Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/04/2021

Israel nâng công nghệ quốc phòng Việt Nam lên tầm cỡ quốc tế

Benoît de Tréglodé - Hùng Dũng

Việt Nam gia tăng hợp tác quân sự với Israel nhằm làm chủ công nghệ quốc phòng

Benoît de Tréglodé – Thu Hằng, RFI, 29/03/2021

Israel là nhà cung cấp vũ khí thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga, vào năm 2019, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhoml (SIPRI). Ngoài hợp tác quân sự, Israel còn là một trong những nước hiếm hoi chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại cho Việt Nam, ví dụ dây chuyền sản xuất súng bộ binh Galil ACE 31/32 tại Nhà máy Z-111 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

israel1

Ảnh minh họa hệ thống tên lửa phòng không SPYDER của Rafael Advanced Defense Systems, Israel, tại triển lãm Hàng Không Singapore Airshow, ngày 14/02/2014. Việt Nam trạng bị hệ thống này.  AP - Joseph Nair

Theo báo chí trong nước, đây là cơ hội cho Việt Nam "đi tắt đón đầu" để làm chủ công nghệ thiết bị quốc phòng vì không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng chia sẻ cho các đối tác chiến lược như Israel. Trong khi nhiều nước phương Tây dè chừng về việc cung cấp vũ khí cho Việt Nam vì "lằn ranh đỏ" do Mỹ dựng lên, Israel đã biết lựa chọn những vũ khí có mức độ liên quan vừa phải đến những công nghệ nguồn của Mỹ để chuyển giao.

Binh chủng Hải quân đánh bộ (lính thủy đánh bộ) của Hải quân nhân dân Việt Nam sử dụng nhiều vũ khí Israel nhất. Hợp đồng thiết bị quân sự Việt Nam - Israel tập trung chủ yếu dưới ba hình thức : mua toàn bộ một hệ thống (1), mua thiết bị cho một hệ thống (2) và chuyển giao công nghệ (3).

Để hiểu hơn về hợp tác đối tác quốc phòng Việt Nam-Israel, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, chuyên gia về Việt Nam, giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

*****

RFI : Việt Nam đã thay đổi quan điểm để thiết lập quan hệ với Israel như thế nào và từ khi nào, trong khi Hà Nội ủng hộ Palestine trong thời gian rất lâu ?

Benoît de Tréglodé : Trước hết, phải nói là Việt Nam và Israel thiết lập bang giao trước cả mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington, ngay từ năm 1993 khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa. Trong bối cảnh đó, nhiều thỏa thuận đã được Hà Nội nhanh chóng ký kết với Israel, nhưng tập trung chủ yếu vào thương mại, kinh tế và nông nghiệp. Sau đó, quan hệ giữa hai nước vẫn chủ yếu liên quan đến kinh tế, rồi được mở rộng sang lĩnh vực chính trị trong thập niên 2000.

Vào năm 2005, bộ Ngoại Giao hai nước đã có cuộc đối thoại chính trị đầu tiên, sau đó nhanh chóng tập trung vào các vấn đề quốc phòng trong những năm 2010. Đây là điểm thú vị để hiểu được những gì đang diễn ra hiện nay giữa Israel và Việt Nam. Một biên bản ghi nhớ về vấn đề quốc phòng đã được hai bên ký vào năm 2015. Đến năm 2018, hai nước đã tổ chức đối thoại quốc phòng và hiện giờ, Israel trở thành đối tác quân sự thực sự của Việt Nam, chỉ sau Nga.

Nếu lật lại lịch sử quan hệ Việt Nam, Israel và Palestine thì trong cánh tả quốc tế chống thực dân có một truyền thống gần gũi giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và lý tưởng của Palestine. Thế nhưng trong những năm 1990, sự thực dụng, chính trị thực tế đã thúc đẩy Việt Nam thiết lập quan hệ với Israel mà trên hết là vì lý do kinh tế. Trở lại thời điểm năm 1946, khi Hồ Chí Minh đến Paris, hình như là ông ở cùng khách sạn với Ben Gourion, người sáng lập Nhà nước Israel sau này, vào năm 1948. Chuyện này được nhắc lại trong những năm 1990 rằng hai nhà lãnh đạo lúc đó rất hợp nhau. Vì thế, đối với Việt Nam, không hề mâu thuẫn khi có cả mối quan hệ hữu nghị với Palestine và duy trì đối thoại với Israel.

RFI :Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ, sau đó là Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Những sự kiện này đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ giữa Israel và Việt Nam ?

