Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/02/2021

Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Diễm Thi

Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc : thảm họa cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc !

Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam đã liên tục hủy hoại Nhân quyền. Họ sẽ là một thảm họa đối với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

hoidong1

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 22/02/2021 phiên họp thứ 46 tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam, thành viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Đại dịch Covid làm gần như cả thế giới khốn đốn trong gần một năm qua, thì Việt Nam lại nổi lên như một ngôi sao sáng về thành tích chống dịch và kinh tế với 35 người thiệt mạng vì đại dịch và đạt 2,9% tăng trưởng kinh tế.

Ông Phạm Bình Minh tuyên bố với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng Việt Nam "tiếp tục ưu tiên thúc đẩy bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay".

Nói về các thành tích đạt được trong phòng chống dịch ông Phạm Bình Minh cho rằng "kinh nghiệm và thành tựu Việt Nam đạt được đã cho thấy rõ ràng rằng các nỗ lực đảm bảo quyền con người cần tính đến các đặc thù về lịch sử, chính trị, xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia".

Thế nhưng thực tế mà thế giới chứng kiến về thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam lại hoàn toàn khác so với lời của ông Phó thủ tướng.

Trong năm 2020 đã có hàng loạt blogger và những nhà hoạt động bị bắt. Nổi trội là hàng chục người dân Đồng Tâm bị bắt đi từ tháng Giêng 2020 sau khi lực lượng vũ trang của chính phủ đột kích vào thôn Hoành lúc 3 giờ sáng khiến cho đảng viên 58 tuổi đảng Lê Đình Kình thiệt mạng. Cuộc sống của người dân Đồng Tâm sau đó bị đảo lộn khi hàng loạt người bị bắt giam, tra khảo.

Năm 2020 cũng chứng kiến các nhà báo của Hội nhà Báo Độc Lập bị bắt là ông Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, nhà văn Phạm Thành, nhà Thơ Trần Đức Thạch, các nhà hoạt động và nhà báo công dân Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu, Lê Thị Tâm, Đinh Thị Thu Thuỷ, và gần cuối năm là Phạm Thị Đoan Trang.

Những cáo buộc dành cho những blogger, nhà báo, người bảo vệ Nhân quyền là vi phạm điều 117 Bộ Luât Hình Sự năm 2015. Điều 117 cùng với các điều luật khác như 118, 119, 331 đã được các tổ chức Nhân quyền thế giới yêu cầu sửa đổi vì các cáo buộc mơ hồ.

Đầu năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam đã tuyên án 3 thànhh viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam tổng cộng 37 năm tù giam, blogger Đinh Thị Thu Thủy cũng lĩnh án 7 năm tù vài ngày sau đó.

Ngày 21/01/2021, Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết đặc biệt về 3 nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam cũng như tình trạng tự do báo chí, tự do biểu lộ và Nhân quyền tại Việt Nam. Các thư chất vấn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về những tù nhân lương tâm luôn được nhà cầm quyền Việt trả lời rằng họ làm theo đúng luật định và cho rằng các cáo buộc từ các báo cáo viên hay các tổ chức Nhân quyền là vô căn cứ, không phản ánh đúng thực trạng.

hoidong2

Việt Nam vẫn tự khen là "thành tích về Nhân quyền Việt Nam là không thể phủ nhận", và lên tiếng chỉ trích các tổ chức Nhân quyền trên thế giới, các nghị sĩ Âu Mỹ là thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố "Chúng tôi lấy làm tiếc khi Quốc hội Châu Âu thông qua một Nghị quyết không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình Việt Nam"

Với những thành tích đó, ông Phạm Bình Minh đã tự hào tuyên bố trên Twitter : " Tại phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tôi tự hào giới thiệu Việt Nam là ứng cử vào Thành viên cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam có thể và sẽ đóng góp nhiều vào công việc của UNHRC.

