Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/02/2021

Đại hội 13 : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo đảng "đặc biệt"

Phạm Quý Thọ

Đại hội 13 vừa bế mạc ngày 01/02/2021 ở Hà Nội. Ông Nguyễn Phú Trọng 77 tuổi, đã giữ cương vị Tổng bí thư hai nhiệm kỳ khoá 11 và 12, lại tái đắc cử cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Báo chí nhà nước bình luận và ca ngợi ông là lãnh đạo "đặc biệt". Ông là "đặc biệt" không phải chỉ vì ông là một trong 10 "trường hợp đặc biệt" quá tuổi và quá hai nhiệm kỳ theo quy định của đảng, mà trên quan điểm nghiên cứu thể chế việc ông tái đắc cử lần thứ 3 với cương vị lãnh đạo tối cao của Đảng là là hệ quả tất yếu từ bối cảnh trong nước và quốc tế.

trong1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021 - Reuters

Bài viết lý giải rõ hơn thực chất của sự kiện nhằm gợi mở suy đoán về chính sách toàn trị của Đảng và việc điều hành nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Bộ máy tập trung quyền lực đảng

Đại hội 13 đã quyết định dàn lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng với 200 uỷ viên trung ương với 18 uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 19 uỷ viên Ban kiểm tra trung ương. Cơ cấu Ban Chấp hành trung ương bao gồm phần lớn là các Bí thư, Phó bí thư tỉnh, thành với 37%, số uỷ viên trung ương là quân đội, công an chiếm 15%, còn lại chủ yếu là các lãnh đạo chuyên trách đảng như Uỷ ban kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Nội chính… Số uỷ viên trung ương "kỹ trị" là chiếm thiểu số với hai Phó thủ tướng, năm Bộ trưởng và tương đương như Thống đốc ngân hàng.

Cơ cấu bộ máy như trên phản ánh quá trình sàng lọc cán bộ "thận trọng" trong quá trình chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng, dường như ưu thế thuộc về các lãnh đạo đảng và lực lượng vũ trang phục vụ cho việc tập trung quyền lực đảng thay vì những lãnh đạo "kỹ trị". Trước Đại hội 13 một số động thái như luân chuyển cán bộ theo quy hoạch như ông Lê Minh Hưng từ vị trí Thống đốc ngân hàng nhà nước sang Chánh văn phòng trung ương. Ngoài ra, sự nghiệp chính trị cũng khép lại với hai nhân vật kỹ trị, uỷ viên Bộ chính trị khoá 12 là ông Hoàng Trung Hải, nguyên Phó thủ tướng và ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc ngân hàng trong nhiệm kỳ khoá 11 khi "bất ngờ" bị kỷ luật cảnh cáo.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với "kinh nghiệm chính trị" luôn "cảnh giác" với các hiện tượng các lãnh đạo kỹ trị, có quyền và "gần tiền" với khả năng cao về "tự diễn biến, tự chuyển hoá". Chính phủ của nhiệm kỳ 13 sẽ có thay đổi nhiều nhất về nhân sự và, theo quy hoạch, đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính sẽ giữ chức vụ Thủ tướng.

Giải pháp tình thế ?

Có ý kiến cho rằng việc tái đắc cử Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 là "giải pháp tình thế". Những tin rò rỉ từ nội bộ đảng rằng nguyên Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng được giới thiệu cho vị trị này, nhưng không nhận được đồng thuận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương khoá 12 có thể là một căn cứ cho suy luận trên.

Tuy nhiên, xét về bản chất chế độ đảng cộng sản toàn trị các lãnh tụ trong mọi tình huống phải tuân theo quy tắc tối thượng của chủ nghĩa tập thể, họ sẵn sàng làm mọi việc để thể hiện sự "trung thành với đảng", cá nhân họ chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục tiêu, lý tưởng của đảng… Và để đạt được những điều đó với mong muốn tổ chức đời sống xã hội theo một kế hoạch duy nhất họ cần phải có quyền lực, khát khao tạo ra quyền lực và thành công của họ phụ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được.

Trong buổi họp báo sau bế mạc Đại hội 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "chia sẻ" rằng ông "không được khỏe lắm, tuổi cũng cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu thì vẫn phải làm, vì nhiệm vụ đảng viên phải chấp hành…". Trong một tình huống khác, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 tháng 10/2012 khi thừa nhận sai lầm trong quản lý kinh tế đã dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Việt Nam, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu "xin lỗi với tư cách người đứng đầu Chính phủ", nhưng ông nói rằng hơn 50 năm theo Đảng, ông không "xin" ân huệ và luôn chấp hành, thực hiện nhiệm vụ được Đảng phân công …

Bởi vậy, nếu nhìn bề ngoài dễ suy diễn là "giải pháp tình thế", tuy nhiên về bản chất chế độ, đối với các lãnh đạo quyền lực luôn là mục đích tự thân, tiếp tục nắm giữ để thực hiện những chính sách còn dang dở là xứ mệnh của đảng.