Benoît de Tréglodé : Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại Việt Nam năm 1994 và hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Vào giai đoạn đó, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Israel gần như không tồn tại. Theo tôi, đó không phải là một trong những nguyên nhân hàng đầu.

Vấn đề trở nên khác đi kể từ khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Hà Nội vào năm 2016. Vào thời điểm đó, một mối quan hệ tay ba được hình thành giữa các nhà cung cấp vũ khí lớn của Israel, mối quan hệ của những công ty này với các tập đoàn Mỹ và khả năng xuất khẩu cho Việt Nam những trang thiết bị nhạy cảm.

RFI : Israel là nhà cung cấp vũ thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Nga, vào năm 2019. Tại sao Việt Nam lại chọn Israel hơn là một số nước khác ? Đâu là những điểm mạnh của công nghệ, ngành công nghiệp quốc phòng Israel thu hút Việt Nam ?

Benoît de Tréglodé : Điểm mới có thể được tóm tắt trong một chủ đề, đó là sự trỗi dậy của chiến tranh điện tử. Hiện tại, Quân đội Nhân dân Việt Nam cần trước hết ba loại thiết bị trong các lĩnh vực an ninh mạng, máy bay không người lái và liên quan đến chuyển giao công nghệ nhạy cảm về mặt do thám và không ảnh. Cả ba lĩnh vực này đều khá nhạy cảm.

Do ngành công nghiệp quốc phòng Nga bị cấm vận trên thế giới từ vài năm nay nên phần nào đó hạn chế mối quan hệ truyền thống vững mạnh giữa Nga và Việt Nam về mặt trao đổi vũ khí. Nói rõ hơn là Việt Nam hiện không còn mua của Nga những trang thiết bị thực sự đáp ứng được nhu cầu của họ. Một điểm khác, cũng rất quan trọng, đó là Hà Nội dè chừng việc quân đội và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga với các đối tác Trung Quốc xích lại gần nhau rất mạnh từ những năm 2014-2015.

Trong bối cảnh vừa mang tính địa-chính trị và công nghiệp này, những mặt hàng được đề xuất từ phía các nhà sản xuất vũ khí Israel phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Có thể thấy là từ năm 2016, Hà Nội đặt mua rất nhiều trang thiết bị của Israel, chủ yếu liên quan đến máy bay không người lái, giàn pháo, hệ thống quan sát, radar, tên lửa… Có thể nói là tất cả những gì mà các tập đoàn công nghiệp lớn của Israel chào bán đều đáp ứng được nhu cầu chiến lược, về mặt tổ chức lại những mối quan hệ xung đột, cũng như về mặt chiến tranh trên thực địa. Hiện giờ, chiến tranh điện tử cần đến những loại thiết bị mà Israel có thể cung cấp cho Việt Nam.

RFI :Trở lại trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO, mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Liệu Mỹ có lo ngại trường hợp tương tự đối với Việt Nam ?

Benoît de Tréglodé : Từ khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí đối với Việt Nam vào năm 2016, chúng ta thấy rằng hai nước này không có hợp đồng cung cấp thiết bị lớn nào. Điều này có thể được giải thích qua hai lý do.

Thứ nhất, đối với Hà Nội, về mặt địa-chính trị và chính trị, rất khó khiến các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, chấp nhận việc Việt Nam mua vũ khí phòng thủ vô cùng nhạy cảm từ Mỹ. Đây là một trong những yếu tố giải thích cho sự thành công của Israel từ vài năm nay bởi vì mua trang thiết bị quân sự của Israel, nếu nhìn vào mặt địa-chính trị, gây ít phiền toái hơn cho quân đội Việt Nam.

Thứ hai là do lo ngại mới đây của phía Mỹ. Họ sợ rằng việc xuất khẩu cho Việt Nam những trang thiết bị quân sự nhạy cảm không hẳn được bảo đảm an toàn và có thể dẫn đến những trao đổi không kiểm soát được với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia hiện có nhiều bất đồng lớn với Hoa Kỳ.

Những lý do này giải thích cho việc tại sao từ vài năm gần đây, Israel trở thành đối tác quốc phòng lớn thứ hai của Việt Nam.

RFI :Israel cũng chấp nhập chuyển giao công nghệ một số sản phẩm cho Việt Nam, ví dụ một dây chuyền sản xuất súng trường ở nhà máy Z-111. Liệu "đôi bên cùng có lợi" ?

Benoît de Tréglodé : Mặt chuyển giao công nghệ là một trong ba trụ cột duy trì mối quan hệ quốc phòng giữa Israel và Hà Nội. Đúng là các nhà công nghiệp Châu Âu, cũng như Hoa Kỳ hạn chế hơn về mặt này. Họ có hàng loạt hệ thống, tiêu chí liên quan đến chống tham nhũng, bảo vệ trang thiết bị nhạy cảm, những linh kiện được bảo vệ bởi những cơ cấu xuất khẩu… Những điểm này ít tồn tại hơn bên phía Israel và điều này chắc chắn tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước xích lại gần nhau.

Lấy ví dụ Tổng công ty Viễn thông Viettel của quân đội Việt Nam, từ vài năm gần đây đã quyết định phát triển một chương trình máy bay không người lái "cây nhà lá vườn", gồm thiết bị bay không người lái và máy bay tự hành có vũ trang. Trong khi đó, Israel lại nổi tiếng về lĩnh vực này. Bằng chứng gần đây nhất là cuộc xung đột ở Thượng Karabakh, quân đội Azerbaidjan được trang bị hàng loạt thiết bị bay không người lái vô cùng hiện đại của Israel. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt và giúp quân đội Azerbaidjan chiến thắng lực lượng vũ trang Armenia.

Cần nhớ rằng về nguyên tắc, ngành công nghiệp quốc phòng Nga không xuất khẩu thiết bị bay không người lái. Đây chính là điểm thứ hai giải thích cho việc nhờ cung và cầu mà Israel, Việt Nam xích lại gần nhau và thúc đẩy Hà Nội tăng cường mối quan hệ đối tác công nghệ và công nghiệp với Israel.

Ngoài ra, cần phải nêu thêm một ý khác do có một vài vấn đề trong mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Một số nguồn tin đã báo trực tiếp cho tổng bí thư-chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về nhiều khoản hoa hồng rất lớn trong những hợp đồng bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam và liên quan đến rất nhiều người trong giới lãnh đạo, kể cả trong Bộ Quốc phòng Việt Nam. Một cuộc điều tra đã được mở ra.

Một số dự án chuyển giao công nghệ hiện bị tạm đình chỉ khi đến gần Đại hội Đảng nhưng hiện giờ vẫn chưa tái khởi động, vì có một tranh chấp rất lớn, dù Đại hội đã qua. Việt Nam đang đàm phán để mua một vệ tinh giám sát, mang tính chất quân sự. Giữa các nhà sản xuất Israel và Hoa Kỳ có một sự đối đầu rất mạnh về vấn đề này. Đây có thể là nguồn gốc của một cuộc chiến công nghiệp quyết liệt và có thể gây hậu quả chính trị nghiêm trọng cho quốc phòng Việt Nam.

Chính trong bối cảnh này nên quan tâm đánh giá lại quan hệ song phương bởi vì việc này nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác vào lúc Hoa Kỳ chưa thực sự xuất khẩu thiết bị quân sự cho Việt Nam. Hiện nay, Washington có nhiều tham vọng đối với Việt Nam, còn các nhà công nghiệp Israel cũng sẽ có một đối thủ cạnh tranh lớn. Điều này vượt qua cả khuôn khổ chiến lược lớn về ngoại giao xác định quan hệ giữa Hà Nội với các đồng minh truyền thống Nga và Trung Quốc. Điều này cũng cần được hiểu theo nghĩa xung đột và cạnh tranh chiến lược giữa các nhà bán vũ khí của nhiều nước. Tất cả không hẳn mang tính ngoại giao nhưng lại rất gay gắt về mặt thương mại.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

*****

(1) Hệ thống tên lửa phòng không SPYDER ; tổ hợp radar cảnh giới nhìn vòng ELM-2288ER và ELM-2022 ; một số loại súng của hãng Israel Military Industries (IMI), súng tấn công Tavor, súng chống tăng Matador, hệ thống pháo phản lực bắn loạt tối tân như Extra, Accular ; máy bay không người lái Heron 1 MALE và một trạm kiểm soát trên mặt đất…

israel2

Súng chống tăng Matador của Israel trong trang bị của Hải quân đánh bộ Việt Nam.

(2) Các máy bay trinh sát, tuần tiễu biển của Việt Nam cũng được trang bị các khí tài trinh sát đồng bộ, hiện đại của Israel…

israel4

Việt Nam tự sản xuất nhiều dòng súng "Made in Vietnam" thích ứng với nhu cầu của Việt Nam : sản xuất súng tiểu liên AK, súng máy PKMS, súng bắn tỉa hạng nặng 12,7mm. Ảnh minh họa Gian hang triển lãm vũ khí của Việt Nam tại Indonesia

(3) Chuyển giao đồng bộ từ A-Z dây chuyền sản xuất súng bộ binh tiên tiến Galil ACE 31/32 tại Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Chính dây chuyền này đã giúp Việt Nam tự sản xuất nhiều dòng súng "Made in Vietnam" thích ứng với nhu cầu của Việt Nam : sản xuất súng tiểu liên AK, súng máy PKMS, súng bắn tỉa hạng nặng 12,7mm. Ngoài ra, Việt Nam tự cho ra đời hai mẫu súng trường tấn công thực sự "Made in Vietnam" đầu tiên, mang tên GK1 và GK3, dựa trên sự kết hợp những ưu điểm của hai dòng súng Galil ACE và AK ; chuyển giao công nghệ nâng cấp xe tăng T-54/55 và một số loại xe thiếp giáp...

***********************

Dấu ấn công nghệ quốc phòng Israel nổi bật trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Hùng Dũng, Kiến Thức, 26/09/2020

Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Israel trong thời gian vừa qua đã phát triển cực kỳ mạnh mẽ, qua việc hợp tác trong tất cả lĩnh vực quân sự từ lục quân, hải quân cho tới phòng không - không quân đều in đậm dấu ấn công nghệ quốc phòng Israel.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam là quốc gia đồng minh thân cận của Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa cùng với đó là quân đội ta sử dụng rất nhiều loại vũ khí có xuất sức Nga/Xô và các nước Đông Âu. Từ các lực lượng như bộ binh, pháo binh, tăng - thiết giáp cho tới hải quân, phòng không - không quân đều có sự phục vụ của các vũ khí Nga/Xô là nòng cốt. Có được một phần đó là nhờ chính sách viện trợ ưu đãi lớn của chính phủ Liên Xô dành cho chính phủ và quân đội Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết lớn giữa hai nước.

Tuy nhiên bước vào thế kỷ XXI, nhằm mục tiêu nâng cấp và hiện đại hóa mạnh mẽ lực lượng vũ trang của mình, đồng thời đặt ra yêu cầu đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, trang bị quốc phòng Việt Nam đã bắt tay hợp tác với nhiều nền quốc phòng tiên tiến khác trên thế giới. Các quốc gia đó có thể kể đến như Hàn Quốc, Belarus, Ukraine,… và đặc biệt không thể không nhắc đến là đối tác cực kỳ quan trọng - Israel.

Dấu ấn nổi bật đặc biệt chú trọng nhất giữa mối quan hệ quốc phòng Việt Nam - Israel đó chính là việc chuyển giao dây chuyền công nghệ sản xuất súng trường tấn công Galil Ace cho nhà máy Z-111 nhằm sản xuất đại trà để thay thế cho các loại súng bộ binh đã cũ có trong biên chế quân đội ta. Hợp đồng đã hoàn thành trong giai đoạn đầu những năm 2010 và cho đến năm 2015, khẩu Galil Ace đầu tiên đã được Việt Nam tự chế tạo thành công, đảm bảo thông số kỹ thuật tương đương với hàng nguyên bản.

israel4 (2)

Súng STV-380 của nhà máy Z-111 Việt Nam chế tạo.

Dựa trên công nghệ sản xuất Galil Ace, Việt Nam đã tự nâng cấp cải tiến, đưa ra những sửa đổi để phù hợp với đặc thù tác chiến riêng biệt của quân đội và cho ra mắt mẫu súng trường tấn công STV-380 cùng phiên bản carbin của nó là STV-215. Súng sử dụng một cơ cấu khóa an toàn kiểu AK và đưa tay kéo bệ khóa nòng sang bên phải thân súng, làm hộp khóa nòng kín và sửa đổi về ốp lót tay, còn lại cơ bản máy súng vẫn là thiết kế của Galil Ace.

STV-215/380 hiện đang được sản xuất đại trà số lượng lớn để sắp tới có thể thay thế các mẫu súng cũ đã qua sử dụng nhiều năm, đây chính là cuộc cách mạng về súng trường bộ binh lớn chưa từng có trong lịch sử phát triển quân đội ta, mở ra một bước tự chủ hoàn toàn về vũ khí trang bị cho người lính. Ngoài ra, dựa trên công nghệ Galil Ace, Việt Nam cũng cho ra đời thêm nhiều mẫu súng mới có thiết kế độc đáo như STV-410 hay STV-416, hiện các mẫu súng này đang trong quá trình thử nghiệm đánh giá tính năng.

Một loại súng trường bộ binh vô cùng nổi tiếng khác của Israel hiện cũng đang được trang bị số lượng khá nhiều trong biên chế các lực lượng đặc biệt của quân đội Việt Nam đó là Tavor Tar-21. Súng ban đầu được nhập khẩu hạn chế để trang bị cho Hải quân đánh bộ tuy nhiên sau thời gian sử dụng, nhận thấy nhiều tính năng ưu việt của súng, ta quyết định nhập thêm các lô mới để trang bị cho lực lượng đặc công chống khủng bố cũng như một số lượng nhỏ trang bị cho lực lượng bán quân sự.

israel5 (2)

Cận cảnh súng Tar-21 của đặc công Việt Nam

Tar-21 được thiết kế và chế tạo bởi hãng IWI nổi tiếng của Israel, là một trong những mẫu súng trường tấn công được đánh giá là tốt nhất trên thế giới hiện nay. Súng sử dụng thiết kế kiểu Bullup (cò súng nằm phía trước hộp tiếp đạn) cho phép nó hình dáng cực kỳ gọn gàng nhưng vẫn đảm bảo độ dài nòng để duy trì uy lực. Đồng thời, Tar-21 sử dụng cỡ đạn 5.56x45mm chuẩn NATO cực kỳ phù hợp với các nhiệm vụ đặc biệt cần độ chính xác cao, tốc độ bắn nhanh 750-950 phát/phút cùng với đó là được trang bị các ray Picatinny cho phép nó có thể mở rộng các loại phụ kiện hỗ trợ xạ thủV

Về súng tiểu liên, hiện nay Việt Nam cũng đã tiếp nhận công nghệ chuyển giao từ Israel để có thể tự sản xuất mẫu súng tiểu liên Micro Uzi với tên gọi TL-K12. Súng sử dụng cỡ đạn 9x19 Parabellum với tốc độ bắn cực kỳ ghê gớm, lên tới 1000 phát/phút, sử dụng hộp tiếp đạn 20 viên hoặc 25 viên. TL-K12 cũng có trọng lượng rất nhẹ, chỉ 2kg và thêm 0.5kg khi thêm một hộp tiếp đạn 25 viên, chiều dài 520mm khi mở báng và 282mm khi gấp báng, cực kỳ gọn gàng cho các nhiệm vụ tác chiến không gian hẹp trong tầm gần.


israel6

Súng ngắn Jericho 941 của đặc công Việt Nam.

Về súng ngắn, hiện nay nhà máy Z-111 cũng đang sản xuất mẫu súng ngắn Jericho 941 hiện đại theo công nghệ của Israel. Súng được thiết kế chế tạo trong giai đoạn 1990 và đang được trang bị số lượng cho lực lượng đặc công Việt Nam. Jericho 941 sử dụng cỡ đạn 9x19mm Parabellum đồng bộ với Micro Uzi. Tương lai đây sẽ là mẫu súng ngắn mới được trang bị để thay thế các loại cũ của Liên Xô và Trung Quốc đã qua thời gian dài sử dụng.

israel7

Bên cạnh các loại súng, Việt Nam cũng đã nhập khẩu số lượng lớn các trang bị bảo hộ cá nhân dành cho chiến sĩ từ Israel. Tiêu biểu trong đó có thể nói đến đó là mẫu mũ chống đạn làm từ sợi tổng hợp Kevlar có thể chống đạn súng ngắn 9mm. Mũ hiện nay đang được trang bị nhiều cho lực lượng đặc công.

Đặc công Việt Nam cũng đang trang bị các loại áo giáp chống đạn và balo thế hệ mới mang tên bộ trang bị Fusion nhập khẩu từ công ty Dolphin của Israel. Mẫu trang bị mới có đặc điểm là thiết kế hiện đại, có độ tùy biến cao và thoải mái với người chiến sĩ, phù hợp với thể trạng của người Việt, khả năng linh hoạt.

Hải quân đánh bộ Việt Nam bên cạnh mẫu súng trường Tar-21 cũng đang nhập khẩu số lượng lớn các loại áo giáp mang tấm chống đạn và áo mang trang bị Ciras từ Israel. Đây là các trang bị nằm trong bộ quân phục dã chiến kiểu mới của chiến sĩ Hải quân đánh bộ Việt Nam hiện đại hóa.

Hùng Dũng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Benoît de Tréglodé , Thu Hằng, Hùng Dũng
Read 1001 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)