Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/03/2021

Người biểu tình Châu Á và giấc mơ Mỹ

Ian Buruma

Một tháng trước, những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Yangon để phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Họ kêu gọi Tổng thống Joe Biden can thiệp để các tướng lnh rút về doanh trại và bà Aung San Suu Kyi được trả tự do. Đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020. Đó là lý do tại sao các tướng lãnh, những người sợ mất đặc quyền, đã lên nắm quyền.

1231167478

Những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Yangon để phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Nhưng Tòa đại sứ Hoa Kỳ có phải là nơi tốt nhất để tập trung phản đối ? Tổng thống Mỹ có thể thực sự làm được gì - ngoài việc lên án cuộc đảo chính bằng lời nói ? Hy vọng vào sự can thiệp của Mỹ của những người biểu tình cho thấy hình ảnh nước Mỹ như nhà vô địch của tự do toàn cầu vẫn chưa chết, ngay cả sau 4 năm theo chủ nghĩa biệt lập "Nước Mỹ trên hết" của Donald Trump.

Năm ngoái, những người biểu tình ở Hồng Kông thậm chí còn coi Trump như một đồng minh khi họ phản đối việc Trung Quốc đàn áp tàn bạo quyền tự trị lãnh thổNhững người biểu tình đã vẫy lá cờ Mỹ với hy vọng Hoa Kỳ sẽ giúp họ thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản độc tài Trung Quốc vì ông ta có lúc chỉ trích Trung Quốc.

chaua2

Những người biểu tình ở Hồng Kông thậm chí còn coi Trump như một đồng minh khi họ phản đối việc Trung Quốc đàn áp tàn bạo quyền tự trị lãnh thổ.

Sứ mệnh tự phong của Mỹ nhằm truyền bá tự do trên khắp thế giới đã có một lịch sử lâu đời. Hệ quả là nhiều cuộc chiến tranh không cần thiết đã xảy ra. Nhưng chủ nghĩa lý tưởng dân chủ của Mỹ cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Theo lời của John F. Kennedy, nước Mỹ từ lâu đã coi mình là quốc gia "tham gia vào một cuộc đấu tranh trên toàn thế giới, trong đó chúng tôi nhận trọng trách bảo tồn và phát huy những lý tưởng mà chúng tôi chia sẻ với phần còn lại của nhân loại".

Khi vùng lên chống lại Liên Xô vào năm 1956, người Hungary đã nhận ra rằng, từ ngữ thường trở thành sáo rỗng. Cách mạng Hungary đã bị dập tắt sau 17 ngày. Hoa Kỳ đã không làm gì để giúp cuộc nổi dậy mà chính mình đã khuyến khích.

Nhưng, đôi khi, tự do có thể có được với sự giúp đỡ của Mỹ - chứ không chỉ chống lại chế độ chuyên chế của Hitler ở Tây Âu. Trong những năm 1980, người dân Philippines và Hàn Quốc đã nổi dậy chống lại chế độ độc tài với các cuộc biểu tình rầm rộ, không khác gì các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, Thái Lan và Myanmar trong hai năm qua. Nhiều người ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng đã làm như vậy. Một "nữ thần dân chủ" cao 10 mét, lấy cảm hứng từ tượng Nữ thần Tự do của Mỹ, đã được dựng lên tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc đã kết thúc một cách thảm khốc. Nhưng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã lật đổ được chế độ độc tài Ferdinand Marcos ở Philippines và chế độ quân phiệt ở Hàn Quốc. Sự hỗ trợ của Mỹ đóng một vai trò quan trọng. Ở Đài Loan, một chính phủ độc tài đã được thay thế bằng nền dân chủ - một lần nữa với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Nhưng những gì có hiệu quả ở Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan không chắc sẽ có hiệu quả ở Thái Lan, Hồng Kông và Myanmar. Sự khác biệt chính là 3 quốc gia đầu tiên nêu trên là cái cánh tả gọi là "các quốc gia chư hầu" trong Chiến tranh Lạnh. Các nhà độc tài của họ là "những nhà độc tài của chúng tôi", được Hoa Kỳ bảo vệ như đồng minh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Các chế độ này được duy trì nhờ sự hỗ trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ. Do đó, họ có thể tiếp tục đàn áp người dân, miễn là người Mỹ vẫn coi chủ nghĩa cộng sản là một mối đe dọa toàn cầu. Nhưng khi Trung Quốc mở cửa kinh tế và Liên Xô ngày càng suy yếu, các chế độ này nhanh chóng dễ bị tổn thương. Trên truyền hình Mỹ, Marcos buộc phải hứa tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Khi cố gắng đánh cắp kết quả cuộc bầu cử, ông đã bị một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ yêu cầu từ chức mà không hề phản kháng (" cut and cut cleanly  "). Marcos lên trực thăng và cuối cùng phải sống lưu vong ở Hawaii.

