũng phải rủa thầm trong bụng rằng tại sao mình phải phục vụ những lãnh đạo, chỉ huy hèn nhát, bất tài, đạo đức giả như vậy ? Chúng hèn nhát khi không dám đối thoại với những người bất đồng chính kiến, chúng rao giảng đạo đức nhưng chúng là phường tham nhũng phản dân hại nước, là "giặc nội xâm". Vậy mà chúng đi giảng đạo đức cho các anh em và kêu gọi các anh em phải "không ngủ" để bảo vệ bọn chúng ?
Ông Trung nhận định các "chiến binh mạng" như Lực lượng 47, dư luận viên hiện tại đã không còn lý tưởng. Chính bản thân Nguyễn Đình Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Nghệ An cũng nói "nếu cứ bắt các cán bộ Đoàn, Hội tham gia, chưa chắc đồng chí đó đã thích ; mà thích rồi nhưng chất lượng không đủ cũng không hiệu quả". Tức là các cán bộ cộng sản cũng chẳng có hứng thú và đủ trình độ để tranh luận với những người đấu tranh dân chủ.
Ngược lại, khi các "chiến binh mạng" của Đảng cộng sản suốt ngày phải đọc những bài viết "khai dân trí" của những người dân chủ, họ hẳn cũng phải thay đổi tư duy và cảm thấy bị thuyết phục, chính vì vậy nên họ không có động lực để phản bác lại những người đấu tranh cho dân chủ.
Như thế, khi Đảng cộng sản không còn tiền để trả cho Lực lượng 47 và Cảnh sát cơ động, quân đội thì chẳng còn ai có thể cứu được Đảng cộng sản nữa. Các quan chức cộng sản cũng biết vậy nên đã gửi con cái và tiền bạc ra nước ngoài.
Thời cơ dân chủ hóa đất nước đã hiển hiện rất rõ. Từng người dân Việt Nam, nhất là các trí thức, thanh niên cần chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ để xây dựng lại một nhà nước dân chủ, pháp quyền thực sự.
Qua đó, ông Trung gửi lời kêu gọi đến riêng Lực lượng 47 là các anh em thay vì phải thức như tướng Châu kêu gọi thì cứ nên đi ngủ sớm để giữ sức khỏe nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ cho chế độ dân chủ, pháp quyền sau này. Hãy để giới cai trị cộng sản tự lo cho bản thân họ !
Thu Thủy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 30/01/2021
********************
Giảm án cho tham quan nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng là qui định sai lầm !
RFA, 01/02/2021
Nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân.
Ảnh minh họa.AFP
Đây là nội dung mới được quy định trong Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng của Hội đồng thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2 tới đây.
Nhận xét về điều luật vừa nêu sẽ được áp dụng vào giữa tháng này, một cư dân ẩn danh sống tại Sài Gòn nhận định với RFA vào tối 1/2 rằng điều luật như thế là không hợp lý.
Theo người này thì thay vì nộp 3/4 tiền tham nhũng để được giảm án, không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt bây giờ nên đổi lại thành nếu không nộp 3/4 số tiền tham nhũng sẽ bị tăng hình phạt lên mức cao nhất khung. Quan chức đã tham nhũng thì trách nhiệm là phải nộp lại đầy đủ tiền đã biển thủ, còn hình phạt là để xử cho hành động biển thủ đó. Có vậy thì mấy ông quan tham mới sợ rồi bớt lại.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nhận định :
"Có thể người ta đưa ra quy định này để khuyến khích người khác nộp lại tài sản tham ô để nhà nước thu hồi được tiền đó. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là một cửa để lách cho những người phạm tội. Nếu đúng nguyên tắc pháp luật thì đó là một quy định sai lầm".
Vẫn theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, thực ra trong các điều khoản của luật, theo Điều 51 của Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tình tiết giảm nhẹ và hướng dẫn việc áp dụng, nên ông cũng bày tỏ thắc mắc không biết Nghị quyết 03/2020 được thêm như vậy có mục đích gì ? Ông nói :
"Điều 51 áp dụng cho tất cả người phạm tội chứ không riêng một điều khoản này cho đối tượng tham nhũng mà đối tượng tham nhũng rõ ràng là những người có quyền lực, quan chức, còn người dân thường không có điều kiện tham nhũng, giống như một đặc ân riêng đối với người phạm tội này (tham nhũng)".
Trong phiên xét xử sáng ngày 20/12/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% AVG.
Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Bắc Son sau đó đã nộp lại tổng cộng 66 tỷ đồng trong hai lần, tương đương với số tiền ba triệu USD nhận được từ cựu Chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ ; mặc dù trong phiên tòa ông Son thừa nhận có cầm thêm 200.000 USD từ Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà.
Sau đó, ông Son được tòa giảm từ mức án tử hình xuống còn chung thân.
Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son tại tòa.
Dư luận lúc bấy giờ dấy lên câu hỏi liệu chỉ cần thu hồi 3/4 tài sản tham nhũng thì quan chức có thể thoát án tử ?
