Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/03/2021

Nói thêm về phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm

Diễm Thi - Yên Khắc Chính

Thêm bất thường trong vụ án Đồng Tâm

Diễm Thi, RFA, 17/03/2021

Bất thường sau phiên xử

Phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm kết thúc vào tối ngày chín tháng Ba năm 2021, với các mức án được giữ nguyên cho sáu bị cáo có đơn kháng án sau phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng Chín năm 2020.

dongtam1

Xử phúc thẩm vụ án Đồng Tâm : Y án tử hình Lê Đình Công, Lê Đình Chức về tội giết người

Như vậy, ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức vẫn bị án tử hình (cả hai đều là con trai ông Lê Đình Kình), anh Lê Đình Doanh (cháu nội ông Kình) án chung thân, ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù về tội giết người ; và bà Bùi Thị Nối 6 năm tù về tội chống người thi hành công vụ.

Chỉ hơn một tuần sau phiên phúc thẩm, các luật sư bào chữa đã nhận được bản án vụ án. Đây được cho là việc làm nhanh một cách bất thường, thậm chí đáng ngờ từ cơ quan chức năng.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói với RFA suy nghĩ của ông sau khi đọc Bản án số 69/2021/HS-PT ngày 08, 09/3/2021 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mà ông nhận vào sáng ngày 17 tháng Ba :

"Chúng tôi nhận được bản án khá sớm và cũng khá bất ngờ. Và khi đọc bản án, như thường lệ, chúng tôi chú tâm vào các ý kiến của luật sư được ghi nhận thế nào. Trong phần gần cuối bản án, trang 33, 34 nêu ý kiến luật sư, chúng tôi thấy rất lạ lùng. Nó thể hiện sự bất thường ở chỗ Bản án phúc thẩm chỉ lược ghi các vấn đề chính do luật sư đưa ra mà không có nhận định đúng, sai để chấp nhận hay bác bỏ, họ chỉ viện lý do các vấn đề này đã được Bản án sơ thẩm nhận định và làm rõ, từ đó không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

Chúng tôi nhận thấy lập luận như trên là một sự bất hợp lý, bất thường và hết sức khiên cưỡng, trước giờ chúng tôi chưa từng gặp trong các Bản án phúc thẩm.

Hơn nữa, tại phiên tòa, 14 luật sư bào chữa đề cập và phân tích rất nhiều vấn đề pháp lý về thủ tục tố tụng và nội dung vụ án, nhiều vấn đề khá gay gắt, chưa kể các luật sư đã gửi đến Hội đồng xét xử trước khi mở phiên toà bản kiến nghị 31 trang, không thể chỉ tóm tắt một cách đơn giản như thế, đó có thể xem như một sự sỉ nhục các luật sư và thể hiện sự thiếu trách nhiệm và áp đặt của thẩm phán chủ tọa phiên toà..".

Với Luật sư Ngô Anh Tuấn thì bản án được gửi về chỉ sau một tuần là việc làm nhanh không tưởng. Luật sư Tuấn nói thêm rằng, có thông tin hai bị cáo chịu mức án tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức đã được chuyển từ Trại giam số 2 lên Trại giam số 1 (Hỏa Lò). Ông dự đoán có thể hai bị cáo không viết đơn xin ân giảm theo đúng điều họ đã nói với các luật sư tại toà.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm thông tin từ gia đình cụ Kình rằng, sau phiên toà phúc thẩm, hai công an xã được cử đến nhà ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức để thuyết phục gia đình viết đơn xin ân giảm nhưng bà Dư Thị Thành đã giận dữ quát "Chết trẻ khỏe ma, gia đình tao không viết".

