Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/02/2021

Sau Đại hội 13, Ban lãnh đạo cũ rút ra bài học nào ?

Hà Nguyên - RFA tiếng Việt

Bộ Chính trị trên cả Hiến pháp

Hà Nguyên, VNTB, 25/02/2021

Cứ cờ đến tay ai người đó phất thôi… 

"Liên quan đến lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội, những ai không vào Trung ương khóa này thì phải kiện toàn".

Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu đã cho báo chí biết như vậy ngay sau khi kết thúc phiên họp ngày 23/2/2021 của Thường vụ quốc hội về chương trình kỳ họp thứ 11.

antuong00

Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vừa khẳng định nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ thành công rất ấn tượng. Ảnh minh họa 

Phát biểu trên có nghĩa là bất kỳ quan chức nào nếu đã không ‘lọt’ vào danh sách Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII gồm có cả thảy 180 vị, thì cũng phải được miễn nhiệm ngay về các chức danh lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội.

Dĩ nhiên trong chuyện việc Đảng buộc phải ‘miễn nhiệm/bãi miễn’ kiểu như nói trên là công khai vi phạm Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014.

Một vài dẫn chứng về chuyện vi Hiến và vi phạm pháp luật của Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực tối cao của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII :

Hiến pháp năm 2013, tại Điều 69, ghi : "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".

Điều 71 của Hiến pháp 2013, ghi : "1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là năm năm. 2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong".

Như vậy, nếu tuân thủ đúng quy định, sẽ không có việc những lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội nào ở hiện tại không vào danh sách 180 vị Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII buộc phải ‘thay giữa dòng’, vì đến nay vẫn chưa biết ai sẽ ứng cử cho Quốc hội khóa XV mà có thể quyết định chức danh để gọi là "Quốc hội khóa mới phải được bầu xong".

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đương kim Chủ tịch quốc hội ở hiện tại. Bà Ngân không nằm trong danh sách 180 vị Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, nên vào cuối tháng 3/2021 này, bà buộc phải rời ghế chủ tịch, nhưng vẫn là đại biểu Quốc hội. Người sẽ thay bà Ngân là một vị được Đảng chọn trong danh sách 180 vị của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII.

"Các lãnh đạo không vào Trung ương khóa này thì phải có người thay. Riêng hai vị trí của phó Chủ tịch quốc hội Đỗ Bá Tỵ và chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Võ Trọng Việt, hai nhân sự dự kiến thay thế hiện chưa phải đại biểu Quốc hội, do đó phải đợi đến Quốc hội nhiệm kỳ mới", Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu cũng có thông tin như vậy.

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tại Điều 2 "Nhiệm kỳ Quốc hội", ghi :

"1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.

2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.

3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh".

Điều 8.1 của Luật Tổ chức Quốc hội, "Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước", quy định: "Quốc hội bầu Chủ tịch quốc hội, các Phó Chủ tịch quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch quốc hội, Phó Chủ tịch quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước".

Xem ra câu quen thuộc lâu nay rằng "Đảng cử – Dân bầu" hiện không còn đúng nữa, mà thực chất là "Đảng cử – Đảng quyết luôn" mà không cần đến những trình tự của luật định.

Nói thêm, ở phiên họp sáng ngày 23/2, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, người cũng sắp rời ghế, đã có phát biểu rất bỗ dã:

"Đây là khóa đầu tiên mà các đồng chí chủ chốt của Quốc hội nghỉ cả, đề nghị chúng ta kiện toàn đảm bảo số lượng của Ủy ban Thường vụ quốc hội để họp. Tôi đề nghị chúng ta nên kiện toàn lãnh đạo trước. Lúc đó, bầu xong có hiệu lực, người đó là Chủ tịch và các Phó Chủ tịch quốc hội có quyền ký các văn bản rồi, cứ cờ đến tay ai người đó phất thôi".

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 25/02/2021

*********************

Nhiệm kỳ chính phủ vừa qua ‘thành công ấn tượng’ điểm nào ?

RFA, 24/02/2021

Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vừa khẳng định nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ thành công rất ấn tượng. Bà nói điều này tại phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ quốc hội khi cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, vào ngày 23/2/2021.

antuong1

Cuộc họp chính phủ ngày 24/2/2021. Courtesy chinhphu.vn

Theo bà Ngân, dấu ấn nhiệm kỳ thấy rõ nhất là một Chính phủ rất năng động, sáng tạo, đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, thành cộng nhiều mặt...