Thực tế, trong khoản C Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt tử hình quy định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra thì không thi hành án tử hình với họ, mà Chánh án sẽ là người có thẩm quyền chuyển hình phạt tử hình sang phạt tù chung thân.
Điều luật vừa nêu trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng kể từ ngày 15/2 tới đây, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, Chính phủ Hà Nội tin rằng đưa ra Nghị quyết 03/2020 nhằm giúp nhà nước thu hồi số tiền thất thoát bị thiệt hại, nhưng thực tế đang làm cho pháp luật Việt Nam đi theo hướng chuyên biệt hóa, đưa ra những ý kiến không đúng với quy tắc chung của pháp luật. Ông nói thêm :
"Bây giờ họ cứ mặc nhiên khi phạm tội xong là không thu hồi gì à ? Nếu họ có tài sản còn giá thì không phải 3/4 mà toàn bộ số tiền đó phải được lấy về một khi họ đang còn tài sản, những người có liên quan họ tẩu tán bằng cách nào đó thì họ phải xác định lấy được. Không phải người ta đã làm việc đó rồi thì chỉ nhiêu đó thôi, họ phạm tội rồi thì phần còn lại là truy thu nguồn gốc là trách nhiệm của cơ quan nhà nước thẩm quyền".
Đồng quan điểm vừa nêu, người dân ẩn danh tại Sài Gòn, trình bày tiếp rằng tiền tham nhũng có được đâu ai dại gì để tên mình mà toàn đưa cho người thân, bà con, họ hàng đứng tên. Do đó nếu lấy từ người phạm tội không được thì điều tra người thân.
Theo ý kiến của người này thì Nhà nước nếu muốn thì làm được hết thôi : Công an Việt Nam có thể điều tra được bao nhiêu vụ ghê gớm hơn mà không tốn nhiều thời gian cho nên mấy chuyện điều tra tiền bị tẩu tán chắc không phải khó mà quan trọng có ai muốn làm hay không thôi.
Người dân ẩn danh này cho rằng cách để cơ quan nhà nước kiểm soát tham nhũng tốt là ban hành luật yêu cầu cán bộ kê khai tài sản, từ đó có thể phát hiện và thu hồi dễ dàng.
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, Nghị định 03/2020 thực sự không cần thiết :
"Họ đưa ra các quy chế, quy định liên quan đến chuyện thi hành án, áp dụng vào thi hành án làm sao cho tốt thì còn tốt hơn rất nhiều so với chuyện này".
Vào ngày 11/1 vừa qua, ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi đã cho biết cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Hồi năm 2014, ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Vinalines, bị kết án tử hình vì tội ‘tham ô tài sản’ và 18 năm tù về tội ‘cố ý làm trái qui định gây hậu quả nghiêm trọng’ ; tổng hợp hình phạt tử hình. Ông này còn bị tòa tuyên phải bồi thường hơn 110 tỷ đồng.
Cục Thi Hành Án Dân sự sau đó vào tháng 1 năm 2017 cho biết gia đình ông này đã nộp lại cho Nhà Nước hơn 10 tỷ đồng và đến tháng tư năm 2017 cho biết chưa có điều kiện thi hành án đối với số tiền còn lại hơn 88 tỷ đồng vì ngoài tài sản mà các cơ quan tố tụng kê biên, ông này được cơ quan chức năng nói không còn tài sản nào khác.
Nguồn : RFA, 01/02/2021
Công bố thư ông Nguyễn Bắc Son gửi vợ viết 'con gái đang cầm 3 triệu USD' (Tuổi Trẻ, 23/12/2019)
Theo nội dung bức thư được Viện kiểm sát công bố tại tòa, cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhắn với vợ đã đưa số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ cho con gái cầm hộ và nhờ vợ nói con gái mang nộp lại.
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh : TTXVN
Chiều 23/12, phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG tiếp tục với phần đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đối đáp lại quan điểm của các luật sư.
Ông Son nhận đã chỉ đạo từ đầu đến cuối
Viện Kiểm sát cho rằng năm 2015, dự án của MobiFone đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỉ đồng không phải dự án đơn thuần mà là dự án thuộc nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, các bị cáo đã thực hiện dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, chỉ cần thỏa mãn 1 trong các điều kiện trên là đủ căn cứ truy tố các bị cáo.
Quá trình xét hỏi công khai tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cụ thể, bị cáo Nguyễn Bắc Son thừa nhận vai trò chỉ đạo xuyên suốt nhưng không thừa nhận vai trò chỉ đạo quyết liệt cấp dưới. Luật sư thì cho rằng bị cáo không phải chủ mưu, cầm đầu.
"Đề nghị luật sư nghiên cứu kỹ cáo trạng và luận tội của Viện Kiểm sát. Viện Kiểm sát chưa bao giờ quy kết bị cáo Son giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu mà chỉ đánh giá ông Son giữ vai trò chỉ đạo, xuyên suốt", đại diện Viện Kiểm sát nói.