Bất thường trong các phiên xử

Vụ án Đồng Tâm là một vụ án lớn với số người chết nhiều khuất tất và số bị cáo trong cùng gia đình, họ hàng thân tộc quá lớn. Theo những người quan tâm vụ án thì một phiên tòa sơ thẩm với 29 bị cáo, có đề nghị mức án cao nhất là tử hình, mà lại kết thúc chỉ sau bốn ngày xét xử là quá nhanh. Còn với phiên phúc thẩm, sáu bị cáo với hai án tử hình cũng chỉ diễn ra trong hai ngày rồi tuyên y án thì khó thuyết phục đây là vụ án đạt công lý cho dù các bị cáo nhận tội.

Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu một điểm mà ông cho là ‘vừa bất ngờ, vừa không’ trong phiên tòa phúc thẩm khi các bị cáo đã bị thuyết phục rằng nhận tội để được giảm nhẹ thay vì kêu oan. Ông nói thêm :

"Sắp tới đây sẽ có hai án tử hình nặng nề vào hai con cụ Kình, tức là ba người trong một gia đình. Tôi nghĩ, nếu họ xét đến yếu tố nhân văn thì họ sẽ tìm cách giảm nhẹ hình phạt. Nhận tội là cách dễ nhất để họ giảm án cho một người từ tử hình xuống chung thân. Đó là phương án có thể xảy ra.

Động thái của VKS khi hỏi ông Công tại tòa làm chúng tôi mường tượng sự việc có thể xảy ra theo hướng mình suy đoán. Các bị cáo đã bị thuyết phục và bị mơ hồ bằng một phương án nhận tội để được giảm nhẹ thay vì kêu oan. Họ làm phương án đó và tôi thấy đây là phương án tệ hại nhất mà họ có thể áp dụng. Thế mà họ lại áp dụng. Chúng tôi không chỉ bất ngờ mà còn cực kỳ thất vọng. 

Chiều hôm đó ra về tôi có nói với các luật sư đồng nghiệp là coi chừng các bị cáo và luật sư sẽ bị ăn một cú lừa thế kỷ. Bởi vì kinh nghiệm qua một số vụ, tôi sợ người ta lại dựa vào những lời khai đó để họ làm đẹp hồ sơ buộc tội vốn rất lỏng lẻo ở phiên sơ thẩm".

Trong ngày đầu tiên của phiên xử phúc thẩm, Luật sư Ngô Anh Tuấn đã bị tòa tịch thu phần ghi chép cá nhân trong phiên tòa và không cho ông đưa các ghi chép của mình lên Facebook. Luật sư Đặng Đình Mạnh yêu cầu được tiếp xúc với thân chủ của ông trong phiên toà nhưng hội đồng xét xử từ chối vì cho rằng ông đã tiếp xúc với họ trước khi phiên tòa diễn ra rồi.

Ngoài những chia sẻ của các luật sư, một điều được cho là khá bất ngờ với các luật sư là Kế hoạch 419A. Kế hoạch này do Công an Hà Nội soạn thảo và Bộ Công an phê duyệt, được xem là ‘đèn xanh’ cho phép chính quyền huy động hàng nghìn cảnh sát bao vây và tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trong đêm ngày tám rạng sáng ngày chín tháng Một năm 2020.

Khi nhắc đến bản Kế hoạch 419A trong phiên tòa, luật sư bên bị hại vô tình tiết lộ rằng đó là tài liệu tối mật, không thể công bố công khai.

Đến nay, nội dung Kế hoạch vẫn nằm trong vòng bí mật cho dù các luật sư bào chữa cho rằng phải công bố để làm rõ việc công an, cảnh sát cơ động tấn công vào Đồng Tâm có vượt quá chức năng, nhiệm vụ công vụ của công an hay không.

Nếu Kế hoạch 419A là trái pháp luật, thì những người chịu trách nhiệm chính, những người ban hành ra kế hoạch đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và kết quả các bản án có thể thay đổi.

Trước phiên xử phúc thẩm một tuần, 14 luật sư bào chữa cho sáu người có kháng án đã gởi Đơn kiến nghị dài 31 trang đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ nhiều điểm sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả bản án. Kiến nghị một lần nữa yêu cầu công bố nội dung của bản Kế hoạch 419 A nhưng không hề được đáp ứng.

