Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/05/2017

Định hướng mãi sẽ có ngày xuống lỗ !

Phạm Trần

Sau 6 ngày họp được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mô tả là "khẩn trương, nghiêm túc", Hội nghị trung ương 5, Khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc chiều Thứ Tư, 10/05/2017.

dinhhuong1

Hội nghị trung ương 5, Khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sau khi rặn mãi, Hội nghị mới đẻ ra được 3 Nghị quyết "đổi mới nhưng không đổi mầu", gồm :

- Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

- Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hãy để bàn sau chuyện doanh nghiệp nhà nước làm ăn ra sao mà phải "cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu qủa".

Mới mà vẫn cũ

Chuyện bàn ngay là làm gì có cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà hoàn thiện ?

Từ lâu kinh tế thế giới chỉ có hai cực rõ ràng : tự do tư bản và độc tài cộng sản. Chả làm gì có cái đứng giữa giở giăng giở đèn như lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tô vẽ cho khỏi bẽ mặt, vì đã mượn đầu heo tư bản nấu cháo cứu đói cộng sản.

Thế mà từ lâu, những cái đầu lý luận đá nhiều hơn óc được đảng nuôi ăn trong Hội đồng lý luận trung ương vẫn huênh hoang coi đó là một khám phá mới "chưa có tiền lệ" của Việt Nam.

Thực tế thì khác. Kể từ khi nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh công bố chủ trương được gọi là "đổi mới" tại Đại hội đảng VI năm 1986 để cứu Việt Nam khỏi chết thì chủ nghĩa cộng sản chỉ còn tồn tại trên lý thuyết ở Việt Nam.

Chính sách kinh tế mới chủ trương xóa bỏ nền kinh tế tập trung, bao cấptheo mô hình Liên Xô để chuyểnsang nền kinh tế theo định hướng thị trường của tư bản chủ nghĩa, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lãnh đạo.

Mô hình này giống hệt, hay gọi nôm na là "bản sao", chính sách kinh tế của Trung Quốc áp dụng từ năm 1978, nhằm mở cửa buôn bán làm ăn với tất cả các quốc gia không phân biệt thể chế chính trị để cứu nguy kinh tế và giải quyết nạn thất nghiệp, khi ấy tràn lan ở Trung Hoa lục địa.

Chủ trương này, bắt đầu từ thời "mở cửa" Đặng Tiểu Bình cho đến bây giờ, thời Tập Cận Bình, được mệnh danh là"Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc".

Phía Việt Nam chưa bao giờ nhìn nhận họ đã học làm kinh tế theo cách của Trung Quốc, hay được nước đàn anh khuyên noi theo để chống đói và phát triển. Nhưng 30 năm sau ngày "đổi mới", ông Trọng vẫn cương cổ lên khoe chủ trương "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam là "một sáng tạo mới của đảng ta về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (trích Diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 5 của ông Trọng).

Tuy nói thế, nhưng chưa chắc ông Trọng đã có thể giải thích rành mạch được ý nghĩa của việc "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" là theo đường lối kinh tế nào để đạt được "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" ?

Bởi vì, chính ông Trọng đã từng nói năm 2013 rằng : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" !

Nên biết Đảng Cộng sản Việt Nam đã xỏ mũi dân để "quá độ" từ khi cai trị miền Bắc năm 1954 mà bây giờ, 63 năm sau, vẫn còn phải tiếp tục " quá độ" thì bao nhiêu năm nữa nhân dân mới đến đến được ngưỡng cửa Thiên đàng ?

Sự lúng túng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hiện ra rất rõ tại Hội nghị trung ương 5 khi ông Trọng cố gắng lý luận vòng vo trong diễn văn bế mạc ngày 10/05 (2017) để cuối cùng thừa nhận dù làm kinh tế kiểu nào thì Nhà nước và Đảng vẫn nắm quyền lãnh đạo và kiểm soát.

Ông nói : "Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế từng bước được xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của đảng và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế ; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh ; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và bảo vệ tài nguyên, môi trường".

Sau lưng lời nói

Ông Tổng bí thư đảng nói vậy mà không phải vậy. Nếu Việt Nam có "nhà nước pháp quyền" thì làm gì có các vụ người dân kéo đi khiếu kiện tập thể kéo dài chống quan chức chiếm đất của dân bán cho các doanh nghiệp nhà nước hay của nước ngoài ?