Tại tòa, bị cáo Son cũng nhận trách nhiệm chính về việc để xảy ra sai phạm. Sáng nay, Viện Kiểm sát nhận được đơn thỉnh cầu của bị cáo Son, trong đó có nội dung bị cáo nhận là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án. Do đó Viện Kiểm sát không tranh luận thêm về vấn đề này.
Ông Son muốn trả tiền nhưng gia đình không nộp
Một số luật sư cho rằng quá trình điều tra, cơ quan công an có hiện tượng bưng bít thông tin vì bức thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son không được gửi về cho vợ mà cho vào hồ sơ vụ án, dẫn đến việc gây khó khăn trong khắc phục hậu quả.
Viện Kiểm sát cho rằng bức thư bị cáo Son gửi vợ "không phải bức thư tình", mà là tình tiết của vụ án nên được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý thức việc khắp phục hậu quả của vụ án nhưng gia đình không hợp tác.
Cụ thể, ngày 14/03/2019, bị cáo Son viết bản tự khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, sau đó gửi thư cho vợ là bà Lê Thị Lý với nội dung : "Anh đã khai báo với cơ quan điều tra Bộ Công an, sau khi mua bán dự án hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang cho anh 3 triệu USD.
Số tiền này anh đã gửi cho Huyền (con gái ông Son - PV) mang vào Thành phố Hồ Chí Minh giữ cho anh, anh không nói nguồn gốc số tiền trên. Em nói với Huyền thu xếp nộp lại cho Nhà nước", Viện Kiểm sát công bố nội dung bức thư của ông Son.
Đến ngày 20/03/2019, cơ quan điều tra đã mời bà Nguyễn Thị Thu Huyền ra làm việc, thông báo nội dung lá thư. Tại bản đối chất giữa bị cáo Son và con gái, có sự tham gia của Viện Kiểm sát, bà Huyền thừa nhận đã được đọc bức thư này.
Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình ông Nguyễn Bắc Son vẫn không nộp tiền khắc phục theo nguyện vọng của bị cáo.
Quá trình hỏi cung, bị cáo Son tiếp tục trình bày ý muốn được khắc phục hậu quả, tiếp tục đề nghị được gặp gia đình để thông báo cho vợ và con trai sớm khắc phục hậu quả cho mình.
Điều tra viên đã cho ông Son gặp vợ và con trai. Tại đây, ông Son tiếp tục đề nghị gia đình khắc phục hậu quả nhưng bà Lý có ý kiến là "gia đình không có tiền".
Viện Kiểm sát cho rằng việc ông Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD là do gia đình không hợp tác như cáo trạng nêu là hoàn toàn chính xác. Ý kiến của luật sư cho rằng cơ quan điều tra bưng bít thông tin là không chính xác, gây ra sự hiểu lầm về tính đúng đắn của hoạt động điều tra, gây bất lợi cho chính bị cáo.
Một số luật sư đặt câu hỏi về tính khách quan trong lời khai của người đưa hối lộ. Theo Viện Kiểm sát, lời khai của ông Phạm Nhật Vũ về việc đưa tiền cho 4 bị cáo là đúng, nhưng do thời gian đã lâu, bị cáo không nhớ chi tiết nên đề nghị cơ quan điều tra cho bị cáo xem lại một số tài liệu.
Kết quả khẳng định cơ quan điều tra không mớm cung. Ngoài ra, kết quả điều tra công khai tại tòa, bị cáo Son khai không nhận tiền sau đó lại thay đổi lời khai, xin giữ nguyên lời khai đã nhận tiền.
Qua đó, Viện Kiểm sát khẳng đinh cáo trạng truy tố 4 bị cáo về tội nhận hối lộ là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật. Mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị với các bị cáo là phù hợp.
Gia đình ông Son đã nộp 21 tỉ đồng khắc phục
Cuối phiên xử chiều 23/12, Hội đồng xét xử thông báo gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chuyển đến tòa chứng từ chuyển tiền, cho thấy số tiền đã được nộp để khắc phục hậu quả cho Nhà nước đến giờ phút này là 21 tỉ đồng.
"Anh Trần Quang Hưng (con rể ông Nguyễn Bắc Son) nói chuyển tiền theo nguyện vọng của ông Son. Người nộp tiền là anh Hưng và một số người khác", chủ tọa thông báo.
Các luật sư đề nghị Viện Kiểm sát tiếp tục đối đáp về vai trò cầm đầu của ông Son trong vụ án. Tuy nhiên chính ông Son cho rằng vai trò của mình đã được làm rõ trong cáo trạng nên đề nghị luật sư không cần đối đáp nữa.
Thân Hoàng - Diệp Thanh
*********************
Thân nhân cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nộp lại 21 tỉ đồng sau khi bất hợp tác (RFA, 23/12/2019)
Gia đình ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đang bị tòa xử về những sai phạm trong thời gian tại chức và nhận hối lộ, đến chiều ngày 23 tháng 12 được cho biết đã khắc phục được 21 tỷ đồng (tương đương chừng 1 triệu Mỹ kim).