Trước ý định tự tranh cử này của Việt Nam, ông Claudio Francavilla, đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Liên Hiệp Châu Âu (EU) viết trên Twitter : "Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp nhất trên thế giới, với hàng trăm người chỉ trích ôn hòa bị bỏ tù, đàn áp có hệ thống những người bất đồng chính kiến, người dân không được thực hiện các quyền tự do cơ bản. Làm sao lại thích hợp trở thành thành viên của UNHRC ?".

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách HRW Á Châu đáp lời ông Phạm Bình Minh trên Twitter : "Thành thật mà nói, tôi không thể nghĩ về một chính phủ sẽ kém hữu ích (vô dụng) cho sự nghiệp Nhân quyền hơn Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam đã liên tục hủy hoại Nhân quyền. Họ sẽ là một thảm họa đối với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc".

Năm ngoái Trung Quốc đã lọt được vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 10 năm 2020 mặc cho các cáo buộc Nhân quyền. Khi ấy Ngoại trưởng Pompeo đã lên tiếng rằng "Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần nữa lại bầu các quốc gia có hồ sơ vi phạm Nhân quyền".

Trung Quốc còn vào được thì hà cớ gì mà Việt Nam không tự tin mà ứng cử cho dù là thành tích vi phạm Nhân quyền dày cộm ?

Diễm Thi

Nguồn : VNTB, 24/02/2021

*********************

Việt Nam vẫn không theo luật quốc tế dù là thành viên Liên Hiệp Quốc

Diễm Thi, RFA, 23/02/2021

Hôm 04/02 vừa qua, phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi thư phản hồi cho thông cáo chung của nhóm báo cáo viên độc lập thuộc Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc Hà Nội bắt giữ bốn nhà đấu tranh giữ đất gồm bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm ; nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Thông cáo chung đề ngày 10 tháng 11 năm 2020.

luat1

Nông dân làng Dương Nội biểu tình bên ngoài tòa án hôm 20 tháng 9 năm 2016, khi phiên xử bà Cấn Thị Thêu, một nông dân và nhà hoạt động bảo vệ đất đai ở Hà Nội, đang diễn ra. Ảnh minh họa - Reuters

Phía Việt Nam cho rằng những cáo buộc trong thông cáo chung là không chính xác, chủ yếu dựa vào những nguồn tin không được kiểm chứng, và không phản ánh bản chất của sự việc. Theo thư phúc đáp này, năm người trên bị bắt tạm giam để điều tra về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các nhận định về phúc đáp của Phái đoàn Việt Nam như vừa nêu :

"Việc Chính phủ Việt Nam lên tiếng phản bác lại những tiếng nói chỉ trích việc bắt giam các nhà hoạt động là việc không mới. Từ xưa đến nay, chính sách của Chính phủ Việt Nam là không im lặng mà sẵn sàng lên tiếng theo ngôn ngữ của họ.

Còn các tổ chức phi chính phủ thì họ luôn bám theo chuẩn mực quốc tế về nhân quyền khi họ lên tiếng. Do đó, việc họ lên tiếng rất chính xác. Phía Việt Nam bắt giữ những người như gia đình bà Cấn Thị Thêu hay Phạm Đoan Trang, đều là những vi phạm quốc tế về nhân quyền. Nó thể hiện chính sách đàn áp từ xưa đến nay.

Khi một quốc gia hội nhập, là thành viên của Liên Hiệp Quốc thì buộc phải tuân thủ những quy định của luật quốc tế chứ không thể nói theo luật riêng của mình như vậy".

Người đại diện pháp lý cho những người bị bắt trên là Luật sư Đặng Đình Mạnh, nói với RFA về thư phản bác của phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc rằng hiện nay khó đưa ra một nhận định chính xác về phản hồi của chính quyền Việt Nam với quốc tế. Bởi vì, cho đến lúc này, ông chưa được tiếp cận thân chủ của mình cũng như các chi tiết trong hồ sơ của vụ án. Chỉ biết rằng các cơ quan lập pháp họ khởi tố với tội danh theo Điều 117. Luật sư Mạnh nói thêm :

"Nói về Điều 117 thì quan điểm của tôi từ trước đến nay là lẽ ra, điều luật này không nên có trong Bộ luật hình sự Việt Nam. Vì ít nhiều thì điều luật này vô hình chung phủ nhận Điều 25 về các quyền tự do của công dân theo quy định của hiến pháp, trong đó quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp. Nhất là quyền tự do ngôn luận. Tôi tin rằng họ không bị khởi tố bởi tội danh nào khác nữa mà chỉ bị khởi tố do họ đã đi quá quyền tự do ngôn luận, trong đó có chống phá Nhà nước, theo nghĩa của họ.

