ACAT kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam nhân dịp Tết Tân Sửu
Jade Dussart, RFA, 12/02/2021
Tổ chức Công giáo Hành động Chống Tra tấn (Action Chrétien Anti Torture - ACAT) là một tổ chức phi chính phủ, trụ sở chính ở Paris và đặt các văn phòng ở Châu Âu. Tổ chức ACAT vào ngày 12/2, nhằm ngày mùng Một Tết Tân Sửu đệ trình một thư thỉnh nguyện lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Cô Jade Dussart, thành viên của ACAT (bìa trái) trong ngày đệ trình thỉnh nguyện thư lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hình chụp ngày 12/2/2021. Courtesy of ACAT
Đài RFA thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn với cô Jade Dussart, đại diện của tổ chức ACAT ngay trước Điện Élysée về sự kiện này.
Trước hết, cô Jade Dussart cho biết :
Jade Dussart : Chúng tôi khởi xướng một thỉnh nguyện thư gửi đến Tổng thống Emmanuel Macron để yêu cầu ông nêu vấn đề các nhà hoạt động nhân quyền và những người bị cầm tù vì hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
ACAT đã thu thập được hơn 10.600 chữ ký và chúng tôi đến Điện Élysée-Dinh Tổng thống Cộng hòa Pháp để đệ trình vào ngày hôm nay.
Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày 12/2 vì là ngày mùng Một Tết Cổ truyền của Việt Nam. Và chúng tôi muốn dùng sự tượng trưng này như là cơ hội để hy vọng một năm tự do cho những người đấu tranh vì nhân quyền mà bị cầm tù.
Năm nay cũng là dịp kỷ niệm tròn một năm Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu, mà hiệp định này ràng buộc những yếu tố về nhân quyền. Tuy nhiên, thật không may khi có quá nhiều người bị bắt giữ trong năm 2020 và trong tháng 1/2021 với những bản án rất nặng nề, là ví dụ điển hình.
Do đó, những quy định trong Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu không đủ. Cho nên, ACAT yêu cầu Chính phủ Pháp và Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron có hành động và chủ động hơn trong việc bảo đảm nhân quyền tại Việt Nam.
RFA : Xin được hỏi đây là đầu tiên ACAT đệ trình thỉnh nguyện thư như thế này lên Tổng thống Pháp hay việc này đã từng được thực hiện trước đây ? Và Chính quyền Pháp phản hồi như thế nào, thưa cô ?
Jade Dussart : Đây là lần đầu tiên ACAT đệ trình thỉnh nguyện thư lên Chính quyền Tổng thống Pháp. Chúng tôi hiện rất nỗ lực tiếp xúc với thành viên nội các của Tổng thống Pháp để nêu vấn đề về sự nhận thức liên quan nhân quyền đối với Chính quyền Việt Nam. Nhưng chúng tôi nhìn nhận vẫn chưa đủ. Vì thế, đó là lý do vì sao ACAT phải đệ trình thỉnh nguyện thư để trình bày rằng rất nhiều người Pháp đang lo lắng về tình hình nhân quyền Việt Nam cũng như yêu cầu Tổng thống Pháp phải hành động.
Chúng tôi hy vọng với hơn 10.600 chữ ký trong thỉnh nguyện thư về giới đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam xứng đáng nhận được sự quan tâm từ Chính quyền Pháp.
RFA : Bên cạnh việc đệ trình thỉnh nguyện thư lên Chính quyền Tổng thống pháp, ACAT còn những hoạt động nào khác để hỗ trợ cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam hay không ?
Jade Dussart : Chúng tôi rất cố gắng hỗ trợ họ bằng những cách thức khác nhau. Chúng tôi phổ biến những thông báo khẩn về tình trạng của họ cần được sự chú ý của thế giới. Chúng tôi cũng kêu gọi sự hỗ trợ khác nhau của người Việt để giúp trả tự do cho một số tù nhân lương tâm hay giúp cho họ được tiếp cận với ý tế.
