Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/02/2021

Việt Nam xếp hạng thứ 2 về xử lý tốt đại dịch Covid-19

Giang Nguyễn, Herve Lemahieu

Viện Nghiên cứu Lowy của Úc vào cuối tháng 1/2021 đã xếp Việt Nam đứng hạng thứ 2 trong 98 nước xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất trên thế giới. 

xuly1

Nhân viên y tế lấy mẫu tăm bông từ một nhân viên an ninh tại Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 29/1/2021. Ảnh minh họa AFP

Ông Herve Lemahieu và bà Alyssa Leng, hai nhà nghiên cứu của Viện Lowy, đánh giá hiệu quả của các quốc gia trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, cho biết kết quả dựa trên khoảng thời gian 36 tuần sau khi trường hợp xác nhận lây nhiễm thứ 100 của từng quốc gia. Họ đã tính số liệu trung bình hàng ngày trong vòng 14 ngày, căn cứ trên sáu yếu tố : trường hợp được xác nhận ; trường hợp được xác nhận trên một triệu người ; trường hợp tử vong ; số trường hợp trên 1 triệu người ; trường hợp được xác nhận theo tỷ lệ xét nghiệm, và cuối cùng là số xét nghiệm trên một nghìn người.

Ông Herve Lemahieu, Giám đốc của Chương trình Quyền Lực và Ngoại Giao của Viện Lowy có cuộc trò chuyện với phóng viên Giang Nguyễn về kết luận của cuộc nghiên cứu.

xuly2

Ông Herve Lemahieu, Giám đốc của Chương trình Quyền lực và Ngoại giao của Viện Lowy, Sydney, Úc. Courtesy of Lowy Institute
----------------------------------

Giang Nguyễn : Cảm ơn ông Herve Lemahieu đã dành thời gian để chia sẻ về dữ liệu rất lý thú này. Điểm nổi bật trong chỉ số này là Việt Nam được xếp hạng thứ nhì trong 98 quốc gia mà quý vị đã nghiên cứu, ngay sau New Zealand, về hiệu quả trong việc phòng, chống Covid-19. Nguyên nhân nào để Việt Nam có được thành quả tốt như vậy ?

Herve Lemahieu : Một trong những điều đáng chú ý và khiến Việt Nam trở nên khác thường là trong các quốc gia mà chúng tôi nghiên cứu, mối tương quan cấu trúc mạnh nhất giữa việc thực hiện tốt việc xử lý Covid-19 của mọi quốc gia là dân số. Các nước có dân số nhỏ, trung bình có xu hướng thực hiện (việc quản lý Covid-19) tốt hơn so với các nước lớn. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có 96 triệu dân và là quốc gia lớn nhất đã lọt vào top 10 quốc gia có thành tích tốt nhất. Vì vậy kết quả cuộc nghiên cứu của chúng tôi lại càng đáng chú ý hơn, và tôi nghĩ Việt Nam là hình ảnh thu nhỏ của một vài đặc điểm chính.

Một là những gì chúng ta đã thấy ở Đông Á và ở Đông Nam Á là sự quan tâm nhiều hơn đến những nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch. Điều đó có lẽ bắt nguồn từ kinh nghiệm thiết thực của các thể chế vốn đã sống qua các trận dịch trước đó, chẳng hạn như SARS. Có nghĩa là các bộ máy hành chính và xã hội nói chung đã sẵn sàng hơn là các nước Châu Âu hoặc Hoa Kỳ trong việc huy động vào giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng này và đó là điều chúng tôi thấy ở Việt Nam.

Chúng tôi cũng thấy trong các phát hiện của mình là những quốc gia có các thể chế có sự tin cậy cao có nhiều khả năng nhất để đảm bảo sự tuân thủ của người dân đối với các biện pháp cách ly xã hội, phong tỏa hoặc đóng cửa biên giới. Đó cũng là những điều mà có lẽ Việt Nam vượt trội.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các chế độ độc tài hay trong trường hợp này là Việt Nam, một quốc gia độc đảng, luôn phù hợp hơn để đối phó với loại thách thức toàn cầu này. Trên thực tế những gì chúng tôi khám phá được là các chế độ không thực sự quan trọng bằng các thể chế và quan trọng là độ tin cậy vào chính quyền.

Giang Nguyễn : Vâng, tôi cũng định hỏi về điều đó bởi vì chúng tôi thấy có New Zealand, Đài Loan, Thái Lan trong số bốn quốc gia hàng đầu, khi mà thể chế chính trị của các quốc gia có ít nhiều khác biệt, vậy, có phải Việt Nam đã xử lý khủng hoảng tốt vì họ có thể quy định về việc phong tỏa, cách ly, hạn chế di chuyển, dễ dàng hơn ?