Các doanh nghiệp của tư nhân và, nhiều trường hợp của nước ngoài, đã bị nhà nước kỳ thị, chèn ép trong các dịch vụ thuê đất, thủ tục hành chính, vây tiền và thuế vụ.

Trong khi các doanh nghiệp nhà nước, dù làm ăn thua lỗ liên miên, mang nợ chồng chất năm sau cao hơn năm trước mà vẫn được ưu đãi trong tất cả các dịch vụ để tồn tại.

Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi thấy ông Trọng lại hô hào : "Đổi mới vai trò, chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nền kinh tế và năng lực kiến tạo sự phát triển của Nhà nước, đặc biệt là năng lực, hiệu quả thể chế hóa đường lối, chủ trương của đảng và tổ chức thực hiện chính sách, luật pháp của Nhà nước".

Ông còn hứa : "Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị".

Ông Nguyễn Phú Trọng nói : "Trước mắt, cần khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn. Đổi mới, phát triển thị trường dịch vụ công, thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất…".

Toàn là hứa với hẹn như đảng và nhà nước đã nói đi nói lại trong suốt 30 năm qua, hay ít ra từ khi Đổi mới lần thứ nhất năm 2012.

Nếu nhà nước làm được như đã hứa thì kinh tế Việt Nam ngày nay không còn là nến kinh tế gia công, chỉ biết làm thuê cho nước ngoài để tồn tại.

Mấu chốt để phát triển là người dân phải có tự do để đóng góp khả năng phát triển và xây dựng đất nước. Các thương gia phải có tự do để kinh doanh, được đối xử công bằng và ngang hàng với các doanh nghiệp nhà nước. Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ hăng say đầu tư vào Việt Nam nếu có chính sách thông thoáng và được đối xử bình đẳng.

Vì vậy, dù ông Trọng có hứa sẽ "tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước" để "nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ; không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước…" nhưng nhà nước đã hứa làm như thế nhiều lần rồi mà có làm ra trò trống gì đâu ?

Kinh tế tư nhân

Có lẽ vì thế mà tại Hội nghị trung ương 5, ông Nguyễn Phú Trọng đã hết lời ca tụng vai trò kinh tế của tư nhân.

Ông nói : "Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên thực tế, kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển ; tỉ trọng trong GDP chiếm 39 - 40% ; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn ; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh".

Ông còn khuyến cáo cán bộ, đảng viên có trách nhiệm : "Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để bảo đảm xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm".

Ông cũng khuyến khích : "Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp".

Ngôn ngữ bảo thủ, giáo điều

Ông Trọng nói thế thì hãy cứ nghe và hãy kiên nhẫn chờ xem đảng và nhà nước có làm như đã hứa sẽ làm hay cũng chỉ nói cho vui miệng như đã từng diễn ra trong suốt 30 năm qua ?

Chỉ có điều là chừng nào Đảng Cộng sản Việt Nam còn duy trì làm kinh tế thị trường mà vẫn phải có cái đuôi "theo định hướng xã hội chủ nghĩa", và đảng phải chỉ huy, nhà nước tiếp tục được quản lý thì nền kinh tế này vẫn không thể ngóc đầu lên được.

Bởi vì chính sách kinh tế chỉ huy này, dù có ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào cũng không che được sự thật là hoàn toàn chống lại nền kinh tế thị trường của các nước dân chủ và tự do và là lực cản của phát triển trên mọi lĩnh vực

Bằng chứng là ông Trọng đã quanh co khi giải thích "định hướng xã hội chủ nghĩa" trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam là : "nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"".

Ông còn khoe không biết ngượng rằng : "Tính hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thể hiện ở chỗ : Kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn 30 năm đổi mới ; có hệ thống pháp luật, các thiết chế, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với thị trường và các nền kinh tế trên thế giới ; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực phổ biến của thế giới đương đại".

Đáng tiếc là ông Trọng đã học thuộc lòng để đọc lại quan điểm kinh tế bảo thủ, giáo điều và lạc hậu của Hội đồng Lý luận trung ương, cơ quan đã viết các Tài liệu về kinh tế và đổi mới lần hai cho Ban chấp hành trung ương đảng thảo luận tại Hội nghị 5.

Vì vậy kẻ thắng thế là những cái đầu đất sét trong Hội đồng Lý luận trung ương và người dân luôn luôn là kẻ thất bại, dù phải trả hết chi phí cho những người tham gia vào Hội nghị quan trọng này.

Phạm Trần

(11/05/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 1586 times

1 comment

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)