Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/04/2021

Vài suy nghĩ về dàn lãnh đạo trúng cử trước khi bầu

Khánh Hòa, Phương Anh, Nguyễn Duy

Chính phủ mới với toàn là người cũ

Khánh Hòa, VNTB, 07/04/2021

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội của Việt Nam, một chính phủ mới được thành lập với toàn người cũ của Quốc hội khóa đương nhiệm.

Gọi là toàn người cũ, vì đó là dàn ‘tứ trụ’ với các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ.

tuyenthe1

Các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ tuyên thệ trước Quốc hội - Ảnh minh họa

Trong lời tuyên thệ đọc khi nhậm chức ngay sau khi được bầu chọn hôm 5/4, ông Phúc nói : "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi – Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ : Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ra sức công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Đảng ở đây không ai khác chính là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã ngồi liên tiếp ở vị trí lãnh tụ Đảng suốt 3 nhiệm kỳ.

Hiện tại thì báo chí Việt Nam tiếp tục dùng những lời thoạt nghe giống như tán tụng về cái gọi là "Chính phủ mới".

Báo Tuổi Trẻ có loạt bài mà nếu phân tích về câu – từ, cho thấy có vẻ chê nhiều hơn khen : "Kỳ vọng lãnh đạo mới có quyết sách thúc đẩy dám nghĩ, dám làm" – "Kỳ vọng Chính phủ mới : Tạo đột phá, đưa đất nước phát triển bền vững" – "Kỳ vọng Chính phủ mới làm cho cán bộ sống được bằng lương" – "Đề nghị Chính phủ dành thời gian rà soát chính sách sử dụng nhân tài"…

Với cách đặt tựa bài báo kể trên, có thể hiểu tuần tự như sau : "Vì lãnh đạo cũ chỉ biết nói hay mà không biết làm cũng hay như đã nói" – "Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam, thật ra là ảo cả thôi vì phát triển vẫn chông chênh" – "Việt Nam vẫn đầy tham nhũng vì chẳng mấy ai sống được bằng lương" – "Chính sách nhân tài lâu nay là theo ý Đảng, nên thay đổi bằng chọn lựa từ lá phiếu của dân, bởi khó trăm lần dân liệu cũng xong"…

Có chăng về yếu tố mới ở đây ít nhiều là ông Phạm Minh Chính, một cựu Trung tướng Công an, Bí thư Quảng Ninh, người lo vụ đặc khu kinh tế hành chính Vân Đồn, và sau cùng là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng – lên làm tân Thủ tướng.

Ông Phạm Minh Chính xuất thân là một đặc vụ tình báo kinh tế của Việt Nam tại Đông Âu. Ông kín tiếng, kiệm lời, và trên cương vị là tân Thủ tướng, đưa đến cảm giác khi so sánh về ‘nghiệm vụ chuyên môn’ rất có thể đây là một Putin phiên bản Việt Nam.

Nếu ghi nhận bài viết này bằng giọng văn thuần tuyên giáo, sẽ biên tiếp theo kiểu vầy : Một Chính phủ nhiệm kỳ mới được đặt nhiều kỳ vọng mới. Nhưng kỳ vọng có đạt được hay không phải bằng hành động từ những quyết sách sáng suốt. Nhân dân đang kỳ vọng, nhưng nhân dân cũng chính là những người thầy nghiêm khắc từ thực tiễn – cụ thể, người dân đòi hỏi hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao nhất của mỗi thiết chế trong bộ máy nhà nước ngày càng cao.

Cơ chế, chính sách rõ ràng, thiết thực. Pháp luật phải quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả.

Nếu bài viết với nội dung xoay quanh ‘bình mới – rượu cũ’ được ghi nhận bằng ngôn ngữ chốn giang hồ không ngán ngại thị phi chính trị hóa, thì thách thức Đảng trả lời một thắc mắc chẳng hề ‘tự diễn biến’ chút nào, đó là lúc thử nhìn giác độ là một Quốc hội lập pháp, liệu người ta cần phải biện giải ra sao khi phải đến Chủ nhật 23/5 cử tri toàn quốc mới đi bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15, thế nhưng dàn nội các chính phủ của Quốc hội khóa 15 đã đâu vào đấy ngay từ hôm nay !