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung uơng, khi trả lời RFA hôm 24/2 từ Hà Nội, nhìn nhận những thành công của chính phủ :

"Tôi đánh giá cao hoạt động rất năng động, có hiệu quả của chính phủ vừa qua, đặc biệt là đã kiểm soát được dịch Covid-19 và duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng và suy thoái. Ngoài ra Việt Nam đã đáp ứng, hòa nhập rất sâu vào nền kinh tế khu vực, đã tham gia CPTPP, đã ký hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU là EVFTA, và gần đây đã thực hiện RCEP là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực... mở rộng thị trường với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc".

Với những nỗ lực đó của Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng sự năng động của chính phủ là rất đáng được chú ý và trân trọng. Tuy nhiên, ông cho biết thêm về những mặt chính phủ đúng ra có thể làm tốt hơn :

"Tôi nghĩ cải cách doanh nghiệp nhà nước thì còn chậm, và chưa đạt tiến độ như là đã dự định. Điều thứ hai là đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì đang còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Điểm thứ ba là đầu tư vào giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một điểm nữa là công cuộc phát huy sự đổi mới sáng tạo và chuyển đổi mạnh sang nền kinh tế số, thì chính phủ đã đề ra được các đường hướng chương trình, nhưng việc thực hiện chậm và chưa phát huy được, chưa đạt được các yêu cầu mà chính phủ đề ra".

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tuy đồng tình ý kiến của Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, nhưng đề nghị chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, và về tình trạng nhiều dự án lớn chậm triển khai...

Trao đổi với RFA hôm 24/2, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội đã tự giải thể, nhận định :

"Thật sự họ nói như thế không phải là không có cái lý của họ, vì suốt 5 năm đấy, họ đã đạt phần lớn những mục tiêu họ đặt ra. Riêng năm cuối nhiệm kỳ 2020, họ chỉ đạt 2,9% tăng trưởng trên mục tiêu trên 6%. Nhưng họ xử lý dịch Covid-19 khá thành công, họ có những biện pháp đúng sách vở, bài bản về dịch tể. Còn về kinh tế lúc bị lắng xuống, thì họ phản chu kỳ, trong khi tư nhân khó khăn thì chính phủ đã rất nhạy bén đẩy mạnh đầu tư công. Họ sửa các quy định để đổ tiền công đầu tư để vực tăng trưởng lên".

Tính đến chiều ngày 24/2, Việt Nam đã ghi nhận 820 ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng kể từ khi đợt bùng phát mới nhất bắt đầu vào tháng trước. Con số này chiếm khoảng một phần ba trong tổng số 2.403 ca ​​nhim t đầu mùa dch, vi 35 trường hp t vong. Điu này được thế giới ghi nhận là một trong số ít các quốc gia chống dịch thành công.

antuong2

Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ quốc hội vào ngày 23/2/2021. Courtesy Tiền Phong.

Với góc nhìn của một người dân sinh sống ở miền Trung, Anh Quang cho RFA biết hôm 24/2, về một số lĩnh vực mà theo anh chính phủ chưa làm tốt :

"Tình trạng tham nhũng ngày càng nhiều, trong đó có nhiều quan chức cấp cao bị kỷ luật, thậm chí bị trách nhiệm hình sự. Chỉ trong 5 năm ngành tòa án đã xử 14.540 quan chức liên quan đến tham nhũng, kinh tế và chức vụ. Nếu hệ thống luật pháp nghiêm và minh bạch thì làm sao số quan chức bị hình sự nhiều đến thế.

Tình trạng bắt bớ những người có phản biện ôn hòa ngày càng nhiều, điển hình như : TS Phạm Chí Dũng, nhà văn Phạm Thành, Phó Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Phạm Đoan Trang, v.v... cho thấy tình trạng nhân quyền không được tôn trọng ! Bên cạnh đó, tình trạng dân oan, oan uổng, oan khuất phát sinh ngày càng đông, nhất là lĩnh vực đất đai. Việc xử các vụ án cũng thiếu công bằng, cùng vi phạm như nhau, nhưng mức án lại khác nhau, kẻ nặng, người nhẹ, biểu hiện rõ nhất là án sơ thẩm bị kháng cáo nhiều nên phải qua các cấp phúc thẩm, nếu xử đúng thì kháng cáo làm gì !".