Hình minh họa. Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại phiên tòa hôm 20/12/2019 -Photo by TTXVN
Theo tin từ truyền thông trong nước, trước đó, trong phần đối đáp tại tòa, Viện Kiểm sát khẳng định ông Nguyễn Bắc Son có viết thư, hai lần được gặp vợ, con đề nghị nộp tiền khắc phục hậu quả ; thế nhưng gia đình không hợp tác.
Cụ thể, vào ngày 14 tháng 3 vừa qua, ông Son viết bản tự khai thừa nhận đã nhận 3 triệu Mỹ kim từ Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Sau đó, ông Son viết thư gửi cho vợ với nội dung có chuyển tiền cho con gái Nguyễn thị Thu Huyền. Ông Son viết rằng không cho con biết nguồn gốc số tiền và nhờ vợ nói với con gái sớm trả lại tiền cho Nhà nước.
Cơ quan Điều tra đã mời vợ ông Son đến nhận thư nhưng bà này không đến mà ủy quyền cho con gái. Lúc đó gia đình không nộp tiền khắc phục hậu quả như ông Son yêu cầu.
Đến ngày 12 tháng 8, ông Son được cho phép gặp vợ và con trai. Tại cuộc họp lần đó, ông Son cũng đề nghị gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả. Vợ của ông Son lúc đó nói chỉ còn sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng và thuộc cá nhân bà. Số tiền này để chi dùng cho cá nhân và thuê luật sư cho ông Son, gia đình không có khả năng khắc phục hậu quả.
Tại phiên tòa, phía luật sư bào chữa cho ông Son lập luận rằng Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát đã bưng bít thông tin, không thông báo lá thư ông Son viết cho vợ mà đưa vào hồ sơ vụ án khiến việc khắc phục hậu quả gặp khó khăn.
Viện Kiểm sát phản bác đó là thư viết trong quá trình điều tra chứ không phải thư tình, đây là chứng cứ vụ án.
Cũng tin liên quan, vào sáng ngày 23 tháng 12, Hội đồng Xét xử cho biết ông Phạm Nhật Vụ, người đưa hối lộ cho các cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông và Tổng công ty MobiFone, vắng mặt tại tòa vì phải điều trị tại bệnh viện. Do đó ông này không thể tự bào chữa mà phải thông qua các luật sư.
Phía luật sư đưa ra 10 tình tiết giảm nhẹ cho ông này và hai điều khoản được nêu ra là điều 54 và 59 Bộ Luật Hình sự Việt Nam để miễn hình phạt nếu chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự.
Phiên tòa được nói sẽ kéo dài đến hết tháng 12 này.
Nguyễn Bắc Son bỏ túi gần 4 triệu đô la sau thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG (RFA, 23/10/2019)
Ông Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông bị cáo buộc nhận hối lộ 3 triệu 900 ngàn đô la Mỹ trong thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Cựu Bộ trưởng Thông Tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son - Ảnh ghép minh họa
Báo tiền phong loan tin ngày 23/10, trích cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ghi nhận lời khai các bị can trong vụ án.
Cụ thể, sau khi tạo điều kiện để thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG thành công với mức giá cao hơn thực tế, khiến Nhà nước thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng, ông Nguyễn Bắc Son - Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông lúc bấy giờ đã nhận được tiền biếu, tặng trị giá lên đến 3 triệu đô từ ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG và 700.000 đô từ ông Lê Nam Trà - Chủ tịch MobiFone cùng với 200.000 đô từ ông Cao Duy Hải - Tổng Giám đốc MobiFone.
Ngoài ra, ông Trương Minh Tuấn - Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông hiện nay cũng đã nhận từ ông Vũ 200.000 đô.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bắc Son nói chỉ nhận 200.000 đô từ ông Lê Nam Trà trong dịp Tết Âm lịch 2016 và 200 triệu đồng của ông Lê Duy Hải đợt lễ 30/4/2015.
Về phần 3 triệu đô ông Phạm Nhật Vũ đưa để ‘cảm ơn’, ông Son khai đã đưa con gái đi đầu tư và dặn không được gửi tiết kiệm nhưng con gái ông Son không thừa nhận cầm tiền của bố nên vụ việc sẽ được làm rõ tại phiên tòa vụ án.
Còn về phần ông Lê Nam Trà và ông Cao Duy Hải, cả 2 người đều đã nộp lại khoản tiền 2,5 triệu đô và 500.000 đô nhận từ Chủ tịch công ty AVG cho cơ quan điều tra.