Rồi cũng chính tân nội các này giữ luôn vai trò điều hành cuộc bầu cử ngày Chủ nhật 23/5. Vừa là cầu thủ, vừa là trọng tài và cũng ấn định trước luôn các tỷ số trước luôn tiếng còi khai trận…

Còn nói kiểu huỵch toẹt, chẳng thèm úp mở, thì tin kín, tin mật nhưng lại được xì ra có chủ đích, có lựa chọn để thăm dò dư luận cho dân chúng làm quen trước và khi chính thức thì là chuyện đã rồi, không có gì mà sốc hoặc mất ổn định ; có trường hợp khác là rung chà cá nhảy. Một số được chọn làm cây bút tín hiệu để phát những tin này.

Chẳng có Thánh nào ở đây cả. Tất cả đã trở thành trò chơi của họ mà thôi. Xứ An Nam dân chúng là chúa thích hóng chứ không có khả năng nhìn thấy bản chất của vấn đề, nên cái tệ nạn lừa đảo, bịp bợm rất thịnh hành, phát đạt.

Đen – Đỏ cộng sinh, đây không phải là cái thứ dân chủ nào cả.

Khánh Hòa

Nguồn : VNTB, 07/04/2021

************************

Trên cương vị mới Phạm Minh Chính sẽ chiến hay hòa với Nguyễn Phú Trọng ?

Khi mới về trung ương bất ngờ lên nắm chức trưởng ban tổ chức trung ương thì lúc đó Phạm Minh Chính là nhân tố mới, là một ẩn số trên chính trường. Đó bước đầu tiên, từ vô danh thành hữu danh. Tuy nhiên bước ngoặt ấn tượng nhất của ông Chính là đại hội XIII khi mà ông là người đầu tiên tiến lên ghế thủ tướng từ vị trí trưởng ban tổ chức. Trong lịch sử, ngay cả chức thường trực ban bí thư trên chức thủ tướng một bậc thì cũng chưa có ai chiếm được ghế thủ tướng.

tuyenthe2

Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính tại một phiên họp. Nguồn : CP

Theo thông lệ từ xưa tới nay, thủ tướng là người đi lên từ chính phủ. Tuy nhiên việc xuất hiện nhân vật Phạm Minh Chính đã làm thay đổi luật chơi. Đây là việc làm mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể nhận ra là bất thường. Người phá luật chơi được là người có thực lực mạnh.

Chức vụ lớn tạo quyền lực lớn đó là lẽ thông thường. Chức vụ lớn quyền nhỏ đó là con người yếu kém, mà cụ thể đó là Nông Đức Mạnh. Con người ngồi 10 năm ở ghế Tổng bí thư nhưng quyền lực trong tay đã bị Nguyễn Tấn Dũng bào mòn làm ông ta lép vế trước thủ tướng thời đó.

Những con người mà ghế có quyền lực nhỏ nhưng tạo được quyền lực lớn cho mình thì thế nào những con người này có ngày cũng làm trùm cuối của hệ thống quyền lực Đảng cộng sản.

Có thể nói ông Nguyễn Phú Trọng là một con người như vậy. Chính ông ta tiếp nhận ghế Tổng bí thư từ Nông Đức Mạnh, trong lúc mà chiếc ghế này đã mất quyền lực về tay Nguyễn Tấn Dũng. Trong thế yếu, vậy mà chỉ cần 4 năm, ông Nguyễn Phú Trọng đã lấy lại được quyền lực vốn có cho ghế Tổng bí thư. Và đến đầu năm 2016, ông Trọng đã loại ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chính trường.

