Số phận nhà đối lập Nga Alexis Navalny là một tâm điểm mâu thuẫn giữa Moskva và phương Tây. Ông Navalny bị chính quyền Putin coi là mối nguy hiểm đối với "an ninh quốc gia". Báo Le Monde có bài phỏng vấn nhà chính trị học Nga Tatiana Stanovaya (*), người sáng lập trung tâm tư vấn độc lập R. Politik, có trụ sở tại Moskva, về nội tình của hệ thống chính trị Nga, đằng sau quan hệ căng thẳng giữa điện Kremlin với nhân vật, mà nhiều người coi là "đối thủ số một" của TT Putin.
Theo nhà chính trị học trung tâm tư vấn độc lập R. Politik, việc ngành An Ninh thổi phồng các nguy cơ can thiệp từ nước ngoài, biến Nga trở thành "một pháo đài bị vây hãm", là một nguyên nhân khiến "hệ thống chính trị Nga bị tê liệt". Sau đây là phần lược dịch cuộc phỏng vấn, đăng tải ngày 19/02/2021, mang tựa đề "Navalny trở thành kẻ thù riêng của các cơ quan An Ninh Nga ".
1. Sau khi kết án tù giam ông Alexei Navalny ngày 02/02, điện Kremlin phải chăng có thể khép lại "vấn đề Navalny" ?
Những gì diễn ra hiện nay tại nước Nga (với phong trào phản kháng, đàn áp của chính quyền…) không chỉ liên hệ với "nhân tố" Navalny. Đối với nhiều người Nga bình thường, ông Alexei Navalny là một nhân vật gây tranh cãi. 56% dân Nga không hưởng ứng các hành động của nhà hoạt động này. Thái độ này không thay đổi nhiều kể từ khi Navalny bị đầu độc (tháng 8/2020) và từ khi ông ấy bị giam giữ. Những lý do khiến khối cử tri ủng hộ tổng thống Putin suy giảm dần là rộng lớn hơn. Cụ thể là 6 năm liên tục thu nhập sụt giảm, các điều kiện xã hội xuống cấp, cũng như từ khi, không khí sảng khoái trong xã hội Nga - sau khi chính quyền Nga sáp nhập bán đảo Crimea (của Ukraine) - chấm dứt năm 2016.
Ước tính khoảng một phần ba dân Nga hiện nay có thái độ chống chính quyền. Đây không còn là một bộ phận nhỏ. Dù cho điện Kremlin có làm gì với ông Navalny và Quỹ chống Tham nhũng của ông ấy, thì tâm trạng bất mãn này cũng sẽ không vì thế mà biến mất. Xu thế này sẽ tiếp tục trong bối cảnh chính quyền cũng thay đổi sách lược, ít xây dựng uy quyền dựa trên sự tin tưởng của đông đảo dân chúng, và dựa nhiều hơn vào thái độ độc đoán và các đàn áp.
Bên cạnh đó, việc toàn bộ đối lập bị loại trừ một cách có hệ thống đã khiến cho ông Navalny và các đồng minh của ông ấy có được một vị thế "đầy nghịch lý" trong chính trường Nga, với tư cách là thế lực duy nhất chống tổng thống Putin. Về mặt chiến thuật, việc bỏ tù ông Navalny khiến phong trào này bị suy yếu, nhưng đồng thời hành động nói trên cũng tạo ra một thách thức quan trọng hơn cho chính quyền.
2. Tại sao chính quyền Nga chuyển từ sách lược đẩy nhà đối lập Alexei Navalny ra ngoài sân khấu chính trị, đến chỗ đàn áp mạnh tay, với việc phạt tù giam ?
Để hiểu được sự thay đổi trong cách hành xử này, cần phải phân tích xem điều gì đã diễn ra trên thượng đỉnh quyền lực Nga những năm gần đây, đặc biệt là việc tổng thống Vladimir Putin dần dần rút khỏi việc quản lý hàng ngày các công việc của Nhà nước. Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, ông Putin tập trung vào những gì khiến nguyên thủ Nga thực sự thích thú, đó là địa chính trị, lịch sử, vũ khí, không gian…, thay vì các vấn đề "buồn chán" như thuế khóa, tài chính.
