Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/06/2021

Lời nói của Đảng không đi đôi với hành động

Nguyễn Đức Hạo Nhiên

Liên tục tố cáo, phòng ngừa lẫn nhau, kêu gọi đoàn kết, chống tư tưởng ‘lệch lạc’ trong đảng như thế chỉ có trong một đảng đầy chia rẽ và thiếu tự tin.

hoithao1

Hội thảo khoa học cấp quốc gia, chủ đề "Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống - Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới". Ảnh : Tùng Giang

Sáng 16/6, tại Học viện Chính trịQuốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống – Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới".

Hội thảo góp phần phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ và sâu sắc các văn kiện Đại hội XIII của Đảng ; đề xuất những giải pháp để khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Ủy viên Bộ Chính trị,Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể triển khai các định hướng quan trọng mà Văn kiện Đại hội XIII đã nêu ra. Trong đó, định hướng quan trọng là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" đi đôi với phát huy trách nhiệm nêu gương, khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, quyết liệt trong hành động.

Những ‘định hướng quan trọng’ này đã được các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, từ Chủ Tịch Hồ Chí Minh, nhắc đi nhắc lại không ngớt, chỉ có điều trong thời kỳ đầu của Đảng người ta không nghe đến những cụm từ như "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thay vào đó là những cảnh giác, tố cáo nhau tả khuynh, hữu khuynh, thân Nga, thân Tàu, thân Mỹ, thân Tây phương. Liên tục tố cáo, phòng ngừa lẫn nhau, kêu gọi đoàn kết, chống tư tưởng ‘lệch lạc’ trong đảng như thế chỉ có trong một đảng đầy chia rẽ và thiếu tự tin, dù là chính đảng hay băng đảng xã hội đen.

Đối với Đảng cộng sản Việt Nam thì sự chia rẽ, tan vỡ là hiểm họa kinh khủng nhất. Ngày càng nguy hiểm hơn nữa khị tư tưởng "diễn biến hòa bình", "tự chuyển biến" mỗi ngày một phát triển nhanh hơn trong đảng, đến nỗi bất cứ trường hợp nào có mặt đông đảng viên, những lời kêu gọi đoàn kết, chống tự diễn biến đều được lập đi lập lại. Luận điệu đổ tội cho thế lực thù địch như, hiện nay, tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện "diễn biến hòa bình", lợi dụng khó khăn, khuyết điểm để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta ; dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, kích động, chia rẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây nên "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", được thấy luôn luôn trên những phương tiện truyền thông của Đảng, trong lớp học, đại hội từ xã đến trung ương.

Tự diễn biến không phải là âm mưu của kẻ thù nào cả, đó là tiến trình tư tưởng tự nhiên của nhiều động vật, mà hơn cả là con người, khị được tiếp xúc với thông tin hay môi trường thích hợp, nó bị thôi thúc tìm cách thoát ra khỏi môi trường đó ; khác với nhiều loài động vật được thuần dưỡng, quen sống trong một khuôn khổ, khó hay không thể thay đổi, dù môi trường sống có càng ngày càng khắc nghiệt. Loài cỏ cây mọc lên, ăn bám vào môi trường quen thuộc chỉ có thể bị tiêu diệt chứ không thể dứt khỏi môi trường đang cắm rễ mặc dầu môi trường trở nên tệ hại hơn.

Số người tự diễn biến trong đảng, dù nếu càng ngày càng đông thêm, nhưng hiện tình, vẫn không là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến đoàn kết của Đảng, lại càng không là nguyên nhân duy nhất gây chia rẽ trong đảng. 

Trong nước chỉ có một đảng độc quyền cai trị, mọi tài nguyên quốc gia đều nằm trong tay đảng, và khát vọng của Đảng là trường tồn với dân tộc thì cạnh tranh vượt lên trên đồng chí trong đảng, tranh giành quyền lợi, địa vị cao hơn, bổng lộc nhiều hơn là lẽ thường tình. Điều đó không khác nào trong thời phong kiến khi các dòng họ cấu kết với nhau để tạo nên hệ thống chằng chịt cùng cai trị và hưởng lợi từ đó gây ra bè cánh, lợi ích nhóm, chia rẽ.

Hồ Chí Minh nói : "Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình, tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình, phê bình và tự phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa", hay "Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người" [1]. 