Trong cáo trạng, năm 2015, công ty AVG do ông Phạm Nhật Vũ làm Chủ tịch đã tác động với 2 người đứng đầu MobiFone là ông Lê Nam Trà - Chủ tịch và ông Cao Duy Hải - Tổng Giám đốc để bán 95% cổ phần AVG với giá hơn 8.445 tỷ đồng, trong khi AVG lúc đó đang lỗ 300 tỉ, có khoản nợ cần trả hơn 1.300 tỷ và có giá trị ròng khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Vũ cũng liên lạc với ông Nguyễn Bắc Son - Bộ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông lúc bấy giờ và ông Trương Minh Tuấn - Thứ Trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông lúc đó nhờ can thiệp.
Cơ quan truy tố khẳng định 4 bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị truy tố thêm tội "Nhận hối lộ" theo điều 354, Bộ luật hình sự năm 2015. Riêng bị can Phạm Nhật Vũ bị truy tố tối "Đưa hối lộ" theo điều 364, Bộ luật Hình sự 2015.
********************
Nguyên thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam bị khởi tố (RFA, 23/10/2019)
Nguyên thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến chính thức bị khởi tố vì liên quan trách nhiệm trong vụ án Đinh Ngọc Hệ, tức ‘Út Trọc’, Bùi Văn Nga và đồng phạm. Ông Nguyễn Văn Hiến bị qui tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ theo khoản 3, điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam.
Báo chí trong nước đưa tin ngày 23/10/2019.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Văn Hiền tham gia cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ ba tại cuộc họp tại Subang vào ngày 4/11/2015. AFP
Theo đó, quyết định khởi tố được cơ quan chức năng ban hành theo ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo 110 và Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương khi điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vào hồi đầu tháng 9, ông Nguyễn Văn Hiến, bị thủ tướng chính phủ Hà Nội ra quyết định xóa tư cách nguyên tư lệnh Quân chủng Hải Quân.
Quyết định do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ; theo đó hình thức kỷ luật được đưa ra vì ông Nguyễn Văn Hiến- nguyên thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, nguyên tư lệnh Quân Chủng Hải Quân đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong thời gian giữ chức vụ Tư lệnh Quân Chủng Hải Quân.
Vào ngày 21/6/2019, ông Hiến bị Bộ Chính trị cách các chức vụ : Ủy viên Đảng uỷ Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005-2010 ; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 (gồm Phó bí thư Đảng uỷ, Ủy viên Ban thường vụ Đảng uỷ và Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010).
Theo quyết định của Bộ Chính Trị, đảng cộng sản Việt Nam thì trong thời gian giữ cương vị phó bí thư đảng ủy, Tư lệnh quân chủng Hải Quân, ông Nguyễn Văn Hiến phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban thường vụ đảng ủy trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải Quân quản lý, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân Chủng Hải Quân và trách nhiệm cá nhân về vi phạm, khuyết điểm ở hai nội dung chính.
Đó là thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm các qui định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng. Thứ hai là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của đáng ủy Quân chủng Hải quân, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng các khu đất quốc phòng.
Trong cùng vụ việc còn có Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo và Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình. Hai sĩ quan cấp cao này bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo lần lượt trong tháng 5 và tháng 6 năm 2019.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam cũng đã có kết luận đô đốc Nguyễn Văn Hiến chịu trách nhiệm chính và phải bị kỷ luật về những vi phạm của Quân chủng Hải quân và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Vào tháng 11/2018, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND quân sự trung ương tuyên bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc), cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng tổng cộng 12 năm tù với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức.
Theo tòa, ông Hệ đã mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp giả chuyên ngành quản trị để đưa vào hồ sơ xét nâng lương, thăng quân hàm tới thượng tá.
Liên quan sai phạm của công ty Thái Sơn, hai đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng cũng bị kỷ luật.
****************
Vụ gian lận điểm thi : Xem xét kỷ luật vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang (RFA, 22/10/2019)
Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Sở Tài chính và là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh Hà Giang đang bị xem xét kỷ luật vì nhắn tin xin điểm cho cháu ở kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hồi năm 2018. Truyền thông trong nước loan tin hôm 22/10/2019.
Phiên tòa xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang ngày 18/10/2019. Courtesy of TP
Tin cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đang hoàn tất việc rà soát cán bộ liên quan vụ gian lận điểm thi lần 2 trong vụ gian lận điểm trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018, trong đó có bà Nguyễn Thị Nga.
Trước đó, trong phiên tòa ngày 18/10, Hội đồng xét xử công bố hàng loạt tin nhắn của bà Nga nhờ bị cáo Triệu Thị Chính - cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Giáo dục và đào tạo) để nhờ giúp đỡ cho cháu, là thí sinh tham dự kỳ thi. Trong các tin nhắn, bà Nga có gửi tên, số báo danh, tổ hợp môn thi…
Viện kiểm sát khẳng định những tin nhắn này được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông và đã được Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an giám định, thể hiện rõ là ‘nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm’.
Cũng tin liên quan gian lận điểm thi kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018. Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố thêm 2 bị can để điều tra việc đưa, nhận hối lộ, đồng thời thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Xuân Yến, nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo trong vụ gian lận thi cử tại Sơn La.