Những điều này lại đi ngược với công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết với quốc tế". 

Những người am hiểu luật pháp trong và ngoài nước từ lâu đã coi Điều 117 là vi hiến. Tháng 10 năm 2020, một nhóm luật sư gốc Việt ở nước ngoài từng gửi thư đến Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam yêu cầu hủy bỏ điều luật này.

Theo lập luận của họ, Điều 117, và trước đó là Điều 88, không những vi phạm Hiến Pháp hiện hành mà đã và đang được sử dụng như là một phương tiện trấn áp nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị dưới danh nghĩa luật pháp quốc gia.

Các luật sư viện dẫn các Điều 25, 28, 30 của Hiến Pháp quy định rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước, và mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phía Việt Nam luôn đưa ra các điều khoản để biện hộ cho việc vi phạm nhân quyền của mình trước quốc tế dù họ vi phạm luật lệ của chính mình. Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói với RFA sáng 23 tháng 2 :

"Như từ trước đến nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn dùng luận điệu vu khống cho những người hoạt động. Họ không bao giờ công nhận những người bị bắt là những người hoạt động cho nhân quyền hay tù nhân lương tâm. Họ chỉ nói đó những người vi phạm luật pháp Việt Nam và bị bắt giữ theo đúng trình tự, thủ tục của họ.

Thực chất, những người bị bắt đó họ chỉ thực thi những quyền hiến định trong hiến pháp, luật pháp của Việt Nam. Còn quá trình bắt giữ, giam giữ mới không tuân theo luật của chính họ. Ví dụ trong luật thì tạm giam bốn tháng, nhưng gia đình bà Cấn Thị Thêu bị bắt từ tháng sáu năm ngoái tới nay chưa xét xử. Họ vi phạm một cách trắng trợn".

Sáng 24 tháng sáu năm 2020, chính quyền bất ngờ bắt giữ bốn nhà đấu tranh về đất đai là bà Cấn Thị Thêu, ông Trịnh Bá Phương, ông Trịnh Bá Tư và bà Nguyễn Thị Tâm với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống nhà nước".

Cả bốn người này trước khi bị bắt đã lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm hồi đầu năm 2020 và đồng thời cung cấp thông tin về vụ đụng độ cho các viên chức ngoại giao ở các tòa đại sứ nước ngoài ở Việt Nam.

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang - một nhà hoạt động nhân quyền và một người viết sách nổi tiếng ở Việt Nam bị Cơ quan An ninh - Bộ Công an bắt giữ vào khuya ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc bắt bớ diễn ra sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt lần thứ 24 kết thúc cách đó ít giờ.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam sau đó loan tin, Cơ quan An ninh Điều Tra thuộc Công an Hà Nội quyết định khởi tố Phạm Đoan Trang với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 ; và cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ theo điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Việt Nam luôn tuyên bố hội nhập với thế giới về nhiều mặt như kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng… Chính phủ Hà Nội tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế, các hiệp định mậu dịch chung. Riêng về mặt nhân quyền và tự do báo chí thì Việt Nam dường như không muốn hội nhập mà chỉ hành xử theo cách riêng của mình.

Tuy vậy, quốc tế lại không có cơ chế trừng phạt các quốc gia thành viên đã tham gia ký kết các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị hay các quyền kinh tế, xã hội, mà lại vi phạm. Thực tế cho thấy, Việt Nam liên tục vi phạm nhân quyền từ năm này qua năm khác, dù luôn đưa ra những cam kết cải thiện nhân quyền.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 23/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)