Việc quản lý "giới đối lập nằm ngoài hệ thống" trước đây thường thuộc cơ quan "giám sát chính trị" trực thuộc phủ tổng thống, giờ đây đã được giao phó cho các cơ quan an ninh. Kể từ năm 2017-2018, hồ sơ về ông Navalny được trao cho Cơ quan An ninh Liên bang FSB, điều này lại càng logic hơn khi Putin không coi Navalny là "một tác nhân chính trị", mà chỉ như một "kẻ lừa đảo" và một "phần tử lưu manh".
Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã không coi Navalny như một "mối đe dọa về chính trị", cần phải khống chế, như trước đây, mà như một đe dọa đối với "an ninh quốc gia". FSB đã đối xử với Navalny với các phương tiện riêng của ngành An Ninh. Tuy nhiên, tình hình đã đi quá xa. Vụ đầu độc tháng 8/2020 đã trở thành bước ngoặt không thể vãn hồi.
Các diễn biến dây chuyền tiếp theo đó đã khiến Alexei Navalny, sau khi phản công lại Cơ quan An ninh Liên bang, trở thành "kẻ thù riêng" của ngành An Ninh. Khi ông ấy tuyên bố chắc chắn là sẽ trở lại Nga (sau 5 tháng điều dưỡng tại Đức), thì việc chính quyền bắt giam ông ấy đã trở thành điều không thể tránh khỏi. Đây là một cuộc chiến hủy diệt lẫn nhau từ cả hai phía.
3. Cần phải giải thích ra sao về làn sóng phản kháng đang làm rung chuyển nước Nga hiện nay ?
Đây là một kiểu phản kháng mới. Trong một thời gian dài, các cuộc biểu tình thường là, hoặc diễn ra tại các thành phố lớn, tập trung vào các vấn đề quyền về chính trị, hoặc mang tính "xã hội" nhiều hơn, và liên quan đến các mối quan tâm mang tính địa phương. Lần này, chúng ta chứng kiến một sự hòa trộn bất thường. Sự phẫn nộ về các vấn đề xã hội (ở địa phương) giờ đây mang cả màu sắc chính trị và ở quy mô quốc gia. Các thành phố vốn thường được coi là trung thành với điện Kremlin, như Krasnodar, cũng tham gia vào phong trào.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự tham gia của nhiều thành phần mới : tại thủ đô Moskva, 38% người biểu tình lần đầu tiên tham gia và ở St Petersbourg, 47% lần đầu tiên xuống đường. Đây là các nhóm dân chúng vốn thường khá xa lạ với chính trị.
Việc cá nhân ông Navalny trở thành điểm khởi đầu cho phong trào phản kháng ở quy mô này là một cái mới. Từ nhiều năm nay, nhà đối lập này thường được mô tả như là một thành phần bất hảo phiêu lưu chủ nghĩa thân phương Tây, tìm cách làm hại cho nước Nga. Giờ đây, ông ấy vẫn là một nhân vật gây tranh cãi, nhưng vị thế một nhà đối lập chính trị của ông Navalny đã được củng cố.
4. Về phần lực lượng cử tri ủng hộ tổng thống Nga hiện nay ra sao ?
Hiện tại số lượng cử tri ủng hộ ông Putin vẫn cao. Theo viện thăm dò dư luận Levada, Putin có thể thắng ngay trong vòng một một cuộc bầu cử tổng thống, giả định là diễn ra trong thời gian tới, với khoảng 55% phiếu bầu. Phong trào phản kháng trên đường phố, tuy đông đảo, nhưng chưa bằng phong trào chống gian lận bầu cử Quốc hội, những năm 2011-2012.
Tuy nhiên, xét về động cơ sâu xa, lý do ủng hộ Putin của cử tri đã thay đổi. Rất nhiều người chọn ông Putin vì các động cơ "tiêu cực", cụ thể là do sợ tình hình rơi vào bất ổn, trở lại khủng hoảng những năm 1990… Người ta thường xuyên nghe thấy câu nói : "Nếu không phải Putin thì ai ?". Những người ủng hộ triệt để ông Putin chỉ chiếm khoảng một phần ba số cử tri. Đây chủ yếu là nhóm người cao tuổi nhất, cũng thường là những người tiếp nhận thông tin qua truyền hình.
Ngoài một phần ba cử tri chống điện Kremlin, một phần ba ủng hộ triệt để ông Putin, một phần ba cử tri còn lại là bao gồm nhiều nhóm, từ những người thờ ơ, những người không muốn tham gia vào chính trị, đến những người chọn thái độ "theo quan điểm chính thống vì lý do thực dụng". Cũng không nên quên rằng, một bộ phận rất lớn dân Nga phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào trợ cấp của Nhà nước.