Theo Công an tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến đã thay đổi lời khai gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Lò Văn Huynh, nguyên trưởng phòng khảo thí và khởi tố bà Lò Thị Trường, thường trú tại Thành phố Sơn La đề điều tra về tội đưa hối lộ.
Năm 2018, Việt Nam áp dụng việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học làm tiêu chí để xét tuyển vào đại học thay vì tổ chức một kỳ thi vào đại học riêng như trước kia. Tuy nhiên, ngay trong kỳ thi năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt vụ gian lận điểm thi tại nhiều tỉnh trên cả nước. Những tỉnh có nhiều gian lận bị điều tra là Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn.
Lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tái xuất : Thêm nhiều đồn đoán (RFI, 15/05/2019)
Sau một tháng vắng mặt tháng trên chính trường, hôm qua, 14/05/2019, chủ tịch Nước Việt Nam, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đột ngột xuất hiện trở lại. Các thông tin từ cuộc họp do ông Trọng chủ trì hôm qua đặt ra nhiều câu hỏi.
Ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp "các lãnh đạo chủ chốt", Hà Nội, ngày 15/05/2019. Ảnh chụp màn hình : TTXVN
Truyền thông chính thức trong nước đồng loạt đưa tin ông Trọng "chủ trì" một cuộc họp các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam. Sự tái xuất của ông Nguyễn Phú Trọng diễn ra chỉ một hôm trước một sự kiện quan trọng khác, hội nghị trung ương lần thứ 10 của đảng Cộng Sản Việt Nam, khai mạc ngày 16/05. Sự xuất hiện trở lại của ông Nguyễn Phú Trọng dường như nhằm đáp trả những đồn đoán từ một tháng nay về bệnh tình của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, các hình ảnh và thông tin từ cuộc họp lãnh đạo do ông Trọng chủ trì hôm qua cũng lại đặt ra nhiều câu hỏi và hoài nghi mới.
Sau đây là một số nhận định của nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đăng Quang (từ Hà Nội) :
"Cái sự đột ngột biến mất trên chính trường, cũng như sự xuất hiện đột ngột trở lại, cũng nói lên nhiều thứ về sức khỏe của tổng bí thư, kiêm chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng. Tôi đánh giá là, trước đồn đoán về sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng buộc phải xuất hiện trước công chúng. Nhưng lần này, trong một cơ chế mới, từ trước đến nay chưa bao giờ nghe nói".
******************
Nguyễn Đức Chung ‘đăm chiêu, lo lắng’ trước Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Người Việt, 15/05/2019)
Trong các hình ảnh được truyền thông nhà nước đăng tải những ngày qua, người ta thấy ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, lộ rõ vẻ mặt trầm tư, căng thẳng bất thường.
Ông Nguyễn Đức Chung (bìa phải). (Hình : Thanh Niên)
Trong buổi họp về chuyện phòng chống dịch bệnh sởi, sốt xuất huyết diễn ra tại Hà Nội hôm 14 tháng Năm, Chủ tịch Chung hiện diện với nét đăm chiêu, lo lắng.
Tại buổi đi bộ quanh Hồ Gươm vận động người dân "uống rượu bia thì không lái xe" diễn ra hôm 12 tháng Năm, ông Chung giữ vẻ ủ rũ trong lúc Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và các giới chức khác đứng cạnh ông đều tươi tắn, cười vui.
Trên mạng xã hội, một số blogger tỏ ra thạo tin chính trường giải mã sự căng thẳng, ủ rũ của ông Chung là do ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc công ty Nhật Cường Mobile vừa bị bắt về tội "buôn lậu" và tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Nhật Cường Mobile bị cáo buộc là "sân sau" của ông Chung. Việc Bộ Công an tung lực lượng đông đảo khám xét, phong tỏa các cửa hàng của đại gia điện thoại "có mối liên hệ mật thiết" với ông Chung, thiếu tướng công an và là cựu giám đốc công an thành phố Hà Nội, được cho là điều hết sức bất thường.
Đáng lưu ý, trong bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng", báo điện tử Làng Mới bất ngờ nhắc tên ông Chung trong vụ chỉ đạo Hà Nội "phải mua 150 tấn hóa chất trị giá khoảng gần 60 tỉ đồng (2,56 triệu USD) độc quyền ở một đơn vị duy nhất là công ty Thương Mại Dịch Vụ Arktic ở 12 Đặng Tiến Đông, Hà Nội".
Tờ báo của Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam viết : "Liên hệ với công ty Arktic cần mua RedOxy để sử dụng, chúng tôi được lãnh đạo công ty này thông báo là ‘chưa có hàng’. Sau đó, chúng tôi đến số 12 Đặng Tiến Đông, Hà Nội để tìm hiểu về công ty thì không thấy công ty nào ở đây. Theo đó, vị trí này là siêu thị Minh Hoa, do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa làm chủ. Theo giấy đăng ký kinh doanh thì bà Hoa hiện đang cư ngụ tại 88 Trung Liệt, Hà Nội. Điều lạ ở đây theo tìm hiểu của phóng viên thì địa chỉ này cũng là địa chỉ thường trú được ghi trong hồ sơ cá nhân của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội. Để có thêm thông tin, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Chung. Tuy nhiên, ông Chung cho biết ông đang bận họp và sẽ gọi lại sau".