Một yêu cầu khác là thực nghiệm hiện trường nơi mà cơ quan chức năng nói đã thiêu cháy ba chiến sĩ công an. Yêu cầu này luôn bị khước từ.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 17/03/2021

***************************

Tổng hợp các thông tin cần biết về vụ án Đồng Tâm

Yên Khắc Chính, Luật Khoa, 08/03/2021

Bức tranh chi tiết về Đồng Tâm mà bạn không thể tìm được trên các trang báo nhà nước.

dongtam1

Bà Bùi Thị Nối bị dẫn vào phiên tòa phúc thẩm sáng nay, 8/3/2021. Bà Nối kháng cáo, đề nghị xem xét lại bản án. Ảnh : V. Dũng/ Lao Động.

Ngày 8/3/2021, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 6 trong số 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 10/3.

Vụ việc xuất phát từ tranh chấp đất đai dai dẳng nhiều năm không được giải quyết thấu đáo giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền.

Dưới đây là tổng hợp các bài viết đã đăng trên Luật Khoa về vụ việc. Bạn đọc có thể bấm vào đường link nhúng trong những từ khóa bên dưới để truy cập các bài viết.

Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra như thế nào ?

Để theo dõi lại những chuyện đã xảy ra trong phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9/2020, độc giả có thể xem phần tường thuật trực tiếp của Luật Khoa về bốn ngày diễn ra phiên tòa tại đây.

Hoặc bạn có thể chọn đọc phần tóm tắt phiên tòa mỗi ngày bằng cách truy cập các bài viết tổng hợp diễn biến ngày thứ nhấtngày thứ haingày thứ bangày thứ tư, và ngày tuyên án.

dongtam3

Hình ảnh 29 bị cáo khi nghe tòa tuyên án vào chiều 14/9/2020. Ảnh : TTXVN.

Kết thúc phiên sơ thẩm, trong số sáu bị cáo bị truy tố tội giết người, hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình, bị cáo Lê Đình Doanh bị tuyên án tù chung thân, ba bị cáo khác nhận các mức án phạt từ 12-16 năm tù.

Các bị cáo còn lại bị truy tố với tội danh chống người thi hành công vụ. Trong đó, chín bị cáo nhận án tù từ 3-6 năm, 14 bị cáo nhận án tù treo từ 15-36 tháng.

Sau phiên phúc thẩm, các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Bùi Viết Hiểu (cùng bị truy tố tội giết người) kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Bùi Thị Nối (tội chống người thi hành công vụ) không đồng ý với phán quyết sơ thẩm nên kháng cáo đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét lại.

dongtam4

Mức án sơ thẩm cho 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm. Nguồn : Dân Việt, Dân Trí. Đồ họa : Luật Khoa.

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Luật Khoa đã có bài viết phân tích trình tự và các thủ tục pháp lý tiếp theo, từ việc kháng cáo, kháng nghị, giai đoạn xét xử phúc thẩm, các kết quả có thể có của phiên tòa phúc thẩm, và chuyện gì sẽ xảy ra khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc.

Nếu cần theo dõi dòng thời gian (timeline) của toàn bộ diễn biến sự kiện, kéo dài từ năm 1980 đến hết phiên sơ thẩm, bạn có thể xem đồ họa do Luật Khoa thực hiện tại đây.

Làm thế nào để hiểu đầu đuôi sự việc ?

Nếu muốn tìm hiểu ngọn nguồn và các diễn biến của sự kiện tranh chấp này, độc giả có thể tìm đọc "Báo cáo Đồng Tâm".

Báo cáo dày gần 130 trang, song ngữ Anh – Việt, được nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động Will Nguyen thực hiện.