Điều này đúng, nhưng chỉ đúng trong một môi trường lý tưởng, ở đó mọi người tin cậy nhau hoàn toàn và thật sự đoàn kết, thương yêu nhau như trong một gia đình, không kiêng nể, dấu lỗi của mình, im lặng hay che dấu lỗi người khác, hay xuề xòa sợ mất lòng, tô hồng chuốt lục cho nhau, hoặc ngược lại lấy những buổi họp phê, tự phê để đấu tố nhau, nhận chìm danh dự của nhau. Có lẽ chi bộ vài người của Hồ Chí Minh cũng không thể có điều kiện lý tưởng này trong các buổi phê, tự phê.

Báo Lao Động online số 17/04/2021 với bài "10 năm không phát hiện tham nhũng : Chẳng còn ai giật mình, xấu hổ nữa" cho biết "năm 2016, Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo đã từng phát biểu rằng hình như họ bao che cho nhau, không ai khai ra ai, họ dựa vào nhau, cùng nhau chia sẻ lợi ích theo kiểu dĩ hoà vi quý. Và bối cảnh của phát ngôn là báo cáo công tác tự kiểm tra nội bộ từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh : Không phát hiện tham nhũng".

Hà Nội, vẫn lại tuyên bố : "Chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào" qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Mà đó là suốt từ 2009 đến tháng 6/2020. Tổng cộng hơn 10 năm. Thành phố Hồ Chí Minh : 10 năm chỉ có 1 trường hợp kê khai tài sản không trung thực.[2] 

10 năm, 12 năm kiểm tra, thanh tra, rà soát nội bộ không phát hiện trường hợp tham nhũng nào, thì các buổi phê và tự phê liệu có thành thật ở hai thành phố đầu não có những chi bộ mạnh nhất nước không ? Liệu tình trạng này có khá hơn ở các thành phố khác không ? 

Không trung thực, bao che cho nhau, nhân rộng thành tích là truyền thống trong đảng. Lời kêu gọi cán bộ chủ chốt nêu gương lập đi lập lại giống cơm bữa, nhưng chính người kêu gọi cũng không tự làm gương. Biết bao "thủ trưởng" theo nhau vào tù vì tham nhũng, những người "thoái hóa, tham nhũng, vô trách nhiệm" gì gì đó chưa bị các băng nhóm khác trả thù, phát hiện còn đầy rẫy. Bệnh "kiêu ngạo cộng sản"khiến Đảng không bao giờ nhận lỗi trước đồng chí, trước nhân dân. Đảng luôn có lý do để ngụy biện che giấu sai lầm, thất bại của họ. Bệnh "kiêu ngạo cộng sản"ca Đảng truyn xung đảng viên, h lp li cách sng, cách suy nghĩ, hành động không khác gì đảng. Chính Hồ Chí Minh là người đầu têu bênh vực cho cái bệnh quái dị này khi ông đổ lỗi cho tất cả thói hư tật xấu của Đảng viên, cán bộ là do tàn dư chế độ cũ : "Ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hóa. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm : kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân" [3].

Cho đến nay, những thói hư tật xấu ông Hồ Chí Minh nói ở trên đã không hết mà còn tăng lên rất nhiều. Đảng học theo lãnh tụ cách đổ lỗi cho thế lực thù địch. Gian dối của Đảng, của Đảng viên không còn cần che dấu như ngày trước cán bộ mua thêm miếng thịt ngoài chợ đen cũng phải che bằng bó rau muống lên trên mà công khai hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật bằng biệt phủ khi sống, lăng tẩm khi chết. Chứng tỏ tham nhũng, ăn cắp của công, quan liêu, lãng phí, kết phe, tạo cánh lồ lộ trong đảng, bất chấp dư luận và sự đau khổ thiếu tự do, thiếu ăn, thiếu mặc của đa số người dân. 

Những lời kêu gọi của các quan chức kể cả của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng theo như lời lẽ của ôngỦy viên Bộ Chính trị,Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí MinhNguyễn Xuân Thắng trong buổi hội thảo nói trên, nên là lời kêu gọi thật sự cảnh tỉnh cho chính họ. 

Nguyễn Đức Hạo Nhiên

Nguồn : VNTB, 18/06/2021

--------------------

Tham khảo :

[1 [Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 2002, tập 5, tr. 232.

[2] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/10-nam-khong-phat-hien-tham-nhung-chang-con-ai-giat-minh-xau-ho-nua-899621.ldo

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr. 508-509 ; tr. 467. 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Đức Hạo Nhiên
Read 523 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)