5. Giới tinh hoa trong xã hội Nga phải chăng đồng thuận về việc siết chặt đàn áp, bởi ngoài trường hợp Navalny, nhiều luật tiêu diệt các quyền tự do đã được ban hành ?
Sáng kiến trong chuyện này thuộc về ngành An Ninh, đặc biệt là FSB. Chính cơ quan này đưa các thông tin đến tổng thống Putin, thổi bùng những tình cảm chống phương Tây, chống lại các đòi hỏi về nhân quyền, tự do của tổng thống. Chính Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đã gạt nhiều tác nhân ra bên lề.
Mọi nỗ lực nhằm chất vấn về những gì đã được quyết định trên thượng đỉnh quyền lực có thể sẽ khiến cho người nêu vấn đề bị nghi ngờ là không trung thành với tổng thống. Tháng 8/2019, một nhân vật rất thân cận với ông Putin, Sergueil Tchemezov, ông chủ của Rostec (tập đoàn Nhà nước trong lĩnh vực các công nghệ cao) đã đưa ra nhận định : việc không để đối lập chính trị có thể thực sự tham gia vào các cuộc bầu cử là có hại cho lợi ích chung. Tuy nhiên, sau đó, ông ta đã buộc phải nhanh chóng thay đổi quan điểm.
Mặc dù, giới tinh hoa kinh tế rất trung thành với ông Putin (ngoài các doanh nhân mà lợi ích không gắn với chính quyền Putin), nhưng giữa họ có nhiều bất đồng xung quanh một vấn đề then chốt. Đó là nguyên nhân nào dẫn đến việc tính ổn định của hệ thống bị đe dọa ? Navalny và các hoạt động của nhà đối lập, hay ngược lại, các hành động vụng về của Cơ quan An ninh Liên bang FSB nhằm bịt miệng Navalny ?
6. Liệu hệ thống quyền lực ở Nga có thể bị lung lay ?
Thượng đỉnh quyền lực Nga phát ra nhiều tín hiệu mâu thuẫn. Ví dụ như, ông Putin một mặt đã trở nên quyền uy hơn bao giờ hết, mặt khác chính ông ta lại mất hết ham muốn trực tiếp chỉ đạo sự vận hành của cỗ máy quyền lực. Chính quyền Nga đưa ra nhiều tham vọng, như trong lĩnh vực công nghệ số, thế nhưng họ lại không có phương tiện để tác động đến các quá trình ra quyết định.
Trong bối cảnh hiện nay, thách thức chủ yếu đối với chính quyền Putin là cần phải thành công trong việc nhận dạng được các vấn đề, thay vì quay lưng lại với thực tế.
Chính quyền Putin hiện tại hoàn toàn tin tưởng là những người dân Nga bình thường, ngay cả khi có bất bình, thì về nguyên tắc, vẫn không thể có thái độ chống Putin, không thể muốn tham gia các cuộc biểu tình. Do vậy, mọi hành động phản kháng đều trở nên bất hợp pháp, và chính quyền không còn cần tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của dân chúng.
Chính quyền Putin cũng chấp nhận người dân có thể bị tác động bởi các vấn đề xã hội, nhưng quan điểm của chính quyền là chỉ cần thỉnh thoảng phân phối một số khoản trợ giúp là đủ. Chính quyền không thừa nhận sự tồn tại của các vấn đề phức tạp hơn và mang tính hệ thống hơn.
Việc ngành An Ninh được giao phó quá nhiều quyền hạn như vậy là một thách thức đối với chính chế độ Putin. Với việc liên tục đưa ra các báo động về nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài, trên thực tế, ngành An Ninh Nga đã biến quốc gia này trở thành "một pháo đài bị vây hãm". Hậu quả của tất cả những điều đó là hệ thống chính trị Nga bị tê liệt.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 23/02/2021
Ghi chú :
(*) Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Moskva. Bà làm việc cho nhiều doanh nghiệp Nga, trước khi chuyển sang tập trung nghiên cứu. Năm 2018, Tatiana Stanovaya lập trung tâm khoa học riêng mang tên R. Politik, một viện tư vấn độc lập, chuyên quan sát giới tinh hoa nước Nga. Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya cũng cộng tác với trung tâm Carnegie Moskva.