Tương tự như vậy : Khi sinh viên Hàn Quốc, được phần lớn tầng lớp trung lưu ủng hộ, đổ ra đường để phản đối, Hoa Kỳ cuối cùng đã ủng hộ nền dân chủ. Các sinh viên không chỉ tức giận chế độ quân sự của nước họ, mà còn với cả Hoa Kỳ. Phụ thuộc vào sự bảo vệ của quân đội Mỹ, các tướng lãnh phải nghe theo khi Hoa Kỳ bảo họ rút quân.

Các tướng lãnh của Thái Lan và Myanmar không có lý do gì để làm điều tương tự. Biden có thể đe dọa họ bằng các biện pháp trừng phạt và chỉ trích họ bằng những lời lẽ gay gắt. Nhưng, với việc Trung Quốc sẵn sàng tham gia với tư cách là người bảo trợ cho Myanmar, chính quyền quân sự không phải lo lắng nhiều (mặc dù, cho đến nay, họ vẫn e dè phản ứng của Trung Quốc).

Giới lãnh đạo chính trị ở Thái Lan cũng có thể dựa vào Trung Quốc. Từ lâu, Thái Lan đã có truyền thống lợi dụng một cường quốc này chống lại một cường quốc khác. Và, bởi vì Hồng Kông chính thức là một phần của Trung Quốc, nên rất ít quyền lực bên ngoài có thể làm để bảo vệ quyền của người dân - bất kể có bao nhiêu lá cờ Mỹ tung bay trên đường phố.

Trong Chiến tranh Lạnh, các chế độ ở Châu Âu và Châu Á có thể dựa vào Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ do đó có ảnh hưởng lớn đến các nước này. Giờ đây, một cuộc chiến tranh lạnh mới đang diễn ra - lần này là với Trung Quốc. Nhưng vị thế cường quốc của Hoa Kỳ đã suy giảm rất nhiều kể từ khi đạt đến đỉnh đlểm vào thế kỷ 20. Và niềm tin vào nền dân chủ Mỹ đã bị xói mòn do cuộc bầu cử của một kẻ ái kỷ ngu xuẩn đã quấy phá các đồng minh truyền thống. Trung Quốc cũng là một siêu cường đáng gờm hơn so với Liên Xô trước đây. Trung Quốc cũng thịnh vượng hơn nhiều.

Các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á vẫn cần sự hỗ trợ về an ninh từ Hoa Kỳ. Chừng nào Nhật Bản không thể đóng vai trò quân sự hàng đầu, do cái quá khứ xấu xa và hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, Hoa Kỳ vẫn sẽ là đối trọng chính đối với một Trung Quốc ngày càng thống trị. Nhưng, cũng như Thái Lan trong trò chơi quyền lực khôn khéo, các đồng minh của Hoa Kỳ có lẽ sẽ không trở thành "chư hầu" như trước đây. Ngay cả người Hàn Quốc cũng cẩn thận để không làm xáo trộn mối quan hệ với Trung Quốc. Hoa Kỳ ở xa; Trung Quốc ở cận kề.

Mô hình này đúng như mong đợi. Sự thống trị của Mỹ không thể kéo dài mãi mãi. Các quốc gia Châu Á cũng như Châu Âu nên tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một cường quốc không phải lúc nào cũng có thể bảo vệ họTrở thành "trạng thái chư hầu" có thể là một điều nhục nhã. Tuy nhiên, có thể sẽ đến một ngàymột số người, ở đâu đó, sẽ nhớ đến Pax Americanakhi Hoa Kỳ đủ mạnh để loại bỏ những thành phần không mong muốn.

Ian Buruma

Nguyên tác : Asian Demonstrators and the American Dream, Project Syndicate, 04/03/2021

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

(10/03/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ian Buruma, Hoàng Thủy Ngữ
Read 705 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)