Ngoài ra theo anh Quang, giáo dục Việt Nam 5 năm qua cũng không có hướng đi cơ bản, nạn mua bán bằng cấp vẫn tiếp diễn, điển hình nhất là vụ mua bán văn bằng 2 tiếng Anh của Trường Đại học Đông Đô mới bị Bộ công an phát hiện. Nạn Cổng chào, tượng đài xây dựng khắp nơi mà lẽ ra nên dùng kinh phí đó vào các ngành y tế, giáo dục vốn đang rất thiếu thốn !

Nhìn tổng thể theo anh Quang, với tình hình nói trên thì không thể nói là 1 nhiệm kỳ của chính phủ thành công. Xét cho cùng, thành công thì phải thể hiện ở các mặt của đời sống xã hội, đó là : ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, học hành, vui chơi, giải trí... nhưng giờ này vẫn còn nhiều hạn chế.

Trước đây tại Việt Nam tình trạng án oan được nhiều người quan tâm qua các vụ như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội ; ông Nguyễn Thanh Chấn, sau 10 năm ngồi tù oan mới được hủy hai bản án kết tội ông giết người ; hay vụ ông Huỳnh Văn Nén, người được xem là duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan với gần 17 năm ngồi tù oan.

Có nhiều vụ án oan khác mà trong 5 năm nhiệm kỳ chính phủ vừa qua vẫn không giải quyết được. Đơn cử như vụ án được nhiều người quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải kêu oan hơn hàng chục năm qua. Anh Hải ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh ‘giết người, cướp tài sản’ tại cả ba phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm. Mặc dù các luật sư và các nhà quan sát chỉ ra hàng loạt những sai phạm trong quá trình điều tra, nhưng các chủ tọa đã không quan tâm, và giữ nguyên bản án đã tuyên trước đó.

Về nguyên tắc ngành tư pháp hoạt động không thuộc trách nhiệm của chính phủ, và không được đánh giá trong công tác nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út khi giải thích với RFA hôm 24/2, cho rằng có phần trách nhiệm của chính phủ :

"Tư pháp thì không nằm trong sự quản lý của chính phủ, về lý thuyết là như vậy, lý luận nhà nước xã hội chủ nghĩa thì tư pháp là một hệ thống độc lập. Tuy nhiên, do sự lãnh đạo thống nhất của đảng thì nếu tư pháp không thuộc chính phủ là đúng, nhưng cũng không đúng vì đảng lãnh đạo. Viện Kiểm Sát và Tòa Án phụ thuộc thứ nhất là đảng, thứ hai là kinh phí hoạt động từ Bộ Tài chính, Chính phủ rót, do đó phụ thuộc nguồn kinh phí. Do đó nếu không đồng thuận với Chính phủ sẽ khó khăn về hoạt động của mình... Do đó có sự lệ thuộc qua lại".

Liên quan đến việc đàn áp nhân quyền, bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ của chính phủ nhiệm kỳ vừa qua. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :

"Về mặt đó, đối với những người đấu tranh, những người yêu dân chủ, phấn đấu cho nhân quyền thì đó là một sự thất bại hoàn toàn. Nhưng đối với họ, mục tiêu của họ, tiêu chuẩn của họ, thì cả phần này họ cũng thành công. Đối với họ thì hoàn toàn không có tư pháp độc lập... từ những vụ án oan như Hồ Duy Hải cho đến những vụ đàn áp như Đồng Tâm, rồi bắt rất nhiều người trong năm vừa qua. Họ tận dụng được cơ hội Covid để đàn áp, cái đấy tôi nghĩ theo tiêu chuẩn của họ thì họ cũng thành công. Chỉ có nếu theo tiêu chuẩn của những người như tôi và thế giới nói chung, thì đấy là một sự thất bại hoàn toàn, nhưng theo họ là thành công".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, ông rất lấy làm đáng tiếc khi chính phủ đánh giá là thành công như vậy.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 24/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên, RFA tiếng Việt
Read 476 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)