Đây là một nỗ lực cung cấp thông tin nhanh lẫn kiến thức có giá trị dài hạn cho người đọc. Nó bao gồm các nội dung hỏi nhanh đáp gọn, bối cảnh vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm, đối sách của chính quyền, các điểm còn gây tranh cãi và chưa được làm rõ trong vụ án, cùng những vi phạm của cơ quan tố tụng đối với chính luật pháp Việt Nam, chưa kể vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền.

dongtam5

Ảnh : Nhà xuất bản Tự Do.

Báo cáo được thiết kế để bạn đọc có thể chọn tra cứu nhanh bất kỳ phần nào mình quan tâm.

Nếu chỉ muốn dành hơn 5 phút để tìm hiểu, độc giả có thể tìm thấy những thông tin cốt lõi nhất qua bài "Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm".

Bài hỏi – đáp này trả lời 9 câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất về vụ án, bao quát từ nguồn gốc tranh chấp, các quy định luật pháp có liên quan, và cơ sở cho các hành động tấn công cũng như các cáo buộc của chính quyền đối với người dân Đồng Tâm.

Bạn đọc cũng có thể tham khảo bài viết "Vụ Đồng Tâm : Danh sách câu hỏi Luật Khoa gửi Bộ Công an", được đăng hai ngày sau khi vụ tấn công xảy ra. Rất nhiều những câu hỏi trong đó cho đến nay vẫn không được chính quyền giải đáp thỏa đáng.

Thân nhân của các bị cáo nói gì ?

Nếu theo dõi báo chí trong nước đưa tin về vụ việc này, hầu như không thấy tiếng nói của những thân nhân bị cáo. Luật Khoa đã liên hệ để phỏng vấn chị Nguyễn Thị Duyên, vợ của bị cáo Lê Đình Uy và bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình. Các bạn có thể click vào link nhúng trong tên để nghe họ nói.

Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, cộng tác viên của Luật Khoa đã trực tiếp đi đến thôn Hoành, nơi diễn ra sự kiện. Bài phóng sự "Đến cuối đời, chồng tôi vẫn tin vào Đảng" ghi lại lời kể của bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, và chị Lê Thị Thoa, con gái của ông.

dongtam6

Bà Dư Thị Thành và vết đạn bắn trên cửa kính. Ảnh : May/ Luật Khoa.

Chân dung của ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh nông dân của làng Đồng Tâm, người bị cảnh sát bắn chết trong vụ án, hiện lên trái ngược hoàn toàn với thông tin được mô tả trên các phương tiện truyền thông nhà nước như VTV.

Theo lời kể, ngay cả trong những năm cuối đời, khi tranh chấp đất đai với chính quyền leo thang căng thẳng, ông Kình vẫn "tuyệt đối tin vào Đảng Cộng sản, tin ông Nguyễn Phú Trọng". Khi con gái cảnh báo không thể tin được các quan chức tham nhũng, ông còn quát lại, cho rằng "đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, là bọn cấp dưới bao che, bôi nhọ Đảng".

Chứng kiến cái kết thảm khốc của những người thân, bà Dư Thị Thành và chị Lê Thị Thoa không còn hy vọng gì vào "công lý", "lẽ phải", "công bằng" khi nghĩ đến phiên tòa sơ thẩm sắp diễn ra.

Họ không còn tin ai, và nghĩ rằng "chỉ có trời mới giúp được con cháu".

Các góc nhìn và phân tích về vụ việc qua phiên tòa sơ thẩm

Bài viết "Đội đặc nhiệm ở Đồng Tâm từ góc nhìn khoa học cảnh sát" tập trung vào vai trò của các lực lượng đặc nhiệm trong vụ việc.

Tác giả liên hệ với trường hợp của Hoa Kỳ, dẫn chiếu các thông tin xảy ra tại Đồng Tâm theo cáo trạng vụ án, từ đó đặt ra câu hỏi về phương án tiếp cận của đội đặc nhiệm trong đêm 9/1. Tác giả chỉ ra những sai lầm căn bản của cảnh sát dẫn đến hậu quả thương vong lớn mà lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được.

dongtam7

Ảnh : VnExpress, RFA. Đồ họa : Luật Khoa.