Bối cảnh "đặc biệt"

"Những trường hợp đặc biệt" nảy sinh trong bối cảnh "đặc biệt". Trước hết, đại dịch Covid-19, đối với các nước phương Tây, khiến cho dân chúng "bất mãn" với chính phủ thụ động vì các thủ tục dân chủ rắc rối. Ngược lại, đối với các quốc gia như Việt Nam chế độ toàn trị đã thể hiện hành động "quyết đoán", sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và "sự vào cuộc"của cả hệ thống chính trị cho nên công tác phòng, chống dịch đã đạt hiệu quả với chi phí thấp khi đặt lợi ích cộng đồng lên trên tự do cá nhân. Ngoài ra, chính sách thực dụng cũng là yếu tố góp phần vào thành tích thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa đạt tăng trưởng kinh tế cao tương đối so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đảng đã tận dụng cơ hội này để duy trì tính chính danh, đẩy mạnh tuyên truyền về ưu thế của chế độ toàn trị, rằng người lãnh đạo có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân và, rằng họ sẽ thực hiện được các điều mong muốn "cao đẹp" khác, thậm chí ước mơ về xã hội chủ nghĩa.

Tiếp đến, việc Đảng thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng "không vùng cấm" hướng tới hai mục đích đã bước đầu đạt kết quả mong muốn. Một mặt, nó phần nào làm giảm đi nỗi bức xúc của người dân trước tình trạng tham nhũng nghiêm trọng của bộ máy quan chức đặc quyền đặc lợi và, mặt khác nhằm loại bỏ những phần tử "tự diễn biến, tự chuyển hoá", mầm mống phân rã quyền lực tập trung, đã được tích tụ và bùng phát trong nhiệm kỳ khoá 11.

Chống tham nhũng đã trở thành công cụ hữu hiệu tập trung quyền lực qua chỉnh đốn nội bộ đảng, nhưng cũng là cuộc chiến thách thức bởi bộ phận không nhỏ quan chức suy thoái, biến chất vẫn còn "ẩn mình" trong hệ thống chính trị. Họ nắm trong tay quyền, tiền, tài sản công và luôn có xu hướng trục lợi khi có cơ hội trong điều kiện "lồng thể chế" để kiểm soát quyền lực đang xây dựng một cách thụ động vì nhiều vướng mắc, đặc biệt đụng chạm đến bản chất chế độ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trả lời báo chí sau lễ bế mạc Đại hội 13 về chống tham nhũng đã khẳng định đây là "cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Vừa qua mới là hạn chế nó, ngăn ngừa một bước. Còn tiền, còn chức, còn quyền, nếu người ta không tu dưỡng, rèn luyện thì còn xảy ra tham nhũng". Một nhiệm kỳ 5 năm là không đủ để khắc phục khủng hoảng chế độ.

Bối cảnh "đặc biệt" không những đòi hỏi một chế độ "mạnh mẽ, độc đoán", mà còn cần người cầm đầu "đặc biệt" bản lĩnh, quyết đoán, dũng cảm "cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây". Với tình trạng "giao động" của đa số quan chức trước chủ trương chỉnh đốn đảng thì câu hỏi là ai đủ dũng khí, đức và tài để nhận trách nhiệm nặng nề tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng đang dang dở sẽ khó có câu trả lời. Bởi vậy, việc uỷ thác "nhất trí cao" đối với vị lãnh đạo "đặc biệt" là hệ quả tất yếu. Tổng bí thư nhiệm kỳ 13 là người lãnh đạo "đặc biệt" như thế, cho nên việc tìm kiếm người kế vị ông sẽ trở nên khó khăn và khó đoán.

Các nhà phân tích chính trị Việt Nam đang theo dõi việc sắp xếp nhân sự khoá 13, sự thay đổi về chính sách đối nội cũng như đối ngoại và việc thực thi chúng dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tin rằng chiến dịch "đốt lò" sẽ tiếp tục, tuy nhiên có hai vấn đề lo ngại đang được đặt ra rằng bộ máy đảng tập trung quyền lực cao có ảnh hưởng như thế nào đến, một là, việc điều hành nền kinh tế thị trường và, hai là, quá trình chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 03/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)