Có tin cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng lợi dụng chức Tổng bí thư mà cấu kết với người đứng đầu đảng và đứng đầu nhà nước ở Bắc Kinh để đảo chiều sức mạnh cho mình. Đấy là điều không có lợi cho đất nước. Tuy nhiên, nếu so sánh ông Trọng với đối thủ chính trị của ông như Nguyễn Tấn Dũng hay so với đồng minh của ông như Trương Tấn Sang thì ông Trọng vẫn giỏi tranh đoạt quyền lực hơn. Điều đó không thể phủ nhận.

Sau Nguyễn Phú Trọng là ai ?

Ông Nguyễn Phú Trọng đã lập nên cái lò khá lợi hại, nhờ cái lò mà ông làm nhiều đối thủ chính trị phải e sợ. Đến như Nguyễn Tấn Dũng thì bây giờ vẫn chưa yên tâm là con trai cả của ông có vào hay không thì nói gì đến những người khác. Để có được công cụ lợi hại như thế, ông Nguyễn Phú Trọng đã nổ lực từ 10 năm trước khi ông mới nắm ghế Tổng bí thư. Hiện nay có một nhân vật mới nổi có thể so sánh với Nguyễn Phú Trọng, người đó chính là Phạm Minh Chính.

Nếu so sánh những việc làm trong quá khứ thì cho thấy, ông Phạm Minh Chính đã chuẩn bị từ khi làm bí thư tỉnh chứ không đợi đến khi lên chiếc ghế cao nhất trong đảng rồi mới thực hiện những toan tính về sau.

Đa mưu túc kế là bản chất của ông Nguyễn Phú Trọng, tuy nhiên đó không phải là phẩm chất nổi trội của chính ông Trọng mà nó cũng là một phẩm chất nổi trội của con người khác. Đó chính là phẩm chất của ông Phạm Minh Chính, người sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 5/4 tới đây, mặc dầu có một số ý kiến phản đối từ các bô lão trong Đảng.

Thực tế cho thấy, ông Phạm Minh Chính tiến thân nhanh như tên lửa, và chính ông cũng vượt qua sếp mình là tướng công an Hoàng Ngọc Nhất ranh nhanh. Năm 2002 ông Hoàng Ngọc Nhất bị phế truất nhưng Chính thì vẫn cứ tiến những bước thật vững chắc. Từ vị trí thư ký Văn phòng để trở thành một Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ vỏn vẹn có 19 năm. Một con số kỷ lục, điều đó chứng tỏ ông Chính là một con người đa mưu túc kế bậc nhất trong Đảng cộng sản hiện nay.

Như đã nói trong nhiều bình luận trước đó của Thoibao.de thì hiện nay trong Đảng cộng sản chỉ có Trọng và ông Chính là hai người kết nối với Trung Quốc tốt nhất. Không phải ngẫu nhiên mà ông Chính lại có thể từ Ban bí thư nhảy ngang qua Chính phủ, đánh bại 2 ứng viên nặng ký là Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ. Nhảy trái tuyến mà đánh bại 2 kẻ đi đúng tuyến thì ắt phải ủ mưu và được trợ lực rất lớn.

tuyenthe3

Phạm Minh Chính ngôi sao đang lên

Như vậy thì có thể nói, giữa Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng là kẻ tám lạng người nửa cân. Ông Nguyễn Phú Trọng lợi thế hơn là ở chức vụ cao hơn và có kinh nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Phạm Minh Chính thì trẻ hơn và còn quỹ thời gian nhiều hơn để củng cố quyền lực cho mình. Quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng không thể mạnh hơn nữa mà chỉ có thể giảm, trong đó quyền lực của Phạm Minh Chính hứa hẹn sẽ lên cao hơn nữa.

Sư tử gặp hổ có sống chung được không ?