Trong một phân tích khác, bài viết "Ba bài học từ Đồng Tâm" tập trung vào điểm yếu của Đồng Tâm dưới góc độ một phong trào xã hội.

Phong trào gặp vấn đề khi dùng đến diễn ngôn bạo lực, chưa xác định rõ mục tiêu tích cực dài hạn, chưa xây dựng được phương án đấu tranh bất bạo động thay thế. Những người đấu tranh dựa dẫm quá nhiều vào tính minh bạch và lòng chính trực của chính quyền. Họ dường như chưa có sự chuẩn bị cần thiết để đối phó với những hành động bất ngờ cùng vũ lực vượt trội từ phía chính quyền.

Bài viết "Đồng Tâm : Những bằng chứng đầy nghi vấn" phân tích những lỗ hổng trong các chứng cứ mà chính quyền dùng để kết tội người dân Đồng Tâm.

Tác giả xem xét mức độ khả tín về các hình ảnh vũ khí được chiếu trên VTV, nỗ lực "ác hóa" người dân Đồng Tâm trên các phương tiện thông tin của nhà nước, cùng tính logic của các chứng cứ.

Tác giả cũng chỉ ra yêu cầu cần lưu giữ và bảo vệ các tài liệu, hình ảnh, thước phim gốc của các nhân vật trong sự kiện để kiểm chứng và điều tra ngọn nguồn sự việc. Rất nhiều các tài liệu gốc dạng này hiện đã không còn, khi những trang cá nhân của các nhân vật có liên quan đã bị đóng, còn chính quyền tích cực tìm cách gỡ bỏ các thông tin đứng về phía người dân Đồng Tâm.

Bức tranh lớn về tranh chấp đất đai tại Việt Nam

Vấn đề Đồng Tâm chỉ là một ví dụ trong vô số các tranh chấp liên quan đến đất đai. Mọi chuyện đều phát sinh từ lỗ hổng lớn trong luật pháp của Việt Nam về quyền sở hữu, sử dụng và quản lý loại tài sản này.

dongtam8

Các cuộc tranh chấp đất đai chưa bao giờ thôi nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Trong ảnh là một người dân tại khu vực đất tranh chấp ở Thủ Thiêm, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn : Thanh Niên.

Trong bài viết "Sở hữu đất đai : Ngoại lệ Hoa Kỳ và ba nguyên tắc sống còn của mọi mô hình", tác giả Võ Văn Quản đã có bài phân tích sâu về vấn đề này.

Từ việc so sánh các mô hình sở hữu quản lý đất đai tại Hoa Kỳ và các nước khác, tác giả dẫn ý kiến của những nhà khoa học, liệt kê ra ba nguyên tắc cốt lõi mà Việt Nam có thể áp dụng.

Các nguyên tắc đó là (1) phân bổ đất đai bình đẳng, (2) bảo đảm quyền đất đai ổn định, lâu dài và (3) thừa nhận chủ thể các quyền đất đai là cá nhân luôn có nhiều ưu điểm vượt trội.

Trường hợp của Việt Nam, "dù tự nhận rằng chế định sở hữu toàn dân sẽ mang lại bình đẳng đất đai", nhưng các nhóm lợi ích và một ít người đang gia tăng quá trình tích tụ đất đai, dựa trên những cơ chế công quyền.

"Những lời kêu gọi cải cách chế định sở hữu đất đai hiện tại", theo tác giả, không chỉ là tranh luận giữa mô hình sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân, mà còn "nhắm vào những vấn đề chính trị và hệ thống sâu hơn thế nữa".

Yên Khắc Chính

Nguồn : Luật Khoa, 08/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, Yên Khắc Chính
Read 697 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)