ACAT đồng thời cố gắng thực hiện căn cứ theo lời hứa của Hội đồng Châu Âu với Quốc hội Châu Âu cũng như tạo sự chú ý trong cộng đồng dân chúng tại Pháp. Bởi vì tình hình nhân quyền tại Việt Nam không được phổ biến rộng rãi, cho nên chúng tôi cần thiết phải cung cấp thông tin về tình hình vi phạm nhân quyền diễn ra gần như hàng ngày tại Việt Nam. Đây là mục tiêu lâu dài của ACAT, nhằm để kêu gọi người dân Pháp cùng lên tiếng bênh vực cho nhân quyền tại Việt Nam.
RFA : Chân thành cảm ơn Jade Dussart dành thời gian cho cuộc trao đổi này. với RFA.
Nguồn : RFA, 12/02/2021
*********************
HRW xếp Việt Nam vào số các chính phủ lợi dụng Covid-19 vi phạm nhân quyền
VOA, 12/02/2021
Việt Nam nằm trong số ít nhất 83 chính phủ trên thế giới đã dùng đại dịch Covid-19 để biện minh cho hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và hội họp ôn hòa của người dân, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong một phúc trình vừa được công bố ngày 11/2.
Việt Nam bị liệt vào số các quốc gia bị cho là vi phạm quyền tự do ngôn luận trong thời gian đại dịch, làm ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng ngàn người.
Trong số những hình thức vi phạm nhân quyền phổ biến như tấn công, giam giữ, truy tố, trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, đóng cửa các cơ quan truyền thông, ban hành những điều luật mơ hồ để hình sự hóa những phát ngôn mà các chính quyền cho là đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, HRW cho rằng sự can thiệp bất hợp pháp vào quyền tự do ngôn luận là một trong những hình thức phổ biến nhất. Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela là những quốc gia bị cho là đã có những vi phạm về quyền tự do ngôn luận ảnh hưởng đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người.
"Các chính phủ nên chống lại Covid-19 bằng cách khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, chứ không phải bịt miệng họ", Giám đốc phụ trách về khủng hoảng và xung đột của HRW, Gerry Simpson, nói trong phúc trình mới.
"Đánh đập, giam giữ, truy tố và kiểm duyệt những người chỉ trích ôn hòa vi phạm nhiều quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, trong khi không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn đại dịch", ông Gerry Simpson nói thêm.
Báo cáo của HRW cho biết kể từ tháng 1 năm 2020, chính phủ ở ít nhất 24 quốc gia đã ban hành các điều luật và quy định mơ hồ nhằm hình sự hóa việc phát tán thông tin bị cho là sai lệch hoặc những bản tin khác về Covid-19 mà chính quyền cho rằng đe dọa đến công chúng.
Vẫn theo phúc trình của tổ chức nhân quyền quốc tế, có ít nhất 7 quốc gia đã ngăn chặn các báo cáo tin tức riêng lẻ hoặc yêu cầu người dùng mạng xã hội xóa phải chỉnh sửa nội dung liên quan đến Covid-19, trong số các quốc gia này có Việt Nam.
"Các nhà chức trách Việt Nam đã triệu tập 650 người dùng Facebook từ tháng 1 đến tháng 3 để thẩm vấn họ về việc công bố thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch, buộc tất cả họ phải xóa bài đăng của mình và phạt hơn 160 người trong số họ", phúc trình của HRW nêu.
Tổ chức Theo dõi Nhân quền nói luật Việt Nam không chỉ nhắm vào thông tin không chính xác, mà còn cả những thông tin bị cho là bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác.
Những nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền trong thời gian diễn ra đại dịch bao gồm các nhà báo, blogger, những người đăng bài trực tuyến, các nhân vật đối lập, các nhà hoạt động, người biểu tình, học giả, nhân viên y tế, sinh viên, luật sư và các nghệ sĩ, vẫn theo HRW.
Nguồn : VOA, 12/02/2021