Suốt nhiệm kỳ 2011-2016, trên chính trường Việt Nam nổi nhất là Nguyễn Tấn Dũng và sau đó là Nguyễn Phú Trọng. Nếu nói ông Trọng là hổ thì ông Dũng cũng là sư tử chứ không kém cạnh. Năng lực đấu đá ai cũng vượt trội so với phần còn lại. Tuy nhiên, hai người này lại không ưa nhau, đó là thực tế. Và chính họ đã đấu nhau và cho đến hôm nay, Nguyễn Tấn Dũng đã rời chính trường rồi nhưng những đường đánh vẫn nhắm vào nhau chứ chưa ai buông.

Ngày nay ông Nguyễn Phú Trọng là hổ thì ông vẫn là hổ chứ chưa là mèo được. Uy quyền ông Trọng vẫn rất lớn, và với cái lò trong tay ông làm khiếp sợ không biết bao nhiêu người.

Trước đây ông Dũng ngồi ghế thủ tướng thì ngày nay ông Phạm Minh Chính cũng ngồi ghế thủ tướng. Nếu nói ông Nguyễn Tấn Dũng là sư tử thì ông Phạm Minh Chính cũng chẳng kém cạnh, cũng là sư tử mà lại là sư tử trẻ hơn nên hứa hẹn sức chiến đấu tốt hơn là sư tử già Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Phạm Minh Chính là con người thâm trầm, nói ít làm nhiều không khác gì ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu nói ông Nguyễn Xuân Phúc là thùng rỗng kêu to hay nổ mỗi khi có dịp xuất hiện trước công chúng, tuy nhiên ông Phạm Minh Chính là thùng đặc, không kêu to nhưng rất nặng ký. Đó là điểm khác biệt giữa ông Chính và ông Phúc.

Chính sẽ không "nổ" như ông Phúc. Ông Chính sẽ có 5 Phó Thủ tướng giúp việc và một dàn Bộ trưởng để chia sẻ trách nhiệm.

Thực tế qua 5 năm làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc không thể, và cũng không dám đối đầu với ông Trọng. Ông Phúc chỉ muốn an phận thủ thường ở chiếc ghế quyền lực thứ hai. Tuy nhiên nếu nói ông Nguyễn Tấn Dũng không an phận thì ông lại ở ghế thủ tướng hai nhiệm kỳ, còn an phận như Nguyễn Xuân Phúc thì ở ghế thủ tướng chỉ có một nhiệm kỳ, điều này chắc ông Phạm Minh Chính nhìn ra. Vì vậy có thể dự đoán ông Phạm Minh Chính sẽ không an phận thủ thường, tuy nhiên chiến bằng cách nào thì chưa thể phán đoán được vì nó còn đang ở thì tương lai khá xa.

Khi nào có thể chiến ?

Liệu với chức Thủ tướng ông Phạm Minh Chính có dừng lại ở ghế thủ tướng hay ông có tham vọng trở thành một "Hoàng đế" như Tập Cận Bình bên Tàu. Với cọ người được cho là "an phận thủ thường" như Nguyễn Xuân Phúc còn ham ghế Tổng bí thư huống hồ chi con người đầy tham vọng như Phạm Minh Chính ?

Không khó để nhận ra, ông Chính chỉ chọn ghế Thủ tướng như một giai đoạn chuyển tiếp để đạt được tham vọng cao hơn về quyền lực chính trị, thì việc ông sẽ hướng tới cái ghế Tổng bí thư là điều đương nhiên. Và muốn thâu tóm 2 chức vụ vào tay mình như Tập Cận Bình bên Trung Quốc hay như ông Nguyễn Phú Trọng trước đây thì trước hết phải đoạt được ghế Tổng bí thư đã. Và một khi ông Chính nhắm vào ghế Tổng bí thư thì cuộc chiến cung đình sẽ trở nên sôi động hơn trong những năm sắp tới.