Việc một tờ báo công khai nhắc tên ông Chung trong vụ thương vụ tiêu cực và không hề gỡ bài cho thấy họ "được bật đèn xanh" để đưa vụ này ra trước công luận. Bởi lẽ, thường thì các báo ở Việt Nam luôn né tránh đụng đến quan chức cấp chủ tịch hay bí thư, nhất là khi người đó đang đương chức và xuất thân trong ngành công an.
Nhà báo Phạm Việt Thắng của báo Lao Động Nghệ An bình luận trên trang cá nhân : "Tạp chí Làng mới dám ‘mó dái ngựá, phang bài giữa thủ đô xơi xơi vậy. [Việc này] láo hơn cả việc bắt chủ nhân của chuỗi cửa hàng điện thoại di động. Nhưng láo nhất là ông chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố, dám hủy bỏ văn bản của cấp trên. Và bài báo này, không hiểu vì sao mà tác giả réo tên ông Nguyễn Đức Chung nhiều quá".
Các vụ bê bối, cáo buộc liên tiếp bủa vây ông Chung trong bối cảnh Hội Nghị Trung Ương của Đảng cộng sản Việt Nam dự trù khai mạc hôm 16 tháng Năm, kéo dài ba ngày. Sự kiện này được cho là quyết định sinh mệnh chính trị của nhiều giới chức cao cấp của đảng, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung. (T.K.)
Việt Nam bắt cựu Chủ tịch Mobifone và quan chức Bộ Thông tin và truyền thông (VOA, 11/07/2018)
Bộ Công an Việt Nam hôm 10/7 ra lệnh bắt tạm giam cựu chủ tịch của một trong những nhà mạng di động lớn nhất nước và một quan chức cấp cao của Bộ Thông tin và truyền thông với cáo buộc "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015. Động thái này diễn ra vào lúc chính phủ Cộng sản đang mở rộng chiến dịch chống tham nhũng, theo Reuters.
Ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông Mobifone
Lệnh bắt ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông Mobifone và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, được đưa ra cùng lúc với quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Mobifone là một trong ba công ty cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Việt Nam. Công ty này đã mua cổ phần của Công ty Cổ phần Audio Visual Global (AVG) với giá gần 8,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 386,30 triệu USD) vào cuối năm 2015, đưa đến nguy cơ gây thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng.
Theo kết luận của thanh tra chính phủ hồi đầu năm nay, AVG đang trong trình trạng lỗ vào thời điểm được Mobifone mua lại, với khoản lỗ lũy kế ở mức 1,63 nghìn tỷ đồng (70,75 triệu đôla) tính đến ngày 31/3/2015.
Thông báo hôm 10/7 của Bộ Công an cho biết đang tiến hành điều tra thêm về thương vụ mua AVG gây xôn xao dư luận này.
Kế hoạch cổ phần hóa Mobifone đã được đưa ra từ năm 2005, nhưng cho tới nay vẫn chưa trở thành hiện thực.
Hồi đầu năm nay, chính phủ Việt Nam cho biết dự định sẽ bán cổ phần của Mobifone đợt đầu tiên ra công chúng vào năm 2019, và nói thêm rằng công ty Comviq của Thụy Điển đã bày tỏ ý muốn đầu tư vào công ty viễn thông này.
Vụ bắt các quan chức truyền thông diễn ra giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, với nhiều quan chức cấp cao và giám đốc điều hành các doanh nghiệp nhà nước bị bắt và bỏ tù.
Đầu năm nay, Việt Nam đã bỏ tù cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng với bản án 31 năm về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tại tòa, ông Thăng, 57 tuổi, phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào. Ông là chính trị gia cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam bị bỏ tù trong nhiều thập niên qua.
***********************
Trương Minh Tuấn bị cảnh cáo về mặt đảng (CaliToday, 10/07/2018)
Bất chấp trong suốt thời gian dài Trương Minh Tuấn tỏ ra là người trung thành, tâng bốc và ra sức dẹp một loạt clip trên Youtube, các trang Facebook chỉ rõ bộ mặt bán nước của Nguyễn Phú Trọng. Vậy nhưng, vào ngày 10/7/2018, tại trụ sở Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì buổi họp Ban bí thư và ra quyết định kỷ luật Ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016. Một loạt nhân vật bị kỷ luật đáng chú ý có cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, đương kim bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.
Từ khi lên làm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (4/2016), ông Tuấn còn phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm xảy ra trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Thay mặt Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng thi hành kỷ luật ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông với hình thức Cảnh cáo. Đối với các tổ chức của đảng có 3 mức kỷ luật, gồm : Khiển trách, cảnh cáo và giải tán. Việc kỷ luật Cảnh cáo được coi là nặng nề đối với Ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông.