Herve Lemahieu : Thực tế là hệ thống chính trị là một trong những yếu tố ít quan trọng nhất trong việc xác định thành tích. Ý tôi là khi nói đến các nền dân chủ, bất chấp những khác biệt ban đầu, hiệu suất của tất cả các loại chế độ, cho dù là chế độ dân chủ hay độc tài, theo thời gian thì hiệu suất hai bên cũng hội tụ. 

Về trung bình, các nước theo mô hình độc tài có lợi thế hơn một chút về khả năng huy động nhanh chóng các nguồn lực và áp đặt các biện pháp nặng tay đối với người dân mà không nhất thiết phải lo lắng về bầu cử hoặc liệu họ có được sự đồng thuận của nhiều tầng lớp người dân hay không. Thế nhưng, loại lợi thế ‘đi đầu’ đó sẽ biến mất với thời gian và chúng ta thấy là nhiều nền dân chủ, trên trung bình, đã điều chỉnh được hướng đi và các sai lầm ban đầu -- ngoại trừ trường hợp đáng chú ý của Mỹ và Anh, hai nước dân chủ với kết quả rất tệ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ lỗ hổng trong rất nhiều các nền dân chủ là họ đã nới lỏng quá sớm. Vì vậy, nếu bạn nhìn vào Châu Âu chẳng hạn, một trong những phát hiện thú vị là các nước ở Châu Âu trung bình có hiệu suất tốt nhất trong phần lớn của năm ngoái. Trong hơn hai tháng, họ đã xử lý tốt hơn các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương sau đợt bùng phát đầu tiên. 

Nhưng có thể là các chính trị gia đã nới lỏng quá sớm. Họ không muốn tiếp tục áp đặt những biện pháp nặng tay vì họ sợ bị cử tri tẩy chay trong bầu cử hoặc những hậu quả khác. Vì vậy cả hai mô hình độc tài và dân chủ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Về trung bình, hiệu suất đã hội tụ theo thời gian và hệ thống chính trị không phải là một trong những yếu tố thực sự quyết định, xét về xu hướng tổng thể.

xuly3

Covid Performance Index courtesy of Lowy Institute

Giang Nguyễn : Một điều kỳ lạ mà ông khám phá là trong giai đoạn đầu của đại dịch là các nước đang phát triển dường như quản lý khủng hoảng tốt hơn các nền kinh tế tiên tiến. Tại sao vậy ?

Herve Lemahieu : Đó cũng là một phát hiện vô cùng hấp dẫn trong năm 2020, đó là sân chơi bình đẳng giữa các nước đang phát triển và tiên tiến. Điều đó nghe có lẽ vô lý khi các nước có thu nhập bình quân đầu người cao, trước hết là có nhiều nguồn lực hơn. Họ cũng thường có hệ thống chăm sóc sức khỏe phát triển hơn, ví dụ như các tổ chức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, và họ cũng có nhiều khả năng tài chính hơn để vượt qua các đợt phong tỏa kéo dài.

Thế nhưng nhiều nền kinh tế tiên tiến bị vấp vào trạng thái tự mãn, họ đã nhận định sai lầm rằng hệ thống y tế công cộng của họ có thể đối phó với virus, lây lan ở mức độ thấp trong cộng đồng, trong khi vẫn cho nền kinh tế tiếp tục vận hành. Và chính các quốc gia đã ‘hy sinh’ nền kinh tế của họ, và ưu tiên các biện pháp y tế, thì lại đặt được vị trí tốt nhất để có thể ngăn được đại dịch. Sau khi kiểm soát được tình hình, họ mới tái khởi động nền kinh tế

Nhiều quốc gia đang phát triển không coi hệ thống y tế công cộng của họ là điều hiển nhiên. Họ khẩn trương hơn trong việc huy động ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, chính xác bởi vì họ biết hệ thống y tế công cộng của họ khó có thể đối phó được với sự lây nhiễm từ cộng đồng. Nhiều nước đang phát triển đã tiến hành đóng cửa biên giới ở giai đoạn sớm hơn so với nhiều nền kinh tế tiên tiến.

Nhưng tôi phải nhấn mạnh ở đây là có lẽ chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch này với sự xuất hiện của những loại vắc xin hiệu quả đầu tiên. Thật không may, điều đó có thể tách biệt và phân tầng hơn nữa kết quả giữa các quốc gia giàu và nghèo. Do sự phân phối vắc-xin trên toàn cầu không đồng đều và việc tích trữ vắc-xin, thế giới đang phát triển có thể phải đối mặt với đại dịch này trong một thời gian dài hơn các quốc gia giàu có.