Trạng thái sức khoẻ của của ông Trọng hiện giờ là điểm yếu dễ thấy nhất. Người ta không chắc ông Nguyễn Phú Trọng có thể ngồi ghế Tổng bí thư đến hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nếu chỉ ngồi giữa nhiệm kỳ thì sao, mà nếu ngồi đến hết nhiệm kỳ thì sao ? Với con người đa mưu túc kế như Phạm Minh Chính, ắt ông ta phải tính đến hai tình huống đó.

Với vai trò làm đứng đầu một nhóm lợi ích ở cung đình đang tranh giành ảnh hưởng với nhóm lợi ích Nguyễn Phú Trọng thì có lẽ ông Phạm Minh Chính khó có cơ hội "thừa kế ngai vàng" nếu ông Nguyễn Phú Trọng ra đi hay rút lui khỏi chính trường vì bệnh. Mà người thừa hưởng ghế Tổng bí thư trên danh nghĩa là thường trực ban bí thư Võ Văn Thưởng, còn người thực tế mà ông Trọng đang chọn thì không ai khác là Vương Đình Huệ. Vì vậy nếu tính cho trường hợp ông Trọng nghỉ giữa nhiệm kỳ thì ông Phạm Minh Chính phải kiểm soát được ông Huệ và ông Thưởng. Còn nếu tính cho tính huống thay ông Trọng cuối nhiệm kỳ thì ông Phạm Minh Chính cần cạnh tranh sức mạnh với thế lực của ông Trọng làm sao đến năm 2025, thế lực ông vượt qua được thế lực ông Trọng thì Phạm Minh Chính sẽ ngồi vào ghế quyền lực số một ấy.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 06/04/2021

*********************

Ngồi vào ghế của Trần Đại Quang, liệu Nguyễn Xuân Phúc có bi thảm như Trần Đại Quang không ?

Thông thường ghế chủ tịch nước là ghế được người ta gọi là ghế dùng để ngồi chơi xơi nước. Trên danh nghĩa ghế này xếp thứ nhì sau ghế Tổng bí thư, thế nhưng thực chất không ai trong tứ trụ muốn vào ghế này. Họ thà vào chiếc ghế xếp thứ tư là ghế chủ tịch quốc hội chứ không muốn vào chiếc ghế vô dụng này. Ông Vương Đình Huệ sau khi thất thế trước Phạm Minh chính trong cuộc chay đua giành ghế thủ tướng thì cũng chọn ghế chủ tịch quốc hội làm bến đỗ chứ không thèm làm chủ tịch nước.

tuyenthe4

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Như vậy thì ghế chủ tịch nước là không ai thèm lấy, nó vô thưởng vô phạt ? Chưa chắc như vậy. Với con người đầy tham vọng quyền lực như ông Nguyễn Phú Trọng thì không thể nói trước được điều gì. Được biết, để nhả được ghế chủ tịch nước ra cho ông Nguyễn Xuân Phúc thì ông Nguyễn Phú Trọng đã đàm phán với thế lực khác để sắp xếp ghế lại chứ không không chắc gì ông muốn nhả. Bởi ông đã tốn không biết bao nhiêu công sức và trí lực, ủ mưu rồi lên kế hoạch và phải mất đến 3 năm kế mới thành thì không lý do gì ông nhường một cách dễ dàng.

Vậy nên không loại trừ khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ giành lại chiếc ghế này trong những năm tới đây. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng là một con người làm chính trị có hạng trong đảng cộng sản, tuy nhiên nếu so sánh ông Phúc với ông Trọng thì ông Phúc còn thua xa lắm, mà trong khi đó ông Trọng lại nắm quyền lực lớn hơn ông Phúc rất nhiều. Vì thế, không hẳn số phận của ông Nguyễn Xâun Phúc đã yên bình như những ông chủ tịch nước trước đây như Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương vv… Ngồi cạnh con cọp dữ thì rất bất an.

