Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/02/2021

Tín ngưỡng thờ cúng anh hùng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam như thế nào

Hoàng Thị Hồng Hà

Chuyện về Trần Hưng Đạo, chiến binh hóa thánh thần, và mối quan hệ giữa tôn giáo với chính trị.

anhhung1

Đền Kiếp Bạc tại tỉnh Hải Dương, nơi thờ phượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Ảnh : tác giả Hoàng Thị Hồng Hà .

***

Việc chính quyền kiểm soát tôn giáo đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Dưới chế độ cộng sản, đã có nhiều căng thẳng nảy sinh xoay quanh vấn đề tôn giáo. Nhưng kể từ năm 1986, cùng với các cải cách kinh tế và chính trị, chính quyền đã củng cố tính chính danh và quyền lực của mình bằng cách cho phép một số tôn giáo phổ biến được hoạt động, như cách mà các triều đại phong kiến từng làm.

Sự sùng bái đối với Trần Hưng Đạo, một chiến binh huyền thoại được tôn làm thánh, là một ví dụ điển hình về cách chính quyền Việt Nam sử dụng những nhân vật tôn giáo nhằm xây dựng lòng tự tôn dân tộc.

Tín ngưỡng thờ anh hùng

Khác với các nước Đông Nam Á láng giềng, người dân Việt Nam có một sự nhiệt thành đặc biệt đối với các anh hùng trong văn hóa chính trị và hệ thống tôn giáo. Đối với người Kinh, Phật giáo, Đạo giáo, và Thiên Chúa giáo đã cùng tồn tại với các tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống, bao gồm cả những tín ngưỡng sùng bái anh hùng.

anhhung2

Đền thờ Cao Đài ở Tây Ninh. Ảnh : Welsh-anni/ Wikimedia.

Lịch sử bị xâm lăng của Việt Nam là lý do giải thích tại sao việc sùng bái này vẫn phát triển và tồn tại mạnh mẽ. Từ năm 938, khi đất nước thoát khỏi 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, người dân đã bắt đầu tôn thờ nhiều vị anh hùng thuộc nhiều thời đại khác nhau, từ những triều đại phong kiến ​​trước kia cho đến c chế độ cng sn hin nay.

Những vị anh hùng, thường được tôn vinh là thánh hoặc thần, sẽ được thờ trong đền, miếu. Những hình tượng này cũng giúp tạo nên một sợi dây gắn kết tâm linh thiêng liêng giữa quá khứ với hiện tại.

Mặc dù trong suốt thời kỳ cộng sản, chủ nghĩa vô thần chiếm vị thế độc tôn trên khắp đất nước, nhưng nhiều người vẫn tin vào sự tồn tại của linh hồn. Các vị anh hùng kết nối người dân với thế giới của những người đã khuất và tổ tiên của họ. Thờ cúng tổ tiên cũng là một thực hành thường thấy trong các tín ngưỡng địa phương.

Theo nhà sử học người Pháp Benoît de Tréglodé, hơn 60% các vị thần được thờ ở các vùng nông thôn Việt Nam là những người đã từng chiến đấu để bảo vệ đất nước.

Hình tượng các vị anh hùng này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quyền lực trong nhiều triều đại Việt Nam. Mỗi triều đại đều quan tâm đến việc xây dựng và giữ gìn đền thờ của họ, nhằm giữ vững sự ủng hộ của người dân.

Từ anh hùng biến thành thánh : Đức Thánh Trần Hưng Đạo

Trong số các vị anh hùng dân tộc, Trần Hưng Đạo là nhân vật được nhiều người biết đến nhất. Là một vị anh hùng của thời nhà Trần trong thế kỷ 13 ; theo truyền thuyết, Trần Hưng Đạo đã đánh bại quân xâm lược của Đế chế Mông Cổ. Kể từ đó, người dân đã bắt đầu sùng bái Đức Thánh Trần và lan truyền những truyền thuyết về cuộc đời ông.

Vào thế kỷ 20, Đức Thánh Trần lại nổi lên như một biểu tượng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và sau đó là cuộc chiến chống Mỹ.

Trần Hưng Đạo là nhân vật duy nhất ở Việt Nam có một môn phái tôn giáo lớn thờ phượng không chỉ riêng ông, mà cả những người thân trong gia đình và những tướng lĩnh thân cận. Người ta thường gọi ông là thần (genie) thánh (deity).

anhhung3

Thực hiện nghi lễ thờ cúng gia đình Trần Hưng Đạo tại Đền Kiếp Bạc. Ảnh : tác giả Hoàng Thị Hồng Hà.