Giang Nguyễn : Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát thứ 3, và đang cố gắng tìm ra nguồn gốc của những đợt lây nhiễm mới. Điều đó khiến chúng tôi đặt ra câu hỏi, liệu chúng ta có thể tin tưởng những con số khiến Việt Nam đã có thành công đáng kể này ? 

Herve Lemahieu : Vâng, một trong những điều thú vị về Việt Nam là không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã thành công, ít nhất là trong phần lớn năm ngoái trong việc ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng và điều đó đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới. Nhưng nó cũng có nghĩa là Việt Nam không có một chế độ xét nghiệm rộng rãi. Một phần có thể nói là vì không có lây lan trong cộng đồng nên việc xét nghiệm rộng rãi không cần thiết. Nhưng một khi bắt đầu có sự truyền lây trong cộng đồng, khi virus corona thực sự xâm nhập vào dân số, thì nó trở thành một vấn đề nội địa. Không còn là vấn đề của việc rào cản dân số với thế giới. Bây giờ nó là một vấn đề mà bạn phải xử lý trong nước, nghĩa là phải tăng số lượng xét nghiệm và đó là vấn đề chính mà chúng tôi sẽ theo dõi.

Thực ra Việt Nam có thể đứng đầu trong bảng xếp hạng của chúng tôi. Nhưng vì thực tế là số xét nghiệm của New Zealand cao hơn và số trường hợp được xác nhận theo tỷ lệ xét nghiệm thấp hơn do số lượng xét nghiệm mà họ thực hiện. Vì vậy, tôi không muốn nhận định về độ tin cậy của những số liệu từ Việt Nam. Nhưng điều đáng chú ý là mặc dù thành công vang dội, Việt Nam thực sự không nằm trong số các quốc gia thực hiện xét nghiệm nhiều nhất. Cho đến bây giờ Việt Nam đã không có nhu cầu đó. Nhưng chắc chắn với diễn tiến của đại dịch, họ sẽ phải nhanh chóng tăng số lượng xét nghiệm.

Nhân viên y tế lấy mẫu tăm bông từ một nhân viên an ninh tại Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 29/1/2021. Ảnh minh họa. AFP

Giang Nguyễn : Tôi có một thắc mắc với trường hợp của Việt Nam, vì chúng ta thấy có một khoảng thời gian mấy tuần dữ liệu Việt Nam cung cấp không có ? 

Herve Lemahieu : Vâng, đúng vậy. Hơi đáng tiếc là có một khoảng ở giữa bị thiếu từ khoảng tuần thứ tám đến tuần thứ 19. Lý do là mặc dù Việt Nam đã cung cấp sáu chỉ số nêu trên, nhưng họ đã không cung cấp một cách nhất quán theo thời gian. Vì vậy có đoạn ở giữa mà chúng tôi không thể có được dữ liệu cho Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam là quốc gia có thành tích tốt nhất cho đến khoảng tuần thứ tám, đến lúc đó Việt Nam đạt được số điểm 100. Vào thời điểm chúng tôi lại tiếp tục có dữ liệu cho Việt Nam vào tuần thứ 19, thì Việt Nam đứng ở khoảng phân vị thứ 80. Với những gì chúng ta biết được về đại dịch và các con số lây nhiễm và tử vong chính thức, và việc không có biến động lớn trong thời kỳ đó (tại Việt Nam), nên tôi không nghĩ rằng chúng ta đang bỏ lỡ một đợt truyền nhiễm nào. 

Giang Nguyễn : Vậy nó đã không thay đổi bảng xếp hạng của quý vị ?

Herve Lemahieu : Nó không thay đổi. Nếu như chúng tôi biết rằng có đợt bùng phát lây nhiễm thì khác. Nhưng ở đây chỉ là một sự tiếp nối của xu hướng đã bắt đầu từ tuần thứ tư đến thứ tám. Và bắt đầu từ tuần thứ 20 trở đi chúng ta mới thấy những biến động lớn hơn. Và rõ ràng, như bạn đã chỉ ra, sẽ rất thú vị để theo dõi, liệu Việt Nam có tiếp tục hiệu quả như trước, với số lượng trường hợp lây nhiễm gia tăng mà chúng tôi đã thấy kể từ tháng Một.

Chúng tôi sẽ cập nhật chỉ số này, không thường xuyên, nhưng chúng tôi sẽ thực hiện một bản cập nhật trong thời gian sáu tháng. 

Giang Nguyễn : Cảm ơn ông Herve Lemahieu rất nhiều.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 11/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Nguyễn, Herve Lemahieu
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)