Nguyễn Phú Trọng là người vừa bản lĩnh vừa tham quyền, ông Trọng sẽ là nỗi bất an của ông Phúc

Ông Nguyễn Phú Trọng đã loại được ông Trần Đại Quang một tướng công an khét tiếng, ông điểu khiển được Tô Lâm cũng là một tướng công an khét tiếng, và ông triệt hạ Nguyễn Đức Chung như lấy kẹo trong túi, Nguyễn Đức Chung cũng là một tướng công can có hạng. Đấy là những thành tích vượt trội của ông Nguyễn Phú Trọng so với Nguyễn Xuân Phúc.

tuyenthe5

So với Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc còn "non và xanh" lắm

Chưa hề có tiền lệ Tổng bí thư kiêm thủ tướng, nhưng Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước là mô hình mà Trung Quốc đã áp dụng từ thời Giang Trạch Dân mới lên ngôi, và tại Việt Nam cũng chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã kiêm nhiệm cả hai chức này trong hơn 2 năm trước khi trả nó về cho người khác.

Quanh ông Trọng có 2 người rời khỏi chính trường rất khó hiểu, thứ nhất là ông Đinh Thế Huynh – người được cho là đã bị mất trí và lui về ở ẩn, người thứ nhì là ông Trần Đại Quang, cả 2 người này đều có dính đến quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng.

Được biết, năm 2016 khi mà thiết kế suất đặc biệt cho mình và giới thạo tin cho rằng, ông Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ và giao ghế Tổng bí thư lại cho Đinh Thế Huynh. Tuy nhiên, đến giữa nhiệm kỳ thì ông Nguyễn Phú Trọng không hề nhường ghế mà thay vào đó là ông Đinh Thế Huynh bị bệnh phải đi Nhật chữa bệnh và rút lui khỏi chính trường nhường ghế thường trực ban bí thư lại cho Trần Quốc Vượng. Còn Trần Đại Quang thì đã bị nhiễm virus lạ chết và để lại chiếc ghế cho ông Nguyễn Phú Trọng ngồi.

Năm 2018 khi mà Trần Đại Quang mới chết thì không ai nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước, vì khi đó có rất nhiều ứng viên cho chiếc ghế này. Vì ai cũng nghĩ rằng, với ghế quyền lực nhất trong tay không đời nào ông Trọng lại tham ghế chủ tịch nước. Tuy nhiên sau đó cho thấy những gì mà nhiều người nghĩ đều sai hết. Ông Nguyễn Phú Trọng đã chiếm chiếc ghế mà ông Trần Đại Quang để lại. Lúc đó người dân mới hiểu về cái sự tham vọng quyền lực của ông Trọng nó lớn như thế nào.

Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế chủ tịch nước, lành ít dữ nhiều

Ngày 2/4 báo chí đồng loạt giật tít "Ông Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu làm Chủ tịch nước". Giật tít như thế thì ông Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn là tân chủ tịch nước rồi. Ông Nguyễn Xuân Phúc – ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ – được giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Về hình thức thì tiến lên vị trí cao hơn, nhưng thực quyền thì xem như ông Phúc bị tước hết quyền lực.

Ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Thủ tướng đến khi bầu được Thủ tướng mới khi Quốc hội miễn nhiệm ông. Đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước. Ngay trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Miễn nhiệm hay còn gọi là bãi chức là hình thức sau khi luận tội các quan chức dân cử ở các nước dân chủ. Tại các nước này, nếu tổng thống không làm gì có tội thì cứ theo hiến pháp, đến ngày đó giờ đó là tổng thống sẽ thành thường dân và người kế nhiệm sẽ là tổng thống chứ không ai bãi nhiệm tổng thống cả. Tuy nhiên ở các nước dân chủ là bầu cử thật, quốc hội thật. Còn ở Việt Nam bầu cử chỉ là giả tạo, nghĩa là chuyện bầu cử như là vở kịch, và tất nhiên họ sẽ làm trò miễn nhiệm mang tính chiếu lệ như là một thủ tục trong vở kịch đó, vậy nên họ đã diễn trò miễn nhiễm rất buồn cười như thế.

Dù chiếc ghế chủ tịch nước không có thực quyền, nhưng nếu kết hợp giữa chức chủ Tổng bí thư và chức chủ tịch nước thì tạo ra một tổ hợp quyền lực rất lớn. Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước nó là ông Nguyễn Phú Trọng như là hổ mọc thêm cánh. Hổ vốn dùng chân đã đáng sợ mà hổ còn có thể bay như chim thì đáng sợ hơn bội phần, mặc dù chỉ riêng đôi cánh ấy thì không đáng sợ.

Sau khi ông Trần Đại Quang từ trần ngày 21-9-2018, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9 đến ngày 23/10/2018. Đến ngày 23/10/2018, Quốc hội khóa XIV bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Như vậy, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 4 người giữ cương vị Chủ tịch nước gồm: Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và vào ngày 5/4 sẽ có thêm một Chủ tịch nước. Trong đó, ngoài bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, ba Chủ tịch nước còn lại đều tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Nhiệm kỳ 2021-2016, Nguyễn Xuân Phúc đã lấy đôi cánh của ông Trọng làm cho sức mạnh của ông Trọng giảm đi đáng kể, trong khi đó thực quyền của ông Phúc cũng không còn, xem ra ông Phúc lành ít dữ nhiều.

Liệu ông Phúc có khả năng xảy ra Trần Đại Quang thứ hai ?

Công tác đốt lò của ông Trọng sẽ tiếp tục, tuy nhiên nhiệm kỳ 3 này ông Trọng gánh vác nhiệm vụ nặng nề hơn khi mà trước mắt ông có Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải. Nếu đốn được 2 nhân vật này thì ông Trọng sẽ được thừa nhận là thế lực mạnh tuyệt đối bất kể Phạm Minh Chính có lớn mạnh thế nào. Tuy nhiên, vấn đề khó là hiện giờ ông Trọng đã là "hổ không cánh". Khi ông là "hổ mọc thêm cánh" mà ông còn không làm gì được hai nhân vật này thì khi ông bị tước đôi cánh, liệu ông có làm được chuyện động trời này không ? Câu trả lời là rất khó.

Khi mà ông Nguyễn Phú Trọng giữ 2 chức vụ cao trong đảng và trong nhà nước thì ông cũng chỉ bắt được Tất Thành Cang là con cá gộc nhất chứ chưa bắt được ai to hơn ông này.

Hiện ông Nguyễn Phú Trọng cho đem vụ án sai phạm ở SAGRI của em trai ông Lê Thanh Hải soi xét để làm rụt chí Lê Thanh Hải. Tuy nhiên theo đánh giá của thoibao.de chúng tôi thì việc này cho thấy rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đang bế tắc trong vấn đề cáo buộc ông Lê Thanh Hải chứ nó chẳng mang được ông Lê Thanh Hải đến gần hơn với vành móng ngựa. Sai phạm khủng của Lê Thanh Hải là sai phạm ở Thủ Thiêm chứ không phải là việc bổ nhiệm em trai vào tổng giám đốc SAGRI. Vì vậy muốn khui được Hải phải bắt đầu từ Tất Thành Cang.

Nếu giả sử như trong nửa nhiệm kỳ đầu ông Nguyễn Phú Trọng tóm được Lê Thanh Hải thì ông sẽ không cần thêm chức chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc làm gì, còn nếu trong nửa nhiệm kỳ đầu mà ông Nguyễn Phú Trọng cứ loay hoay không hạ được ông Hải thì rất có thể lúc đó ông Trọng cần thêm đôi cánh của Nguyễn Xuân Phúc để gia tăng thêm quyền lực. Vậy thì lúc đó, cái ghế chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc không yên và rất có thể ông Phúc lại thành Trần Đại Quang thứ hai thì sao ? Không biết được, mọi khả năng đều có thể xảy ra, hãy chờ xem ? !

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 06/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Khánh Hòa, Phương Anh, Nguyễn Duy
Read 902 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)