Quyền năng của Đức Thánh Trần cũng mau chóng trở nên vô hạn. Bên cạnh việc đánh bại quân thù, người dân cũng cho rằng ông còn có thể diệt trừ mọi bệnh tật và ma quỷ. Các thầy cúng và đệ tử cũng thường tiến hành những nghi lễ nhân danh ông để chữa bệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Trong buổi lễ, thầy cúng sẽ cầu xin Đức Thánh Trần và các vị thần trong dòng họ ông nhập vào mình. Sau đó, người ta xuyên các que thép qua hai má của người này, rồi  treo họ lơ lửng trên trần nhà hoặc sân khấu cho đến khi mặt đỏ bừng lên, đủ để xua đuổi tà ma ra khỏi người bệnh. Lưỡi người này cũng được rạch ra để lấy máu làm bùa chống lại bệnh tật.

Sử dụng tín ngưỡng như một công cụ chính trị

Trong thời kỳ phong kiến, tín ngưỡng này được triều đình ủng hộ. Nhưng đến đầu thế kỷ 20, những nghi lễ thờ cúng và tục hầu đồng bị cả các nhà Nho học và giới trí thức Việt Nam cho là mê tín dị đoan, việc thực hành cũng bị lên án. Tuy nhiên, dưới chính quyền thuộc địa, thực dân Pháp đã ủng hộ những nghi thức sùng bái này nhằm đánh lạc hướng người dân.

Tiếp đến, trong suốt thời kỳ Đổi Mới bắt đầu từ năm 1986, giai đoạn Việt Nam bắt đầu tham gia vào quá trình công nghiệp hóa trong khi vẫn duy trì một nền kinh tế bảo hộ, những nghi thức này lại càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Chính quyền coi chúng như một công cụ chính trị mạnh mẽ nhằm tô điểm cho hình ảnh của đất nước khi họ mở cửa hòa nhập với những thị trường mới.

anhhung4

Tượng Trần Hưng Đạo trong Đền Kiếp Bạc tại tỉnh Hải Dương. Ảnh : tác giả Hoàng Thị Hồng Hà.

Việc thờ cúng Đức Thánh Trần từ đó dần được chấp nhận rộng rãi. Các công chức, viên chức cấp cao được mời tham dự nhiều hội lễ và giỗ chạp. Nhiều ngôi chùa, đền, miếu cổ từng phải đóng cửa dưới sự cai trị cứng rắn của chế độ cộng sản vào những năm 1960 đã được mở cửa và trùng tu lại. Người dân cũng có thể tự do đến thăm các nơi thờ cúng và mua vật phẩm hành lễ.

Các hội làng được tổ chức, người người cũng bắt đầu đi tìm những phần mộ tổ tiên đã bị thất lạc. Những di tích này từng bị xem là công cụ cai trị của các quan lại thời phong kiến, nay ​​mt ln na được công nhdi sản văn hóa quốc gia.

Hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể ?

Ngày nay, Trần Hưng Đạo hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Có nhiều con đường mang tên Trần Hưng Đạo ; tượng ông được đặt tại nhiều công viên và giao lộ lớn.

Học sinh tìm hiểu về ông trong sách giáo khoa , cùng với các câu chuyện về thời nhà Trần. Bên cạnh đó, đền thờ Trần Hưng Đạo ở khắp mọi miền đất nước cũng trở thành những điểm thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, tập tục hầu đồng vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi và không được chính quyền công nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng sự sùng bái Đức Thánh Trần đã trở thành một phần của di sản phi vật thể quốc gia của Việt Nam, đi liền với tập tục hầu đồng trong tín ngưỡng Tứ Phủ  (religion of Four Palaces). Trong vũ trụ quan này của người Việt Nam, các linh hồn, từ xưa đến nay  đều do Thánh Mẫu cai quản.

Hình tượng Trần Hưng Đạo vẫn còn có chỗ đứng quan trọng ở Việt Nam, nhưng quyền năng của ông đang bị những vị anh hùng thời hiện đại khác thách thức, chẳng hạn như chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp .

Điều này đặt ra một câu hỏi: liệu một ngày nào đó, Đức Thánh Trần có bị quên lãng và được thay thế bằng những hình tượng anh hùng dân tộc khác dễ quản lý hơn ?

Hoàng Thị Hồng Hà

Nguyên tác : "How the Vietnamese cult of heroes promotes nationalism in politics" The Conversation, 26/06/2017.

Jason Nguyễn lược dịch

Nguồn : Luật Khoa, 06/02/2021

Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà là nhà nghiên cứu dân tộc học thuộc Đại học Paris Nanterre, Pháp.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Thị Hồng Hà
Read 661 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)