Các lãnh đạo trong Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 bị kỷ luật, gồm : Nguyễn Bắc Son, cựu Ủy viên Trung ương đảng, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông.
Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông trong thời gian từ 2011-2016, với cương vị là thứ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm với những sai phạm xảy ra. Chưa hết, từ khi lên làm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (4/2016), ông Tuấn còn phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm xảy ra trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngoài ông Son và ông Tuấn, Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam còn kỷ luật các ông Phạm Hồng Hải, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ; Ông Phạm Đình Trọng-vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin và truyền thông.
Những lãnh đạo nói trên được cho là đã vi phạm "nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát" trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Còn đối với ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone bị cho là vi phạm "rất nghiêm trọng", là người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp phê duyệt, tổ chức dự án, ký nhiều văn bản liên quan đến thương vụ mua bán.
Ông Cao Duy Hải, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Mobifone cũng bị đã có một số sai phạm trong việc ký kết hợp đồng trong thương vụ Mobifone mua AVG.
Dư luận không rõ sau khi phải nhận kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo số phận của ông Trương Minh Tuấn sẽ như thế nào. Với rất nhiều trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo con đường quan lộ sẽ chấm dứt, họ được an trí ở những chức vụ chỉ mang tính hình thức mà không có thực quyền.
Kể từ khi được chuyển từ bộ phận Tuyên giáo sang làm quản lý báo chí ở bộ Thông tin và truyền thông, ông Trương Minh Tuấn được coi là người không thân thiện với tự do ngôn luận. Bằng chứng là từ khi ông làm thứ trưởng cho đến khi lên làm bộ trưởng, hàng trăm nhà báo đã bị tước thẻ, bị kỷ luật buộc phải thuyên chuyển sang làm bộ phận không thuộc kỹ năng của mình. Hàng chục tờ báo bị phạt với số tiền lên đến hàng nhiều tỷ đồng. Trong số đó có rất nhiều tờ báo buộc phải đình bản.
Vì có ác cảm với báo chí nên ông Tuấn cũng không được lòng rất nhiều nhà báo trong nước. Trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều nhà báo đã tỏ ra hồ hởi khi biết tin ông Tuấn bị kỷ luật cảnh cáo.
Nụ cười sẽ không còn trên môi ông Trương Minh Tuấn sau khi bị kỷ luật. Ảnh : Báo Giao thông
Việc ông Tuấn bị kỷ luật không làm cho dư luận ngạc nhiên, vì trước đó Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luật những sai phạm của ông trong thương vụ Mobifone mua AVG là rất nghiêm trọng. Từ những tin đồn cho biết, số tiền lại quả mà ông Tuấn nhận sau thương vụ ấy lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bằng số tiền có được, ông Tuấn đã mua những biệt thự sang trọng tại Hà Nội và Sài Gòn. Ngay sau khi bị kiểm tra, ông Tuấn đã tìm mọi cách để thoát tội, trong đó có cả việc viết những bài ca tụng Nguyễn Phú Trọng, ra sức tung hô để lấy lòng.
Từ nguồn tin mà chúng tôi có được, ngay sau khi nhận được kết luận kỷ luật từ Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Trương Minh Tuấn đòi từ chức như một cách phản đối.
Sau khi Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam ra kết luật kỷ luật đối với Ban cán sự đảng bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016, chiều ngày 10/7, Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Nam Trà và ông Phạm Đình Trọng.
Cả hai ông này bị khởi tố vì hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong thương vụ Mobifone mua AVG. Một điều lạ là người đứng đầu Mobifone bị bắt tạm giam, trong khi cấp phó của ông Trà là Cao Duy Hải lại chưa bị khởi tố.
Người Quan Sát
********************
Báo cáo về việc giải quyết 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ (RFA, 11/07/2018)
Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ tại buổi làm việc với người đứng đầu Đảng cộng sản, Bộ Chính trị Việt Nam vào sáng 11/7/2018.
Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh - AFP
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ban Cán sự đảng Bộ công thương đã khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc ngành công thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.
Báo cáo của ông Trần Tuấn Anh cho rằng trong số 6 nhà máy trước đây hoạt động thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy có lãi, đó là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số một – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung. 4 dự án còn lại đang dần ổn định, đó là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất thì đến nay đã có một dự án vận hành sản xuất trở lại một phần, đó là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên).
12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương được nói đến từ cuối năm 2016, trong số này có 5 dự án thuộc quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Theo lộ trình được Bộ công thương đưa ra, trình Quốc hội, thì đến năm 2018 sẽ hoàn thành việc xử lý các dự án thua lỗ này.
Trước đó vào tháng 4/2017, Bộ Công thương đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đến Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.
Tháng 6/2017, văn phòng Trung ương Đảng ra văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương.