Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2021

Chưa làm Thủ tướng, Phạm Minh Chính đã được tâng vào chức vụ cao hơn

Trần Khải Minh - Hai Hong Nguyen

Những cao vọng từ một tân Thủ tướng đa mưu

Trần Khải Minh, RFA, 04/04/2021

"Đa mưu" có lẽ là một căn tính nổi trội ở Phạm Minh Chính, người sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 5/4 tới đây, mặc dầu có một số ý kiến phản đối từ các bô lão trong Đảng.

chinh1

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Phạm Minh Chính trong một hội nghị trực tuyến tại Hà Nội hôm 21/1/2021 - Sài Gòn Giải Phóng

Kể từ khi "sếp" trực tiếp của Chính là tướng công an Hoàng Ngọc Nhất bị phế truất năm 2002, quá trình tiến thân từ một anh thư ký Văn phòng để trở thành một Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ vỏn vẹn có 19 năm.

Chừng ấy thời gian lăn lộn trong chính trường Ba Đình – từ việc cóp nhặt tin tức hàng ngày để bẩm báo, cho đến khi đứng đầu Chính phủ – là cả một sự lao tâm, khổ tứ nhiều khi vượt quá sức tưởng tượng. Nói tướng tình báo Phạm Minh Chính "đa mưu" là đánh giá cả quá trình ấy.

Cải cách hay độc tài ?

Dư luận trong và ngoài Việt Nam đều ghi nhận, trong Ban bí thư, trừ ông Trọng ra, không ai kết nối với Trung Quốc tốt bằng ông Chính. Đáng ngạc nhiên hơn, Phạm Minh Chính lại có thể từ Ban bí thư nhảy ngang qua Chính phủ, đánh bại 2 ứng viên nặng ký là Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ. Nhảy trái tuyến mà đánh bại 2 kẻ đi đúng tuyến thì ắt phải ủ mưu và được trợ lực rất lớn.

Các nhà viết sử tương lai sẽ kiểm chứng và nhận diện xem ai đã "chống lưng" cho Phạm Minh Chính ? Là trong Đảng hay từ ngoại bang ? Thật sự đó là những câu hỏi mà vào thời điểm hiện nay khó có câu trả lời thỏa đáng. Tình hình thời sự nóng bỏng của Việt Nam giờ này chưa phải là lúc "trà dư tửu hậu" để bàn sâu câu chuyện theo hướng ấy.

Điều dư luận trong nước cũng như quốc tế quan tâm hiện nay, đó là Phạm Minh Chính sẽ là nhà cải cách hay một chính khách độc tài ? Nghị trình thời gian tới đây của vị tân Thủ tướng này sẽ bao gồm những ưu tiên nào ? Dự đoán trong nội bộ cho thấy, ông Chính sẽ không "nổ" như ông Phúc. Ông Chính sẽ có 5 Phó Thủ tướng giúp việc và một dàn Bộ trưởng để chia sẻ trách nhiệm.

Nhưng chưa rõ tân Thủ tướng có dám bỏ qua những công việc sự vụ để lo chuyện lớn trong thiên hạ ? Không biết ông Chính có bớt xuất hiện trên truyền thông, dành thời gian cùng bộ hạ tính chuyện đại sự ? Và một câu hỏi tế nhị hơn đang được dư luận đặt ra : Liệu tân Thủ tướng có dừng lại ở ghế "Tể tướng" hay ông có tham vọng trở thành một "Hoàng đế" như Tập Cận Bình bên Tàu ?

Cái ghế Tổng bí thư

Câu hỏi nhiều hơn câu trả lời là đương nhiên đối với một chính khách không xa lạ trên chính trường nước Việt, nhưng lại vẫn còn nhiều phần bí hiểm và nguy hiểm như con người Phạm Minh Chính.

Nói bí hiểm và nguy hiểm là vì, chưa biết tới đây ông Chính sẽ dừng chân ở "nhà ga" nào ? Nếu tham vọng của ông chỉ đơn thuần là quyền lực kinh tế, thì ông sẽ thi thố năng lực trên cương vị Thủ tướng thời hội nhập sâu rộng. Mà đã là kinh tế tức là thị trường, không còn mấy làn ranh tư bản hay cộng sản, dù chỉ là trên danh nghĩa.

chinh2

Hình chụp hôm 31/1/2021 tại Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội : Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai bên phải) chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) tái đắc cử, các ông Vương Đình Huệ (bên phải), Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái sang) và Võ Văn Thưởng (trái) vỗ tay. AFP

Nhưng nếu ông Chính chỉ chọn ghế Thủ tướng như một giai đoạn chuyển tiếp để đạt được tham vọng cao hơn về quyền lực chính trị, thì đương nhiên ông sẽ hướng tới cái ghế Tổng bí thư. Không gian tư duy và hành động lúc này sẽ không chỉ là vấn đề thị trường, ở đây sẽ là xu hướng ngả theo Mỹ hay Trung Quốc, tức là chọn giữa dân chủ hay độc tài ? Định hướng phát triển của đất nước sẽ được thiết kế theo các giá trị phổ quát hay đi theo mô thức toàn trị ?

Trước mắt, ưu tiên của mọi ưu tiên đối với ông Chính có thể là tái cấu trúc lại tương quan quyền lực của "Bộ Tứ". Việc tái cấu trúc này không chỉ phục vụ cho khung khổ vận hành nhánh "hành pháp" do ông cầm chịch, mà còn hướng đến một tình huống tuy không bất định những vẫn chứa nhiều ẩn số. Đó là liệu trong một tương lai không xa, Bộ Chính trị sẽ đồng thuận ai là "ứng viên" cho chiếc ghế Tổng bí thư (Tổng bí thư) ?

Tính toán thay Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng khi dư âm Đại hội 13 "vô tiền khoáng hậu" vẫn còn đó, dễ bị khép vào tội "khi quân". Nhưng với tướng tình báo Phạm Minh Chính, lo xa chuyện ấy như một đòi hỏi nghiệp vụ thì lại phải được coi là hợp lý.

Bởi vì có nhiều chỉ dấu cho thấy, "ngai vàng" của Nguyễn Phú Trọng nhìn bề ngoài tưởng vững như bàn thạch, thậm chí trông như "vô đối", nhưng trên thực tế không hẳn là như vậy. Chiếc ghế Tổng bí thư của ông Trọng đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Có khiếm khuyết lộ diện khá rõ, nhưng nhiều cái lại tiềm ẩn. Trong đó dễ thấy nhất là vấn đề sức khoẻ.

Trạng thái sức khỏe của Tổng bí thư hiện là điều cực kỳ tế nhị và gây bức xúc đối với cả những người ủng hộ lẫn phản đối ông. Đối với các "fan" của ông, người ta thảng thốt hỏi nhau : chẳng may Tổng bí thư "về trời" bất chợt, Đảng sẽ thế nào ? Đất nước sẽ ra sao ? Ai sẽ là người "đốt lò" tiếp ?...

Đối với những người phản đối Tổng bí thư, người ta càng phẫn uất : Gần cả trăm triệu con dân nước Việt phải làm đàn cừu dưới cái gậy chăn dắt của một ông già từng đột quỵ, lên bục phải có người dìu ? Thà ông ngồi hẳn vào chiếc xe lăn, di chuyển như Tổng thống Franklin D. Roosevelt thì đi một nhẽ.

Túng nên đành phải tính

Nếu hướng tới chiếc ghế Tổng bí thư, tân Thủ tướng chắc chắn phải tính đến lá phiếu quan trọng nhất từ Bắc Kinh. Mà để giành được lá phiếu ấy, thì kế hoạch "Ba đặc khu" bị gián đoạn lâu nay cần được kích hoạt trở lại. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị trực tuyến sáng 28/3 quán triệt Nghị quyết Đại hội 13, ông Chính kêu gọi phải "có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm…".

Hẳn nhiên, ông Chính thừa thông minh để đẩy câu chuyện "Ba đặc khu" cho ông Phúc độc diễn, khi cũng tại Hội nghị trên, Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cần "tiếp tục nghiên cứu Luật đặc khu". Trước đây, chính Phúc từng chỉ thị phải đối thoại, phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quần chúng, của các nhà cách mạng lão thành, của các tầng lớp tri thức trong và ngoài nước về Luật đặc khu.

chinh3

Biểu tình phản đối Dự Luật Đặc khu ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6/2018. AFP

Vấn đề "khai thác chung" với Trung Quốc trong những vùng EEZ của Việt Nam trên Biển Đông chắc chắn cũng nằm trong nghị trình ưu tiên của tân Thủ tướng. Những ai từng biết ông Chính khi còn làm Tổng Cục phó tình báo Bộ Công an, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, thì đều rõ quan điểm của Chính : Với Trung Quốc, ta chỉ có cách cùng bạn "khai thác chung" mới yên ổn.

Chẳng thế mà mới đây, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng buộc phải tiết lộ khi tự kiểm điểm nhiệm kỳ Chủ tịch nước của mình, ông đã không thể cho công khai những "sự cố" xảy ra trên Biển Đông, vì vấn đề tế nhị. Truyền thông nhà nước trích lời ông Trọng đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ từ 2016 đến 2021 trước Quốc hội hôm 24/3, cho biết :

"Có những việc không thể nói công khai, nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt".

Cũng vì lẽ trên nên giờ đây, Trung Nam Hải có thể cảnh giác. Covid-19 gần như đang lật trái và xới tung cả thế giới lên. Cạnh tranh toàn diện Trung – Mỹ đang trên bờ vực của xung đột. Chưa biết tới đây sẽ là chiến tranh Nóng hay Lạnh. Đúng như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng viết : "Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa".

Và không thể để Việt Nam chập chững. Phải chống lưng cho một "bàn tay sắt" khác để đưa "đứa con hoang đàng" trở về "đất mẹ" như lời của Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì hiệu triệu năm 2014. Giờ đây là thời cơ để tân Thủ tướng đẩy mạnh hơn nữa 15 thoả thuận giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam ký từ hồi tháng 1/2017.

Dùng quốc khố tham gia BRI

"Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) là phép thử tiếp theo để Trung Quốc thẩm định "vận mệnh tương quan" giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Phạm Minh Chính sẽ có một sứ mệnh "vinh quang" là hướng dẫn dư luận trong vấn đề tham gia BRI của Trung Quốc. Theo người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, Luật ba đặc khu trước đây thất bại là do dân chưa hiểu (!).

Không rõ, Phạm Minh Chính rồi đây sẽ dùng dùi cui, nhà tù hay biện pháp mị dân nào khác trong vấn đề tiếp tục dùng ngân khố quốc gia hay đi vay tiền của nước ngoài để thúc đẩy BRI ở Việt Nam.

Gần đây, người dân trong nước mới được biết, Việt Nam là quốc gia xếp thứ hai về nhận vốn đầu tư từ BRI (Chỉ sau Pakistan), với tổng số tiền đầu tư năm 2020 là 2 tỉ 460 triệu USD cho hai dự án : Điện mặt trời Dầu Tiếng và Điện than Nam Định 1, với số vốn là 2 tỉ 16 triệu USD do Trung Quốc chủ đầu tư.

Trong khi đó, các công ty thuộc các nước phát triển ngày càng chối bỏ các dự án điện than vì vấn đề ô nhiễm môi trường và tàn phá sức khỏe người dân. Hơn ai hết, ông Chính biết rất rõ, tập đoàn Mitsubishi của Nhật đã tuyên bố rút khỏi dự án điện than ở tỉnh Bình Thuận. Trung Quốc, ngược lại, vẫn hăng hái thúc đẩy các dự án loại này.

Được biết, Phạm Minh Chính vốn từng dính rất sâu với 3X (Nguyễn Tấn Dũng), từ Trung ương khoá 12. Hồi ở Quảng Ninh, suýt nữa ông Chính thuyết phục được cả "ngôi vua tập thể" lái Quảng Ninh theo mô hình Thẩm Quyến qua cái gọi là "Đặc khu kinh tế Vân Đồn", nếu không vấp phải làn sóng phản đối từ dân chúng cả nước.

Phạm Minh Chính cũng bị tai tiếng là "đại ca", vì từng cùng hội cùng thuyền với Nhàn "AIC", Thái Minh "Ba Vàng"... nhưng chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng không hề đụng chạm gì đến các "sân sau" ấy của Chính.

Đúng như Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, từ Nghệ An tố cáo "đốt lò" chỉ là hành động lòe dân, đánh bóng cá nhân, kiếm cớ để "nhốt quyền lực" vào cái lồng riêng của Tổng bí thư. Trong bối cảnh ấy, ông Trọng đành chấp nhận để Phạm Minh Chính cùng Vương Đình Huệ vào "Bộ Tứ" nhằm cân bằng giữa các phe phái.

Riêng ông Chính được nhà báo Huy Đức tôn vinh là nhân vật của năm. FB Đỗ Ngà dự đoán ông Chính có thể trở thành một Putin của Việt Nam. Nhưng FB Phan Thái Bình không ngần ngại gọi Chính là "kẻ gian hùng" khi mượn lò của ông Trọng, nhân danh Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã ném vào đấy tất cả những ai từng là đối thủ nặng kí của mình (điển hình là kỷ luật một loạt tướng Công an).

Dự đoán về việc "trỗi dậy" của tân Thủ tướng, giới phân tích chính trị cho rằng, ông Chính sẽ là người phất "ngọn cờ đầu" của Đảng trên nhiều địa hạt, ngoại trừ tiếp tục sứ mệnh cái lò khét tiếng của ông Trọng. Bởi vì, dọn bãi đáp để với cao hơn, ông Chính sẽ không vội gây thù chuốc oán trong nội bộ.

Vĩ thanh

Chưa rõ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thuyết phục Bộ Chính trị thế nào về người kế nhiệm, nếu một khi sức khỏe không cho phép quản trị tiếp bộ máy. Việc thiếu ứng cử viên "hoàn hảo" là điều thuận cho ông Chính. Hầu hết các ứng cử viên nổi bật đều có khiếm khuyết nhất định và việc lựa chọn một trong số họ đòi hỏi phải đảo lộn các quy tắc kế thừa.

Với một số hiện tượng qua phân tích trên, có cơ sở để tin rằng, tham vọng của Phạm Minh Chính sẽ không dừng lại ở vai trò Thủ tướng Chính phủ. Việc ông Chính rồi đây sẽ leo tới tột đỉnh quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam là một khả năng thực tế. Và một khi ông Chính đạt được cao vọng ấy, mô hình phát triển của Việt Nam sẽ "trôi" về đâu ? Nếu độc tài thông minh hết thời thì sẽ chọn độc tài kiểu gì ?

Trên hướng ngược lại, nếu ông Trọng vẫn duy trì được thế "bao sân" như trước Đại hội thì liệu công cuộc "tái cấu trúc" quyền lực "Bộ Tứ" của ông Chính có vượt qua được cửa ải của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không là việc cần tiếp tục theo dõi. Chưa nói Phạm Minh Chính cũng không thể coi thường nhánh lập pháp hiện nay do tân Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ nắm.

Sự trỗi dậy của các tướng lĩnh do tân Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang dẫn dắt cũng là hiện tượng mới. Con đường binh nghiệp của tướng Giang có thể tạo ra tình thế cân bằng và đối trọng đáng nể hay không đối với các toan tính của tân Thủ tướng trong bang giao với Thiên triều là ẩn số lớn. Chắc chắn vai trò của quân đội rồi đây sẽ khác xa thời Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.

Cuối cùng, bài học lớn nhất đối với các nhà cầm quyền mọi thời đại là lòng dân. Con dân nước Việt hết sức nhậy cảm và quyết liệt bày tỏ sự phẫn nộ đối với mọi thế lực rắp tâm hy sinh quyền lợi quốc gia, phản bội lợi ích dân tộc.

Việc các sử gia dán nhãn "nhuận Hồ, nguỵ Mạc" (đặt 2 triều đại này ra ngoài lề của chính sử) đủ nói lên tính nghiêm khắc và công minh của lịch sử. Trong khi ấy, nếu giành được nhiều võ công, người dân sẵn sàng "thanh lý" khiếm khuyết cho các tập đoàn thống trị, nếu các tập đoàn ấy không làm nhục quốc thể.

Trần Khải Minh

Nguồn : RFA, 04/04/2021

Tham khảo :

- Việt Nam bầu chính phủ mới : Có phải càng sớm càng tốt ? (Nghiên cứu quốc tế, 24/03/2021)

- Phạm Minh Chính – Nhân tố bất thường sau Đại hội 13 (Viet-studies, 08/02/2021)

- PGS.TS Phạm Minh Chính – Dấu ấn từ Bí thư đổi mới đến chính khách "đa nghệ" (ideas.repec, 01/01/2021)

- The Rise and Rise of Nguyen Phu Trong (The Diplomat, 26/02/2021)

- The Final Victory of Nguyen Phu Trong (The Diplomat, 05/03/2021)

- Sau khi đăng bài chỉ trích ông Trọng, Bác sĩ Nguyễn Duy Hướng bị bắt (VOA tiếng Việt, 24/03/2021)

************************

Ứng cử viên Thủ tướng Việt Nam : lãnh đạo táo bạo với những kế hoạch táo bạo

Hai Hong Nguyen, Fulcrump, VNTB, 31/03/2021

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, dự đoán sẽ trở thành tân Thủ tướng của Việt Nam, người đứng đầu chính phủ trong hệ thống chính trị của Việt Nam, vào tháng tới. 

thutuong1

Phạm Minh Chính là ai ? Chức vụ thủ tướng của ông Chính sẽ hỗ trợ gì cho Việt Nam ?

Theo tiểu sử chính thức, ông Chinh sinh năm 1958 tại tỉnh Thanh Hóa và hoạt động phần lớn trong ngành công an từ năm 1984 đến tháng 8 năm 2011. Tháng 1 năm 2011, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam và giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an.

Kể từ đó, ông Chính đã nhanh chóng vươn lên nhóm lãnh đạo hàng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam. Tháng 8 năm 2011, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam phân công ông Chính làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Vào tháng 4 năm 2015, ông Chính được triệu tập trở lại Hà Nội làm Phó ban Tổ chức Trung ương, người quyết định nhân sự trong hệ thống đảng. Chín tháng sau, ông được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và được bổ nhiệm làm trưởng Ban Tổ chức trung ương.

Việc ông Chinh trở thành thủ tướng tiếp theo là một điều bất ngờ đối với nhiều người vì ông chưa từng phục vụ ở bất kỳ vị trí cấp cao nào trong chính phủ khác với ông Vương Đình Huệ, cựu phó thủ tướng trước đó đã được giới thiệu là có thể là ứng cử viên thủ tướng. Nếu được bầu, ông Chính sẽ là lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương đầu tiên và là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam mà không có nền tảng quản trị cấp cao đảm nhận vai trò này kể từ Đổi Mới năm 1986. Sự thăng tiến nhanh chóng của ông Chính cho thấy :

– đấu đá trong nội bộ đảng về việc phân chia quyền lực trước Đại hội 13 ; và /hoặc

– sự tán thành của cả đảng và các ban ngành chính phủ, đặc biệt là ngành công an mà ông vẫn có quan hệ chặt chẽ ; và /hoặc

– đánh giá cao kinh nghiệm ngắn hạn của ông trong việc chuyển đổi Quảng Ninh từ nền kinh tế "đen" phụ thuộc vào khai thác than sang nền kinh tế "xanh" với mũi nhọn là du lịch và sản xuất.

Có vẻ như các phương tiện truyền thông nhà nước đã hướng đến việc giới thiệu kỷ lục của ông Chính ở Quảng Ninh, dọn đường cho việc thăng chức của ông. Vài ngày trước Đại hội 13, các tờ báo lớn trong nước và địa phương liên tiếp đăng bài về thành tựu kinh tế của Quảng Ninh và nêu bật vai trò của ông Chính. Họ gọi ông Chính là một nhà lãnh đạo thông minh, cương quyết, mạnh dạn và có năng lực. Hơn nữa, trái ngược với thời gian phục vụ lâu năm trong ngành công an và thường được xem là "bộ mặt nghiêm khắc và lạnh lùng" của một quan chức đảng giám sát công tác tổ chức và nhân sự, các phương tiện truyền thông cho rằng ông Chinh là một nhà lãnh đạo cải cách và biến đổi.

Báo cáo chính trị của Đại hội 13 đưa ra ba mục tiêu phát triển chính trong giai đoạn 2021-2045. Mục tiêu trước mắt của ông Chính là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đang phát triển với nền công nghiệp theo hướng hiện đại và nâng cao GDP bình quân đầu người từ 2.750 USD cuối năm 2020 lên 5.000 USD vào năm 2025. Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn Covid-19 và những lợi ích từ mối quan hệ thương mại tiếp tục giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như xuất khẩu gia tăng từ các hiệp định thương mại tự do khiến những mục tiêu kinh tế này trở nên khả thi. Quỹ tiền tệ IMF đã dự báo rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình gần 7% trong giai đoạn 2021-2025. Nếu không có sự gián đoạn lớn nào nữa, Chính phủ có thể đạt được mục tiêu năm 2025.

Kinh nghiệm quan hệ đối ngoại của ông Chính phần lớn chỉ giới hạn trong các giao dịch với Trung Quốc và Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi tại Quảng Ninh, ông Chính dường như đã đặc biệt ưu ái các nhà đầu tư Trung Quốc vì muốn Quảng Ninh đi theo mô hình đặc khu kinh tế của Thâm Quyến, một thành phố ven biển của Trung Quốc cách Quảng Ninh không xa. Năm 2013, ông đã tiếp một phái đoàn từ Thâm Quyến đến thăm Quảng Ninh để chia sẻ kinh nghiệm về đặc khu của Trung Quốc. Năm 2018, Khi đó ông Chính là Phó Chủ tịch Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đã dẫn đầu một đoàn cán bộ Quảng Ninh đến Thâm Quyến. Lòng yêu thích mô hình đặc khu của Trung Quốc đã tạo tin đồn rằng ông Chính là người đứng sau ý tưởng thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn của Quảng Ninh, và dự thảo luật Đặc khu kinh tế. Dự thảo luật đặc khu sau đó đã bị rút lại do cuộc biểu tình công khai cho rằng luật này sẽ có lợi cho Trung Quốc.

Việc ông Chinh giữ chức Chủ tịch Hội hữu nghị Nghị sĩ Việt Nhật giúp ông có thêm vai trò chính thức trong quan hệ đối ngoại. Ông Chính đã đến thăm Nhật Bản vào năm 2016 và gặp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khi ông Suga thăm Việt Nam năm ngoái. Ông Chính mặc dù không có kinh nghiệm làm việc với các nước phương Tây như Hoa Kỳ ngoại trừ chuyến thăm ngắn hạn tới Phần Lan và Vương quốc Anh vào năm 2018. Là Thủ tướng, ông Chính sẽ cần phải xem xét cẩn thận các mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, kinh nghiệm trước đây của ông với Nhật Bản có thể có ích.

Con đường dẫn tới vị trí thủ tướng của ông Chinh có vẻ như sẽ được dọn sẵn. Tuy nhiên, di sản của người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc và thành tích ấn tượng về tăng trưởng kinh tế cũng như chống chọi với đại dịch còn rất lớn. Ông Phúc được bầu làm Chủ tịch nước. Người ta sẽ chú ý đến việc ông Chính chèo lái đất nước đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội tại Đại hội 13 đưa ra.

Hải Hồng Nguyễn

Nguyên tác : Vietnam’s Frontrunner for Prime Minister : Bold Leader With Bold Plans, Fulcrump, 29/03/2021

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 31/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Khải Minh, Hai Hong Nguyen
Read 953 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)